Bạn đang đọc Thời Đại Kết Hôn Mới – Chương 10
Buổi chiều đầu tiên, Tây gọi điện về chúc tết bố mẹ. Lúc đó mẹ mới từ bệnh viện trở về, bố Tây bắt máy. Biết là Tây gọi về, mẹ vội thay giày rồi nói với chồng: “Anh hỏi nó xem, có chịu được lạnh không?… Mà thôi, để em nói với con!” Nhưng mẹ chưa kịp nghe máy, đầu dây bên kia Tây đã dập máy bảo rằng có việc phải làm, nghe có vẻ rất bận rộn. Đặt máy xuống, mẹ liền hỏi bố về tình hình của Tây, nhưng bố nói rằng Tây chỉ nói được vài câu, nghe giọng có vẻ bị cảm, mũi nghẹt nghẹt. Mẹ Tây lập tức lo lắng định gọi điện hỏi thăm con nhưng bố Tây đã kịp ngăn lại. Bố nói Tây hiện giờ nhất định đang bận lắm, nếu không đã chẳng vừa nói vừa vội vội vàng vàng gác máy thế. Hiện giờ Tây đang ở nhà chồng để làm tròn nghĩa vụ con dâu với tam cương ngũ thường, vì thế tất nhiên có nhiều chuyện không được tiện và không theo ý mình được, họ phải bỏ qua nhiều cái. Lúc bấy giờ mẹ Tây mới bình tĩnh hơn.
Mẹ Tây lo lắng quả không thừa. Tây thực sự đã bị cảm, bị từ trước khi về đến nhà. Xuống tàu, hai vợ chồng lại phải đi ô tô một chặng xa, sau đó còn phải đứng ven đường chờ xe công nông. Tây bị cảm lúc đó. Cho dù lúc trước đã chuẩn bị rất kỹ, tâm lý cũng chuẩn bị sẵn sàng nhưng trước cái rét của vùng sơn cước, mọi sự chuẩn bị đều không ăn thua. Gió thổi không mạnh nhưng sắc lạnh kinh người, như thể đâm xuyên cả lớp áo, thấm vào tận da thịt, cái lạnh ấy khiến Tây khóc chẳng ra nước mắt. Mãi mới đợi được xe công nông qua, vì cứ đứng thế chẳng làm gì nên càng lạnh hơn, thêm vào đó, xe đi rất nhanh khiến cái lạnh như thấm hẳn vào xương tủy. Quốc dang rộng áo khoác ôm Tây vào trong lòng. Ngả mình trong lòng Quốc, Tây tâm sự về điều khiến Tây sợ hơn cả cái lạnh của thời tiết. Càng về gần nhà, nỗi sợ hãi càng khắc sâu hơn.
“Anh Quốc, nếu mọi người hỏi về con cái làm thế nào?”
“Anh nhất định sẽ không nói là em có vấn đề đâu.”
“… Anh phải nói là anh có vấn đề đấy! Khó sinh, chất lượng tinh trùng không cao, hoặc số lượng hơi ít, tùy anh!”
“Anh đã nói với mọi người là em chưa muốn có con…”
“Anh nói lại với mọi người, anh sợ nói thế làm mọi người đau lòng hả. Đúng là đứa con ngoan, khó sinh con, chắc bố mẹ đau lòng lắm đây. Anh sợ bố mẹ đau lòng nên mới đổ trách nhiệm lên đầu em đúng không? Thực ra em cũng muốn có con chứ, rất rất muốn đằng khác…” Tây vừa nói câu này đi vừa ngoảnh mặt đi cười, không biết tự khi nào nước mắt đã trào ra, đành vội giấu mặt đi, lời nói cũng chẳng thành câu.
Mắt Quốc cũng đỏ, Quốc ôm chặt Tây hơn: “Anh nói anh làm sao cũng được! Là thái giám hay là pê đê cũng được! Nhưng vấn đề là phải làm ọi người tin cơ. Em nghĩ xem, nếu anh mắc chứng khó sinh thì làm sao em mang thai được.”
Tây rúc mặt vào sâu hơn trong lòng Quốc, cũng không nói thêm lời nào nữa, nước mắt cứ chầm chậm lăn. Tây không muốn Quốc biết mình đang khóc, Tây biết Quốc cũng rất khó chấp nhận chuyện này… Xe công nông tiến vào đến trong thôn, sắp đến nhà rồi, Quốc khó khăn lắm mới mở miệng nói: “Tây à, về đến nhà rồi, em giữ cho anh chút thể diện nhé?”
