Thanh Triều Ngoại Sử

Chương 29: Văn Vận Phủ


Đọc truyện Thanh Triều Ngoại Sử – Chương 29: Văn Vận Phủ

Gió phai phôi thoảng qua anh nghe thấy

Nổi nhớ em day dứt chín tầng mây

Dù hai ta chung bước ở nơi đây

Mà tâm khảm chia nhị hồn tỉnh thức

Quay về đi nhị nguyên hoà hợp nhất

Bản thể mình rung lắc mấy trượng yêu

Nắn bút nghiêng họa tiên cảnh mỹ miều

Gom sắc nguyệt chiếu soi xuyên nhành liễu

Tịnh tâm thân tiếng lòng vang thiền điệu

Bỗng thấy mình hư huyễn khúc hoang liêu 

Từ khi Phi Nhi gặp Tiểu Tường ở quán rượu nàng cứ than thầm, không ngờ cô gái này lại tới đây, nhưng được cái Tiểu Tường không nhận ra hai chị em nàng, vì thế cũng đỡ lo.  Phi Yến cũng chẳng hơn gì sư tỉ nàng, mỗi lần nhớ đến chuyện nàng cải nam trang đi trêu chọc Tiểu Tường cũng nghĩ “trong lòng tỉ ấy hôm đó giận mình biết chừng nào, chỉ e sau này phát hiện ra lại không thèm nhìn mặt mình nữa.”  Nghĩ đến đây tự nhiên thở dài một tiếng.

Hiểu Lạc đứng lặt rau quanh đó, thấy hai chị em nhà họ Lộ tự nhiên mặt mày một đống như vừa đánh rơi mất tiền, hết sức quan hoài liền hỏi:

– Yến tỉ, Nhi tỉ, vết thương lại đau ư?

Phi Yến Phi Nhi ngơ ngác nhìn nhau, đáp:

-Chảy máu ư?  

-Vết thương gì?  Hai tỉ đâu ai bị thương.

Hiểu Lạc nhìn quanh quất, sau đó hạ giọng:

-Hai đại tỉ tỉ, tuy hai tỉ thích sư phụ đệ thật nhưng đâu có biết được tâm sự của thầy.  Đệ xem tấm lòng tương tư của hai tỉ rồi cũng chẳng đến đâu hết.

Bị thằng quỷ nhỏ đi guốc trong bụng mình, Phi Nhi hứ dài, Phi Yến nói:

-Nhóc tỳ hỉ mũi còn chưa sạch!  Tỉ đâu có thèm nói chuyện với đệ, sao lại xía vào làm gì?

Vừa nói nàng vừa giơ tay toan cốc đầu nó.  Hiểu Lạc như sóc lui nhanh mấy bước ra khỏi tầm đánh của Phi Yến, đúng lúc này Tiểu Tường đi tới.  Thằng bé liền nấp sau lưng Tiểu Tường, ló đầu ra cười hi hí.  

Tiểu Tường đáp thay cho Hiểu Lạc:

-Nó còn nhỏ không xía vào được nhưng tôi có thể xía vào được nè!  Mà thật ra tôi cũng chẳng thèm xía vào, cũng chẳng có liên can chi hết.  Chỉ e rằng có người xinh đẹp gấp mười hai cô đây, dịu dàng gấp mười, hấp dẫn gấp mười các cô xen vô, lúc đó huynh ấy chẳng còn nhớ gì đến hai cô nữa.  Huynh ấy vì cớ gì ít nói, trầm tư u hoài, thở dài thườn thượt, hai cô không biết hay sao?  Huynh ấy thở dài là bởi trong lòng có chỗ chưa vừa ý.   Hai cô được theo huynh ấy học võ, hằng ngày mặt đối mặt, trong lòng vui sướng lắm rồi nên mới không thở dài.  Còn huynh ấy thở lên thở xuống, cũng bởi vì nghĩ đến người khác.

Tiểu Tường hỗm rày bực bội lắm rồi, chả là nàng không có tư cách gì đuổi hai tình địch này xuống núi được, nên giờ mới lấy lời châm chọc, miễn sao cho hai chị em họ đau lòng mới hả dạ.

Dĩ nhiên Phi Yến nghe nói thế, hết sức tức tối, nhưng nghĩ lại lời cô ta quả không sai, bao nhiêu bực bội biến thành buồn phiền. Cũng may nàng rất tự tin, vốn dĩ nghĩ mình xinh đẹp giỏi giang hơn người, tuy chàng đối với tiểu sư muội chàng có mối thâm tình nhưng xa mặt thì cách lòng.  Thời gian sẽ làm phai mờ đi tất cả.  Người xưa có câu thời gian là liều thuốc tiên, nàng hy vọng vậy.  Không thôi cũng chẳng sao, chỉ sao được ở cùng một chỗ với tình lang là đã thoải mái lắm rồi, trong lòng Cửu Dương nghĩ đến người khác, không nhớ đến nàng, tuy đau lòng thật nhưng nàng nghĩ nàng sẽ tìm được cách khiến chàng quên đi mối tình khắc ghi trong xương tủy đó.

Nghị Chánh khi này đi săn được mấy con thỏ về, nghe được mấy lời thoại này, vừa trao mấy con thỏ cho Hiểu Lạc cầm giúp vừa nói:

-Yến, Nhi, muội muội, hai muội đừng có nghe Tiểu Tường nói bá láp rồi nản chí nghen.  Nước chảy thì đá mòn mà, phải không?  Có mấy muội ở đây giúp vui ai cũng mừng lắm, bằng không các huynh chẳng biết làm sao cho Thiên Văn hắn khuây khỏa nữa, hắn suốt ngày cứ như đang… sắp chết tới nơi đấy.

Phi Yến nghe Nghị Chánh gọi hai chị em nàng là muội muội chứ không còn là “song Lộ cô nương” nữa, đủ biết thân mật chừng nào, mặt mày tươi như hoa bèn nói:

-Cô ta thích châm chọc người khác, bọn tụi em cũng chẳng thèm để ý.

Tiểu Tường nổi giận đùng đùng, từ khi phát hiện chuyện Cửu Dương nhờ Nghị Chánh cải trang đi mua rượu Hương Chi Đào Hoa nàng đã bực, rồi tiếp theo lại phát hiện Cửu Dương yêu thích người khác chứ không phải là nàng, kìm nén đến nay nàng đã như một cái núi lửa chỉ chực bùng nổ.  Giờ nghe Nghị Chánh bảo nàng toàn là ăn nói bá láp, bèn hỏi:

-Nè Lữ nhị thiếu gia!  Quả thực huynh ấy yêu tha thiết tiểu sư muội đó mà, tiếc cái là cô ta đã ưng nhị ca huynh ấy rồi.  Hai người họ đã ước hẹn với nhau rồi, mấy người không tin phải không?  Để lát nữa gặp tôi sẽ hỏi huynh ấy coi có đúng không, để chính miệng huynh ấy nói ra cho mấy người tin!

