Đọc truyện Thanh Triều Ngoại Sử – Chương 28: Tinh thần thượng võ
Con đường đi chông chênh đầy cỏ dại
Lướt gót hoài chợt thấy một nhành hoa
Tím yêu thương chung thuỷ rất mượt mà
Nhài nhụy lạ noãn nà không tên gọi
Cất bước đi trên đường dài không mỏi
Vượt dặm trường khắc khoải một mùi hương
Phải chăng tâm tạo tác những tơ vương
Kéo ghì chặt những tình thơ ngây dại
Chút tình đây xin ai đừng nghi ngại
Qua đêm dài ắt hiện ánh ban mai
Đêm nay trăng lên sớm, cùng lúc với gió từ mạn sông thổi về mát rượi. Tiết thu làm cho con người cảm giác dể chịu.
Có một cô gái ngồi bên ô cửa sổ trong nhà tiền đường của một ngôi chùa nhỏ nhìn ra bờ sông, lặng im trong bóng đêm. Nàng ngồi ở đó có thể nhìn xuống cả một khúc sông, thấy đêm trăng sông có sóng bạc đầu, bóng trăng lồng trong bóng nước. Nhưng nàng không có tâm trạng nào để ngắm cảnh tượng đẹp não nùng đó. Người ta nói thân gái mười hai bến nước, không biết bến nào trong, bến nào đục, quả tình rất đúng, bây giờ nàng mới thấu hiểu cái thảm cảnh mà hạnh phúc ngỡ như đã nắm chặt trong tay lại tuột mất. Mối tình đầu qua đi để lại cho nàng vết thương lòng đau đớn, trái tim rỉ máu đến nhức nhối.
Nàng ngồi đó rất lâu, chợt có tiếng chân người tiến vô tiền đường. Rồi tiếng của một ông lão vang lên:
-Mùa lũ thường hay xảy ra từ tháng sáu cho đến tháng mười ở các vùng Bắc Bộ, từ tháng bảy đến tháng mười một ở Bắc Trung Bộ, từ tháng chín đến tháng mười hai tại Trung Bộ và Nam Trung Bộ, từ tháng sáu đến tháng mười một tại Nam Bộ. Tiếc là chúng ta xây đê hơi trễ một chút, nếu sớm hơn một tháng có thể ngăn chặn được nạn lũ này rồi.
Một người trung niên bận áo màu xám, hai ống quần đen xắn lên tới gối thở dài một tiếng:
-Hy vọng sau trận mưa lớn của tháng trước sẽ chỉ còn lại lũ tiểu mãn.
Con trai người trung niên này, trên vai vác cây cuốc, nói:
-Con cũng hy vọng vậy, loại lũ do mưa rào gây nên không gây tổn hại như những trận cuồng phong kia.
Tàu Chánh Khê gật đầu. Người thanh niên khác mặc áo nâu nói:
-Cũng tại Đô đốc địa phương không thường xuyên tra xét và xử lý các trường hợp khai thác cát và neo đậu tàu bè trái phép. Lại nữa, từ khi đám dân tóc vàng mắt xanh tới đây, không biết bao nhiêu cây cối bị đốn đi để xây nhà thờ, làm gia tăng tải trọng trên nền đất vốn đã rất yếu này.
Tàu Chánh Khê nghe vậy thì nghĩ quả nhiên sau khi đạo Thiên Chúa giáo tràng vào miền Nam, các nhà thờ Tây phương được mọc lên như nấm rạ sau cơn mua, đâu đâu cũng thấy những ngôi khang trang với cửa kính đủ màu sắc, tượng hình chữ thập.
Chàng nói:
-Đúng là nguy cơ sạt lở chính là do sự tổn thất của cây cối mọc dọc bờ sông và mép sông này. Các loại cây cối này vốn có tác dụng trong vấn đề ngăn chắn sóng và ổn định bờ.
Mọi người nghe vậy đồng loạt khẽ lắc đầu. Ông lão nói:
-Bây giờ phải làm sao đây thưa Ngũ gia?
