Thiên Hạ Kỳ Duyên

Chương 132: Chạm mặt (3)


Đọc truyện Thiên Hạ Kỳ Duyên – Chương 132: Chạm mặt (3)

Những ngày qua đối với Lê Khải Triều là một hành trình vô vị và nhạt nhẽo!
Từ khi biết Trường Giang chính là người bạn thất lạc mà Hoàng Lan từng nhắc tới, trong đầu Lê Khải Triều liền nảy ra một kế hoạch. Suốt mấy tháng nay, hắn bị Hoàng Lan và Tư Thành xoay như chong chóng, vất vả ấm ức không sao kể xiết, nếu không thể nhân cơ hội này mà đòi lại chút vốn liếng, hắn thà bỏ đi sáu chữ “thiên hạ đệ nhất thần trộm”, vác gậy về quê chăn vịt cho xong! Lê Khải Triều không ác nhưng có tính gian, không tiểu nhân nhưng lại tham tiền. Kể cả khi thật lòng giúp hai người họ đoàn tụ, hắn cũng muốn nhân cơ hội này để kiếm chác thêm chút đỉnh.
Nói ra thì xấu hổ, Lê Khải Triều định đem tin tức của Trường Giang bán cho Hoàng Lan với giá vài trăm quan tiền!
Nào ngờ chuyện làm ăn tốt đẹp chẳng thấy đâu, ngược lại chỉ toàn rước rắc rối vào thân. Lãnh cung phát sinh biến loạn, vì không muốn con gà đẻ trứng vàng của mình bị người ta làm thịt quá sớm, Lê Khải Triều đành phải lộ diện, bất đắc dĩ sắm vai anh hùng và đối phó với một đám áo đen từ trên trời rơi xuống. Nhưng sau một hồi chật vật, Hoàng Lan vẫn bị người ta bắt đi ngay trước mắt, đương kim hoàng thượng thì coi hắn không bằng một cái đinh gỉ, càng nhục nhã hơn khi hắn suýt chút nữa đã mất mạng dưới tay một người con gái.
Rời khỏi hoàng cung, Lê Khải Triều tiếp tục dò la tin tức về Hoàng Lan. Đánh hơi được manh mối ở khu rừng phía bắc, hắn vội chạy đến thì mới hay tên đầu đất Hồ Long đã tiễn chân khách quý của hắn từ hôm nảo hôm nào. Nghĩ đến Trường Giang, Lê Khải Triều lại tìm đến Viên Diệp cư và dặn dò Phạm Anh Vũ trông chừng cậu ta. Hắn không muốn khi mình đem được Hoàng Lan về thì tên nhãi Trường Giang ấy lại chạy mất.
Dĩ nhiên Phạm Anh Vũ không nói, Lê Khải Triều cũng không biết lúc ấy Hoàng Lan đang nằm dưỡng bệnh ngay tại Viên Diệp cư.
Những ngày sau đó, Lê Khải Triều xuôi nam ngược bắc, dò hỏi đủ mọi nơi nhưng vẫn không thể tìm ra tung tích của Hoàng Lan hay gã mặt sẹo, cứ như thể hai người đó đã biến mất khỏi thế gian vậy. Những ngày tháng trông trời ngóng bể càng dài, hắn lại càng hoang mang không biết rốt cuộc mình làm vậy vì lí do gì? Vì vài trăm quan tiền? Hay vì lo cho sự an nguy của Nguyễn Hoàng Lan?
Nực cười! Thiên hạ đệ nhất thần trộm mà lại phải phiền lòng vì một người con gái? Dẹp bỏ ý nghĩ ấy sang một bên, hắn xách kiếm quay về Đông Kinh, định bụng sẽ đi ngao du một chuyến cho đầu óc bớt trì trệ.
Hình như ông trời cũng biết thương kẻ có lòng. Lê Khải Triều đang lang thang trên phố thì nghe nói có thằng điên nào đó vứt tiền ra ngoài đường. Dù không mấy mặn mà với vài đồng bạc lẻ nhưng vốn yêu tiền tài như sinh mạng, hắn cũng hí hửng chạy tới góp vui.
Ông trời có thể thương người trong khắp thiên hạ, chỉ trừ Lê Khải Triều hắn!
Tiền bạc đã bị nhặt hết, thứ duy nhất ông trời để lại cho hắn là gã mặt sẹo xấu đau xấu đớn kia! Lúc ấy Lý Lượng đang lóp ngóp bò ra khỏi biển người, được một lúc thì Thanh Ngọc cũng xuất hiện.

