Đọc truyện Thiên Hạ Kỳ Duyên – Chương 7: Thanh Phục khu
Lê Tuyên Kiều nhất định sẽ không làm thế. Tâm cơ của người này có lẽ không hời hợt như Phùng Diệm Quỳnh.
Thực sự Hoàng Lan không biết nên khóc hay nên cười. Từ khi nào nàng lại có bản lĩnh nhìn mặt đoán lòng như đám người trong mấy bộ phim hậu cung của Trung Quốc vậy?
…
Ở dạ yến, Hoàng Lan giả câm giả điếc chỉ vì muốn tránh xa mọi rắc rối không đáng có.
Nhưng nàng đã nhầm.
Không biết đám thị vệ nhìn mặt vị quý nhân nào mà làm việc, ra tay không chút nương tình, chỉ hận một nỗi không thể bằng hai mươi trượng đoạt luôn mạng nàng. Đến khi nhát trượng cuối cùng còn chưa hạ xuống, Hoàng Lan đã thấy trước mắt mọi thứ tối sầm, sau đó thì ngất đi, không biết gì nữa.
…
Ngự thư phòng.
Tư Thành đặt quyển tấu chương của Lân quận công Đinh Liệt sang một bên, ánh mắt mơ hồ nhìn ra khoảng không trước mắt. Trong lòng hắn đang dâng lên một cảm giác khó chịu, nhưng rốt cuộc là khó chịu vì điều gì, khó chịu vì ai, chính hắn cũng không thể lý giải nổi.
…
Căn phòng giam này nằm sâu trong hình lao, bị ngăn cách hoàn toàn với thế giới bên ngoài bởi bức tường bao cao tới gần ba mét và những chòi canh lúc nào cũng sáng trưng ánh đèn. Không gian đặc trưng bởi một mùi ẩm mốc. Ở bốn góc tường, rêu xanh bám thành từng mảng. Rệp và gián bò lổm ngổm trên nền nhà, nhìn lốm đốm như những hạt đậu đen bị người ta rắc vội.
Trên đám rơm được vun vào một góc để làm thành chiếu tạm, Hoàng Lan khó nhọc trở mình. Nàng không biết mình đã bị giam giữ bao lâu. Ở một nơi tối tăm như thế này, đêm cũng như ngày, căn cứ duy nhất để nàng nhận thức về thời gian chính là giờ đưa cơm của ngục tốt. Nói là cơm, nhưng thực ra chỉ là một bát cơm hẩm và vài cọng rau, loại thực phẩm chỉ dành cho súc vật chứ không phải để đối đãi với con người. Mỗi lần nhìn bát cơm được đẩy vào bên trong, Hoàng Lan thầm oán trách tên vua hẹp hòi đã đẩy mình vào tình cảnh này, nhưng rồi cũng vì chính bản thân, nàng không thể không nhắm mắt nhắm mũi nuốt từng hạt cơm đắng nghét. Muốn sống, trước hết nàng cần có sức khỏe để chống chịu lại với nỗi đau thể xác. Đòn roi không nương tình, da thịt đã bong tróc từng mảng, gặp thời tiết mùa hè oi nóng thì càng thêm nhức nhối, khó chịu. Từ ngày bị giam vào đây, Hoàng Lan chỉ có thể lê từng bước tới cửa nhận đồ ăn, rồi lại lê từng bước trở lại góc tường. Mỗi cử động, Hoàng Lan lại cảm thấy cơn đau thấu vào tận tâm can, âm thầm gặm nhấm đến cốt tủy, giống như có hàng ngàn hàng vạn mũi kim đang thô bạo đục khoét trên cơ thể, khó chịu vô cùng.
Tình cảnh càng lúc càng thảm thương. Đến đêm ngày hôm qua, toàn thân Hoàng Lan nóng bừng, rồi chẳng mấy chốc, mồ hôi đã thấm ướt lớp áo ngoài. Cảm giác ngột ngạt khiến trí não nàng u mê, lẫn lộn. Thông thường, vết thương không được vệ sinh sạch sẽ sẽ dẫn tới nhiễm trùng rồi sốt cao. Nghĩ vậy, Hoàng Lan không khỏi rùng mình.
Vốn nghĩ mọi chuyện giản đơn, không ngờ lại phải uổng mạng ở chốn tù ngục tối tăm, sống không ai biết, chết không ai hay.
Mọi thứ cứ trở nên mơ hồ, hơi thở của Hoàng Lan phả vào chính mình, hầm hập, nóng rát. Nàng nằm im một chỗ, lặng lẽ và bất lực nhìn mọi thứ quay cuồng.
…
Đêm hôm ấy, Tư Thành bước chân đến cửa cung Thụy Đức. Nhưng khi nhìn lên tấm biển son đề tên Đan Ngọc các, hắn bỗng nhiên cảm thấy chán ghét không lý do.