Hiểu Lạc nghe thế lập tức nhảy chồm chồm:

-Ê!  Ê!  Cho đệ lạy mấy tỉ, sư phụ mà biết đệ nói chuyện riêng tư của thầy cho người ta nghe đệ có mà bét đít!

Phi Nhi nãy giờ chỉ đứng bên cười ruồi chứ không nói câu nào, nàng đã biết tình cảm của Cửu Dương dành cho tiểu sư muội rồi, Nghị Chánh có lần bảo với nàng.  

Nàng cũng nhớ lại bộ dạng Cửu Dương ngồi bên bờ sông chiều hôm kia.  Chỉ cần xem bộ dạng chàng ưu sầu như thế, chẳng cần nói thêm, Phi Nhi đã hiểu ngay trong bụng Cửu Dương thế nào, vị tiểu sư muội kia quả hơn mình không biết bao nhiêu lần. Nàng xưa nay bụng dạ rộng rãi, trước kia nàng rất vô tư nhưng nay đã đến tuổi biết buồn rồi.  Mắt thấy ý trung nhân yêu thương người khác, nàng mới hiểu cảm giác yêu mà không được đáp lại nó khó chịu biết dường nào.

Nhắc lại chiều hôm kia Phi Nhi theo Cửu Dương ra bờ sông phía sau khu chợ Hồ Lô…  

…Mùa này bờ sông thưa người, vậy mà nơi gốc cây già thơ mộng kia đã có một cặp tình nhân nào chiếm ngự trước.  Cửu Dương đành tới ngồi xuống băng đá, chân dẫm lên những chiếc lá rụng từ bao giờ.  Chiều nay sóng đánh mạnh dưới sông, cây lá vẫn trụi khô mấy hàng bên kia cồn cát. Ánh tà dương phả xuống mặt sông cho thấy những lượn sóng đang cuộn chảy. Tuy nhiên chỗ chàng ngồi sóng vỗ nhẹ như tiếng ru vào bờ đá xanh.  

Cửu Dương ngồi im đấy, bóng chàng đổ dài như một thân cây chết khô lâu đời trên mặt nước.  Lặng người một hồi chàng lấy ống tiêu ra, mân mê thân ống tiêu, lúc Phi Nhi đến gần thì thấy trên đó có những đường khắc tạo thành gương mặt một vị cô nương.  

Cửu Dương nghe bước chân ai tới, tiếng bàn chân bước nhè nhẹ, nghĩ tới bài thơ nói về mùa thu của một thi sĩ, có những bước nai vàng êm ái trên lá khô, thầm nghĩ chân người này bước đi còn nhẹ hơn như thế nữa.  

Phi Nhi tới đứng ở một đầu ghế đá nói vu vơ:  

-Đôi khi có một nỗi nhớ không đặt tên, một yêu thương không được gởi trao, nhưng vẫn lâng lâng niềm hạnh phúc vì đã được yêu đúng cảm xúc của trái tìm mình.

Cửu Dương quay sang nhìn Phi Nhi, mỉm cười gật đầu chào nàng.  Nụ cười hiếm hoi Phi Nhi thấy ở chàng. Nó làm trái tim nàng xao động, mặt nàng đỏ bừng.  Từ trước khi gặp chàng, Phi Nhi rất tự phụ mình là người vừa thông minh vừa có nhan sắc, dẫu không chim sa cá lặn thì cũng rạng rỡ như hoa mai, thanh khiết tựa trăng rằm.  Nhưng từ khi nghe Nghị Chánh kể về mối tình thầm lặng chàng dành cho sư muội chàng, nàng mới biết cảm giác thua thiệt là thế nào.

Sau thoáng bối rối, Phi Nhi lấy lại được bình tĩnh, cũng mạnh dạng cười đáp:

– Thông thường muội hay đến ngồi ở đây, nhưng hôm nay lại thấy khác hẳn.

– Hôm nay có gì khác?

Cửu Dương vừa nói vừa nhổm đứng lên nhường chỗ để nàng ngồi xuống.  Nhưng Phi Nhi kéo tay chàng ngồi sát cạnh bên nàng:

– Hôm nay cảnh vật ở bờ sông này lãng mạng hơn nhiều!

Cửu Dương không phải là một kẻ đần độn, trái lại rất nhạy cảm, nghe vậy đương nhiên hiểu nàng muốn nói gì, tuy nhiên trong lòng lại nghĩ cảnh bờ sông này không đẹp bằng Tây Hồ ở Hàng Châu đâu, chỉ lưa thưa những bóng cây, thiếu những con đường sỏi, hàng cây dương liễu nằm bên bờ đá xanh thả bóng xuống mặt nước… và quan trọng là vắng một người.

Song vẫn nhoẻn miệng cười mê đắm:

– Thì ra muội cũng là người rất có tâm hồn, văn vẻ như thế.

Chàng nói rồi đánh mắt ra bên kia bờ sông, không thốt thêm câu nào nữa.  Phi Nhi cũng chỉ cười không đáp, lặng lẽ quan sát chàng, thầm nghĩ người này tài sắc vẹn toàn, lại tự lập, mạnh mẽ, nam tính như nàng vẫn thích.  Kể từ hôm này nàng sẽ âm thầm đi bên đời chàng, cho dù sao này có phải chứng kiến chàng hạnh phúc bên vợ con cũng rất đáng, bởi vì nàng biết, nàng đang yêu – một người đàn ông mẫu mực, chung thủy, sống có tình, có nghĩa.  Nếu chàng bỏ tình yêu đầu đời đó một cách dễ dàng để đến bên nàng thì chàng lại trở thành gã đàn ông tầm thường như bao kẻ khác. Mà như thế thì đâu còn đáng để nàng yêu?

Bấy giờ mặt trời đã xuống núi, bóng tà dương chiếu rọi bóng núi bóng cây lên mặt sông rực rỡ. Đôi tình nhân kia đang bắt đầu ra về. Gió thổi mạnh trên tà áo cô gái, đồng thời làm tóc nàng tung bay sang một hướng, chàng trai giơ tay giúp người yêu giữ lấy tóc.  Cảnh đẹp và người tình tứ như tranh, nhìn đôi uyên ương Phi Nhi lại nghĩ đến đời mình sao lại trớ trêu, ta sao lại có mối tình yêu đơn phương như vậy, nên phải cảnh “tay trong tay vai kề vai chung bước,” mà tủi lòng.

Mắt Cửu Dương vẫn đầy vẻ âu sầu trông ra xa, chàng bảo nàng:

-Trời gió mạnh, muội hãy nên về.