Đứng ở một góc gần đó, nghe hai người bọn chúng lời qua tiếng lại, Lê Khải Triều mười phần thì cũng đoán được tám chín. Đại loại, gã xấu dị kia làm ăn không ra gì, năm lần bảy lượt làm hỏng đại sự nên hôm nay, tên chủ thượng nào đó mới sai Thanh Ngọc đến giết quách gã đi cho đỡ chật đất. Lê Khải Triều không muốn dính líu đến mấy chuyện tranh đoạt của hậu cung. Nếu Nguyễn Hoàng Lan đã không còn nằm trong tay Lý Lượng thì thay vì mất thời gian với một kẻ không dẫn mình đến đâu, hắn sẽ quay sang tính sổ với Thái Thanh Ngọc.
Bởi vì ngay khi cây ngân châm ấy bắn ra, Lê Khải Triều đã biết nàng ta chính là kẻ đã ám hại mình dạo nọ.

Tại một ngôi nhà hoang phía nam thành Đông Kinh
Thái Thanh Ngọc thầm chửi mười tám đời tổ tông Lê Khải Triều. Tự nhiên nàng ta lại thấy đồng cảm hơn với Lý Lượng ghê gớm. Cảm giác bị cái tên nhăn nhở kia phá hỏng chuyện tốt thật chẳng dễ chịu gì!
San rơm khô để làm thành một tấm đệm, Lê Khải Triều nhón mông ngồi xuống bậc thềm trước cửa. Đằng sau lưng hắn, Thái Thanh Ngọc lải nhải đến lần thứ một trăm lẻ một.
“Tên mắc dịch kia, ngươi mau thả ta ra!”
Mặc cho thanh âm của đối phương mềm dịu hay điêu ngoa, lúc thì gào thét lúc thì vờ vịt nhẹ nhàng, Lê Khải Triều vẫn giả vờ điếc. Hắn đang cân nhắc về việc điểm nốt á huyệt của Thanh Ngọc để nàng ta thôi xúc phạm danh dự của mình.
“Tên khốn kia, ngươi điếc à? Ta bảo ngươi thả ta ra, ngươi không nghe thấy hả?”
“…”

“Giỏi cho tên vô lại nhà ngươi!”
“…”
“Ta mà thoát được khỏi đây, nhất định sẽ băm ngươi thành trăm mảnh rồi ném cho chó ăn.”
Mười chín năm sống trên đời, đây là lần đầu tiên Thanh Ngọc ăn nói điêu ngoa như thế. Nhưng trên đường bị đưa về đây, nàng ta đã được chứng kiến trình độ võ mồm của Lê Khải Triều, nghe hắn xỉa xói mình mà chỉ biết trợn mắt há mồm, ức không thể tả, lưỡng lự mãi mới dám nói lại hắn đôi câu, nào ngờ càng nói càng hăng…
Lê Khải Triều không muốn nhịn nữa, bèn quay lại chỉ thẳng vào mặt Thanh Ngọc và rít lên:
“Ta có ngu mới thả cô ra! Cứ để cô ngồi ở đó, một tháng, một năm, mà không, phải vài chục năm, cho đến khi cô tóc bạc răng rụng, da dẻ nhăn nheo, biến thành một bà khọm già xấu xí, không cầm nổi kiếm để uy hiếp ta nữa mới thôi.”
Thanh Ngọc tức đến hộc máu mũi!
“Ngươi…” Nàng ta nói không thành câu.
“Ta làm sao?” Tên ngồi ngoài cửa bốp luôn.
Mất hai giây để lựa chọn “lời hay ý đẹp”, Thanh Ngọc chậm rãi gằn từng chữ:

“Tiểu nhân vô liêm sỉ! Sống trên đời không bằng cầm thú! Chết làm ma không có đất chôn!”
Mặt Lê Khải Triều nhăn như quả táo tàu. Nên nhớ rằng ngoài vàng bạc ra, thể diện chính là thứ hắn coi trọng nhất.
“Tiểu nhân vô liêm sỉ?” Lê Khải Triều nhếch mép cười: “Ta mà là tiểu nhân vô liêm sỉ, vậy cái loại người trốn trên cây rồi phi ám khí về phía người khác thì gọi là gì? Sống trên đời không bằng cầm thú, chết làm ma không có đất chôn? Là cô em tự nói mình đấy hả? Phải rồi, mặt mũi cô em vừa lưu manh vừa gian xảo, chắc bình sinh hại người không ít, dùng lời ấy để tự nói mình thì quá đúng rồi còn gì.”
Thanh Ngọc uất đến mức suýt ngã lăn ra bất tỉnh.
Cung nữ sống ở trong cung, từ lời ăn tiếng nói đều phải nhỏ nhẹ đúng mực, cùng lắm mới nói vài ba câu châm chọc đối phương, Thanh Ngọc lấy đâu ra bản lĩnh để đấu võ mồm với một kẻ như Lê Khải Triều? Biết thân biết phận, nàng ta bèn ngồi im, không dại gì mà tự rước lấy nhục nữa.

