Bạn đang đọc Thính phong – Chương 9 – 18
Chương 17: Dạ tiệc (1)
Sau ngày hôm đó, anh biến mất suốt hai tuần hệt như đã bốc hơi khỏi nhân gian.
Lãnh Hoan đoán chắc một điều rằng, nguyên do của việc đó là vì cô đã vượt quá giới hạn.
Con người vẫn luôn tham lam như vậy, được một chút rồi thì lại muốn có nhiều hơn nữa.
Lúc Lãnh Hoan đi ra khỏi phòng học, chiếc đồng hồ trên tháp chuông của ngôi trường cổ kính điểm mấy tiếng, âm thanh trầm trầm nhưng vọng xa.
Lãnh Hoan ngẩng đầu nhìn lên bầu trời, một đàn bồ câu dáo dác bay lên cùng tiếng chuông đồng hồ. Đang là mùa đông, mới chập choạng chiều mà trời đã tối.
Cô cứ bước đi một cách vô thức giữa đám đông vừa tan học. Tự nhấn chìm mình trong đám người đông đúc và huyên náo ấy sẽ có một cảm giác yên bình khác lạ, có thể dễ dàng giấu kín bản thân, sau đó thoải mái bộc lộ cảm xúc của mình.
Lấy điện thoại từ trong túi ra, mở đến mục các cuộc gọi đã nhận, thời điểm số máy quen thuộc đó gọi cách đây rất nhiều ngày về trước.
Ba con số cuối cùng, “512”.
Chớ có yêu!(1)
(1). Số 512 theo phiên âm tiếng Trung là “Wũ-yão-èr”, đọc gần giống với “wù yào ài”, nghĩa là chớ có yêu.
Rõ ràng đã biết anh sẽ không bao giờ hiểu những từ đó theo nghĩa tiếng Trung, nhưng cô vẫn muốn cho nó là như thế.
Ngón tay khẽ khàng đặt lên phím gọi, mắt cô lại nhìn xuống những viên gạch xi măng dưới chân, vừa đi vừa đếm.
Khi đi đến ngã tư, nếu là một số chẵn, cô sẽ gọi cho anh.
Đếm đến hai mươi lăm, bước chân cô dừng lại.
“Em đang làm gì thế?”, anh hỏi, giọng nói bình thản tựa như anh chỉ vừa mới xa cô chốc lát.
Cô sững sờ nhìn anh.
Chiếc áo khoác màu đen, quần âu màu đen, mái tóc cắt ngắn gọn gàng, đôi mắt màu nâu sẫm, khuôn mặt toát lên vẻ trang nghiêm.
Là anh, không sai.
Thế nhưng không hiểu sao khoảnh khắc đó cô lại có cảm giác họ vừa gặp lại sau khi đã trải qua hết những bể dâu của cuộc đời này.
Nếu đã đi rồi, sao còn quay lại.
Thực ra cô củng không cần phải mất quá nhiều thời gian để có thể quên được anh, dù rằng vẫn sẽ có những phút giây bất chợt nhớ đến nụ cười bình thản, nhớ đến vòng tay ấm áp, nhớ đến cái cách cười ranh mãnh của anh, và nhớ đến tiếng “em yêu” anh gọi thầm bên tai cô hết mực dịu dàng.
Cô những muốn nói với anh một câu “Tôi không nhớ anh là ai”, sau đó đi lướt qua. Thế nhưng hai bàn tay đã không kiềm chế nổi ý muốn đút vào trong túi áo khoác của anh.
“Lạnh quá”, cô khẽ nói, áp mặt mình vào ngực anh, một mùi thuốc lá dìu dịu khiến hai mắt cô cay sè.
Anh cũng đút hai tay vào túi nắm lấy tay cô, quả thực nó đang rất lạnh.
“Sao không đi găng tay?”, anh chau mày, trên đường tới đây anh nhìn thấy đám nữ sinh, bọn họ ai cũng đều đi nhưng đôi găng tay đủ kiểu.
“Lần nào cũng mất”, cô hơi bĩu môi, “Mua rất nhiều lần rồi nhưng cuối cùng vẫn tìm không thấy”.
“Để mai anh mua cho em một thùng nhé”, miệng anh hơi hé nụ cười.
