Thị Mầu

Chương 20: Đối Mặt


Bạn đang đọc Thị Mầu – Chương 20: Đối Mặt

Mùi khói quyện lấy mùi mái rơm ẩm ướt chiều nay mang lại cảm giác thê lương khó tả.

Mầu hết liếc nhìn cô Hiền đang khám cho cha ở nhà trên lại nom mái lá im lìm bên dưới mà rầu rĩ, đến việc thở hắt ra cũng ngại sức. Cô bó gối, lúc tưởng chuyện kiếp trước, lúc miên man chuyện kiếp này. Trong lồng ngực nghèn nghẹn, có cái gì đó không ngừng rục rịch, là sự hèn kém đáng khinh hay cái gì khác Mầu cũng ko muốn mổ xẻ thêm nữa, thậm chí cô phải đếm tiếng lửa nổ tí tách để có thể lờ đi suy nghĩ ấy. Nhưng suy cho cùng, cũng thật may, phải, thật may vì lần này không phải bản thân cô rơi vào cùng cảnh ấy, thật may vì cha già của cô hiện vẫn có thể vênh vang mà sống, và cô vẫn là cô Mầu danh giá, không một hồi sứt mẻ mà ngạo nghễ với đời.

Thế mà kỳ quái, lòng cô lại cứ đau buốt mãi không thôi!

Đến hồi hầu thầy cơm nước xong, Mầu nhổm dậy định dọn dẹp thì Phú ông bỗng cất lời.

– Hèm…hừm, cái con mẹ kia thế nào? Mầu ngớ ra một khắc mới hiểu, cúi đầu thu vén chỗ cá kho còn lại trong niêu, tiếng đũa quẹt vào thành đất nung nghe sàn sạt.

– Cũng không có gì đâu thầy, mẹ anh Nô cảm xoàng thôi, chắc nghỉ ngơi dăm ba bữa là ổn.

Cái này cũng không phải Mầu tự chủ trương mà đã bàn kỹ với cô Hiền. Với cách hành xử của Phú ông, căn bản sẽ không thèm để tâm hay liếc nhìn Bà Gái lấy một lần, sẽ không dễ phát hiện ra vấn đề của bà Gái. Giờ hạ mình hỏi Mầu chắc mẩm ông cụ thấy cả ngày ba người kia đều xúm xít dưới đằng lán, bàn tán to nhỏ, biểu tình thập phần hệ trọng, khéo lại tưởng bà Gái sắp sửa đi đời nhà ma, ở trong khu nhà mình cũng không tránh khỏi xúi quẩy…


– Thế thì tốt, sắp năm mới, mụ ấy mà nghẻo, xui cả năm. Phú ông còn chêm thêm tiếng phì mạnh ra chiều chữa gở miệng xong vớ lấy cái ống điếu hỉ hả dồn thuốc lào.

Mầu châm đóm cho cha, đoạn dùng tay không dập lửa, đầu ngón tay trong giây lát nóng rẫy, dính muội đen nhẻm, Mầu vê hai ngón tay bị bẩn cười khổ.

– Thầy cứ nói vậy, nó hoài hết cái tấm lòng thầy đi, liệu mà không có thầy, mẹ anh Nô giờ hẵng còn đang vơ vất ngoài kia.

Phú ông lại e hèm cái nữa, chừng như xấu hổ, hếch miệng rít điếu sòng sọc, vang dội cả một khoảnh. Mầu bê mâm xuống dưới, lê đôi gỗ guốc lạch cạch. Thầy Mầu Mầu biết, chỉ ngại nỗi ác khẩu, chứ tâm còn trong sạch, thiện lương hơn ối người.

– Này, còn ít cá kho, tao ngán rồi, mai bày cái khác, mày không ăn thì cho mẹ con thằng kia. Phú ông gõ gõ cái ống điếu, gọi với theo.

Mầu tủm tỉm dạ, quẳng mâm đấy, vén cá kho với lại cơm trắng, đùm gọn ghẽ, sửa sang tóc tai, châm đèn dầu đi xuống lán nhà Nô. Hồi chiều Nô hết chỗ phát tiết, sùng sục đi đào đất, đào thêm cả mấy mảng cỏ lớn, đem đắp thành bờ chắc chắn, đi vội cũng không sợ sạt xuống nữa. Mầu gom dũng khí mới được cha già tiếp, đi một mạch không nghỉ, đến được trước liếp cửa lán nhà Nô mà hụt cả hơi.

– Cô gọi tôi ạ – Sau mấy tiếng gọi, Nô mới chậm chạp đi ra. Ánh mắt anh mịt mùng, đến ánh đèn rọi gần cũng không thắp lên được chút ấm áp nào.

Mầu dúi vào tay Nô bọc đồ ăn, cố làm giọng hoạt náo.

– Ông bảo đưa mẹ con anh, khổ chắc mẹ anh còn chưa được chút cơm.

– Ấy, sao phiền đến ông được, tôi cho bà ăn cháo rồi.

– Anh không được chối – Mầu chuyển nghiêm mặt – Thầy tôi nói gì, tôi chả dám không nghe. Vả cho mẹ anh chứ có cho anh đâu. Không nói nữa, anh cầm đi, còn ấm đấy, cá chuối tôi ủ trấu kỹ, nục cả xương rồi, không sợ bà hóc đâu.


– Vậy tôi xin, cho tôi cảm ơn Ông. Nô lễ phép cúi mình nhận, mắt không dám nhìn Mầu.

– Cô lên nhà đi kẻo muỗi đốt chết.

– Tôi lên, tôi lên giờ đây, nhớ cho mẹ anh ăn luôn nhé.

Mầu giả không để tâm, xoay người dợm đi lên, đếm một hai vẫn chưa nghe tiếng đóng cửa liếp, lại quay lại, mắt tìm mắt Nô nhìn thẳng.

