Đọc truyện Thiên Hạ Kỳ Duyên – Chương 13: Thần trộm Lê Khải Triều (1)
Yêu quái? Trong lòng Hoàng Lan có chút mỉa mai. Vẫn biết trên đời này còn nhiều chuyện khoa học chưa giải thích được, ví như chuyện nàng bị đưa đến thời đại này, nhưng nàng cũng không hề mang niềm tin tuyệt đối vào thế lực siêu nhiên. Yêu quái? Hai từ này chỉ tồn tại trong tiểu thuyết du ký của Ngô Thừa Ân mà thôi.
…
Đó là một ngôi nhà gỗ nằm giữa rừng trúc bạt ngàn, xa xa là đỉnh núi Dục Thúy phủ mờ hơi sương.
Bên trong nhà hơi tối. Phạm Anh Vũ dùng que đóm châm lên một ngọn nến rồi đặt ở bàn gỗ cạnh đầu giường. Trên giường, người ấy vẫn nằm bất động, tựa như đang chìm trong giấc ngủ ngàn thu. Cảm nhận được hơi thở yếu ớt của đối phương, Phạm Anh Vũ chỉ lắc đầu rất khẽ.
“Người này bị hôn mê đã mấy ngày nay mà vẫn chưa tỉnh. Anh Vũ, chàng xem, hay là chúng ta mời đại phu trong thành đến chữa bệnh cho y?”
Mạc Viên Nhiên hé mành bước vào, đưa cho y một bát cháo trứng vẫn còn đang bốc khói nghi ngút. Phạm Anh Vũ đón lấy bát cháo rồi hạ giọng:
“Nàng nghĩ rừng rậm ở phía bắc Đông Kinh là nơi nào chứ? Một kẻ không có kinh nghiệm đi rừng mà lạc vào đấy, chẳng khác nào lạc vào mê cung không có lối ra. Người này ngày hứng nắng, đêm phơi sương, vừa phải chống chọi với thú dữ, vừa vật lộn tìm kiếm nguồn thức ăn giữa chốn rừng thiêng nước độc, vậy mà y vẫn chống trụ được đến ngày hôm nay, ta xem chừng mạng y chưa dễ tận như thế đâu. Có thể làm gì để cứu cậu ta, ta sẽ cố gắng hết sức. Hơn nữa, hoàn cảnh của chúng ta lúc này thật sự không thích hợp để mời đại phu…”
Hiểu ra ý tứ của Phạm Anh Vũ, Mạc Viên Nhiên lặng lẽ gật đầu.
…
Dọc con đường nối từ điện Tường Quang với các cung điện khác, đèn lồng đỏ được treo cao thành hai hàng, thắp sáng cả một vùng trời. Đám cung nữ, thái giám, ai cũng hối hả ngược xuôi, người lo bưng thức ăn từ ngự trù phòng, kẻ bận rộn bài trí lại đồ đạc, người mải mê phân phó nhạc công chuẩn bị xướng ca, lại có kẻ chạy tới chạy lui dẫn đường cho các quý nhân… tạo nên không khí vô cùng khẩn trương, nhộn nhịp.
Chính điện được bài trí vô cùng rực rỡ. Ngai vàng của đế vương đặt ở trên cao, làm bằng vàng khối nguyên chất, chạm khắc hình rồng cực kì tinh xảo. Bất kì người nào khi nhìn vào ngai vàng này đều thấy nó tỏa ra một thứ ánh sáng kì lạ, lúc chói lóa như ánh hào quang của mặt trời, lúc lại trầm kha như ngọc quý nghìn năm. Thậm chí, hoàn toàn đúng khi nói rằng ngai vàng này chứa trong mình nó một mị lực không hề nhỏ. Tự cổ chí kim, có biết bao nhiêu kẻ không ngừng đấu đá, mưu trù đại cục, tranh đoạt nhau đến ngươi chết ta sống chỉ để được ngồi vào chiếc ngai này, một lần được thử nghiệm cảm giác đạt tới cực hạn của quyền lực. Bên cạnh đó là một chiếc ngai vàng khác nhỏ hơn. Nếu ngai vàng của đế vương tạo thế rộng cuộn hổ ngồi, thì chiếc ngai này lại chạm trổ phượng hoàng, vừa kiêu sa vừa trang nhã, uy nghiêm mà diễm lệ. Đó là vị trí thuộc về hoàng hậu, mẫu nghi thiên hạ. Chẳng qua Tư Thành lên ngôi chưa lâu, hậu cung chưa ổn định, hắn cũng chưa tìm được người thích hợp để phong hậu nên vị trí cao quý này đến nay vẫn bỏ trống.
Dưới ngai vàng của đế hậu là hai hàng ghế dành cho các phi tần. Mỗi chiếc ghế đều làm bằng gỗ lim quý hiếm, chất gỗ bóng mịn, lại tỏa ra hương thơm thanh khiết. Những chiếc ghế này đều được nghệ nhân tay nghề giỏi nhất kinh thành tạc khảm một đóa hoa sen bằng ngọc, bên cạnh khắc nổi phù vân, trông xa y như một đóa hoa sen bồng bềnh giữa sóng nước.
Đứng ở bên ngoài nhìn vào, hai hàng ghế xếp ngay ngắn, quyền lãm, hội tụ cùng với ngai vàng đế hậu, khiến điện Tường Quang vạn phần lung linh, tráng lệ.