“Không”, cô cười đầy quyến rũ, tay đã nằm gọn trong bàn tay anh, nhìn lên bằng đôi mắt trong veo: “Em thích đôi găng tay này hơn”.
Một tia sáng lóe lên trong mắt anh. Thính Phong lặng lẽ nhìn biểu hiện trẻ thơ hiếm thấy ở cô.
“Hết giờ học rồi à?”, anh hỏi, dắt tay cô đi về phía trước.
“Uhm”, cô gật đầu, không nỡ rút nốt một bên tay ra khỏi túi áo anh, “Từ mai là bắt đầu nghỉ Giáng Sinh rồi”.
“Đi London với anh một chuyến nhé, sắp đến sinh nhật bố nuôi của anh”.
Lãnh Hoan nhìn Thính Phong kinh ngạc, vốn định hỏi xem vì sao anh lại muốn đưa cô đi cùng, nhưng câu hỏi vừa lên tới cửa miệng thì đã bị nuốt ngược vào trong.
“Vâng”, cô bình thản trả lời.
Anh cũng ngạc nhiên không kém, có vẻ như hài lòng với sự ngoan ngoãn của cô.
“Vậy ngày mai đi”.
“Nhanh vậy sao?”, cô ngẩn người, “Thế để em về thu dọn hành lý”.
“Không cần, bên đó cái gì cũng có, thiếu thì mua cũng được”, anh nhìn cô cười, đôi mắt nâu sẫm lại, “Đêm nay đến chỗ anh”.
Lãnh Hoan thấy mặt nóng bừng, cúi đầu không nhìn anh.
***
Tại London-Chinatown.
Lãnh Hoan nhìn thấy chữ lớn mạ vàng “Luân Đôn Hoa Phụ”(2) trên tấm biển trước cổng chào, không thể không quay đầu lại năn nỉ: “Xuống đó đi dạo một chút đi”.
(2). Luân Đôn Hoa Phụ (伦敦华埠): Bốn chữ viết bằng tiếng Trung đề trên tấm biển trước cổng chào của một con phố ở London-Chinatown. Con phố này chính là phố Đường Nhân.
Thính Phong gật đầu, dặn dò tài xế xong thì xuống xe dắt tay cô đi bộ.
“Luân tứ dao lâm anh đế uyển. Đôn nghị khắc thiệu Hán thiên uy”(3).
(3). Câu đối mô tả vị trí của thị trấn người Hoa tại London cũng như cảnh buôn bán tấp nập bên trong đó.
Lãnh Hoan nhìn hai câu đối ở cổng chào, tán thưởng với vẻ cực kỳ thỏa mãn: “Vế đối sau quả là đầy chí khí”.
Thính Phong cười mỉm: “Đúng là chủ nghĩa yêu nước quá lố”.
Phố Đường Nhân cực kỳ nhộn nhịp, người đi lại chen vai thích cánh.
Lãnh Hoan hiếu kỳ nhìn những tiệm ăn ở bên đường, đọc tên lần lượt từng cái một: Kim Long Hiên, Thúy Hanh Đồn, Đại Gia Lạc, Lợi Khẩu Phúc, Phật Tiếu Lầu…, không thể không bật cười: “Chỉ có ẩm thực của Trung Quốc mới có thể sinh ra những cái tên mỹ miều như thế này, tám dòng ẩm thực lớn(4) dù chưa hội tụ đủ mà đã phồn thịnh thế này, khác hẳn với nước ngoài, hàng ngàn năm qua vẫn chỉ bánh mỳ, bơ sữa, không hề thay đổi…”.
(4). Tại Trung Quốc tồn tại tám dòng ẩm thực lớn, tiêu biểu cho văn hóa ẩm thực của đất nước này.
Quay đầu lại nhìn thấy Thính Phong đang đầy vẻ thắc mắc, Lãnh Hoan mới nhớ ra anh là con lai, chỉ mang nửa dòng màu Trung Hoa, thế nên cười lúng túng, vội khoác lấy tay anh.
“Đừng chạy lung tung”, anh nhắc khẽ, “Nhỡ đi lạc thì biết làm thế nào”.
“Em sẽ đứng yên ở đây đợi anh”, cô ấm ức nói, “Cứ đợi mãi, đợi ở đây”.