Tây lập tức gật đầu khiến Quốc càng thêm đau lòng. Cùng chịu khổ với Quốc đến vậy, tới lúc quyết định này vẫn quan tâm tới Quốc. Nhưng Tây đâu biết rằng lần này Quốc nói thế là vì Tây, là để cả nhà có ấn tượng tốt hơn đối với Tây. Quốc có dự cảm rằng có thể Tây không thể sinh con được nữa. Quốc không băn khoăn về chuyện này. Nhưng gia đình Quốc thì khác. Nếu như vì đứa con mà cả nhà bắt Quốc bỏ Tây… Không được, bất luận thế nào cũng không để mọi người nói ra câu đó, kể từ giờ trở đi Quốc phải làm việc vì chuyện này. Nói thật, tết này Quốc cũng không muốn về nhà, Quốc muốn tranh thủ thời gian làm thêm, công việc bị đình trệ quá nhiều rồi. Nhưng sau cùng Quốc vẫn quyết định về là vì Tây. Vì nếu Quốc nói không muốn về cả nhà sẽ không tin, sẽ cho rằng chính Tây không muốn về. Lần trước khi biết bị sảy thai, bố đã nửa úp nửa mở nói rằng: con dâu như thế này không cần cũng được, đổi cũng được: “Quốc à, nghe qua thấy con lấy được vợ Bắc Kinh có vẻ oai lắm, sang lắm, nhưng với bố chẳng qua nó vẫn chỉ là để ngắm chứ chẳng thể dùng. Không kiếm được nhiều tiền, cũng chẳng muốn sinh con, sớm biết nó thế bố mẹ cũng chẳng cưới nó cho con làm gì. Chẳng thà cưới người như chị dâu con ý, thật thà, chăm chỉ, về nhà là nấu cơm, ra khỏi nhà là đi cấy, bảo sinh con là sinh luôn! Chị dâu con cái gì cũng nghe lời chồng, chẳng dám nói to với chồng bao giờ! Anh con bảo một nó cấm dám nói hai, anh con có bảo trứng vuông nó cũng không dám cãi là tròn!” Tuy không nói trực tiếp nói là nên bỏ Tây, nhưng những lời này sao Quốc có thể nói lại với Tây chứ, nói ra lại thêm chuyện. Theo tính cách của Tây nhất định sẽ đòi ly hôn! Nhưng Tây thì có thực sự muốn ly hôn đâu chứ. Vì mọi người, vì Tây, vì cái gia đình khó khăn lắm mới hình thành này Quốc đành tự ôm trọn những tâm sự này trong lòng…
Vừa về đến nhà, bố mẹ chồng đã xa gần đề cập đến chuyện đứa bé, nói bao nhiêu là điều nhưng tựu chung lại vẫn là muốn khẳng định hương hỏa nhà họ Hà có tuyệt tự hay không đều phụ thuộc vào Tây cả. Tây chỉ biết gật đầu nói vâng, trong lòng chôn chặt một bí mật lớn không dám hé răng nửa lời. Nếu bố mẹ Quốc biết Tây không thể sinh con nhất định sẽ bắt con trai bỏ vợ. Mà Quốc thì vẫn là đứa con hiếu thảo không bao giờ cãi lời bố mẹ. Tây cũng thực sự không chịu nổi chuyện này! Tây không thể mất Quốc! Cũng vì thế Tây cố gắng làm việc, cố gắng thể hiện mình như để bù đắp. Ngày ngày dậy sớm cùng chị dâu chuẩn bị cơm cho cả nhà, ăn xong lại rửa bát dọn dẹp nhà cửa. Xong xuôi lại vào chuẩn bị cơm chiều, ăn xong lại rửa một đống bát to tướng, không để chị dâu phải mó tay, vì chị đã phải nấu cơm lại phải trông hai đứa con nhỏ. Sau đó lại còn bát đĩa ăn sau bữa tối nữa chứ. Một ngày ba bữa vẫn chỉ được coi là công việc thường ngày, công việc thêm ngoài so với việc hàng ngày cũng chẳng nhiều hơn là mấy. Ví dụ như bạn bè tới chúc tết khiến hai chị em dâu bận cả ngày. Hôm đó Tây cũng vội vội vàng vàng gọi điện chúc tết bố mẹ là vì nhà Quốc có khách tới, Tây phải ra rót trà tiếp khách.
Ban đầu, Tây chỉ bị chảy nước mũi vì cảm, sau đó hơi sốt. Không muốn để Quốc biết, cũng chẳng muốn để ai biết Tây lén uống thuốc mẹ đưa cho trước khi đi. Mẹ bảo uống một viên Tây uống hẳn hai viên, hi vọng có thể chặn bệnh lại. Nhưng không được, đầu đau nhức, xương cốt ê ẩm, Tây vẫn cắn răng chịu đựng, cũng không quá bảy ngày mà. Nhưng có nhịn cũng chẳng nhịn nổi? Không (sự thực là không thể) sinh con cho họ, lại không thể làm việc, nếu là Tây chắc cũng bỏ luôn ý chứ! Nhưng cuối cùng thì sao, không thể chịu đựng được hơn. Không phải vì khổ quá mà vì tủi thân, hơn nữa lại chính là Quốc khiến Tây cảm thấy tủi thân.
Mọi chuyện xảy ra vào một buổi chiều, Tây và chị dâu bận bịu suốt buổi để làm cơm ười ba người ăn, cơm nước xong xuôi, khách đã ngồi vào mâm Tây tranh thủ nghỉ ngơi một lát nên vào phòng ngủ ngả lưng. Vì thuốc cảm thường có thuốc ngủ trong đó nên Tây mơ màng ngủ, ngủ đến mức chửng còn nhớ ra ai, và cả nhà đã ăn xong khi nào. Mọi người ăn xong, uống trà hút thuốc, Tây cũng chẳng hay biết chứ đừng nói là biết đi ra chào. Có lẽ lúc đó bố mẹ chồng có gì đó không bằng lòng với Tây, vì nhà đông khách mà chỉ thấy mỗi chị dâu cả bận rộn còn Tây lại trốn vào phòng nằm ngủ, liệu có nghe được không? Buổi chiều, lúc tiễn khách ra về ai ai cũng nhìn thấy một đống bát to chưa ai rửa nên bố Quốc đánh tiếng: “Chỗ này là từ sáng mà, bát đũa buổi sáng sao đến tối vẫn chưa rửa hả?” Không ai lên tiếng. Bố lại nói tiếp: “Cái Tây đâu?”