Đan Ngọc các là nơi ở của chiêu nghi Phùng Diệm Quỳnh.
Một lúc sau, hắn bãi giá đến Diêu Tú viện.
…
“Nước… nước…”
Trong lao hình, có tiếng ai đó rên rỉ đứt đoạn. Tâm trí Hoàng Lan lúc tỉnh, hiện thực và ảo giác cứ thế đan xen nhau, chỉ có cảm giác khát cháy da cháy thịt là thứ duy nhất tồn tại rõ ràng.
Trong cơn mê sảng, nàng thấy có người mở khóa phòng giam bước vào. Hai người, một thái giám, một cung nữ đi đến gần chỗ nàng nằm.
“Ai… vậy…?”
Cung nữ tươi cười nhìn Hoàng Lan. Ả cúi xuống, mở nắp bình sứ, rót nước ra một chiếc chén nhỏ.
“Khát lắm hả, có nước ở đây, mau ngồi dậy uống đi.”
Giọng nói mềm mại vang lên cạnh tai, nhưng Hoàng Lan không thể gượng dậy được.
“Thúy Hoa, nàng ta không thể dậy nổi đâu. Hay để tôi đỡ nàng ta dậy, còn cô bón cho nàng ta uống nước?”
Thái giám vừa nói vừa chạy tới đỡ Hoàng Lan ngồi dậy. Cung nữ tên Thúy Hoa giả lả cười một tiếng rồi nhanh nhảu nâng chén nước lên. Cả thân thể Hoàng Lan mềm nhũn, chỉ chực đổ ra phía sau.
“Nguyễn Hoàng Lan, ngoan nào, để tôi giúp cô.”
Không đúng, có cái gì đó không đúng!
Hoàng Lan điên cuồng lắc đầu, né tránh chén nước từ tay Thúy Hoa, dùng chút sức lực cuối cùng để đạp bọn người này ra. Thấy đối phương phản kháng quyết liệt, thái giám kia không kiêng nể gì nữa. Hắn kéo đầu nàng ngược lại phía sau, để cho Thúy Hoa đổ thẳng chén nước vào miệng nàng.
Mình không thể chết như thế này. Đối diện với cái chết, con người luôn mạnh mẽ và tỉnh táo lạ thường. Hoàng Lan mím chặt môi lại, kiên quyết không để nước lọt vào cổ họng, dù chỉ một giọt. Nước chảy xuống cằm, xuống ngực nàng. Lợi dụng lúc đối phương rối trí, nàng chọi mạnh vào trán Thúy Hoa. Chỉ nghe coong một tiếng, ả đã ngã nhào ra đất.
Vật lộn một hồi, Hoàng Lan xô đổ cả bình nước. Những mảnh sứ vỡ nằm la liệt trên nền nhà lõng bõng nước. Nàng vùng chạy ra phía cửa, liền bị cánh tay thái giám kia kéo lại. Thúy Hoa dợm bước tiến đến, trong tay là một dải lụa trắng!
Sức lực của một người mang thương tích đầy mình như Hoàng Lan không thể đọ lại hai kẻ khỏe mạnh. Dải lụa siết vào cổ nàng, càng ngày càng chặt. Hoàng Lan bấu cả mười đầu ngón tay vào cổ, cố gắng bứt dải lụa oan nghiệt này ra. Vô ích, nàng cảm thấy khó thở, hai tai ù lên, từng mạch máu bị ép đến mức chỉ muốn nổ tung…
“Kẻ nào dám giở trò trong hình lao?”
Khi đã sắp buông xuôi, nàng mơ màng nghe giọng nói thứ ba vang lên. Hoàng Lan trấn tĩnh nhanh nhất, nàng thừa lúc thái bị phân tâm bèn xô ngã gã và chạy bán mạng về phía trước. Người nào xuất hiện cũng được, chỉ cần không phải đồng bọn của hai người kia, đều sẽ là ân nhân cứu mạng của nàng!
Trước mặt Hoàng Lan là một cung nữ mặc váy màu xanh nhạt, khoác bên ngoài một chiếc áo may từ vải lĩnh trắng hoa cúc. Nàng ta ngó bộ dạng thảm thiết của Hoàng Lan, không kìm được lòng quát lớn:
“Các người đang làm gì vậy? Nữ nhạc công này phải do đích thân bệ hạ phán tội. Bệ hạ còn chưa định tội chết, khi nào lại đến phiên các người dùng hình?”
Thái giám kia và Thúy Hoa nhất thời nhìn nhau, không biết phải phản ứng ra sao. Vốn dĩ chúng đã hối lộ cai ngục lớp trong lớp ngoài, tại sao lại có kẻ khác đặt chân vào đây, hơn nữa còn có vẻ muốn cứu mạng Nguyễn Hoàng Lan? Nhưng hiện giờ chúng không thể làm gì, vì phía sau lưng cung nữ mới xuất hiện kia còn có mấy người lính lạ mặt.