Nàng dùng ánh mắt chan đầy tình cảm bảo:

-Huynh cũng còn biết mùa này trời lạnh, biết chiều nay tuyết sẽ rơi sao?  Có thương có nhớ, cũng không cần phơi mình ngoài xương gió vầy đâu.  Cô ta cũng đâu có biết.

Cửu Dương hãy còn phóng tầm mắt ra xa, giữ im lặng.

Phi Nhi đưa mắt xuống dòng nước biếc, nói:

-Cảnh đẹp còn phía trước, hà cớ chi ngoảnh lại để mỏi cổ?  Cuộc đời cũng giống như dòng sông này, vẫn cứ tồn tại dù có gặp biết bao nhiêu sóng gió, nó vẫn cứ chảy hoài để phát triển, chúng ta cũng phải sống như dòng sông ấy.  Lộ Thúc của muội du hành vòng quanh đất nước, mục đích của các chuyến đi là để kiểm chứng các lời đồn đại và truyền thuyết, luôn tiện để thăm viếng các di tích lịch sử, như mộ Đại Vũ.  Thúc thúc nói trong vòng mấy năm tới sẽ đi qua Sơn Đông, Vân Nam, Hà Bắc, Chiết Giang, Giang Tô, Giang Tây, còn đến cả Hồ Nam, Vạn Lý Trường Thành và Sóc Phương.  Ông nói con người nên buông bỏ hết tất cả các chuyện phiền muộn, để sống một cuộc đời thong dong tự tại.

Tình cờ một chiếc lá vàng theo cơn gió rơi xuống sông, như đời người mong manh, niềm vui nỗi buồn, cuối cùng rồi cũng trở về cát bụi, Phi Nhi nhìn theo chiếc lá trôi lênh đênh trên mặt nước chép miệng:

-Đừng chấp lấy những gì đau đớn mãi

Tham, sân, si, nộ, ái, khổ vì ai?

Cũng do Ta, rong ruổi tháng năm dài

Say ly rượu, say bên đời ảo tưởng


Những lời này chạm vào lòng Cửu Dương, chàng quay sang nhìn Phi Nhi với đôi mắt biết ơn, cùng lúc Phi Nhi cũng đang quay sang nhìn chàng.  Cửu Dương phát hiện thấy ánh mắt của nàng chan đầy tình cảm lo lắng cảm thông cho chàng, nhưng sao lòng chàng đầy vẻ buồn phiền không dứt được?  

Chỉ đành khẽ đáp lời nàng bằng đôi ba dòng thơ:

-Sáng sớm tinh mơ lạnh thấu xương

Góc phố thân quen nhớ người thương

Tết đến xuân sang ngồi cô độc

Nữa kiếp tha phương lắm đoạn trường

Sau đó thở dài nói thêm:

– Nói và làm là một khoảng cách, lắm khi khoảng cách đó là vô tận.

Một cơn gió tiếp tục thổi qua làm rơi những chiếc lá khô còn xót lại trên cây xuống sông.  Phi Nhi kéo cao cổ áo lên, rùng mình.  Gió thổi tạt vào mặt nàng khiến da nàng như đau rát.  Nhưng không đau bằng câu của chàng vừa rồi, có phải ý chừng bảo với nàng là chàng và nàng hai người tuy khoảng cách gần nhau, nhưng mãi mãi chỉ là hai đường song song không bao giờ chạm nhau?  Nàng ứa lệ, làm sao chàng có thể hiểu cho tình nàng, lòng trăm mối ngổn ngang.  Giờ gió lại càng to, Phi Nhi ngồi đó nhìn vạt nắng chiều in lên đợt sóng buồn buồn.

Lát hồi nàng nói:

– Nếu huynh không sợ giá lạnh thì muội ở đây với huynh.  Một mình huynh âu sầu, chi bằng có hai người phân chia nỗi âu sầu đó.

-Cần gì như vậy, muội phải biết quý trọng sức khỏe mình chứ.

Cửu Dương nói, và không chờ sự đồng ý chàng cởi áo khoác đang mặc ra đắp lên vai nàng, sau đó đở tay nàng đứng lên khuyên nàng trở về khu trại trước.  Phi Nhi một mực lắc đầu.  Cửu Dương nói:

– Muội tốt với huynh quá. Theo huynh chỉ có khổ, nếu ở bên người khác không chừng đã khá hơn nhiều.

Câu nói của chàng làm Phi Nhi mũi lòng, ngước nhìn chàng với nụ cười, nói:

– Huynh nói những lời đó để làm gì?  Được theo hầu huynh là phúc của muội.  Huynh yên tâm, muội cảm thấy hạnh phúc thật sự mà! Thật đấy!  Nhưng nếu huynh quan tâm đến sức khỏe muội thì bây giờ hãy cùng muội về nghỉ sớm đi.

Cửu Dương nói:

-Huynh chưa trở về được, thật ra huynh ở đây chờ một người.  

-Huynh đang chờ người nào?

-Vừa nhắc Tào Tháo, Tào Tháo đã tới.

Phi Nhi nhìn theo hướng mắt chàng.  Cửu Dương cúi đầu hạ bái:

-Xin chào Nghiêm đại thúc.

Người đàn ông trạt độ tuổi ngũ tuần, râu tóc dài phất phơ bay, bước lại đứng đối diện Cửu Dương, cúi đầu nhỏ tiếng nói:

– Tham kiến Thất gia.

Đoạn y đánh mắt sang Phi Nhi:

-Vị này là…

Ánh mắt đầy ý nhị của người đàn ông này làm Phi Nhi bối rối, thẹn thùng vô cùng, nàng phải nhìn xuống lẩn tránh.

-Dạ là người trong hội của chúng ta.

Cửu Dương bình thản đáp.  Họ Nghiêm lấy một quyển sách cất trong ống tay áo ra trao cho chàng:

-Bộ “Văn Vận Phủ” này có tất cả là bảy quyển, hôm nay nhờ ngài coi giúp một quyển, xin được sự chỉ dạy của ngài.

Cửu Dương nói:

-Thời buổi này mà còn người yêu nước dám bảo tồn tinh hoa của Hán văn, vãn bối vô cùng khâm phục, người vừa dũng cảm vừa có công đức, chính là Nghiêm đại thúc.

-Thất gia xin đừng nói vậy, Nghiêm Hồng Đạt tôi rất lấy làm xấu hổ.  Quyển một của bộ Văn Vận Phủ này Thất gia xem xong nhờ ngài biên soạn lại cho, sau đó thơ cục của chúng tôi mới in ra bản chính thức.  Khắc bản in sách đáng lẽ phải tiến hành từ lâu nhưng mấy năm nay thân thể tôi đa bệnh, nhãn lực lại kém, quyển này đã được những người tài giỏi nhất trong thơ cục chúng tôi biên tập xong tám chín phần.