“Anh không quay lại tìm em thì em đợi có tác dụng gì?”
Cô bặm môi, giọng nói nửa vờ nửa thật trách cứ: “Ai bảo con tim em si tình với anh chứ”.
“Gì, con tim em?”, Thính Phong cười đầy tà ý, “Nó ở đâu? Cho anh xem nào”.
Vừa nói, tay Thính Phong đã vươn tới cổ áo của cô.
“Này!”, Lãnh Hoan hoảng hốt né tránh bàn tay ma quỷ của anh. Đúng lúc đang định trách móc thì bên tai đã vang lên một câu chào đầy kính trọng: “Diệp tiên sinh!”.
Cô quay đầu lại, nhìn thấy vài người đang đứng trước mặt mình cúi đầu chào Thính Phong.
Anh ra lệnh một cách bình thản: “Đi thôi”.
Lãnh Hoan ngoan ngoãn đi theo anh, đi đến hết phố Đường Nhân lại rẽ vào một ngõ khác, bên trong hẹp đến không ngờ.
Những ngôi nhà lớn theo đúng lối cổ, lan can gỗ được chạm khắc, thềm như dát ngọc, thấp thoáng nhà thủy tạ, vừa mang màu sắc sông nước Giang Nam, lại có phong vị một ngôi nhà vườn ở Tô Châu.
Cho tới khi nhìn thấy trên hành lang có mấy cô gái mắt xanh tóc vàng tay cầm chén rượu đang vui vẻ chuyện trò, Lãnh Hoan mới biết tất cả không phải là ảo giác.
Xem ra chủ nhân ngôi nhà này là một người hoài cổ.
Vừa bước vào sảnh chính, đã có người ra đón: “Thính Phong, về rồi đấy ư!”.
Trước mắt Lãnh Hoan là một người phụ nữ đẹp như hoa như ngọc, dù đã khoảng ngoài năm mươi tuổi nhưng vẫn trẻ trung duyên dáng, nụ cười phảng phất trên gương mặt như gió xuân, chắc hẳn khi còn trẻ phải là một tuyệt đại mỹ nhân.
“Dì Trịnh”, Thính Phong cười với vẻ ấm nồng hiếm thấy.
“Con mới đi có vài tháng mà dì cảm thấy như đã vài năm vậy. Bố nuôi con cũng thế, tuy miệng ông ấy không nói ra, nhưng trong lòng lúc nào cũng nhớ đến con”.
Ánh mắt bà sau đó chuyển sang Lãnh Hoan, nụ cười đột nhiên sáng bừng: “Còn biết đưa cả người về nữa, đúng là lớn thật rồi”.
Lãnh Hoan cảm thấy hơi ngại ngùng vì cái nhìn đó, nhưng dì Trịnh đã bước lên cầm lấy tay cô, quay sang nói với Thính Phong: “Con đi mau đi, ông ấy đang đợi con ở thư phòng đấy”.
Thính Phong cười với bà một lần nữa rồi mới quay người đi.
Lãnh Hoan bồn chồn nhìn theo bóng anh, bất giác hơi tủi tủi. Cô vẫn còn mù mờ chưa biết gì về họ, vậy mà anh lại vứt cô ở đây rồi đi biến.
Cô lấy lại bình tĩnh, Lãnh Hoan quay sang người phụ nữ đó gật đầu cười: “Chào dì Trịnh, cháu tên là Lãnh Hoan”.
Một ánh nhìn ngạc nhiên chớp lên trong mắt dì Trịnh: “Cháu họ Lãnh ư?”.
“Vâng”, Lãnh Hoan gật đầu.
Dì Trịnh lập tức mỉm cười: “Một nóng một lạnh, cái tên hóa ra lại có rất nhiều điều thú vị. Chắc hẳn là Lãnh tiểu thư cũng phải là một người cực kỳ đặc biệt, mới khiến cho thằng bé tự cao tự đại đó lưu tâm tới”.
Lãnh Hoan nghe thấy cách dì Trịnh nói về Thính Phong thì không thể không bật cười: “Dì Trịnh cứ gọi cháu là Tiểu Hoan là được rồi”.
“Tên dì là Trịnh Nhàn Ca”, dì Trịnh vừa nói vừa dắt tay Lãnh Hoan đi lên tầng hai.