“Hai kẻ này lạm dụng tư hình, không thể giữ lại. Đỗ đại nhân, ngài xem…”
Viên tướng mặc võ phục phía sau liền bước lên một nước. Ánh mắt ông ta sắc nhọn như dao, liếc nhìn hai kẻ trước mặt rồi cất giọng trầm khàn:
“Hạ quan lĩnh ý, lập tức giết không tha.”
Lúc này, Thúy Hoa mới nhớ ra điều gì đó. Ả lùi lại hai bước, trỏ thẳng vào mặt cung nữ kia.
“Thanh Ngọc, cô không thể đối xử với chúng tôi như thế!”
Không giống Bạch Yên, Thúy Hoa thường ngày chỉ quanh quẩn ở nội điện Đan Ngọc các, thỉnh thoảng mới ra mặt thay Phùng Diệm Quỳnh đi làm vài việc quan trọng, thế nên nàng ta mới không cung nữ đang chủ trì công lý này chính là người bên cạnh tu dung Lê Tuyên Kiều, họ Thái tên Thanh Ngọc.
“Vậy bảo tôi phải đối xử với các người thế nào? Dẫn hai người đến điện Bảo Quang đối chất, để bệ hạ biết ai là người sai các ngươi làm trò ám muội này?” Đoạn Thanh Ngọc quay sang nói với viên quan họ đỗ: “Đỗ đại nhân, phiền ngài rồi.”
Họ Đỗ phất tay ra hiệu, đám lính sau lưng ông ta lập tức kéo Thúy Hoa và thái giám kia đi như người ta kéo hai kẻ điên trở lại trại tâm thần. Thúy Hoa lồng lộn điên cuồng, không ngừng chửi rủa. Vốn đến giết người, ả ta làm sao có thể thể ngờ được mình lại rơi vào thảm cảnh này.
“Thái Thanh Ngọc, ta là người của Phùng chiêu nghi. Cô giết ta, chiêu nghi nhất định sẽ không tha cho cô, nhất định không tha!”
Tiếng kêu của ả nhỏ dần, rồi tắt hẳn ở phía cuối hành lang.
Thanh Ngọc nhìn theo bóng dáng Thúy Hoa rồi hạ giọng:
“Đỗ đại nhân, chuyện hôm nay…”
Họ Đỗ nhanh chóng tiếp lời:
“Thanh Ngọc cô nương yên tâm. Hạ quan là người của tả đô đốc. Chuyện hôm nay, hạ quan coi như không nghe không thấy.”
“Vậy thay mặt lệnh bà, Thanh Ngọc xin cảm ơn ngài.”
Đám lính cung kính cáo từ. Trong phòng giam chỉ còn lại Hoàng Lan và Thanh Ngọc. Hoàng Lan sợ hãi thu mình lại trong một góc tường. Từ tận sâu trong đáy mắt nàng, sự sợ hãi, bàng hoàng và khiếp đảm cùng đan xen lẫn lộn.
“Cô không sao chứ?” Thanh Ngọc áy náy nhìn Hoàng Lan: “Tôi đến chậm, để cô phải chịu thiệt thòi rồi.”
“…”
“Nhìn xem, bọn chúng có còn là người nữa không? Dám hành hạ cô ra nông nỗi này…”
Thanh Ngọc kiên nhẫn kiểm tra các vết thương trên người Hoàng Lan một lượt, đặc biệt là chỗ trượng đánh và vết siết cổ. Một người vốn thể trạng yếu ớt, sao có thể chịu nổi sự hành hạ nhường này?
“Cảm ơn cô đã cứu mạng.”
Mãi lâu sau đó, Hoàng Lan mới lên tiếng cảm ơn Thanh Ngọc. Nếu không có cô cung nữ không quen không biết này xuất hiện kịp thời, nàng đã uổng một mạng dưới tay Thúy Hoa rồi.
Lúc nãy, Thúy Hoa có vô tình gọi nàng là Nguyễn Hoàng Lan. Điều này khiến nàng lập tức nhớ đến tình cảnh yến tiệc dạo trước. Sống ở trong cung, biết tên nàng, lại chu đáo tìm đến tận đây, người đầu tiên nàng nghĩ đến không phải Tư Thành mà chính là Phùng Diệm Quỳnh ngông cuồng dạo nọ.
Người xưa có câu “cây muốn lặng mà gió chẳng dừng”. Phùng Diệm Quỳnh vốn có tật giật mình, Hoàng Lan không tố cáo nàng ta, không có nghĩa nàng ta sẽ tha cho nàng!
