Thám Tử Rời Sân Khấu

Chương 2: Theo Tôi, Không Có Gì Buồn Hơn Là Sự Suy Thoái Của Tuổi Già.


Bạn đang đọc Thám Tử Rời Sân Khấu – Chương 2: Theo Tôi, Không Có Gì Buồn Hơn Là Sự Suy Thoái Của Tuổi Già.

Tội nghiệp ông bạn tôi. Tôi đã nhiều lần mô tả ông, nên bây giờ tôi chỉ kể những gì có thay đổi. Bị thấp khớp, Poirot chỉ đi lại được bằng xe lăn. Thân hình bầu bĩnh trước kia nay đã sọp hẳn, mặt mũi đầy nếp nhăn. Ria mép và tóc thì vẫn đen nhánh, trước kia tôi còn ngờ ngợ, nhưng nay thì nhìn thấy rõ là đen nhờ thuốc nhuộm. Có cảm tưởng là ông mang tóc giả. Duy đối mắt không thay đổi: vẫn sắc sảo, linh lợi như xưa. Và lúc này đôi mắt ấy đang thể hiện niềm xúc động rõ rệt:
– A! Bạn Hastings, anh bạn Hastings…
Tôi cúi xuống để ông nồng nhiệt ôm hôn. Ông tựa hẳn người lên lưng ghế, hơi nghiêng đầu ngắm tôi:
– Vẫn thế. Lưng thẳng, vai vuông và tóc hoa râm, trông anh vẫn có thế lắm. Còn món đàn bà con gái? Họ vẫn ríu rít quanh anh chứ?
– Ồ, Poirot, chả nhẽ anh vẫn nghĩ…
– Không, tôi cho đó là một trắc nghiệm. Trắc nghiệm số một. Khi nào các cô gái trẻ tỏ ra lễ phép với anh, anh có thể tin rằng thế là hết. Đó là vị họ thương hại anh, họ nghĩ: “Thôi, ta cứ tử tế với các vị ấy, tuổi cao rồi, thật là buồn”. Nhưng anh, anh Hastings, anh còn trẻ. Với anh, còn rất nhiều triển vọng…
Tôi bật cười:
– Poirot, ông nói quá rồi đấy. Thế còn ông, sức khỏe ra sao?
Poirot nhăn mặt:
– Tôi, thì thân tàn rồi. Không đi lại được, gần như liệt. Nhưng nhờ trời, tôi còn tự ăn được, không phải người bón. Còn những chuyện phải có người giúp như giúp trẻ: đi ngủ, thức dậy, mặc quần áo… thật buồn. Cũng may, hình hài thì thế, những trí óc vẫn tốt. Vẫn hoạt động được.
– Và ông bằng lòng ẩn ở cái xó này? – Tôi hỏi.
Ông nhún vai:
– Tạm được. Tất nhiên, đây không phải là khách sạn Ritz. Cái phòng lúc đầu cho tôi thuê quá nhỏ, bàn ghế lại sơ sài. Tôi đổi sang phòng này, không phải trả thêm tiền. Còn về ăn uống, thì đúng là thực đơn Anh vào loại tồi tệ nhất.
– Thế thì không hay rồi.
– Nhưng tôi không kêu ca đâu nhé, anh nhớ điều đó.
Tuy nhiên Poirot tiếp tục phàn nàn:
– Lại còn cái tạm gọi là hiện đại hóa nữa chứ. Đúng là có phòng tắm với hàng loạt vòi nước. Nhưng từ tất cả những độ mạ kền sáng loáng ấy thì nước chảy ra thế nào? Khăn tắm thì mỏng tang…
– Đúng là ngày xưa vẫn tốt hơn.
– Nhưng không nên kêu ca, Poirot tiếp tục nói. Tôi sẵn lòng chịu đựng để theo đuổi việc lớn.
Một ý nghĩ chợt lóe trong óc tôi:

– Này ông Poirot, ông không…. không đến nỗi túng thiếu chứ? Sau chiến tranh, mọi thứ đều bị ảnh hưởng, cả tình hình kinh tế…
Poirot vội xua tay để tôi yên tâm:
– Không, không. Tôi vẫn thoải mái, còn giàu là đằng khác. Không phải vì tiết kiệm mà tôi đến đây.
– Nếu vậy thì tốt. Có lẽ tôi hiểu ông cảm nghĩ gì. Người có tuổi có xu hướng muốn sống lại những ngày xưa cũ, tìm lại những cảm xúc cũ. Bản thân tôi không hăm hở trở lại đây lắm, song nó làm tôi sống lại biết bao hồi ức tưởng như đã quên. Tôi chắc ông cũng nghĩ thế.
– Hoàn toàn không phải vậy. Đó là anh nói về anh. Chứ còn tôi, hồi đó tôi tới Styles này chẳng vui vẻ gì. Tôi bị thương, chỉ là một kẻ lánh nạn như bao người khác, xa gia đình, xa tổ quốc, chỉ sống nhờ sự cưu mang của một nước xa lạ. Lúc đó tôi không ngờ nước Anh lại trở thành nơi trú ngụ lâu dài, và tôi tìm thấy hạnh phúc ở đó.
– Lâu ngày tôi quên mất chuyện đó. – Tôi thú nhận.
– Thấy chưa. Anh hay suy bụng ta ra bụng người. Hastings hạnh phúc, vậy mọi người đều hạnh phúc.
– Đâu, tôi có nghĩ thế đâu. Tôi cười và chống chế.
– Mà sự thực, cũng đâu có thế. Anh rưng rưng nước mắt nhìn lại phía sau, thở dài: “Ôi, những ngày tươi đẹp! Hồi đó ta còn trẻ…” Nhưng thực ra lúc đó anh có sung sướng gì đâu. Anh cũng vừa bị thương, đang bực mình vì không được ở lại quân đội chiến đấu. Tinh thần anh suy sụp vì phải nằm thời gian dài trong trại an dưỡng. Đã thế anh lại gây thêm rắc rối vì phải lòng hai cô gái cùng một lúc.
Tôi lại cười và hơi đỏ mặt:
– Sao ông nhớ dai thế! Thế ông có nhớ lúc ấy ông nói gì với tôi? Rằng cả hai cô ấy không hợp với tôi, và tôi phải can đảm lên!
Về sau, cả Poirot và tôi lại có dịp gặp nhau tại Pháp. Và cũng tại nước Pháp, tôi đã gặp người phụ nữ duy nhất của đời tôi…
Poirot vỗ nhẹ cánh tay tôi:
– Tôi biết, Hastings, tôi biết. Vết thương lòng hãy còn mới, nhưng không nên cả nghĩ. Hãy nhìn về phía trước.
Tôi tỏ vẻ nản:
– Nhìn về phía trước? Nhưng trước mặt tôi thì có cái gì?
– Trước hết, anh có một nhiệm vụ cần hoàn thành.
– Nhiệm vụ? Nhiệm vụ ở đâu?
– Ở ngay đây.
Tôi ngạc nhiên nhìn ông bạn. Poirot nói:

– Lúc nãy, anh vừa hỏi tại sao tôi có mặt ở Styles. Và có lẽ anh không để ý là tôi tránh trả lời. Nhưng bây giờ tôi nói. Anh Hastings, tôi đến đây để truy bắt một tên giết người.
Tôi tiếp tục nhìn ông, càng thêm lạ lẫm. Và thú thật, tôi thoáng có ý nghĩ là ông bạn bắt đầu nói lẫn. Cuối cùng tôi ấp úng:
– Ông nói… nghiêm chỉnh?
– Nghiêm chỉnh nhất đời. Nếu không tại sao tôi gọi anh đến? Chân tay tôi yếu rồi, nhưng óc tôi vẫn nguyên. Phương pháp của tôi, anh biết đấy, không bao giờ thay đổi. Chỉ cần ngồi yên trên ghế và suy nghĩ. Việc đó tôi vẫn làm được. Thực ra, đó là điều duy nhất tôi có thể làm lúc này. Còn các phần điều tra tích cực khác, tôi đã có anh, Hastings, người bạn vô giá.
– Ông nói nghiêm chỉnh chứ? – Tôi hỏi lại.
– Nhất định rồi. Tôi và anh lại cùng nhau phá án.
Phải mất mấy giây tôi mới tin được là Poirot không đùa.
Poirot mỉm cười nói tiếp:
– Anh tin rồi chứ? Chắc thoạt đầu, anh cho là bộ óc tôi đã kém đi rồi?
Tôi vội chối:
– Không, không. Nhưng nơi này có vẻ như làm gì có tội ác…
– Anh nghĩ vậy ư?
– Tất nhiên, vì tôi chưa gặp hết mọi người.
– Anh đã gặp những ai?
– Mới gặp vợ chồng Luttrell, rồi một cậu tên là Norton – trông rất hiền lành – cuối cùng là Boyd Carrington, bề ngoài cũng dễ mến.
Poirot gật đầu:
– Thế thì, tôi xin nói điều gì: khi đã biết tất cả mọi người trong nhà này, anh vẫn thấy lời tôi nói vừa rồi là bí hiểm.
– Còn những ai nữa?
– Bác sĩ Franklin và vợ, cô Craven là y tá chăm nom bà Franklin – Judith con gái anh; một cô tên là Cole – chừng băm nhăm tuổi – cuối cùng là một anh chàng tên Allerton, có số đào hoa. Xin nói thêm: họ đều là những người dễ thương.