Cửu Dương đỡ Nghiêm Hồng Đạt ngồi xuống:

-Hiện giờ bọn vãn bối đang chạy nạn, tiền bạc mang theo đã tiêu cả, chỉ còn nhờ vào thú rừng và cây trái trên núi dằn bụng.  Thật tình cảm thấy vô dụng quá, không trợ giúp được cho thơ cục khoảng ngân phí nào cho phân đoạn khắc bản in sách.  Nhưng vãn bối sẽ xem quyển này rồi đưa ra góp ý.

-Không sao – Nghiêm Hồng Đạt hai tay cầm tay Cửu Dương, nói bằng giọng cảm động – Có tiền ra tiền, có sức ra sức.  Thơ cục chúng tôi phải cám ơn Thất gia mới đúng, bây giờ chúng tôi an tâm được phần nào rồi.

Cửu Dương hỏi:

-Nghiêm đại thúc chuẩn bị in thơ Tống, không biết có xếp đặt in thơ Đường không?  Những bài thơ của Đường Thái Tông biểu hiện trí huệ uyên thâm, ý chí khoáng đạt, đức độ nhân từ.  Đại thần Dương Sư Đạo dưới đời đường có viết hai câu mà nghĩa phụ của vãn bối thường hay ngâm, “sảng khí trường không tịnh, cao nhâm cốc tư khoan.”  Sư phụ cũng hay nói phẩm chất dung dị, cao khiết của những bài thơ trong thời kỳ Trinh Quán đã ảnh hưởng sâu rộng đến các thế hệ sau này.

Nghiêm Hồng Đạt cười nói:

-Đúng là ý kiến văn hào thi sĩ giống nhau.  Tổng mục lục tất cả thơ Đường là nằm trong quyển hai của Văn Vận Phủ, tôi cũng đã mang tới đây.  

Cửu Dương lại tiếp tục nhận lấy xấp giấy dày cộm.  Nghiêm Hồng Đạt nói:

-Thời kỳ Thịnh Đường Hoàng kim đã xuất hiện nhiều nhà thơ vĩ đại, như thi tiên Lý Bạch, thi thánh Đỗ Phủ, cùng với Mạnh Hạo Nhiên và Vương Duy.  Các nhà thơ này nổi tiếng viết về thể loại thơ miêu tả phong cảnh tự nhiên.

Cửu Dương gật đầu:

-Còn có Cao Cát và Sầm Tam, cũng là những thi nhân của cuộc sống thôn dã, hoặc “Thi gia Phu tử” Vương Xương Linh.  Rồi những năm sau này Bạch Cư Dị là điển hình của thi ca nữa sau thời kỳ Thịnh Đường.

Nghiêm Hồng Đạt nói:

-Những nhà thơ đời Đường cũng thường viết về nhân sinh, vạch trần những mặt đen tối của xã hội, biễu đạt sự mẫn nhuệ, dũng khí, trách nhiệm đối với quốc gia, cũng như nhãn quan tiên liệu và rộng lớn với những lý tưởng chủ đạo như Tế thế, An Bang.  Những văn nhân đó, điều là những thi tác bác đại, đúng là hùng hồn, đúng là thâm viễn, các bài thơ của họ siêu việt thời gian và trở thành đại biểu của tinh thần dân tộc chúng ta.

Cửu Dương gật đầu, đưa mắt nhìn xuống sông đọc lên một đoạn trong bài “Bỏ ta mà đi” của Lý Bạch:

-Câu hoài dật hưng tráng tư phi

Dục thướng thanh thiên lãm minh nguyệt

Trừu đao đoạn thủy thủy canh lưu

Cử bôi kiêu sầu sầu canh sầu.

(Dịch: Thi hứng dâng cao khoe tráng chí

Hái trăng kia vào tay ta mau

Rút đao chém xuống nước nước càng chảy mạnh

Nâng chén tiêu sầu sầu nặng thêm)

Nghiêm Hồng Đạt nghe bốn câu này, trong lòng sảng khoái lại đọc hai câu của Vương Duy viết trong bài “Ngắm sông từ xa:”

-Giang lưu thiên địa

Ngoại sơn sắc hữu vô trung

(Dịch:Dòng sông chảy ra ngoài trời đất

Sắc núi như có như không

Hai người một già một trẻ cùng bật cười.  Nghiêm Hồng Đạt nói:

-Xin cám ơn Thất gia chịu xem qua hai quyển này, còn những quyển kia khi ngài xong rồi tôi lại mang tới nữa.  Thất gia cũng biết rồi đó, triều đình ban chỉ cấm vận in ấn văn học Hán thất, phát hiệu Văn Tự Ngục, thành ra chúng tôi chỉ có thể xuất bản trong lén lút, nên không dám mời ngài đại giá quang lâm, rềnh ràng đến thơ cục ở Thạch Môn.

Bấy giờ thơ cục Thạch Môn tỉnh Tứ Xuyên là nhà xuất bản và phát hành sách lớn nhất ở miền Nam vào thời vua Thuận Trị và những năm đầu đời vua Khang Hi.

Cửu Dương nói:


-Hy vọng vãn bối có đủ tư cách, vãn bối sẽ tận hết sức lực không làm Nghiêm thúc thất vọng.

Nghiêm Hồng Đạt khoát tay nói:

-Kiến thức của ngài như biển rộng, tôi đã biết rồi, ngài thông thạo về văn thơ, nếu nói ngài đứng nhì ở Giang Nam không ai đứng nhất được, có ngài giúp sức thơ cục của chúng tôi có hy vọng hoàn thành rồi, nếu không sang năm cũng không in kịp sách.

Nói rồi Nghiêm Hồng Đạt bái chào quay đi.

Cửu Dương cùng Phi Nhi cũng quay về khu trại.  Trên đường trở về, Phi Nhi nhìn xấp thơ Đường trong tay Cửu Dương, đôi mắt nàng đã đẹp nay càng sáng lên.

-Xin để cho muội giúp huynh đi.  Đối với thơ Đường muội đặc biệt thưởng thức, cả bộ thơ Đường muội học thuộc một ngàn hai trăm bài, để muội thử sức xem coi có giúp gì được không?

Rồi thấy Cửu Dương dường như đang do dự, nàng níu tay áo chàng, hai mắt mở to chớp chớp:

-Muội trên núi suốt ngày luyện võ, sau đó rảnh rỗi, chi bằng cơ hội này cho muội một việc làm?