…
Ngự hoa viên lung linh như một viên ngọc bích dưới ánh nắng mùa hè. Khắp nơi nơi, đâu đâu cũng là những loài hoa rực rỡ nhất, màu sắc nổi bật mà lại rất hài hòa. Có cẩm chướng hồng quyến rũ duyên dáng, có phong lan trang trọng tinh tế, có dạ yến thảo cao ngạo kiêu sa, dù đứng riêng hay kết hợp lại thì những sắc hoa ấy cũng đều vô cùng tuyệt hảo, lộng lẫy ganh sắc đua hương. Thêm vào đó là những cây si, cây sanh, dáng uốn lượn kiêu hãnh, tư thế rồng vươn hổ vũ như sánh cùng trời xanh, trồng trong những chậu lớn khảm đá đẹp mắt. Đi vài bước lại gặp một ao nhỏ, nước trong đến mức có thể nhìn thấu tận đáy, trong làn nước trong vắt phản chiếu bầu trời, thi thoảng có vài đàn cá la hán, cá lông vũ uyển chuyển bơi lượn như những đợt sóng nhỏ. Phía bên cạnh tiểu trì, mấy hòn giả sơn được đục đão cầu kì, tọa lạc uy nghi sừng sững giữa bốn bề non sông, khiến không gian thêm phần hoàn mĩ.
Bên cạnh hàng mai cẩm tú cầu, một mỹ nhân kiều mị thướt tha đang đủng đỉnh bước đi. Bàn tay nàng cầm một chiếc quạt lông vũ, phía sau còn có bốn cung nữ thái giám theo hầu. Cảnh sắc nơi đây vốn diễm lệ bỗng chốc trở nên nhạt nhòa trước ánh mắt đẹp như sao sa của giai nhân.
“Các ngươi nhìn xem, cẩm tú cầu này, cánh nhỏ mỏng manh chen chúc, vừa khéo lại tạo thành khóm thực đầy đặn. Loại cẩm tú cầu màu lam biếc này, bình sinh phải có duyên mới gặp được, nay nở rộ trong ngự hoa viên, đúng là chuyện đáng mừng.”
Lê Tuyên Kiều vừa nói vừa thích thú chiêm ngưỡng khóm cẩm tú cầu trước mặt. Một cơn gió nhẹ nhàng thoảng qua, mang theo hơi hướng từ tiểu trì thổi vào mát rượi.
“Nô tì thấy đóa hoa tuy đẹp, nhưng so với nhan sắc của lệnh bà cũng phải thẹn vài phần.”
“Thanh Ngọc, ngươi học thói nịnh nọt đó từ khi nào vậy?”
Giọng điệu Lê Tuyên Kiều không hề có ý tứ trách phạt, ngược lại còn vương ý cười. Thanh Ngọc hiểu ý, bèn đỡ nàng ta vào tiểu đình nghỉ ngơi thì chợt nghe thấy cung nữ bên cạnh bẩm báo:
“Bẩm lệnh bà, Phùng chiêu nghi tới.”
Quay đầu lại, đã thấy Phùng Diệm Quỳnh mặt tươi như hoa đang bước lại gần. Lê Tuyên Kiều vội đứng dậy hành lễ. Phùng Diệm Quỳnh nhanh tay đỡ Lê Tuyên Kiều dậy, đôi môi thuận ra một nụ cười rạng rỡ:
“Chẳng phải ta đã nói rồi sao, mọi người đều là phi tử của bệ hạ, cũng coi như chị em một nhà, gặp nhau không cần quá đa lễ.”
Lê Tuyên Kiều cười nói:
“Em trước sau vẫn một lòng ngưỡng mộ chị, chút cung kính này, Tuyên Kiều mong chị đừng để tâm.”
Lê Tuyên Kiều vừa nói vừa chu đáo rót trà dâng lên Phùng Diệm Quỳnh. Nàng ta đón lấy cốc trà, thoang thoảng cảm thấy một mùi hương đượm mát khiến tâm hồn sảng khoái, thanh tĩnh.
“Vẫn là em hiểu chuyện. Chẳng trách bệ hạ gần đây yêu quý em như vậy.”
Nụ cười như có như không vừa ra khỏi miệng, Lê Tuyên Kiều bèn vô tình đón lấy.
“Ân sủng của bệ hạ ban khắp lục cung, chị em chúng thiếp dựa bóng chiêu nghi mới hưởng được chút hồng ân, nhắc đến lại khiến chị chê cười rồi.”
Phùng Diệm Quỳnh trỏ tay ra phía xa xa, làm như không hề chú ý đến lời nói vừa rồi của Lê Tuyên Kiều: “Nhìn kìa, hoa ở ngự hoa viên hôm nay rực rỡ khoe sắc, lại có một đóa mẫu đơn vương cốt cách tuyệt phàm.”