“Ồ”, Lãnh Hoan khẽ thốt lên kinh ngạc, “Tên của dì với tên cha nuôi Thính Phong quả là rất hợp với nhau, ‘Độc chước cần vô ảnh, nhàn ca diện phương lâm’(5)”
(5). Hai câu thơ trong bài Độc chước (Uống rượu một mình) của Lý Bạch.
Trước đây đã có lần Lãnh Hoan nghe Thính Phong nói anh vốn họ Lục, nhưng bố nuôi tên là Diệp Độc Chước, nên anh đã đổi theo họ của ông để báo đáp công ơn nuôi dưỡng.
Dì Trịnh hơi sững lại, nét mặt có vẻ tán thưởng: “Đã rất nhiều năm rồi không có ai phát hiện ra sự trùng hợp này đấy. Ở nước ngoài nên quốc học cũng không thể phát triển được, bọn trẻ người Hoa bây giờ đều mang phong cách của người châu Âu, những người con gái như cháu quả là hiếm gặp”.
Lãnh Hoan cũng cười: “Từ khi còn nhỏ cháu đã bị bố ép học thơ luyện chữ, sau này tự nhiên lại trở thành sở thích của bản thân, song dù gì cũng chỉ là lớt phớt bên ngoài thôi”.
Lên đến tầng hai, Lãnh Hoan nhìn ngay thấy một bức tranh chữ treo trên tường.
“Thùy năng thư các hạ, bạch thủ thái huyền kinh”.(6)
(6). Hy vọng người viết sử có thể ghi lại những công trạng của hiệp khách để lưu truyền lại cho hậu thế.
Lãnh Hoan không kìm nổi, buột miệng khen: “Trôi nổi như mây, cứng cỏi mà uyển chuyển như rồng, tài năng thư pháp quả là tuyệt đỉnh”.
Dì Trịnh bất giác mỉm cười: “Đó là chữ của ông Hai”.
Thấy vẻ không hiểu của Lãnh Hoan, bà liền giải thích: “Độc Chước là con thứ hai trong nhà, sau này lăn lộn trên trường đời, mọi người quen gọi là ông Hai, đến ngay cả dì cũng gọi như thế quen rồi, không sửa được nữa”.
Lãnh Hoan gật đầu, tiếp tục đi theo bà về phía trước.
Vào trong một gian phòng, Lãnh Hoan nhìn khắp xung quanh, thấy tổng thể được sắp xếp vô cùng thanh nhã nhưng cũng không hề mất đi vẻ nguy nga.
“Đây là phòng của dì và ông Hai”, dì Trịnh nhìn Lãnh Hoan, “Lát nữa sẽ có dạ tiệc, Thính Phong giao con cho dì, nhất định là muốn dì trang điểm thật đẹp cho con rồi. Con xem bộ xường xám này có được không?”.
Khi đó Lãnh Hoan mới nhìn kỹ bộ áo dài Thượng Hải trong tay dì Trịnh, đó là một bộ xường xám màu trắng, ở cổ tay và cổ áo đều thêu hoa mai màu tím nhạt, trông cực kỳ nhã nhặn.
Cô mỉm cười gật đầu: “Quả thực rất đẹp, còn đẹp hơn những trang phục dạ tiệc của người nước ngoài đến mấy lần, chắc chắn dì Trịnh phải mất thời gian bận tâm đến chuyện này”.
“Nói khách sáo quá”, dì Trịnh cười lắc đầu, “Chỉ là một món đồ cũ thôi, cái này ông Hai đã tặng dì trong ngày sinh nhật sáu mươi tuổi”.
“Dì Trịnh đã quá tuổi sáu mươi rồi sao?”, Lãnh Hoan lại kinh ngạc thêm một lần nữa, không thể tin nổi khi nhìn vào khuôn mặt tuyệt đẹp đang ở trước mắt mình.
Dì Trịnh mỉm cười: “Năm nay dì sáu mươi tám tuổi, ông Hai đã tám mươi rồi”.
Lãnh Hoan thốt lên: “Quả thực không thể đoán nổi”, sau đó đưa trả lại chiếc áo dài, “Bao nhiêu năm rồi mà dì vẫn giữ nó như mới thế này, chắc chắn là một vật cực kỳ quý giá đối với dì, cháu không thể mặc được”.
