Thời Đại Kết Hôn Mới

Chương 11


Bạn đang đọc Thời Đại Kết Hôn Mới – Chương 11


Quốc ngồi làm việc trước màn hình vi tính, mười ngón tay như bay trên mặt bàn phím. Phía sau lưng một thanh niên đang nghe điện thoại. Sau khi gác máy xuống, cậu thanh niên đó quay sang hỏi Quốc hôm nay là ngày bao nhiêu, Quốc cũng ngẩng đầu lên hỏi lại ngày gì. “Hôm nay chắc chắn là ngày gì đó vì vợ vừa gọi điện tới.” Anh ta chẳng nhớ hôm nay là ngày gì nữa nên tức giận gác máy; đồng thời anh ta nhấn mạnh rằng hôm nay chẳng phải sinh nhật vợ cũng không phải kỷ niệm ngày cưới. Vậy là ngày gì nhỉ? Quốc chau mày suy nghĩ,đúng lúc ấy, máy điện thoại của Quốc reo lên tin nhắc việc, Quốc mở ra và vui sướng reo lên: “Ngày lễ tình nhân.” Quốc không reo lên vui mừng vì ngày lễ tình nhân tới mà là vì Quốc không quên ngày này. Sau đó, Quốc vội gọi đặt hoa, là hoa hồng. Người thanh niên kia hỏi ngay có phải Quốc đang có “phòng nhì” không? Quốc vừa cười vừa nói: không phải “phòng nhì” là “phòng chính”. Cậu ta không tin, vì cá đã cắn câu ai lại đi câu nữa? Mặc cậu ta thắc mắc Quốc không thèm giải thích gì hơn. Qua chuyện lần này xảy ra với Tây, Quốc vừa thấy sợ lại vừa thấy vinh hạnh, vì thế Quốc chuyên tâm đọc sách viết về hôn nhân nhiều hơn. Sách nói rằng, hôn nhân cũng giống như sự nghiệp cần phải đầu tư. Đồng thời cuốn sách đó cũng nói cách đầu tư, một trong những cách đó là phải ghi nhớ các ngày đáng nhớ, đặc biệt là đàn ông càng phải nhớ. Quốc học theo đó, từ cửa hàng sách về nhà lập tức giở lịch ra xem, ghi lại trong mục nhắc lịch của điện thoại tất cả những “ngày đáng nhớ” ví dụ như ngày lễ tình nhân. Hừm, giờ phải quan tâm điều này nữa, Quốc phải đối xử tốt với Tây hơn mà. Tây đã hi sinh cho Quốc rất nhiều. Lỡ như Tây dù đã hi sinh cho Quốc rất nhiều mà Quốc vẫn không thể bảo vệ Tây thì chi bằng tranh thủ những lúc còn có thể bên nhau này mà đối xử tốt với Tây hơn, có như thế sau này mới đỡ thấy hối tiếc. Vừa điện thoại xong, cậu thanh niên kia lại hỏi bây giờ mới đặt hoa có muộn không? Chưa để Quốc trả lời đã lại có người khác lên tiếng nói rằng hoa mua muộn mới rẻ, hoa hồng ngày Valentine đắt như bánh trung thu ngày rằm, buổi sáng có khi tới hơn trăm tệ một hộp. Không tin cứ đến tết trung thu rồi mà xem. Buổi trưa là năm mươi tệ, đến chiều đến hai mươi lăm tệ cũng không bán nổi. Cả phòng cười ầm lên. Vì ai cũng hiểu với tất cả mọi người, tiền vẫn là vấn đề hàng đầu.
Hôm nay trời cũng âm u, không có tuyết. Tây đứng bên cửa sổ ngắm nhìn ra bên ngoài. Tây đang đợi Trần Lãm, hôm nay nhà văn Trần tới lấy nhuận bút. Cũng chính ngày hôm nay, khi tới cơ quan làm việc Tây phát hiện ra pano quảng cáo “đón tết” đã có thay đổi cơ bản. Bỏ hết những màu mè vui nhộn náo nhiệt trước kia, thay vào đó là hình ảnh một cô gái đẹp lạnh lung rất bắt mắt và hấp dẫn. Những đám đông trước mặt với dáng vẻ xấu xa trong nét thanh tú của riêng mình đang chau mày nhìn, miệng mỉm tủm tỉm cười, ánh mắt tập trung vào chỗ hấp dẫn trên toàn thân cô gái ấy. Bên cạnh sơn một khẩu hiệu thể hiện rõ tâm ý của cô gái đó: Nếu yêu em hãy cho em điều tốt nhất!!! Ba dấu chấm than rất to đặt sít nhau, sự kết thúc ấy có hiệu quả chẳng khác nào một trái bom đầy thuốc nổ. Tây bật cười, thầm nghĩ: nếu không cho hoặc không thể cho “điều tốt nhất”, thì sao nhỉ? Mẫu quảng cáo này cho ngày lễ tình nhân thật ý nghĩa, không giảm giá, không tặng quà khuyến mãi, mà cũng chẳng thương lượng. Giống hệt như những yêu cầu và điều kiện đội mạnh thường ra cho đội yếu khi hai đội quân tham chiến, chắc chắn không thêm không bớt. Từ xưa đã vậy thôi: một nụ cười đáng giá ngàn vàng, khuynh quốc khuynh thành, lãng mạng cũng đáng đồng tiền đấy chứ. Dù bạn có vàng bạc đầy túi, tiền đầy nhà bạn cũng đừng lấy làm đắc ý, vì sao ư “kiều biên hồng dược, niên niên tri vi thùy sinh(1)”… Xem xét và suy nghĩ thì thấy câu này ẩn chứa một nghĩa bóng chẳng liên quan gì tới sự việc trên. Sở dĩ nói “chẳng liên quan” là bởi vì Tây là một phụ nữ đã có chồng chính thống, nhưng dù phụ nữ có chồng chính thống thì vẫn có ngày lễ tình nhân chứ, chẳng qua là chồng mình không tổ chức ngày này, chính xác là không thuộc tuýp người thích tổ chức đón Valentine. Mọi chuyên gia về hôn nhân đều nói rằng hôn nhân là một quá trình không ngừng phải thỏa hiệp. Và Tây đang là một người đứng ở vị trí khách quan trong quá trình thỏa hiệp ấy.