Tàu Chánh Khê thoáng cau mày, lát hồi thở dài nói:
-Hiện giờ đều duy nhất có thể làm là tiếp tục đắp đê khoanh vùng, vây quanh một vùng giữ không cho nước tràn vào gây thiệt hại. Hoặc ngăn vây nước để nó gây thiệt hại ở một vùng nhất định, không cho lan tràn sang những vùng khác.
Chàng khi nói sực nhớ tới kho lương thực ở trong chùa sắp sửa cạn kiệt, mà tổng đà ở Hàng Châu chưa thấy chở gạo đến tiếp viện, không biết lá thư đó đã tới tay thiếu đà chủ hay chưa? Tàu Chánh Khê trong lòng cảm thấy bế tắc, đưa mắt nhìn những người dân đói rách đang nằm ngủ la liệt trong chùa, bảo:
-Tới khi hè sang chúng ta sẽ trồng các loại cây thích hợp dọc bờ sông, bờ bao phía sông, rạch, để bảo vệ mái sông, mái bờ bao. Nhất là các vị trí dễ xảy ra sạt lở. Sau đó cũng nên đo mực nước sông mỗi ngày vài lần để có thể phát hiện tốc độ và diễn biến của mực nước.
Mấy người bàn một hồi về kế hoạch phòng chóng lũ cho những mùa sắp tới. Tàu Chánh Khê chỉ họ nguyên tắc để chọn tuyến đê khoanh vùng, bảo họ về chiều cao thì đê khoanh vùng có diện tích chứa nước lớn phải có chiều cao thấp hơn đê khoanh vùng có diện tích chứa nước nhỏ. Về bề mặt thì đê khoanh vùng thường có mặt cắt khoảng chừng chín thước, mái thượng và hạ lưu bằng nhau, khoảng chừng năm thước. Trước khi đắp đê phải xử lý nền. Khi đắp đất thì phải là đất thịt, không đắp đất cát, bùn hoặc đất lẫn nhiều cỏ cây, rơm rạ, sỏi đá. Đến lúc có đê rồi thì phải thay phiên nhau quản lý và tu bổ thường xuyên…
Trăng lên và đậu trên đỉnh cây nhạc ngựa, gió bắt đầu thổi lớn nghe như những tiếng hú xa xa vọng về. Sau khi mấy người kia bái chào rồi đi nghỉ ngơi, Tàu Chánh Khê đến sau lưng cô gái.
-Đại muội, đêm đã khuya, muội còn chưa đi nghỉ à?
Đáp lại lời chàng chỉ có Lâm Tố Đình hoàn toàn im lặng, cũng không quay đầu lại nhìn chàng. Tàu Chánh Khê thấy vậy bèn ngồi xuống cạnh nàng, làm theo nàng đưa mắt nhìn ra phía dòng sông Hoàng Hà, đoạn chàng hỏi:
-Lúc ban trưa, chỉ là hai tên tép riu đó thôi, có cần mạo hiểm vậy không?
Lâm Tố Đình tưởng chừng không nén được thốt lên chuyện hôn sự của nàng đã bị hủy bỏ rồi, nhưng cuối cùng đã nén được lại. Dù sao nàng cũng là nữ nhân. Đã là nữ nhân thì không thể nói toạc ra mọi tình cảm của mình. Nàng chỉ âm thầm rơi nước mắt.
-Đại muội, muội khóc à?
Tàu Chánh Khê ngơ ngác hỏi, đưa tay vụng về lau nước mắt cho nàng.
Đoạn, chàng sực hiểu, siết chặt tay nàng nói:
– Thôi nín đi. Ra đây thực tế một vài tháng là mọi chuyện sẽ qua đi. Quanh muội còn có bao nhiêu người yêu thương.
Cái siết tay mạnh mẽ của chàng làm lòng nàng ấm lại. Chao ôi, nàng quả là ngốc nghếch, nàng toan chạy đi tìm những gì mơ hồ mà quên rằng ngay cạnh nàng đang có biết bao nhiêu điều kỳ diệu. Lâm Tố Đình se sẽ mỉm cười. Ngoài kia tăm tối mà trong căn nhà này, tia sáng như vỡ òa ra trên những ngọn nến lung linh thắp quanh ô cửa nhỏ.
