Bạn đang đọc Thị Mầu – Chương 42: Mềm Nắn Rắn Buông
Nhà thêm người, đi đây đó cũng lãi hơn là có đôi, có cặp.
Ngày rằm tháng Hai, Mầu với cô Hiền lần đầu sắm vai người thân, xống áo xúng xính cùng nhau đội lễ đi chùa. Cái Thơ nay cáo ốm không thể đi cùng, vẫn gắng gượng nhỏm dậy nắm tay Mầu thiết tha gởi gắm: “Mày đặt lễ nhớ khấn xin với các ban phù hộ cho tao chong chóng kiếm được tấm chồng, kẻo ế chỏng ế chơ đi rồi”.
Đầu lông mày nhướng cao, Mầu đã tính buông mấy lời cay xè nhưng kịp nín lại.
Ô hay, Mầu sinh trước nó những mấy tháng, Mầu còn chưa vội, nó nháo nhào cái gì. Cứ mãi chỉ lo nghe người ta lung lạc, để rồi mà sốt vó, tự hành hạ bản thân.
Rành là người ta có miệng, người ta nói cho sướng, chả cấm được, nhưng mình còn quyền suy xét, còn phải diễn cái cuộc đời dở hoặc hay của mình cho đến tận lúc chết cơ mà, có ai trong cái số mạnh miệng bàn ra tán vào ấy sống hộ cho mình được đâu mà rộn.
Thật là cái thói quen đáng sợ. Người ta sống trong cái khuôn tù túng mãi đâm cho là lẽ phải, rồi lại đang tâm uốn ép cho các thế hệ sau mình cũng phải co làm sao cho vừa khít cái khổ định sẵn ấy mới chịu hả lòng, chẳng kể lớp người sau có đồng tình hay không, có phù hợp hay không. Che lấp cái ích kỷ bằng sự quan tâm giả hiệu. Mình đã như thế, người khác cũng đừng hòng hơn, chả phải mới là công bình hay sao.
Theo Mầu ấy, ngoài thầy mẹ mang nặng đẻ đau, ban cho hình hài, khổ cực dưỡng dục mình nên người, chẳng ai có cái quyền khiển mình theo ý họ hết. Ngay cả thầy mẹ, cũng có lúc sai, khi ấy người làm con như mình phải dũng cảm kiên định với lựa chọn của bản thân, phải sống làm sao cho hạnh phúc để minh chứng cho họ, đường đời chẳng phải độc đạo. Còn chẳng may mình chọn nhầm người, rẽ nhầm hướng, gặp khổ gặp nạn, thì cũng phải có cái can đảm tự chịu, tự sửa, chứ đừng có vô sỉ mà đổ tại ai.
Riêng Mầu bây giờ, không lấy được người đáng lấy, chẳng thà mang tiếng ế mà nhàn nhã cái thân.
Tấm bé tới nay mới được dịp sóng vai cùng mẹ, Mầu mấy phần vênh vang, đắc ý, dọc đường chủ động liếc tìm mấy đứa từ nhỏ đã ác mồm bỉ bôi Mầu là giống độc không mẹ để mà khoe khoang cái sự đủ đầy hiện tại. Cũng có hơi trẻ con thật, nhưng với lũ nó, Mầu chẳng cần sâu sắc, khoan dung làm gì. Lũ chúng nó cũng đâu vì Mầu lớn rồi mà đối Mầu tử tế hơn xưa đâu.
– Mẹ nhìn kìa, lúa lên tốt quá, phen này mùa màng ắt thắng to! – Mầu nói chắc nịch, giọng điệu hớn hở như reo, tầm mắt đảo một vòng chung quanh đầy thích ý.
Hai bên đường, những thửa ruộng san sát như ô bàn cờ, tràng tràng tiếp nối, dập dìu sóng xanh, chẳng xác định nổi đâu là be bờ nữa. Có những khoảnh chín sớm, đã chớm vàng đầu bông, chấm phá chút sắc nắng vào bức tranh tuyền một màu tươi tốt.
Hẳn phải nhạy bén phát giác ra hương lúa đổ chín, đàn đàn các thứ chim không biết từ đâu rủ nhau kéo về, sà xuống, lượn quanh, ríu ra ríu rít. Theo lời xưa truyền lại, ấy là điềm lành, báo hiệu một mùa lúa bội thu đang gần kề. Dạn dĩ và số lượng áp đảo hơn cả phải kể đến lũ sẻ đồng. Người đi ầm ầm bên cạnh, chúng vẫn liều lĩnh canh me nhao xuống, cái đầu, cái thân nhỏ linh hoạt, nhoay nhoáy nhót qua nhảy lại đầy vẻ cảnh giác. Bắt được lũ côn trùng, lũ sâu hoặc rỉa được gắp lúa là chúng đắc chí vụt bay lên. Hết, lại lặp lại quá trình từ đầu chẳng biết mệt mỏi.
