Đọc truyện Tiểu Sát Tinh – Chương 54: Bệnh thất tâm
Tuy rằng không lớn hơn Đàm Anh là mấy, nhưng nàng nhàn nhã, ung dung, thanh khiết, khiến ai trông thấy cũng phải kính nể.
Ba anh em họ Hoa thấy khí độ của nàng như vậy hổ thẹn vô cùng, chân tay cuống quít không dám nhìn thẳng vào mặt nàng nữa.
Tích Tố với tầm mắt rất nhu hoà liếc nhìn anh em họ Hoa một lượt và quay lại nói với Đàm Anh rằng:
– Em hãy nói những chuyện mà em đã gặp cho ba vị tiền bối nghe đi.
Đàm Anh ngửng mạt lên nói:
– Tố tỷ, tỷ không cười em nhé.
Tích Tố gật đầu nói:
– Muội cứ việc nói đi, không ai cười muội đâu.
Đàm Anh nửa hổ thẹn, nửa tức giận, đem câu chuyện vừa rồi kể lại cho mọi người nghe, sau cùng, nàng còn hờn giận nói với Tích Tố.
– Chỉ tại chị bỏ mặc một mình em, để em gặp những cảnh nhơ nhuốc như thế.
Ba anh em họ Hoa nghe nói đưa mắt nhìn nhau. Như Báo ngượng vô cùng và tự khiển trách mình, quả thật chỉ tại cái tính nóng nảy mà nên hết.
Như Sư lườm Như Báo một cái, rồi đi tới trước Tích Tố và Đàm Anh nói:
– Gia huynh nóng nảy trách lầm tiểu thư, bây giờ tại hạ thay mặt huynh ấy xin lỗi cô nương.
Đàm Anh vẫn còn hậm hực hỏi Tích Tố rằng:
– Tỷ, chẳng lẽ chúng ta để yên cho họ hay sao?
Tích Tố khuyên Đàm Anh rằng:
– Bây giờ Hoa lão tiền bối đã biết rõ câu chuyện rồi và lại còn xin lỗi, như thế là một sự biểu dương của người quang minh lỗi lạc đấy. Em cũng nên học hỏi Hoa lão tiền bối mới được.
Lời của Tích Tố tuy nói với Đàm Anh nhưng đồng thời cũng như giảng giải với Như Báo, vì nàng thấy Đàm Anh tát Như Báo, chỉ sợ Như Báo còn giận.
Nàng khuyên Đàm Anh xong, liền đáp lễ Như Sư và nói tiếp:
– Lão tiền bối nói như vậy và chúng ta cũng hiểu rõ thị phi rồi, tỷ muội vãn bối xin cáo lui.
Tích Tố với Đàm Anh định quay đi, thì Như Báo quát lớn:
– Hãy khoan đã.
Nói xong, y liền lớn bước tiến lên, Đàm Anh trợn trừng đôi mắt lên định mắng chửi, thì Tích Tố đã nắm lấy tay nàng bảo hãy khoan.
Như Sư đang kính phục và luyến tiếc khi nhìn thấy Tích Tố bỏ đi, bỗng thấy tam ca quát lớn xông lên, lại tưởng ông ta định nổi khùng, liền chạy lại ngăn cản, tỏ vẻ không vui và kêu gọi:
– Tam ca.
Như Báo lớn tiếng cả cười nói:
– Ngũ đệ đừng có ngăn ngu huynh nữa. Ngày hôm nay tuy ngu huynh bị cô bé này thưởng cho một cái bạt tay nhỉ, nhưng nghĩ kỹ là do lỗi mình chứ không phải do ai hết, nhất là nghe thấy cao luận của cô nương kia huynh mới tỉnh ngộ và cảm thấy những việc làm hai mươi năm về trước đều vô lý hết, cho nên ngu huynh mới định tiến lên cảm tạ hai vị.
Như Sư thấy Như Báo nói, mừng rỗ vô cùng vội tránh sang bên.
