Thám Tử Rời Sân Khấu

Chương 3: Theo Tôi, Không Có Gì Buồn Hơn Là Sự Suy Thoái Của Tuổi Già. (2)


Bạn đang đọc Thám Tử Rời Sân Khấu – Chương 3: Theo Tôi, Không Có Gì Buồn Hơn Là Sự Suy Thoái Của Tuổi Già. (2)

Một lúc lâu tôi chỉ nhìn Poirot, không nói một lời nào, vì sửng sốt cao độ. Cuối cùng mới cất nên lời:
– Ồ không! Ông phải ngăn chặn chuyện ấy.
Ông nhìn tôi một cách thân mến.
– Anh biết không, tôi rất xúc động vì anh đã đặt niềm tin vào tôi. Tuy nhiên, e rằng trong tình hình này lòng tin ấy không được đền đáp.
– Ông đừng nói lung tung. Ông thừa sức ngăn chặn tội ác.
– Hãy nghĩ mà xem, Poirit nói, nghiêm trang. Bắt một tên tội phạm thì được. Nhưng làm sao ngăn được tội ác?
– Ờ hờ… ông… ông… nếu ông biết trước…
Tôi ngừng bặt, thấy quả thực khó nói.
– Thấy chưa? Không đơn giản như ta tưởng. Có ba phương pháp. Thứ nhất là cảnh báo trước người nào có thể là nạn nhân. Việc này không phải lúc nào cũng có kết quả. Vì rất khó làm cho người đó tin mình đang bị đe dọa, nhất là khi mối họa đó lại từ một người rất gần gũi, thân thiết. Họ sẽ phản ứng lại và không tin. Cách thứ hai là cảnh cáo tên sát thủ, bằng cách ám chỉ “Tôi biết anh định làm gì rồi, nếu người này người nọ mà chết, tôi sẽ tố cáo”. Cách này có thể có hiệu quả, mà cũng có thể thất bại. Vì thường thì tội phạm rất chủ quan, hắn cho mình đã chuẩn bị chu đáo, đánh lạc hướng cảnh sát… Tóm lại, hắn vẫn thi hành thủ đoạn, và ta chỉ có thể bắt hắn sau khi hắn đã hoàn thành tội ác.
Ngừng một lát, Poirot nói tiếp:
– Trong đời, tôi đã hai lần cảnh cáo một tên tội phạm: một lần ở Ai Cập, một lần ở nơi khác. Cả hai lần, hắn đều không từ bỏ ý định… ở đây có thể cũng thế chăng…
– Còn phương pháp thứ ba?
– Phải. Nhưng cách này đòi hỏi cực ký khéo léo. Phải xác định thật rõ hắn sẽ phạm tội lúc nào và ở đâu, để sẵn sàng bắt quả tang, không phải sau khi hắn làm bậy mà đúng lúc hắn sắp sửa bắt đầu. Việc ấy rất khó, không ai dám bảo đảm kết quả. Có thể tôi hay tự đánh giá cao, nhưng không cao đến mức ấy.
– Ở đây, ông định vận dụng phương pháp nào?
– Có lẻ cả ba. Hiện nay cách thứ nhất là khó hơn cả.
– Tôi cứ tưởng ngược lại, cách đó dễ nhất.
– Với điều kiện phải biết ai là nạn nhân. Mà anh không hiểu là tôi chưa biết ai bị nhắm sao?
– Sao?

