Thiên Hạ Kỳ Duyên

Chương 94: Oan gia ngõ hẹp (1)


Đọc truyện Thiên Hạ Kỳ Duyên – Chương 94: Oan gia ngõ hẹp (1)

(Thái độ bao dung của Hạ Diệp Dương dành cho Nguyễn Nhã Liên, Trịnh Minh Nguyệt còn có thể miễn cưỡng giải thích, nhưng vì sao chuỗi ngọc ấy lại đứt sớm như thế, hơn nữa còn hại Hạ Diệp Dương ngã trẹo cả chân, nàng ta nghĩ tới nghĩ lui vẫn không thể nghĩ ra…)
Đó là một quán cơm nằm đơn độc ở bìa rừng, vách đắp bằng đất, mái lợp lá gianh, phía trước có một khoảng sân rộng chất rơm, củi, trông khá tồi tàn và lụp xụp. Mặc dù vậy, quán cơm này không bao giờ sợ cảnh ế ẩm, vì trong vòng hai mươi dặm quanh đây, nó là trạm dừng chân duy nhất của khách đi đường.
Bước vào quán, Hoàng Lan lập tức bị cuốn vào bầu không khí ồn ào và thanh dã ở đây. Hàng quán bày biện đơn giản, bàn đơn ghế mộc, khách đến ăn phần lớn cũng là thương nhân đường xa hoặc tiều phu lên núi đốn củi trở về, thi thoảng còn có những người đi chăn dê, chăn bò ở các thôn làng gần đó. Tuy đã đi hơn nửa ngày đường nhưng Hoàng Lan vẫn không an tâm về gã mặt sẹo. Cẩn tắc vô áy náy, nàng tự chọn ình một chỗ ngồi sạch sẽ và đủ kín đáo, cốt để tránh tầm mắt của mọi người xung quanh.
Quán ăn này do một người phụ nữ trung niên làm chủ. Quả đúng như lời Dậu nói, bà chủ quán vừa biết Hoàng Lan là “người quen” của Hồ Long thì vui vẻ ra mặt, vội chạy tới nắm tay hỏi han, sau đó chu đáo dặn dò đầu bếp làm những món ăn ngon nhất để khoản đãi nàng, nào là cơm nóng rau xào, nào là thịt lợn rừng nướng béo ngậy, lại thêm món cháo kê vàng ươm, thơm bùi, nghe đâu là đặc sản nổi tiếng của địa phương này. Hoàng Lan vốn dĩ chỉ định hỏi đường, không nghĩ sẽ nhận được hậu đãi như vậy. Nhưng trải qua mấy ngày chỉ ăn quả rừng cầm hơi, nếu cứ tiếp tục lịch sự, e rằng nàng không đủ sức mà lết khỏi khu rừng này chứ đừng nói đến chuyện trở lại hoàng cung. Có thực mới vực được đạo, cuối cùng Hoàng Lan không từ chối thịnh ý của bà chủ quán nữa.
Sau khi đã ăn uống no nê, Hoàng Lan liền đưa cho bà chủ quán trọ một chiếc vòng tay làm bằng bạc. Khi biết nàng là “bạn bè tốt” của Lê Khải Triều, Hồ Long đã trả lại số nữ trang ấy cho nàng, một món cũng không thiếu.
Bà chủ quán trọ cau mày nhìn chiếc vòng:
“Cô làm cái gì vậy?”
Hoàng Lan tươi cười nói:
“Tôi đi vội nên không mang theo tiền, trong người chỉ có chiếc vòng này, coi như tôi trả tiền bữa ăn này cho bác.”
Những người này đều là dân nghèo. Mâm cơm thịnh soạn như vậy, nàng nỡ lòng nào ăn quỵt của bọn họ?
Nghe Hoàng Lan nói vậy, bà chủ quán bèn la lên oai oái:
“Không phải trả! Không phải trả! Bạn của Hồ Long cũng là bạn của tôi. Chẳng lẽ tôi không đãi bạn bè được một bữa ăn hay sao?”
“Nhưng mà…”
“Không nhưng nhị gì cả.” Bà ta nhét trả chiếc vòng vào tay Hoàng Lan rồi nguýt dài: “Cô mà còn làm thế chính là coi thường tôi đấy.”
Có những lúc cho đi khiến người khác cảm thấy vui vẻ hơn là tính toán sòng phẳng. Nài nỉ mãi không được, Hoàng Lan miễn cưỡng nhận lại chiếc vòng, không quên cúi đầu cảm ơn bà chủ quán hào phóng.