(1) Ý là hoa quý mọc ven cầu ai qua lại cũng chẳng buồn để ý xem chúng sinh trưởng phát triển hay héo tàn ra sao.
Trong hành lang có người đang gọi lớn “Giản Giai”, nhưng không ai đáp trả. Rõ ràng là Giai không có đó. Tây do dự giây lát, rồi trả lời rất to sau đó đi ra. Trưởng phòng phát hành đang đứng bên cầu thang máy, một tay ôm bó hoa hồng, tay kia giữ cửa cầu thang máy. Chắc anh ta muốn lên tầng. Tây nhanh chân chạy lại gần, không đợi Tây đứng lại. Anh ta đã nhét ngay bó hoa vào lòng Tây. Khá mạnh.
“Của Giai đấy. Phòng văn thư không nhận chuyển nhanh. Tôi mang lên cho đấy.”
Dăm ba câu thông báo ngắn gọn, cửa thang máy liền đóng lại thật nhẹ nhàng, chốc lát đã bắt đầu đi lên. Ôm bó hoa trong lòng, Tây đi dọc hành lang, đang đi thì chợt nghĩ tới một chuyện: ai tặng hoa cho Giai nhỉ, có nghe Giai kể đang hẹn hò với ai đâu! Lúc đó Tây mới cúi xuống nhìn tấm thiếp dắt bên trong bó hoa, không xem thì thôi, xem rồi tức muốn chết luôn. Người tặng hoa chính là Hàng – em trai mình. Tây liền giấu tấm thiếp đó vào trong túi quần, lỡ mà để đồng nghiệp biết được thì khác nào tạo chuyện lúc trà dư tửu hậu ọi người chứ. Đồng thời Tây cũng lo không biết trưởng phòng phát hành có nhìn thấy tấm thiếp đó chưa? Nếu thấy rồi không hiểu có biết Hàng là ai không? Vì quá lo lắng Tây quên cả đường đi, đôi chân cứ dẫn lối về phòng mình. Về đến phòng mới nhận ra là nhà văn Trần đã đến, đang đứng quay lưng về phía Tây nhìn ra ngoài cửa sổ ngắm phố phường.
Trần Lãm cầm theo bó hoa hồng đi ra phía cầu thang, gặp ngay Giai đúng lúc ấy đang vào thang máy. Giai rất tự nhiên khen bó hoa thật đẹp, thế nên nhà văn Trần vui vẻ đáp ngay: “Là một độc giả nhờ Tây gửi tặng tôi đấy.”
“Độc giả nào?”
“Cũng không biết nữa. Không để lại tên tuổi, chẳng để lại gì hết.”
“Có lòng quá nhỉ.”
“Cũng làm người ta băn khoăn.”
“Không chừng là người thầm yêu chị cũng nên.”
“Làm gì có chuyện. Bản thân tôi còn không nghĩ tới chuyện đó. Tôi chuyên viết về tình yêu nam nữ,chẳng nhẽ còn không hiểu đàn ông sao? Tiêu chuẩn đàn ông thích một cô gái luôn luôn không thay đổi – hai mươi tuổi! Bất luận đó là chàng trai hai mươi tuổi hay ông lão tám mươi tuổi đều thích phụ nữ hai mươi tuổi!… Thôi đi!” Rồi đi tiếp.
Câu nói của nhà văn Trần khiến Giai xao lòng, nhưng đồng thời lại thấy vui mừng. Vui mừng bởi mình đã rút chân khỏi trò chơi tình ái tưởng chừng nắm chắc thất bại ấy.
Văn phòng vắng lặng, chỉ có tiếng gõ bàn phím lách cách. Giai cũng đang ngồi làm việc trước màn hình vi tính. Điện thoại gọi tới. Là điện thoại di động của Giai. Do dự trong giây lát Giai cuối cùng vẫn quyết định nhận điện. Chút do dự ấy là bởi cú điện thoại này do Hàng gọi tới. Nhưng Giai vẫn nhận điện vì trong lòng rất muốn nhận điện, Giai tự ình lý do là có gì đâu mà không dám nhận điện chứ? Cây ngay không sợ chết đứng. Hàng hỏi Giai đã nhận được hoa chưa? Trong giây lát, Giai chợt hiểu ra bó hoa nhà văn Trần cầm trên tay là thế nào. Giai giận dữ vô cùng, quên cả phải trả lời điện thoại của Hàng, cũng quên luôn cả dập máy, cầm điện thoại tiến thẳng sang phòng làm việc của Tây.
Lúc Giai sang, Tây đang nói chuyện với Hàng: “Hàng, em điên hả, có biết tặng hoa hồng nghĩa là gì không? Em biết rõ là sẽ không có kết quả gì còn tán tỉnh người ta nữa, đây chính là hại người ta mà cũng hại chính mình. Giai đã ba mươi tuổi rồi, không còn là cô gái mà hôm nay em yêu mai em bỏ được nữa, những cô bé đó có tương lai rộng mở, có thể mất mát, còn những phụ nữ đã ba mươi như bọn chị không thể mất mát hơn!” Rồi Tây dập máy. Ngước nhìn lên đã thấy Giai trước mặt, nhìn vẻ mặt của Giai, Tây liền nói: “Là mình lấy hoa dâng phật, chính mình tặng Trần Lãm bó hoa Hàng tặng bạn đấy. Mình làm thế là vì cả hai.”