Tôi đã thốt lên câu hỏi ấy một cách không suy nghĩ. Tiếp đó, tôi hiểu việc đó không dễ dàng. Chắc chắn phải có mối liên quan giữa năm vụ án tôi vừa đọc nhưng bản chất mối liên hệ đó là gì thì chúng tôi chưa biết. Động cơ không xuất hiện rõ. Như vậy, làm sao biết ai đang bị đe dọa?
Poirot gật đầu khi biết tôi đã hiểu cái khó của tình hình.
Tôi hỏi tiếp:
– Vậy đến nay, ông chưa tìm thấy mối liên quan giữa các vụ án?
– Chưa.
Tôi suy nghĩ. Ngoài động cơ tiền bạc, có thể đây là một vụ báo thù nào đó chăng? Tôi nhớ trước đây đã đọc một loạt vụ giết người có vẻ như không có động cơ. Sau đó người ta đã phát hiện tất cả những người bị giết đã tham gia một đoàn bồi thẩm, đoàn bồi thẩm này đã đồng thanh kết tội một người, nên người này lần lượt trừ khử họ để trả thù. Có lẽ trường hợp này giống như vậy chăng? Song tôi chỉ nghĩ thế thôi, không nói ra, mà nói:
– Bây giờ xin hỏi, tên X bí ẩn của ông là ai?
Poirot lắc đầu quầy quậy:
– A, điều này thì tôi không nói.
– Tại sao?
Một ánh tinhn quái lóe lên trong đôi mắt thám tử:
– Tại vì, đánh chết anh vẫn là chàng Hastings ấy, với bộ mặt lộ liễu của anh.Tôi nói ra để rồi anh cứ nhìn hắn chòng chọc, lộ ra hết.
– Ông phải hiểu là khi cần, tôi cũng biết giả bộ chứ.
– Lúc nào anh giả bộ, lại càng tệ hơn. Không, tôi không nói đâu, phải giữ bí mật. Khi nào cần ta sẽ ra tay.
– Ông thật là…
Tôi không kịp nói hết, vì có tiếng gõ cửa.
– Cứ vào! Poirot nói.
Judith, con gái tôi, bước vào. Judith người cao, mặt ngẩng lên kiêu hãnh. Tôi thường có cảm giác nó tỏa ra hào quang của một nhân vật bi kịch.

– Chào ba.
Nó mỉm cười, nhưng không chạy đến ôm hôn tôi, nó không quen kiểu cách ấy. Nụ cười của nó cũng nhợt nhạt, hơi gượng gạo. Dù nó thiếu sự hồn nhiên tự phát, tôi vẫn thấy là nó mừng được gặp tôi.
– Ừ, ba… ba đây – tôi lúng túng.
Tôi cảm thấy mình thiếu tự nhiên, như mỗi lần tiếp xúc với giới trẻ.
– Con rất thích ba đến đây, Judith nói.
– Tôi đang nói về chuyện ăn uống ở Styles, Poirot nói dối một cách không e ngại.
– Ăn uống ở đây tồi lắm sao? – Con gái tôi hỏi.
– Lẽ ra cháu không nên hỏi thế. Chả lẽ cả ngày cháu chỉ nghĩ đến ống nghiệm và kính hiển vi? Tay cháu vẫn còn dính mêtilen xanh lè kìa. Chồng cháu sẽ không thích thú gì nếu cháu không quan tâm đến dạ dày anh ấy. Đàn ông mà…
– Nhiều cái chắc là cháu không lấy chồng.
– Có, có phải lấy chồng chứ. Nếu không, cháu cho rằng Chúa sinh ra cháu để làm gì?
– Để làm nhiều việc khác.
– Trước hết là để lấy chồng.
– Thôi được. Vậy bác kiếm cho cháu một ông chồng ngoan ngoãn, cháu sẽ chăm sóc dạ dày ông ấy cẩn thận.
Poirot nhìn tôi, nói:
– Cô bé giễu tôi đấy. Nhưng rồi một ngày kia, cháu sẽ thấy những gì các cụ xưa nói là đúng.
Lại có tiếng gõ cửa. Lần này là bác sĩ Franklin. Người cao và khô thẳng, mặt gân guốc, tóc vàng – hung, mắt xanh khoảng băn lăm tuổi. Là người lơ đễnh nhất mà tôi từng thấy: ông ta đi vấp lung tung vào những thứ quanh mình và vừa vào đã vướng phải chiếc màn gần ghế của Poirot, phải lúng búng xin lỗi. Tôi cố nhịn cười, nhưng Judith thì vẫn nghiêm chỉnh, có vẻ nó đã quen với chuyện đó. Nó bình thản nói:
– Ông còn nhớ ba tôi không?

