Đọc truyện Thiên Hạ Kỳ Duyên – Chương 29: Thiếu nữ hiến kế (4)
Rất trực tiếp. Rất thẳng thắn. Một người con gái mà đòi bàn về chuyện thiên tai? Ở bên cạnh, Lưu Sở quắc mắt, tỏ vẻ khinh miệt. Phớt lờ hắn, thiếu nữ áo trắng tiếp tục nói:
“Nguyễn đại nhân, trước hết tôi muốn hỏi ngài một câu. Chẳng lẽ đê bao không cản nổi nước sông Lỗi Giang sao?”
“Cô nương ở chốn khuê phòng, có lẽ vì thế mới không biết tình hình đang diễn ra. Ở Thanh Hoa, nhất là vùng hạ lưu sông Lỗi Giang, nhiều đoạn đê đã bị sóng đánh sạt từ thời chiến tranh với nhà Minh, đến nay vẫn chưa khôi phục được.”
Nói đến đây, chính Nguyễn Đức Trung cũng cảm thấy ngượng mặt. Chiến tranh với nhà Minh đã kết thúc hơn ba mươi năm, nói đê điều đến nay vẫn chưa thể khắc phục, đúng là chuyện hoang đường! Là do trời thì cao, vua lại ở xa, quan lại địa phương có kẻ tham ô nên mới dẫn đến tình trạng này. Nhưng sau khi cân nhắc kĩ, ông ta quyết định không đem nội tình ra nói với một người con gái như nàng, bèn bưng bít bằng một lý do tạm bợ.
Thiếu nữ áo trắng mỉm cười đính chính:
“Đại nhân nói sai rồi. Chiến tranh với nhà Minh đã trải qua hơn ba mươi năm. Một thời gian dài như vậy, không thể có chuyện đê điều bị phá hỏng chưa thể khôi phục. Thời nào cũng có quan tham, tôi nghĩ mấu chốt chính ở lũ người này.”
Không chỉ có vị lão tướng lão luyện, đến chính Lưu Sở cũng giật mình. Chuyện tày trời này mà nàng ta cũng dám nói? Người này định giữa đường giữa chợ đem chuyện quốc sự ra bàn thật sao?
Thanh âm nhẹ nhàng như gió thoảng vẫn tiếp tục tan trong ráng chiều man mác:
“Tôi thiết nghĩ, gia cố lại đê điều ở hạ lưu là điều chắc chắn phải làm, nhưng đồng thời cũng nên xem xét lại phía thượng nguồn. Dòng chảy của Lỗi Giang này so với những con sông khác có điểm bất thường, biết đâu căn nguyên lại xuất phát từ phía thượng nguồn cũng nên. Chỉ khi điều hòa được lưu lượng của Lỗi Giang ở cả hai đầu, cộng thêm tận lực xây dựng đê điều vững chắc mới có thể giảm áp lực vỡ đê. Nguyễn đại nhân, ngài thấy có đúng không?”
Một lời nói ra, không nhanh không chậm thâu tóm lại vấn đề mấu chốt.
Nguyễn Đức Trung không cười nổi nữa. Ông ta nhìn nàng chăm chăm, trong đáy mắt đan xen những ấn tượng phức tạp.
Chuyện địa lý thủy văn này là nàng ta nghe ai nói?
Mà ở một bên, Lưu Sở cũng bắt đầu nhấp nhổm không yên.
“Cô nương thực sự cho rằng thượng nguồn Lỗi Giang có vấn đề?” Hắn hỏi lại.
Thiếu nữ áo trắng trả lời:
“Chỉ là tôi bạo gan suy đoán thôi, nhưng cũng có thể xảy ra khả năng ấy.”
Nguyễn Đức Trung nhấp thêm một ngụm rượu tê hà, cảm thấy tâm trí vô cùng hứng khởi. Ban đầu ông ta còn tưởng người con gái này cùng lắm là đọc qua chút sách vở, chạy đến trước mặt mình nói bừa. Không ngờ sự phân tích của nàng rất rõ ràng, chặt chẽ, lại đụng đến chỗ trọng yếu trong việc trị thủy. Nàng nói đúng, hạ lưu Lỗi Giang thường xuyên vỡ đê, một phần do đám quan cũ đục khoét đã đành, nhưng xét theo khách quan thì quả thực sức nước ở đó quá mạnh. Thật sự nếu không phải người có kinh nghiệm thì sẽ không thể nghĩ việc này và chuyện thượng nguồn sông lại có liên quan trực tiếp với nhau.
Dĩ nhiên ở đây có một sự hiểu lầm nho nhỏ. Người con gái trước mặt ông ta không phải thần thánh gì, cũng không phải kẻ có trí tuệ thâu tóm vạn dặm, nàng chẳng qua mượn lời của các bản tin thời sự để nói lại cho vị Nguyễn đại nhân đây nghe mà thôi.