Dì Trịnh lại cười: “Dì cũng thích nhất chiếc áo này, thế nhưng mấy năm qua dì được chăm sóc tốt quá, giờ mặc chật không chịu được, bỏ đi thì tiếc. Dì thấy cháu gầy hơn dì một chút, mặc vào chắc sẽ rất vừa, nếu cháu còn từ chối, dì sẽ nổi giận đấy”.
Lãnh Hoan không tranh cãi nổi, đành phải mặc vào. Dì Trịnh lại lấy từ trong chiếc hộp lót nhung trên bàn ra một đôi khuyên tai đeo vào tai cô. Rủ xuống từ dái tai trắng bóc, đôi ngọc trai càng trở nên nổi bật, phát ra ánh sáng dìu dịu.
“Búi tóc buông lơi mới kết. Phấn thơm nhàn nhạt điểm trang”(7), dì Trịnh nhìn Lãnh Hoan trong gương, buột miệng thốt lên khen đẹp, “Thính Phong đúng là tìm được kho báu rồi, nhìn vào đã thấy không thể bị giày vò trong tay người khác được”.
(7). Hai câu trong bài Tây Giang nguyệt – Giai nhân của Tư Mã Quang.
Lãnh Hoan nhìn hình mình trong gương, hai má hơi ửng hồng, cô thực sự có thể trở thành kho báu trong tay anh sao?
Ở góc rẽ cầu thang dưới tầng, Diệp Thính Phong đang đứng chuyện trò với một đám người. Đứng giữa đám đông, trông anh vẫn cứ nổi bật nhất, thân hình cao lớn, khuôn mặt đẹp hoàn hảo, toàn thân toát ra dáng vẻ một đấng quân vương.
“Thính Phong”, cô khẽ gọi, ngay lập tức thu hút ánh mắt của tất cả mọi người.
Chiếc áo xường xám màu trắng ngà, mấy lọn tóc để thả với vẻ tinh tế, đôi mắt đầy mê hoặc, cô giống hệt một đóa hoa mai đang e ấp giữa mùa đông, tỏa ra thứ mùi hương dịu nhẹ như say đắm lòng người.
Thính Phong hơi sững lại mấy giây, lặng yên nhìn cô bước đi dưới ánh đèn rực rỡ, trong mắt là sự ngạc nhiên và… tức giận.
Anh làm sao thế? Lãnh Hoan có chút không hiểu.
Thính Phong bước đến gần cô, khi vừa đặt bàn tay lên eo cô, anh cúi xuống thì thầm bên tai: “Anh nên giấu kín em trong nhà mới phải”.
Mặt Lãnh Hoan chợt nóng bừng, nhưng anh đã ngẩng đầu lên, nhìn mọi người với điệu bộ tự nhiên bình thản, chỉ có nụ cười vẫn phảng phất trên khóe miệng.
Chương 18: Dạ tiệc (2)
Ở chính giữa đại sảnh là một người đàn ông lớn tuổi mặc chiếc áo dài truyền thống, mắt luôn nhìn thẳng, trông cực kỳ uyên thâm.
Thính Phong dẫn cô tới đó, gọi một tiếng: “Bố”.
Thấy vậy, ông chào mấy vị khách người nước ngoài đang trò chuyện với mình rồi quay sang bọn họ.
Lãnh Hoan liếc mắt nhìn mấy vị khách đang tự biết ý tản ra đó, đều là những người có tiếng tăm, thường xuyên xuất hiện trên truyền hình.
Đứng ở khoảng cách gần, cô mới nhận ra người đàn ông trước mặt mình nhìn có vẻ hiền lành, nhưng ánh mắt vô cùng sắc sảo, đầy sức áp chế người đối diện.
Lãnh Hoan không rụt rè cũng không ngạo mạn, nhìn thẳng vào mắt ông, mỉm cười rồi đưa tay ra: “Chào bác, cháu tên là Lãnh Hoan”.
Một thoáng ngạc nhiên lóe lên trong mắt Diệp Độc Chước, nhưng ông vẫn lập tức bắt tay và cười với cô: “Chào Lãnh tiểu thư”.
Lãnh Hoan nhanh chóng nhận ra giọng địa phương của ông: “Bác Diệp là người Thượng Hải ư?”.
