Thám Tử Rời Sân Khấu

Chương 12: Theo Tôi, Không Có Gì Buồn Hơn Là Sự Suy Thoái Của Tuổi Già. (11)


Bạn đang đọc Thám Tử Rời Sân Khấu – Chương 12: Theo Tôi, Không Có Gì Buồn Hơn Là Sự Suy Thoái Của Tuổi Già. (11)

Ngay chiều hôm ấy, Poirot hỏi tôi:
– Anh có điều gì lo lắng vậy?
Tôi chỉ lắc đầu, thấy mình không nên làm Poirot bận tâm vì một chuyện riêng tư, vả ông có biết cũng chẳng giúp được gì. Giả thử ông có gọi Judith lên trách mắng đi nữa, nó cũng lại phớt lờ, cho rằng người lớn chỉ hay lắm chuyện.
Giờ đây tôi khó mô tả chính xác những tình cảm hôm đó. Sau đó, nghĩ lại tôi nghĩ một phần âu lo bắt nguồn từ cái không khí ở Styles. Không phải chỉ trước đây, mà ngay cả hiện nay. Một tên giết người đang lởn vởn trong nhà này, tất cả chúng tôi đều ở dưới bàn tay đe dọa của hắn.
Theo những gì suy xét đuợc, hẳn Allerton là hung thủ. Mà Judith con gái tôi, lại phải lòng nó! Thật kinh khủng, khó tin và tôi bó tay không biết phải làm gì.
Sau bữa điểm tâm, Boyd Carrington kéo tôi ra chỗ riêng. Ông dặng hắng, dọn giọng mãi mới ngập ngừng nói:
– Tôi không muốn xen vào việc không phải của mình, song ở địa vị ông, tôi phải bảo con gái hãy dè chừng. Ông biết không, Allerton là người có tiếng xấu. Mà cô Judith xem ra… có vẻ thân thiết.
Nói thế thật dễ, với ai không có con. Bảo Judith đề phòng Allerton? Thì tôi đã nói rồi, chỉ gây thêm căng thẳng. Nếu vợ tôi còn sống! Hẳn nàng sẽ biết cách làm như thế nào.
Thú thật tôi đã định không đề cập chuyện này với Judith nữa, song nghĩ lại thấy mình quá yếu đuối. Tuy nhiên tôi vẫn do dự. Có lẽ tôi sinh ra e sợ con gái tôi thật.
Tôi đi đi lại lại trong vườn, tâm trí mỗi lúc một rối. Đến chỗ vườn hồng, tôi bỗng thấy quyết tâm trở lại, vì nhìn thấy Judith ngồi một mình trên ghế. Và có lẽ từ trước tới nay, tôi chưa bao giờ thấy nét mặt nó đau khổ đến thế. Bộ mặt thay đổi hẳn, rõ ràng là đang hoang mang, do dự. Tôi lấy hết can đảm, tiến lại, nói nhẹ nhàng:
– Judith con, đừng âu sầu thế nữa.
Nó mải suy nghĩ nên không nghe tiếng tôi bước tới, và ngẩng phắt đầu, ngạc nhiên:
– Ô, ba! Ba… bảo gì?
– Con ơi, con đừng tưởng ba không biết. Nó không xứng với con đâu.
Judith nhìn tôi vởi v3 hoảng hốt, nhưng lại bình tĩnh ngay:
– Ba nói gì, con không hiểu?
– Ba biết rồi. Con yêu nó, không nên. Rồi sẽ dẫn tới đâu? Hắn đã có vợ. Tình hình này là không có tương lai, sẽ chỉ có buồn đau và hổ thẹn.
Judith cười buồn:
– Ba nói hay thật, phải không?
– Hãy rũ sạch chuyện đó đi, Judith.
– Không!
– Đã bảo là nó không xứng với con.
Judith chậm rãi và bình tĩnh đáp:
– Anh ấy là tất cả với con.

– Judith, bố van con…
Nụ cười tắt trên môi con gái; nó đứng dậy, vùng kêu lên:
– Tại sao ba cứ can thiệp vào việc của con? Từ nay ba không được nói nữa. Con ghét ba… con ghét ba. Không việc gì đến ba. Đời con, con lo!