Mẫu đơn vương, vua của các loài hoa, từ xưa đến nay chỉ nở vào mùa xuân. Hôm nay, trong ngự hoa viên bất giác xuất hiện một đóa mẫu đơn vương phú quý yêu kiều, tự khắc khiến những loại hoa khác xếp dưới một bậc. Phùng Diệm Quỳnh nói một câu dường như không liên can, nhưng Lê Tuyên Kiều đã rõ ý tứ. Một người là chiêu nghi đứng đầu cửu tần, tạm thời địa vị cao nhất hậu cung, một người là tu dung thường thường bậc trung, tôn ti cao thấp đã phân định rõ ràng. Người nói kẻ nghe đều hữu ý, bỗng chốc Lê Tuyên Kiều nắm chặt chiếc khăn lụa trong tay.
“Chiêu nghi quan sát thật tinh tế.” Lê Tuyên Kiều nhẹ nhàng đáp: “Nếu chị không nói, chắc em cũng không phát hiện ra đóa mẫu đơn vương ấy đang tỏa sắc trong ngự hoa viên.”
Sắc mặt Phùng Diệm Quỳnh đang tươi cười bỗng trở nên gượng gạo. Nhưng nàng ta nhanh chóng trấn định tinh thần, thân mật nắm lấy tay Lê Tuyên Kiều:
“Em à, sau này nếu rảnh rỗi thì chăm nghé qua chỗ chị nhé. Chị ở trong Đan Ngọc các, nhàn rỗi cả ngày, chỉ cầu có một người thường xuyên đến bầu bạn.”
“Em xin lĩnh ý.” Lê Tuyên Kiều cười rồi nâng chén trà lên: “Trà này em mang từ Diêu Tú viện đến đây, không biết có vừa ý chị?”
Phùng Diệm Quỳnh vốn đã lưu ý đến loại trà này, biết nó là trà tiến cung thượng hạng nên đoán rằng đó là do hoàng thượng ban thưởng cho Diêu Tú viện, vì thế trong thâm tâm đã ngầm lờ đi. Không ngờ đối phương lại công khai nhắc đến.
“Đúng là tuyệt hảo. Trà này vừa ngửi đã thấy hương thơm nhẹ nhàng tinh tế, uống vào miệng vị thanh khiết quyến luyến mãi không thôi. Nếu biết chỗ em có trà ngon như vậy, chị đã thường xuyên ghé thăm Diêu Tú viện, vừa được thưởng thức trà ngon, vừa khỏi trở thành bà cô già trong Đan Ngọc các. Trà này, không biết có phải đây trà Tuyết trứ danh?”
Trà Tuyết là loại trà tiến cung của người dân vùng núi cao phía bắc Đại Việt. Trà được hái từ cây trà cổ mọc trên núi cao ngàn mét, hái lúc búp trà còn ngậm sương, sau đó dùng củi phơi khô cháy đượm, dùng tay trần khéo léo sao, đặc biệt chú ý không để làm rơi những tuyết trắng còn bám trên búp trà. Khi pha trà phải dùng ấm sứ nung già, pha chế cầu kì để nước trà chỉ có màu phớt vàng như mật ong, trên chén sóng sánh còn vương chút tuyết trắng. Trà này uống vào, ban đầu cảm thấy vừa chát vừa ngọt nơi đầu lưỡi, sau đó thì thấy ngọt ngào như hương mật ong rừng.
“Đây đúng là trà Tuyết tiến cung năm nay. Bệ hạ biết em thích uống trà nên sai người mang tới một ít.” Lê Tuyên Kiều đang tự hào giới thiệu, chợt nhớ ra điều gì không phải, bèn vội vàng đính chính: “Cũng chỉ là một chút trà bệ hạ nhất thời hứng thú mới ban cho, sao so được với những đồ trân quý ở chỗ chị.”
Còn ai lạ việc gần đây ngươi xum xoe lấy lòng bệ hạ, còn đặc biệt luyện cầm nghệ để níu chân người. Nếu không phải ngươi giở trò hồ ly tinh ra, bệ hạ thèm để ý đến ngươi chắc?Cái gì gọi là nhất thời hứng thú? Kể ra đây còn chẳng phải khoe khoang trước mặt bản cung?
Hai người các nàng tiếp tục chị em thân thiết, phiếm chuyện suốt một canh giờ. Đám cung nữ đứng sau lưng cầm quạt đến hai tay mỏi nhừ, chỉ biết âm thầm cúi đầu kêu khổ.
Đến gần trưa, khi ánh nắng rót mật vàng trên bậc thềm tiểu đình, Phùng Diệm Quỳnh uể oải nhìn ra xa. Lê Tuyên Kiều biết ý, bèn lễ phép cáo từ.
“Đi đường cẩn thận.” Phùng Diệm Quỳnh chu đáo dặn dò.
Lê Tuyên Kiều kính cẩn xoay mình, nhẹ nhàng bước đi như làn gió thổi.