Tích Tố cười tươi như hoa nở, đỡ lời:
– Lão tiền bối nói như vậy khiến chị em tiểu bối càng thêm hổ thẹn.
Nói xong, nàng cùng Đàm Anh vái chào Như Báo một cái.
Như Báo nghiêm nghị nói tiếp:
– Hai vị cô nương chớ có khách khí như thế, lão phu uổng sống hai mươi năm trời, ngày thường chỉ biết theo ý muốn của mình, cố chấp vô cùng và đã tạo nên rất nhiều lỗi vô tâm tuy có anh em khuyên bảo cũng không sao sửa đổi được tính nết xấu xa ấy. Bây gặp sự việc này lão mới tỉnh ngộ. Khiến lão hiểu thông tất cả, ơn này sao thể không cảm tạ được, xin hai vị cho biết quý tánh để lão còn biết mà ghi nhớ trong lòng.
Tích Tố vâng lời, liền tự giới thiệu:
– Tiểu bối, là La Tích Tố, còn tiểu muội đây là Đàm Anh.
Nói tới đó nàng lại kêu “ủa” một tiếng và nói tiếp:
– Tỷ muội vãn bối vẫn chưa lãnh giáo ba vị tiền bối xưng hô ra sao.
Như Báo giới thiệu ba anh em mình và nói:
– Hàn xá Ngũ Hùng trang cách đây không xa, không biết hai vị cô ngương có chịu nể mặt mặt giáng lâm chốc lát để anh em lão phu được tỏ chút tâm ý không?
Tích Tố từ chối đáp:
– Thịch tình của tiền bối, tỷ muội vãn bối xin tâm lãnh, vì còn việc cần phải đi ngay, mong ba vị miễn thứ cho.
Như Báo lớn tiếng nói:
– Hai vị cô nương từ chối như vậy thật không nên. Chẳng lẽ Ngũ Hùng trang chúng tôi không đáng tiếp rước hai vị hay sao?
Tích Tố vừa định nói rõ cho họ biết là mình đang chờ người nhưng bỗng thấy có bóng người thấp thoáng ở ngoài rừng, một thiếu niên ăn mặc như gia nhân, tuổi chạc đôi mươi chạy vào.
Vừa trông thấy người đó Tích Tố biến sắc mặt, mồm khẽ kêu “ủa” một tiếng rồi gọi:
– Hướng đại ca.
Thấy Tích Tố gọi thiếu niên đó không trả lời, làm như không quen biết nàng vậy, lầm lì đi qua cạnh nàng tới trước mặt Như Báo lễ phép nói:
– Thưa tam trang chủ, đại trang chủ hỏi ở đây xảy ra chuyện gì thế?
Như Báo đáp:
– Người về thưa với đại trang chủ, chúng ta sẽ về trang ngay, việc gì lát nữa chúng ta sẽ nói lại.
Gia nhân thanh nien kia vâng lời quay mình đi luôn.
Tích Tố lên tiếng gọi thấy thanh niên kia không trả lời, nàn cũng không tiện nói thêm bụng bảo dạ rằng:
“Người trong thiên hạ giống nhau rất nhiều, có lẽ người này giống tên ăn mày nhỏ Hướng Tam đấy thôi, chứ không pahỉ là y bằng không sao ta gọi như thế mà không trả lời”.
Tuy nàng nghĩ thế, trong lòng vẫn áy náy muốn điều tra rõ nguyên nhân nên thay đổi ý kiến mà trả lời Như Báo:
– Lão tiền bối đã có lòng như vậy, tiểu bối cũng không dám chối từ, xin lão tiền bỗi hãy trở về trước, tiểu bối chờ bạn tới, rồi sẽ đến quấy nhiễu tiền bối.
Như Sư vừa cười vừa nói:
– Hai vị cứ việc đi đi, còn bạn của quý vị đã có chúng tôi đợi chờ và đón tiếp.
Bất đắc dĩ, Tích Tố tả hình dáng của Nhất Quái với Nguyên Thông cho y chờ đợi, còn mình với Đàm Anh theo Như Báo, Như Bưu đi Ngũ Hùng trang.