“Dù là vì bọn mình cũng nên hỏi qua ý kiến của mình chứ.”
“Giai à. Mình có thể hiểu tình cảm của bạn với Hàng.” Tây bộc bạch lòng mình: “Bạn thực sự rất đáng yêu. Nhưng trên thế giới này những vật đáng yêu nhiều lắm: căn hộ cũng đáng yêu hay biệt thự đáng yêu? Đương nhiên biệt thự đáng yêu. Nhưng giờ mình đang sống trong một căn hộ, ai có thể lấy nó về ình dù biết nó thật đáng yêu chứ?… Hàng còn trẻ, còn dại, mọi người không chấp! Nó hả, giờ chẳng qua thấy mấy đứa cùng trang lứa, mấy cô công chúa kia đem lại phiền phức, lại gặp bạn một người độc lập, không phải lúc nào cũng léo nhéo bên cạnh, còn rất biết chăm sóc người khác nữa, rất hiểu tâm lý người khác nên nghĩ đó là tình yêu đích thực.”
“Nghe bạn nói vậy chẳng hóa ra mình đang dụ dỗ em trai bạn hả.”
“Mình không có ý nói thế, mình chỉ muốn nói bạn có kinh nghiệm hơn nó. Trên chuyến tàu tình ái này, bạn cần phải là người nắm giữ tay chèo.”
“Vậy ý bạn là mình lợi dụng kinh nghiệm để dụ dỗ em trai bạn!… Cho bạn biết, mình không dụ dỗ ai hết, trước đây không, bây giờ cũng không, mình chưa từng làm vậy!”
“Bạn không ư? Nếu không sao tự nhiên nó lại tặng hoa cho bạn?” Tây cố kìm chế, những gì không nên nói cũng đã nói ra mất rồi: “Lẽ ra mình không định hỏi bạn, nhưng nếu bạn đã nói vậy, mình sẽ hỏi rõ luôn: ngày hôm đó, cái hôm trước tết bạn tiễn vợ chồng mình tới bến xe Bắc Kinh đó, trên đường về bạn và nó đã nói gì với nhau? Sau khi về, nó nhất quyết không cùng mẹ mình đi tới nhà bạn gái nữa, vé thì đã mua cả rồi!”
Giai vô cùng ngạc nhiên. Thực sự chuyện này Giai không hề hay biết, trong lòng cũng rất nóng ruột. Lúc ấy, điện thoại của Giai lại đổ chuông, chiếc điện thoại màu xanh ngọc trông như một con vật sống. Chẳng nhìn cũng rõ là điện thoại ai gọi tới. Tây nhìn chằm chằm vào mặt Giai cùng ngầm ý cảnh cáo và ngăn trở. Cũng vì thế Giai giận dữ, giận dữ bởi chính cách cư xử vô lý của Tây. Giai vốn không định nhận điện thoại của Hàng, thậm chí là cả hoa, nhưng nhận hay không là việc của Giai, dù có từ chối cũng nên do chính Giai từ chối, Tây dựa vào cái gì mà dám làm thế chứ, dám tự ý đem hoa của Giai cho người khác chứ? Ai cho Tây cái quyền đó? Đừng tưởng bạn không ình nhận điện thì mình không dám nhận. Thật nực cười. Giai nhìn thẳng vào mắt Tây, một tay giơ điện thoại lên, nhận máy, và nói rất to: “Hàng à…” Vốn định oang oang nói tiếp, nhưng vừa nói được một câu cổ họng bỗng nghẹn lại, chẳng nói thêm được gì nữa, chỉ trực khóc òa. Nhưng Giai không thể khóc. Không thể để Tây thấy mình đang khóc, càng không muốn Hàng biết mình đang khóc. Nhưng nếu không khóc, Giai chẳng thể nói tiếp được nữa. Đương nhiên, từ đầu dây bên kia, Hàng rất lo lắng, liên tục hỏi thăm, Hàng nói to đến mức Tây nghe rõ mồn một. “Giai à? Em sao thế? Sao không nói? Chị anh lại làm gì em hả? Có cần anh gọi điện thoại bảo chị ấy không? Chị ấy toàn nói vậy ý mà.”
Nghe em trai đang bình phẩm về mình với người khác, Tây giận tới mức đôi tay cứng đơ lại, đầu óc quay cuồng, tim đập thình thịch trong lồng ngực. Tây muốn kìm chế lại, nhưng không thể kìm chế được nữa liền làm toáng lên! Tây đứng phắt dậy, đi thẳng ra phía cửa – trong cơn giận dữ vẫn không mất đi vẻ lạnh lùng, dù đánh hay chửi nhau vẫn phải đóng cửa cái đã. Nào ngờ vừa ra tới cửa, có người trong thang máy cũng bước ra, trên tay cầm bó hoa hồng to hỏi thăm Tây. Tây chẳng nghĩ ngợi gì, cầm tờ giấy và cây bút của nhân viên chuyển phát, ký nhận, tranh thủ lúc đó, Giai đi về…
Tan giờ về, Tây ôm theo một bó hoa hồng thật to. Đúng giờ tan tầm, những người đợi cầu thang rất đông, mặt Tây không chút tình cảm, mắt cũng không nhìn thẳng. Thang máy tới, mọi người dồn dập bước vào. Mấy đứa con gái vô học từ xa chạy tới chen ngay trước mặt Tây bước vào. “Cẩn thận chút đi! Kẹt vào đừng có trách tôi!”. Tây nghiêm mặt quát. Mấy đứa đó nhìn một hồi nhưng không nói câu nào; thang máy dừng ở tầng 20, mấy đứa đó bước ra, có đứa đi trước còn buông lại một câu: “Tinh vi cái gì chứ, héo hết cả rồi!” “Chắc là hoa giảm giá!” “Giảm 70% ý chứ!” Kèm theo đó là cả một tràng cười, rồi mấy đứa đó đi thẳng. Tây định bước ra đuổi theo cho chúng một trận nhưng thang máy đã khép lại, lên tầng, lên đến tầng 18, thang máy lại dừng. Tây nhét bó hoa trong tay vào tay vịn trong thùng thang máy rồi đi ra. Quốc về nhà từ rất sớm, trông thấy Tây trở về với hai bàn tay trống không nên hơi băn khoăn: “Hoa anh tặng em đâu?”

