Tình sử Angélique

Chương 32


Đọc truyện Tình sử Angélique – Chương 32

Angiêlic tưởng mình đã tới Pari trong khi cỗ xe của nàng hãy còn lăn bánh ở vùng ngoại ô. Xe vừa mới qua cửa ô Xanh-Ônôrê, nàng đã thấy thất vọng vì những đường phố chật và bùn lầy.
Cỗ xe của Angiêlic được ông Angđigiô cưỡi ngựa đi hộ vệ và có một xe ngựa chở hàng cùng hai người ở cưỡi ngựa theo sau, phải mất hơn hai giờ mới đến khu phố Xanh Pôn. Cuối cùng xe đã tới phố Bôtrây và đi chậm lại.
Đoàn xe ngựa dừng lại bên ngoài một cái cổng lớn bằng gỗ thanh ghép mắt cáo, có khóa sắt và tay nắm để đập cửa bằng đồng đen.
Một người đầy tớ đến mở cửa xe.
– Chúng ta đã tới nơi, phu nhân ạ. – Hầu tước Angđigiô nói.
Ông ta vẫn ngồi trên lưng ngựa, và mở to mắt nhìn cái cổng với vẻ mặt kinh ngạc.
Angiêlic xuống xe và chạy tới một căn phòng nhỏ chắc hẳn là chỗ người gác cổng Thụy Sĩ ở. Nàng cáu kỉnh giật chuông, thật không thể chấp nhận được vi gọi mãi mà không có ai ra mở cổng chính. Tiếng chuông réo lên như ở chỗ vắng người. Khung cửa kính của phòng người gác cổng thì đen xì, cáu bẩn. Mọi vật đều im lìm.
Mãi đến lúc này, Angiêlic mới nhận thấy hình dáng kỳ lạ của cái cổng mà ông Angđigiô vẫn ngồi đờ ra nhìn như bị sét đánh. Nàng lại gần cổng. Những sợi dây đỏ được buộc chằng chịt vào cổng, có gắn xi màu đóng dấu. Một tờ giấy trắng cũng gắn xi đóng dấu mang dòng chữ:
Tòa án Hoàng gia
Pari
Ngày 1 tháng 7 năm 1660.
Há hốc mồm vì kinh ngạc, nàng tròn xoe mắt không sao hiểu nổi. Đúng lúc ấy cánh cửa phòng nhỏ mở hé, qua đó thò ra khuôn mặt bối rối của một người đấy tớ mặc chế phục nhàu nát. Trông thấy cỗ xe, anh ta hấp tấp đóng ngay cánh cửa lại: nhưng nghĩ thế nào không biết, anh ta mở cửa lần nữa và bước ra một cách ngập ngừng.
– Bác có phải là người gác cổng của căn nhà này không? – Angiêlic hỏi.
– Vâng… vâng ạ, thưa bà, đúng là tôi, Báptixtờ ạ. Và tôi có nhận ra cỗ xe… xe của ông … ông chủ tôi ạ.
– Thôi, đừng lắp bắp thế nữa, đồ ngốc! – nàng kêu lên và dậm chân. – Hãy nói ngay cho ta biết: Ông Perắc nay ở đâu?
Người đầy tớ nhìn chung quanh, vẻ lo sợ. Vì những người làng giềng đều đi vắng cả, anh ta có vẻ yên tâm. Anh đến gần hơn nữa, ngước mắt nhìn Angiêlic, rồi đột ngột ngồi xụp trước mặt nàng đồng thời vẫn tiếp tục đưa mắt lo ngại nhìn chung quanh.
– Trời ơi! Bà chủ trẻ tuổi tội nghiệp ơi! ông chủ tội nghiệp của tôi! – người đầy tớ kêu lên – Tai biến khủng khiếp biết chừng nào!
– Nói đi! có chuyện gì xẩy ra thế! – Nàng nắm lấy vai anh ta lắc mạnh, sợ hết hồn, nàng nói tiếp:
– Đứng dậy, đồ lẩn thẩn! Nói cái gì mà người ta không sao hiểu nổi! Nhà tôi đâu rồi? Ông ấy mất rồi à?
Người kia khó nhọc mới đứng lên được và lẩm bẩm:
– Họ bảo rằng ông nhà đang ở trong ngục Baxtiơ. Ngôi nhà này đã bị niêm phong rồi. Tôi có nhiệm vụ canh giữ nhà này và lấy tính mạng mình ra bảo đảm. Còn bà thì phải trốn đi ngay thôi, kẻo lại quá muộn, thưa phu nhân!