Quốc vội đáp: “Để con đi gọi!” Vội vàng chạy về trước cửa phòng, mở cửa bước vào, Quốc khẽ rít lên: “Tâyyyyy, sao vẫn chưa rửa bát hả?”
“Em thấy hơi lạnh…” Lúc đó Tây cảm thấy rất không khỏe, không phải chỉ là cảm xoàng, mà là cảm nặng, sốt cao, toàn thân lạnh toát, răng va vào nhau.
Vẫn còn khách khứa nhưng bố mẹ đã đứng ngay phía sau Quốc, Quốc trợn mắt quát Tây: “Lạnh? Mùa đông chẳng nhẽ lại không lạnh? Không lạnh có còn gọi là mùa đông không? Mau, đi rửa bát đi!… Mọi người tới nhà bác cả ở thôn Đông đây, mọi người sẽ ăn cơm ở đó luôn, em rửa bát xong rồi đi tới đó sau!” Quốc đành phải nói với Tây với thái độ như thế. Vì bố mẹ vốn không ưa con dâu này. Nếu Quốc không nói thế, bố mẹ càng không vui với hai vợ chồng mà đặc biệt là với Tây. Quốc nói xong liền đi cùng bố mẹ và họ hàng, chỉ còn mỗi Tây ở nhà. Tây cố hết sức gượng dậy ra rửa bát, từng cái từng cái một, động tác rệu rã, cảm giác mệt mỏi, cái mệt lên đến tột cùng. Rửa hết đống bát to như hòn núi nhỏ ấy, Tây thu dọn qua loa đồ đạc của mình, xách đi, ra khỏi nhà mà không hề ngoảnh lại. Nếu Tây hiểu được những khó xử và đau xót khi Quốc hành xử như vậy, có lẽ đã không bỏ đi, nhưng Tây đâu có hiểu. Tuy thế vẫn còn một khả năng nữa là: dù có biết, theo phán đoán của Quốc, Tây càng quyết tâm bỏ nhà đi sớm hơn!
Sau bữa tối, Hàng ăn cơm xong liền chui vào phòng mình, lang thang trên mạng, vừa hay gặp hai blog đang tranh luận với nhau nên tìm thấy được chút niềm vui của một quan sát viên, để vào được blog đó cũng đơn giản thôi, cố tình thêm dầu vào lửa, kích bên này lại chọc bên kia, không có quan điểm cũng chẳng có lập trường gì, Hàng tham gia vào cũng chỉ là gia nhập cái thế giới ảo ồn ào này để quên đi sự lạnh lẽo trong thế giới thực mà thôi. Hàng vốn đã đồng ý đi gặp mặt cô gái mà mẹ giới thiệu nhưng sau khi gặp Giai rồi Hàng liền thay đổi ý định. Nhưng Hàng cũng nhận ra rằng chuyện giữa mình và Giai là không thể, vì dù Hàng có bất chấp tất cả đi chăng nữa thì Giai cũng sẽ không làm vậy. Lòng tự tôn của Giai quá lớn, nếu không đó đã không phải là Giai. Để không phải đi gặp cô gái kia theo kế hoạch, mẹ đã phải mất mặt đứng ra nói chuyện. Bên ngoài Hàng tỏ ra là chẳng biết đi đâu đành ở nhà, chui vào phòng mình. Đương nhiên bố mẹ đều cảm thấy được sự oán giận của cậu con trai, mấy lần bố gõ cửa phòng khuyên con, may là lúc ấy mẹ Hàng chưa về, nhưng Hàng chắc chắn rằng ở bên ngoài bố mẹ đang ngồi yên lặng, và dù miệng thì chẳng nói gì song trong lòng ai nấy đều đang nghĩ không biết con trai bị làm sao? Những giây phút ấy, Hàng cũng thấy đau lòng, bởi tình yêu của bố mẹ quá nặng trọng trách. Tâm trạng bạn đã không vui, lại càng không vui vì cảm nhận được sự bất an của bố mẹ đang lo ình, liệu như vậy có thấy chút trọng trách nào không? Có bố mẹ trước mặt, thậm chí bạn còn chẳng có quyền được tự do sống với cảm xúc của mình. Giá mà có chị gái ở nhà thì tốt, chị sẽ giúp gánh bớt trọng trách với tình yêu của bố mẹ cho con cái. Tiếc là năm ngày nữa chị mới về.
Chuông cửa vang lên. Hàng chẳng hề bận tâm, hai tay vẫn liên tiếp gõ bàn phím. Những ngày này nếu có khách chắc cũng chẳng tìm Hàng đâu. Bình thường, vào ngày thường đồng nghiệp còn chẳng tới tìm Hàng nữa là. Vì đây đâu phải nhà của Hàng, Hàng đã 27 tuổi rồi, đã đến tuổi sống riêng và gia đình riêng của mình. Dù là chưa kết hôn thì cũng nên sống riêng. Sở dĩ Hàng chưa sống riêng vì một là gia đình cũng có điều kiện, hai là bố mẹ cũng khá thoáng song vào thời điểm này Hàng đang nghĩ tới việc nên thuê nhà riêng hay vay tiền mua nhà. Ý nghĩ này vừa lóe ra lập tức thôi thúc Hàng thực hiện, trên mạng lưới internet không có giới hạn, Hàng gõ Google, chuẩn bị tìm một vài thông tin về nhà cửa. Cũng chính lúc ấy, Hàng nghe từ bên ngoài một giọng nói khiến Hàng không khỏi ngạc nhiên: “Bố! Mẹ!” Là chị! Giờ này đã về rồi sao? Anh Quốc đâu, cũng về luôn hả? Hàng lập tức đứng dậy mở cửa đi ra!