– Và trong đó có một tên là sát thủ?
– Một trong số ấy là kẻ giết người – Poirot tuyên bố nghiêm trang.
– Nhưng làm sao… nghĩa là… làm sao ông biết vậy? – Tôi nói thều thào, vì vẫn chưa hết kinh ngạc.
– Hãy bình tĩnh, Hastings. Và bắt đầu từ chỗ bắt đầu. Anh đưa tôi cái cặp để trên tủ kia. Tốt, cả chìa khóa nữa.
Poirot mở chiếc cặp da, lấy ra một số mẩu báo cắt rời và một mớ giấy đánh máy:
– Anh hãy đọc cái này. Trước mắt đừng quan tâm vội đến các bài cắt từ báo: đó chỉ là tường thuật một số vụ án khác nhau – mô tả hấp dẫ đấy, nhưng thường không chính xác. Anh hãy xem bản tóm tắt của tôi viết thì hơn.
Tôi tò mò đọc ngay.
“VỤ A: ETHERINGTON
Leonard Etherington, nghiện rượu và ma túy, tính tình tàn bạo. Cô vợ trẻ và đẹp, rất khổ vì chồng. Etherington chết, có vẻ bị ngộ độc thức ăn. Khám xét tử thi thì là chết vì bị đầu độc bằng thạch tín. Cô vợ bị bắt, bị buộc tội giết chồng. Trước đó có quan hệ với một công chức trẻ, nhưng anh này đã trở sang Ấn Độ. Không có chứng cớ ngoại tình, nhưng mối liên hệ có vẻ thân thiết. Trên đường trở về Ấn Độ, anh chằng kia làm quen với một cô gái và quyết định đính hôn. Anh ta viết thư báo cho bà Etherington, nhưng không rõ bà này nhận được thư trước hay sau khi chồng chết. Bà ta khẳng định nhận được trước khi. Chứng cớ buộc tội bà phần lớn là gián tiếp, vì không còn biết nghi ngờ ai khác. Do ông chồng đã có tiếng tàn bạo, hay hành hạ vợ, nên đoàn bồi thẩm có vẻ cảm tình với bị cáo. Bà Etherington được miễn tố. Tuy nhiên, dư luận vẫn cho bà là thủ phạm. Bà bị người thân xa lánh, gặp nhiều khó khăn trong đời sống. Hai năm sau, chết vì uống thuốc ngủ quá liều. Kết quả điều tra coi là chết vì tai nạn.
VỤ B: CÔ SHARPLES
Là một bà gái già tàn tật, khổ sở vì bệnh, có cháu gái là Freda Clay trông nom. Cô Sharples chết do bị tiêm một mũi moóc-phin quá liều. Freda nhận là mình tiêm nhầm, và nói thấy bà cô đau đớn quá nên tiêm cho giảm đau. Cảnh sát thì cho là không nhầm mà cố tình. Tuy nhiên không đủ chứng cứ nên Freda Clay vô can.
VỤ C: EDWARD RIGGS
Công nhân nông nghiệp. Nghi vợ ngoại tình với Ben Graig, người ở trọ trong nhà. Cuối cùng người ta thấy cả đôi “gian phu dâm phụ” bị bắn chết bằng khẩu súng Riggs. Anh này tự đến nộp mình
VỤ D: DEREK BRADLEY
Anh này quan hệ với một cô gái, bị vợ phát hiện, dọa giết chết. Quả nhiên Bradley chết do uống bia bị bỏ thuốc độc. Người vợ bị bắt và hoàn toàn nhận tội, bị kết án.
VỤ E: MATTHEW LITCHFIELD
Là bố của bốn con gái, nhưng có tính độc đoán gia trưởng, khiến các con khổ sở. Một hôm, về đến cửa nhà, ông ta bị tấn công, giáng một cú vào đầu. Margaget, cô gái lớn, thú nhận mình đã giết cha để các em đỡ khổ. Litchfield để lại gia tài lớn. Margaget được coi như đã hành động một cách vô thức, được gửi vào trại trừng giới, ít lâu sau thì chết.”
Tôi đọc chăm chú, mỗi lúc một ngạc nhiên hơn. Cuốicùng, đặt tập giấy xuống, tôi ngước nhìn Poirot có ý ngầm hỏi.
– Thế nào, anh bạn?
Tôi thong thả đáp:
– Vụ Bradley tôi có nhớ mang máng. Hồi đó tôi có theo dõi, còn nhớ cô vợ là người rất xinh đẹp.
Poirot gật đầu.
– Nhưng ông phải nói rõ hơn. Toàn bộ những vụ này có ý nghĩa gì?