Nghe nhắc đến cái tên nhà ngục kiêm pháo đài Baxtiơ khét tiếng ấy, Angiêlic chẳng những không khiếp sợ chút nào, mà ngược lại còn thấy yên tâm hơn trước, sau bao ngày lo âu khiếp đảm, người ta có thể ra khỏi nhà tù. Nàng biết rằng ở Pari, nhà ngục khủng khiếp nhất chính là ngục của Tòa tổng giám mục, được xây ở khu đất thấp dưới mực nước sông Xen nên có nguy cơ bị ngập lụt vào mùa đông; rồi sau đó là ngục Satơlê và ngục nhà thương chung, là hai nhà lao để giam dân thường. Ngục Baxtiơ là nơi giam những người quý tộc. Mặc dù có những truyền thuyết ghê rợn về những phòng ngục tối ở dưới chân tám ngọn tháp cao của nhà tù này, dư luận rộng rãi cho rằng việc bị giam giữ trong ngục Baxtiơ không làm mất danh dự người quý tộc.
Angiêlic buông một tiếng thở dài nhẹ, và nàng hết sức lấy lại bình tĩnh để đối phó với tình hình.

– Tôi cho rằng tốt hơn hết là không nên ở quanh quẩn chốn này. – nàng nói với ông Angđigiô.
– Vâng, vâng, thưa Phu nhân, cần phải nhanh chóng đi khỏi đây thôi. – Người đầy tớ nói khẩn khoản.
– Điều khó khăn là đi đâu bây giờ. À, mà thật ra, tôi cũng còn một người chị ruột ở Pari này. Tôi không biết địa chỉ bà chị, nhưng ông chồng bà ấy là Biện lý của Nhà vua, tên là ngài Phalô. Tôi còn nhớ rằng sau khi ông ấy cưới chị tôi, ông ta lấy tên là Phalô Xăngxê.
– Nếu chúng ta đi tới Tối cao Pháp viện, chắc chắn ở đấy họ sẽ có thể chỉ dẫn cho. – Ông Angđigiô nó
Cỗ xe ngựa và đoàn tùy tùng lại tiếp tục đi trên đường phố Pari. Angiêlic không còn lòng nào ngắm nhìn quang cảnh phố phường. Nàng hỏi được địa chỉ của ông biện lý Phalô, ông này cũng giống như nhiều quan chức tòa án, sống không xa Tối cao Pháp viện. ở Đảo Đô thành trên sông Xen, thuộc xứ đạo Xanh Lăngđri. Đường phố thì tên gọi là phố Địa ngục, đối với Angiêlic, có vẻ như đó là một điềm gở.
Cỗ xe dừng lại trước một căn nhà mà bề ngoài cũng xấu xí như các nhà khác cùng phố, mặc dù là mỗi tầng đều có ba cửa sổ khá cao và rộng. Văn phòng đặt ở tầng dưới cùng liền mặt đường, ngoài cửa có gắn tấm biển đồng mang dòng chữ:
“Ngài Phalô Xăngxê , Biện lý”
Hai người thư ký, đang đứng ngáp vặt ở ngưỡng cửa phòng, chạy bổ đến chỗ Angiêlic ngay khi nàng vừa bước ra khỏi xe, rồi vội vã tuôn ra một tràng những từ chuyên môn khó hiểu.
– Tôi không đến đây về chuyện kiện tụng – Angiêlic bảo họ – Tôi cần gặp bà Phalô.
Tiu nghỉu, hai người thư ký chỉ một cái cửa ở bên trái dẫn đến nhà riêng ông biện lý.
Angiêlic kéo cái tay nắm bằng đồng đập cửa, và cảm thấy đôi chút phấn chấn trong khi đứng chờ người ra mở cửa. Một cô hầu gái tròn trĩnh ăn mặc sạch sẽ đội mũ vải trắng ra mời nàng vào phòng đợi; nhưng ngay sau đó chị nàng là Ooctăngxơ đã hiện ra ở trên đầu cầu thang, bà đã nhìn thấy cỗ xe qua cửa sổ.