Nó hẩy tôi ra, chạy mất. Tôi nhìn theo, sững sờ. Tôi còn đang đứng đó, bàng hoàng không biết nghĩ sao, thì mươi phút sau, cô Cole và Norton đi tới.
Họ tỏ ra tế nhị, biết là tôi đang có chuyện vấn vương, nhưng không đả động gì, chỉ rủ tôi cùng đi chơi. Cả hai đều yêu thiên nhiên. Elizabeth Cole chỉ cho tôi xem những loài hoa dại, còn Norton đưa tôi ống nhòm để quan sát chim muông. Chẳng bao lâu tôi trở lại bình tĩnh, ít nhất là bề ngoài, , vì thực ra lòng vẫn chưa yên. Bỗng Norton đang nhìn ống nhòm, kêu to:
– Lạy trời! kìa, đúng là con chim gõ kiến bụng đỏ, hay quá!
Nhưng anh ta đột ngột dừng lại, khiến tôi sinh nghi. Tôi giơ tay đòi lấy ống nhòm:
– Đưa tôi xem nào!
Norton vẫn khư khư giữ ống nhòm, ngập ngừng, nói giọng lạ lùng:
– Có lẽ… có lẽ tôi nhầm. Nó bay mất rồi. Và thực ra chỉ là một con chim thường.
Mặt anh ta tái đi, đôi mắt tránh nhìn tôi, dáng điệu hoang mang. Và tôi thấy rõ anh ta nhất quyết không chịu để tôi nhìn qua ống nhòm, lúc trước chĩa vào một bụi cây cách xa. Không biết anh ta đã nhìn thấy gì ở đó?
– Đưa tôi xem! Tôi nhắc lại.
Tôi nắm lấy ống nhòm, giật khỏi tay anh ta, mặc cho hắn cố giữ. Hắn lắc đầu:
– Thực ra, không phải… con chim bay rồi. Tôi chỉ muốn…
Tôi run run điều chỉnh lại ống nhòm, chĩa thẳng vào chỗ Norton vừa nhìn, nhưng không thấy gì, ngoại trừ một vật trăng trắng – váy áo phụ nữ chăng? – biến dần vào cây cối.
Tôi hạ ống nhòm trả cho Norton, không nói gì. Hắn có vẻ như vẫn tránh nhìn tôi. Dù sao, trông hắn phân vân, ngượng nghịu thế nào.
Chúng tôi lặng lẽ trở về nhà. Bà Franklin và Boyd Carrington về nhà sau chúng tôi một lát. Họ đã thăm dinh cơ Knatton, rồi đi Tadminster để bà Franklin mua bán gì đó.Và bà đã mua nhiều thứ, dỡ từ xe ra một lô hộp đựng hàng.
Bà có vẻ rất vui, cười nói luôn miệng, hai má đỏ hồng. Bà đưa Boyd Carrington cầm một gói hàng dễ vỡ, còn tôi cũng ôm giúp bà một số hộp.
– Trời nóng quá, bà nói, có lẽ sắp dông. Người ta bao có thể sẽ thiếu nước. Chưa thấy hạn như thế này bao giờ.
Bà nói tíu tít hơn thường lệ, ra vẻ nóng nảy. Quay sang cô Cole, bà hỏi:
– Chiều nay,ở nhà mọi người làm gì? Ông John nhà tôi đâu? Ông ấy nói hơi nhức đầu và định đi dạo. Ông ấy có mấy khi nhức đầu đâu. Chỉ tại quá lo lắng cho công việc thôi, nghe đâu không suông sẻ như ông mong muốn.
Rồi quay sang Norton:
– Sao anh im lặng thế? Có chuyện gì không hay? Trông anh có vẻ… ngơ ngác. Hay là đã bắt gặp hồn ma của một bà… bà nào?
Norton giật mình:

– Không, không. Bà yên tâm, chẳng có hồn ma nào. Tôi đang mải nghĩ mà thôi.
Đúng lúc đó, Curtiss đẩy xe lăn của Poirot vào, chuẩn bị ẵm nhà thám tử lên gác. Nhưng Poirot lần lượt nhìn mọi người, hỏi:
– Có chuyện gì vậy?