—oo0oo—
Lâm Tố Đình ở Cam Túc được một tháng, hằng ngày đều đến phụ giúp Tàu Chánh Khê và dân chúng đắp đê khoanh vùng. Lâm Tố Đình còn được phân công nấu ăn, chăm sóc đám con nít mồ côi. Nàng làm rất được việc nên được nhiều người yêu quý.
Có một buổi trưa, sau khi cùng các bà thím trong chùa nấu cơm xong, nàng đến tìm để gọi Tàu Chánh Khê về ăn thì thấy một đám con nít đang ngồi quanh chàng. Họ ngồi xếp bằng dưới đất cười đùa với nhau. Trong tay Tàu Chánh Khê đang cầm mấy miếng lá tre, Lâm Tố Đình thấy con cào cào đang được chàng thắt sắp xong. Nàng nhớ hồi còn nhỏ chàng cũng thường thắt những món đồ chơi nhỏ xinh này bằng lá tre lá trúc cho nàng và nữ thần y chơi, chớp mắt đã mười năm. Thời gian trôi đi thật nhanh.
Lâm Tố Đình lại gần Tàu Chánh Khê nói:
-Được rồi, cơm nước đã được dọn sẳn sàng, mọi người trở về ăn trưa.
Khi này con cào cào được Tàu Chánh Khê thắt xong, chàng đưa cho một thằng bé có tên là Tiểu Đậu. Tuổi tác thằng nhóc khiến chàng nhớ tới đứa em trai của cô thôn nữ đã tặng chàng bó dã quỳ.
Tiểu Đậu đương nhiên thích mê tơi, mân mê con cào cào trong tay cười tít mắt nói:
-Đệ chưa muốn về đâu, đệ muốn ở lại chơi với Ngũ ca một lát.
Mấy đứa con nít kia cũng nhau nhau:
-Muội cũng vậy.
-Đệ nữa.
-Đệ cũng không về đâu.
Lâm Tố Đình nói:
-Các em không về, không cảm thấy đói à?
Bọn con nít lắc đầu:
-Chúng em không đói.
-Các em không đói – Lâm Tố Đình chỉ vào Tàu Chánh Khê, nói – Nhưng huynh ấy đói đó.
Đám trẻ con chưa trả lời, Tàu Chánh Khê đã mỉm cười giơ tay xoay đầu Tiểu Đậu nói:
-Huynh cũng không đói, huynh ở lại chơi một lát với Tiểu Đậu.
Thằng nhóc Tiểu Đậu trao con cào cào cho một đứa bé gái, rồi nó quay sang Tàu Chánh Khê, bật ngón tay cái lên khen:
-Huynh là người giỏi võ công nhất mà đệ gặp đó!
Chả là nó nhắc tới trận đánh giữa chàng và cặp huynh đệ Quỷ Kinh Hồn, hôm đó nó cũng có xem chàng đánh nhau với hai tên kia. Bọn con nít vỗ tay rào rào, mỗi đứa khen một câu.
Lâm Tố Đình chờ mãi không nghe tiếng khen nào dành cho nàng, chống nạnh nói:
-Thế còn ta? Là người thế nào?
-Tỉ à… – Tiểu Đậu ra chiều suy nghĩ rất sâu, lát sau nó dẩu môi nói – Tỉ là người… có thể hỏi huynh ấy làm cho đệ một chuyện?
Đám con nít cười ầm cả lên.
Lâm Tố Đình tưởng nó sẽ mở lời khen nàng, nghe vậy mũi nàng sắp nở ra liền chun lại, giơ tay cốc đầu thằng bé, vờ giận dỗi nói:
-Hai người thân nhau lắm mà, sao lại còn cần tỉ giúp?
-Bởi vì -Tiểu Đậu hồn nhiên nói – Tỉ là người huynh ấy mến nhất!
-Đúng!
-Đúng!
-Hi hi!
Đám con nít hè nhau la lên. Lời nói vô tình làm Lâm Tố Đình ngượng chín cả mặt.
Lâm Tố Đình được một lúc im lặng vì ngượng, sau lại luôn mồm nạt:
-Đừng nói bá láp! Tụi em đừng nói bá láp có nghe không?
Tàu Chánh Khê nhìn Tiểu Đậu trìu mến nói:
-Đệ có chuyện gì, có thể tự hỏi huynh mà.
