Đọc truyện Thanh Mai Không Lấy Trúc Mã (1802) – Chương 50: Hết đời tên cường hào đáng gờm nhất vùng
Âm thanh va chạm của mũi lao và mũi kiếm như chính thức mở ra cuộc so đấu. Tưởng thấy võ thuật của Thập Quý không tệ chút nào, từng đường đánh rất mạnh bạo và chuẩn. Hắn liên tục tấn công bằng những thế ra đòn khá hiểm trong khi cậu phần lớn chỉ né đòn chứ không phản công. Lúc bé học võ với thầy Lữ, ông dạy rằng võ thuật chân chính là giúp người hoạn nạn chứ không phải để đánh nhau vì vậy suốt bao năm qua, chỉ khi nào cần thiết thì cậu mới dùng đến võ. Chẳng ngờ có ngày Tưởng lại phải so đấu với một cường hào.
Người dân kéo đi xem cũng hồi hộp quan sát màn đấu võ kịch tính của hai người.
Một cú tung cước từ Tưởng khiến Quý bị đẩy lùi ra sau vài bước. Đến lúc hoàn hồn lại thì hắn phát hiện ra mũi lao sáng loáng kia đã kề ngang cổ mình. Trong một thoáng, hắn đứng yên không nhúc chích. Bên cạnh, Tưởng đứng ngang hàng với Quý, tay giữ chặt thanh lao.
“Trận đánh dừng lại được rồi, chớ nên làm cả hai bị thương.”
Dứt lời, Tưởng ra lệnh đám cai đinh mau chóng lấy lương thực. Những người làm sợ bị vạ lây nên lập tức lùi qua một bên cho cai đinh chấp hành mệnh lệnh.
Trong lúc Tưởng mải quan sát những bao gạo được mang đi thì Thập Quý nhanh như cắt lợi dụng sự lơ là ấy liền cầm kiếm lên chém ngang một nhát thật mạnh. Vẫn còn may khi Tưởng phản xạ nhanh nhẹn kịp thời nhảy lùi ra xa tránh, nếu không bản thân đã bị thương rồi.
Tưởng nhìn Quý đang nhếch môi cười nham hiểm, chẳng ngờ lại có loại người hèn hạ như vậy. Rất nhanh, hắn cầm kiếm lên toan lao về phía đối phương thì thình lình một tiếng hét vang lên:
“Ngừng lại!”
Tưởng, Quý cùng những người khác đồng loạt quay qua. Trước mặt họ, một đoàn binh lính xuất hiện, đi đầu là Kiên đang ngồi trên ngựa và bên cạnh còn có chiếc xe ngựa khác. Ngoài ra lão Sâm cũng đứng gần đấy, vẻ như vừa mới đến. Ai nấy đều ngạc nhiên bởi sự có mặt đột ngột này. Trước mấy trăm đôi mắt hiếu kỳ, Kiên xuống ngựa bước đến chỗ Tưởng và Quý.
“Cậu Kiên sao lại đến đây?” Tưởng ngạc nhiên.
“Tất nhiên ta đến vì chuyện trưng thu lương thực. Còn lý do tại sao ta biết mà đến thì hãy để nói sau.” Kiên đưa mắt sang Quý, “Đây là bá hộ Thập Quý?”
Kín đáo quan sát chàng trai trẻ đứng trước mặt, Quý tự nhủ hẳn đây không phải người tầm thường. Nghe Tưởng gọi bằng “cậu Kiên” thì chắc cũng con nhà quyền thế. Hắn liền hỏi Kiên là ai.
“Ta là Trịnh Kiên, con trai quan tri phủ.”
“Ồ, tôi đúng là thất lễ, mong cậu Kiên bỏ qua.”
“Đừng vòng vo nữa, ta nhận lệnh của cha ta đến đây giải quyết chuyện trưng thu lương thực. Nghe nói, ngươi cùng nhiều bá hộ khác nhất quyết chống đối, xem ra thế lực và phe cánh của các ngươi không nhỏ chút nào.”
“Cậu quá lời, chút chuyện cỏn con này cứ để xã trưởng và chúng tôi giải quyết.”
“Xã Thổ gặp hạn lớn, số thóc thuế thu nộp giảm nhiều nên gây ảnh hưởng đến triều đình, thử hỏi làm sao là chuyện nhỏ? Chưa kể, vẻ như xã trưởng cũng khá vất vả để yêu cầu các ngươi trưng nộp lương thực. Hành động chống đối này có nghĩa là gì?”