Ngũ Hùng trang cách khu rừng hai ba dặm nên chỉ trong nháy mắt đã tới nơi.
Địa thế của sơn trang này phái sau là núi bên cạnh là nước, khí thế rất hùng vĩ, cả một vùng đó không có một sơn trang nào đẹp bằng sơn trang này. Tích Tố và Đàm Anh vào trong sảnh thấy hai ông già tuổi trên sau mươi lớn tiếng cười bước ra nghênh đón và nói:
– Tam đệ, hai vị tiểu cô nương này chắc là giòng dõi của vị cố nhân nào?
Như Báo tươi cười giới thiệu cho hai người anh xong, liền mời hài nàng vào ngồi, rồi kể lại câu chuyện cho lão đại và lão nhị nghe.
Hai người bán tín bán nghi hỏi lại:
– Tam đệ hợp sức tam và tứ đệ hai người mà không địch nổi Đàm cô nương ư?
Đàm Anh vội đỡ lời:
– Đó là hai vị tiền bối nương tay đấy thôi, nhờ vậy tiểu bối mới miễn cưỡng chống đỡ được bấy nhiêu lâu.
Như Long kinh ngạc hỏi nàng rằng:
– Một mình cô nương địch nổi hai tay hảo thủ hạng nhất của miền Thiểm Tây và Cam Túc nầy ắt phải là dòng dõi của một danh môn nào. Xin cô nương làm ơn cho biết sư môn để lão khỏi phải thất lễ.
Đàm Anh đưa mắt nhìn Tích Tố một cái, hình như muốn hỏi ý kiến nàng có nên nói thực hay không. Tích Tố khẽ gật đầu, Đàm Anh thấy vậy vội nói luôn:
– Gia sư họ Trác tên là Tuyết Mai.
Như Hổ khẽ hỏi Như Long rằng:
– Đại ca có biết vị nữ đồng đạo ấy không?
Như Long cau mày lại ngẫm nghĩ rồi đáp:
– Hình như ngu huynh có nghe thấy cái tên này rồi, nhưng nhất thời chưa nghĩ ra đấy thôi.
Đàm Anh thấy Ngũ Hùng không biết tên họ thực của sư phụ mình trong lòng hơi bực tức liền cười nhạt hỏi tiếp:
– Hai vị tiền bối có nghe ai nói Ngọc Tiêu Tiên Tử không?
Anh em họ Hoa đứng phắt dậy mặt lộ vẻ kinh ngạc đáp:
– Xin Đàm cô nương đừng trách cứ nhé. Năm xưa khi Ngọc Tiêu Tiên Tử lão tiền bối hành đạo giang hồ ít ai dám nói đến tên họ thực của bà, cho nên nhất thời anh em lão mới không nhớ ra được như thế.
Như Báo nghe nói kinh hãi thầm, bụng bảo dạ: “Nguy hiểm thực a”.
Như Long lại thỉnh giáo sư môn của Tích Tố.
Tích Tố chỉ nói môn phái của mình thôi, chứ không nói đến ông mình là Nam Minh Nhất Kiếm, nhưng Đàm Anh lại nhanh miệng xen lời nói:
– Lệnh tổ của chị Tố là Nam Minh Nhất Kiếm La gia gia đấy, chắc các vị đã nghe thấy tên tuổi của La gia gia rồi chứ gì?
Anh em họ hoa vừa kinh hãi vừa mừng rỡ, nhất là Như Báo lại càng khoái chí xen lời nói:
– Nếu như lão phu bị bại trận cũng không mất sĩ diện chút nào.
Lúc ấy Như Sư ở bên ngoài đã lớn tiếng nói vọng vào:
– Các vị huynh trưởng mau mau ra đón Đàm thúc thúc đi.
Anh em Như Long vội đứng dậy thì Như Sư đã dẫn Nhất Quái và Nguyên Thông vào đến trong sảnh rồi.
Thì ra anh em họ Hoa lại còn là bạn cũ của Ký Ngư.
Nhất Quái nói với Như Long:
– Như Long, các cháu có nhận ra chú không?