Một lát im lặng, rồi bà Franklin gượng cười, đáp:
– Không, chuyện gì đâu. Chỉ là… có lẽ trời dông đến nơi… tôi mệt quá. Đại úy hastings nhờ ông mang hộ các gói đồ lên gác. Ông tốt quá. Xin cảm ơn.
Tôi theo bà lên cầu thang. Phòng bà ở cuối dãy phía tây. Bà mở cửa và đứng ngừng ngay lại. Tôi đứng lại đằng sau, tay ôm đầy hộp.
gần cửa sổ, cô Craven đang xem bàn tay của Boyd Carrington. Ông này ngửng đầu lên, lúng túng giải thích.
– Cô Craven… xem tướng tay cho tôi. Cô ấy đoán cừ lắm.
– Thế ư! Bà Franklin đáp sẵng. Thế mà tôi không biết.
Xem ra bà không ưa thái độ của cô y tá. Bà nhìn cô một lúc, nói tiếp:
– Cô đỡ cho đại úy Hastings những gói đồ này chứ? Rồi đi pha cho tôi cốc sữa. Tôi mệt lắm rồi. Và cho tôi một ấm nước sôi để ủ. Chỉ muốn đi nằm ngay.
– Vâng, thưa bà.
Cô y tá tiến lên, đỡ những gói đồ. Mặt cô thản nhiên, không mảy may xúc cảm. Bà Franklin lại nói:
– Ông Boyd, ông về đi. Tôi mệt.
Boyd Carrington lo lắng:
– Chuyến đi vừa rồi là quá sức, phải không? Xin lỗi. Khỉ thật, lẽ ra tôi phải tính trước, không để cho cô quá mệt.
Bà Franklin mỉm cười một cách thánh thiện:
– Tôi có ý kiến gì đâu. Ông biết là tôi rất ghét kêu ca, phàn nàn.
Tôi chào bà rồi cùng ông Boyd Carrington đi ra. Tới hành lang, ông này nói:
– Tôi thật ngốc! Cô ấy vui vẻ, phấn khởi làm tôi quên mất sức khỏe của cô. Hy vọng ngày mai cô ấy lại hoàn tàn hồi phục.
– Sau một đêm nghỉ ngơi, tất sẽ phải thế – tôi đáp.
Boyd đi về phía cầu thang. Sau một giây lưỡng lự, tôi rẽ sang hành lang dài hun hút phía bên kia. Lần đầu tiên, tôi đến gặp Poirot một cách miễn cưỡng, vì đầu óc tôi còn ngổn ngang trăm mối, vẫn còn bị ám ảnh vì câu chuyện với Judith lúc trước.
Đi qua trước cửa phòng allerton tôi nghe có tiếng nói. Không hề có ý định nghe trộm, song tôi vẫn nán lại. Đột nhiên cửa mở, Judith từ đó đi ra. Nó sững người khi nhìn thấy tôi… Tôi không nói không rằng, nắm cánh tay nó lôi vào phòng tôi, lòng sục sôi căm giận.

– Sao con lại vào phòng người ta như thế?…
Mặt lạnh như băng, Judith nhìn tôi, không đáp. Tôi lay mạnh:
– Ba không muốn như vậy, con nghe chưa? Thật tình, con không hiểu mình đang làm gì! Vô ý vô tứ đến thế là cùng!
Cuối cùng, con gái tôi đáp, giọng cay chua:
– Này ba, đầu óc ba làm sao rồi đấy.
– Người lớn nói gì, con đều không nghe. Ít nhất thì chúng ta cũng phải giữ ý tứ, tôn trọng những quy tắc sơ đẳng. Judith nghe đây, ba cấm con không được đi lại với con người ấy. Hay con chối là con không phải lòng hắn?
– Con không chối gì hết.
– Con không biết hắn là người thế nào. Mà làm sao con biết được!
Tôi thong thả nói lại với Judith những gì tôi nghe được về Allerton, và kết luận:
– Thấy chưa, hắn là hạng người xấu xa thế đấy.
– Thì con có bảo anh ta là ông thánh đâu.
– Và sau những gì ba kể, con không nghĩ gì sao? Judith con không thể nào nào suy đồi đến thế.
– Ba muốn gọi thế nào cũng được, con không quan tâm.
