Thị Mầu

Chương 22: Phú Ông Ra Tay


Bạn đang đọc Thị Mầu – Chương 22: Phú Ông Ra Tay

Nốc cạn hai bầu rượu, mắt lão Xã đã trực díp lại thì Phú Ông mới về đến. Phú Ông vào kín tiếng lắm, hoặc giả Mầu phân tâm quá, đến hồi ông hắng giọng cất lời chào lão Xã, Mầu mới trông thấy ông. Chỉ thoáng qua ánh mắt, Mầu liền biết cha không hài lòng, lập tức giống như chó con biết lỗi, gục đầu ngồi ngoan một bên. Tay rót rượu mời thầy, Mầu cũng không dám làm trò đổi nước lã như mọi khi.

Phú Ông bữa nay ăn vận tươm tất khác thường. Nào áo the, khăn xếp, thẻ tên, thẳng thớm, đầy đủ cả. Đến hàng râu thưa nay cũng vào nếp, chau chuốt hơn. Cung cách thì chao ôi là lịch thiệp, tay nâng chén, miệng nói toàn lời xã giao, hoa mỹ, nhưng rớt vào tai lão Xã đã mèm say kia chỉ như nước đổ lá khoai. Mầu thấy cha làm bộ nhấp môi, cũng đỡ phần thấp thỏm. Cái chân tuy đã lành, nhưng uống nhiều vẫn là không tốt.

Hết thêm nửa bầu nữa, lão Xã đã dợm bò bằng bốn chân. Thầy Mầu mớm lời đẩy tiễn khách, còn chu đáo đứng mãi bên cổng nhìn lão Xã loạng choạng đến khi khuất hẳn.

Lúc quay lại, Mầu thót bụng khi chạm ánh mắt cha. Lại khép nép cách phú Ông một khoảng nối theo vào.

– Lão Xã đến có việc gì? Phú Ông ngồi trên sập, cái lưng ngay ngắn như không phải của người luống tuổi, biểu tình cũng tinh anh lạ thường.

Mầu nhanh tay dọn nốt mấy đồ nhắm, pha trà cho cha uống, bụng dạ nhộn nhạo không biết mở đầu như nào cho phải.

– Chuyện là hôm nay lúc con chợ về đã thấy thầy Xã ở trong nhà…

– Cụ thể?

– Là ở lán nhà anh Nô đi ra ạ – Mầu vô thức dính cằm vào ngực.


– Thế lão nói sao?

– Lão bảo…Mầu liếm môi, miệng khô khốc, dốc vội dốc vàng ngụm nước trà đương nóng, bỏng đắng cả cuống họng – sẽ… sẽ thưa chuyện bà Gái có chửa lên thầy Lý đặng bắt vạ nhà ta.

– Bà Gái có chửa? Thầy Mầu nhấn giọng.

– Dạ vâng, thầy Xã bảo thế – Mầu lấm lét nhìn cha.

– Làm càn, là ai nói! – Phú Ông gằn giọng làm Mầu run bắn, tủi thân, phút chốc nước mắt đã dâng vòng quanh – Mày tưởng thầy mày mù đấy phỏng, điếc đấy phỏng, chê lão già này lẩm cẩm hay sao! Làm sao mà chuyện hệ trọng thế cứ câm như hến. Tính thật giỏi! Đợi đến lúc cả cái làng này a vào ném đá rồi thì làng tổng đến gông cổ phạt vạ cha mày thì mới sáng mắt phỏng?

– Con không dám thầy ơi! – Mầu nức nở, luống cuống muốn chen miệng “con lúc nào cũng lo cho thầy nhất” mà không sao cất được lên lời. Bao nỗi sợ, nỗi tủi bị nén lại sáng giờ được dịp bùng nổ. Đúng là khóc đến mù trời mù đất.

– Ơ hay, tôi còn chưa mắng chưa đánh, chị khóc cái gì, lấy nước mắt doạ tôi phỏng!

– Chị thấy chị đã ngu chưa, biết nông cạn chưa, đàn bà sâu sắc như cơi đựng giầu đấy, chị với cái cô Hiền định tính làm sao nữa, tính tiếp tôi xem…

– Cái thằng Nô ăn cháo đá bát, chuyện phương hại đến chủ thế mà cũng câm cái họng, không biết mở mồm ra thưa…

– Chao ôi tôi già rồi, dao sắc không gọt được chuôi, không dạy được con gái nữa…

– Ôi dào chị còn định khóc đến bao giờ, cả làng sắp vào nhà xem chị kìa…

– Giờ thì hay rồi, vỡ lở ra coi ai người ta chịu lấy chị nữa…

– Mười mấy tuổi đầu có ít gì đâu…ngu quá con ơi!

– Còn oan lắm đấy a!


– Con gái còn bé bỏng gì nữa, nín đi chứ…

– Thôi không khóc nữa, thầy thương! Phú Ông rốt cuộc cũng đành thở dài, vỗ lưng con gái an ủi. Tự hồi mẹ mất đến giờ mới thấy con khóc dữ như vậy.

– Hai da, nín đi, thầy đi gặp thầy Lý rồi, lót cũng đã lo lót, tâu cũng đã lo tâu rồi, thầy để hướng cho mẹ nó, không đuổi nhà nó đi, làm phúc vậy còn chưa đủ nín sao, con với cái, chỉ làm thầy nhọc lòng thôi!

