Đọc truyện Thiên Hạ Kỳ Duyên – Chương 98: Gặp lại Trường Giang (1)
(Lặng lẽ và bí ẩn như một bóng ma, người kia vẫn đứng đó, nhàn tàn tựa lưng vào tường, hai tay khoanh trước ngực, tư thế vừa ngang tàng vừa ngạo nghễ, tuy y im lặng, nhưng lại khiến người đối diện có cảm giác không rét mà run…)
…
Tư dinh nhà họ Lê.
Đã đầu giờ hợi nhưng tiếng người cười nói râm ran, tiếng nam nữ chọc ghẹo nhau vẫn vang lên không ngớt. Sau bức rèm lụa mờ ảo, bốn năm cô gái dáng vẻ phong tình vạn chủng đang vây quanh một gã thanh niên, ánh mắt lả lướt đưa tình, mà gã thanh niên ấy không phải ai khác chính là Lê Thụ. Lê Thụ hai tay ôm hai mỹ nhân, trái hôn phải ghẹo, những cuộc vui đêm xuân cứ thế, triền miên không dứt.
Đối lập với không khí sinh hoạt trụy lạc ấy, bên trong Trai phòng lại vô cùng tịch mịch. Hoàng Lan nhẩm tính mình bị giam ở đây đã năm ngày. Năm ngày, Lê Thụ không có thái độ gì rõ ràng, mỗi khi rảnh rỗi lại ghé qua đây chửi rủa vài câu rồi bỏ đi. Nhưng Hoàng Lan hiểu rằng cái thái độ “không rõ ràng” ấy sớm muộn cũng chấm dứt. Có thể đắc tội với người quân tử, không nên đắc tội với kẻ tiểu nhân. Lê Thụ chưa xử trí nàng, có lẽ vì hắn chưa tìm được một cách trả thù đủ thống khoái mà thôi.
Bỗng đâu từ trong bóng tối, một bàn tay vươn tới, lặng lẽ xoa xoa huyệt thái dương cho Hoàng Lan. Nàng quay sang nhìn, thì ra Ngọc Huyên vẫn chưa ngủ.
Nếu ai đó hỏi vì sao Lê Thụ lại thẳng tay quẳng người tiểu thiếp của mình vào đây, câu trả lời họ nhận được sẽ rất đơn giản. Đại khái, Lê Thụ là một kẻ lật lọng, giày vò Ngọc Huyên chán chê xong, hắn nuốt lời, không thả người như đã hứa. Cực chẳng đã, Ngọc Huyên đành tự ý thả Hoàng Lan ra, định bụng sau đó sẽ nhận lỗi với Lê Thụ, nào ngờ đương trường bị hắn bắt gặp, bèn đánh ột trận thừa sống thiếu chết rồi quẳng vào đây. Nhị công tử của nhà thiếu úy Lê Lăng chưa bao giờ biết thương hoa tiếc ngọc!
“Tiểu thư vẫn chưa ngủ à?”
Khi Ngọc Huyên rời khỏi cung, Hoàng Lan vẫn là Nguyễn tiểu thư của Nhữ Hiên các. Giờ dù đã biết nàng chính là Nguyễn sung nghi nhưng Ngọc Huyên vẫn không thay đổi được cách xưng hô như cũ.
Hoàng Lan cảm kích đưa tay ra nắm lấy tay Ngọc Huyên, ý bảo nàng ta không cần xoa bóp ình nữa, đoạn lại thở dài:
“Tôi không ngủ được… Ngọc Huyên, vì tôi mà cô phải chịu thiệt thòi rồi.”
Ngọc Huyên lắc đầu cười:
“Tiểu thư sao lại nói vậy? Ngày ấy, nô tì nghe lời Triệu tiệp dư, đem tượng gỗ và da rắn vu cáo tiểu thư, nhưng đến cuối cùng, Triệu tiệp dư đòi giết nô tì, còn tiểu thư lại giúp nô tì giữa lại cái mạng này. Đại ân đại đức ấy, nô tì sao dám quên?”
“Chuyện đã qua lâu rồi, đừng nhắc lại nữa.”
