Đọc truyện Tiểu Sát Tinh – Chương 22: Tĩnh tu trăm ngày
Cống Bắc vui vẻ nói tiếp: “Trông thái độ của huynh như thế này khi Nguyên nhi lành mạnh thì huynh chắc phải mừng rỡ đến điên rồ mất.”
Kính Thành tươi cười nói tiếp: “Bệnh của Nguyên nhi biến hóa một cách lạ thường, hiện giờ tôi cũng không biết tại sao bệnh của nó lại chuyển biến kì lạ đến thế. Có lễ đây là một kì tích của y học không tiền khoáng hậu chăng?”
Tú Lan mới bớt lo nhưng vẫn tỏ vẻ kinh hoảng hỏi: “Vậy từ giờ trở đi con phải trông nom Nguyệt nhi như thế nào?”
Kính Thành vui vẻ đáp: “Hiện còn lại bao nhiêu viên Hồi Thiên Tái Tạo Hoàn?”
Tú Lan đếm nhẩm một hồi rồi đáp: “Hiện giờ còn mười sáu viên.”
Kính Thành ngẫm nghĩ giây lát lại hỏi tiếp: “Từ hôm nay trở đi cứ cách ba ngày con cho y uống một viên, sau này con chả cần phải suốt ngày ngồi trong phòng trông nó nữa, con có thể nghỉ ngơi vài ngày để lấy lại sức khỏe được rồi.”
Tuy vậy Tú Lan vẫn không muốn xa con nhưng lại không dám trái lệnh cha nên nàng ấp úng đáp: “Con vẫn khoẻ mạnh như thường không thấy mệt mỏi gì hết, con cứ ngồi ngoài canh gác cũng được không làm phiền nó.”
Kính Thành gật đầu, rồi quay sang phía Nhất Chi, nói tiếp: “Thiên cơ liên hoàn Cửu Nguyên trận của chúng ta sắp bố trí xong, Nhất Chi huynh, chúng ta hãy ra bày nốt mặt trận đi.”
Nhất Chi liền cùng Nhân Yđi ra ngoài để đặt mặt trận.
Ngày hôm sau, Cửu Nguyên trận đã bố trí xong, Nhân Y dẫn Cống Bắc, Đắc Mộng vào trong trận đi lại mấy lần giảng giải đường lối ra vào trận như thế nào cho hai người hay.
Cống Bắc rất thán phục nói: “Sư phụ của tiểu đệ cũng có truyền thụ kỳ môn dịch số cho, năm ngày hôm nay đệ thấy công tác của hai vị mới biết mình còn kém xa, từ giờ trở đi mình không dám khoe khoang với người là biết kỳ môn dịch số nữa.”
Kính Thành mỉm cười vì trận này quả thực phi phàm và đã tới mức đoạt thiên địa tạo hóa kinh quỷ thần thực.
Nhất Chi bỗng lên tiếng nói: “ Không ngờ đã có người xông vào trận của chúng ta rồi.”
Một lát sau, mọi người đã thấy hai cái bóng người bé nhỏ nhanh như điện chớp phi thân tới.
Cống Bắc cả cười nói: “Không ngờ trong đó lại có con nhỏ Tích Tố.” Ông ta vừa nói dứt đã vội chạy luôn đến đón.
Thì ra Tích Tố bị người đả thương ngầm một chưởng về tới núi Võ Đang nằm tĩnh dưỡng năm ngày mới khỏi. Nàng vừa khỏi vội đi Hoắc Sơn …….. mời Lý Nhược Hoa cùng đi điều tra việc Tú Lan giao phó cho. Ngờ đâu nàng vừa xuống núi đã nghe nói ông và Nguyên Thông hai người đánh với nhau ở trên Lư Sơn, cả hai cùng bị thương nặng nên vội quay trở lại Lư Sơn.
Lần trước nàng vào Lư Sơn không được mời đến Minh Hiên Tiểu Trúc vì vậy lần này quay trở lại không biết rõ đường lối vào Minh Hiên Tiểu Trúc nên chỉ theo phương hướng mà đi thôi.
