Thị Mầu

Chương 31: Uẩn Khúc


Bạn đang đọc Thị Mầu – Chương 31: Uẩn Khúc

Rốt cục Mầu cũng không còn muốn trốn tránh nữa.

Có những thứ càng tránh lại càng sa lầy. Trước mành tơ nhện đan kín, cố vẫy vùng, lại dính chặt thêm.

Chẳng bằng thản nhiên nhìn nhận nó, lôi cái ngăn kéo xa xưa ấy ra mà dũng cảm soi vào.

Từ bận sống lại, Mầu mải ôm ấp nỗi hoảng loạn, đến ám ảnh, chỉ biết cắm đầu, cố sống cố chết tìm mọi cách hòng thoát khỏi cái kết cục đau đớn ấy, chèn ép, đầy đoạ bản thân mình tưởng chừng không còn thở nổi. Dù tương lai nhờ thế đã đổi thay ít nhiều, nhưng cô vẫn không thể nào tìm thấy cảm giác an ổn mình muốn. Có lẽ bởi Mầu tự đặt để mình ở cái thế bịt tai trộm chuông, bịt mắt chường ma, dối gạt bản thân rằng làm như thế thì sẽ không cần phải sợ nữa. Cuối cùng chuông vẫn cứ vang rền, mà yêu ma cũng trèo nặng hai vai.

Mọi khúc mắc trong đời Mầu, chỉ có thể triệt để giải quyết khi cô chịu nhìn thẳng vào cái gốc sâu xa của chúng. Mà tất cả đều bắt nguồn từ mối nghiệt duyên giữa cô và tiểu Kính Tâm.

Suy cho cùng, bởi một chữ lệch mà ra. Mầu và tiểu Kính Tâm, người cuồng như lửa, kẻ phẳng như nước, bình sinh vốn đã không thể dung hoà. Trong khi Mầu lấy động làm lẽ sống thì Kính Tâm lại chọn tĩnh để rèn thân. Bên chẳng bên chuộc, lại đều quá mức bảo thủ, không chịu đặt mình vào địa vị đối phương, mới dẫn đến nhiều bi kịch như vậy. Mầu cố chấp theo đuổi, làm mọi cách, kể cả cực đoan để minh chứng tình yêu của mình bao nhiêu, thì Kính Tâm cũng lại bịt mắt trần, ra sức mà tránh né nó bấy nhiêu.

Trước lúc Tiểu Kính Tâm chết, Mầu dù khổ nhục đến không ngẩng mặt lên nổi, gia cang tan nát, tình thân sứt mẻ, cũng chưa bao giờ ngớt tin vào tình yêu mà cô đã nhận định, chưa từng một mảy tự vấn bản thân xem nhân danh tình yêu mà huỷ hoại nhiều thứ như vậy có đáng hay không, chỉ một niềm chờ đợi cái ngày vị tiểu hoà thượng đã quá mệt mỏi ấy sẽ nhận ra không thể thiếu cô, mà dang tay đón nhận cô về cùng.

Ngay khúc nhảy sông, vào lúc đã tỏ tường cái thân phận đàn bà của Tiểu Kính Tâm, chịu đủ thoá mạ của người đời, cô cũng chỉ tuyệt vọng, vì đặt tình yêu nhầm chỗ, vì gây bao tai hoạ, vì chẳng còn lý do gì để mà níu kéo cuộc đời nữa, chỉ còn biết đem cái xác khô héo, kiệt quệ đó ra mà mạng đền mạng. Nhưng đến khi bất lực quỳ bên xác cha giữa biển lửa rừng rực, thì Mầu chuyển hận, mãnh liệt theo ngọn lửa cuốn sang cả kiếp này, hoá thành lời cay nghiệt tạt thẳng vào mặt Kính Tâm tại buổi lễ chùa nọ.


Cái chấp niệm ngu dại của mình, chính Mầu đây cũng không thể biện minh nổi, chỉ có thể nói là không cam tâm, đã trót điên thì liều điên đến cùng. Mầu đem lòng son thác sai vào một người đàn bà đã đành, cớ sao Kính Tâm chưa một lần chịu lấy tâm tư đàn bà, mà nhìn nhận, mà hiểu Mầu, để rộng lượng với cái phần người trong cô, cho cô cái đáp án để cô thôi điên dại, để tự mà biết chịu trách nhiệm với cái nghiệp mình đã gây ra.

Cái tình yêu của Mầu bởi thế, nó mới quá rẻ rúng, quá bẽ bàng, thật xót chua làm sao.

