Thiên Hạ Kỳ Duyên

Chương 182: Họa âm (4)


Đọc truyện Thiên Hạ Kỳ Duyên – Chương 182: Họa âm (4)


Xung quanh chỉ còn bóng tối trải dài vô cùng vô tận, không có khái niệm về không gian thời gian, thậm chí không có sự phân định giữa sống và chết. Người con gái ấy không biết mình đang ở đâu. Mọi thứ xung quanh nàng… tất cả đều mơ hồ và lẫn lộn.
Bầu trời Đông Kinh sao mà xa quá…
Quên thiếp đi nhé, Tư Thành…

Quên thiếp đi nhé, Tư Thành…
Một âm thanh quen thuộc dội đến từ cõi hư không. Tư Thành choàng tỉnh sau một giấc mộng dài.
Đã sắp sang canh hai. Ngọn nến trên giá khẽ lung lay như thể cố vớt vát những giọt sáng cuối cùng trước khi lụi tàn. Kể từ ngày Hoàng Lan mất tích dưới lòng sông Nhị Hà, mọi thứ trong mắt hắn đều trở nên cô độc và lạnh lẽo.
Cửa điện hé mở. Tư Thành ra lệnh cho Đặng Phúc không cần đi theo. Đêm nay, thứ hắn cần chính là sự yên tĩnh.
Ánh sao mờ mờ trải khắp nhân gian. Trước mặt hắn, bóng nước loang loáng như ánh bạc.
Và rồi, dưới một tòa viện xa xôi nào đó vang lên tiếng sáo trúc trầm tư. Tiếng sáo réo rắt rót lên từng nhành cây bụi cỏ, nhuộm đẫm cả lối nhỏ dẫn tới vườn quỳnh, lúc mượt mà, khi da diết, mỏng manh tựa khói sương, cảm giác như chỉ cần chạm nhẹ là bay, thổi nhẹ là tan biến. Tưởng chừng tiếng sáo sắp phá vỡ trời đêm tịch mịch, nào ngờ bóng tối càng lúc càng trầm lắng, giống như bạn đốt một ngọn nến giữa đêm đông thì phía sau lưng bạn, chính là giá rét tột cùng.

Tư Thành đã ngồi ở đây Liên đài rất lâu rồi, lâu đến mức vai áo hắn đã ướt đẫm sương đêm.
Nhớ đến người con gái đó, trong lòng hắn lại cảm thấy trống vắng không gì khuất lấp nổi. Hoàng Lan ở cạnh Tư Thành chưa lâu, thậm chí nếu đem so với kẻ khác, nàng chỉ như một cơn gió thoáng qua cuộc đời hắn. Nhưng có những lúc, gặp gỡ vốn là định mệnh, và có những người, tưởng như chỉ thoáng qua nhau nhưng cũng đủ khắc sâu vào trái tim nhau đến trọn đời.
Từ bây giờ, sẽ chẳng còn ai đủ tư cách lắng nghe tiếng sáo của hắn nữa.
Rồi động tác của Tư Thành hơi ngừng lại. Hắn nheo nheo mắt, lắng nghe một thanh âm khác cũng đang lặng lẽ vang lên.
Là tiếng độc huyền cầm!
Khi còn ở vương phủ, Tư Thành đã được nghe các nghệ nhân chơi độc huyền cầm hàng trăm lần, nhưng đây là lần đầu tiên hắn được thưởng thức một tiếng đàn thú vị đến vậy. Không rõ tiếng đàn ấy từ đâu vọng tới, cũng không rõ người đang tấu lên tự khúc đó là ai, chỉ biết tiếng đàn kia vạn phần ảo diệu, từng nhịp từng khúc đều không ngừng biến hóa, lúc như cách chim lao đang vút lên đỉnh núi cao ngàn trượng, có khi lại như sóng thác đổ xuống muôn tầng vực sâu. Tưởng nhanh mà chậm, tưởng trầm mà cao, tiếng đàn ấy không tuân theo bất kì quy luật nào, cứ tùy theo tâm trạng mà thoải mái biến tấu, tàng ẩn trong đó là cá tính kiêu bạc ngạo nghễ của người chơi đàn, đủ khiến kẻ có bản lĩnh nhất cũng phải xấu hổ cúi đầu.
Người này…
Tâm tư giao hòa, Tư Thành điềm nhiên nâng cây sáo trúc lên. Hình như tiếng đàn của người kia cũng chững lại trong giây lát, nhưng rất nhanh sau đó đã bắt nhịp được với tiếng sáo, thậm chí sự kiêu bạc, ngạo nghễ càng lúc càng mãnh liệt hơn. Cảm giác lạc lõng biến mất. Ở nơi hậu đình xa xôi, hai người họ thậm chí còn không biết đối phương là ai, chỉ có đàn sáo không hẹn mà cùng hợp tấu.