Nửa canh giờ nữa trôi qua. Phía cuối chân trời ửng lên một quầng sáng nhàn nhạt.
Lê Khải Triều vẫn ngồi chồm hỗm trên bậc cửa, ngấu nghiến đánh chén nắm cơm nắm muối vừng mang theo. Cả đời bôn tẩu giang hồ, sống nay đây mai đó, thức ngon vật lạ đều từng thưởng thức qua nhưng Lê Khải Triều vẫn thấy cơm nắm muối vừng là ngon nhất. Thử hỏi có món ăn nào vừa tiện dụng, vừa ngon miệng, ăn hoài ăn mãi vẫn không chán như cơm nắm muối vừng? Cao lương mĩ vị của nhà vua thì đã sao? Ngẫm ra cũng chẳng bằng một nắm cơm dân dã của hắn!
Còn Thanh Ngọc, đã hai ngày nay, vì mải đuổi theo tung tích Lý Lượng nên vẫn chưa có một bữa tử tế. Đừng nói một cung nữ bình thường, ngay cả cao thủ võ lâm cũng không thể chỉ hít không khí mà sống qua ngày. Ông trời lại như trêu ngươi, mùi vừng bùi bùi thơm thơm cứ thế bay vào, khiến dạ dày của nàng ta bắt đầu sinh sự.
Cơ thể bị điểm huyệt không thể cử động, Thanh Ngọc chỉ đành nuốt khan, sau đó học theo các bậc thiền sư nhắm mắt tĩnh tâm, cố gắng quên đi cảm giác cồn cào, đồng thời thầm cầu cho cái tên họ Lê kia bị sặc cơm mà chết!
Bỗng đâu có mùi thơm ngọt ngào đan quyện ngay cánh mũi, hấp dẫn không thể cưỡng nổi. Thanh Ngọc mở mắt ra, đã thấy Lê Khải Triều dứ dứ nắm cơm trước mặt, giọng tỉnh queo:
“Có đói không?”

Nàng ta bất mãn đảo mắt sang hướng khác:
“Không!”
“Ài, thấy cô cứ nhìn nắm cơm trong tay ta đến chảy cả nước miếng nên cứ tưởng cô đói, hóa ra ta nhầm.” Lê Khải Triều ngoạm một miếng rõ to rồi lại xoay mông bước đi, không quên nói một câu như trêu ngươi: “Có lòng tốt định cho cô vài miếng, nếu cô không đói thì thôi vậy.”
Thực sự, Thanh Ngọc vừa nhục vừa tiếc.
Không biết Lê Khải Triều vô tâm hay cố ý, nhưng quả thật hắn cũng chẳng thèm để ý đến Thanh Ngọc nữa, chỉ chuyên tâm xử lý hết phần cơm trưa của mình, thỉnh thoảng lại nghêu ngao hát vài ba bài dân ca quen thuộc mà có đánh chết Thanh Ngọc cũng không nghe ra giai điệu!
“Này, rốt cuộc ngươi định thế nào mới chịu thả ta ra?”
“Ta đã nói rồi, ít nhất cũng phải mấy chục năm nữa, khi nào cô trở thành bà lão hom hem ốm yếu, đi mỗi bước đều phải chống gậy, không đủ sức dùng ngân châm để uy hiếp ta…” Tiếng người ngoài cửa không nhanh không chậm vọng vào.
Kẻ tưng tửng nhiều khi lại không biết đùa. Tự nhiên Thanh Ngọc thấy hơi chờn. Nhỡ đâu cái tên nhăn nhở kia thực sự nói được làm được, chủ tâm nhốt nàng ta mấy chục năm…
Rồi tự nhiên Thanh Ngọc ngẩn người. Gì mà mấy chục năm? Huyệt đạo này không phải sẽ tự động khai giải sau vài canh giờ hay sao? Là người học võ, vậy mà nàng ta lại quên mất kiến thức sơ đẳng ấy, rồi để ột tên nhãi không rõ lai lịch dọa dẫm lên bờ xuống ruộng mà vẫn tin sái cổ, thật quá mất mặt!
“Cô giúp chủ mình hãm hại vị tài nhân bụng mang dạ chửa đó, giờ ta nhốt cô lại, ít ra cũng giúp hậu cung bớt đi một kẻ chuyên gây sự.” Lê Khải Triều lại lèm bèm ca cẩm: “Thật chẳng biết cửa cung nào lại đào tạo ra loại người thất đức như cô nữa.”


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.