Diệp Độc Chước cười sảng khoái: “Năm 1948 chiến dịch Liêu Ninh, Thẩm Dương đại bại, lòng người Thượng Hải cũng sợ hãi không yên. Năm đó ta vẫn còn là một cậu học sinh nghèo, bị bắt nhầm đi quân dịch, sau này theo quân đội của Thang Ân Bá(1) rời Thượng Hải lui xuống Hạ Môn, rồi chạy sang Đài Loan, cuối cùng thì trốn được tới Anh quốc. Ta chính xác là người Thượng Hải, đến hôm nay giọng quê vẫn còn giữ được nhưng chưa hề quay về chốn cũ một lần. Lãnh tiểu thư làm thế nào mà nhận ra hay vậy?”.
(1). Một vị tướng thời nội chiến Trung Hoa.
Lãnh Hoan trả lời: “Mẹ cháu cũng là người Thượng Hải, trong cách phát âm của bác có nhiều điểm giống với bà”.
“Nếu vậy thì coi như chúng ta là nửa đồng hương rồi”, Diệp Độc Chước bật cười, “Bữa tiệc đã bắt đầu, cháu với Thính Phong hãy ngồi bên cạnh ta”.
Lãnh Hoan nói câu cảm ơn, ngẩng đầu nhìn Diệp Thính Phong, đúng lúc anh đang nhìn cô với ánh mắt thâm trầm nhưng lại làm ra vẻ như không có chuyện gì.
Bữa tiệc khai màn với những món ăn cả phong cách Trung Quốc lẫn phương Tây. Gian sảnh được trang hoàng tráng lệ, khách khứa chật cứng.
Dì Trịnh nhất quyết kéo Lãnh Hoan ngồi cạnh bên bà, thịnh tình khó chối từ nên Lãnh Hoan cũng đành nghe theo, khi ngồi xuống mới phát hiện ra Thính Phong ngồi ngay ở vị trí đối diện với mình, ánh mắt như đang thiêu đốt. Nhớ lại lời anh nói hồi nãy, cô thấy người mình nóng bừng lên, vội cúi đầu lảng tránh ánh mắt đó.
Món ăn được dọn lên, không ít người mang rượu đến chúc chủ nhà. Thính Phong là con nuôi nên cũng không tránh được phải đỡ rượu thay cho Diệp Độc Chước. Lãnh Hoan trái lại có thể yên ổn ngồi ăn, nghe bọn họ nói chuyện với nhau, thỉnh thoảng cười góp một cái, không quá phô trương cũng không nhút nhát, luôn giữ một thái độ đúng mực.
“Lãnh tiểu thư hát hay lắm phải không?”, dì Trịnh gắp đồ ăn cho Lãnh Hoan, vừa cười vừa nói khẽ.
Lãnh Hoan hơi sững người, nghĩ chắc Thính Phong đã nói gì với bà, nên đành trả lời thành thực: “Hồi đại học cháu có hát trong một ban nhạc, tuy nhiên khả năng cũng vừa phải thôi ạ”.
“Vậy cháu có biết bài Trăng tròn hoa nở(2) không?”, dì Trịnh lại hỏi.
(2). Trăng tròn hoa nở: Ca khúc do Nghiêm Hoa soạn nhạc và Phạm Yên Kiều viết lời. Tên tiếng Trung của ca khúc là Hoa hảo Nguyệt Viên (花好月圆).
Lãnh Hoan mỉm cười: “Có phải bài hát trong phim Bến Thượng Hải không ạ?”.
“Đúng rồi”, dì Trịnh cười rồi chỉ tay vào cây đàn tỳ bà được đặt chính giữa đại sảnh, “Lát nữa dì đệm đàn, cháu hát bài đó có được không? Coi như góp vui cho bữa tiệc của ông Hai”.
Lãnh Hoan khi đó mới biết mình đã ngồi trên lưng hổ, đành miễn cưỡng nhận lời.
Lãnh Hoan có vẻ hơi căng thẳng, nhưng khi đó không biết ai đã tắt hết đèn xung quanh đi, chỉ để lại duy nhất một ngọn đèn chùm pha lê chiếc sáng lấp lánh vào hai người bọn họ, khiến cô cũng thấy bình tĩnh hơn phần nào.
