Đọc truyện Thiên Hạ Vô Địch [Luận Anh Hùng] – Chương 12: Thứ mọi người cần là một anh hùng
Cự hiệp và một tên đệ tử nhập thất của y, một người cưỡi ngựa, một người cưỡi lừa, không nhanh không chậm tiến vào kinh thành.
Mọi người đều nghe đồn:
– Cự hiệp trở lại rồi!
Hảo hán trong kinh đều bàn tán với nhau, cảm thấy phấn chấn:
– Lần này e rằng tiểu hầu gia gặp nạn rồi!
Cũng có người đầy mong đợi:
– Đám người hại nước nắm giữ triều chính kia, có lẽ cuối cùng phải chạy trốn kiếp nạn rồi!
Rất nhiều nhân vật võ lâm, dị sĩ giang hồ, các bang, các phái, các đường đều đi ra nghênh đón cự hiệp, đưa ra lời mời, chỉ hi vọng y đến trong môn một chuyến.
Cự hiệp ở trên ngựa chỉ mỉm cười, gật đầu, chắp tay, chào hỏi.
Cao Tiểu Thượng đi theo bên cạnh lại thay y nói chuyện:
– Lần này cự hiệp vào kinh, không đi đâu cả, chỉ muốn gặp thân nhân, dặn dò một chút chuyện riêng. Cảm ơn thịnh tình của mọi người. Cự hiệp chỉ ở đây một ngày rồi sẽ đi.
Y khéo léo từ chối ý tốt của mọi người, nhưng lại kiên quyết từ chối lời chối lời mời của các phái.
Không chỉ có hảo hán giang hồ chào đón, mà bình dân bách tính còn nhiều hơn. Bọn họ vừa nghe “cự hiệp trở lại rồi”, những người từng chịu ân huệ của y, từng nghe đến truyền kỳ của y, tất cả đều chạy đến nhìn y, dùng tiếng vỗ tay và hoa tươi để thăm hỏi và cầu chúc.
Phương cự hiệp nhìn thấy bình dân bách tính, lại xuống ngựa, ân cần hỏi han bọn họ, giải quyết nghi vấn khó khăn, khiến cho người càng lúc càng đông, gần như vạn người đổ xô ra đường, tranh nhau xem khí khái anh vũ của cự hiệp.
Cho đến khi Cao Tiểu Thượng gạt mọi người ra, năm lần bảy lượt xin lỗi, bày tỏ cự hiệp có chuyện phải làm, chờ sau hãy nói, mọi người mới miễn cưỡng nhường ra một con đường, cự hiệp cũng lưu luyến cáo biệt lên ngựa.
Bọn họ vẫn là một lừa một ngựa, không nhanh không chậm đi về hướng Bất Giới trai.
Cự hiệp trên ngựa mặc một bộ áo dài, không có vật gì khác, chỉ có một thanh kiếm đeo bên hông.
Trên vỏ kiếm có đóng ấn phù của Đại Lý tự.
Có ấn phù này, bình dân bách tính mới có thể mang kiếm đeo đao đi khắp đường lớn ngõ nhỏ, ngoại trừ một số nhân vật đặc biệt, nếu không thì quá nửa đã sớm bị chặn lại rồi.
Đương nhiên, có ai dám chặn cự hiệp bắt y giao nộp khí giới?
Tự nhiên, cũng không ai có thể chặn được cự hiệp.
Có điều cự hiệp vẫn làm theo luật pháp. Thanh kiếm kia đã nhiều năm theo y xông pha giang hồ, xung phong giết địch, sinh tử gắn bó, vinh nhục không phân, khí của kiếm và mạng của người đã hợp thành một thể, dù thế nào y cũng sẽ không bỏ “nàng”, cũng không bỏ được “nàng”.
“Nàng” là của y.
Có lẽ “nàng” cũng chính là y.
Kiếm chính là sinh mệnh của y.
Sinh mệnh của y là muốn tìm đạo.