Tích Tố với Nhược Lan hai người đang đi bỗng thấy mắt hoa một cái phía đằng trước đã có một ông già cụt tay lưng gù, mặt vàng khè đứng cản lối đi.
Sau khi cải trang và cải cả tiếng nói nên Cống Bắc xuất hiện mà Tích Tố không sao nhận được.
Cống Bắc rất cảm động lớn tiếng kêu gọi: “Tố nhi… ”
Tích Tố bỗng thấy ông già tàn phế trông giống ông mình lắm, nhưng nàng không ngờ là ông mình thực, tuy vậy nàng vẫn lễ phép cúi mình vái chào đáp: “Lão tiền bối gọi cháu đấy à? Sao cháu chưa gặp lão tiền bối bao giờ?”
Cống Bắc thấy Tích Tố không nhận ra mình cũng cảm động và gọi thêm một tiếng nữa: “Tố nhi, cháu không nhận ra ông sao?”
Tích Tố giật mình kinh hãi vội lui về phía sau một bước, rồi khóc òa lên chạy lại ôm lấy Cống Bắc đau đớn hỏi: “Có thực ông bị y đả thương và bị đau nặng đến biến đổi thế này không?”
Cống Bắc không muốn cho cháu mình quá đau lòng liền kể truyện giả bộ đau nặng như thế nào cho Tích Tố nghe vì vậy nàng đoán chắc vết thương của Nguyên Thông cũng không nặng lắm đâu, nên mới bớt lo. Sau nàng giới thiệu Nhược Hoa cho ông rồi mới hỏi: “Thương thế của Thẩm tiểu hiệp chắc cũng giả bộ như ông phải không?”
Cống Bắc không biết cháu mình chú ý nhiều đến Nguyên Thông nên nói thẳng cho nàng hay: “Chủ mạch khắp người của Nguyên Thông đều bị nứt rạn hết, bây giờ không biết sống chết ra sao.”
Tích Tố nghe nói mặt biến sắc cúi đầu xuuống rầu rĩ vô cùng. Cống Bắc không biết cháu đang đau lòng khôn tả lại còn nói tiếp: “Thực là trời ghen kẻ có tài, một ngôi sao sáng của võ lâm như vậy lại bị thương nặng như thế thực là đáng tiếc.”
Tích Tố không sao nhịn được, nước mắt tuôn ra như mưa.
Nhược Hoa hiểu ngay liền chạy lại đỡ nàng và nói với Cống Bắc rằng: “Tố muội bị thương nặng mới khỏi lại phải đi đường xa, hiện giờ cô ta đang mệt mỏi lắm, tốt hơn hết là lão tiền bối mau đưa chúng con vào trong Minh Hiên Tiểu Trúc đã, rồi hãy nói chuyện sau.”
Cống Bắc nghe nói Tích Tố bị thương nặng mới khỏi liền trợn mắt lên hỏi: “ Ai đả thương nó?”
Không chờ Nhược Hoa trả lời, ông vội đỡ Tích Tố đi luôn.
Nhược Hoa theo sau Cống Bắc vòng trái quanh phải mãi mới vào đến Minh Hiên Tiểu Trúc. Lúc này nàng mới biết bốn xung quanh nơi đây đều có bố trí trận thế, kinh hoảng bụng dạ bảo rằng; “Nếu không gặp La lão tiền bối, có lẽ hôm nay ta với Tích Tố sẽ phải khổ sở chán, chưa chắc đã vào được trong Minh Hiên Tiểu Trúc này.”
Tú Lan đã đứng ở trước cửa đón tiếp, Tích Tố trông thấy Tú Lan liền trào ra hai hàng lệ. Nhược Hoa cũng đã trông thấy Tú Lan, vội cúi đầu vái chào và khẽ gọi: Thím ba… ”
Tú Lan cũng ứa nước mắt dắt hai thiếu nữ vào nhà.
Cống Bắc thấy ba người nhìn nhau khóc lại càng không hiểu ra sao, ông ta thấy Tích Tố thay đổi, tính nết vui vẻ khi xưa nay bỗng trở thành yếu ớt dễ xúc cảm, khiến ông ta cảm thấy thế giới này cái gì cũng thay đổi hết nên dậm chân một cái thật mạnh và thở dài một tiếng.