Như Long cảm động đáp:
– Đàm thúc thúc thay đổi nhiều quá, nếu ngũ đệ không nói trước thì quả thức không biết thúc thúc là ai.
Ký Ngư cũng rầu rĩ nói tiếp:
– Nói thực cho các hiền điệt hay, lão phu bị giam giữ ở trong núi Huyết Thạch đã mười lăm năm và vừa mới ra.
Anh em họ Hoa nghe nói cũng thở dài và đáp:
– Chúng cháu thực là có lỗi quá, thúc thúc gần đây mà không hay.
Ký Ngư kể chuyện của mình cho anh em họ Hoa nghe.
Năm anh em họ Hoa đều cảm thán vô cùng.
Bỗng Nguyên Thông vui vẻ nói:
– Các vị hiền điệt, để ngu thúc giới thiệu một võ lâm kỳ tài cho các vị hiền điệt nhé. Vị này là Thầm Nguyên Thông, thiếu quân của Ngọc Diện Thư sinh Thẩm Chấn Vũ.
Anh em họ Hoa không lạ lùng gì cái tên Thẩm Nguyên Thông, nhưng họ không ngờ thiếu niên thư sinh mặt rất đẹp trai và mảnh khảnh như thế này lại là Thẩm Nguyên Thông, tiếng tăm lừng lẫy như thế.
Nguyên Thông coi năm anh em họ Hoa như bề trên, cung kính vái chào rồi lui sang một bện:
Nhất Quái trợn măt lên nhìn Đàm Anh mà quát bảo:
– Con nhãi kia, có mau lại đây chào các vị bá bá không?
Như Long cả kinh mà hỏi:
– Cô ta là…
Ký Ngư vừa cười vừa đáp:
– Phải, nó là con Ngọc đệ của các cháu đấy.
Như Báo cười ha hả, lên tiếng hỏi:
– Con nhãi kia, từ giờ trở đi còn dám đánh bác nữa không?
Đàm Anh cúi đầu đáp:
– Bác nói như vậy là bác thị oai phong của ông cháu chứ gì.
Ai nấy nghe thấy nàng nói như thế không sao nhịn được cười.
Tình cảnh vui vẻ này, Ngũ Hùng trong mười mấy năm nay mới thấy tái diễn. Như Long hớn hở, cho người bày tiệc để khoản đãi các vị quý khách, trong lúc ăn uống, Tích Tố bèn kể truyện nàng nghi ngờ về người nhà trẻ tuổi của họ Hoa giống Hướng Tam cho Nguyên Thông.
Nguyên Thông kinh ngạc vô cùng, vội nói lại cho Nhất Quái nghe, bảo ông nói với Như Long gọi người trẻ tuổi ra xét…
Như Long vâng vâng dạ dạ, sai người đi gọi tên người nàh trẻ tuổi ấy tới, rồi vừa cười vừa nói:
– Nếu Kim Ngộ có điều gì thất lễ với quý vị, xin hãy nể mặt mỗ mà lượng thứ cho y.
Nguyên Thông nghiêm nét mặt, hỏi:
– Xin hỏi, Kim Ngộ đến quý trang làm việc đã được bao lâu rồi.
Như Long thở dài một tiếng rồi đáp:
– Sự thật, Kim Ngộ cũng là một người xui xẻo. Tháng hai năm ngoái, tôi gặp lưu lạc tới địa phận của bổn trang, thấy mặt mũi rất khôi ngô, người cũng nhanh nhẩu, nên mới nhận cho y vào trang giúp việc.
Nguyên Thông lại hỏi tiếp:
– Tên họ thật của y như thế, hay là về sau lão tiền bối mới đặt cho.
Như Long lắc đầu đáp:
– Câu truyện này nói ra la lùng lắm, Kim Ngộ là người rất mẫm cảm lại có võ công cao siêu, chỉ phải một điểu là y không biết tên họ của mình là gì, sư môn lai lịch ra sao, hình như cả truyện trước đây một năm y cũng không nhớ nổi. Cái tên Kim Ngộ là do mỗ đặt cho ý đấy.
