Đọc truyện Thiên Hạ Kỳ Duyên – Chương 36: Sóng gió bắt đầu (2)
Có lần cùng Hoàng Lan dạo chơi ngăm sen, Ngô Chi Lan tình cờ nhìn thấy một cung nữ đang chèo thuyền hái những búp sen mới nở. Suối tóc của người cung nữ kia đổ dài, hòa cùng sắc hồng của cánh sen và màu xanh của lá, khiến ặt hồ mênh mang lắng đọng. Đứng trước cảnh sắc hữu tình hữu ý ấy, Ngô Chi Lan liền xuất thần ngâm nga:
“Tương khan lục mấn niên,
Vô sự thái khê liên.
Tiểu cô, kiều bất ngữ,
Ðái tiếu học sanh thuyền.
Liên hoa viễn cận hương,
Thái thái tổng sơn nương.
Mạc khiển phong xuy mấn,
Băng cơ nguyên tự hương.” (1)
Câu từ rườm rà khiến Hoàng Lan khó hiểu hết nghĩa, song nàng vẫn cảm nhận được sự mượt mà và cái hồn trong mỗi áng thơ.
Từ ngày Hoàng Lan trở thành Nguyễn sung nghi, Tư Thành thường xuyên đến Nhữ Hiên các dùng bữa. Ban đầu Hoàng Lan không muốn tiếp hắn vì nàng hiểu rằng, bản thân càng dính lấy người này, nàng càng trở thành cái bia cho đám phi tần ngoài kia tập bắn. Nhưng nghĩ lại, giờ Hoàng Lan là kẻ ăn nhờ ở đậu, mà khách trọ lại đuổi chủ nhà, nhìn kiểu gì cũng không phải phép lắm, cuối cùng nàng đành mặc kệ, tùy ý đối phương thích đến thì đến, thích đi thì đi, chẳng mời mọc cũng không ngăn cản. Còn về phần Tư Thành, hắn tìm đến Nhữ Hiên các cũng có lý do riêng. Hồi xưa, khi còn là một Bình Nguyên vương tiêu diêu nhàn nhã, Tư Thành vẫn có thói quen ăn uống thanh đạm, còn chỗ Hoàng Lan không có cao lương mỹ vị, chỉ có cơm canh dân dã như bao nhà thường dân, thành ra lại hợp khẩu vị của hắn. Những ngày đầu tiên, hai người họ ngồi đối diện nhau trước mâm cơm, không khí có phần gượng gạo, cổ quái. Nhưng việc gì lặp đi lặp lại cũng thành quen, dần dà, người họ vừa dùng bữa vừa tán gẫu chuyện trên trời dưới biển, thậm có những lúc nổi hứng lên còn giành nhau một miếng thức ăn, để rồi kẻ thẳng đắc ý bật cười ha hả.
Nàng nhận thấy, Lê Tư Thành cũng không đến mức khó ưa như mình từng nghĩ.
Hắn cũng nhận thấy, chỉ đến Nhữ Hiên các, hắn mới được ăn một bữa ngon lành và thoải mái như vậy.
Thỉnh thoảng khi trời đã tối muộn mà vẫn chưa thấy Tư Thành trở về điện Bảo Quang, Hoàng Lan chột dạ nhắc khéo vài câu, kiểu gì cũng bị hắn mỉa mai:
“Nàng yên tâm, nếu muốn tìm mỹ nhân, trẫm cũng tự biết phải đến cung Thụy Đức, Diêu Tú Viện hoặc Thanh Thủy lâu… tuyệt đối sẽ không ngu ngốc mà tìm đến Nhữ Hiên các của nàng. Nhớ kĩ cho trẫm, trẫm chỉ đến đây dùng cơm thôi.”
Biết rõ đối phương cố tình châm chọc nhưng Hoàng Lan mặc kệ. Hắn mỉa mai cũng được, không mỉa mai cũng được, chỉ cần hắn nói lời giữ lời, không tùy tiện sủng hạnh nàng, nàng vẫn có thể đối đãi với hắn như với một người bạn.
Lại nói, sủng hạnh? Nghĩa là trở thành… trở thành vợ của hắn? Chỉ mới nghĩ đến thôi, Hoàng Lan đã lắc đầu lè lưỡi, bài xích kịch liệt. Nàng là một người theo chủ nghĩa thực tế. Ngưỡng mộ đấy, nhưng nàng không nghĩ những câu chuyện kì tích như phim Hàn sẽ xảy đến với mình, càng không bao giờ tin rằng có những mối tình vượt thời gian như trong truyện truyện cổ tích tồn tại. Cả đời này, nàng chỉ có một sở nguyện duy nhất, đó là bình an cho đến khi trở về hiện tại. Nếu có cơ hội trở về, nàng sẽ yêu một người hiện đại nào đó, nếu thuận lợi thì vài ba năm sau có thể tính đến chuyện hôn nhân. Còn ở lại đây, điều này tuyệt đối không thể.
Bất giác Hoàng Lan nghĩ tới Trường Giang, cảm thấy khóe mắt mình cay cay…
…
Trời mùa hè ngập tràn ánh nắng. Bây giờ đang là giữa trưa, con đường dẫn đến cung Vĩnh Ninh thênh thang, vắng lặng. Từ xa xuất hiện một đoàn thái giám, trêm tay bọn họ là những mâm gỗ phủ vải hồng điều, hình như còn có bốn thái giám đang bưng bốn chậu phong lan nhỏ tuyệt đẹp. Dựa vào động tác của đám thái giám này, có thể đoán vật đựng trên những chiếc mâm kia khá nặng.
Đúng lúc đoàn người chuẩn bị rẽ bước vào Nhữ Hiên các thì gặp hai loan kiệu. Người ngồi bên trong, không ai khác chính là Huệ phi Phùng Diệm Quỳnh và Hạ tiệp dư. Hạ tiệp dư này xuất thân đơn giản, không có chỗ dựa nhưng nhan sắc khuynh quốc khuynh thành, nhờ vẽ một bức tranh uyên ương mà nhanh chóng kết giao với người đứng đầu cung Thụy Đức.
Phùng Diệm Quỳnh ban đầu cũng không hề để đám thái giám đưa đồ kia vào mắt, cho đến khi phát hiện ra thứ bọn họ đang bê là khoai sọ, khoai lang, bánh nếp… toàn những nông sản tầm thường thì không khỏi hiếu kì.
“Kia là những thứ gì vậy?”
Bạch Yên bèn kéo một thái giám lại hỏi han, sau đó chạy đến bên loan kiệu đáp:
“Hồi bẩm lệnh bà, đó là nông sản vùng Thanh Hoa tiến cung, bệ hạ đặc biệt dặn đem đến Nhữ Hiên các cho Nguyễn sung nghi.”
Suốt cả tháng nay, “Nguyễn sung nghi” là một trong những từ mà Phùng Diệm Quỳnh dị ứng nhất. Nét vui vẻ trên mặt nàng ta nhanh chóng chuyển sang trạng thái đối lập.