Kính Thành vội tiến lên vỗ vai ông ta an ủi: “Cống Bắc huynh chuyện trẻ con đã có Tú Lan dàn xếp, huynh khỏi phải bận lòng, chúng ta vào trong kia uống rượu đi.”
Cống Bắc dặn Tích Tố vài câu rồi để mặc Tích Tố theo Tú Lan vào nhà bên.
Vì Tích Tố đã bày tỏ tình cảm của mình đối với Nguyên Thông như thế nào cho Tú Lan hay rồi, nên lần này trở lại nàng coi Tú Lan như mẹ chồng của mình vậy, vừa khóc vừa nói: “Cho cháu vào thăm Nguyên đại ca một chút nhé.”
Tú Lan thấy cô bé khóc nức nở cũng động lòng thương, liền đưa nàng đến trước cửa sổ để nàng nhìn vào bên trong. Nàng thấy Nguyên Thông bị cắm kim đầy người trông rất khủng khiếp, không riêng gì nàng mà cả Nhược Hoa cũng đau lòng.
Từ đó trở đi những việc ăn uống của Minh Hiên Tiểu Trúc đều do Tích Tố và Nhược Hoa phụ trách, còn Tú Lan là chủ mà hóa thành khách, hai nàng tiểu thư nhất định không cho bà mó tay vào việc gì. Được ba người đàn bà trông nom, thương thế của Nguyên Thông ngày càng giảm dần, tuy chàng không nói không cử động được, nhưng mắt đã trông thấy mọi việc và cách một ngày một mũi kim lại tự động bật ra.
Nhân Y càng lúc càng vui vẻ, trong những ngày đó chỉ có Lý Kiến Trung tới thăm một lần rồi lại đi luôn.
Lý Tử Đông với Cung Bách Thọ cũng lần lượt tới thăm.
Tỷ Hư đạo trưởng của phái Võ Đang cũng phái Tỉnh Nhất đạo trưởng, một người trong Cửu lão đến hỏi thăm bệnh của Cống Bắc và Nguyên Thông.
Những người tới thăm đó đều do bốn ông già thân hành tiếp dẫn vào cho nên không ai bị lạc lối ở trong Cửu Nguyên trận cả.
Ngày giờ thấm thoát thoi đưa thoáng cái đã qua được ba mươi sáu ngày, trên người Nguyên Thông chỉ còn một mũi kim cuối cùng mà thôi.
Tin ấy làm cho mấy ông già vui mừng đến tụ họp cả ở trong phòng của Nguyên Thông. Nhân Y thăm mạch cho cháu xong mừng rỡ tuyên bố: “Những huyết quản của Nguyên nhi bị nứt rạn đã tự động nối liền lại. Bây giờ nó hoàn toàn lành mạnh rồi.”
Tú Lan mừng rỡ cầm tay Tích Tố và nước mắt tuôn trào không ngớt.
Cống Bắc đã biết cháu mình yêu Nguyên Thông nên rất cảm động nhìn Nhất Chi khẽ nói: “Hai gia đình của chúng ta hoạn nạn, lo âu đều có nhau, từ giờ trở đi sẽ không có một sự gì chia rẽ được nữa.”
Kính Thành giơ một tay lên khua động mấy cái và khẽ nói: “Y sắp thức tỉnh rồi.”
Quả nhiên Nhân Y vừa nói xong, Nguyên Thông đã mở mắt ra.
Tuy mắt chàng không được sáng chói lọi như xưa, nhưng đôi ngươi vẫn được trong suốt như thường. Nguyên Thông nhìn mọi người xong, vẻ mặt rất cảm động, nhưng chàng đã kiềm chế rất nhanh.
Kính Thành vội điểm huyệt ngủ cho chàng ngủ say, rồi nói với mọi người rằng: “Chúng ta không nên ở lại trong phòng này, để cho y tĩnh dưỡng ba ngày đã, chúng ta hãy ra bên ngoài nghiên cứu xem kỳ tích của y như thế nào?”
Kính Thành lại dặn Tú Lan không cần phải cho Nguyên Thông uống thêm Hồi Thiên Tái Tạo hoàn nữa, và chỉ cho chàng uống nước sâm là được rồi.