Quả nhiên là chị! Mặt mũi bẩn thỉu như thể mấy ngày liền chưa rửa, tóc cũng vậy, bẩn đến mức bết lại. Bố mẹ tất nhiên cũng đang rất ngạc nhiên, vây lấy Tây hỏi han đủ chuyện, Tây chẳng trả lời câu nào, mà cũng trả lời không xuể, chỉ vứt bà lô lên sàn nhà rồi nói “Bố mẹ à, để lát nữa con kể sau, giờ con đi tắm cái đã!”, sau đó vào thẳng phòng tắm.
Quốc không về cùng.
Cả ba cùng cảm thấy có gì đó không hay, mà cũng chẳng biết có gì đó không hay, chỉ biết nhìn nhau không hỏi không đáp lời nào. Mẹ Tây thở dài, quay lưng đi vào phòng Tây. Lát sau, mẹ tìm được chiếc khăn tắm mang vào phòng tắm cho Tây. Bố và Hàng đợi bên ngoài, hi vọng lúc mẹ ra sẽ cho hai người được một đáp án. Rất nhanh sau đó, mẹ Tây đi ra, nhanh quá cũng không tốt vì đương nhiên là không có đáp án gì rồi. Từ phòng tắm bước ra, mẹ đi vào thẳng bếp nấu ăn cho con. Đùng là đàn bà, những lúc khẩn cấp vẫn có hành động thiết thực hơn.
Mẹ nấu mỳ cho Tây, nước sôi, hấp trứng, cho gia vị, sau đó cho thêm dầu ăn và dầu thơm. Có lẽ mẹ nghĩ lúc này Tây nên ăn gì đó nhẹ nhàng, có nước suýt xoa.
Không ngờ Tây cũng chẳng ăn. Tắm xong, Tây đi thẳng vào phòng, vừa đi vừa nói: “Mẹ, bây giờ con chẳng muốn ăn gì hết. Con không đói. Con muốn đi nằm. Cả người con mỏi nhừ.”
Mẹ Tây đưa tay sờ trán con và nhận thấy con gái đang sốt cao. Mẹ vội vàng đi lấy cặp nhiệt độ, năm phút sau, vạch thủy ngân chỉ 40.2oC! Mẹ Tây vội hỏi tình hình của con gái, tất nhiên lần này là hỏi như một bác sỹ, sau đó quyết định không cần tới bệnh viện, ở nhà trị bệnh cảm là được. Uống thuốc, chườm mát, uống nhiều nước, sau đó đi ngủ.
Tây ngủ một mạch tới tám giờ hôm nay, tổng cộng là mười ba tiếng. Thức dậy, nhiệt độ cơ thể chỉ còn 37.5 oC. Tây ra nhiều mồ hôi nên chăn cũng ướt hết, trong nhà có bác sỹ quả thật rất tốt, nếu không thì sốt cao dưới trời rét thế này nếu giữa đêm không nhanh tới bệnh viện thì em rằng bệnh sẽ càng nặng hơn. Lúc này, mẹ đang dặn mọi người không được coi thường, sáng sớm nhiệt độ có thể giảm nhưng tối vẫn có thể tăng lên. Mẹ bảo Tây nên tranh thủ lúc khỏe tới bệnh viện xét nghiệm để chữa triệt để hơn. Tới gặp những chuyên gia đúng chuyên môn giỏi hơn cả mẹ Tây: kết quả xét nghiệm, số lượng bạch cầu hơi cao, trung tính cũng cao, có viêm, chỉ định điều trị kháng sinh. Sau đó, bác sỹ kê đơn, truyền nước, dù như vậy, tối đến nhiệt độ cơ thể Tây vẫn tăng lên 38.9oC. mẹ nói, tới khuya nghiệt độ có thể còn cao hơn, nhưng cũng dặn là không cần quá lo lắng vì đây là điều tất yếu trong quá trình điều trị. Tây nằm trên giường mà lòng ấp áp vô cùng vì có mẹ – một bác sỹ – chăm sóc, có bố lo lắng nước nôi, có cậu em chu đáo ra ra vào vào chạy độn chạy đáo mua cái này cái kia cho, niềm vui sướng như nâng bổng cơ thể Tây, như những ngọn gió nhẹ êm ái từ đâu thổi về. Gia đình thật là tuyệt! Bố mẹ thật là tuyệt! Được nằm trên chính chiếc giường của mình, trong phòng của mình và được cả nhà lo lắng chăm sóc cũng thật là tuyệt vời! Em trai mua về dưa và thuốc lợi tiểu hỗ trợ giảm nhiệt. Bổ dưa làm đôi, dùng thìa xúc từng miếng nhỏ giơ tay nhẹ hứng bón cho chị. Mẹ giúp Tây ngồi dậy, bố giúp Tây xếp đống chăn gối để tựa lưng. Tây ăn từng thìa dưa em trai đút, dưa đỏ hạt đen xốp mịn như cát ngọt lịm, chẳng giống như dưa hấu mùa đông. Tây đột nhiên bật khóc, những giọt nước mắt nóng hổi lã tã rơi trên thìa dưa. Giọt máu đào hơn ao nước lã cho dù em trai bình thường khắc khẩu với chị, nhưng những lúc thế này, tình thân vẫn trên hết!… Bố mẹ và Hàng đều nhìn Tây, không ai nói gì. Trong phòng chỉ còn nghe tiếng gió đang rít ngoài cửa sổ.