“Vứt rồi.”
“Sao lại vứt?”
“Héo rồi!”
“Nhân viên chuyển phát nhanh ngày càng nói láo!” Quốc tức giận cao giọng quát: “Biết thế cứ gọi chuyển phát thường cho xong! Để anh gọi cho họ!”
“Thôi đi!” Tây dài giọng ra nói: “Đừng diễn kịch nữa. Bao năm làm vợ chồng với nhau, em chẳng biết quá rõ anh à.”
Bị lật tẩy, Quốc lập tức thay đổi nét mặt: “Ừ đấy, đó là hoa giảm giá, vì sao những thứ khác cũng không mua giảm giá thế đi? Cái tốt là cái sau cùng mà – nhưng anh cũng không biết là hoa đã héo! Em biết là anh không thích Lễ tình nhân gì gì đó mà, nhưng anh nghĩ em sẽ vui nên anh ghi lịch nhắc trong điện thoại. Giờ anh hiểu rằng quan hệ giữa hai vợ chồng không nên chỉ quan tâm tới chuyện mình thích hay không thích gì. Tây à, năm sau, năm sau nữa, mong em luôn vui vẻ!…”
Tây xua tay cắt đứt những bộc bạch trong lòng Quốc, vừa tháo giày vừa nói: “Tối nay ăn gì anh?”
Quốc chợt bừng tỉnh lại: “Bữa tiệc đầy nến!” Khi Tây đến bên bàn ăn, quả nhiên đầy bàn nến, khi Quốc chuẩn bị thắp nến lên thì Tây chặn lại: “Thôi anh, để nến lại bật điện lên đi.”
“Tây à, em tiến bộ nhiều lắm đấy.” Quốc vui mừng tán đồng.
“Tiến bộ?” Tây lườm một cái rồi nói: “Cái này gọi là thoái hóa!”
Trong khi ăn tối, Quốc cảm thấy Tây đang có việc gì đó không vui nhưng không hỏi. Bởi khi nào muốn nói Tây sẽ tự nói, thường Tây không giấu được quá lâu. Quả nhiên, chẳng lâu sau, Tây kể ra hết, từ đầu chí cuối rất sinh động. Quốc nghe mà trong lòng thở phào nhẹ nhõm vì việc này không liên quan tới mình. Nét mặt cũng đanh lại như để thể hiện sự đồng tình với Tây. Nghe xong chuyện của Tây, Quốc im lặng suy nghĩ khoảng hai phút, sau đó nói rằng Tây chẳng nên để ý tới chuyện này nữa. “Em xem, nếu em phá được thì sẽ mất bạn; còn nếu không người ta thành đôi thành lứa, em sẽ khó nói chuyện với cả hai người đó. Tóm lại, trong chuyện này nếu em can thiệp sâu quá thì lợi bất cập hại mà thôi!”
“Cái gì mà phá được với cả không! Em cho anh biết, chuyện này nếu thành được thì em đã không phá! Em còn không hiểu thằng Hàng nữa, nó yêu bao nhiêu đứa, có đứa nào quá ba tháng đâu! Còn Giai thì sao, bây giờ không có ai quanh mình vừa hay gặp Hàng!… Thôi thì cứ cho là em ôm rơm nặng bụng đi, nếu hai người đó cuối cùng thực sự đến với nhau thì cũng là có mục đích cả thôi. Lúc ấy, cứ cho là Hàng có thể chịu được còn Giai thì sao, anh nghĩ xem, từ Khải Đoạn giờ chuyển xuống Hàng, từ những đáp ứng về vật chất xuống còn nhu cầu về tình cảm chẳng phải là giảm nhiều sao!…”
“Làm gì mà nghiêm trọng thế. Không hợp thì ly hôn có gì đâu.”
“Ly hôn? Họ chắc gì đã lấy nhau được. Sao mà qua được cửa của bố mẹ chứ. Nếu bố mẹ mà biết Hàng vẫn qua lại với Giai chắc tức chết mất.”
Quốc chẳng nói gì. Không ai hiểu rõ hơn Quốc về điều này, về những ảnh hưởng của bố mẹ với vấn đề hôn nhân.
“Sao anh không nói gì?” Tây hỏi.
Quốc xua tay đáp: “Không có gì, ăn đi.”
Tây ăn cơm. Nhưng trong lòng vẫn thấy bất an. Từ sau tết, Quốc có gì đó khang khác, ví như chuyện mua hoa này, hay làm bữa cơm dưới ánh nến, đó đâu phải là Quốc. Không sai, Tây thích như vậy, nhưng Quốc đâu có thích. Những thay đổi bất thường từ Quốc khiến cho Tây cảm thấy bất an. Vì sao ư? Chẳng nhẽ có chuyện gì đó? Tây muốn hỏi lại không thể mở miệng. Biết hỏi sao đây, chẳng nhẽ lại hỏi?: “Vì sao anh làm tất cả những chuyện này?”