Một lúc sau, ông ta ôn tồn đáp:
“Tại hạ tuy kiến thức nông cạn nhưng cũng hiểu được vài phần. Xác thực, nước sông Lỗi Giang hễ gặp mưa lớn là dâng cao, hung dữ như rồng hổ, còn hơn những con sông khác nhiều lần. Triều đình đã nhiều lần cử quan khâm sai xuống xem xét, nhưng lại vô tình bỏ qua thượng nguồn.”
Đến lúc này, thiếu nữ áo trắng mới kín đáo thở nhẹ một tiếng. Những lời vừa nói ra thực ra cũng không phải kiến thức cao siêu gì, nhưng người đương thời liệu có tiếp nhận lý lẽ này của nàng không, đó lại là một chuyện khác.
“Cô nương hiểu biết sâu rộng, lại khiêm nhường như vậy, tại hạ tự thấy hổ thẹn không bằng.”
Bình sinh Nguyễn Đức Trung rất ít khi mở miệng khen người khác, người được ông ngưỡng mộ, khâm phục lại càng hiếm. Nhưng hôm nay, ông ta phá lệ không biết bao nhiêu lần, bỏi thiếu nữ áo trắng trước mặt hoàn toàn khác xa so với quan niệm cố hữu trong lòng Nguyễn Đức Trung. Mỗi khi nàng cười, mọi người xung quanh đều cảm thấy có ánh nắng dìu dịu tỏa xuống, có gió xuân ấm áp lướt qua, đẹp đẽ thuần khiết vô cùng.
“Ở Đại Việt có hồ chứa nào không?” Thiếu nữ áo trắng lại hỏi.
Nguyễn Đức Trung chau mày. Hồ chứa? Khái niệm này ông ta chưa từng nghe qua.
Người đối diện mỉm cười hài lòng:
“Gọi thế này cho dễ hiểu đi. Xây hồ chứa để xả nước ở các vùng trũng ngập vào đó, dự trữ đến mùa hạn thì lại lấy nước ở đó đem tưới tiêu cho hoa màu…”
Nàng còn chưa nói hết lời, đã nghe tiếng đập bàn cái rầm. Vì quá phấn khích, Nguyễn Đức Trung đứng bật dậy, hào hức vỗ lấy vai nàng, lắc lắc vài cái:
“Tuyệt diệu! Lấy nước mùa lũ để nuôi mùa hạn. Biện pháp này quả đúng là nhất cử lưỡng tiện.”
Lưu Sở thầm thắc mắc về thân phận người con gái này. Trong khi đó, biểu hiện của Nguyễn Đức Trung càng khiến người ta bất ngờ. Ông ta đến trước mặt thiếu nữ áo trắng, hai tay ngay ngắn chắp trước ngực, làm một động tác vái chào không thể kính cẩn hơn.
“Thay mặt triều đình, tại hạ xin cảm tạ tấm lòng của cô nương, những lời cô nương nói, tại hạ nhất định sẽ bẩm tấu ngọn ngành lên bệ hạ.”
Thật không đỡ nổi đám người này. Động chút là hành đại lễ. Thiếu nữ áo trắng than thầm rồi miễn cưỡng đỡ ông ta dậy. Cảnh tượng này, chính là đảo khách thành chủ, vô cùng kì quặc, nhưng cũng vô cùng thú vị.
“Tôi cũng chỉ mong có thế. À, còn điều này nữa. Sợ rằng sắp tới trời có thể sẽ lại mưa to, nước xa không cứu được lửa gần, đại nhân vẫn là nên tìm cách đưa nạn dân về những nơi tập trung, tiện cho việc trị an kinh thành, đồng thời cũng dễ dàng bảo vệ và phát chẩn cho họ.”
Lưu Sở nhìn ra bầu trời. Nơi ấy, đàn chuồn chuồn đang bay là là trên mặt đất, không nhanh không chậm lẩm bẩm một câu:
“Chuồn chuồn bay thấp thì mưa…”
Quán trà dần thưa khách. Tiểu nhị ngó tới đám người Nguyễn Đức Trung, muốn nhắc nhở vài câu nhưng thấy bọn họ quần áo sang trọng, dáng vẻ quyền quý nên chỉ đành chẹp miệng bỏ đi.
Nguyễn Đức Trung rót một chén rượu tê hà, trịnh trọng hướng đến thiếu nữ áo trắng:
“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, gặp mặt ngày hôm nay cũng coi như ba người chúng ta có duyên, tại hạ mạn phép kính cô nương một chén.”
Thiếu nữ áo trắng khịt khịt mũi, biết ngay đây là rượu nặng, lập tức nhăn mặt lại:
“Tôi thực sự không quen uống rượu.”
Rồi nàng rót một chén trà, điềm đạm nâng lên ngang tầm mặt:
“Xin mượn trà đáp lễ.”
Ba người họ mỉm cười nhìn nhau, một hơi uống cạn.
“Chẳng hay quý danh của cô nương là gì? Tại hạ trông cô không giống người kinh thành cho lắm.”