Ba hôm đó người nào ở trong Minh Hiên Tiểu Trúc cũmg vui vẻ hết cả và muốn biết tại sao Nguyên Thông lại có kỳ tích sống lại được như thế.
Nhất là Nhân Y, ông ta là ngưòi giỏi y lý cũng không sao hiểu được hiện tượng bất thường đó. Chờ đến ngày thứ tư trời mới sáng tỏ ông vội gọi Nguyên Thông dậy hỏi thăm. Nguyên Thông mới kể lại câu chuyện như là chuyện nằm mơ cho mọi người nghe.
Thì ra Kháng Nguyên đơn ở trong người Nguyên Thông phát huy hết mức độ rồi, huyết mạch trong người chàng không sao chịu nổi áp lực từ bên ngoài, vì vậy mới bị rạn nứt và mất trí khôn. Cho tới khi Nhân Y dùng Tam Tuyệt thủ pháp cắm mười tám mũi kim vào ba mươi sáu đại huyệt của chàng khí huyết trong người mới tuần hoàn như thường. Lúc đó chàng mới tỉnh táo dần.
Lúc ấy tay chân mình mẩy của chàng không thể cử động được, ngay cả muốn nói cũng không sao lên được tiếng. Chàng đã được ông ngoại chỉ bảo cho y học, nên biết thương thế của mình rất nghiêm trọng.
Lúc ấy trông đầu óc chàng trỗng rỗng nhưng lại sáng suốt hết sức. Cuốn kinh văn Bách Tự chân kinh lúc trước chàng nghĩ mãi không ra bây giờ bỗng hiện cả lên trong óc, tâm trí chàng cứ theo kinh văn đó mà nhảy nhót, chỉ trong mấy tiếng đồng hồ chàng đã hiểu thấu hết già nửa cuốn kinh văn. Đồng thời nhờ có cuốn kinh văn đó cơ thể của chàng mới được cải tạo trong ba mươi sáu ngày. Những huyết mạch nứt rạn tự động lành lặn và nối lại được là nhờ ở sự vận dụng những phương pháp từ cuốn kinh văn đó bằng nội tâm.
Nhân Y Kính Thành, Nhất Chi, Cống Bắc và Đắc Mộng bốn người đều là tôn sư của một môn phái tất nhiên biết xuất xứ cuốn Bách Tự chân kinh còn huyền diệu hơn Dịch chân kinh của chùa Thiếu Lâm nhiều.
Lúc ấy mọi người mừng rỡ không ai còn kịp hỏi Nguyên Thông vì sao lại lượm được cuốn kinh văn đó và nội dung của cuốn kinh văn ra sao. Vì người nào người nấy đều là kỳ nhân một thời, không ai có tham lam mà hỏi han như vậy, đồng thời còn khuyên nhau không nên tiết lộ ra ngoài. Riêng Tích Tố mừng đến nước mắt ứa ra như mưa.
Hai ngày sau Nguyên Thông đã xuống giường đi lại được, chàng đã xin phép Nhất Chi với Kính Thành cho chàng được ở riêng trong một căn phòng để tĩnh tu trong một trăm ngày.
Trong một trăm ngày đó liên quan rất lớn cho tương lai của Nguyên Thông vì vậy không khí của Minh Hiên Tiểu Trúc trở lại trạng thái nghiêm mật hơn trước.
Đến ngày thứ tám mươi mốt mọi người nghe thấy tiếng báo động mới hay có người đã đột nhập Cửu Nguyên trận. Nhược Hoa với Tích Tố hai người vội chạy ra, hai nàng ở đó bao lâu đã quen lối ra vào Cửu Nguyên trận rồi. Trận này kỳ ảo và quái dị hết sức, người quen biết sự tổ chức của trận này khi vào trong trận cũng tựa như đi dạo chơi trong vườn thôi. Nhưng với người không quen biết vào tới bên trong có cảm tưởng rất lạ. Không những một thân cây, một ngọn cỏ, một hòn đá, một cục đất ở trong đó cũng biến thành một vật cản trở thiên nhiên và nguy hiểm hết sức, thậm chí ánh nắng mặt trời cũng đủ làm cho người vào trận mê man không biết phương hướng là đâu.