“Ơn huệ gì, chuyện nhỏ thôi.”
Bà ta phất tay rồi bỏ xuống nhà bếp, bỏ lại Hoàng Lan đang khoan khoái ngả lưng bên ghế. Nàng cần nghỉ ngơi trước khi tiếp tục lên đường.
Nắng đã lên cao. Không gian ngát hương hoa rừng. Đâu đó có tiếng chim chuyền cành ríu rít. Bên trong quán trọ, tiếng người trò chuyện vẫn râm ran…
Một người đàn ông mặc bộ quần áo nông phu màu nâu, bên cạnh chỗ ngồi còn dựng một cán rìu, vừa nhai nhồm nhoàm vừa nói:
“Nghe nói hôm qua nhà lão Lu mập lại tậu thêm một con bò đấy.”
Có tiếng người đáp lại:
“Con bò cái nhà lão chết rồi à?”
“Ông này ăn nói gì mà kì cục! Là lão ta tậu thêm một con thôi. Giờ nhà lão đã có hai con bò rồi, tha hồ mà kéo xe, đàn con nhà lão cũng không sợ chết đói nữa.”
Tiếng người thứ ba xen vào:
“Cái lão Lu mập tưởng thế mà lại may. Hồi trước lão nợ tiền tay chúa đất, lãi mẹ đẻ lãi con, suýt nữa phải bỏ xứ đi ăn mày, ai ngờ lại có quý nhân phù trợ.”
“Ờ thì ở hiền gặp lành mà.” Người tiều phu nói.
Bà chủ quán trọ lúc này đã trở ra, nghe đám đông bàn tán liền chen vào:
“Ôi dào, mấy ông mấy bà đều chẳng hiểu chuyện gì cả. Làm gì có quý nhân nào trên trời phù trợ! Là Phong Vân kỳ sĩ giúp lão Lu đấy thôi. Sau khi bị ngài ấy dạy ột bài học, tay chúa đất không những không xóa nợ cho lão Lu mà còn chạy tới nhà lão xin lỗi rối rít, hứa từ nay về sau sẽ không ỷ thế ức hiếp người khác nữa. Không chỉ riêng lão Lu mà cả dân làng ấy cũng hả hê lắm. Giờ mọi người đều nói lão sợ Phong Vân kỳ sĩ đến tè cả ra quần.”
Người nghỉ chân ở quán trọ đều là dân lao động nghèo, hơn nữa còn quen biết nhau, khó trách cách nói chuyện của họ có phần mộc mạc, chân chất.
Bà chủ quán thuật lại một hồi, mấy dãy bàn bên cạnh đều ồ lên hưởng ứng.