Mới đầu giờ dậu, đàn sáo đã cất lên rộn rã. Tư Thành cùng thái hậu ngồi ở vị trí chủ quân phía trên cao. Bên dưới, chúng phi tề tựu đông đủ, ai ai cũng đều là mỹ nhân tuyệt thế, dung mạo trầm ngư lạc nhạn. Có nàng mặc nhiều lớp áo giao lĩnh tinh xảo, hai hàng lông mày lá liễu, mi cong như búp sen đón sương mai, làn da trắng như tuyết mùa đông, trước cổ đeo vòng ngọc, chân đeo hài thêu bằng chỉ kim tuyến, điệu bộ vạn phần cao quý diễm lệ. Có nàng khoác ngoài áo đối khâm (1) in hình hoa cúc, áo trong trang nhã, trang sức bên mình chỉ có một đôi liên trâm đơn giản mà tinh tế, lại càng tôn thêm vẻ ưu nhã như hoa như ngọc. Những đóa hoa ấy tụ họp về đây, khiến cho điện Tường Quang vốn uy nghi, đơn điệu trở thành một cõi phù vân thượng giới, cảnh đẹp tựa tiên, rạo rực lòng người.
Hoàng Lan chọn ình một chỗ xa nhất, nhàn hạ thưởng thức diễm cảnh đang diễn ra trước mắt. Mặc dù ban sáng Thanh Ngọc có nói tiệc rượu tổ chức mừng ngọc thể thái hậu bình an, mà việc này có một phần đóng góp không nhỏ của Hoàng Lan, nhưng giờ nàng mới nhận ra đó cũng chỉ là những lời nói nước chảy mây trôi. Tiệc rượu này, xét cho cùng cũng không khác dạ yến ở Liên đài là bao. Giữa đám người oanh oanh yến yến, nào có ai nhớ tới Hoàng Lan, đem nàng để vào trong mắt? Nhưng như vậy cũng tốt. Hoàng Lan vốn không thích kiểu xã giao cứng nhắc, rập khuôn ở hậu cung. Chẳng qua đối phương đã có lời mời, Hoàng Lan không thể không đi.
Một khắc sau, tiệc rượu bắt đầu. Ở trên cao, Tư Thành nói vài câu cho có lệ rồi ban lệnh ọi người nhập tiệc. Hoàng Lan nhấc tay với lấy chiếc bánh hoa quế hạt sen ở trên bàn. Quả không hổ danh là đầu bếp cung đình, một món bánh dân dã vào tay họ cũng biến thành cao lương mỹ vị. Ăn bánh xong, nàng xoay mình lại, hơi quay lưng lại đại điện, khoan khoái nhìn ra ngoài. Ánh trăng sáng vằng vặc, không khí tươi vui, đàn ca tứ phía khiến tâm tư nàng dần nhẹ nhõm.
Hoàng Lan không biết rằng cùng lúc ấy, Tư Thành nửa vô tình nửa cố ý nhìn về hàng ghế xa nhất, nơi có một bóng dáng luôn khiến hắn tò mò. Người con gái ấy cứ dửng dưng đủng đỉnh, không hề ríu rít cùng đám phi tần khác. Giữa lúc dung hoa Phạm Thị Ngọc Chân hát tặng thái hậu một bài dân ca Lam Kinh thì nàng lại vui vẻ bởi một miếng bánh hoa quế hạt sen, là thứ bánh dân dã bình phàm. Rồi hắn thấy nàng hướng ra phía ngoài, thư thái ngắm nhìn ánh trăng vằng vặc, hoàn toàn không bị thu hút bởi khung cảnh náo nhiệt trong điện. Mọi biểu hiện của nàng, tồn tại trong bữa gia yến này, dù vô tình hay hữu ý cũng đều bất đồng với số đông còn lại. Thấy nàng như thế, Tư Thành điềm nhiêm nở một nụ cười… nửa miệng.
Giờ tuất hai khắc, tiệc rượu vẫn nhộn nhịp, náo nhiệt.
Sau màn biểu diễn cầm nghệ say đắm lòng người của Lê Tuyên Kiều, vị tu nghi họ Trịnh tên Minh Nguyệt cũng tiến cử một đoàn vũ công đến từ Xiêm La. Lần đầu tiên nhìn thấy vũ công ngoại quốc, được thưởng thức vũ ca vừa uyển chuyển vừa mạnh mẽ, ai nấy đều vô cùng phấn khích. Nhạc trống lại được dịp nổi lên, huyên náo một góc trời.
Hòa mình vào đám đông đang hứng khởi, Hoàng Lan lui lại phía sau ba bước. Rồi rất nhanh sau đó, nàng âm thầm rời khỏi điện Tường Quang, thân ảnh hòa lẫn trong bóng tối mịt mùng.
Đêm nay, chỉ có ánh trăng nhàn nhạt soi xuống nhân gian, ôm ấp từng nhành cây, ngọn cỏ.
Men theo hành lang phía tây, Hoàng Lan nhanh chóng vượt qua một thủy đình. Phía sau lưng nàng, tiếng ca múa mỗi lúc một nhỏ dần rồi tắt hẳn.
Nơi nàng đang hướng tới, là nơi cơ mật và cũng thú vị bậc nhất trên đời.
Trữ Kim phòng: Kho báu hoàng cung!