Tích Tố với Nhược Hoa hai người vào tới trong trận trông ngay thấy trong đó có hai người một già một trẻ. Ông già có lẽ tuổi đã gần trăm nhưng thân hình rất cao lớn còn hơn cả Cống Bắc, hai mắt to lớn của ông ta như đổ lửa, tia ra hai luồng ánh sáng chói lọi đủ thấy công lực của ông ta cao siêu như thế nào.
Còn cô bé trạc tuổi mười năm mười sáu trông rất xinh đẹp lanh lợi, hai mắt vừa to vừa tròn chứa đầy trí tuệ, mình mặc một bộ áo rất lịch sự có lẽ vì mặc quá lâu không đổi nên đã phai màu rất nhiều. Chỉ trông bộ áo của nàng cũng đủ biết nàng là một tiểu thư tinh nghịch lén gia đình ra ngoài giang hồ lang bạt. Mặt nàng ta tỏ vẻ thất vọng và đau đớn, tuy vẫn không che lấp được bản tính tinh nghịch và hiếu sự của nàng.
Tích Tố và Nhược Hoa đã đi đến cách hai người không đầy hai trượng mà hình như hai người đó vẫn chưa biết hai nàng tới gần.
Nhược Hoa bịt mồn khẽ cười nói: “Trông bề ngoài của ông già thì công lực của ông ta cao siêu lắm nhưng sự thực chỉ có bề ngoài thôi.”
Tích Tố mỉm cười đáp: “Có phải chị bảo tai mắt của ông ta không được thính và sắc phải không?”
Nhược Hoa đáp: “Lúc Thẩm lão tiền bối vận công quanh đó mười dặm, một tầu lá rơi xuống hay con kiến bò qua ông ta cũng nghe thấy. Còn ông già này chúng ta đi tới gần hai trượng mà vẫn không biết gì, đủ thấy công lực của ông ta hãy còn non nớt lắm.”
Tích Tố lắc đầu đáp: “Không đúng, không đúng… ông già này là một nhân vật hữu danh trong võ lâm đương thời, công lực của ông ta cao siêu không kém gì Thẩm lão tiền bối, vì trận này kỳ tuyệt cho nên tâm linh của ông ta mới bị mê hoặc mà không nghe thấy tiếng chân của chúng ta đấy thôi.”
Nhược Hoa có vẻ không tin.
Lúc ấy, cô bé nọ bỗng chẩu môi nói: “Trời sắp tối rồi đấy.”
Tích Tố gật đầu đáp: “Đó là sự kỳ ảo do âm dương phản Ngũ hành của trận Cửu Nguyên này.”
Ông già nghe cô bé nói vậy tức giận vô cùng liền cười ha hả lên tiếng đáp: “Con nhãi này, mày đừng có chế giễu ta nữa. Mày có biết chúng ta đã bị lọt vào tròng của người ta rồi không?”
Cô bé tỏ vẻ nghi ngờ: “Mình không có tài lại bảo trúng phải mưu kế của người.” Cô bé có vẻ không tin lại nói tiếp: “Mình kém tài ba lại bảo bị người ám hại, nhưng người của ông có vết thương nào đâu?”
Ông già nọ biết cô bé này bướng bỉnh không thể dùng lời mà giải thích được, liền lẳng lặng không nói năng gì nữa, nhưng trong lòng đã nghĩ ra được một kế để đổi phó rồi. Ông ta vội ngấm ngầm vận thần công dùng môn truyền âm nhập mật mà nói với bốn mặt tám phương mấy câu, rồi mặt rất nghiêm nghị không nói tiếp nữa.
Tích Tố với Nhược Hoa không biết dụng ý của ông ấy nói như thế để làm gì? Bỗng thấy phía bên phải có bóng người thấp thoáng và chỉ trong nháy mắt Thẩm Nhất Chi, La Cống Bắc, Bốc Kính Thành và Hoa Đắc Mộng đều lần lượt xuất hiện trước mặt ông già tỏ vẻ rất cung kính.