– Anh cứ nói quan điểm của anh trước.
– Tôi vừa đọc tường thuật năm vụ án khác nhau, trong những tầng lớp xã hội khác nhau. Song không thấy giữa chúng có gì giống nhau. Một vụ là do ghen tuông; vụ kia là vợ bị hành hạ tàn bạo nên giết chồng; vụ thứ ba có động cơ là tiền bạc; vụ thứ tư thì có vẻ như nhằm mục đích tốt, vì thủ phạm tự ra đầu thú, còn vụ thứ năm thì có thể là đương sự say rượu.
Tôi ngừng lại một lát, rồi ngập ngừng hỏi:
– Giữa những vụ ấy, có điều gì giống nhau mà tôi chưa nhận ra?
– Không có gì hết. Anh đã thấy rất rõ. Anh chỉ có thể nhận xét một chi tiết phụ duy nhất, là trong từng ấy việc ai là thủ phạm đều rõ không hề có sự phân vân thực sự.
– Anh nói rõ xem nào.
– Ví dụ, bà Etherington được miễn tố, nhưng mọi người đều tin bà ta là thủ phạm. Freda Clay không bị kết án, nhưng không ai nghĩ còn thủ phạm nào khác. Riggs khai không nhớ mình có giết vợ và nhân tình không, nhưng ngoài hắn ra, còn ai vào đấy nữa. Còn Margaret Litchfield, cô này nhận hết. Anh thấy không, trong mỗi vụ chỉ có một kẻ tình nghi duy nhất.
Tôi cau mày suy nghĩ:
– Đúng vậy. Song tôi vẫn chưa hiểu từ đó ông rút ra kết luận gì.
– Hãy khoan. Tôi đi đến một điểm mà anh chưa biết. Giả sử ở mỗi vụ, có một sự việc từ bên ngoài, chung cho tất cả.
– Ông định nói sao?
– Tôi trình bày vấn đề như thế này nhé. Có một người nào đó ta gọi là X. Trong tất cả các vụ trên, bề ngoài X không có lý do gì để giết nạn nhân. Và nếu những thông tin tôi có là đúng, thì lúc xảy ra vụ án nọ, anh ta ở cách đó tới hai trăm năm mươi cây số. Tuy nhiên tôi phải nói là hắn có liên quan mật thiết với Etherington. Hắn lại có một thời gian ở cùng làng với Riggs. Hắn cũng quen biết bà Bradley và tôi có một tấm ảnh – chụp ngoài phố – hắn cùng đứng với Freda Clay. Cuối cùng, lúc Litchfield bị giết, hắn lại đang có mặt gần đó. Anh thấy thế có lạ không.
Tôi trố mắt nhìn Poirot, và nói:
– Thế thì hơi quá. Ta có thể chấp nhận có sự trùng hợp trong hai vụ – dđến ba là cùng – nhưng những năm vụ, thì khó nuốt quá. Dù vô lý thế nào, chắc phải có mối liên hệ gì giữa năm vụ đó.
– Thế là anh đã đi tới kết luận giống tôi.
– Có nghĩa chính tên X bí ẩn đó là thủ phạm.
– Và bây giờ, tôi xin báo với anh rằng X đang ở trong nhà này.
– Ở Styles này?
– Ở Styles. Từ đó ta suy diễn ra điều gì?
Tôi đã đoán trước được điều Poirot sắp nói. Ông nghiêm nghị tiếp:
– Phải, chẳng bao lâu nữa. Ở đây lại sẽ có người bị giết.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.