Bạn đang đọc Thị Mầu – Chương 18: Cỏ Lay
Chân thầy Mầu rời được gậy chống cũng là lúc Nô hoàn tất căn lều nhỏ đặng rước mẹ sang ở. Nhẽ ra phải xong trước đó cả tuần rồi, ngặt nỗi đương lúc việc buôn dồn dập, Phú ông cắt cử, thành ra mọi việc xô nhau trễ cả lại. Nô cũng không ta thán, vui vẻ làm việc như thường. Bởi thế, Phú ông hài lòng ra mặt. Ngày Nô đưa mẹ về nhà mới, ông cho đủ đồ dùng, lại còn thưởng thêm hào bạc, không kể còn một ít gạo mùa mới.
Có làm phận tôi tớ mới hiểu này là đãi ngộ lớn ngần nào.
Hôm ấy, tiết chạp đã gần tận. Trời vừa đổi gió bấc sau hai tuần nắng ấm nên càng rét tợn. Gió hanh tốc đám lá xoan phần phật như trút hận khiến tán cây già cỗi thêm vẻ xao xác.
Nô lẳng lặng đưa mẹ về buổi xế chiều. Lúc ấy đường vắng, đến lũ con nít ham chơi cũng rút cả lại vào nhà chơi chuyền, chơi chắt, né đi cái lạnh ghê gớm. Người đi đồng ai nấy đều đã sớm lùa trâu về chuồng. Khéo mà rét nữa, trâu cũng phải nhịn đi đồng mất.
Trong nhá nhem, mẹ Nô người thâm thấp, giấu mặt dưới vành nón lá rách tươm, nửa tựa, nửa nép vào cái dáng cao lớn của Nô, nom vừa kỳ cục lại vừa thương cảm.
Mầu đứng ở cửa bếp trông xuống, kiễng mỏi chân mà chỉ thấy hai cái nhỏm đầu, lòng như mèo cào. Việc trong bếp lại bận rối lên không nhấc đi nổi. Với lại thầy Mầu cũng đang ngồi ở chõng nhìn ra, xớ rớ ông nạt cho rát mặt. Nên là Mầu đành nén nỗi chộn rộn vào sâu bên trong, chốc chốc lại nhấp nhổm.
Phú ông miễn cho mẹ con Nô cái khoản chào hỏi. Nói trắng ra, một là ông không cần cái lễ ấy, hai là ông cũng không thích giáp mặt Bà Gái. Người bình thường nói cùng vài câu còn ngại giở đần, người đần thật thì biết nói gì cho phải! Xong thầy Mầu đối Nô cũng kiệm lời, vài ba câu xã giao đã ngại nhiều, nên Mầu chẳng thể thông qua câu chuyện của hai người mà thu được thông tin gì hữu ích.
Mãi lúc cơm nước xong xuôi, Mầu mới tranh thủ vừa san cho Bà Gái ít đồ ăn mà vịn Nô lại hỏi han.
Không như Mầu mong đợi, Nô nhận bát cơm nóng, ngoài vẻ cảm động vì sự săn sóc, chỉ ậm ừ trả lời lấy lệ, vẻ ngại ngần né tránh ánh mắt cô, cảm tưởng như có gì vướng mắc, không vui.
Đến lạ, giờ đây Nô lẽ ra phải là người hạnh phúc nhất chứ. Được đưa mẹ về sống cùng, lại được ở bên người mình thương, vẹn cả đôi bề. Ấy thế mà nom anh buồn ra mặt.
Mầu trông theo lưng Nô dần khuất nơi cuối vườn, lòng vô cớ chùng lại. Nô có mẹ, sớm đã dọn sạch chỗ gian người ở, tự động dời chăn gối đồ đoàn về cùng bà. Người đi, tiếng cũng mất tăm, khoảng tối trống hoác kia như nới rộng thêm. Trong gió mùa lạnh lẽo, chỉ nghe ra tiếng loạt xoạt, xào xạc đầy cô tịch, mất mát.
Sớm ra, cô Hiền theo lệ đến khám cho thầy Mầu. E dè buổi ban đầu mất đi, hai người như đôi bạn già, nhìn nhau ấm áp mà giản dị, đến nỗi Mầu cũng cảm thấy mình còn cố vun vào thì thật thừa thãi.
Xong thủ tục thăm khám, cô Hiền xin phép qua Phú ông rồi kéo Mầu đi cùng xuống căn lán mẹ con Nô ở. Phú ông có vẻ bồn chồn, nửa muốn theo, nửa không, dợm vài cái liền tặc lưỡi ngồi gõ gõ cái ống điếu chuẩn bị nhồi đợt thuốc mới.