Angiêlic cảm thấy bà chị sắp ôm choàng lấy cổ mình, nhưng hình như sau đó lại thay đổi ý kiến và giữ một vẻ xa cách. Hai chị em hôn nhau chẳng lấy gì làm nồng nhiệt.
Trông dáng người Ooctăngxơ thấy gầy hơn và cao hơn ngày xưa. Bà nói:
– Cô em
– Sao chị lại gọi em là cô em tội nghiệp? – Angiêlic hỏi.
Bà Phalô yên lặng ra hiệu về phía cô hầu gái và kéo em vào phòng mình. Đây là một phòng ngủ rộng rãi đồng thời dùng làm phòng khách, vì thấy bày nhiều ghế tựa, ghế đẩu và trường kỷ quanh một cái giường có che rèm rất đẹp và trải khăn phủ giường bằng lụa hoa màu vàng.
Căn phòng khá tốt vì những ô kính cửa sổ tráng thủy ngân những lúc trời nóng thì bóng tối lại có phần dễ chịu. Sàn nhà lát đá được rắc nhiều đám cỏ tươi cho mát. Angiêlic khoan khoái hít thật sâu mùi thơm thôn dã của cỏ xanh.
– Chị có một tổ ấm rất hay – nàng nói với Ooctăngxơ.
Bà chị vẫn không tươi nét mặt lên chút nào:
– Đừng tìm cách đánh lạc hướng tôi bằng cách làm ra vẻ vô tư lự. Tôi biết hết rồi.
– Chị may mắn thật, còn em thì thú thật em mù tịt về những chuyện xảy ra đối với bản thân.
– Sao cô lại dại dột đến mức phô trương lộ liễu thân mình giữa Pari? Ooctăngxơ kêu lên và ngước mắt lên trời.
– Nghe này, chị Ooctăngxơ, chị chớ có làm bộ ngước mắt nhìn trời như vậy! Không hiểu ông chồng chị thấy thế nào, nhưng em thì vẫn nhớ được rằng xưa nay em chưa bao giờ có thể nhìn thấy chị giở trò ấy mà lại không điên tiết, muốn vò nát đôi tai chị ra! Bây giờ em sẽ nói hết với chị điều gì em biết, sau đó chị hãy nói cho em nghe điều gì chị biết.

Nàng thuật lại đầu đuôi chuyện hai vợ chồng mình đến Xanh Giăng đờ Luy dự lễ cưới của Vua, rồi Bá tước Perắc bỗng dưng biến mất ra sao. Dựa vào những lời phỏng đoán của một số bạn bè, nàng cho rằng chồng mình đã bị bắt cóc và đưa về Pari, vì vậy nàng đã lên đường đi tới kinh đô. Đến đây mới thấy nhà nghỉ ở Đô thành bị niêm phong và mới được báo tin chồng chắc đã bị giam ngục Baxtiơ.
Ooctăngxơ nói giọng nghiêm khắc:
– Vậy thì cô có thể tưởng tượng được rằng cuộc đến thăm giữa ban ngày ban mặt của cô gây phiền hà đến chừng nào cho một quan chức cao cấp của Nhà vua! Thế mà cô vẫn cứ đến!
– Vâng, điều ấy quả kỳ lạ thật! – Angiêlic đáp – Nhưng mà chị ơi, điều em suy nghĩ đầu tiên chỉ là thế này thôi, họ hàng ruột thịt chắc có thể giúp đỡ được mình.
– Đây là lần đầu tiên cô nhớ đến họ hàng ruột thịt đấy nhỉ! Tôi chắc rằng cô sẽ không đến thăm tôi, giá như cô có thể ngồi làm duyên làm dáng ngay tại tòa nhà mới đẹp đẽ của mình ở khu phố Xanh Pôn sang trọng. Tại sao cô không đi cầu cứu những ông bà bạn lộng lẫy của người chồng giàu có và điển trai của mình, nào là các hoàng thân, các công tước, các bà hầu tước; cớ sao còn đến để gây phiền cho chúng tôi ở đây nữa?