Tích Tố ngửng đầu lên hỏi:
– Căn cứ vào võ công của ý, lão tiền bối có nhận ra y là người của môn phái nào không?
Như Long “ồ” một tiếng quay lại hỏi Như Sư rằng:
– Ngũ đệ có nhận xét ra không?
Như Sư đáp:
– Thoạt tiên tiểu đệ gặp Kim Ngộ đã hoài nghi rồi, sau để ý xét y, không những y thiên về “Long Hổ chưởng pháp” của Cái Bang còn thạo cả về “Phong Lôi chưởng pháp” nữa. Thiết nghĩ “Phong Lôi chưởng pháp” là võ công bí truyền của Vương lão tiền bối, hình như khắp thiên hạ không có người thứ hai truyền thụ pho võ công này.
Đệ đã tra hỏi y mấy lần, nhưng tiếc thay vì y đã mất trí nhớ, nên không sao hỏi ra được truyện gì cả.
Nguyên Thông cả mừng nói:
– Nếu vậy, y chính là Hướng sư huynh mà tiểu bối vẫn nhớ nhung bấy lâu nay.
Mọi ngưòi đang trò chuyện thì Kim Ngộ đã bước chân vào trong sảnh. Y mặc bộ quần áo xanh của một gia đinh, trông còn anh tuấn hơn xưa kia mặc quần áo ăn mày nhiều. Y rất lễ phép vái chào mọi người, rồi ngơ ngác nhìn Nguyên Thông và Tích Tố hai người, hình như không quen biết bao giờ.
Tích Tố khẽ hỏi:
– Nguyên đại ca thử nhìn kỹ xem y có phải là Hướng sư huynh không?
Nguyên Thông gật đầu, đáp:
– Có lẽ Hướng sư huynh đấy. Trong sách thuốc cũng có bệnh thất tâm. Chắc Hướng sư huynh bị một việc gì khích động rất lớn nên mất trí nhớ như thế.
Tích Tố ân cần hỏi tiếp:
– Vậy đại ca có cách gì cứu chữa cho Hướng sư huynh không?
– Tôi chắc không khó khăn gì hết.
Nguyên Thông nói xong, đứng dậy đi tới gần nắm lấy tay Kim Ngộ và hỏi:
– Sư huynh còn nhớ tiểu đệ Nguyên Thông không?
Kim Ngộ cau mày lại, ngập ngừng đáp:
– Tiểu đệ với thiếu hiệp hình như chưa từng quen biết.
Trong lúc Nguyên Thông nắm lấy tay Kim Ngộ thì tay chàng đã bấm vào mạch của đối phương để thăm dò xem, một mặt chàng lại nhắc nhở đến những truyện nhỏ nhặt xưa kia để mong gợi lại trí nhớ của Hướng Tam.
Nhưng Kim Ngộ vẫn thản nhiên như thưởng không có phản ứng gì hết. Trong lúc nói chuyện, Nguyên Thông đã thăm dò biết bệnh của đối phương, liền thở dài một tiếng, mời Kim Ngộ hãy tạm lùi xuống nhà dưới, chàng quay lại nói với Kim Long rằng:
– Lão tiền bối, vị người nhà ấy chính là nhị đệ tử của Long Hổ Cái, bang chủ của Cái bang, họ Hướng tên Tam, năm xưa cùng với tiểu điệt lên núi Võ Đang, giữa đường thì bị lạc. Không ngờ y lại bị người ám hại, điểm vào đệ tam thần kinh hệ ở phía sau đầu, nên mới mất trí như vậy. Tiểu bối muốn chữa cho y khôi phục lại trí nhớ để được trở lại làm người như cũ, nhưng e rằng sau này Hướng sư huynh sẽ không thể nào giúp cho quý trang được nữa.