Đợi cho nàng ta đi khuất, Phùng Diệm Quỳnh một tay hất đổ cả chén trà còn lại xuống đất. Bạch Yên đứng bên cạnh thất kinh, vội vàng quỳ xuống.
“Lệnh bà bớt giận!.”
“Ta có thể giận dữ vì tiện nhân này sao?” Phùng Diệm Quỳnh cười như có như không: “Bạch Yên, ngươi sai người mang trâm ngọc liên đến Diêu Tú viện, nói là ta ban thưởng cho Lê tu dung.”
“Nhưng trâm này là của thái hậu ban thưởng cho lệnh bà…” Bạch Yên ngập ngừng.
“Đồ càng quý, ta càng muốn ban thưởng cho cô ta. Ta rất muốn xem, cô ta có thể dương dương tự đắc đến lúc nào!” Nói đoạn, Phùng Diệm Quỳnh chợt nhớ ra gì đó: “Phải rồi, Thúy Hoa đâu? Ta cử nó đi cũng được hơn nửa ngày rồi, sao đến giờ vẫn chưa thấy trở về?”
Lời vừa dứt, một thái giám hớt hơ hớt hải chạy vào, mặt cắt không còn hột máu.
“Lệnh bà, lệnh bà, có chuyện rồi…”
Phùng Diệm Quỳnh nhíu mày. Bạch Yên vênh váo bước lên, hất hàm với thái giám:
“Có chuyện gì thì từ từ nói. Ngươi định dọa chết lệnh bà đấy hả?”
“Nô tài không dám, nhưng mà… nhưng mà Thúy Hoa đã chết rồi ạ.”
Chiếc quạt trong tay Phùng Diệm Quỳnh rơi xuống đất. Nàng ta thảng thốt bật dậy:
“Ngươi nói cái gì?”
Thái giám mếu máo kể lại sự tình, đại khái vừa nãy người ta phát hiện thấy một xác cung nữ ở hồ Vọng Nguyệt, hình như là bị chết đuối, đến khi điều tra ra thì mới biết đó là Thúy Hoa của Đan Ngọc các.
Phùng Diệm Quỳnh không tin nổi vào tai mình. Hình lao và hồ Vọng Nguyệt nằm ở hai hướng đối diện nhau, tại sao Thúy Hoa lại bị chết đuối ở đó? Mà không, không phải ả ta chết đuối, mà là bị ai đó dìm chết mới đúng!
Bạch Yên thì không nghĩ được nhiều như thế. Đáng lẽ người được cử đến hình lao là nàng ta chứ không phải Thúy Hoa. Nay Thúy Hoa đã chết, Bạch Yên tất nhiên được một phen hú hồn.
“Bạch Yên!”
Thanh âm của Phùng Diệm Quỳnh khiến Bạch Yên giật mình.
“Dạ, lệnh bà.”
Phùng Diệm Quỳnh nghiến răng nói:
“Ngươi đến hình lao điều tra lại cho ta, xem Nguyễn Hoàng Lan đó thế nào rồi?”
Một canh giờ sau, Bạch Yên đem về một tin tức cũng tệ không kém, rằng Nguyễn Hoàng Lan đã biến mất không một dấu vết.
…
Hoàng Lan hét lên một tiếng, vội mở choàng mắt ra. Hóa ra vừa rồi chỉ là ác mộng!
Đến khi định thần lại, nàng phát hiện ra mình không còn ở trong hình lao nữa. Phải rồi, là Thanh Ngọc nào đó đã đưa nàng ra ngoài, sau khi giết chết hai người Thúy Hoa. Hoàng Lan nghĩ đến mà rùng mình. Rốt cuộc nàng đang vướng phải chuyện quái quỷ gì đây?
“Cô cảm thấy trong người thế nào rồi?”
Một cung nữ lạ mặt bước đến, trên tay nàng ta là một chậu nước có vắt tạm một chiếc khăn mà Hoàng Lan đoán dùng để chườm mát ình. Cung nữ kia đặt chậu nước xuống bàn rồi nói tiếp:
“Mấy hôm trước người ta đưa cô đến đây, khi ấy cô bị thương khá nặng, hơn nữa còn mê man lúc tỉnh lúc mơ, cả người không ngừng sốt cao.”
“Là cô chăm sóc tôi?” Hoàng Lan ngờ ngợ hỏi.
Cung nữ trẻ tuổi kia hơi ngẩn người, sau đó thành thật gật đầu.
Hoàng Lan dần chắp nối các sự kiện. Đầu tiên là nàng vô tình tham gia yến tiệc ở Liên đài, không hiểu chuyện đắc tội với hoàng thượng và một vị quý nhân, bị tống vào ngục tối, sau đó Thúy Hoa không quen không biết đến đòi mạng nàng, rồi nàng lại được cung nữ Thanh Ngọc cứu thoát.