Angiêlic định đứng lên để bỏ đi và đập mạnh cửa sau lưng mình, nhưng thấy hình như có tiếng bé Phờlôrimông khóc ở ngoài phố, nên nàng tự kiềm chế:
– Chị Ooctăngxơ, tôi không có chút ảo tưởng gì. Là người chị đầy tình yêu thương và tận tụy, chị đang đuổi tôi ra khỏi nhà mình. Khốn thay, tôi còn có một đứa bé mới mười bốn tháng tuổi, nó cần được tắm rửa, thay quần áo và cho ăn. Buổi chiều đã muộn rồi. Nếu đi tìm một mái nhà để che thân bây giờ, tôi sẽ có nguy cơ phải ngủ ở một góc phố. Hãy cho chúng tôi nghỉ trọ ở đây đêm nay.
– Một đêm cũng quá đủ để đe dọa an ninh tổ ấm của tôi.
– Lòng tốt của chị làm cho tôi cảm động quá, chị thân yêu! Đúng là ngay từ khi còn trẻ, chị đã ưa thích nói xấu kẻ khác và thù vặt.
– Thật quá quắt! Bây giờ cô đến đây sỉ vả tôi ngay ở nhà tôi!
– Vì sao chị không tin lời tôi? Tôi vừa nói với chị rằng nhà tôi phải vào ngục Baxtiơ, chẳng qua là do sự hiểu lầm nào đó thôi.
– Nếu như ông ấy phải vào ngục Baxtiơ, đó là do có công lý.
– Nếu như còn có công lý, nhà tôi sẽ phải được thả ra nhanh chóng.
– Xin cho phép tôi được nói xen vào, thưa các phu nhân, bởi vì các vị đều viện đến công lý – Một giọng nói trầm cất lên ở sau họ.
Một người đàn ông vừa mới vào phòng. Ông ta trạc tuổi chỉ trên ba mươi thôi, mặc dù ông cố giữ một dáng dấp cứng nhắc và nghiêm nghị. Khuôn mặt đầy đặn, râu cạo nhẵn nhụi với một vẻ chăm chú và nghiêm nghị, dưới mái tóc giả màu nâu.
Angiêlic đoán rằng con người mặc tấm áo đen may rất khéo chỉ có hàng cúc đen tô điểm, chính là anh rể nàng, ông biện lý, nàng nhún thấp chân cúi chào ông, ông ta lại gần và hôn lên hai má nàng rất trịnh trọng rồi nói:
– Phu nhân, xin đừng dùng từ “nếu như”. Nên nói rằng: quả có công lý. Xin nhân danh công lý, và nhờ có công lý mà tôi được niềm vui chào đón Phu nhân tại nhà tôi.
Ooctăngxơ lồng lộn tựa con mèo bị giội nước nóng:
– Trời đất! Gaxtông, anh nói nhảm rồi. Ngay từ khi chúng ta cưới nhau, anh luôn nhắc đi nhắc lại rằng công danh của anh là điều quan trọng trên hết, và nó hoàn toàn phụ thuộc vào Nhà vua…
– Và vào công lý, em thân yêu ạ. – Ông thẩm phán cắt ngang, dịu dàng nhưng kiên quyết.
– Nhưng mà đã bao ngày nay anh thường bày tỏ nỗi lo ngại về trường hợp cô em tôi đến đây để lánh nạn. Anh vẫn nói rằng, vì anh được biết ít nhiều về việc bắt giam chồng cô ấy, việc đến lánh nạn này chắc chắn sẽ tai hại cho chúng ta kia mà.
– Hãy im đi, thưa bà, kẻo bà làm tôi hối hậntiết lộ một bí mật nghề nghiệp, khi kể lại cho bà điều mà tôi tình cờ được biết.

Angiêlic quyết định dẹp bớt lòng kiêu hãnh của mình xuống:
– Ông đã biết được điều gì vậy? Ôi, thưa ngài, hãy rủ lòng thương nói cho tôi với. Tôi đã băn khoăn lo lắng bao ngày nay, vì không biết một chút tin tức gì chắc chắn.