“Vầng mây tan đi, ánh trăng rạng ngời chiếu xuống
Ngất ngây trong niềm vui đoàn tụ vẹn tròn
Trên mặt hồ trong veo đôi uyên ương nô nghịch
Áo quần rực rỡ vướng quanh những đóa sen
Từng đôi từng đôi yêu đương vấn vít
Ngọn gió dịu dàng thổi lên những cánh hoa
Nhân gian chìm trong tình ý nồng nàn”.
Ca từ của Phạm Yên Kiều vốn đã làm lay động lòng người lại thêm tiếng tỳ bà mềm mại và uyển chuyển đệm vào khiến lời ca càng trở nên đẹp tuyệt vời, cực kỳ ăn ý.
Một người trông tinh tế và thanh nhã, nụ cười quyến rũ, thêm một chút ngại ngùng làm lay động lòng người ẩn giấu kín đáo bên trong vẻ ngoài xinh đẹp, một người với phong thái ung dung quí phái, duyên dáng tuyệt vời, ngón tay nhẹ gảy trên những dây đàn tạo nên những âm thanh trong như châu ngọc.
Cả hai mỗi người một vẻ đẹp riêng, đều mặc xườn xám kiểu cổ, tóc thả bồng bềnh như mây. Khi lời ca đã ngừng hẳn, không gian vẫn lặng yên, tất cả dường như vẫn cảm thấy mình đang lạc ở tận chốn nào.
Diệp Độc Chước là người đầu tiên vỗ tay, cười nói: “Trong dòng âm nhạc ngày càng suy vi, đúng là không gì địch được với sự phồn hoa của bến Thượng Hải. Nay bài hát cũ được làm mới lại, Diệp mỗ thực là có phúc, xin cảm ơn Lãnh tiểu thư”.
Dì Trịnh bật cười: “Ông Hai mới nghe một bài hát đã thấy hài lòng rồi ư? Tiểu Hoan không chỉ biết hát thôi đâu, tài năng thư pháp cũng không kém phần đấy”.
Lãnh Hoan hát xong trên đường quay về chỗ của mình, vốn đã trở thành tâm điểm chú ý của bao nhiêu người, lúc đó càng thu hút thêm nhiều ánh mắt.
Cô nhìn khuôn mặt tươi cười của dì Trịnh, tỏ vẻ không hiểu ý của bà, quả thực lúc nãy cô có nhắc đến việc mình từng luyện thư pháp, song chưa hề nói kỹ hơn về chuyện đó, không ngờ lúc này bà lại đem ra nói.
Tên đã đặt trên cung, lại liếc thấy vẻ ung dung ngồi ngoài cuộc thưởng thức kịch hay của người ấy, cô bỗng nhiên bị kích động, bèn đáp lời ngay: “Không biết tiền bối có thể cho cháu mượn tứ bảo(3) trong thư phòng hay không?”.
(3). Giấy, mực, bút, nghiên.
Diệp Độc Chước bèn vẫy tay, lập tức có người mang giấy, mực, nghiên, bút đến.
Giấy được trải rộng ra, Lãnh Hoan ngẫm ngợi trong giây lát rồi vung tay viết liền một mạch.
Diệp Độc Chước nhìn chữ cô vừa viết, không thể không tán thưởng: “Quả là một chữ ‘Phúc’ rất đẹp! Mượn nét bút của Khang Hy, nhưng lại có phong cách riêng. Còn nhỏ tuổi như vậy mà đã viết được thế này thực không dễ chút nào”.
Lãnh Hoan cười khiêm tốn, nhưng trong lòng bàn tay đã rịn ra một lớp mồ hôi. Hồi đó đến chơi Vương Phủ, nhìn thấy bức Thiên hạ đệ nhất phúc(4), cô đã lập tức mê đắm, tự về luyện suốt một năm, vốn chỉ là để thỏa mãn bản tính hiếu thắng của mình, không ngờ lại có ngày đem ra dùng như thế. Lúc nãy xem mấy bức tranh chữ treo trong nhà, cũng biết trình độ thư pháp của Diệp lão tiền bối quả thực rất cao, nay được ông khen ngợi, cũng coi như là đã qua ải.
