Bạn đang đọc Thám Tử Rời Sân Khấu – Chương 11: Theo Tôi, Không Có Gì Buồn Hơn Là Sự Suy Thoái Của Tuổi Già. (10)
Vào sáng hôm sau thì phải, trước giờ điểm tâm, có một cuộc trò chuyện làm tôi suy nghĩ.
Có bốn người: Judith, Boyd Carrington, Norton và tôi. Tôi không nhớ bắt đầu ra sao, mà chuyện xoay sang bàn về việc thay thuốc giúp người bệnh mau chết để tránh đau đớn vô ích. Như thường lệ Boyd là người nói nhiều nhất. Norton thỉnh thoảng chêm một câu, và Judith im lặng chăm chú nghe. Ý kiến của tôi là không tán thành việc đó, dù có biện luận thế nào. Nếu mọi người chấp nhận cách làm ấy, là đặt vào tay những người thân của bệnh nhân quyền quá lớn. Norton đồng ý với tôi, và thêm rằng chỉ khi nào người bệnh khẩn khoản yêu cầu, hơn nữa bệnh nhân đằng nào rồi cũng chết, thì mới được phép giúp cho chết mau không đau đớn. Boyd Carrington nói:
– Song người bệnh có bao giờ thực lòng mong “giúp tôi chết đi cho xong” không?
Và ông kể một chuyện mà ông cam đoan có thực. Một bệnh nhân nó bị ung thư, rất đau đớn về thể xác, yêu cầu bác sĩ cho uống hoặc tiêm thuốc gì để “chết ngay cho xong”. Bác sĩ trả lời mình không được phép làm như vậy. Tuy nhiên, trước khi đi ra, ông chủ ý để vừa tay với của bệnh nhân một số viên moóc-phin, và dặn là đừng uống quá liều, sẽ nguy hiểm. Vậy người bệnh nếu muốn, đã có thể uống hết số thuốc ấy cho “xong chuyện”. Song người đó không làm như thế, chứng tỏ rằng mặc dù đau đớn và nói ra miệng làm muốn chết, nhưng anh vẫn bám lấy cuộc sống.
Judith bây giờ mới cất tiếng lần đầu, giọng kiên quyết:
– Tất nhiên! Và lẽ ra không nên để anh ta tự quyết định.
– Cô muốn nói gì? Boyd Carrington hỏi.
– Một người quá yếu sức vì bệnh tật và đau đớn làm gì còn ý chí để tự quyết định. Ta phải quyết định hộ anh ta. Đó là trách nhiệm của những người thân xung quanh.
– Trách nhiệm…? Tôi sửng sốt hỏi.
Judith quay về phía tôi:
– Phải, con nói trách nhiệm. Cần phải có một người sáng suốt chịu trách nhiệm hành vi.
Boyd Carrington lắc đầu:
– Để rồi phải ra tòa vì tội giết người?
– Không nhất thiết. Vả lại, khi đã thực sự yêu ai, ta sẵn sàng chịu mạo hiểm.
Norton nói chen:
– Không được, như thế là một trách nhiệm rất nặng nề.
– Tôi không nghĩ như vậy. Con người hay quá sợ trách nhiệm. Nếu là con chó, ta sẵn sàng đập cho nó chết, tránh đau đớn. Với người, sao không được?
– Hoàn toàn khác nhau.
– Phải, vì nó quan trọng hơn nhiều – Judith tuyên bố rành mạch.
– Cô làm tôi phát sợ – Norton lý nhí.
– Vậy là cô dám mạo hiểm quyết định thay – Boyd Carrington nói.
– Tôi dám. Tôi không sợ mạo hiểm.
– Tôi thì không. Không thể cho ai cái quyền định đoạt sống, chết của một con người.
Norton nói:
– Trên thực tế, không ai dám đảm nhận một trách nhiệm như vậy.
Anh ta cười, nhìn Judith.
– Và tôi không tin là khi việc ấy xảy ra, cô có can đảm…
– Tất nhiên, không ai nói trước được điều gì. Nhưng tôi tin mình có đủ can đảm.
– Tôi không tin. Trừ khi cô có lợi lộc gì để làm việc ấy.