-Đệ… – Tiểu Đậu vò vò cái đầu bị cạo trọc đi phân nửa, ấp úng nói – Đệ đã hỏi huynh hôm trước rồi nhưng huynh từ chối không dạy đệ võ thuật, đệ thì lại rất muốn học.
Bọn con nít được dịp đứng lên nhảy tưng tưng:
-Đệ cũng muốn học!
-Còn đệ nữa!
-Đệ nữa này!
Tàu Chánh Khê ra hiệu cho bọn nhóc ngồi xuống, sau đó hỏi Tiểu Đậu:
-Tại sao đệ muốn học võ?
-Để không ai có thể bắt nạt được đệ.
-Còn đệ thì sao?
Tàu Chánh Khê quay sang hỏi một đứa tên Bánh Gạo, thấy nó thu nắm tay nói:
-Đệ muốn ai cũng sợ đệ.
Tàu Chánh Khê thấy tay chân Bánh Gạo còm que, chàng phải cố lắm mới nén được tiếng cười, lại quay về hỏi Tiểu Đậu:
-Nếu Bánh Gạo đây đánh đệ, đệ sẽ làm sao?
-Đệ sẽ đánh trả.
Chàng tiếp tục quay sang Bánh Gạo:
-Còn đệ, đệ muốn đánh trả Tiểu Đậu?
-Chắc rồi – Thằng bé thân mình cà tong teo như cây tâm quốc tế nói – Đệ sẽ đánh cho đến khi nào nó sợ đệ thì thôi.
-Nhỡ đệ đánh không lại? – Tàu Chánh Khê hỏi.
Bánh gạo không do dự nói:
-Khi đó, đệ sẽ kiếm huynh để học thêm.
-Còn đệ thì sao? – Tàu Chánh Khê hỏi Tiểu Đậu.
Tiểu Đậu cung tay làm động tác như đang bái sư, nói:
-Đệ sẽ học những thế võ khác hay hơn, rồi sẽ đánh nhau với nó lần nữa.
Tàu Chánh Khê nghe vậy nhìn hai đứa bé, nói:
-Đệ đánh nó, rồi nó đánh đệ, đánh qua đánh lại, lúc nào thì chấm dứt đây?
Hai thằng nhóc không biết trả lời sao, liên tục giơ tay lên gãy đầu. Mấy đứa con nít kia cũng im bặt.
Tàu Chánh Khê sợ tụi nhóc gãy một hồi tróc cả da đầu, động lòng lên tiếng:
-Đó là lý do tại sao ta không muốn dạy các đệ – Lời này chàng nói bằng giọng rất nghiêm khắc, nét mặt cũng nghiêm nghị theo.
Sau đó đổi sang giọng nhẹ nhàng, trán chàng giãn ra:
-Chúng ta cần suy nghĩ, tại sao chúng ta học võ?
Khi thốt lời này chàng nhớ năm xưa trước khi Võ Thánh nhận đám con nít bọn chàng làm môn sinh cũng đã hỏi câu này. Lúc đó đám con nít bọn chàng cũng đứng chôn chân bối rối y như vậy. Sau đó Võ Thánh mới từ tốn giảng giải. Chàng luôn ghi nhớ lời dạy của sư phụ.
Tàu Chánh Khê định lặp lại câu trả lời của Võ Thánh thì Lâm Tố Đình nói:
-Học võ là học đạo, trước tiên là đạo làm người, học võ còn để rèn luyện thân thể, lấy “dục thể, dục trí, dục đức” làm mục đích phấn đấu, bất luận trong mọi hoàn cảnh tinh thần thượng võ phải được tôn trọng. Người biết võ nên đóng góp công sức vào những việc ích nước lợi dân. Người giỏi võ mà kém trí đức chỉ là hạng võ biền hại người hại mình.
Tàu Chánh Khê lắng nghe giọng nói êm ái của Lâm Tố Đình, nhìn nàng với ánh mắt có chút gì khang khác so với mọi hôm. Nàng lặp lại lời Võ Thánh không sót một chữ. Đúng lúc Lâm Tố Đình nói xong cũng đưa cặp mắt long lanh nhìn xuống. Hai tia nhìn chạm nhau, giữ lại đó hồi lâu.