Chuyện bà Gái và cô Hiền liên tiếp vấp phải kiếp này đã giúp Mầu mở rộng tâm tư, tận tường những nỗi khổ mà Mầu từng không dám đối mặt. Trước Tiểu Kính Tâm giờ đây, tình yêu, nỗi luyến lưu chẳng còn dấu vết, chỉ còn nỗi hận đã chút một bị sự tự vấn bào mòn, thay bằng thứ cảm giác thương hại, xót xa. Bởi lẽ, Kính Tâm rút cuộc cũng chỉ là một người đàn bà, không những thế còn là một người đàn bà tận khổ.

Thị không những không thể minh bạch cho nỗi oan giết chồng của mình, còn không thể đương đường mang thân đàn bà mà sống. Khi Mầu bày tỏ tình yêu với Thị, Thị nghĩ những gì, Thị định những gì, rồi thành hành động ra sao? Thị tự trói mình vào cái lốt kia chặt đến nỗi không vẫy vùng nổi, và cuối cùng Thị thà gánh cái tiếng xấu tằng tịu cùng Mầu để khỏi phải đối mặt với cuộc đời.

Gánh nghiệp cho người khác như thế, có khác gì cho người ta cái cớ để ác cùng, ác tận.

Bởi vậy, chẳng lẽ Thị lại không phải chịu trách nhiệm cho sự im lặng của mình? Mầu cố tình dồn Thị vào đường khổ sinh, Thị cũng vô tình đẩy Mầu đến tuyệt cảnh.

Nỗi oan ức chất chồng của Thị, cuối cùng cũng được người đời hoá giải. Nhưng người thì đã chết mất rồi. Thăng thành thần phật, được hàng ngày thờ phượng hương khói, được ngàn người nhỏ lệ cảm thương là kết cục viên mãn nhất hay sao?

Đối với một kẻ trần tục như Mầu, có cố hiểu cũng không thể đồng tình được. Mầu thà được hạnh phúc chút đỉnh ngay tại thời khắc còn nồng nàn hơi thở này.


Bảo là muốn giúp người chi bằng nói thẳng ra là xin để Mầu được thêm một lần ích kỷ. Lật mở cái quá khứ đau thương kia, trước là để Mầu được giãi bày, được truy vấn, tìm lại sự quân bình trong tâm khảm, để có thể biết đâu mới là đáp án tốt nhất cho Mầu và những người Mầu đặt lòng yêu thương, sau là cho Kính Tâm một cơ hội để hiểu rõ lòng Thị, nhìn lại cái hoàn cảnh Thị đang vướng vào, xem Thị định gì cho cuộc đời trước mắt, ở cái tương lai mà Thị có thể chọn lựa giữa tiếp tục nhẫn nhịn dù bất kỳ chuyện gì có thể xảy ra, dù có thể kiếp này lại có một ả Mầu ngu dại nào khác xuất hiện, để làm một tiểu Kính Tâm hoàn mỹ, vô ưu, khiết tịnh hay là thành thật với bản thân và tìm cách gỡ bỏ những khúc mắc, oan sai trong cuộc đời của Thị.

Suốt chặng đường, mãi mênh mang cõi riêng, bước chân Mầu đã dừng trước mái Tam quan chùa Vân lúc nào không hay. Bữa nay chẳng còn người giương cánh chở che, Mầu hít hơi sâu, thẳng lưng dứt khoát bước chân qua bậc giả quan, đoan trang tiến vào.

Tầm trưa, người đã thưa vắng hẳn, Mầu với Thơ y lệ mọi khi, trình tự tiến hành dâng lễ, khấn vái các ban. Xong xuôi mọi việc, Mầu mới xoay qua căn dặn Thơ:

– Mày chờ tao chút nhé, tao có chuyện cần nói cùng thầy tiểu.

Thơ hiểu thầy tiểu Mầu nói ở đây là ai, mỉm cười ý nhị đồng tình, tự động tìm ra góc ao ngồi chờ đợi. Chí ít, thế này mới giống con Mầu mà nó từng biết.

Mầu bước đi trong khuôn viên chùa, khung cảnh trước mắt dường như đang nhập nhèm lồng xen bởi cả hai kiếp. Hoa vẫn nở, cây vẫn biếc lộc non, chỉ có người đã không còn là người xưa cũ. Lời nói đã soạn, nhưng cũng không vì thế mà bớt phần rối bời cùng hoang mang. Bởi cái chuyện nghịch thiên như thế, đáng ra phải sống để bụng chết mang theo, mà Mầu lại nhất quyết liều mạng cũng phải đem ra nói cùng một người.