– Việc của mẹ anh, tôi không thể vờ là không biết, không thì tôi cũng chẳng ra cái giống gì. Anh yên tâm, còn cô Hiền, còn tôi, sẽ không để mẹ anh gặp chuyện. Nói xong còn chạm tay Nô bấm nhẹ một cái an ủi. Sợ anh lại xấu hổ, đau lòng, bèn vội vàng vừa đi vừa chạy. Vệt đèn dầu cứ thế chao theo nhịp chân, chếnh choáng trong màn đêm tối đen.

Từ hôm đó, lúc gầy cơm mỗi sáng, Mầu sẽ lắng tai nghe tiếng Nô đi xa, len lén lúc thầy đương ngủ mang vội xuống lán cho bà Gái củ khoai, miếng bánh, chút cơm, chiều tối lại vờ nấu quá, nanh nỏ lẫn rủ rỉ ép Nô nhận đồ. Của đáng tội, Mầu nấu dẻo tay, cơm ngon, thức lành, mang cho đến đâu là bà Gái cứ dùng sạch banh đến đấy. Mà kể cả không thế, bà Gái cũng không như người ta, thượng vàng hạ cám trước giờ đều không biết chê, nói dân dã là dễ nuôi, kết quả chả mấy mà đã bớt hóp hai bên má, làn da cũng trở nên hồng nhuận khác trước.

Từ đận ba người thành thực nhìn nhận vấn đề, cô Hiền, Mầu và Nô liền đồng lòng nhất ý mượn cớ thuyết phục Phú ông rằng tết nhất đến nơi phòng trộm hơn chống, phải gia cố kỹ hàng rào xung quanh. Nhân tiện lúc Phú ông không chú ý, đem rào kín cả phần lán nhà Nô lại, chưa yên tâm còn chồng thêm một lũ cây gai cao ngất. Từ rầy, kẻ xấu muốn lén lút gặp bà Gái là không có cửa, để xuống lán nhất thiết phải đi qua sân nhà Mầu.

Mà Nô cũng ra sức thuyết phục mẹ không để cho bà đi ra ngoài xin ăn nữa. Bà Gái dường như cũng có lúc tự thông, hiểu tình cảnh mình, không dám cãi, chỉ biết gật gật đồng ý, sau đó ngay đến liếp cửa thật sự cũng không bước qua.


Thấm thoắt sắp đến ngày ông Công ông Táo, Nô phụ Mầu kiếm lá chuối, lá dong gói bánh chưng. Thầy Mầu thích đồ nếp lắm, gói từ giờ ăn đến hết tháng giêng, xem thời tiết mà nồm ẩm sợ bánh mau hỏng, khéo còn phải bày ra gói thêm lần nữa. Mầu cũng hay phải lượn chợ nên để đề phòng, cô Hiền rảnh là chạy sang trợ giúp, nhà kín người đến nỗi cái Thơ cũng chưa có dịp nào riêng tư mà săm soi vụ bà Gái chuyển về nhà Mầu.

Bữa bán đôi xề, Mầu thu được khoản khá bất ngờ. Do năm rồi rét quá, lợn gà chết cóng cơ số, Mầu chăm được, giá lợn lên, gặt thu hoạch lớn. Ngoài số tiền tiêu dùng hàng ngày, liền dành riêng một góc để gây lứa lợn gà mới.

Bán đôi xề rồi, không phải lo cảnh ngả lợn đông đúc cỗ bàn, bớt đi nhiều việc. Mầu lại xui cha đụng góc lợn với nhà cái Thơ, nhà nó lấy phần nhiều, nhận bày giết mổ. Sáng hôm ấy, tiếng lợn kêu thảm thiết, tiếng người trái lại náo nhiệt, ồn ã. Làm cái thân súc vật thật khổ, mặc người chém giết! Mà cũng không sai, bởi mục đích ngay từ ban đầu đã chính là nuôi để bị giết.

Để bà Gái buổi gần tết không mất khống chế mà chạy loạn, Mầu càng chú tâm lo cho bà no bụng, khiến bà đủ đầy đến nỗi tiệt luôn cái ý định ra ngoài đi xin ăn. Nói gì, đấy cũng là cái nghiệp của đời bà, nhờ xin ăn mà tồn tại, mà nuôi Nô khôn lớn, giờ Nô mỗi nói xuông mẹ đừng đi nữa trong khi cảnh nhà túng đói, làm sao bà chịu nghe vào tai được.

Nên là trong khả năng của mình, Mầu chăm bà kỹ lắm, trộm nghĩ còn hơn mấy chị gái trong thôn chăm mẹ chồng. Cơm nén chặt, đầy thức ăn, chứ không lồng xồng, úi xùi chút nào. Đến mẹ đẻ Mầu còn chưa từng được con gái chăm chút như thế. Bận mẹ mất, Mầu còn tí tuổi, ăn chưa no, lo chưa tới, biết gì mà báo hiếu. Ấy là mất mát của Mầu, cũng là tội nghiệp của mẹ.

Mầu thoảng nhận ra, đấy cũng phần nào là bù đắp cho tâm lý lẫn tình cảnh ngặt nghèo của mình khi xưa. Có một chút tâm linh khi Mầu cứ ám ảnh về thân phận của đứa trẻ trong bụng bà Gái. Dốc lòng chăm bà như một cách chuộc tội, một sự ích kỷ riêng mình. Nói thế nào, cũng là lợi cho bản thân Mầu, khi mà qua những việc nhỏ nhặt ấy, cô dường như đã bớt thống khổ, day dứt. Và từng chút một, đã dám chạm đôi tay dẫu còn run rẩy vào những ngăn kéo ký ức xa xưa.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.