Hoàng Lan ngán ngẩm ngắt lời Ngọc Huyên. Đã ba ngày nay, kể từ lúc bị giam vào đây, ngày nào Ngọc Huyên cũng nhắc lại chuyện cũ. Hoàng Lan biết trước đây Ngọc Huyên không muốn hại nàng. Chẳng qua cuộc sống trong cung thân bất do kỷ, Triệu Bảo Khánh lại ác nghiệt, nếu Ngọc Huyên không tuân lời vu cáo Hoàng Lan, chưa biết chừng người phải chết chính là nàng ấy. Chính vì hiểu được đạo lý sinh tồn này, Hoàng Lan mới không nỡ dồn Ngọc Huyên vào chỗ chết.
Ngọc Huyên gượng cười rồi lẳng lặng gạt đi:
“Nô tì dù chỉ là một người bình thường nhưng cũng biết câu ân trả nghĩa đền. Tiểu thư từng cứu giúp nô tì, việc ấy nô tì nguyện ghi tạc cả đời.”
Hoàng Lan cười không được mà khóc cũng không xong. Đầu tiên là Nguyệt Hằng, rồi Lâm Vũ Linh, bây giờ lại là Ngọc Huyên. Hoàng Lan chỉ thuận tay giúp họ chút đỉnh, vốn không hề nghĩ tới chuyện ban phát ơn nghĩa gì, nhưng cuối cùng lại kéo theo một đám người sống chết đòi báo ơn!
“Đành rằng như vậy, nhưng cô cũng đã mạo hiểm để cứu tôi. Giờ chúng ta không ai nợ ai. Lần sau đừng bán mạng vì tôi nữa. Lê Thụ không phải kẻ biết nói lý lẽ đâu.”
Ngọc Huyên không nói gì nữa, vẫn cần mẫn bóp đầu cho Hoàng Lan. Vết thương này là do Hoàng Lan lao ra chắn cho Ngọc Huyên khỏi tay Lê Thụ, kết quả là bị một gậy trúng đầu, đến nay vết máu tụ ở thái dương vẫn chưa tan hết.
“Tay nghề mát xa của cô khá lắm!” Tựa vào lòng Ngọc Huyên, Hoàng Lan mơ màng lẩm bẩm.
Ngọc Huyên khó hiểu hỏi lại:
“Mát xa là gì ạ?”
Hoàng Lan chỉ cười trừ cho qua chuyện. Thỉnh thoảng nàng hay lỡ miệng nói ra mấy từ ngữ hiện đại trước mặt Tư Thành hay đám người Lâm Vũ Linh. Những lúc ấy, nàng thật sự rất lười giải thích.
“Phải rồi, sao cô lại trở thành tiểu thiếp của Lê Thụ?”
Ngọc Huyên mỉm cười chua chát:
“Tiểu thư thực sự muốn nghe chuyện của nô tì?”
Ánh mắt hơi trầm xuống. Ngọc Huyên thôi không xoa đầu cho Hoàng Lan nữa. Nàng ta tựa lưng vào vách tường, bắt đầu nhớ lại câu chuyện của chính mình.
…
Ngọc Huyên sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng nhỏ dưới chân núi Tản Viên. Năm nàng ta sáu tuổi, mẹ mất bởi bạo bệnh, cha nàng ta cưới về một người vợ mới. Đó là một người đàn bà độc ác và cay nghiệt. Bà ta bắt Ngọc Huyên làm việc quần quật từ sáng đến tối, những khi rảnh tay lại đánh đập Ngọc Huyên không thương tiếc. Cha Ngọc Huyên biết chuyện nhưng cũng không nói gì, chỉ lẳng lặng quẳng ra mấy đồng bạc vụn rồi bảo nàng ta đi mua thuốc về bôi.
Ngọc Huyên đã quên mất rằng cha mình là một người nhu nhược đến mức nào.
Ngày qua ngày, tuổi thơ của Ngọc Huyên bị ám ảnh bởi những trận đòn roi kinh hoàng từ người dì ghẻ. Và khi cậu em trai chào đời, nàng ta trở thành cái bóng trong ngôi nhà của chính mình. Một cái bóng, cô độc, đáng thương, lặng lẽ theo đúng nghĩa!
Một ngày đẹp trời, nhân lúc chồng vắng nhà, mụ dì ghẻ liền dắt Ngọc Huyên vào trong kinh thành rồi đem bán ột gia đình giàu có. Năm ấy Ngọc Huyên mới mười một tuổi!