Tiếng chim choanh choách, rộn rã cũng thu hút lũ trẻ ùa ra đồng nhiều hơn, khởi đầu cho một mùa bẫy chim náo nhiệt. Thông thường một vụ chim thế này sẽ kéo dài tận cho đến khi thóc lúa phơi khô chuyển hết vào bồ, vào cót các nhà mới chấm dứt.
Lòng cô Hiền cũng hồ hởi không kém. Vừa rồi, đông hại, giá rét đã làm nhiều nơi điêu đứng, may mà bà con kiên trì, tận lực ngày đêm canh giữ, bảo vệ. Lúa không phụ lòng người, qua độ nguy hiểm lại thấm tý mưa xuân, được đà cứ rào rào mà lớn. Giờ chim chóc về nhiều thế này, cũng đỡ cho sâu hại thừa cơ phát triển.
– Sẻ đem chiên giòn rắc lá chanh thì tốn mồi phải biết!
Mầu rõ phá phong cảnh, tự dưng chem chép khuôn miệng đã tứa bao nhiêu là nước bọt mà thèm thuồng kể – Ngày trước, anh Nô cũng thi thoảng đi bẫy chim ngoài đồng, xong mang về tẩm ướp, lúc thì quay, lúc thì áp chảo, ngon hơn thịt gà nhiều mẹ ạ.
– Lại nghĩ đến ăn rồi! – Cô Hiền trách yêu – Mấy nữa lúa chín, chợ rộ chim, mẹ mua về làm cho mà ăn phải rợn thì thôi.
– Hoan hô mẹ! – Mầu lại reo lên, giọng con gái lảnh lót, âm hưởng rộn ràng, phấn khởi – Mẹ là nhất đấy!
Lời chưa dứt, đã nhác thấy vài cặp, đám chung quanh đương châu đầu rỉ tai nhau, loáng thoáng nghe mấy tiếng “dào ôi” với lại “gớm chết”. Chả khó đoán, chẳng qua một là ghen tị, hai là dè bỉu, chắc mẩm lại cho rằng mẹ con Mầu đang giả tảng, diễn trò nùng mật gì đây.
Đã thế, Mầu cho nói mỏi mồm, ganh đỏ con mắt mới thôi.
Mầu càng ríu rít chuyện trò tợn, đến nỗi chạm được cửa chùa cũng hoá miệng đắng lưỡi khô.
Trước chốn thâm nghiêm, mọi mánh lới khoả lấp xem vẻ tinh vi bỗng đâu hoá trò hề nực cười. Mầu cười khổ, thu nét nhắng nhít lại, cúi đầu nhận thua.
Ra cũng không hẳn đã bỏ được hết thảy, chỉ là giảm đi rất nhiều dằn vặt cùng đau đớn. Còn nỗi xót xa, thì đời này còn tính thiện, còn là người, đừng mong trốn tránh. Có gan làm láo, phải sẵn gan chịu đòn. Mầu không thể và cũng không đành tẩy trắng cái án lương tâm dành cho mình. Chẳng qua là cô đã tìm được cách chung sống với nó và tiếp tục dấn bước. Thế thôi.
Ngày rằm đông đúc, ngước mắt lên là mâm lễ trộn đủ sắc màu điệp điệp tiếp nối, trông xuống là gấu váy, gấu quần đu đưa, mà nhìn thẳng chỉ rặt có thấy lưng là lưng chen chen đua đua. Đi cùng cô Hiền, Mầu học cái nếp chậm rãi, cứ thong thả đợi từng tốp trước xong xuôi, vãn cơ số, mới tiến tới ban dâng lễ, khấn vái.
– Chùa ta có mấy chú tiểu hở con?
Đang lúi húi sắp lại mâm, nghe cô Hiền hỏi, Mầu ngửng lên nhìn. Đằng xa, tiểu Kính Tâm cùng sư cụ đương đứng tiếp đón khách đến lễ, chung quanh ong bướm chưa thụ mật đắng, vẫn không biết dường, vo ve chẳng chịu tản đi.
– Chùa nhỏ, bấy nay con thấy dường như có mỗi một tiểu Kính Tâm thôi mẹ ạ.
– Vậy người đứng cùng sư cụ hẳn là tiểu Kính Tâm rồi. Người đâu mà đẹp thế con nhỉ, xem xem, dáng đứng thẳng như cán bút, đến đôi tay cũng như búp măng mùa Xuân vậy – Cô Hiền nhỏ giọng cảm thán, không như Mầu đã từng, mà có vẻ kính ngưỡng rõ rệt.
– Dạ, quả là nét người nét ngọc – Mầu miễn cưỡng vuốt theo. Rạng rỡ vậy, tựa bấc đèn đầu tối, bùng sáng nơi đồng không mông quạnh, dẫn lũ thiêu thân say đắm, triệt để mù loà, lao tới táng thân.
– Con ví phải lắm – Cô Hiền gật gù tán đồng, đôi lông mày thưa chợt khẽ chau lại – Mà sao chốn cửa chùa linh thiêng, mấy cô gái kia lại ngả ngớn làm vậy?