Bác sĩ Franklin giật mình, hấp háy đôi mắt nhìn tôi rồi chìa tay:
– Nhớ, nhớ. Tôi đã nghe nói ông sẽ tới.
Ông ta quay sang Judith:
– Này cô, ta có bắt buộc phải thay quần áo không? Nếu không, ngay sau bữa ăn, ta có thể tiếp tục công việc…
– Không, Judith đáp. Tôi muốn nói chuyện với ba tôi.
– Ồ! Thế thì được.
Ông ta thoáng mỉm cười xin lỗi. Một nụ cười dụt dè của trẻ thơ.
– Rất tiếc. Tôi bù đầu vài thí nghiệm, sinh ra ích kỷ. Xin lỗi.
Đồng hồ điểm giờ. Franklin ngước nhìn:
– Chết thật! Muộn thế rồi ư? Lại sắp gặp rắc rối: Tôi đã hứa đọc sách cho Barbara trước bữa ăn.
Ông lại mỉm cười lần nữa rồi vội vã đi ra, và lại vấp vào khuôn cửa.
– Bà Franklin thế nào? Tôi hỏi.
– Vẫn thế. – Judith đáp.
– Thật buồn cho bà ấy.
– Với một bác sĩ, điều ấy càng khổ – con gái tôi nói. Thầy thuốc ưa những người khỏe mạnh.
Tôi thở dài:
– Lớp trẻ bây giờ tàn ác quá.
Con gái tôi lạnh lùng đáp lại:
– Con chỉ nói lên một sự thật.
Poirot can:
– Tuy nhiên, ông thầy thuốc này đang vội về đọc sách cho vợ nghe.

– Thật buồn cười, Judith nói. Việc ấy để cô ý tá làm cũng được. Phần cháu, rất ghét phải nhờ người đọc hộ.
– Ô hay, tôi nói, mỗi người mỗi tính.
– Vợ ông Flankin là một người đàn bà ngớ ngẩn, Judith nói.
– À, cháu ơi, điều ấy thì bác không đồng ý – Poirot nói.
– Bà ấy toàn đọc những tiểu thuyết rẻ tiền, không quan tâm gì công việc của chồng, không theo dõi thời sự. Chỉ biết kêu ca phàn nàn suốt ngày về sức khỏe.
– Dù sao bác bác cho rằng bà ấy vẫn dùng đầu óc suy nghĩ mà cháu không hề biết, Poirot nói.
– Bà ấy đúng là phụ nữ, hay tỉ tê, nũng nịu. Bác Hercule ơi, bác quan niệm là phụ nữa phải thế chứ gì.
– Không phải thế – tôi nói. Bác ấy thích phụ nữ cao lớn, vạm vỡ. Quốc tịch Nga càng tốt.
– Hastings, anh lộ bí mật của tôi đấy nhé! Judith ạ, ba cháu lại thích phụ nữ có tóc màu gụ. Chính vì thế mà ông ấy bị thất tình vài lần đấy.
Judith nhìn chúng tôi, cười độ lượng:
– Bác và ba cháu, thật buồn cười!
Cháu đi rồi, tôi đứng lên, nói:
– Thôi, tôi phải đi dỡ hành lý và tắm một cái trước khi ăn.
Poirot thò tay bấm chuông. Một phút sau, anh hầu hiện ra. Tôi ngạc nhiên thấy anh ta là người mới hoàn toàn.
– Thế George đâu?
George vốn là người hầu đã theo phục vụ Poirot từ nhiều năm.
– Bố cậu ta ốm, nên tôi cho cậu ta về. Song hy vọng cậu ta sẽ trở lại. Trong khi chờ đợi, đã có cậu Curtiss đây.
Ông mỉm cười, nhìn người hầu mới. Curtiss cao và khỏe, song bộ mặt hơi quê mùa.
Lúc ra đi, tôi để ý thấy Poirot cất cẩn thận các tài liệu lúc nãy vào cặp. Tôi bồi hồi qua hành lang để về phòng mình.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.