Đạo dùng kiếm để tìm, đạo chính là kiếm.
Kiếm dùng để thành đạo, cho nên y chính là kiếm.
Kiếm của y có tên là “Kim Hồng”.
Sinh mệnh của y cũng từng phát ra hào quang màu vàng đỏ.
Y từng làm những chuyện kinh thiên địa, quỷ thần khiếp trên giang hồ phong ba.
Từng dịu dàng thoáng nhìn trong võ lâm hiểm ác.
Đây là y.
Y chính là cự hiệp.
Trên người y chỉ có một thanh kiếm.
Người đi theo y lại mang theo một chiếc bao.
Cứ như vậy, một cự hiệp mang theo một thanh kiếm, cùng với một vị đệ tử trên vai có một chiếc bao nhỏ, tiến thẳng vào kinh sư, đi qua xưởng nhuộm Hắc Y, đến nhà xay Tử Kỳ. Dọc theo đường đi có không ít bình dân bách tính ra ngoài nhìn y, hoan hô khen ngợi.
Công đạo tự ở trong lòng người, hình tượng thực ra là tình nghĩa.
Cự hiệp được lòng người, cự hiệp có tình nghĩa.
Một hiệp giả như vậy, tất nhiên được người người yêu mến.
Nhưng nhìn vào trong lòng cự hiệp, lại bỗng nhiên dâng lên một nỗi chua xót.
Phụ lão anh em hoan nghênh ta như vậy, ta quả thật nên làm thêm chút việc giúp bọn họ, mới không có lỗi với lương tâm.
Nhưng vào lúc đảo điên nguy ngập này, trên bị gian nịnh chiếm cứ, dưới bị ác bá xâm phạm, sức một người làm sao có thể xoay chuyển càn khôn?
Chỉ hi vọng Tiểu Khán có lòng hướng thiện, vận dụng thế lực trong triều ngoài triều mà hắn đã tập hợp mua chuộc những năm gần đây, làm một vài chuyện cho mọi người, làm một số chuyện cho quốc gia.
Phương cự hiệp chỉ cảm thấy trong lòng u ám.
Mọi người ở đây đều cần một anh hùng.
Địa phương cần anh hùng không phải là địa phương tốt, ít nhất cũng không phải là một nơi thái bình.
Y vốn không muốn làm anh hùng, bởi vì anh hùng quá khổ sở.
Y chỉ muốn làm ẩn sĩ, tưới hoa cúc tế Trùng Dương.
Y không sợ chết, nhưng y càng hi vọng sống vui vẻ.
Nhưng khi nghe mọi người đều kể khổ với mình, không ai có thể thể vui vẻ sống tiếp được, bản thân y há có thể an tâm thoải mái, chỉ lo thân mình, len lén sống tiếp?
Sống như vậy còn có ý nghĩa gì.
Nhiệt huyết, y tự đánh giá vẫn còn, nhưng đến cái tuổi này rồi, chỉ thường biểu đạt bằng sự dửng dưng.
Lần này tới kinh sư, y đã quyết định phải làm một chút chuyện cho bình dân bách tính.
Làm vài chuyện tốt rồi mới rời khỏi.
Không thể tay không mà về, phụ lòng mọi người.
Nếu như nể quá hoá hỏng, tham sống sợ chết, không bằng quyết trận sinh tử, oanh oanh liệt liệt.
Không tiếc chọc giận luật trời, càng không tiếc dùng một người địch một nước.
Mặc dù có Cao Tiểu Thượng hò hét dẹp đường, nhưng đám người ở đường lớn ngõ nhỏ vẫn không chịu tản đi, tụ tập trước đường và bên đường ló đầu nhìn y, bàn luận sôi nổi, chỉ chỉ chỏ chỏ.
Bỗng nhiên, mọi người đều tản ra hai bên, trăm ngàn người lập tức yên tĩnh lại.
Lúc này đại khái còn cách Bất Giới trai hơn một dặm đường.