“Cô có thấy Thanh Ngọc không?”
Cung nữ kia nghe nàng hỏi vậy, hơi kinh hãi.
“Cô biết Thanh Ngọc? Chị ấy là cung nữ thân tín nhất của Lê tu dung, người đang được bệ hạ sủng ái. Người như chị ấy sao có thể đến chỗ thấp hèn này! Lần sau đừng nhắc đến chuyện này nữa, nếu các nữ quan nghe được lại tưởng cô muốn trèo cao, sẽ không bỏ qua cho đâu.”
Lê tu dung nào? Sao mình lại có can hệ với cung nữ bên người Lê tu dung?
Hoàng Lan chau mày nghĩ ngợi một hồi, mãi sau mới nhớ ra Lê tu dung chính là vị phi tần giỏi cầm nghệ hôm đó. Phùng Diệm Quỳnh giở trò trên đàn của nàng ta, Hoàng Lan xui xẻo gánh tội thay, khi Thúy Hoa tìm đến hình lao hạ độc thủ với nàng, nàng ta lại cử cung nữ tâm phúc đến ra tay tương trợ.
Lê Tuyên Kiều làm thế vì áy náy ư? Nếu áy náy, tại sao không đưa Hoàng Lan ra khỏi cung luôn mà còn giữ nàng lại làm gì? Hay muốn nàng sau này tiếp tục làm chứng chống Phùng Diệm Quỳnh? Nói về làm chứng, lời chứng của nàng đâu có giá trị bằng Thúy Hoa? Giết Thúy Hoa mà giữ lại nàng thì cũng có ích gì!
Lê Tuyên Kiều nhất định có dụng ý khác. Tâm cơ của người này có lẽ không hời hợt như Phùng Diệm Quỳnh.
Thực sự Hoàng Lan không biết nên khóc hay nên cười. Từ khi nào nàng lại có bản lĩnh nhìn mặt đoán lòng như đám người trong mấy bộ phim hậu cung của Trung Quốc vậy?
Men theo thành giường, Hoàng Lan gắng gượng đứng dậy. Vết thương trên người nàng đã đóng vảy, không còn ngày đêm hành hạ như trước, nhưng xem chừng vẫn khá đau nhức. Trước mặt Hoàng Lan là khung cảnh cực kỳ xa lạ, tạm thời không thể đoán ra được đây là nơi nào, nhưng dựa vào cách bố trí và bối cảnh thì có lẽ vẫn thuộc về hoàng cung.
“Bà Tố Tâm còn nói, đợi cô tỉnh dậy thì bắt đầu làm việc cùng với mọi người.” Cung nữ ái ngại nói thêm, biểu cảm có phần thông cảm với Hoàng Lan.
“Làm việc?” Nàng ngạc nhiên nhìn quanh: “Đây là đâu?”
“Chắc cô không biết, đây là nơi giặt giũ y phục cho các quý nhân trong hậu cung, gọi là Thanh Phục khu.”
Nơi giặt giũ? Có phải giống như Hoán Y cục mà nàng vẫn thường thấy trong các bộ phim truyền hình Trung Quốc? Hoàng Lan hoàn toàn không biết gì chờ đón nàng trước mắt cũng kinh hoàng không kém những gì đã từng trải qua.
Giống như phim ảnh vào tiểu thuyết đã từng miêu tả, khu vực giặt đồ mang tên Thanh Phục khu này là nơi khắc nghiệt nhất trong hậu cung. Người làm việc ở đây hầu hết đều là những cung nữ phạm lỗi hoặc vô tình bị chủ nhân ghét bỏ. Mỗi buổi, hàng trăm bộ y phục, váy gấm váy lụa từ tam cung lục viện quy tụ về đây. Các cung nữ, kẻ xách nước, người dùng chày đập, luôn chân luôn tay mà vẫn không hết việc. Đám nữ quan lại luôn tỏ vẻ cay nghiệt, chỉ cần một cung nữ chậm chạp là sẵn sàng đánh đập không thương tiếc. Hoàng Lan là người mang thương tích, lại không phải kẻ dưới trong cung nhưng cũng bị đối xử cực kỳ hà khắc. Nếu là bình thường, tất nhiên nàng sẽ phản ứng lại. Chỉ trách hiện tại nàng ốm yếu không có sức lực, đành phải nín nhịn chịu đòn. Sau lần ấy, nàng đã ngoan ngoãn hơn, hoặc ít ra cũng cho bọn nữ quan thấy như vậy. Ngày hai buổi, nàng cùng hơn mười cung nữ khác ra giếng khơi múc nước vào hai chiếc xô gỗ to rồi xách về đổ vào bể chứa. Bể chứa cũng không nhỏ, tính ra phải chứa được vài chục khối nước, cảm tưởng càng đổ vào lại càng vơi đi. Làm việc vất vả cực nhọc, cơm lại ăn không đủ no, chỉ qua chưa đầy một tuần, chân tay nàng đã đau mỏi tựa như không thể cử động nổi nữa.