– Than ôi, thưa Phu nhân, tôi sẽ không tìm cách núp sau tấm màn kín đáo giả dối mà cũng không muốn nói thao thao những câu đao to búa lớn. Xin thú thật ngay rằng tôi biết rất ít. Nhân đọc một bản thông báo chính thức, tôi đã kinh ngạc, đúng thế, được biết rằng Ngài Perắc đã bị bắt giam. Vì vậy, vì lợi ích của bản thân bà và của ông nhà, tôi phải yêu cầu bà không sử dụng điều mà tôi sắp nói với bà bây giờ, trừ phi có sự đồng ý rõ ràng của tôi. Dù sao, tôi nhắc lại, đây chỉ là một mẩu tin nhỏ. Tin như sau: ông nhà đã bị bắt giam theo lệnh một bức Thư đóng dấu loại ba, nghĩa là một cái trát đóng dấu niêm phong được phát ra “theo lệnh Đức vua”. Trong trát, người viên chức hoặc nhà quý tộc bị can được Đức vua mời đến một địa điểm nhất định, một cách kín đáo nhưng không bị cùm trói tuy rằng có một phái viên của Nhà vua đi kèm. Trong trường hợp ông nhà, ông thoạt đầu được đưa tới Pháo đài Lêvêcơ, rồi sau được chuyển sang Ngục Baxtiơ theo một lệnh mang chữ ký đi kèm của ông Xêghiê.
– Tôi cám ơn Ngài đã xác nhận điều đó, mà dù sao cũng là một tin tức có thể làm yên lòng được. Có nhiều người đã từng bị giam ở Baxtiơ rồi sau lại được thả, ngay sau khi làm sáng tỏ được những lời vu cáo đã khiến cho họ bị bắt oan.
– Tôi thấy Phu nhân là một phụ nữ chín chắn. – Ông Phalô gật gật đầu, vẻ đồng tình. – Nhưng tôi không muốn làm cho bà tưởng lầm rằng mọi cái sẽ tự nhiên được giải quyết dễ dàng. Bởi vì tôi còn được biết rằng tờ trát tống giam, do chính Vua ký, chỉ định rằng sẽ không được ghi vào sổ nhà ngục cả họ tên bị cáo lẫn tội mà người ta buộc cho bị cáo.
– Chắc chắn nhà vua không muốn rằng danh dự của một người bầy tôi trung thành bị làm hoen ố trước khi Vua tự mình xem xét các sự việc mà người đó đã bị tố giác. Chắc Vua muốn ta dành cho mình quyền miễn tội cho bị cáo mà không gây chuyện ồn ào
– Hoặc quyền quên người đó đi.
– Sao ạ, quên người đó đi? – Angiêlic nhắc lại, và thấy lạnh ớn, xương sống muốn run lên.
– Nhiều người đang được bỏ quên trong các nhà tù. – Thẩm phán Phalô nói và lim dim mắt nhìn về nơi xa xăm. – Họ bị bỏ quên một cách chắc chắn y như bị chôn dưới mồ. Chắc chắn là chỉ riêng việc bị giam ở ngục Baxtiơ thì không phải là mất danh dự. Tuy nhiên, tôi cần phải nhấn mạnh rằng: việc giam giữ dưới dạng vô danh, và một cách bí mật là một dấu hiệu chứng tỏ rằng đây là một trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.
Angiêlic ngồi yên hồi lâu. Bỗng nhiên nàng thấy mệt mỏi và đói cồn cào. Hoặc giả đó là sự lo lắng?…
– Ngài đã tốt bụng nên mới giúp cho tôi biết rõ sự thật. Xin ngài chỉ bảo cho là bây giờ cần phải làm gì?
– Một lần nữa, thưa Phu nhân, đây không phải vấn đề tốt bụng, mà là vấn đề công lý. Chính do tinh thần công lý mà bây giờ tôi tiếp đón bà dưới mái nhà này. Và vì bà hỏi ý kiến tôi, tôi xin giới thiệu với bà một luật gia. Bời vì tôi sợ rằng, nếu tôi tham dự một phần nào đi nữa vào vụ án này, thì cũng sẽ bị coi là thiên vị và vì lợi ích riêng, mặc dù những mối quan hệ gia đình giữa chúng ta trước đây cũng không có gì nhiều.
Ooctăngxơ đang nóng ruột ngồi nghe liền reo to với giọng the thé của trẻ con:
– Anh nói đúng đấy! Chừng nào cô ấy còn có những lâu đài, vàng bạc của ông chồng khập khiễng, cô ấy có đếm xỉa gì đến bọn mình. Anh có nghĩ rằng Bá tước Perắc lẽ ra có thể giành được ít đặc quyền đặc lợi nào đó cho anh bằng cách giới thiệu anh với vài vị thẩm phán cao cấp ở Pari, được chứ?
– Chồng tôi ít liên hệ với những người ở kinh đô.