“Hóa ra là thế. Để xem sau này tay chúa đất ấy còn dám đè đầu cưỡi cổ người khác nữa không!”
“Có mà dám!” Một người đập bàn nói oang oang: “Hắn mà làm thế, tôi sẽ nện cả lưỡi rìu này vào mặt hắt.”
Bà chủ quán chỉ bĩu môi:
“Ông này mạnh mồm nhỉ? Giết người không sợ đi tù à? Hơn nữa người ta sợ Phong Vân kỳ sĩ chứ sợ cái ngữ tiều phu quèn như ông chắc?”
“Thì tôi cứ nói thế.” Người kia hòa hoãn cười khì khì.
“Không làm được thì đừng có nói!”
“Ơ hay cái bà này…”
Kẻ kia nóng nảy xách rìu đứng lên, lại bị cái lườm chua ngoa của bà chủ quán trọ trấn áp, cuối cùng bất mãn ngồi xuống.
“Không thèm cãi nhau với bà nữa. Nói chuyện với bà thà nói với cái cán rìu của tôi còn hơn.”
“Ai thèm nói chuyện với nhà ông. Mà này, ông thiếu tôi hai đồng sáu hào tiền cơm rượu từ tháng trước rồi đấy. Lần sau không trả thì đừng có vác xác đến đây nữa nhá.”
Kẻ kia tức quá mà không làm gì được, chỉ đành hậm hực chửi đổng vài câu. Đám đông bên cạnh lại được dịp cười ồ lên. Có vẻ như việc trêu chọc, tranh cãi nhau ở quán cơm này không phải chuyện hiếm, đến nỗi thiếu tiếng đành hanh, chua ngoa của bà chủ quán, người ta lại cảm thấy không quen.
Là người ngoài cuộc, Hoàng Lan chỉ chống tay lên cằm và thích thú nghe câu chuyện của bọn họ, thỉnh thoảng cũng bật cười trước cái dáng vẻ tiu nghỉu của mấy gã tiều phu khi không đấu lại bà chủ quán chua ngoa. Cuộc sống bên ngoài là như vậy. Không có lừa dối, không có âm mưu và thủ đoạn, khi buồn thì khóc, khi vui thì cười… thật là thoải mái và bình dị biết bao!
Người tiều phu bị đòi nợ không thèm tranh cãi với bà chủ quán nữa. Hắn quay sang lân la gợi chuyện với người bên cạnh:
“Mạnh này, sao trông anh ỉu xìu vậy? Sắp làm cha rồi, phải vui lên mới phải chứ.”

Người tên Mạnh không đáp mà chỉ nặn ra một nụ cười méo mó. Kẻ ngồi bên cạnh anh ta tinh ý đáp thay:
“Anh ta đang phân vân về việc đặt tên con ấy mà.”
Thì ra người tiều phu tên Mạnh này vốn ít chữ nhưng lại cưới con gái của thầy đồ trong làng. Bình sinh anh tôi thích ăn bí nên đặt luôn tên con gái đầu lòng là Bí. Người cha vợ thấy chàng rể ít chữ, đặt cho cháu ngoại mình cái tên thô thiển như vậy thì giận lắm. Ông còn nói bóng nói gió rằng lần sau nếu không biết đặt tên thì để ông đặt, kẻo lại làm hỏng tiền đồ của cháu ông.
Tay tiều phu bị đòi nợ vừa nãy lại xen vào:
“Đứa chị tên là Bí thì đặt tên đứa em là Bầu hay Mướp đi.”
Mạnh tức tối lườm hắn một cái. Đối phương biết điều liền nín thinh.
“Rõ khổ.” Bà chủ quán chẹp miệng: “Dân nghèo chúng tôi, bảo đi đốn củi hay xách nước thì nhanh, chứ mấy cái chuyện văn vẻ này thì đúng là khó hơn tìm đường lên trời.”
Đám đông gật đầu tán thành. Người tiều phu tên Mạnh thì thở dài thườn thượt.
Bỗng bà chủ quán trọ vỗ tay đánh cái đốp xuống bàn rồi hồ hởi chỉ về phía Hoàng Lan:
“Có rồi có rồi. Vị cô nương này là người phương xa đến, xem chừng cô ấy là con nhà gia giáo, chữ nghĩa chắc cũng không đến nỗi nào. Nhờ cô ấy đặt hộ cái tên thì còn gì bằng!”
Tự nhiên bị hàng chục ánh mắt hiếu kì nhìn về phía mình, Hoàng Lan bất đắc dĩ đứng lên:
“Mọi người hiểu lầm rồi, thực ra tôi…”
Nàng còn chưa nói xong, Mạnh đã lao đến trước mặt nàng rồi gãi đầu gãi tai:
“Cô giúp tôi nhé. Tôi là người ít học, đến tên con mình cũng không biết đặt thế nào cho hay, nói ra thật xấu hổ quá.”
“Đúng đó, cô nương à, cô giúp người ta lần này đi.”
Một vài thanh âm phụ họa nổi lên. Người trong quán trọ đều nhìn Hoàng Lan với ánh mắt mong chờ.
Dù sao cũng chẳng phải việc gì to tát. Hơn nữa Hoàng Lan vốn có cảm tình với những người dân thô mộc, chân chất này. Thế là nàng đăm chiêu nghĩ ngợi một hồi rồi nói:

“Thế này đi, nếu sinh con trai thì đặt tên là Vinh, nếu sinh con gái thì đặt tên là Thủy Tiên. Bé trai lớn lên sẽ có sự nghiệp hiển hách, đem lại vinh quang cho dòng họ. Bé gái lớn lên sẽ xinh đẹp như đóa hoa thủy tiên, yêu kiều thanh tú. Mọi người thấy thế nào?”
Thực ra Quang Vinh và Thủy Tiên là hai ca sĩ mà Hoàng Lan hâm mộ nhất. Nàng không rõ chuẩn mực đặt tên thời phong kiến ra sao, vì thế mới nói ra tên của thần tượng, nhưng cũng không thể phủ nhận hai cái tên này rất đẹp, rất có tiền đồ.
“Nếu mọi người chê tên xấu thì để tôi đổi lại vậy.” Không thấy ai nói gì, Hoàng Lan hơi tiu nghỉu.
“Không không, khỏi cần đổi, tên đẹp lắm!”
Người đầu tiên lên tiếng là Mạnh. Anh tôi vừa xua tay, vừa cười đến sái cả quai hàm. Kế theo Mạnh, đám tiều phu và cả bà chủ quán đều tấm tắc gật gù. Vừa nãy họ không phản ứng, không phải vì chê tên xấu, chẳng qua họ chưa tiêu hóa nổi thanh tư mỹ ý trong cái tên đó mà thôi.
Nhờ có việc đặt tên ấy, Hoàng Lan từ một người ngoài cuộc đã chính thức gia nhập vào không khí huyên náo ở đây. Càng tiếp xúc, nàng càng cảm thấy quý mến những người dân thật thà, chân chất này. Mọi người hầu hết đều làm nghề chăn bò hoặc đốn củi. Ban ngày thì làm việc, tối đến cả gia đình quây quầy bên mâm cơm, cuộc sống tuy chỉ có rau cháo đạm bạc nhưng vô lo vô nghĩ, hoàn toàn ung dung tự tại.
Nửa năm trước, khi trốn khỏi cung, Hoàng Lan từng tìm đến nhà của Từ Trọng Sinh nhưng họ đã bỏ đi nơi khác. Cực chẳng đã, nàng và Lâm Vũ Linh đành phiêu du khắp nơi. Hai người họ không có nơi dừng chân cố định, có khi là làng chài ven sông Nhị Hà, lúc là chốn thôn dã vùng Kinh Bắc… nơi nào thú vị, họ đều ở qua. Đó là thời gian Hoàng Lan được hòa mình vào cuộc sống nhân sinh, mắt thấy tai nghe đời sống xã hội của Đại Việt dưới thời Lê Sơ. Đối với một người con gái đến từ thế kỷ hai mươi mốt, đây thực sự là một khảo nghiệm tuyệt vời.
Dù là nửa năm trước hay ngay lúc này đây, Hoàng Lan đều tự hào về văn hóa và con người Đại Việt.
Nói chuyện một lúc, Hoàng Lan liền hỏi đường trở về kinh thành. Bà chủ quán tỏ vẻ tiếc nuối:
“Giá như cô nói sớm một chút thì tốt. Vừa có một đoàn khách mới rời quán xong. Nghe đâu họ là thương buôn đến từ kinh thành…”
“Bác à, họ đi lâu chưa?”
Hoàng Lan sốt ruột hỏi dồn. Bà chủ bấm bấm ngón tay rồi đáp:
“Cũng chưa lâu lắm, ước chừng họ mới chỉ đi được một dặm đường thôi.”
Người tiều phu tên Mạnh hào hứng lên tiếng:
“Hay là để tôi chỉ cho cô một con đường tắt. Hơi khó đi một chút, nhưng biết đâu lại đuổi kịp họ. Dù sao cô cũng là phận nữ, một mình trở về Đông Kinh sao được!”
Mong còn không được, Hoàng Lan cuống quýt gật đầu.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.