Đọc truyện Thiên Thần Và Ác Quỷ – Chương 136
Giữa buổi sáng, bầu trời vẫn nặng những mây, và một làn khói trắng bốc lên từ ống khói nhà nguyện Sistine. Những cuộn khói màu ngọc trai bốc lên tận trời xanh, rồi chậm rãi tản ra.
Trên quảng trường St. Peter, phóng viên Gunther Glick trầm ngâm nhìn làn khói. Hồi kết…
Chinita Macri bước lên từ phía sau, tì máy quay lên vai.
– Đã đến lúc rồi đây! – cô nói.
Glick buồn bã gật đầu. Anh ta quay sang nhìn Chinita, vuốt mái tóc của mình, rồi hít một hơi thật sâu. Bản tin trực tiếp cuối cùng của mình đây, anh ta thầm nghĩ. Một số người bắt đầu xúm đến xem.
– Truyền hình trực tiếp sau 60 giây nữa. – Chinita nói.
Glick quay lại nhìn mái ngói của nhà nguyện Sistine nhô lên sau lưng mình:
– Cô có lấy được cuộn khói không?
Macri kiên nhẫn gật đầu:
– Tôi biết cách lấy hình, Gunther ạ!
Glick chẳng nói thêm gì. Dĩ nhiên là cô ta biết cách lấy hình.
Những thước phim mà Chinita ghi được đêm hôm qua có thể mang lại cho cô ta giải Pulitzer cũng nên. Nhưng còn những hành động của Glick thì… anh ta không muốn nghĩ đến nữa. Chắc chắn là BBC sẽ sa thải mình, Glick biết thế. Chắc chắn đài BBC sẽ phải đối mặt với những đơn kiện của các thế lực không thể xem nhẹ CERN và George Bush chắc chắn nằm trong số ấy.
– Trông anh ổn lắm. – Chinita động viên. Đứng sau máy quay, cô đang nhìn anh ta vẻ lo lắng. – Tôi đang băn khoăn không hiểu có nên.. – Cô do dự.
– Khuyên bảo tôi vài lời chứ gì?
Macri thở dài:
– Tôi đang định bảo anh là không cắn phải tỏ ra đao to búa lớn làm gì.
– Tôi hiểu. – Glick đáp. – Cô muốn thông báo sự việc một cách nhẹ nhàng và khách quan.
– Hoàn toàn khách quan. Tôi tin tưởng ở anh đấy.
Glick mỉm cười. Hoàn toàn khách quan? Cô ta điên mất rồi hay sao? Một sự kiện như đêm qua xứng đáng với một cách tiếp cận khác hẳn. Hơi lắt léo một chút. Một quả bom cuối cùng. Một sự tiết lộ đầy bất ngờ.
May mắn thay, Glick vẫn còn một lá bài nữa, đang giấu trong tay áo.
° ° °
– Chuẩn bị… năm… bốn… ba…
Nhìn qua ống kính máy quay, Chinita Macri cảm nhận được một cái nhìn đầy ranh mãnh trong mắt Glick. Mình thật là điên rồ khi để cho anh ta làm thế này, cô thầm nghĩ, mình đang nghĩ gì không biết!
Nhưng không còn thời gian để nghĩ lại nữa. Họ đã lên hình.
– Truyền hình trực tiếp từ thành Rome. – Glick bắt đầu nói.
– Tôi là Gunther Glick. – Anh ta chăm chú nhìn máy quay khi cuộn khói trắng đang bốc lên từ ống khói nhà nguyện Sistine phía sau. – Thưa quý vị, đây là thông tin chính thức. Hồng y Saverio Mortati, 79 tuổi, đã được bầu làm Giáo hoàng tiếp theo của thành Vatican. Ban đầu tưởng như không được đề cứ, thế nhưng Hồng y Mortati đã giành được số phiếu cao nhất trong lịch sử của Hồng y đoàn.
Quan sát Glick, Macri bắt đầu thở phào nhẹ nhõm. Hôm nay đột nhiên anh ta có vẻ nhà nghề hơn hẳn. Thậm chí còn có vẻ giản dị quá mức. Lần đầu tiên trong đời, Glick trông ra dáng một phóng viên thực thụ.
– Và cũng theo như bản tin trước của chúng tôi, đến giờ phút này thì Vatican vẫn chưa đưa ra bất cứ lời bình luận nào về sự kiện màu nhiệm đêm hôm qua.
Tốt lắm, cảm giác lo lắng trong lòng Chinita bắt đầu giảm dần. Cứ thế này thì rất tốt.