Ngón tay của Vĩnh Lạc quận chúa lướt nhẹ trên sợi dây đàn, động tác mềm mại và thuần thục đến mê hồn. Tiếng độc huyền cầm cứ thế vang lên, mỗi giờ mỗi khắc lại thêm ảo diệu, mang theo cả sự kiêu hãnh, ngạo nghễ của kẻ tấu đàn. Cũng khó trách Vĩnh Lạc. Xưa nay, kẻ được nghe tiếng đàn của nàng ta chỉ có mình Lưu Tích Nguyên, nhưng hắn lại vô vị và nhàm chán đến mức chẳng bao giờ nhớ nổi tên của bất cứ khúc nhạc nào, khi cao hứng thì mới nhận xét vài ba câu nhạt thếch. Đây là lần đầu tiên có người đáp lại tiếng đàn của Vĩnh Lạc quận chúa, mà không chỉ đáp lại, hình như hắn còn rất hiểu tâm đàn. Nếu nhạc điệu của đàn bầu biến ảo bất định thì hắn lại dùng tiếng sáo vừa ngọt ngào vừa trầm lắng để dẫn dắt, dung hòa. Mỗi khi nàng ta tấu lên những khúc ngang tàng, tiếng sáo kia chắn chắn sẽ cao hơn một bậc, tuy tha thiết nhưng không ủy mị, điềm nhiên trói buộc tiếng đàn trong một ngưỡng bậc vô hình. Hai người khởi đầu với hai giai điệu khác nhau, vậy mà chẳng biết tự bao giờ lại cùng trầm cùng bổng, cùng chậm cùng nhanh, giống như hai dòng sông cùng đổ về biển lớn. Một người phóng khoáng, một kẻ trầm uy, thoạt nghe còn tưởng thủy hỏa bất dung, nào ngờ khi cùng nhau hợp tấu mới biết thì ra trên đời này, không gì là không thể.

Vĩnh Lạc quận chúa đặt cây đàn sang một bên rồi khoan khoái đứng dậy. Nàng ta thích thú nhìn về phía xa, nơi tiếng sáo của ai đó cũng vừa trầm xuống, mắt hạnh xinh đẹp không nén nổi ý cười. Chẳng lẽ hậu cung này thực sự đã xuất hiện kẻ xứng đáng trở thành tri kỉ của nàng ta?
Chỉ là Vĩnh Lạc không hề biết, căn cơ của tai họa cũng từ thứ gọi là tri kỉ ấy mà thành.

“Bệ hạ…”
Tiếng độc huyền cầm dừng chưa được bao lâu thì Nguyễn Nhã Liên xách đèn lồng đi đến. Trên tay nàng ta còn cầm một thứ gì đó, hình như là một hộp đồ ăn. Thông thường cửa các cung đều đóng trước giờ tí, nhưng luôn có những phi tần được hưởng một số đặc quyền nho nhỏ, không bị quản chế giờ giấc nghiêm ngặt như những người khác.
“Nàng cũng ngồi xuống đi.”
Tư Thành chỉ vào chiếc ghế còn trống bên cạnh. Nguyễn Nhã Liên hầu lệnh, khiêm nhường cùng ngồi xuống.
“Muộn thế này mà nàng vẫn đi tìm trẫm?”
Tư Thành nhìn hộp đồ ăn Nguyễn Nhã Liên mang theo, chẳng khó để đoán ra lý do đối phương đến tìm mình. Nhưng hôm nay hắn tản bộ một mình, thậm chí đám người Đặng Phúc cũng không được đi theo cho nên rất ít người biết để tìm đến đây.
Nguyễn Nhã Liên ôn tồn đáp:

“Thần thiếp không cố công tìm bệ hạ. Là thần thiếp nghĩ đến nơi này ngay từ đầu.”
Tư Thành ngưng thần nhìn nàng ta.
“Liên đài là nơi bệ hạ lần đầu gặp Nguyễn sung nghi. Trông cảnh nhớ người là thói quen của đấng quân tử đa tình.”
Nguyễn Nhã Liên nhẹ nhàng cười, ánh mắt toát lên vẻ hiền dịu như hồ nước mùa thu. Lần trước Lê Tuyên Kiều “đón lõng” Tư Thành ở Liên đài cũng vì suy luận này, nhưng nàng ta không như Nguyễn Nhã Liên, dám thẳng thắn nói ra suy nghĩ trong lòng mình.
Tư Thành cười nhạt:
“Liên tiệp dư, nàng dám dò xét trẫm?”
Nguyễn Nhã Liên hoảng sợ quỳ xuống:
“Bệ hạ thứ tội. Thần thiếp không dám! Chẳng qua đêm đông sương lạnh, thần thiếp sợ bệ hạ tổn thương long thể nên mới có ý nghĩ quá phận thôi.”
Tư Thành không căn vặn thêm nữa. Bất kể Nguyễn Nhã Liên nói gì, vẻ mặt của nàng ta đều thành thật đến mức khiến người đối diện không thể nghi ngờ.
Chỉ có Nguyễn Nhã Liên mới hiểu những lời này là thật hay giả. Nàng ta vẫn nhớ như in cảnh tượng ấy, hoàng thượng một mình đứng giữa liên đài, ánh mắt xao xuyến rơi trên mặt hồ phẳng lặng, chẳng hề quan tâm những đóa hoa sen đã tàn tự lúc nào. Dù Tư Thành lúc nào cũng tỏ vẻ lạnh lùng thanh thản, nhưng Nguyễn Nhã Liên đủ tinh ý để nhận ra mất mát trong mắt hắn…
Đó là chuyện của nửa năm trước, khi Nguyễn sung nghi để lại một lá thư rồi bỏ đi.
“Bệ hạ…”

Tư Thành giơ tay lên, kịp thời ngăn Nguyễn Nhã Liên lại:
“Trẫm biết nàng định nói gì. Việc của Nguyễn sung nghi, tự trẫm sẽ thông suốt.”
Nguyễn Nhã Liên vâng dạ gật đầu. Đoạn, nàng ta đưa chiếc hộp kia cho hắn rồi nói:
“Canh này tuy hơi đắng nhưng an thần rất tốt, lát trở về bệ hạ nên uống một chút. Bệ hạ là vua một nước, dù bận rộn chính sự thì cũng cần phải nghỉ ngơi, đừng nên lao lực quá độ.”
Nguyễn Nhã Liên đang nói đến những hôm hắn thức trắng đêm phê duyệt tấu chương trong điện Bảo Quang hay những lần hắn đem về cả tá kinh văn, sách địa lý về nghiên cứu. Lời vừa dứt, ánh mắt vạn phần phức tạp của Tư Thành vô tình trói buộc Nguyễn Nhã Liên, khiến nàng ta chộn rộn trong lòng, cuối cùng ngượng ngùng quay mặt đi.
“Vẫn là nàng chu đáo nhất.” Tư Thành chợt cười rồi đón lấy hộp canh: “Được, canh này về nhất định trẫm sẽ uống.”
Trò chuyện thêm một lúc, Nguyễn Nhã Liên sợ đêm sương giá lạnh, nhất quyết giục Tư Thành hồi cung. Mỹ nhân hiền dịu quan tâm, Tư Thành tất nhiên không miễn cưỡng, thậm chí còn tiễn biệt nàng ta đến tận ngoài cửa Lãm Nguyệt cư rồi mới trở về.
Nguyễn Nhã Liên dạo gần đây khiến hắn rất an lòng.

(Mời các bạn đón đọc Chương 53: Thật – giả.)

Hỏi nhỏ một chút: Các bạn thích nhất nhân vật nào trong Thiên hạ kỳ duyên? Và nhân vật nào khiến các bạn ghét nhất ạ?


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.