Thấy Kiên trẻ tuổi cứ ngỡ là đứa trẻ vắt mũi chưa sạch, nào ngờ miệng lưỡi sắc sảo lý luận, khiến Thập Quý mang chút dè dặt. Tuy nhiên, hắn chẳng mấy sợ sệt gì bởi nghĩ nhà hắn cũng có người làm quan, quyền thế đâu kém. Thở ra một tiếng, hắn bảo:
“Cậu dùng từ chống đối e là hơi nặng lời. Chẳng qua bá hộ chúng tôi thấy việc không hợp lẽ lắm nên muốn cùng bàn bạc lại với xã trưởng thôi.”
Kiên buồn cười trước ba từ “không hợp lẽ” khi đưa mắt nhìn số lương thực chất đống trong sân nhà hắn. Quả nhiên đám cường hào này coi thường quốc pháp, ra mặt chống đối xã trưởng trong khi bản thân tích trữ lương thực nhiều ngần ấy.
“Ngươi không đào giếng, dĩ nhiên phải nộp lương thực, quá hợp tình còn gì.”
Biết Kiên cùng phe với Tưởng chống đối mình nên Quý không giữ dáng vẻ kính cẩn nữa mà mang chút khinh thường. Kiên hiểu ngay, dù vậy cũng chẳng muốn dùng quyền hành ra chèn ép. Đối với tên cường hào này chỉ còn một người là trị được thôi.
“Ta biết ngươi cậy thế quan tri huyện Xuyên, bác ruột, nên ta đã mời ông ấy cùng đến đây nói chuyện phải trái với ngươi.” Kiên nói lớn, “Đến lúc ngài ra mặt rồi đấy!”
Từ trong xe ngựa đi cùng Kiên, quan tri huyện Xuyên mau chóng bước ra. Dáng vẻ ngạo mạn của Quý biến mất, thay vào đó là nửa bất ngờ nửa có chút lo lắng. Hắn đâu ngờ ông lại đích thân đến đây. Tưởng và lão Sâm cũng ngạc nhiên khi trông thấy gương mặt lạnh lùng, uy nghiêm của quan tri huyện nổi tiếng này. Lúc ông đã đứng bên cạnh, Kiên mới cất giọng:
“Ngài hãy nói cho đứa cháu yêu quý này biết việc hắn làm là đúng hay sai.”
Quan tri huyện Xuyên đáp vâng xong rồi quay qua, giơ tay tát thẳng vào mặt Thập Quý làm hắn xiểng niểng suýt té nhào xuống đất. Người dân xung quanh thảng thốt, lần đầu tiên mới thấy tên cường hào hung hăng đó bị ăn tát. Chưa kịp hoàn hồn là hắn nghe ông quát to:
“Thật chẳng ra làm sao! Ngươi nghĩ mình là ai mà dám trái lệnh xã trưởng lại còn huênh hoang trước mặt cậu Kiên? Một thời gian không dạy dỗ thì ngươi trở nên vô phép vô tắc thế sao? Còn dám cả gan cùng bá hộ trong xã liên thủ, chống đối việc trưng thu lương thực!”
Bình thường, Quý tỏ ra ngang ngược bạo tàng vậy mà chỉ một cú đánh và câu quát lớn từ tri huyện Xuyên là hắn tái mét mặt mày. Lấy tay sờ má, hắn sợ sệt nhìn ông:
“Con… con… chỉ muốn nói rõ ràng với Triệu Tưởng…”
“Hồ đồ! Xã trưởng làm đúng nhưng ngươi chống lại là ngươi sai! Mà ai cho phép ngươi dám gọi tên xã trưởng ra như vậy?” Tiếng ông vang như sấm, “Người dân đói khát cực lực đào giếng, ngươi đã không góp gạo lại còn mang lương thực ra chất đầy sân như thách thức xã trưởng! Việc tốt không làm, cứ toàn làm chuyện xằng bậy!”
Giọng tức giận đó khiến ai nấy đều run sợ huống hồ là Quý. Trông dáng vẻ khép nép sợ hãi của hắn, Tưởng nói với ông chỉ cần hắn chịu nộp lương thực thì chuyện này xem như giải quyết xong. Tri huyện Xuyên tạ lỗi với Tưởng vì hành động nông cạn của đứa cháu bất trị.