Mầu thực ra cũng không muốn khóc nữa, mà cái cơn nó như lũ tháng bẩy, không cách nào chặn được. Cứ chực ngừng, lại nhớ mẹ mất sớm, nhớ thầy tảo tần, nhớ cái kiếp tai vạ kia, nhớ cái cảnh thầy chết cháy mà không chạm vào được…Bao nhiêu là thương yêu, tủi hổ, bất lực…hết đợt này đến đợt khác nhấn chìm đầu óc cô. Tối tăm mặt mũi. Đến hồi nấc thưa, nấc thớt, gà cũng gáy báo trưa.

Hé đôi mắt dàn dụa, nặng trịch, chỉ thấy Phú Ông đã rũ bỏ cái vẻ cao thâm, chỉ còn là người đàn ông lớn tuổi, cặp mắt tĩnh lặng, chống cằm nhìn ra rặng xa.

– Con nói xem, nhà ta neo đơn, có mỗi thầy với con, lo giữ gìn còn chẳng kịp, sao cứ khư khư ôm rơm cho nặng bụng. Con chối, người ta cũng không nói con ác được, thói đời nó thế, có đâu mà vẹn toàn…mà con mới đôi chín, làm sao phải cắn răng thế, con là con gái phú Ông kia mà! Thầy bảo bọc, che chở con, con không phải sợ gì cả…

– Con giống thầy đấy, có thể ngoa, nhưng không thể thất đức được – Mầu vừa nói vừa nấc, hệt như đứa trẻ lên ba lý sự cùn, vin vào sự đối nhân xử thế của thầy mình mà nũng – Thầy rốt cục cũng đâu có đành lòng!

Phú Ông gật gật rồi lại lắc, xong thở dài thườn thượt. Đôi mắt chuyển lên gương mặt hoa phấn ửng hồng của Mầu.

– Lắm lúc con giống mẹ con đến đau đớn lòng thầy!

Mầu ngỡ ngàng, nhao tới, tay tỳ tay, đầu gục vào vai cha. Phú Ông vốn ít khi nhắc đến người vợ tào khang đã sớm khuất, nhỏ thì sợ Mầu nhớ rồi buồn, lớn thì sợ Mầu tủi thân không bằng với đám bạn. Mầu cũng đã quên mất gương mặt mẹ, chỉ còn nhớ mang máng nụ cười hiền từ với đôi núm đồng xu, vài hình ảnh đời thường lặt vặt. Khóc nhiều quá, Mầu chẳng còn nước mắt, một chút mằn mặn rịn ra làm xót hết cả bờ mi đang sưng tấy.


– Thầy, vậy có được không?

– Còn được không gì nữa, phải được. Hây dà! Cũng khổ cho con mẹ dở, lớn tuổi đến thế quân nó cũng không tha…

– Thầy, liệu có cách tra ra được không? Không thể để cái phường thất đức ấy ung dung được!

– Xì! Nói thì mạnh đấy. Nó có gan nó mới dám làm, mà dám làm thì nó gánh được. Bớt hão đi con. Còn mình ấy, lo mà giữ thân, người thông tuệ mà cố làm chuyện điên thì cũng không phải chuyện thầy mày cứu được!

– Dạ! Mầu đuối lý, chỉ còn biết gật đầu cam chịu.

Thầy Mầu nói phải. Chuyện trước kia cuối cùng bung bét ra sao, Mầu là người rõ ràng nhất. Không phải Phú Ông không thương con, mà luật làng phép nước, mà lề thói, nếp nghĩ bó buộc đã không cho phép ông thoả hiệp. Tiền của mất đi đã đành, còn danh dự, còn tự tôn, dẫu sót lại chỉ một chút cũng phải gìn giữ. Kiếp trước Mầu từng hận rất nhiều người, bao gồm cả cha mình. Nhưng cái khoảnh khắc trước khi bắt đầu kiếp mới, Mầu may mắn đã ngộ ra tình thương và những hi sinh thầm lặng của cha. Nên là bây giờ, Mầu quyết, dù có phải phụ tất cả, cũng phải để cho cha mình sống yên ổn, thanh thản đến cuối đời.


Rốt cục chuyện với quan trên đã được Phú Ông hoá giải gọn gàng như thế. Nghe đồn, lão Xã say rượu, ngay bữa ấy, chẳng nề mặt mũi chạy đến tận nhà thầy Lý ông ông tố giác, bị mắng cho chẳng còn mặt mũi, như chó cụp đuôi, cun cút chạy về. Sau có dịp phân bua cùng Phú Ông, lại đổ cho rượu ngọt quéo lưỡi.

Nô cũng vì chuyện của mẹ, quỳ trước gian chính suốt một đêm, mặc Mầu ra sức khuyên nhủ. Trước là tạ tội, sau là cảm tạ Phú Ông đã dang tay cứu giúp. Thần tình anh dần trở nên sắt đá, không còn để lộ vẻ buồn thương, bất lực như trước. Cảm tưởng như anh đang gồng mình, trưởng thành hơn để gánh lấy trách nhiệm với mẹ với em. Anh không thể cứ mãi ỷ y, dựa dẫm vào sự bố thí của người khác. Có đôi lúc, anh cảm giác, chàng Nô của ngày xưa trong mình đã mất đi đàng nào. Những là tình yêu, là mơ ước, nói cho cùng cũng không thể sánh bằng bình an của gia đình!


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.