Lúc này nét mặt của Glick bắt đầu trở nên đau xót:
– Đêm qua là đêm của những điều kỳ diệu, nhưng cũng là một đêm đầy bi kịch. Bốn vị Hồng y đã bị thiệt mạng, Tổng Tư lệnh Olivetti và đại uý Rocher của đội lính gác Thuỵ Sĩ cũng đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Hai người nữa cũng đã thiệt mạng, đó là Leonardo Vetra, một nhà khoa học nổi tiếng của CERN, một nhà tiên phong trong công nghệ phản vật chất; cùng với ông là Maximilian Kohler, giám đốc của CERN, người đã đến Vatican để giúp tháo gỡ khó khăn, nhưng đã từ trần khi công việc chưa kết thúc. Vẫn chưa có thông báo chính thức về cái chết của ông Kohler, nhưng theo phỏng đoán của nhiều người thì nhà khoa học này qua đời do những biến chứng của một căn bệnh mãn tính.
Macri gật đầu. Bản tin thế này là tốt lắm rồi. Đúng như hai người đã thảo luận từ trước.
– Và sau vụ nổ trên bầu trời thành Vatican đêm qua, công nghệ phản vật chất của CERN đã trở thành đề tài nóng trong giới khoa học, gây ra rất nhiều tranh cãi và sự phấn khích. Sáng nay, Sylvie Baudeloque, trợ lý của ông Kohler tại Geneva, đã tuyên bố rằng ban giám đốc của CERN sẽ tạm ngừng cấp phép cho những nghiên cứu tiếp theo cho đến khi giải quyết được vấn đề an toàn đối với phản vật chất, dù họ rất hào hứng về tiếm năng của công nghệ này.
Tuyệt lắm, Macri thầm nghĩ. Không chê vào đâu được.
– Một người lúc này không xuất hiện trên màn hình của chúng tôi, đó là Robert Langdon, một giáo sư của đại học Harvard, người đã bay đến thành Vatican, và dùng những kiến thức chuyên sâu của mình để giải quyết vụ khủng hoảng về Illuminati. Lúc đầu ai cũng tưởng là anh đã bị thiệt mạng trong vụ nể phản vật chất, nhưng chúng tôi vừa nhận được tin báo rằng đã có người trông thấy Robert Langdon trên quảng trường St. Peter ngay sau vụ nổ. Nhiều người vẫn đang phỏng đoán không hiểu Langdon đã thoát chết bằng cách nào. Theo phát ngôn viên của bệnh viện Tiberina thì Robert Langdon đã rơi xuống dòng sông Tiber ngay sau vụ nổ, và đã được sơ cứu, rồi cho xuất viện. – Glick phướn mày, và nhìn thẳng vào ống kính máy quay. – Và nếu đó đúng là sự thật thì… đêm qua quả là một đêm huyền diệu.
– Kết thúc tốt lắm! Macri cười hồ hởi. Không vấp một lần nào! Bây giờ thì chào khán giả đi!
Nhưng Glick không chào. Thay vào đó, anh ta ngừng lại giây lát rồi tiến lại gần máy quay, miệng mỉm cười đầy bí hiểm:
– Nhưng trước khi tạm biệt khán giả…
– Đừng!
– Tôi có một vị khách mời…
Bàn tay đang điều chỉnh máy quay của Chinita như đông cứng lại. Khách mời? Anh ta làm cái quái gì thế? Khách nào! Chào đi thôi!
Nhưng Chinita biết là đã quá muộn mất rồi. Glick đã bắt đầu nói tiếp:
– Người mà tôi sắp giới thiệu với quý vị là một học giả danh tiếng người Mỹ.
Chinita lưỡng lự. Cô nín thở khi Glick quay sang đám người đang đứng túm tụm ngay gần đó và ra hiệu mời vị khách bước lại gần. Macri thầm cầu nguyện. Xin hãy nói với tôi rằng Glick đã tìm được Robert Langdon, và sẽ không lảm nhảm về những âm mưu của Illuminati nưa.
Nhưng khi vị khách mời của Glick bước tới, tim Macri chùng hẳn xuống. Đó không phải là Robert Langdon, mà là một người hói đầu, mặc chiếc sơ mi vải flannel và quần bò. Ông ta đeo kính, và cầm một cây ba-toong. Macri phát hoảng. Chết rồi!
– Tôi xin được giới thiệu! – Glick tuyên bố, – một học giả danh tiếng của trường Đại học De Paul tại Chicago, chuyên nghiên cứu về Vatican, tiến sĩ Joseph Vanek.
Khi người đàn ông này xuất hiện bên cạnh Glick trong ống kính máy quay, Macri lưỡng lự. Đây không phải là một người mê đắm những âm mưu của hội Illuminati. Macri đã có lần nghe nói về người này.