Đêm khuya, bố mẹ ngồi lặng đầu giường rất lâu không ngủ. Không phải bố mẹ đang lo cho bệnh tình của Tây, bệnh cũng không nặng. Mà cả hai đang lo chuyện khác. Hồi lâu sau, bố Tây thở dài: “Trời ạ, con bé bỏ đi thế này, tết này gia đình họ còn được vui vẻ không đây?”
“Đó là do họ mà! Nếu Tây không về mà cứ ở đó, sốt cao hơn, lại chịu rét, còn phải làm bao nhiêu là việc thế, hậu quả chẳng dám tưởng tượng, bị phong hàn hay đau tim là còn nhẹ đấy!”
“Là tôi lo hai đứa nó sau không biết phải thế nào đây!… Quốc làm thế là không đúng, nhưng Tây nó cứ thế bỏ về chẳng thưa chẳng gửi gì cũng là không được. Đối với những người ở nông thôn như họ, con trai mà không bảo được vợ thì sẽ là chuyện mất thể diện.”
“Thể diện! Thể diện quan trọng hay tính mạng quan trọng? Tây về là đúng! Nó có thể làm được đến thế cũng là có thành ý với gia đình đó lắm rồi! Đừng có mà chỉ nghĩ cho họ, sao ông không nghĩ cho chúng ta đi… Con gái chúng ta có phải là chiến lợi phẩm gì đâu chứ mà để thằng con trai hùng dũng nào đó đem về cống nạp cho thân tộc của nó. Nói thẳng ra, tôi không thích gia đình họ ở điểm này. Động cái là con dâu nhà ta, con dâu nhà ta! Ăn uống linh đình bắt con bé làm hết cái này cái nọ, càng nhiều người càng lắm chuyện, những lúc ấy họ nghĩ gì trong lòng, tôi đều hiểu cả, nào là: Con gái thành phố có gì là giỏi? Chẳng phải đã gả về làm dâu thôn họ Hà sao? Vậy thì phải nghe lời chúng ta thôi. Xin lỗi, lần này tôi thấy con gái không sai!”
“Thôi được rồi. Đừng giận dữ nữa.”
Mẹ Tây không nói nữa vì có nói cũng chẳng để làm gì, chẳng giải quyết được gì. Không nói ra miệng, nhưng trong lòng vẫn thấy đau xót: con gái yêu Quốc, vì thế nó đã không vì Quốc mà làm bao chuyện thế này!
“Tôi bảo này, bệnh của con Tây – ý tôi là bệnh sảy thai tái phát ý – liệu có chữa được không?”
Nghe chồng hỏi vậy, mẹ Tây cau mày bật thẳng dậy đi: Đây chính là chuyện mà mẹ Tây cũng không dám nghĩ, Tây cũng đã về nhà Quốc nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên Tây phải chịu thiệt thòi đến vậy, đó là vì sao? Vì Tây không thể sinh con nối dõi tông đường cho họ Hà! Với cái lỗi to đến thế, dù Tây có chịu thiệt thòi hơn nữa, Quốc cũng không dám ra mặt bênh Tây, càng yêu Tây bao nhiêu, Quốc càng chẳng dám bênh Tây sợ làm cho các bậc trưởng bối bực mình, lại quay sang chút giận lên đầu Quốc. Lúc ấy, bố Tây đang lo lắng chuyện này, chẳng khác nào sát thêm muối vào vết thương lòng!
Ba ngày nay, nhiệt độ cơ thể Tây đã ổn định hơn. Sau bữa tối chỉ còn 38.9oC. Mẹ Tây rút cặp nhiệt độ ra xem, tiện mồm nói: “Tây à, con vẫn nói rằng con không thích sinh con, đó không phải là cách sao.”
“Chỉ cần Quốc hiểu và đồng ý là được.”
“Đây cũng không phải chỉ là việc giữa con và Quốc. Hôn nhân vốn không phải là chuyện của hai người mà…”
“Có phải ý mẹ là, nếu cứ thế này, chúng con sẽ không tiếp tục được nữa đúng không?” Mẹ Tây do dự giây lát, rồi gật đầu. Trong lòng đau nhói nhưng miệng Tây vẫn cố nói cứng: “Vậy thì bỏ nhau là xong!”
“Đừng có mà hễ mở miệng là nói “bỏ”.”
“Mẹ, chẳng phải lần trước chính mẹ nói đấy sao, hoặc ly hôn với Quốc, hoặc cắt đứt quan hệ với bố mẹ.”
“Đấy là trước kia. Trước kia mẹ nói thế, ý là muốn con có thái độ tích cực hơn, giải quyết tốt mối quan hệ giữa con với Quốc và gia đình Quốc!”
Tây im lặng. Lát sau nói:”Mẹ, lúc đầu khi con cương quyết lấy Quốc, sao mẹ không cương quyết phản đối.”
“Con có nghe lời không?”
“Không ạ.”
Nghe câu trả lời đó, mẹ Tây bật cười. Mẹ thở dài rồi bảo Tây đi nghỉ sớm, bà kéo chăn cho Tây, tắt đèn rồi đóng cửa lại.