Như Long đáp:
– Sao Thẩm thiếu hiệp lại nói thế. Hướng tiểu hiệp tỵ nạn ở trong trang, năm anh em ngu mỗ vì không biết rõ nên mới đối xử như vậy. Nói ra thì thật là hổ thẹn vô cùng, ngu mỗ để chuộc tội còn chưa kịp, đâu dám nói đến chuyện phản đối…
Nguyên Thông cám ơn anh em họ Hoá, rồi bảo họ sửa soạn cho mình một căn phòng tĩnh mịch để chữa bệnh cho Hướng Tam.
Như Long là người rất thông thạo, bấy giờ thấy Nguyên Thông định chữa cho Hướng Tam tuy rất kính phục tài của chàng, nhưng vẫn hiếu kỳ, lên tiếng hỏi:
– Mỗ cũng được nghe nói: bệnh thất tâm này là vì thần kinh bị kích động quá đáng, rồi tâm lý thay đổi mà nên. Cách chữa rất phiền phức thầy lang nào cũng nhìn nhận bệnh này rất khó chữa. Chẳng hay Thẩm thiếu hiệp có chắc chắn chửa khỏi được không?
Nguyên Thông đáp:
– Hoa tiền bối nói rất đúng, nhưng bệnh thất tâm của Hướng huynh đây không phải là bị kích thích bởi tình cảm mà vì bị người ta điểm vào yếu huyệt ở sau ót, chỗ thần kinh hệ, nhưng khó chữa hơn bởi một nguyên nhân khác.
Tuy Như Sư vâng vâng dạ dạ, nhưng trong lòng vẫn còn thắc mắc, không tin lời của Nguyên Thông là thực.
Nhất Quái thấy vậy liền xen lời nói:
– Hoa lão ngũ có biết thần y đương kim là ai không?
Như Sư bụng bảo dạ rằng:
– Y ít tuổi như vậy, chẳng lẽ được người gọi là thần y chăng.
Nghĩ đoạn, y liền đáp:
– Thưa thúc thúc, nói về thần y theo tiểu điệt biết thì xưa kia có Hoa Đà, Biển Thước, ngày này có Diệu thủ Thần Y Bốc lão tiền bối.
Nhất Quái cười tít mắt lại, hỏi tiếp:
– Thể hiền điệt có biết người nối nghiệp của Bốc lão tiền bối là ai không?
Như Sư lắc đầu đáp:
– Điều này tiểu bối không được rõ.
Nhất Quái tỏ vẻ đắc trí, nói tiếp:
– Thẩm thiếu hiệp là cháu ngoại của Bốc lão tiền bối và cũng là người nối nghiệp của ông ta nữa. Hiền điệt nghiên cứu y học, chớ nên bỏ lỡ dịp may này.
Như Sư mừng rỡ khôn tả, muốn hỏi ngay Nguyên Thông mấy nghi vấn về y lý, nhưng y chưa kịp lên tiếng thì Nhất Quái đã nói tiếp:
– Ngoài ra, lão còn muốn mấy vị hiền điệt chia sẻ đôi chút niềm vui với lão nữa. Các vị hiền điẹt có biết tiểu hiệp còn là…
Đàm Anh biết ông mình định nói tới chuyện của mình, liền lên tiếng:
– Ông… ông chỉ được…
Nàng không muốn cho người ông nói nốt câu chuyện ấy, không ngờ ông ta lại còn lớn tiếng hơn và tiếp:
– Con bé này lạ thực. Việc vui mừng như thế, sợ gì mà không tuyên bố cho mọi người hay?
Như Báo thúc giục luôn:
– Thúc thúc nói mau lên.
Nhất Quái lắc đầu, vừa cười vừa nói tiếp:
– Các người cứ việc đoán thử xem.
Như Sư gật đầu và hiểu biết liền. Y đưa mắt ra hiệu cho anh em rồi lên tiếng nói:
– Cháu gái của bác đừng có quên mời các bác uống chén rượu mừng đấy nhé?
Mọi người nghe Như Sư nói như vậy đều cười ha hả Đàm Anh hổ thẹn đến đứng ngồi không yên. Cả Nguyên Thông mặt cũng đỏ bừng, cúi đầu xuống.