– Thưa Tiến sĩ Vanek. – Glick nói – Tiến sĩ muốn chia sẻ với chúng tôi một thông tin đặc biệt về Mật nghị Hồng y đêm qua đúng không ạ?
– Đúng thế. Tiến sĩ Vanek trả lời. – Sau một đêm đầy những sự kiện đáng kinh ngạc như thế, tưởng rằng chẳng còn gì khác có thể khiến chúng ta ngạc nhiên được nữa. Thế nhưng… – Ông ta ngừng lời.
Glick mỉm cười:
– Thế nhưng vẫn còn một tình tiết rất ly kỳ nữa.
Vanek gật đầu:
– Đúng thế. Thông tin này có thể khiến quý vị bối rối, nhưng quả thật là dường như lần này Hồng y đoàn đã vô tình bầu chọn hai Giáo hoàng.
Suýt nữa thì Macri đánh rơi máy quay xuống đất.
Glick mỉm cười tinh quái:
– Tiến sĩ nói là hai Giáo hoàng sao?
Nhà nghiên cứu kia gật đầu:
– Đúng thế. Quý vị biết rằng tôi đã dành cả đời mình để nghiên cứu về luật bầu chọn Giáo hoàng. Mật nghị Hồng y gồm những thủ tục cực kỳ phức tạp, và ngày nay thì người ta đã lãng quên hoặc lờ đi phần lớn những chi tiết rườm ra không cần thiết. Có lẽ cả vị Đại cử tri cũng không biết điều mà tôi sắp nói. Tuy nhiên… theo những luật cổ được ghi lại trong cuốn Romano Pontifici Eligendo Numero 63… 1 thì bỏ phiếu không phải là cách thức duy nhất để bầu chọn Giáo hoàng mới. Có một cách thức khác, đơn giản và thánh thiện hơn được gọi là “Tuyên bố bằng cách tung hô”. – Ông ta ngừng lời giây lát – Và đêm qua thì điều đó đã xảy ra.
Glick nhìn xoáy vào vị khách của mình:
– Xin mời tiến sĩ nói tiếp!
– Chắc các vị vẫn còn nhớ, – nhà nghiên cứu nói tiếp, – đêm qua, lúc Giáo chủ Thị thần Carlo Ventresca đứng trên nóc Đại thánh đường, tất cả các vị Hồng y Giáo chủ đứng dưới quảng trường đã đồng thanh hô vang tên của ngài.
– Đúng thế, tôi vẫn còn nhớ.
– Liên quan đến chi tiết này, xin quý vị cho phép tôi đọc nguyên văn luật bầu cử cổ.
Ông ta lôi từ trong túi áo ra một tờ giấy, hắng giọng, và bắt đầu đọc.
– Bầu chọn bằng phương pháp tung hô là khi… tất cả các vị Hồng y Giáo chủ vô tình cùng một lúc đồng thanh tung hô tên của một cá nhân, như thể họ nhận được thông điệp của Chúa trời.
Glick mỉm cười:
– Theo tiến sĩ thì đêm hôm qua, khi các vị Hồng y Giáo chủ cùng đồng thanh hô vang tên của Giáo chủ Thị thần Carlo Ventresca thì các ngài đã bầu Giáo chủ Thị thần làm Giáo hoàng phải không ạ?
– Quả là như vậy. Chưa hết, cũng theo luật cố, trong trường hợp bầu chọn bằng biện pháp tung hô thì không cần phải xét tới những điều kiện đề cử, và bất kỳ tu sĩ nào, sau khi được thụ phong linh mục, giám mục, hay Hồng y, đều có thể được bầu chọn. Vì thế, như anh đã thấy, trong đêm qua thì Giáo chủ Thị thần đã đáp ứng đủ tất cả mọi điều kiện và thủ tục để trở thành Giáo hoàng. – Lúc này tiến sĩ Vanek nhìn thẳng vào ống kính máy quay. – Sự thật là đêm qua, Giáo chủ Thị thần đã được bầu làm Giáo hoàng, và chỉ tại vị trong vòng 17 phút. Và nếu như ngài không thăng thiên một cách đầy huyền bí trong cột lửa ấy, thì lúc này thi thể của ngài hẳn đã được an táng trong hầm mộ của Vatican cùng với những Giáo hoàng khác.
– Xin cảm ơn tiến sĩ. – Glick quay sang nhìn Macri, mỉm cười đầy đắc thắng. – Chi tiết này làm sáng tỏ…
— —— —— —— ——-
1 Romano Pontifici Eligendo Numero 63: Tiểu thuyết có số 63.