Điện thoại trong phòng khách reo lên. Mẹ Tây tiện tay bắt máy, vừa mới nói tiếng “alô” đã nghe tiếng con gái mở cửa từ phía sau lưng. Tây mặc nguyên áo ngủ chạy lại luôn miệng hỏi là ai gọi tới. “Là bác sỹ trực ban của khoa gọi tới hỏi về thuốc uống cho bệnh nhân giường số 38.” Mẹ Tây vừa nói chuyện điện thoại, vừa nháy mắt ra hiệu Tây đi về phòng nằm, trong lòng man mác nỗi buồn vì con gái. Mẹ biết con gái đang chờ điện thoại của ai, suốt mấy ngày liền Tây luôn đau đáu câu hỏi này: vợ bỏ về không lời từ biệt, vì sao Quốc chẳng thèm gọi điện lấy một lần? Thực ra mà nói, về phía mẹ Tây bà không có gì là không ưng chàng rể này, thậm chí bố Tây còn khá quý Quốc. Bà nghĩ tới con rể cũng chỉ là vì nỗi nhớ chồng của con gái. Vừa gác máy xuống, bố Tây đang đọc báo chợt ngửng lên hỏi: “Sao chẳng thấy thằng Quốc gọi điện tới nhỉ?”
Mẹ Tây rất phiền lòng, vì nhiều chuyện khác nhau: ví như chuyện Quốc vì sao chẳng chịu gọi điện tới, hay như bệnh sảy thai tái phát của Tây. Cả nhà biết chuyện là được, sao cứ phải chia tay? Vấn đề không giải quyết được càng tăng thêm phiền não! Mẹ đành rắn mặt mà đáp rằng “Tôi có là thằng Quốc đâu mà ông hỏi tôi”, sau đó bà cũng vào phòng để mặc bố Tây đọc báo một mình ở phòng khách.
Hôm nay, Tây đã hoàn toàn khỏe lại, đúng là tuổi trẻ có khác. Theo ý của mẹ là Tây nên nằm nghỉ thêm ngày nữa, nhưng đã khỏe rồi sao Tây có thể nằm thêm trên giường được chứ? Chiều nay mẹ phải đi trực phòng bệnh, mẹ vừa ra khỏi nhà Tây liền ra khỏi giường đi loanh quanh trong nhà. Bố thì đi chợ, Hàng thì nhốt mình trong phòng chẳng biết đang làm gì, đúng là căn bệnh của người trẻ tuổi độc thân. Đi lại mệt rồi, Tây ngồi xem ti vi, bật một lượt các kênh nhưng chẳng có gì hay ho, Tây đành lên giường đi ngủ. Không cần phải bận tâm tới một đống bát đĩa ngổn ngang hay những chuyện vặt khác, Tây cảm thấy trong lòng thật nhẹ nhõm.
Bố đi chợ về mua rất nhiều đồ, có thịt có rau. Qua sự việc bác của Quốc lần trước, và cả chuyện gần đây của con gái, hai ông bà có vẻ hòa hợp với nhau hơn trong suy nghĩ, có gì lập tức hỏi. Ông có vẻ cũng hiểu hơn về tâm trạng và cảm xúc của vợ, vì thế ông quyết tâm từ bỏ tật xấu của mình, nỗ lực hơn vì gia đình, mà cụ thể là vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho vợ. Mấy ngày nay con gái bị bệnh, con trai thì vẫn cái bệnh của thanh niên độc thân ấy, vợ thì chiều nào cũng phải đi thăm khám, chỉ còn mình ông ở nhà gánh vác việc gia đình. Con người có thể không cần tắm rửa nhưng không thể không ăn. Mấy ngày liền cả nhà đều ca ngợi là tay nghề nấu nướng của bố nâng cao rõ rệt. Đồng thời cũng nói rằng trước đây bố nói không biết nấu ăn chẳng qua là không chịu nấu mà thôi. Mặc cả nhà nói gì thì nói, bố Tây chỉ mỉm cười đồng tình, vì tất cả là sự thật mà. Thậm chí đến bây giờ bố vẫn không thích nấu nướng, thử nghĩ mà xem, nhặt rau rửa rau rồi lại thái, xào nấu, suốt cả buổi mới nấu được một món thế mà chỉ năm phút sau đã ăn hết bay. Lãng phí thời gian như vậy đâu có đáng, rất không đáng là đằng khác. Theo bố, thời gian này nên dành để đọc sách hay viết sách, ông đang có một cuốn sách gửi tới nhà xuất bản nơi Tây làm việc. Nhưng ông cũng đã hứa sẽ từ bỏ vài thói quen xấu của mình vì gia đình thế nên không thể nuốt lời được. Bố Tây là vậy đó, không nói thì không làm, nhưng đã nói ra thì nhất định làm bằng được. Nghe tiếng động, Tây chạy ra giúp bố nhặt rau và rửa rau, nhìn bố với mái tóc hoa râm đang cặm cụi làm những việc mà người giúp việc có thể làm, lòng Tây chợt xốn xang, đôi mắt cũng cay cay. “Lần này về quê chồng, vừa vào đến cửa Quốc lập tức nhờ cả nhà tìm ột người giúp việc, đúng là rất có lòng, bây giờ thì hết rồi.”