– Judith, con… con…
Không thể nói nên lời nữa, tôi nắm mạnh cánh tay nó, nó vùng ra:
– Này ba, con muốn làm gì mặc con, ba đừng lớn tiếng vô ích. Đời con đi đến đâu là do con, ba không thể ngăn cản.
Và nó đi ra.
Chân tôi như muốn khuỵu, tôi ngồi phịch xuống ghế. Thật kinh khủng hơn tôi tưởng: con bé đã bị mê hoặc đến lú lẫn rồi. Và tôi chẳng có ai để cầu cứu: mẹ nó, là người duy nhất có thể khuyên bảo nó, đã chết rồi.
Có lẽ chưa bao giờ tôi cảm thấy đau khổ đến thế. Một lát sau, tôi dần bình tĩnh lại. Tôi đứng lên, đi cạo râu, thay quần áo để xuống ăn trưa. Có lẽ vẻ mặt tôi đã bình thường, vì không ai để ý cả. Một, hai lần, tôi thấy Judith nhìn tôi hơi khang khác. Chắc nó ngạc nhiên thấy tôi khéo che giấu những gì chất chứa trong lòng. Thật ra, cơn giận của tôi sôi lên, và tôi quyết định phải hành động. Chỉ cần can đảm và khôn khéo.
Sau bữa trưa, chúng tôi ra vườn, mọi người bàn chuyện thời tiết và cơn giông sắp tới. Liếc mắt, tôi thấy Judith biến đi, khuất sau góc nhà. Một phút sau, Allerton cũng từ từ đi theo hướng đó.
Tôi cắt đứt câu chuyện đang nói với Boyd Carrington và lảng ra theo. Norton giữ tay tôi lại, rủ tôi cùng đi dạo về phía vườn hồng. Nhưng tôi không chịu. Tuy nhiên, anh ta vẫn còn ở bên, tới lúc tôi đi tới góc quanh của ngôi nhà.
Họ đang ở đó. Tôi thấy Judith ngẩng đầu lên, và kẻ kia cúi xuống, ôm lấy Judith hôn. Nhưng bỗng họ rời nhau ngay.
Tôi tiến lên. Norton kéo tay tôi lại nói:
– Thôi nào, ông không nên…
Tôi gắt:
– A! Anh cho là như thế à?
– Vô ích, ông ạ. Đúng là chuyện không hay, nhưng ông không thể can nthiệp.
Tôi không đáp. Có thể anh ta nói thật lòng, nhưng tôi không thể đồng tình. Anh ta tiếp:

– Tôi biết, trường hợp này ông bực bội, tức giận đấy, nhưng điều duy nhất có thể làm được, là chịu bó tay.
Tôi không buồn tranh cãi, và để mắt nhìn ra xa. Không thấy Allerton và Judith đâu nữa, nhưng tôi biết chắc là họ đi đâu: tới gần cái nhà kính đổ nát.
Tôi rón rén lại gần. Hình như Norton vẫn đi sau tôi, tôi không biết rõ nữa. Tôi nghe tiếng Allerton:
– Thế nào, cô em, vậy ta nhất trí thế nhé. Mai, cô đi Luân Đôn, còn tôi nói là đi Ipswich một, hai ngày thăm bạn. Chiều cô sẽ gọi điện thoại về đây nói là không về kịp, thế thì ai biết được là cô đang cùng ăn với tôi ở nhà tôi? Sẽ rất thú vị, và cô sẽ không hối tiếc.
Một lần nữa, Norton lại giật tay áo tôi. Tôi quay trở lại và để anh ta kéo về nhà, làm như tôi đã nhượng bộ, chịu thua. Nhưng tôi biết tôi sẽ làm gì.
– Anh khỏi lo – tôi nói. Anh nói đúng: con cái đã lớn, không thể ốp chúng mãi.
Tôi thấy Norton có vẻ yên tâm. Tôi nói tôi nhức đầu, cần đi ngủ. Như vậy là anh ta không còn nghi ngờ gì ữa. Tôi dừng một lát trong hành lang. Chung quanh yên ắng, không một bóng người. Phòng của Norton cũng ở phía này, song anh ta đang ở lại dưới nhà. Elizabth Cole chơi bài. Curtiss đang ăn. Vậy tôi hoàn toàn rảnh tay.