Cửu Dương nhìn Phi Nhi, thấy mỗi khi nàng phấn khởi, là đôi mắt nàng có cái gì đó thuyết phục người ta, mắt nàng mở to như điều khiển kẻ đối diện nàng, tia nhìn đó như không cho phép bất kỳ ai từ chối yêu cầu gì của nàng.  Chàng cũng không ngoại lệ, dễ dãi gật đầu:

-Đây là chuyện lớn trong giới văn học, bất kể là ai có lòng, muốn được trải nghiệm cũng là việc tốt.

Phi Nhi vui mừng nói:

-Vậy về việc xếp đặt thứ tự từng bài thơ Đường, giao cho muội nhé, sau đó nhờ huynh kiểm lại?

Nói rồi nhận được thêm cái gật đầu máy móc từ Cửu Dương…”  

Lại nói tiếp “vụ” Tiểu Tường cải nhau với Nghị Chánh về chuyện Cửu Dương “tương tư” ai.

Phi Nhi kéo tay Phi Yến, bỏ mặc Tiểu Tường và Nghị Chánh đang đấu khẩu với nhau, đi tìm Cửu Dương.  Hai chị em thấy chàng khi này đang ngồi ở một góc trong lều chăm chú biên soạn Văn Vận Phủ.  Các cống sinh có người mài mực, người lấy giấy trải ra dùm cho chàng.

Phi Nhi Phi Yến nhìn trời, thấy đã quá trễ, hai nàng vạch rèm bước vào.  Phi Yến nói:

– Mọi người còn chưa ngủ à?  

Phi Nhi bước lại ngồi gần Cửu Dương, cầm xấp thơ Đường lên bắt đầu làm việc của nàng.

Phi Yến cũng lại trước mặt Cửu Dương nói:

-Khuya rồi, huynh hãy nghỉ ngơi, mỗi lần huynh làm thơ là mãi đến năm canh mới ngủ.

Cửu Dương hình như nhập tâm vào những con chữ trên trang giấy, không nghe được ai đang nói chuyện với mình.  Tiểu Tường thò đầu vô nói:

– Nếu cô thấy phiền thì cứ ngủ trước đi, có biết bao cống sinh ở đây, huynh ấy không cần thêm người bên cạnh phục vụ đâu.  Đừng lằn nhằn như vậy được không?

Phi Yến quay phắt lại long mắt lên nhìn Tiểu Tường.  Lão Trần biết hai cô gái chuẩn bị khẩu chiến, vội xua họ ra ngoài.  Ba người ra ngoài lều rồi, ông lão mới bảo Tiểu Tường:

-Nào có gì đâu, chẳng qua vì Phi Yến tiểu thơ đây muốn bảo vệ sức khỏe của Thất gia thôi.

Nói rồi ông lão nháy nháy mắt với Phi Yến.  Phi Yến mới chịu thôi không cãi nhau với Tiểu Tường nữa, chỉ nói gọn:

-Đúng rồi, khi huynh ấy đồng ý dạy võ công cho tôi, tôi có hứa là mãi luôn bên cạnh hầu hạ huynh ấy từng miếng ăn đến giấc ngủ, nếu cô không vừa lòng thì tôi sẽ không nói nữa, được không?

Nói xong Phi Yến bỏ đi vào lều của nàng.  

Một tuần sau, phân nửa bản thảo quyển một về thơ Tống của Văn Vận Phủ sắp được hoàn chỉnh.  Mỗi ngày Phi Nhi cũng đều dành thời gian xem lại tập thơ Đường của quyển hai, ngày nào nàng cũng danh chánh ngôn thuận ra vào trong lều của Cửu Dương.  Tiểu Tường ganh lắm, nhưng biết làm sao khi nàng không có tài văn chương nên không “tiếp cận” chàng được.

Thấy Phi Nhi độc chiếm “người đẹp,” Tiểu Tường gai mắt giở giọng cà khịa:

– Làm gì mà có người cứ bám huynh ấy như ma hoài vậy?

Phi Yến bênh chị, khinh khỉnh đáp:

– Người ta đi làm việc chữ nghĩa, việc gì đến cô?

Lối ăn nói trịch thượng của Phi Yến khiến Tiểu Tường tái mặt.  Tiểu Tường đương nhiên không có ngu mà không biết Phi Yến đang châm chọc cái tội “thất học” của nàng.  “Hứ!  Mù chữ cũng đâu là tội,” Tiểu Tường tự nhủ, thực ra từ khi quen Cửu Dương nàng cũng được chàng dạy cho chút ít đấy chứ.  Mà nàng vốn không ưa chữ nghĩa, chỉ thích múa đao luyện kiếm, cho nên dĩ nhiên vốn từ của nàng chỉ đủ dùng để… xã giao.  Mỗi khi bị “thầy” trách phạt, Tiểu Tường lại xua tay nói:

-Đâu phải lỗi muội, muội quen với chữ nghĩa mà, chỉ tội bọn chúng không chịu quen muội thôi.

Những lúc như vậy Cửu Dương chỉ đành lắc đầu bỏ đi.

Nay Tiểu Tường bị Phi Yến nói, nàng biết mình yếu thế, đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Sửng cổ cãi lại, nàng sợ bị ghép vào tội trạng “ghen tị.”  Ghen tị thì chẳng hay ho gì. Vì vậy, nàng lầm lũi bỏ đi.  Tiểu Tường đi xa lắc xa lơ mà Hiểu Lạc và Nghị Chánh còn nghe tiếng nàng nghiến răng ken két.

Hiểu Lạc lặng lẽ chứng kiến cuộc đối thoại ngắn ngủi nhưng đầy kịch tính giữa hai đối thủ. Và nó bỗng phát hiện ra so với tài đức, nhan sắc chẳng là cái quái gì.  Sắc đẹp của đàn bà con gái chỉ là… tép riu.  Chỉ có hạng thôi, mai này cho dù ai xinh đẹp cách mấy cũng như hoa phai tàn.  Còn kiến thức là vô giá.  Năm xưa Hoàng Nguyệt Anh chẳng cần sử dụng đến nhan sắc của mình, chỉ cần tài năng, kiến thức và đức tính vẫn chinh phục được Gia Cát Lượng đấy thôi.

Về phần Tiểu Tường thì vừa ghen tị vừa ngưỡng mộ Phi Nhi.  Người đẹp, người xinh, người giỏi võ công, mông nẩy ngực nhô… rốt lại chẳng bằng cái người có học.  Người văn sĩ được làm thơ, viết văn, viết thư tình, được in vào sử sách, người người thán tụng, ngàn thu ca ngợi, lại còn được… ở bên chàng. Từ giờ phút đó, nàng mơ ước trở thành văn sĩ.  Nàng thèm địa vị của Phi Nhi.  Nàng sẽ bắt đầu làm thơ!