Mười một tuổi, con người ta không còn quá ngây thơ trước mọi đau khổ. Sự bạc bẽo của cha, sự ác độc của người dì ghẻ, Ngọc Huyên đều hiểu. Nhưng nàng ta không khóc lóc, cũng không có ý định bỏ trốn về nhà nữa. Có lẽ tận sâu trong tâm tưởng của Ngọc Huyên, gia đình đã không còn là một định nghĩa quan trọng… nhà mình cũng được, nhà họ Triệu cũng được, miễn nơi đó có thể che mưa che nắng, nàng ta đều sẵn sàng ở lại.
Mười một tuổi, cuộc sống đã dạy cho Ngọc Huyên cách buông xuôi và thỏa hiệp.
Sớm đã quen với cực khổ, Ngọc Huyên làm việc rất chăm chỉ và tận tâm. Nàng ta được phu nhân tin yêu, cất nhắc thành tì nữ thân cận của đại tiểu thư Triệu Bảo Khánh. Đến khi Triệu Bảo Khánh dẫn theo nàng ta nhập cung thì cũng đã sáu năm trôi qua.
Giờ nghĩ lại, Ngọc Huyên chỉ ước giá như Triệu Bảo Khánh an phận hơn một chút, hoặc giá như ngày ấy nàng ta can đảm hơn một chút…
Nhưng cuộc đời này, có những chuyện vốn không thể dùng hai chữ “giá như” để cứu vãn!
Ba mươi trượng chưa thể đoạt mạng người, nhưng cũng đủ khiến Ngọc Huyên sống không bằng chết. Nàng ta bị bỏ lại ở góc đường, thân tàn ma dại, không quen ai để cầu cứu, thậm chí còn không lết nổi đi bất kì đâu, chỉ biết sống dựa vào những bát cơm thừa canh cặn được người ta bố thí cho. Suốt quãng thời gian ấy, không lúc nào Ngọc Huyên không ngửa cổ nhìn lên bầu trời và cầu cho cái chết đến với mình nhanh hơn một chút.
Nhưng đối với Ngọc Huyên, nguyện ước tưởng chừng nhỏ bé ấy kể ra cũng quá xa xỉ.
Vào một ngày đẹp trời, bà chủ kỹ viện lớn thứ nhì kinh thành, Bích Xuân viện, trông thấy một người con gái đang nằm co quắp bên đường liền động lòng trắc ẩn. Ngọc Huyên được bà ta đem về cứu chữa. Cũng kể từ ngày ấy, Bích Xuân viện có thêm một kỹ nữ xinh như hoa, đến tên cũng rất đẹp: Ngọc Huyên.
Thực ra mụ chủ Bích Xuân viện không bao giờ nhón tay làm phúc mà không tính toán đến lợi lộc phía sau. Nếu Ngọc Huyên là một kẻ có nhan sắc tầm thường, mụ ta đã bỏ mặc từ lâu, tội gì phải rước một kẻ thân tàn ma dại về Bích Xuân viện để nuôi báo cô. Chẳng qua, với cặp mắt lõi đời, mụ đã sớm nhìn ra Ngọc Huyên sẽ là con gà đẻ trứng vàng của mình…
Người ta nói rằng Ngọc Huyên chấp nhận ở lại Bích Xuân viện vì muốn báo đáp ơn cưu mang của mụ chủ, cũng có kẻ nói nàng ta vì đồng tiền mà không ngại dấn thân vào chốn phong hoa tuyết nguyệt. Chỉ có Ngọc Huyên hiểu rằng vì sao mình lại làm vậy. Không phải nàng ta không biết mục đích của mụ chủ Bích Xuân viện. Nhưng nàng ta có thể làm gì? Chạy trốn ư? Bích Xuân viện bảo kê kẻ đông người ác, nàng ta có bản lĩnh chạy thoát ư? Mà kể cả có chạy thoát, sau đó sẽ đi về đâu? Cố hương? Ngọc Huyên đã sớm quên đi từ lâu. Nhà họ Triệu? Nơi ấy càng không thể trở về. Có lẽ trên đời này, ngoài Bích Xuân viện, không còn chỗ nào sẵn lòng dung chứa Ngọc Huyên nữa. Vì thế, nàng ta nhận lời ở lại, phó mặc bản thân vào tay khách làng chơi và những đêm xuân bất tận.