Rõ ràng Quốc có chuyện gì đó giấu Tây, không nói cho Tây. Năm nay cả nhà bắt có con, nhưng có bằng cách nào đây? Trong tình trạng không chắc chắn, Quốc không đành lòng bắt Tây mang thai, vì cứ có thai lại sảy thực sự rất ảnh hưởng tới sức khỏe. Quốc cũng đã từng tới bệnh viện phụ sản để hỏi về vấn đề này. Quốc không dám hỏi mẹ vợ vì sợ bà suy nghĩ. Bác sĩ bảo dẫn bệnh nhân tới nhưng Quốc không dám dẫn, vì sợ Tây sẽ buồn: điều này có nghĩa là gì, là không có con thì phải bỏ vợ sao? Đúng ý này, có điều không phải chủ ý của Quốc mà là của gia đình Quốc. Mà ý của gia đình làm sao Quốc dám chống lại. Cũng vì điều này, Quốc đã bắt đầu để ý tới một mẫu quảng cáo thấy trên đường, nội dung là chuyên chữa bệnh vô sinh cho phụ nữ. Quốc tới địa chỉ trên quảng cáo đó. Đi rồi mới thấy mình thật hoang đường. Lần đó Quốc rẽ ngoặt năm lần bảy lượt mới tới được một gian phòng, ở đó có một người phụ nữ tầm trung niên. Hỏi làm sao thì đều được trả lời là có thể chữa khỏi, không vấn đề gì. Quốc nhớ mẹ vợ từng nói rằng, một bác sĩ đích thực xưa nay không bao giờ nói “không sao”. Hễ ai khoác lác nói rằng có thể chữa được bách bệnh đều là lang băm cả. Sau đó, Quốc đi ra khỏi căn phòng đó nhanh như chạy. Người phụ nữ đó cứ kéo tay Quốc luôn miệng giới thiệu một túi thuốc đen đen nào đó. Trên đường về nhà, trong lòng Quốc có phần hơi thất vọng. Nhưng cũng không dám nói với Tây. Vì Quốc biết nếu nói chuyện gì sẽ xảy ra, thế nên tốt hơn hết là không nói.
Nhìn Quốc cứ chăm chăm ăn cơm, Tây càng thấy bất an: “Này, rốt cuộc anh đang có chuyện gì thế?”
“Chuyện gì? Chẳng có chuyện gì hết.”
“Không sao thế sao anh lại thế này.”
“Tây à, em đừng có kiếm chuyện nữa.”
Nghe vậy, Tây đập phịch đôi đũa xuống, đứng phắt dậy. Hôm nay Tây cũng thấy không vui trong lòng.
Tây về nhà mẹ. Về mới phát hiện ra Hàng không có nhà nên ngầm thấy có gì không hay. Chắc Hàng đang ở cùng Giai rồi.

Hàng đúng là đang ở cùng Giai. Nhưng Hàng có thể ở bên Giai lúc này cũng chính là vì Tây tạo ra cả. Khi Giai biết Hàng vì mình mà từ chối cô gái định hẹn gặp lúc trước thì thấy cảm động vô cùng xen lẫn lo lắng, vì thế đã chủ động gọi điện cho Hàng và hẹn gặp Hàng. Giai cảm thấy mình có chút trách nhiệm đối với Hàng. Ban đầu, Giai hẹn gặp Hàng là chủ định khuyên Hàng nên sớm từ bỏ chuyện này, thế nhưng chính Giai đã bị Hàng thuyết phục lại.
“Giai này, nếu, nếu như anh hơn em tuổi…”
“Chẳng nhẽ ta cùng tuổi!”
“Nói như vậy, chỉ là vấn đề tuổi tác đúng không. Em sợ dư luận hả?”
“Em sợ bị đá.”
“Chẳng nhẽ người nhiều tuổi hơn em yêu em thì sẽ không bị đá?”
“Nhưng đỡ hơn là ít tuổi hơn.”
“Ít tuổi hơn mà yêu em là chắc chắn 100%!” Giai chẳng nói gì, Hàng vẫn nhẫn nại nói: “Giai à, về vấn đề tuổi tác này, em đã nói N lần, anh cũng đã nghĩ rất kỹ N+1 lần, anh thấy không hợp lý chút nào. Em nói rằng em sợ bị đá, nói cách khác là sợ mạo hiểm,vậy anh hỏi em, có việc gì mà không mạo hiểm chứ? Đến ăn cơm còn có thể bị sặc chết nữa là. Đi bộ trên vỉa hè cũng có thể bị ô tô đâm phải! Chúng ta không thể nói rằng vì sợ bị sặc hay bị đâm mà không ăn hay không đi nữa đúng không?” Giai mỉm cười. Hàng cũng cười, vừa cười vừa lấy một mẩu giấy từ phía bàn của Giai. Giữa mẩu giấy ấy kẻ một đường phân cách, mặt bên trái viết chữ “LỢI”, mặt bên phải viết chữ “HẠI”.
“Trước hết nói về HẠI nhé. Thứ nhất, tuổi tác cách biệt… Nữ nhiều tuổi hơn nam, có thể bị người ngoài dị nghị, nhưng tình yêu và hôn nhân là việc của hai người mà, chỉ cần em không để ý, những dị nghị kia có sao đâu, vì thế đây không hẳn là điều HẠI.” Nói rồi, Hàng gạch một dấu tích bên “điều một”. Sau đó viết tiếp điều thứ hai “bên nữ có tình sử trước đó”. Sau đó nói tiếp “Khi phụ nữ gặp tình yêu đích thực đều lo mình không xứng, đó là tâm lý thông thường…”
“Không phải vấn đề là xứng hay không xứng. Em không nghĩ là có tình sử với ai đó rồi thì không xứng nữa, ý em là, em chỉ không thích hôm nay uống rượu hôm nay mới ủ.”