Quyết định xong, Tiểu Tường vội vã đi tìm Nghị Chánh, tuy nàng khắc khẩu Nghị Chánh nhưng chàng là người thân nhất của nàng trong hội, tất nhiên ngoài trừ Lâm Tố Đình và Cửu Dương.  Nàng phải hỏi ý kiến chàng, xem có nên trở thành một văn hào thi sĩ hay không?

—oo0oo—

Nghị Chánh đang tựa lưng vào lu nước, ngồi canh nồi cơm chàng vừa mới bắt lên.  Trong mơ mơ màng màng, Lữ Nghị Chánh cảm thất mũi mình ngứa ngáy, nhột nhột.  Chàng đưa tay chà mũi, nhắm mắt, tiếp tục cơn ngủ gật ngắn. Nhưng, cảm giác nhồn nhột ấy lại bò lên mi mắt chàng, lên trán chàng, bò đi bò lại rồi lại bò xuống cổ chàng.

Cũng trong mơ mơ màng màng, Nghị Chánh có giật mình, đưa tay chụp vật bò nhột ở cổ, đoạn mở mắt ra mới hay tay mình nắm được một đầu cỏ.  Chàng ngồi ngay lại, cau mày hỏi:

-Lại là cô, muốn tới gây sự chăng?  Tôi đang buồn ngủ, không hứng thú cãi nhau đâu.

Nói rồi lấy sẵn tâm lý để nghe Tiểu Tường “phản hồi,” nhưng đập vào mắt chàng chỉ có nàng cắn môi dưới, trầm ngâm nhìn chàng.  Trước mắt chàng là một khuôn mặt đẹp với đôi mắt to, nhưng sao khác hẳn với thường ngày, đôi tròng con ngươi đen đầy cố chấp giờ nóng hổi nhìn rót vào chàng.

Tiểu Tường đang nửa quỳ nửa ngồi bên mình chàng. Chàng có thể nghe được hơi thở của nàng hâm hấp nóng. Chàng lặng lẽ nhắm mắt lại không nói gì nhưng nàng lại nói:

– Huynh định làm Khương Thái Công đến bao giờ?

Đây là lần đầu Tiểu Tường gọi bằng huynh thay vì lối xưng hô quen thuộc của hai người.

Nghị Chánh đương nhiên là rất ngạc nhiên, nhưng vẫn muốn chọc nàng, nói bằng giọng bất cần: 

– Mong được làm hoài nếu không có người quấy rầy.

– Bực mình muội quấy rầy huynh hả?

– Ờ.

– Nghe thì rất dễ, muội đi thôi.

– Vậy không tiễn nhé, cứ đi, đây cần ngủ một chút.

Nghị Chánh đáp bằng cách vô tình và bướng bỉnh rồi lấy chiếc nón lá đặt úp trên lu nước che mặt như định ngủ lại.  Nhưng liền đó, chiếc nón bị hất bay, đôi mắt Tiểu Tường như tóe lửa nhìn thẳng vào chàng.  Nàng cao giọng hỏi:

– Lữ Nghị Chánh, tại sao huynh cứ đáng ghét như vậy?     

-Được rồi, được rồi, giỡn chút cho vui mà, vậy chứ muội tìm huynh có việc gì?

Khi này Hiểu Lạc khệ nệ bưng thao chén lại ngồi chồm hổm cạnh bên Nghị Chánh, lấy nước đổ vô thao chuẩn bị rửa chén.  Hai người nghe Tiểu Tường nói. Nghe xong, Hiểu Lạc gãi gãi đầu còn Nghị Chánh thì dùng đũa khẽ xới cơm vừa nhìn nàng chăm chăm:

– Muội nói thật hay nói chơi với huynh vậy?

Tiểu Tường rụt rè đáp:

– Nói thật.


Nghị Chánh vẫn dán mắt vào mặt nàng:

– Muội muốn trở thành thi sĩ?

– Ừ.

– Lý do?

Cái huynh này, Tiểu Tường nhủ bụng, hỏi nàng bằng giọng của Bao Công điều tra tội phạm khiến nàng đâm lúng túng. Tiểu Tường ngập ngừng trả lời:

– Tại muội thấy muội có… máu văn chương.

Nghị Chánh buông đũa cười hô hố:

– Muội có máu văn chương?

– Ừ, muội đoán vậy! – Tiểu Tường lại ấp úng đáp.

Nghị Chánh nhún vai:

– Đoán cái khỉ mốc! Muội đâu có làm thơ được!

– Được! – Tiểu Tường quả quyết – Lúc trước ở Hắc Viện muội làm thơ hoài!

Nghị Chánh gãi chiếc cằm nhẳn nhụi, tỏ vẻ nghi ngờ:

– Xạo đi! Muội làm hoài, sao huynh không biết?

Tiểu Tường hừ giọng:

– Làm sao huynh biết được! Muội thường làm thơ rồi ngâm… một mình!

Nghị Chánh nhướng mắt:

– Vậy bây giờ muội sáng tác thử bài huynh nghe coi!

-Không được đâu, giờ muội không có cảm hứng!

-Vậy đọc bài cũ do muội sáng tác cũng được!

Trước đề nghị của Nghị Chánh, Tiểu Tường không cách chi thoái thác, tự dưng đâm lúng túng.  Nàng lắc đầu nguầy nguậy:

– Thôi, kỳ lắm!

– Hừm, muội này lạ!  Làm thơ rồi đọc mỗi mình huynh nghe mà còn mắc cỡ, thế làm sao làm thơ cho cả trường cả nước nghe được? Vậy mà cũng đòi làm thi sĩ!

Sợ Nghị Chánh nổi sùng gạt ngang, vả lại nhận thấy chàng nói cũng có lý, thi sĩ thường hay làm thơ rồi ngâm tới ngâm lui cho người khác nghe, vừa ngâm vừa gật gù cái đầu như gà mổ thóc, sau đó mới đề lên tranh vẻ mà đem bán ra.  Nàng đành chép miệng:

– Được rồi, muội sẽ đọc.

Vừa nói, nàng vừa loay hoay nghĩ xem nên đặt về đề tài gì.  Thực ra lúc nãy nàng hét cho oai thế thôi chứ đây là lần đầu tiên nàng tập tành đặt thơ.  Vốn liếng chữ nghĩa của nàng vốn dĩ có hạn, nay Nghị Chánh bắt nàng phải xuất khẩu thành thi trước mặt chàng để chàng nghe thử, làm sao nàng không chột dạ được. Đắng đo một lát, Tiểu Tường lấy hết can đảm hắng giọng và rụt rè đọc thơ.

Nàng thấy trong lòng rưng rứt, bồi hồi lạ thường.  Nàng cảm thấy thơ hay mà giọng nàng ngâm cũng hay.  Nàng ngất ngây nghĩ đến tình lang, nghĩ đến ngày nàng thế chỗ Phi Nhi để biên soạn quyển ba, quyển bốn, quyển năm… của Văn Vận Phủ.  Càng mơ tưởng đến giây phút huy hoàng đó, mắt nàng càng mơ màng.  Tiếng ngâm lên thác xuống ghềnh.  Nàng có cảm giác nàng làm thơ hay nhất… Hắc Viện.