– Vâng, vâng. Bà chị đáp, nhại lại em gái. Chỉ có quan hệ xoàng xĩnh những ngài thống đốc các tỉnh Lănggơđốc và Bêacnơ, với giáo chủ Madaranh, với Thái hậu và Đức vua thôi!
– Chị cứ nói quá thế!
– Dù sao, cô cũng được mời dự lễ cưới của Đức vua, hay là cũng không được mời?
Angiêlic không trả lời và bước ra ngoài. Nàng thấy cứ ngồi tranh luận thế này với chị nàng thì không sao kết thúc được. Nàng còn phải ra tìm bé Phờlôrimông chứ. Khi bước xuống cầu thang, nàng bỗng dưng thấy mình mỉm cười. Ooctăngxơ và nàng chẳng hiểu sao chưa chi đã sa ngay vào truyền thống gia đình là tranh cãi nhau liên miên? Vậy ra, dù sao đi nữa, Môngtơlu vẫn không chết, thà rằng hai chị em nắm tóc nhau giằng co còn hơn coi nhau như người dưng.
Ra phố, nàng thấy anh thợ sửa tóc Binê ngồi trên bậc lên xuống của cỗ xe ngựa, ôm trong tay chú bé Phlôrimông đang ngủ. Anh ta bảo nàng rằng vì thấy em bé vòi quấy, nên đã cho chú một chút thuốc phiện với bột bạc hà mà anh ta có trữ sẵn, giống như mọi đồng nghiệp của mình. Nàng cảm ơn anh ta, và hỏi anh ta Macgô và cô hầu gái nhỏ đi đâu. Anh ta kể lại: chị hầu Macgô đã không thể cưỡng lại lời rao hấp dẫn của một người làm thuê ở một nhà tắm hơi vừa đi qua các phố. Angiêlic sốt sắng nói:
– Tôi cũng rất thèm được đến nhà tắm hơi đó! – và nàng thở dài.
Những người hầu và hai bác đánh xe ngựa đang ngồi dưới bóng cỗ xe uống rượu nho nhắm với cá nướng bốc khói. Angiêlic nhìn bộ quần áo bụi bặm của mình và khuôn mặt dính mật ong và bụi đến tận lông mày của bé Phlôrimông. Thật là thiểu não!
Nhưng tất cả cái đó vẫn còn là quá sang trọng đối với vợ ông biện lý nghèo, vì thấy Ooctăngxơ, cũng theo nàng ra phố, hỏi mỉa mai:
– Ủa, cô em thân mến, cô phàn nàn là bị dồn vào cảnh ngộ ngủ ở góc phố, vậy mà xem ra cũng chẳng đến nỗi nào: một cỗ xe, một xe ngựa chở hàng, sáu con ngựa, bốn hoặc năm anh đầy tớ, hai cô hầu gái đi đến nhà tắm hơi.
– Em có mang theo một cái gi. – Angiêlic bảo chị. – Chị có cần để cho em mang giường lên gác không?
– Không cần. Chúng tôi có đủ giường để cô nghỉ lại. Tuy vậy, tôi không thể nào có đủ chỗ cho tất cả đoàn người hầu của cô được.

– Chắc là chị có một cái ngăn xép dưới mái nhà để cho Macgô và con bé hầu nghỉ, phải không ạ? Còn những người đầy tớ trai, họ có thể trọ ở quán ăn.
Trong căn phòng rộng dành cho nàng ở tầng hai, Angiêlic ngâm mình trong bể tắm, và giội nước lạnh và nghỉ ngơi một chút. Phòng khá tối, đồ đạc rất xấu nhưng đủ dùng. Trong một chiếc gường con trải khăn sạch sẽ, bé Phlôrimông ngủ say nhờ thuốc của ông thợ sửa tóc.
Vừa lúc nàng mặc áo gần xong thì Macgô xuất hiện. Với bàn tay khéo léo, chị hầu gái chải tóc cô chủ thành những đợt sóng duyên dáng như thường lệ và vẩy nước hoa.
– Hãy cẩn thận, không nên trang điểm quá lịch sự. Tôi cần làm cho ông anh rể tin cậy được mình.
– Chao ơi! Mới đây có biết bao vị quý tộc sang trọng đã phải cúi mình cầu cạnh bà chủ, vậy mà bây giờ lại thấy bà cố ăn mặc sao cho vừa lòng một ông biện lý!