“Cũng không cần phải tiếc, nó sẽ tìm được mà, chỉ là chưa có người phù hợp thôi. Đã xem qua cuốn “Bảo bối” của Mao Mỗ chưa, đó là một cuốn truyện ngắn.” Tây lắc đầu. Bố lại giải thích tiếp: “Giờ đây bố càng hiểu hơn những cảm xúc mà Mao Mỗ viết trong cuốn sách đó.”
“Viết gì ạ?”
“Viết về một người giúp việc tốt bụng. Mao Mỗ gọi người đó là bảo bối. Trong từ điển có giải thích từ bảo bối là một đồ vật quý hiếm. Người giúp việc đó chẳng có việc gì là không biết làm, thậm chí còn có thể tư vấn cho bà chủ cách ăn mặc, rất trung thực và tinh ý, tình cảm cũng rất mãnh liệt…”
“Tỉnh lại đi bố ơi!” Tay khẽ nhắc bố.
“Sau này có lần, ông chủ uống nhiều rượu quá đã lên giường cùng người giúp việc, sáng tỉnh dậy trong lòng cảm thấy có chút hối hận, ông ta nghĩ rằng mọi chuyện đến đây là kết thúc, kể từ đó sẽ chẳng còn người giúp việc nữa. Ông ta lúc ấy chẳng dám quay người sang, vì sợ quay sang sẽ trông thấy cái đầu với mái tóc rối tinh. Đâu ngờ người giúp việc ấy không hề nằm trên giường ông ta! Đúng giờ, vẫn mặc quần áo gọn gàng đứng trước cửa, cung kính chào buổi sáng như thường ngày như thể chưa hề xảy ra chuyện gì!”
“Đây đúng là ước muốn của Mao Mỗ…”
“Đây là ước muốn của tất cả mọi người! Ai cũng mong muốn có được một người quan trọng hiểu mình, thông cảm ình ở bên cạnh!”
“Nhưng đó là ước muốn không có thực.”
Hai bố con lặng lẽ làm cơm.
“Bố, cả đời này bố hối tiếc nhất việc gì?”
Bố Tây không trả lời, Tây đành trả lời hộ ông: “Bố và mẹ đều bận rộn, đều rất coi trọng sự nghiệp, thế nên cả hai đều không được hưởng những vui thú trong cuộc sống của người bình thường, đúng không?”
“Thực ra mẹ con là một người rất giỏi giang…”
Vừa dứt lời thì mẹ Tây trở về. Hai bố con không nói thêm gì nữa. Mẹ thật nhạy cảm nên hỏi luôn có phải hai bố con đang nói xấu mẹ điều gì. Tây cười và khẳng định là không, chỉ nói: bố khen mẹ rất giỏi. Mẹ Tây mỉm cười: “Ông ấy bảo mẹ giỏi hả, chỉ là ở bên ngoài thôi.” Sau đó quay lại nói với chồng: “Cả đời này tôi không chăm sóc được ông, không hoàn thành trách nhiệm của một người vợ, kiếp sau tôi sẽ bù đắp.” Đó là lời nói rất chân thành, không khí cả nhà lúc ấy thật xúc động. Đúng lúc ấy, chuông cửa reo lên. Cả nhà bốn người đều đang ở nhà, ai thế nhỉ? Theo lệ thường thì khách đến nhà chơi thường là có hẹn trước.
Đó là Quốc. Đi cùng với Quốc là một người phụ nữ nông thôn, chẳng cần giới thiệu cũng biết là người trong thôn, một bộ quần áo đỏ còn nguyên nhãn mác. Bộ quần áo này nhìn qua cũng biết được làm từ sợi hóa học, ngoài những người nông thôn ra, làm gì còn ai mặc thứ đó chứ? Người phụ nữ đó khoảng ba mươi tuổi, nước da ngăm đen, nhưng vào thời đại ngày nay khi vấn đề thẩm mỹ có nhiều thay đổi thì nước da đen cũng không phải là nhược điểm. Chỉ cần người này mặc quần áo trông bình thường hơn chút, trông cũng sẽ hơn tiêu chuẩn bình thường ngay.
Quốc giới thiệu đây chính là người giúp việc Quốc tìm giúp gia đình, họ Hạ.
Quốc và chị giúp việc đến đột xuất mang tới niềm vui bất ngờ cho cả gia đình. Mẹ Tây hỏi rất nhiều điều đến nỗi chẳng biết hỏi từ đâu, cuối cùng toàn nói chuyện ngoài lề, ví như: “Đến từ lúc nào?” Theo thói quen, bố Tây vào pha trà rót nước mà chẳng nghĩ được ra là tới lúc này thì việc cần làm không phải là pha trà rót nước mời hai người này mà phải dọn cơm mời ăn mới đúng. Hàng thì chạy tới đỡ hành lý, đỡ cho anh rể và cả chị giúp việc. Thực ra không cần Hàng đỡ hai người vẫn mang được, chẳng qua là Hàng tới đỡ để thể hiện lòng hiếu khách thôi… Tóm lại, mọi người ai nấy đều bận cả, bận đến mức chẳng làm gì khác được. Trong khi đó, Quốc nặng trĩu một nỗi lòng sâu thẳm: Mọi người đều đang vui vẻ và nhiệt tình chào đón Quốc khiến Quốc rất vui như cởi bỏ được gánh nặng, nhưng vẫn có điều Quốc băn khoăn, đó là bên cạnh sự nhiệt tình tiếp đón, trong rộn ràng tiếng cười nói ấy, Quốc đang tự hỏi: Tây hiện ở đâu?