Nụ cười trên môi thiếu nữ áo trắng hơi trở lên gượng gạo. Thấy nàng không có ý định trả lời, Nguyễn Đức Trung cũng không hỏi thêm nữa.
“Những nạn dân ấy thực rất đáng thương.” Nàng nhìn ra phía xa: “Triều đình sao không lo cứu tế cho họ?”
“Bệ hạ đã xuống chiếu mở kho thóc cứu tế, nhưng nạn dân đổ về mỗi lúc một nhiều, tạm thời chưa thể phân phát được hết lương thực.”
“Nếu để những người giàu trong thành cùng tham gia cứu tế với triều đình thì sao?”
Ý kiến này đưa ra, Lưu Sở bật cười ha hả. Hắn vốn ngoan ngoãn ngồi nghe từ đầu đến cuối, cũng biết những ý kiến của nàng là vi diệu, nhưng giờ nàng nói muốn để người giàu trong kinh thành chịu bỏ tiền tài của họ ra giúp đỡ nạn dân. Thật sự quá viển vông!
“Tất nhiên tôi biết ý tưởng này nực cười.” Nàng liếc xéo Lưu Sở: “Xưa nay, người càng giàu càng giữ tiền chặt, triều đình cũng không thể vô lý ép họ mang tiền của mình ra khỏi túi. Nhưng nếu triều đình cho họ chút lợi nhuận, việc này lại là một chuyện khác.”
Người nói có tình, người nghe hữu ý, ý tứ của nàng, Nguyễn Đức Trung mười phần thì đã hiểu được tám chín.
“Cô nương nói đúng, họ không thiếu vài ba trăm quan tiền, chung quy lại, cái họ thiếu chính là một chữ danh.”
Người càng có nhiều tiền, càng muốn được công nhận địa vị. Nếu dùng chút công danh thuyết phục họ, họ chắc chắn sẽ vui vẻ mà tự nguyện chung tay chung sức với triều đình. Thiếu nữ áo trắng gật đầu. Kỳ thực nàng không biết có phải Nguyễn Đức Trung quá khiêm tốn hay không mà từ đầu đến cuối đều ngồi nghe nàng bày tỏ chủ ý, trong khi những gì ông ta nghĩ tới cũng không phải tầm thường.
“Điểm này tại hạ tin bệ hạ tự biết cân nhắc. Cô nương vừa có tấm lòng nhân ái, thông tuệ nhân sinh, lại điềm đạm khiêm tốn, đúng là người hiếm có trong nhân gian. Gặp gỡ cô nương, coi như Nguyễn Đức Trung ta được mở rộng tầm mắt.”
Lời Nguyễn Đức Trung nói là thật. Ông ta là người theo nghiệp binh, khá dị ứng với kiểu nữ nhi yếu đuối. Người như nàng, thông tuệ nhưng không kiêu ngạo, trầm ổn mà vẫn mạnh mẽ, mới thực sự khiến ông ta mến mộ.
“Nếu không còn gì nữa, tôi xin phép cáo từ trước.”
Thiếu nữ áo trắng nói xong, toan đứng dậy bước đi bị Nguyễn Đức Trung gọi giật lại.
“Cô nương đem tất cả những tâm huyết ấy nói ra, không sợ tại hạ đến trước mặt bệ hạ tự nhận là chủ ý của mình sao?
Vẫn phong phạm ung dung, thảng hoặc ấy, nàng nhìn đối phương, ánh mắt lộ ý cười:
“Những gì triều đình làm mới đáng nói, tôi chẳng qua góp chút sức mọn, còn những việc khác, đối với tôi không quan trọng.”
Biểu hiện khiêm tốn của nàng càng khiến Nguyễn Đức Trung mến phục. Lưu Sở hiểu ý đối phương, vội đáp thay ông ta:
“Cô nương, Nguyễn đại nhân chỉ nói đùa vậy thôi, mong cô đừng để bụng. Nếu cô muốn, bọn ta sẵn sàng dẫn cô nương đến điện Kính Thiên diện thánh, để cô nương tận tay trình kế sách lên cho bệ hạ.”
Diện thánh? Tức là gặp mặt đương kim hoàng thượng? Thiếu nữ áo trắng khẽ chau mày, gương mặt hiện lên một chút khó xử.
Sau đó, nàng phất tay rời đi. Hai người trong quán cứ đứng nhìn theo cho đến khi bóng tà áo trắng khuất dạng sau những con phố.
Khi thiếu nữ áo trắng rời khỏi quán trà thì trời đã nhá nhem tối. Một cơn gió mơn man ôm lấy mái tóc nàng, cuốn vạt áo trắng bay phấp phới, hệt như từng đợt sóng cuồn cuộn ngoài biển khơi.
Lê Thánh Tông, ta không giúp gì được cho người, chỉ có thể dùng cách này thôi…
Trong ráng chiều, có tiếng ai đó khẽ thì thầm.
…
Chú thích:
Lỗi Giang: Tên gọi sông Mã dưới thời Lê Sơ.
Thanh Hoa: Tên gọi Thanh Hóa dưới thời Lê Sơ