Một tiếng thét lanh lảnh từ tầng dưới cắt lời họ. Angiêlic vội chạy xuống cầu thang. Ooctăngxơ cũng chạy tới.
– Kia! kia! Chị hầu gái béo tròn lúc trước đã mở cửa cho Angiêlic đang hốt hoảng kêu lên và giơ ngón tay chỉ trỏ.
Angiêlic đưa mắt nhìn theo hướng tay trỏ ấy và trông thấy anh chàng Cuaxi-Ba đôn hậu đang ngượng nghịu nép mình sau những người đầy tớ khác.
– Anh Cuaxi-Ba! – Angiêlic gọi to – Mấy cháu nhỏ ở đây và chị hầu gái này sợ anh đấy. Vậy anh hãy trổ tài cho họ vui thích xem nào.
– Vâng, thưa phu nhân.
Anh đầy tớ da đen nhảy vọt ra đằng trước, làm chị hầu gái thét lên. Nhưng Cuaxi-Ba đã nhào lên luôn mấy vòng, rồi từ túi rút ra mấy quả bóng xanh đỏ, làm trò tung hứng cực kỳ khéo léo. Sau đó, khi thấy các trẻ nhỏ bắt đầu cười, anh cầm lấy cây đàn ghi ta ngồi xếp bằng tròn dưới sàn nhà bắt đầu hát bằng một giọng êm tai, mượt như nhung.
Angiêlic đến gặp mấy người đầy tớ khác:
– Tôi sẽ đưa tiền để các anh đi nghỉ trọ và ăn ở quán, nàng nói.
Người đánh xe ngựa lúng túng vò cái mũ có lông chim đỏ:
– Thưa phu nhân, nếu có thể được, chúng tôi muốn xin phu nhân cho chúng tôi được nhận nốt số tiền công còn lại của chúng tôi. Bây giờ chúng tôi đã ở Pari rồi, ở thành phố lớn này, người ta phải tiêu tốn lắm.
Angiêlic do dự một lát rồi chấp nhận lời thỉnh cầu đó. Anh nhạc công Giôvani trẻ tuổi nói rằng anh ta sẽ trở lại đây ngày hôm sau để chờ lệnh bà chủ.
– Thưa bà, một giọng thanh thanh nói ở ngay cạnh Angiêlic, – cha cháu bảo ra báo tin bữa ăn chiều đã dọn xong, và gia đình đang đợi bà tại phòng ăn.
Đó là cậu bé tám tuổi mà lúc trước nàng vừa thấy nấp ở trong cái ngăn tủ lớn.
– Thế cháu không sợ anh Cuaxi-Ba nữa chứ? Angiêlic hỏi.
– Thưa bà không ạ. Cháu rất thích được quen một người da đen. Tất cả các bạn học của cháu sẽ ghen với cháu.
– Thế tên cháu là gì?
– Mactanh ạ
Chị hầu gái bày món xúp ra bàn ăn. Tiếp theo, đến các món cá, trứng và sữa.
Đêm đó, mặc dù mệt nhọc, Angiêlic nằm khá lâu mà vẫn chưa buồn ngủ. Nàng nằm lắng nghe những tiếng động và tiếng kêu dâng lên từ những đường phố hẹp ẩm ướt. Một cậu bé bán bánh bích quy đi qua, vừa đi vừa lắc một con xúc xắc trong một cái sừng. Nhiều nhà đang ăn dở bữa tối gọi cậu bé vào mua. Một lát sau, vang lên tiếng chuông leng keng của người khiêng quan tài đang cất tiếng hát:
“Hỡi ai sắp ngủ yên trên giường đệm xin cầu chúa cho kẻ xấu số mới qua đời…”
Angiêlic rùng mình và vùi mặt vào trong gối. Nàng thèm muốn có cái thân hình dài, mảnh mai và ấm áp của chồng nằm cạnh. Nàng nhớ da diết sự vui vẻ, tính nồng nhiệt, giọng nói êm ái tuyệt vời và đôi bàn tay vuốt ve của chồng. Đến bao giờ vợ chồng được gặp lại nhau? Giờ phút đó sẽ hạnh phúc biết dường nào! Nàng sẽ náu mình trong vòng tay của anh, sẽ đòi anh hôn và ôm chặt lấy nàng… Cuối cùng nàng ngủ thiếp đi và nắm chặt cái gối vải lanh cứng thơm mát mùi hoa oải hương.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.