Khi mẹ ra mở cửa và thốt lên tên “Quốc”, Tây lập tức ra khỏi bếp và vào phòng mình đóng cửa lại.
Trong sự huyên náo của cả nhà, bố Tây cũng chợt nhận ra cánh của phòng con gái lúc nãy còn mở chẳng hiểu đã khép kín từ lúc nào. Thế nên khẽ nói với con rể: “Tây nó ở trong phòng. Chắc đang nằm nghỉ. Bệnh khỏi rồi, nhưng vẫn còn hơi mệt.”
Quốc nghe vậy vội hỏi lại: “Vậy để con vào xem thế nào.” Sau đó bước đi luôn.
Tây đứng ngay trước cửa, khi Quốc vừa bước vào Tây chạy ngay vào lòng Quốc, cùng lúc ấy, cả hai đồng thanh thốt lên hai tiếng: “Xin lỗi”. Một tay Quốc xiết chặt Tây vào lòng, tay kia nhẹ nhàng xoa xoa lên tóc Tây và nói: “Là anh có lỗi với em! Anh không biết lúc đó em bị cảm!”
Tây ngửng đầu lên cãi lại: “Ai bảo anh em bị cảm?”
“Là bố chúng ta. Bố gọi điện bảo cho anh thế.” Ngày hôm ấy, thấy con gái sốt ruột chờ điện của chồng, giữa đêm bố Tây lén gọi về cho Quốc mà không nói cho Tây biết. Gọi rồi cũng chẳng nói cho ai biết.
Tây lại rúc đầu vào ngực chồng: “Bố thật tuyệt!… Anh à, nếu bố không gọi điện về, anh có tha thứ cho em không?”
“Chuyện đó hả. Nói đi là đi luôn, chẳng nhắn nhủ gì! Em có biết “thất xuất” là gì không?
“Đó bảy lý do người xưa được quyền bỏ vợ…Ý anh là gì?”
“Ý anh là. Anh phải cảm ơn Đảng, cảm ơn đất nước mới…”
“Ý anh là, nếu vào thời xưa, người như em sẽ bị anh “đuổi” đi đúng không?
“Đáng bị “đuổi” một trăm lần biết không?”
Cả hai cùng cười, tiếng cười như vỡ òa. Quốc giữ mãi trong lòng chuyện xảy ra ở nhà sau cái ngày Tây bỏ đi. Mãi mai, Quốc sẽ không nói cho Tây câu chuyện ấy.
Tối hôm ấy, cả nhà Quốc từ nhà bác trở về phát hiện ra Tây đã bỏ đi mà chẳng chào hỏi gì nên vô cùng tức giận. Vì thế, cuối cùng bố Quốc cũng nói ra cái điều mà ông rất muốn nói nhưng sợ làm con trai tức giận: Ly hôn với vợ! Ngay lập tức! Tự ý bỏ đi đứa con đó là tội to nhất! Vẫn chưa nhận ra lỗi của mình, còn dám thể hiện là người thành phố trong cái gia đình này. Mặc kệ là người thành phố, là người có văn hoá hay thân phận cao quý, chỉ cần không có tác dụng gì với gia đình nhà này, nhà này sẽ không coi trọng! Quốc đã đồng ý với yêu cầu đó của bố ngay tại đó: Ly hôn. Việc Tây tự ý bỏ đi khiến Quốc rất bực mình, đồng thời cũng cởi bỏ một gánh nặng trong lòng. Quốc có thể nhịn được những hành vi vô lý của Tây nhưng không thể nhịn được sự chịu đựng mà Tây đang phải âm thầm chịu đựng vì mình. Bây giờ, Tây quyết định không tiếp tục chịu đựng, nghĩa là sợi dây liên hệ cuối cùng giữa họ cũng chẳng còn nữa.
Tối hôm ấy, mọi người bàn bạc rất nhiều về việc ly hôn của Quốc. Thậm chí còn bàn tới việc chọn cho Quốc một người vợ khác. Mẹ Quốc đã nhắm được cho con trai một cô gái trong thôn, có điều Quốc nhất quyết từ chối. Đồng thời cảm thấy thương cho chính mình. Giá mà Quốc có thể phân thân thì tốt biết mấy. Một cùng với cô gái từ thành phố là Tiểu Tây, một cùng với cô gái từ nông thôn mẹ chọn. Mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn. Bố Quốc cũng đã lên thành phố và gặp mặt cô gái đó. Bố Quốc nói: “Chúng ta tìm cho con một cô gái giống con. Cũng từ nông thôn lên thành phố học.” Quốc chỉ cười mà chẳng nói gì.
Sau đó, cú điện thoại đúng lúc của bố Tây gọi tới. Nói là đúng lúc là bởi vì cú điện thoại đó không chỉ nói rõ lý do Tây bỏ về cho cả nhà biết mà còn giữ thể diện cho Quốc: bố vợ chủ động gọi điện về từ Bắc Kinh để báo tin, chắc họ sợ con rể sẽ bỏ con gái mình. Nếu không nhờ cái nghĩa này có lẽ Tây cũng khó có thể được tha thứ: vì nếu ốm thì phải nói, sao mà chẳng nói đã đi luôn? Nhưng, bố Quốc cũng không nói là tha thứ hoàn toàn cho Tây, không thể chỉ vì một cú điện thoại mà tha thứ được, sao dễ thế chứ? Câu cuối cùng bố nói là: Quốc, nói cho con biết, năm nay nhất định bố và mẹ phải có cháu bế!