Judith đỏ mặt, đáp lại một cách gay gắt:
– Anh nói vậy vì anh chẳng hiểu gì hết. Nếu vì lý do riêng, tôi lại không làm!
Rồi quay sang mọi người:
– Nếu làm thì làm một cách khách quan, không vụ lợi.
– Dù sao, cô sẽ không làm. – Norton vẫn cãi.
– Làm. Trước hết tôi không coi cuộc sống là một cái gì thiêng liêng như thiên hạ thường nói. Sống mà vô ích thì nên biến. Chỉ những người đóng góp gì cho xã hội mới được phép sống.
Judith quay ngoắt đầu, nhìn Boyd Carrington.
– Ông đồng ý với tôi, phải không nào?
– Về nguyên tắc, tôi đồng ý. Boyd đáp chậm rãi. Chỉ những người đáng sống mới được sống.
Norton lại chen vào:
– Nhiều người có thể sẽ tán thành lý thuyết của các vị, nhưng khi thực hiện thì…
– Như vậy là không lô-gích! Judith cãi.
– Tất nhiên không lô-gích, vì đây chỉ là vấn đề dám hay không dám. Cho tôi nói thật, cô cũng vậy thôi. Đến lúc ra tay, cô sẽ không dám đâu.
– Anh cho là thế?
– Chắc chắn.
Boyd Carrington nói:
– Tôi, tôi thì tôi cho là anh Norton lầm. Judith có thừa dũng cảm. Nhưng may mắn thay, cơ hội để thực hiện rất hiếm!
Trong nhà, tiếng cồng bỗng vang lên. Judith đứng dậy, còn nói vớt mấy câu với norton.
– Anh nhầm hoàn toàn. Tôi có can đảm nhiều hơn anh tưởng.
Nó quay gót và đi nhanh vào nhà. Boyd Carring ton chạy theo:
– Judith! Chờ tôi với.
Tôi cũng đi vào. Không hiểu sao tôi thấy lòng bâng khuâng. Norton rất nhạy trọng việc đoán tâm trạng người khác, an ủi:
– Cô ấy nói vậy thôi. Đó là loại lý thuyết mà ta thường có khi còn trẻ nhưng, lạy trời, không đem ra thực hiện.
Hình như Judith nghe thấy, vì nó quay đầu lại, nguýt dài:
Norton hạ giọng nói tiếp:
– Ta chẳng nên lo lắng về thuyết này thuyết nọ. Nhưng này, ông Hasting…
– Gì cơ?
Anh ta có vẻ ngập ngừng:
– Tôi không muốn xem vào chuyện người khác. Tuy nhiên… hờ… ông biết gì về Allerton?
– Allerton dính gì đến chuyện này?
– Xin lỗi về lời đường đột, nhưng thật lòng, ở địa vị ông, tôi sẽ không để con gái cặp kè với cậu ta. Cậu ta… tiếng tăm không hay lắm.
– Tôi hiểu anh ta là hạng người nào rồi – tôi chua chát. Nhưng, thời bây giờ, không dễ…
– vâng, tôi hiểu. Người ta bảo, bây giờ con gái có quyền tự lập, biết tự giữ mình. Đúng thôi. Song… Allerton có mẹo riêng… rất chu đáo. Và thường đạt kết quả.
Sau một chút do dự Norton nói tiếp:
– Tôi tự thấy mình có bổn phận nói trước ông biết, thế thôi, ông đừng cho ai biết việc tôi sẽ kể đây. Vì tôi có biết một chuyện tồi tệ liên quan đến hắn.
Chuyện Norton kể, sau này tôi kiểm tra lại, là đúng. Đó là một cô gái hiện đại, tự lập, tự tin. Và Allerton đã thi thố “mẹo” của hắn. Vài tháng sau, cô gái tự tử bằng một liều thuốc ngủ.
Điều kinh hãi trong chuyện này là cô gái đó tính tình giống Judith. Loại con gái độc lập, không sợ ai, một khi đã hiến trái tim cho ai thì hiến hết lòng.
Tôi đi ăn sáng mà lòng trĩu nặng môt linh cảm hãi hùng.