Cự hiệp đã không cần đến đó nữa, bởi vì y đã không cần phải đi.
Y đến Bất Giới trai là vì muốn gặp con nuôi Phương Ứng Khán của mình.
Y muốn gặp người này, khuyên hắn cải tà quy chính.
Mọi người ở đây cần một anh hùng.
Phương Ứng Khán tuyệt đối có đủ điều kiện trở thành anh hùng.
Tiểu Khán tội gì cứ muốn làm tiểu nhân gian nịnh.
Cự hiệp muốn khuyên bảo hắn, nếu không thể khuyên hắn đi về chính đạo, nói không chừng lúc cần thiết sẽ mang hắn khỏi kinh rồi tính sau.
Một khi rời khỏi kinh thành, Tiểu Khán mất đi vây cánh, có lẽ nhất thời không làm ác được, mình sẽ từ từ dẫn hắn đi về con đường hướng thiện.
Y tin tưởng với tư chất thông minh của Tiểu Khán, sớm muộn gì cũng sẽ hoàn toàn giác ngộ, quay đầu là bờ.
Nhớ năm đó, Tiểu Khán thông minh, khả ái, linh hoạt, nhạy bén như thế, một lòng hiếu thảo, cộng thêm lòng thành, khiến Vãn Y thương yêu biết bao, vui mừng biết bao.
Nhớ tới Vãn Y…
Trong lòng y đau xót, tâm lý cũng buồn bã.
Đồng thời nội tâm dâng lên bao nhiêu vui buồn tan hợp, yêu hận hợp tan, bao nhiêu nỗi niềm, say mê và tan nát…
A, Vãn Y.
Chuyện thứ hai mà y vào kinh, chính là vì Vãn Y.
Bởi vì y nhận được tin tức, đó là gần đây lại có tin tức của Vãn Y.
Không phải Vãn Y đã qua đời lâu rồi sao?
Vì vậy, y chỉ cảm thấy nhiệt huyết dâng trào, tình cảm sôi sục, một đường chạy đến kinh thành.
Rất nhiều đệ tử, nhưng y chỉ mang theo một tên tùy tùng.
Cự hiệp vào kinh để làm gì?
Vì vợ, tìm vợ.
Vì con, khuyên con.
Chỉ như vậy mà thôi.
Thực ra cự hiệp cũng chỉ là người phàm.
Hiệp tình cũng vốn là nhân tình.
Nhưng hiện giờ y đã không cần đi Bất Giới trai gặp Phương Ứng Khán nữa.
Bởi vì Phương Ứng Khán đã tới.
Phía cuối đường Hồng Bố, một người đang khấu đầu quỳ gối, toàn thân áo trắng như tuyết, không nhìn thấy rõ gương mặt.
Cho dù không thấy rõ gương mặt, nhưng cự hiệp vừa nhìn đã nhận ra.
Thân thể nho nhỏ vốn lẻ loi yếu ớt này, chính là hài nhi mà y và ái thê một tay nuôi lớn.
Hốc mắt của y nóng lên, không nhịn được kêu lớn:
– Hài tử!
Bên kia đường dài vang lên tiếng trả lời, tràn đầy sự ngây thơ và hiếu thảo của con với cha:
– Phụ thân!
Sau đó mới có thể kìm nén tâm tình, giọng nói khẽ run lên giống như dây đàn ở âm cao:
– Hài nhi bất hiếu ở đây cung nghênh nghĩa phụ giá lâm, có gì lỗi nghịch xin cứ trách phạt!
Nam tử áo trắng đang quỳ này chính là đại ma đầu, tiểu sát tinh khiến người người trong kinh sư, trong võ lâm nghe tên đều biến sắc, nghe tiếng đều tránh đi.
“Thần thương huyết kiếm tiểu hầu gia, lật tay gió mây trở tay mưa”, còn có danh hiệu là “Thập Thanh Tài Tử”, Phương Ứng Khán.