Mầu có tật giật mình, đánh thót cái, cảm tưởng mấy cô gái trong lời cô Hiền điểm cả tới đầu mình vậy. Chuyện đã từng, giờ trông qua lăng kính khách quan, thấy sao mà u mê, ấu trĩ. Đám cái Hoa đang vây lấy tiểu Kính Tâm, một niềm phô trương, dìu dặt áo quần, điệu đà dáng vẻ, khiến cái đứa mang tiếng đầu têu là Mầu đây càng thêm ruột sốt, gan phiền. Cái bầy ong luỵ mật này, giờ chỉ có nước châm cho mồi lửa lớn, thiêu rụi tổ mầm mống dục vọng kia, chúng mới biết tởn mà nhả ra.
Nhưng cái mồi lửa là cô đã bùng tự kiếp trước mất rồi. Mà biết đâu thế sự xoay vòng, trời già trêu ngươi, chẳng phải cô, vẫn còn vô hạn mồi lửa khác. Giả như từ đây mỗi kiếp châm một mồi, khéo đến mười đời cũng chưa kết thúc.
– Phải thầy tiểu cũng dễ quá, là con, con tạt cho mấy gầu nước ao là tỉnh hồn ngay – Mầu khắc nghiệt buông lời làm như rõ ràng lắm, song trí nhớ lại ngay lập tức vả cho mấy phát nổ đom đóm mắt.
Gớm, kiếp trước đã lại hứng ít nước ao, còn nào nước bùn, nào nước phân, Mầu cũng đâu biết sợ.
– Ấy – Cô Hiền thở dài, khẽ lắc đầu bác lại – Con nói thế vẫn còn chưa hiểu. Phận tu hành cốt lấy nhân đức làm đầu, từ bi hỉ xả làm gốc, lấy cái thiện để đối đãi lại mà cảm hoá cái ác, cái sai, để người ta thức tỉnh mà nhận ra. Chứ làm cả như thế, thì có khác gì chúng sinh bình thường. Thế thì tu tập mà làm gì nữa hở con!
– Mẹ nói cũng có ý đúng – Mầu uốn lưỡi mấy nẻo, cuối cùng cũng không nhịn được mà bảo – Nhưng tự xưa nay cũng có câu, con khóc mẹ mới cho bú, đòn đau thì nhớ đời, có những chuyện nếu không nói thẳng, không răn đe, chỉ có mỗi treo bảng đạo lý mong người ta tự hiểu, tự nghiệm ra thì kết cục cũng như nước đổ lá khoai, hoài công thôi mẹ ạ. Theo con thấy, cái chuyện nghịch tai nghịch mắt này, thầy tiểu cứ cần thẳng thắn vào, chứ chắp tay mô phật trước mặt mấy ả ấy, có đến mươi đời, thì cũng không độ được cho mấy ả từ vịt dưới đầm thành hạc đầu đình được đâu ạ. Cứ mãi lùi mà không có răn đe có khác nào tre không cật, chỉ tổ cổ xuý cho cái bản năng, cái phần con trong họ nó bành trướng thêm thôi.
Cô Hiền định phản bác, bởi theo cái nhìn của cô, khéo trừ lão Xã mười trâu chả kéo lại được cái nhân phẩm, thì ở làng này, chẳng có ai là đầu bò đầu bướu, vô tâm vô tính đến nỗi thế. Song đã sắp đến lượt nhà mình dâng công đức nên cô nín lại, bụng bảo dạ, từ từ ngày rộng tháng dài rồi sẽ thuyết phục Mầu.
Rõ là trong mọi việc, Mầu rất có chính kiến. Không hiểu Phú Ông đã nuôi dạy con gái trong nghịch cảnh như thế nào mà có thể tôi luyện được một tính cách đáo để đến mức ấy. Cảm tưởng cách nhìn, cách xử, cách nói năng của Mầu nó mang hơi hướm bạo liệt quá, cương quá. Mà phận gái, đối cái tình cảnh, thời cuộc bây giờ chỉ có rước thiệt vào thân. Đàn bà ấy, vẫn nên lấy ôn nhu làm chính, lấy hoà hảo mà rèn thân, mà xử thế, có vậy về nhà chồng hay bước ra đời mới an yên. Chứ bằng giữ thói rắn đanh thì đến cái manh áo rách cũng không có người chịu bằng lòng nhường nhịn.
Đã nhận một tiếng mẹ, dẫu có muộn, bằng mọi giá cô Hiền cũng tìm phương cách mà vuốt cho xuôi cái vảy ngược của Mầu, giúp cô có thể bình an mà sống sót giữa cuộc đời nhiều biến cố này. Đành rằng là kém vẻ vang đấy, nhưng phận gái quẩn quanh bờ ruộng, chái nhà thì cũng chỉ cần đến hai chữ yên ấm mà thôi.