“Anh cũng theo đuổi sự vĩnh cửu mà! Ai không muốn chứ? Có thể chúng ta sẽ phải nỗ lực đấy. Nhưng sau khi có kết quả rồi cần gì phải tiếp tục làm gì nữa chứ, có kết quả rồi không cần hành động gì nữa, em làm đảo lộn mọi việc rồi, bà chị đáng yêu ạ”
“Bà chị…”
“Em nhạy cảm quá đấy!” Hàng bật cười, còn Giai không cười, chỉ cầm lấy tờ giấy và viết thêm bên phía “HẠI” điều nữa “gia đình phản đối”. Hàng hỏi: “Gia đình em hay gia đình anh?”
“Chủ yếu là gia đình anh.”
“Việc của chúng ta chẳng liên quan tới ai cả.”
“Điều này chỉ đúng trên lý thuyết… Chẳng nói ai khác, chị gái và anh rể anh đó, khi yêu nhau thì nồng nhiệt là thế, nhất quyết phải lấy nhau bằng được. Lấy nhau rồi thì sao, ba ngày năm trận, vì sao thế, đều vì gia đình hai bên cả. Đạo lý này rất đơn giản, lấy nhau rồi đâu có thể bỏ bố mẹ, dù bất luận thế nào cũng không thể bỏ bố mẹ được!”
Hàng không nói gì. Giai cũng không nỡ nhìn Hàng. Trong giây phút ấy, Giai vô cùng hi vọng Hàng có thể đưa ra lập luận nào đó để phản bác lại lý do của mình, nhưng Hàng chỉ im lặng. Cho tận lúc ra về, Hàng vẫn chẳng thể đưa ra được điều gì thuyết phục cho vấn đề này. Thế nên, sau khi Hàng đi khỏi, Giai quyết định sẽ dừng mọi chuyện tại đây.
Hàng quyết định cứ nói với bố mẹ trước. Nếu không như vậy thì dù có nói gì cũng bằng không. Hàng cũng không định làm căng lên. Chỉ định nói mình nhất định muốn lấy Giai. Nghe dự định của con trai, phản ứng của mẹ Hàng chỉ có thể miêu tả bằng hai chữ “kinh hoàng”. Hôm ấy là chủ nhật, sau bữa tối, anh rể và chị gái đều ở nhà. Hàng cố tình chọn ngày mà cả nhà cùng ở nhà để tuyên bố tin này cho thêm phần long trọng.
“Hai đứa qua lại với nhau từ bao giờ?” Mẹ Tây sốt ruột hỏi.
“Mẹ, chúng con thật lòng mà!” Hàng không định trình bày dài dòng vì điều này thật vô nghĩa. Mẹ cũng không muốn biết điều này.
“Không được!”
“Giai cũng tốt nhưng lấy vợ đâu phải chỉ tốt không?” Tây đang rửa bát trong bếp cũng cố nói với ra, giọng nhắc nhở: “Cô gái kia cũng tốt, sao em không yêu người ta?”
“Tây! Mẹ đang nói chuyện nghiêm túc với Hàng!” Mẹ Tây không muốn làm Hàng khùng lên, sợ Hàng khi phản ứng lại gây chuyện với Tây.
“Rắc rối nhất chính là giai đoạn lựa chọn này đấy.” Tây nói chen vào “Cứ nói to là “chỉ cần tốt là được”, nhưng liệu có phải cứ tốt là được thật không?”

Mẹ Tây lại xua tay gạt đi lời nói của con gái, sau đó nhẫn nại nói tiếp với con trai: “Hàng à, con bé đó nhiều tuổi rồi, lại từng có quan hệ thân mật với người khác, bố mẹ cũng có thể không để ý tới chuyện đó, vì suy cho cùng bây giờ cũng là thế kỷ hai mốt rồi. Không nhất quyết là nữ phải kém tuổi nam hay phải là liệt nữ, đây không nên là những tiêu chuẩn để chọn bạn đời. Nhưng mẹ thấy rằng chê nghèo tham giàu, cũng không thể không coi là nhược điểm được.” Bố Tây ngồi bên cạnh gật đầu lia lịa. Còn Quốc chỉ yên lặng lắng nghe, yên lặng nhìn.
Tây nói tiếp bổ sung lời mẹ nói: “Đúng rồi Hàng à, những người bạn gái trước kia của em ấy, chẳng phải em ghét chúng nó vì cái tội tham giàu chê nghèo đó sao? Em còn nói rằng, chỉ cần có tiền chúng chẳng cần gì khác; tốt quá rồi, đó là lời em nói nhé, không cần phải bàn thêm.”
“Em đâu có nhiều tiền như Khải Đoạn.”
“Nhưng Khải Đoạn có lấy nó đâu.”
“Cho dù chị nói thế nào đi chăng nữa em vẫn thấy cô ấy rất tốt! Còn tốt hơn nhiều so với những cô gái mà mọi người giới thiệu cho em! Những cô gái đó từ sáng tới chiều chỉ biết mơi đàn ông mua quà tặng mình, em thấy đủ phiền toái rồi. Giai từ trước tới giờ có thế đâu, cô ấy hiểu chuyện và rất khiêm tốn.”
“Hàng! Bệnh của em chính là chỗ ấy! Hiện giờ Giai hấp dẫn với em chính là vì em đem nó ra so sánh với những cô gái em giao du trước đây và thấy nó có vài khác biệt, nó cho em cảm giác mới mẻ. Em có nghĩ kỹ chưa, khi những cảm giác mới mẻ này qua đi, em sẽ thấy như thế nào?”
“Thế nếu không qua đi thì sao?”
“Không thể thế được! Em thấy không hết Giai nó sẽ thấy hết.”
“Chị căn cứ vào đâu?”