Nhìn cuộc nói chuyện của ba người đó, lão Sâm đảo mắt nghĩ ngợi. Thật không ngờ con trai tri phủ lại xuống tận xã Thổ này và vẻ như khá thân thiết với Tưởng. Chẳng những thế còn có cả tri huyện Xuyên cũng nể mặt Kiên mà thẳng tay đánh Thập Quý. Nếu để lộ ra chuyện hối lộ thì khéo lão cũng bị vạ lây. Nghĩ vậy, lão liền tiến đến chỗ tri huyện Xuyên:
“Thưa, có chuyện này lão cũng muốn trình bày rõ. Tuy Thập Quý là cháu ngài nhưng lão nghĩ làm việc sai trái thì nên bị trừng trị.”
“Có gì xin phó xã trưởng cứ nói.”
Lão Sâm nhìn Thập Quý đang chau mày khó hiểu rồi lấy trong túi áo ra những bì thư. Khi vừa trông rõ chúng là lập tức hắn biến đổi sắc mặt. Lẽ nào lão ta…?
“Thập Quý vì chuyện đối phó với xã trưởng đã mang thứ này đến đưa cho lão. Ban đầu lão định từ chối nhưng nghĩ đây là hành vi hối lộ trắng trợn nên đã giữ lại tất cả để lúc nào đó đem ra trình quan trên xử hắn thật nghiêm khắc. Trên bì thư có đóng mộc của nhà Thập Quý, ngài có thể kiểm chứng.” Lão Sâm đưa vật chứng cho ông.
Tri huyện Xuyên nhìn thấy dấu mộc quen thuộc của dòng họ thì giận run, tay nhàu siết những bì thư. Về Thập Quý, hắn điếng người trước sự bán đứng trơ tráo của lão cáo già này. Giờ thì có lẽ hắn đã hiểu ra hành động bắt tay của lão không phải để diệt trừ Triệu Tưởng mà là diệt trừ hắn!
“Lão đúng là vô sỉ!… Chính lão đã vui vẻ nhận bạc, còn bảo cùng ta diệt Tưởng… Thế mà giờ tố giác lại ta! Ta giết lão!”
Quý gần như điên tiết, lao bổ vào lão Sâm. Nhanh như cắt, đám lính giữ hắn lại. Hắn gào thét giãy giụa, một hai đòi giết lão cho bằng được. Tri huyện Xuyên tát hắn thêm vài cái cho trấn tĩnh, đến nước này ông đã hết cách gỡ tội cho hắn. Lập phe cánh, chống đối xã trưởng lại còn hối lộ, dù hắn là cháu thì ông cũng phải trị theo phép công.
Người dân nhốn nháo dõi theo Thập Quý bị lính đưa đi, kháo nhau rằng, liệu này chắc hắn bị xử lưu đày chứ chẳng vừa đâu! Vậy là hết đời tên cường hào đáng gờm nhất xã Thổ! Và trong khi lão Sâm nhếch môi cười vì trử khử xong một kẻ thù thì Tưởng kín đáo nhìn lão.
…
Tằm vui mừng khi thấy Tưởng trở về nhà, còn có cả Kiên đi cùng. Trước đó Tằm vô cùng lo lắng cho chuyện Tưởng đến nhà các bá hộ lấy lương thực, cô không rõ Kiên có đến kịp để trợ giúp chồng đối phó với Thập Quý. Giờ lại thấy cả hai bước vào nhà thì lòng như trút bỏ gánh nặng, bởi vẻ mặt tươi cười của họ đủ để Tằm hiểu mọi việc đã mĩ mãn. Nói chuyện được một lúc, Kiên mới bảo với Tưởng rằng:
“Ngươi có biết tại sao ta biết chuyện mà đến giúp? Là nhờ tiên nữ đấy, cô ấy đã biên lá thư khẩn đến Đỗ phủ nên trong chuyện này ngươi phải cảm ơn vợ mình rồi.”
Tưởng bất giác ngạc nhiên, hóa ra là vậy, thảo nào Kiên biết chuyện mà đến kịp thời. Cậu quay qua nhìn Tằm đang mỉm cười, vừa thấy thương yêu vừa thấy cảm kích. Tằm đặt tay lên ngực chồng rồi nhẹ nhàng tựa đầu vào đó. Tưởng thì thầm vào tai cô lời cảm ơn. Cuối cùng Tằm vẫn luôn là người quan tâm, chu toàn mọi thứ vì cậu.
Trông cảnh thắm thiết của đôi vợ chồng trẻ, Kiên cười thầm, có được cô vợ thông minh và biết lo trước sau như thế, tên Triệu Tưởng quả thật có phúc.