Lúc đang “biểu diễn,” thấy Hiểu Lạc trố mắt dòm, nàng tưởng nó ngạc nhiên và thán phục trước bài thơ của nàng, tưởng nó sắp bái nàng làm phu tử.  Thế là nàng lại ngoác mồm, ngân nga từng chữ.

Trước nhiệt tình quá đáng của Tiểu Tường, Nghị Chánh có vẻ hết chịu đựng nổi, vội vã bịt hai tai lại, năn nỉ:

– Thôi, thôi, đủ rồi! Làm thơ vậy đủ rồi!

Tiểu Tường liền ngưng và đưa tay lau mồ hôi trán, ngơ ngác hỏi:

– Đủ rồi là sao?  Mới hai bài à.

Nghị Chánh thở hắt ra:

– Đủ rồi có nghĩa là huynh đã biết muội làm thơ hay như thế nào rồi!

Nghị Chánh khen làm nàng sướng phổng mũi.  Tiểu Tường thấy lòng triệu đóa hoa hồng, thấy mình bay tuốt lên chín tầng mây.

Ngồi trên mây, nàng cúi đầu xuống, thấp thỏm hỏi:

– Hay hơn… Lý Bạch không?

Nghị Chánh đúng là một người bạn tốt, gật đầu ngay:

– Hay hơn nhiều!

– Thật không?

– Thật! Huynh xạo muội làm gì!  Thơ Lý Bạch chỉ phục vụ cho người lớn, đang độ tuổi yêu nhau, còn thơ muội phục vụ được luôn cho tụi con nít nữa.

Tiểu Tường không rõ lắm ý nghĩa trong lời tán dương của Nghị Chánh. Nhưng mà vẫn khoái. Hễ có người khen là nàng khoái.  Không dè Lữ nhị thiếu gia đây thường ngày cọc cằn tính nết nhưng cũng biết… phát hiện nhân tài lắm chớ.  Nàng nhìn Nghị Chánh bằng ánh mắt trìu mến hiếm hoi nói:

– Thơ của muội “ghê gớm” như vậy sao?

– Chứ gì nữa! Thơ Lý Bạch thì ăn thua gì! Thơ muội tụi con nít mới… sợ!  Đang khóc, nghe muội ngâm, mấy đứa nhỏ nín liền. Có đứa còn tè cả ra quần.  Hé hé!

Tiểu Tường nghe vậy bí xị cái mặt.  Nghị Chánh cười xong thu môi lại nói:

– Nói giỡn chứ thật ra muội đây rõ ràng là có năng khiếu…

Tiểu Tường bị Nghị Chánh dẫn dắt đi từ cảm xúc này sang cảm xúc khác, nàng mới vừa buồn giờ lại sướng rơn:

– Năng khiếu thơ ca hả?

Nhưng một lần nữa nàng bị Nghị Chánh làm cho cụt hứng, chàng lắc đầu:

– Không phải năng khiếu thi ca. Huynh muốn nói là muội có năng khiếu… ăn uống!  Muội đi làm hỏa công hợp hơn là làm thơ, hì hì!

Tiểu Tường tái mặt. Nhưng không dám sửng cồ với Nghị Chánh. Gây sự với y, y giận y không thèm dìu dắt nàng trên con đường văn chương nữa thì khốn.  Nàng chỉ biết giở giọng ai oán:

– Muội đây muốn học hỏi thật mà huynh lại cứ chọc quê muội!

Nghị Chánh cười hì hì:

– Ai bảo muội mở miệng ra chỉ toàn là:

Tình như củ khoai

mình cắn mình nhai

Đâu ngờ khoai sụn!

Nghị Chánh đọc tới đây Hiểu Lạc cười ra nước mắt.  Nó cũng thắc mắc hỏi:

-Trời đất ơi!  Sụn là gì, sượng chứ, phải không sư bá?

Nghị Chánh đáp:

-Chắc tại đọc sượng không trúng âm điệu đó.

Rồi chàng sực nhớ việc gì, quay phắt lại hỏi Tiểu Tường:

-Mà ai biểu muội đặt thơ gì nghe bậy bạ vậy?

Tiểu Tường nóng mặt:

-Sao lại bậy bạ?  Nếu dở thì nói dở, chứ sao nói bậy bạ, muội không biết huynh nói gì?

-Thì muội dùng chữ “khoai,” mà ai chẳng biết khoai là… cái đó đó, nội dung bài thơ thì lại nam nữ yêu nhau, tức là nói bậy rồi không phải sao?

-Ah!

Tiểu Tường đỏ bừng cả mặt.  Thật ra nàng đâu có nghĩ tới điểm này, nàng tưởng nàng chỉ là dùng phép so sánh vậy thôi!

Nghị Chánh tiếp tục lặp lại bài thơ thứ hai của Tiểu Tường:

-Hỡi ơi nhân thế bẽ bàng

Yêu thương vừa chớm vội vàng chia tay

Giật mình chợt tỉnh cơn say

Tim ta ai móc ra nhai thế này?


Nghị Chánh còn chưa đọc quá nửa bài, Hiểu Lạc đã ôm bụng cười bò.

À!  Hóa ra hai người họ đang chọc nàng.  Tiểu Tường vừa thẹn vừa giận.  Hóa ra Lữ nhị thiếu gia là cái tên ác nhơn ác đức.  Tiểu Tường nhủ lòng, mới khen thầm hắn đây, hắn đã chơi nàng một vố đau điếng, còn xô nàng một phát làm nàng té lộn cổ từ trên mây xuống mặt đất nữa chứ.  

Tiểu Tường thường ngày cũng đâu phải hạng vừa, nàng mà bị ai trêu chọc đã đấm lại ngay rồi, nhưng nay thất tình nên mặt mày méo xệch, lại còn phải nhờ Nghị Chánh làm phu tử chỉ dạy cho nàng thêm, nên chỉ còn nước trách:

– Bộ ở trên núi này hết người chơi rồi sao mà huynh nỡ chơi khăm muội, hic!

Gương mặt Nghị Chánh nghiêm nghị:

– Không phải là huynh chơi khăm muội!  Huynh làm vậy là để cho muội bỏ cái ý tưởng viển vông đó đi!  Huynh không muốn muội làm trò cười cho thiên hạ!

Tiểu Tường tự ái:

– Huynh nói quá! Thơ muội cũng đâu đến nỗi nào!

-Dĩ nghiên là đến nỗi nào rồi.