“Căn cứ vào người yêu trước của nó! Nếu em và Giai thực sự lấy nhau, những gì em cho nó có bằng những gì Khải Đoạn cho nó không?”
“Nhưng vì cô ấy không yêu Khải Đoạn nữa mới chia tay anh ta.”
“Lại nói chuyện không yêu! Chính xác là Khải Đoạn không chịu cưới nó!”
Mẹ Tây nói: “Để mẹ nói, Hàng à, con gái tốt nhiều lắm, gia đình chúng ta lại có điều kiện khá tốt, không nhất quyết phải là con bé đó mà…”
Tây hậm hực nói: “Nó lấy vợ chọn người xinh.”
Hàng bắt đầu nổi giận: “Ừ đấy, em thích chọn vợ xinh đấy, thì sao? Em thích những cô gái xinh đẹp, thích người vui vẻ, thế có gì là sai.”
Sự nhẫn nại của mẹ lúc ấy cũng đã đến kịch điểm: “ Đương nhiên không sai, có điều ngoài ngoại hình ra, chẳng nhẽ không xem xét về nhân cách sao.”
“Nhân cách của cô ấy cũng tốt.”
“Những cái khác mẹ không nói, riêng chuyện ham giàu chê nghèo thì…”
“Cứ cho là cô ấy thực sự đã từng ham giàu chê nghèo, nhưng con không nghĩ đó là nhược điểm quá lớn không thể bỏ qua! Chúng ta đâu thể cả ngày đầu tắt mặt tối để kiếm tiền rồi lại suốt ngày chỉ trích người khác thích tiền, cái này chẳng phải là há miệng mắc quai à?”
“Đừng có mà lạc đề! Hiện giờ chúng ta đang nói về Giai!” Mẹ Tây tức giận quát: “Con bé Giai đó nếu thực sự như nó bảo, vì tình yêu, thế vì sao không tìm một người nghèo mà yêu, sao cứ phải tìm người giàu có.”
“Ý mẹ nói là cứ lấy người nghèo mới là tình yêu chân chính, là tình yêu vượt qua mọi sự thấp hèn, là tình yêu đầy lãng mạng và cao thượng sao?”
“Hàng, chị thấy em đúng là người làm việc chẳng có quy tắc gì cả.” Tây chỉ trích em trai: “Ban nãy còn nói là rất ghét những cô gái chỉ biết nhũng nhẽo đòi hỏi người ta tặng quà cho, bây giờ lại quay lại bảo vệ cho chúng!”
Hàng nổi giận trút giận sang Tây: “Chị! Đây là chuyện của chị à! Nếu có thời gian thì về mà nghĩ chuyện giữa chị với anh rể ý.”
“Bọn chị chẳng có chuyện gì hết!”
“Không có chuyện gì mà suốt ngày cãi nhau. Thế vì sao cãi nhau? Nói toạc ra thì chỉ là vì “TIỀN”.”
Tây tức không nói được gì, đúng lúc ấy, mẹ Tây đứng phắt dậy: “Hàng! Có thể mày coi chuyện ham giàu chê nghèo không phải là nhược điểm nhưng chúng tao thì có. Về vấn đề này, tất cả mọi người cùng chung suy nghĩ. Bố mẹ không có quyền bắt mày không được yêu không được lấy con bé đó, nhưng mày cũng không có quyền bắt chúng ta tiếp nhận nó!… Ông à, chúng ta đi ngủ thôi!” Nói xong bà đi về phòng, bố Tây cũng đứng dậy đi theo vào phòng rồi đóng cửa lại.
Hôm ấy đi làm, sau buổi họp Tây và Giai người đi trước kẻ đi sau cùng bước vào phòng làm việc của Giai. Tây bước vào phòng hét lên một tiếng “Giai”, tiếng gọi không to nhưng cũng làm cho Giai giật mình. Vì Giai không ngờ rằng Tây cũng đi theo vào đây. Giai quay mặt lại nhìn, ánh mắt tràn đầy cảnh giác.
“Chúng ta nói chuyện một lát.”
“Mình không thích.”

Giai ngồi xuống, mở vi tính ra và làm việc. Lúc ấy, Tây vẫn cố tình nói tiếp:
“Không muốn cũng phải nói. Mình thông báo cho bạn biết, bố mẹ mình nhất quyết phản đối.”
Giai ngước nhìn lên: “Ai nói với bạn là bọn mình sẽ lấy nhau?”
Tây nói luôn: “Mình không giả vờ nữa, là Hàng nó đòi thế! Nói cho bạn biết, bố mẹ mình kịch liệt phản đối!”
Trong giây lát, Giai ngồi bất động không nói lời nào, sau đó đứng dậy, khoác áo ngoài, xách túi và đi ra, thậm chí chẳng buồn chào Tây một tiếng. Tây tò mò chẳng hiểu Giai định đi đâu.
Giai tới công trường và tìm thấy Hàng ở đó, Hàng đang giới thiệu cho khách hàng một căn nhà mới xây xong. Thấy Giai tới, Hàng ban đầu hơi ngạc nhiên sau đó lại lo lắng.
Giai nhìn thẳng vào Hàng hỏi: “Anh nói với bố mẹ là sẽ cưới em hả?” Hàng gật đầu, Giai lại nói tiếp: “Nhưng bố mẹ nhất quyết phản đối?” Hàng lại gật đầu, đồng thời nghiến răng chửi thầm chị gái là đồ “mách lẻo”, “đồ đàn bà lắm chuyện”. Giai hỏi tiếp: “Anh định thế nào?”
“Vậy em định sao?”
“Cái đó tùy vào dự định của anh.”
“Anh định sẽ thuyết phục tới khi họ đồng ý thì thôi.”