Mặt trời chưa kịp vén mây, không khí buổi sớm tràn ngập mùi hăng hắc của sương sớm, mùi vườn đất, phân ải. Lối đi đã được Nô be thêm lớp cây cỏ, cảm giác hơi bồng bềnh nhưng đỡ phải bết bùn đất. Hai cô cháu nhẹ bước chân, chừng ăn ý rằng không cần vội vàng náo động bà Gái đương còn say giấc nồng.
– Bà Gái ơi – Cô Hiền cất tiếng gọi.
Nô đã đi đồng từ sớm, liếp cửa được gài lại cẩn thận, vừa khít, khéo léo phủ thêm tấm vải thô, đến một ít gió lạnh cũng khó lòng lọt vào vùng tĩnh lặng bên trong. Hai cô cháu nhìn nhau, rồi cô Hiền khẽ khàng vừa nâng vừa kéo liếp cửa sang một bên.
Trong lán mờ tối, nồng âm mùi vách đất, cách cửa chừng hơn sải tay người lớn là cái chõng tre đương còn phát ra tiếng thở nhịp nhàng.
Cô Hiền cúi xuống, không quên chà xát đôi bàn tay lạnh giá mới khẽ chạm vai bà Gái lay nhẹ.
– Bà Gái ơi.
– Ai, ai đấy? – Bà Gái tỉnh giấc, giọng nhừa nhựa, mờ mịt nhỏm dậy hỏi.
– Tôi là Hiền đây, con ông lang Tần xóm Đông, hồi đầu năm bà còn qua đám giỗ mẹ tôi ấy.
– À, tôi biết – Bà Gái sáng suốt đến khó tin – tay quờ quạng nắm lấy bàn tay xương gầy của cô Hiền – Chả mấy người tử tế được như cô, còn mời tôi cốc nước vối.
Kiếp trước, Mầu chưa từng thực sự tiếp xúc với mẹ Nô. Nay đứng gần mới thấy, kỳ tình chỉ là một người đàn bà khốn khổ. Bóng tối che bớt cái dại trong mắt bà, lại tô đậm cái dáng não nề, điểm cùng chất giọng hèn mọn khiến người ta thấy thương hại hơn là ghét sợ. Âu cũng phải thôi! Bà sống bằng nghề xin ăn, làm người ta sợ, người ta khinh thì biết xin đường nào.
Mầu bất chợt nắm lấy bàn tay mềm nóng của bà, lòng dậy nên một cảm giác khó có thể gọi tên. Khốn khổ, một người đàn bà ở cái tầng đáy của xã hội mà có bàn tay mềm mại như tay tiểu thư, dáng hình thì mấy phần đầy đặn, tư sắc, lại không may thay khuyết đi trí lực, thật là khốn khổ!
Bà Gái cảm nhận được thiện ý, hiền lành cười ngốc, vẻ dại khờ nắm chặt tay hai cô cháu khẽ đu đưa. Lúc nhận lấy phần ăn sáng liền cảm ơn liên thanh, xong chả chút ý tứ nhai nuốt ừng ực như phải đói mấy ngày trời. Cô Hiền cứ nắm cổ tay bà Gái mãi, nét mặt thảng vẻ đăm chiêu, thế nhưng vẫn trọn lễ nghĩa thầy thuốc, gượng nhẹ hỏi han bà, giọng nói đều đều, lọt vào tai nghe thật dễ chịu. Mầu xem mà cảm phục tận tâm. Mầu ấy, nếu chưa trải qua sinh tử, chưa từng ngập mặt trong nhục nhã và hối hận, lại thiếu đi chút cảm tình riêng tư, ắt sẽ không đủ kiên nhẫn để ngồi cùng bà Gái như thế này.
Đợi bà Gái ăn uống xong xuôi, hai cô cháu mới từ biệt rồi đưa nhau lên nhà. Mầu lặng lẽ nhìn cô Hiền, trông vào nếp trán hằn lên vệt sóng của cô mà trong bụng không khỏi đoán già đoán non. Chả nhẽ bệnh mẹ Nô nặng quá cô cũng phải bó tay.
Bỗng cô Hiền dừng bước, dứt khoát ngồi luôn xuống bậu quây giếng, tay run rẩy bụm mặt, giọng nói cũng rưng rưng.
– Bà Gái có chửa Mầu ơi…
Rồi cô ngửng lên nhìn vào mắt Mầu
– Nếu cô không nhầm, phải bốn năm tháng rồi, không làm gì được nữa… Ôi biết làm sao!… Khốn nạn quá Mầu ơi!
Trước mắt Mầu thốt nhiên trắng xóa, chỉ còn bóng đám cỏ rối cứ lay động mãi như trêu ngươi là lọt vào vùng mê mang.
“Ôi cái quân khốn nạn! Mả tổ nhà chúng bay!!!”