(4). Chữ “Phúc” do Khang Hy hoàng đế viết năm 1673, sau này được Thủ tướng Chu Ân Lai gọi là “Thiên hạ đệ nhất phúc”.
Đang sẵn hứng thú, Diệp Độc Chước nâng ly rượu hướng về phía Lãnh Hoan: “Lãnh tiểu thư quả là hậu sinh khả úy, Diệp mỗ xin cảm ơn món quà của cô”.
Lãnh Hoan khi đó đã bớt căng thẳng, đáp lại bằng giọng điệu thoải mái hơn: “Tiểu Hoan cháu vốn tửu lượng kém, nhưng nếu như Diệp tiền bối không chê, cháu cũng xin uống cạn ly này với bác. Rượu tây dù nặng, nhưng không cạn không tỏ được tấm lòng, bất kể có cháy bỏng ruột gan. ‘Tam bôi thổ nhiên nặc, ngũ nhạc đảo vi khinh’(5)”.
(5). Hai câu thơ trong bài Hiệp khách hành của Lý Bạch, đại ý “Ba chén cạn, thân mình xá kể! Năm núi cao, xem nhẹ tựa lông hồng”.
Diệp Độc Chước cười lớn: “Hay, hay! Diệp mỗ sẽ uống cạn ly này với cô”.
Lãnh Hoan uống một hơi cạn ly rượu trong tay, đột nhiên cảm thấy bốc hỏa trong bụng, khuôn mặt cũng nóng bừng lên, liếc nhìn sang Thính Phong, thấy anh đang nhìn cô cười có vẻ hơi chế giễu.
Lãnh Hoan bất giác hơi buồn bực, dù gì cô cũng chưa bị ép mà đã tự muốn uống, giờ đành tiếp tục kiên trì để giữ lấy thể diện của mình.
“Tam bôi thổ nhiên nặc, ngũ nhạc đảo vi khinh”, Diệp Độc Chước nhìn Lãnh Hoan, ánh mắt sáng rực, “Lãnh tiểu thư, Diệp mỗ hôm nay chấp nhận cho cô một lời hứa, sau này nếu cô có việc gì cần giúp, chỉ cần nằm trong khả năng của bản thân ta, ta nhất định sẽ làm bằng được”.
Lời vừa nói ra, tất cả khách mời dường như im bặt.
Đến ngay cả Thính Phong cũng phải giật mình.
Những người có thể dành được sự khen ngợi của bố nuôi anh vốn cực kỳ hiếm, được ông ột lời hứa lại càng hiếm hoi.
Anh nhìn Lãnh Hoan, người con gái này dường như hoàn toàn không hiểu được mình vừa mới nhận được một đặc ân lớn đến mức nào, vẫn chỉ ngồi cười bình thản, nói một tiếng cảm ơn.
Liền sau đó, Lãnh Hoan quay sang nhìn anh mỉm cười. Buổi dạ tiệc hôm ấy ngay khi mới bắt đầu, cô đã mang đến cho anh biết bao sự ngạc nhiên. Dáng vẻ lúc đứng ở cầu thang khiến anh phải động lòng trong thoáng chốc, lúc hát trên sân khấu với phong thái tuyệt đẹp cũng không gì sánh được, còn cả vẻ tự tin khi vung bút phết mực trên tờ giấy, vẻ điềm nhiên biết tiến biết lui, nói cười điềm đạm khi đàm đạo cùng bố nuôi… Không thể không nói rằng cô là người biết tỏa ra ánh sáng làm chói mắt những người xung quanh một cách hết sức tự nhiên.
Song dù được nhiều người chú ý đến, ánh mắt của cô trước sau vẫn luôn bám riết lấy anh. Dù là lúc bối rối phập phồng, hay khi đã giành được thế chủ động, cô vẫn luôn chờ đợi sự động viên từ anh, sự tán thưởng của anh. Dường như cô chẳng hề để tâm chút nào đến việc người ta yêu ghét, chỉ quan tâm duy nhất đến sự xét đoán của anh.
Việc nhận ra điều này khiến anh thỏa mãn vô cùng, nhưng đồng thời anh cũng biết rõ nó có ý nghĩa là gì.
Trong trái tim cô giờ đã có bóng hình của anh, và duy nhất chỉ có bóng hình của anh.