“Em sẽ cùng anh, cho tới cùng.” Giai nói thật rõ ràng và rành mạch. Hàng thực sự không hiểu, không hiểu nguyên nhân của sự thay đổi thái độ 180o này. Giai tiếp tục nói: “ Trước kia khi còn yêu Khải Đoạn, anh ta chưa bao giờ giới thiệu em với gia đình, anh ta nói với em rằng chuyện của chúng em không liên quan gì tới gia đình anh ta. Sau này em mới nhận ra rằng không chỉ liên quan mà còn liên quan mật thiết. Thế nên càng chẳng mong anh ta nói tới chuyện lấy em.” Nói tới đó, Giai dừng lại giây lát: “Chính anh ta dạy cho em hiểu rằng một người đàn ông có yêu mình hay không phải xem anh ta có sẵn sang lấy mình hay không?…”
Ngày hôm đó, cả hai không đi làm nữa mà cùng nhau đi du ngoạn, không có nơi đến cụ thể, cứ đi theo những cột đèn ven đường, đi mãi tới tận vùng ngoại ô. Đói, cả hai dừng xe vào ăn mỳ tại một quán ăn ven đường. Thời tiết hôm ấy thật là đẹp, ánh mặt trời xán lạn, ăn xong cả hai cùng bước ra, chân cùng nhịp bước, vai kề vai sóng đôi.
“Anh à, rốt cuộc anh thích em ở điểm gì?” Đi một lát, Giai không thể giữ kín trong lòng hơn nên thốt ra hỏi.
“Em khiến anh hãnh diện chăng?”
“Không phải. Thực sự em không xứng với anh mà.”
“Lại nữa rồi.”
“Thật mà. Anh nhìn lại mình xem, anh trẻ này, đẹp trai này, gia đình cũng tốt. Lại là đứa con ngoan tới giờ vẫn sống cùng bố mẹ.” Nói tới đây Giai khẽ mỉm cười. “Còn em thì… em chỉ rõ từng điểm của em để so sánh thì thấy rằng ngoại trừ ngoại hình được được ra, tất cả những điểm khác đều không bằng anh.” Lại cười do dự, Giai nói tiếp: “Mà ngay đến ngoại hình em cũng không bằng anh, hoa đâu thể thắm suốt trăm ngày, em lớn tuổi hơn anh, mà phụ nữ thường nhanh già hơn đàn ông…”
“Lo gì, khi nào em bốn mươi tuổi anh đưa em đi thẩm mỹ, chúng ta sẽ thẩm mỹ thành một mỹ nhân Hàn Quốc!”
“Anh, em đang nói thật mà.”
“Việc gì phải so sánh thế.”
“Nhưng nếu không thế em không thấy thoải mái. Tất nhiên em không phải là cây nến đỏ chỉ biết cho không biết nhận đâu, nhưng ngược lại cũng không muốn ai đó chỉ là cây nến đỏ của em. Anh à, tình cảm cần có sự cân bằng, anh hiểu ý em không?”
“Giai à, thực sự những người phụ nữ mà anh tiếp xúc nhiều nhất trên thế gian này – Hàng chậm rãi tâm sự – chính là mẹ và chị gái anh. Mẹ anh là người phụ nữ vì sự nghiệp điển hình, những yêu cầu của gia đình luôn bị đặt sau đòi hỏi trong công việc của bà. Ví như mẹ anh nấu ăn rất giỏi nhưng ngoài dịp lễ tết ra còn lại hầu như rất ít khi mọi người được ăn những món mẹ nấu. Thường là ăn cơm ở nhà ăn. Hay ví dụ khác, nếu gia đình và bệnh viện cùng có chuyện xảy ra chắc chắn bà sẽ bỏ việc gia đình và đến bệnh viện. Hồi bé, có lần anh bị sốt, nhưng giữa đêm mẹ nhận được cú điện thoại từ phòng phẫu thuật liền bỏ anh ở nhà và tới bệnh viện. Khi mẹ về tới nhà, anh sốt cao tới mức mê man, chẳng nhớ gì cả, chỉ nhớ mẹ đã ôm anh và khóc. Lúc đó anh nghĩ là sau này mẹ sẽ thay đổi, thế nhưng mọi việc vẫn như cũ. Còn chị anh, em biết rồi đấy, chị ấy không phải người xấu, nhưng cái tôi thì quá lớn, làm gì cũng ít khi để ý tới suy nghĩ của người khác, cảm xúc của người khác. Từ bé anh đã được dạy rằng phải làm một bậc nam tử hán, là một cây cổ thụ vững chắc cho chim cư ngụ được. Trước khi gặp em, những cô gái mà anh tiếp xúc đúng là những con chim nhỏ, những bông tầm gửi, vì thế anh luôn nghĩ rằng có hai dạng phụ nữ, một là như mẹ anh, coi sự nghiệp làm trọng; hai là như chị anh, một loài tầm gửi, loài chim nhỏ bé. Anh không biết rằng vẫn còn dạng phụ nữ khác nữa như em đây…”
“Em là dạng phụ nữ như thế nào?”
“Là dạng có ưu điểm của cả hai dạng kia.”
“Chẳng nhẽ thế.”
“Cố gắng lên sẽ được thế mà.”
“Ây ya! Anh đúng là, chỉ được khéo dụ em thôi!”
Đúng lúc đấy, Giai đột nhiên giơ tay lên định đánh nhẹ đối phương, nhưng Hàng nhanh hơn tránh được khiến Giai đánh trượt mất đà ngã về phía trước, Hàng lập tức kéo người Giai và đầu Giai ôm vào trong lòng. Trong giây lát, hai ánh mắt cách nhau rất gần, hai đôi môi chầm chầm khẽ chạm vào nhau…
Gió Bắc thổi qua đem theo chút reo vui hoan hỉ.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.