Nghị Chánh chém tay vào không khí, nói chắc như đinh đóng cột:

– Nếu không tin lời huynh thì muội đi mà đọc cho tình lang của muội nghe, bảo đảm Thiên Văn hắn không đủ can đảm ngồi thưởng thức hai bài thơ này của muội quá… hai nhịp mạch!

Giọng điệu chắc nịch của Nghị Chánh khiến niềm tin của Tiểu Tường bị lung lay dữ dội. Nếu quả thật Nghị Chánh là bạn thân nàng còn không dám nghe thơ nàng thì ma nào mà thèm nghe.

Hẳn là Nghị Chánh nói đúng.  Nàng làm thơ thật dở.  Suýt chút nữa đã bộp chộp đi tìm Cửu Dương rồi bị chị em nhà họ Lộ cười cho thúi đầu. Nhưng chẳng lẽ nàng nhục nhã rút lui sao?  Bỏ mặc người nàng thương yêu cho Phi Nhi độc quyền “quản lý”? Thật là tấn thoái lưỡng nan!

Ý chí ướt đẫm, nhiệt tình sáng tác của nàng tuột xuống nhanh như trái thông khô rơi xuống triền núi Đồng Sơn lăng đi long lóc. Tiểu Tường tính đứng dậy, đi vô lều nằm ngẫm lại sự đời, nhưng tay chân đang bủn rủn, nàng đứng dậy không nổi.  Rốt cuộc đành phải ngồi lại và cố nén tự ái, thỉnh giáo Nghị Chánh:

– Muốn cho hết dở, phải làm sao?

Nghị Chánh gật gù:

– Phải học tập người khác. Chẳng hạn, muốn làm văn hay, phải đọc sách của cha huynh, muốn làm thơ hay, phải thuộc thơ Lý Bạch!

Tiểu Tường ngồi nghệch mặt nghe, quá xá là đồng ý với Nghị Chánh, gì chứ sách của Lữ Lưu Lương cùng với thơ Thanh Lương cư sĩ là nhất hạng rồi.  

Nghị Chánh thêm lời:

-Rồi sẽ làm được những câu thơ trữ tình như huynh vầy nè!  E hèm!

Tằng hắng để lấy giọng xong chàng xửa cổ áo lim dim mắt đọc:

– Hồi ức cũ giờ chỉ còn ảo ảnh

Mộng tan rồi mọi thứ đã nhạt phai

Em bây giờ bên duyên mới cùng ai?

Anh vẫn mãi đợi hoài nơi bến cũ

Con đò xưa sao mi buồn ũ rũ?

Đợi một người sẽ đợi đến thiên thu!

Nghị Chánh lim dim làm thơ tới đây, mở mắt ra ngó nàng hỏi:

-Hay không?

Tiểu Tường nhanh nhẩu gật đầu đáp:

-Hay!  

Tai nghe nàng xuýt xoa khen, Nghị Chánh khoái chí, lại nhắm tịt mắt, ngâm nga:

-Em giờ thân gái long đong

Bỏ xứ, bỏ quê, bước theo chồng

Tưởng em yên ấm phương trời lạ!

Dè đâu…

Tình đó đã thừa…

Có bằng không!

Sau đó sáng tác thêm bài nữa:

-Mộng mị đêm khuya, biển ưu sầu

Ồn ào sóng dữ, não gì đâu!

Lênh đênh thuyền thúng, chài gở lưới

Lấp ló tình tôi, đến bạc đầu!

Lại không ngừng xuất khẩu thành thi:

-Lá vàng rơi rụng đón thu sang

Hạ thương hạ nhớ lệ hai hàng

Én oanh ríu rít mừng Xuân đến

Bỏ mặc mùa Đông giá tâm can.

Lần này, Nghị Chánh chưa kịp mở mắt, Tiểu Tường đã buột miệng trầm trồ:

– Hay ghê!

Chàng phổng mũi:

– Đấy! Muốn làm thi sĩ phải làm những câu ướt át như vậy.  Muội cứ bị ám ảnh bởi khoai lang, khoai mì, tim gan phèo phổi, cháo lòng phá lấu hoài, làm sao làm văn, làm thơ hay được!

Tiểu Tường gật đầu:

-Ừ, huynh hay thật, vậy huynh dạy muội đi?

Nghị Chánh gãi cằm, ngồi không đáp, Tiểu Tường chụp tay chàng gấp rút nói:

– Ðừng có hà tiện vậy mà!  Ban cho muội chút ít kiến thức của huynh đi.  Bằng không… 

Tiểu Tường nói tới đây bỗng ấp úng đưa mắt nhìn xuống đất.  Nghị Chánh Hiểu Lạc nháy nhau cười.

-Bằng không sao?

-Bằng không… Thiên Văn nho nhã, thật thà, tài hoa rất mực, muội mà để mất huynh ấy thì có hoạ là… ngu.

Nghị Chánh khoanh tay nói:

– Thiên Văn, Thiên Văn!  Tại sao huynh phải màn tới Thiên Văn chớ? Tài hoa của hắn thì có ăn nhằm gì tới huynh đâu!

Tiểu Tường cất giọng với ngực phập phồng:

-Huynh đừng có nói với muội như vậy!  Chuyện tình cảm của muội, huynh biết rõ rồi mà.

Thấy nàng lộ vẻ thẫn thờ, chàng hất hàm:

-Được rồi, bắt đầu từ ngày mai, mỗi sáng muội đến tìm huynh, rồi huynh dạy cho.

Tiểu Tường này, “Thái Sơn” trước mặt nàng nàng còn chưa biết, chưa chịu bái sư ngay, cứ tặt lưỡi ngần ngừ:

– Sao muội thấy làm thơ hay khó quá!

Nghị Chánh động viên nàng:

– Bước đầu bao giờ chả khó!  Người xưa đã nói rồi, “vạn sự khởi đầu nan.”  Nhưng muội đừng lo, chuyện gì cũng vậy, làm hoài sẽ hay.

Tiểu Tường nghe Nghị Chánh giảng giải một hồi, vẫn nhăn nhó nói:

-Không biết cho tới khi nào muội mới làm thơ hay tuyệt cú mèo như huynh được?

-Ầy! Đừng gấp gáp, cứ từ từ mà học, kiên trì thì rừng đi mãi cũng thành đường thôi.  Vậy đi nhé!

-Cám ơn sư phụ.

Hai chữ sư phụ nghe thật mát lòng, Nghị Chánh ngồi rung đùi cười.  Còn Hiểu Lạc thì nhìn Tiểu Tường với ánh mắt ái ngại, nó lại tiếp tục phát hiện ra làm người lớn sao mà khổ não quá, ngoài trách nhiệm với gia đình non nước ra, người lớn còn phải… học làm thơ tình yêu, đặng dụng để “cua chai” nữa đấy!


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.