Tôi mừng là đã từng cộng tác vói Hercule Poirot nhiều năm, nên đã học được tính chuẩn bị cẩn thận, chu đáo.
Allerton sẽ không gặp Judith ở Luân Đôn ngày mai. Hắn sẽ không bao giờ gặp. Vấn đề đơn giản một cách lạ kỳ.
Tôi vào phòng mình lấy một ống átpirin, rồi lọt vào phòng Allerton đi thẳng vào chiếc tủ trong buồng tắm. Những viên thuốc ngủ vẫn đặt ở chỗ thường lệ. Tôi nghĩ chỉ tám viên là đủ. Một hoặc hai viên là điều thông thường, tám viên nhất định chết người. Tôi liếc nhìn nhãn thuốc, trên đó ghi: “không dùng quá liều, nguy hiểm”.
Tôi thầm cười trong bụng. Tôi lót tay bằng chiếc mùi xoa, để khỏi để lại dấu vết, rồi mở nắp. Hai loại thuốc trông hệt như nhau. Tôi lấy ra tám viên thay vào đó tám viên átpirin. Lọ thuốc được trả lại y như cũ, Allerton sẽ không biết sự đánh tráo.
Tô trở lại phòng mình. Tôi có một chai uýt-ki, lấy nó ra, sắp sẵn hai cốc. Ai mời uống rượu tôi chưa thấy Allerton từ chối bao giờ. Khi nào hắn lên gác, tôi sẽ mời hắn uống.
Tôi thử hòa các viên thuốc vào rượu vào nếm thử. Có hơi đắng hơn bình thường một chút, nhưng khó nhận ra. Khi nào nghe tiếng Allerton lên, tôi sẽ làm như vừa rót đầy cốc, sẽ đưa hắn, còn tôi rót cốc khác. Thật dễ ợt và hoàn toàn tự nhiên.
Trừ khi Judith đã nói với hắn, hắn không thể nghi ngờ gì về thái độ của tôi đối với hắn. Vấn đề này làm tôi suy nghĩ một chút, song tôi kết luận là không sao. Chắc Judith chưa nói gì. Hắn càng không thể biết là tôi đã nắm rõ dự định của hắn cho ngày hôm sau.
Tôi chỉ còn đợi. Phải chịu khó kiên nhẫn, vì Allerton không bao giờ đi ngủ sớm. Tôi cứ ngồi yên vị trên ghế.
Tôi giật mình khi nghe thấy tiếng gõ cửa. Đó chính là Curtiss báo rằng Poirot muốn gặp. Poirot! Suốt buổi tối, tôi không nghĩ đến ông, và chắc ông đang muốn biết tôi đi đâu. Thật phiền. Trước hết tôi hối là đã không thăm hỏi ông, hơn nữa tôi không muốn làm ông nghi ngờ. Dù sao, tôi cũng đi theo Curtiss.
Vừa nhìn thấy tôi, Poirot nói ngay:
– A! Xem ra anh bỏ rơi tôi.
Tôi che miệng ngáp, mỉm cười vẻ nhận lỗi:
– Tôi nhức đầu quá nên phải nằm nghỉ sớm.
Poirot tỏ ra rất quan tâm, đề nghị tôi uống thuốc này thuốc nọ, rầy la tôi đã không giữ gìn, khéo bị cảm gió. Tôi nói đã uống átpirin rồi, nhưng vẫn phải uống cốc sữa nóng Poirot bảo Curtiss pha.
Tôi về phòng, đóng cửa thật mạnh để ai nấy nghe rõ. Nhưng ngay sau đó, tôi lại khẽ hé mở cửa, để rình lúc Allerton lên.
Tôi lại ngồi vào ghế, lan man nghĩ đến người vợ đã mất. Có lúc tôi lẩm bẩm:
– Em ơi, nhất định anh phải cứu lấy nó.
Nàng đã để Judith lại cho tôi chăm lo, tôi không có quyền rũ bỏ trách nhiệm. Trong đêm thanh vắng, tôi cảm thấy người vợ yêu quý vẫn ở bên tôi.
Và tôi tiếp tục ngồi đợi


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.