Các ngươi là những kẻ thân phận hèn hạ nhất mới bị đưa vào đây, biết điều thì chuyên tâm làm việc cho tốt, đừng mong có tư tưởng nào khác. Lũ chuột bọ các ngươi, dù ta có đánh chết bao nhiêu đứa, cũng chẳng ai quan tâm đâu. Bùi Tố Tâm, nữ quan quản lí Thanh Phục khu đã từng nói với nàng như vậy.
…
Buổi tối là khoảng thời gian hạnh phúc nhất. Nàng thường chờ đám nữ quan đi ngủ để lẻn ra bên ngoài và tận hưởng chút yên bình còn sót lại. Nàng chầm chậm bước đi, lặng nghe văng vẳng tiếng ca vũ từ cung điện nào đó vọng lại. Không gian bên ngoài hoàn toàn đối lập với sự tịch mịch, yên ắng nơi đây. Hoàng Lan tự chọn ình một chỗ ngồi, là chiếc trụ đá tròn nơi ban ngày các nữ quan vẫn thường ngồi để trông chừng cung nữ giặt giũ. Rêu dưới chân nàng mềm mại, mát rượi. Ánh trăng chiếu chênh chếch qua khóm hoa ngoài hoa viên, in thành từng hình thù kì dị xuống mặt đất. Một làn gió mát từ đâu thổi đến, mơn man ôm lấy mái tóc dài mượt mà của nàng.
Đã bao nhiêu buổi tối như buổi tối hôm nay, nàng dùng sự thanh tĩnh của không gian để suy nghĩ về hoàn cảnh của mình. Thanh Phục khu không chỉ là nơi khổ dịch, nó còn là nơi sinh ra để giam cầm con người. Hai lần Hoàng Lan tìm cách trốn khỏi Thanh Phục khu, hai lần nàng đều bị Bùi Tố Tâm sai người bắt lại rồi bỏ đói mấy ngày trời. Khi không thể phản kháng, con người chỉ có thể tạm thời thỏa hiệp. Ngày qua ngày, Hoàng Lan đã dần dần thích nghi với mọi việc, đã không còn quá xa lạ với những bất công đang bày ra trước mắt nữa. Nàng biết rằng mình bị hãm hại vì đã chen chân vào việc của Phùng chiêu nghi. Nàng biết Thúy Hoa đến hình lao chẳng qua là âm thầm dùng tư hình, không thể quang minh chính đại nên mới bị người khác bí mật xử lý. Nàng biết sự tồn tại của mình, cho đến bây giờ thực sự là cái gai trong mắt của không ít người. Nguyễn Hoàng Lan không bao giờ dám nhận mình là người khôn ngoan, nhưng chí ít nàng cũng không phải kẻ ngu ngốc.
Điều duy nhất nàng chưa giải đáp được, đó chính là dụng ý của Lê Tuyên Kiều. Ở trong cung lâu như vậy, chẳng lẽ Lê Tuyên Kiều không biết đến sự khắc nghiệt của Thanh Phục khu? Nếu nàng ta đã có lòng tốt cứu nàng, vậy tại sao lại đưa nàng vào đây, dặn dò đám nữ quan trông chừng nàng? Còn nữa… Thái Thanh Ngọc… gương mặt thanh tú, giọng nói sắc sảo vượt ngoài giới hạn một cung nữ ấy cứ luẩn quẩn mãi trong tâm trí nàng, chờn vờn như một bóng ma dai dẳng.
Tiếng ca vũ xa xa đã tắt hẳn. Hoàng Lan chợt mỉm cười rồi nhìn màn đêm. Đêm vẫn cao và xa vời vợi. Vừa từ cõi chết trở về, nàng thầm cảm thấy số mệnh mình sẽ không dễ dàng chấm dứt như thế.
Nàng còn phải sống, sống để trở về.
…
Ở chốn rừng núi hoang vu, một người con trai y phục rách rưới, tóc tai lởm chởm, bộ dạng quái đản đang cố tước lấy vỏ cây để ăn. Ban đầu y nhăn mặt vì nhựa trong vỏ cây quá chát, nhưng nghĩ đến hoàn cảnh hiện giờ lại đành nhắm mắt nhắm mũi, cố nuốt đống vỏ khô như rơm ấy vào trong bụng. Y đã luẩn quẩn trong khu rừng này một thời gian dài, đã mất hết khái niệm về thời gian, ban ngày tìm quả rừng, lá rừng cầm hơi, ban đêm tìm chỗ yên ổn tránh thú dữ. Lạc giữa nơi rừng thiêng nước độc, y sống sót được đến tận ngày hôm nay, đã là một kỳ tích.