– Kính chào các vãi, kính chào thầy tiểu, chẳng hay con có thể giúp gì được không ạ? – Mầu lại gần, kính cẩn nghiêng mình vái, miệng khuôn phép buông lời đề nghị. Quả như Mầu đoán, tiểu Kính Tâm cùng với hai người vãi già đang sửa soạn ở khu bếp trai giới.

Lời vừa dứt, đã bắt gặp mấy ý tứ na ná nhau thể hiện trong mấy đôi mắt kia. Coi như chẳng tỏ, Mầu cứ kiên gan mỉm cười đứng chờ.


Có lẽ cái cung cách Mầu trưng ra bây giờ quá chỉn chu, khách sáo nên bên phía nhà chùa cũng không khỏi dụng lễ tương tự đáp trả. Một vãi già khiêm nhường:

– Cám ơn thịnh ý của cô đây, thật tình là mấy việc đã quen tay, không dám làm phiền.

– Dạ, không phiền gì đâu ạ, thầy con vẫn hay dạy, giúp việc cửa chùa là chuyện nên làm. Ví thử còn có điều gì con chưa hiểu, các vãi với thầy đây cứ chỉ bảo ạ.

– Chẳng nói giấu gì nhà cô – Hai vãi già nháy nhau đáp lời – Việc quả cũng có phần gấp gáp, cô đã có lòng, vậy phiền cô giúp già lau lại chỗ bát đĩa này.

– Dạ, vãi cho con mượn cái khăn. Chùa mình sắp làm cơm ạ?

– Ngày tết mà, ở chùa cũng như ở nhà cô đây thôi, chỉ không có món mặn – Vãi già vẫn chuyện trò cùng Mầu mỉm cười độ lượng – Chẳng hay hôm nay thầy cô đây bận việc không thấy đến?

– Dạ, thầy con quả là hôm nay có việc ạ, căn dặn con thay mặt lên dâng lễ đầu năm – Mầu lễ phép thưa.

– Vậy cô đi có một mình thôi sao?

– Dạ có người bạn đi cùng con nữa, con háo vãn cảnh chùa mà bạn kêu mỏi chân nên ngồi đằng ao chờ con đấy ạ.


– Vậy thay vì hai người hai ngả, chi bằng cô cứ gọi cô ấy lại đằng này, đỡ đôi bên mất công chờ đợi.

– Vãi dạy phải lắm ạ, con xin nghe theo – Mầu chuyện xong đã dợm bước, bỗng quay lại nhìn thẳng tiểu Kính Tâm kính cẩn – Thầy tiểu liệu có thể giúp tôi đến đằng ấy một chốc, chuyện là thầy tôi có phân phó tôi đem kính nhà chùa chút lễ mọn, mạn phép nhờ thầy lại mang giùm?

– Phiền thí chủ đi trước – Kính Tâm sau khắc lặng thinh mới khẽ buông lời. Giữa cặp lông mày dài không khỏi hơi chau lại.

Mầu cúi người chào các vãi, đi trước dẫn đường. Kính Tâm giữ lễ cách ba bước lớn, chậm rãi theo sau. Đến khúc quanh, khuất hẳn khu bếp, Mầu thu gót, mắt trông xuống rặng hoa trang đỏ rực sắc xuân, xong liếc về tiểu Kính Tâm cũng đã dừng theo, rặt vẻ xa cách, đề phòng:

– Có lẽ thầy biết, tôi là đang có chuyện muốn nói riêng cùng thầy – Mầu thẳng thắn.

– A di đà phật, thí chủ nghĩ nhiều rồi, phận tu hành không có chuyện riêng – Tiểu Kính Tâm nhíu đôi mày càng sâu, dợm bước lùi lại.

– Thầy mà đi, thầy sẽ phải hối hận – Mầu chặn đứng thế lui của Kính Tâm, chân khẽ đảo lại gần, miệng cười như không cười – Sư thầy với các vãi trọng thầy đến thế, dân làng cung kính thầy nhường vậy, đều sẽ không hề gì khi hay thân phận thật của thầy chứ ạ?

Mầu nghiêm túc nhìn vào vẻ tái nhợt, nghi ngại của Kính Tâm khẳng định:

– Xin thưa, Mầu tôi đây tâm địa trong sạch, chỉ muốn nói chút chuyện cùng thầy, chứ đích xác không tính mượn gió bẻ măng, đe doạ gì đến địa vị của thầy tiểu đâu ạ. Hay phải gọi thầy là Thị Kính đây?


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.