Đọc truyện Thám Tử Kỳ Duyên – Chương 30
Chương 30
—
Bóng đèn bị vỡ, âm nhạc tắt ngúm. Căn phòng trở nên tối om. Vừa xảy ra sự cố chập điện. Những ánh mắt trong đêm mò mẩn. Có tiếng người nói với nhau…
(…)
Sự cố nhanh chóng được khắc phục. Nhạc lại nổi lên. Mọi người tiếp tục la ó. Khôi Nguyên kéo người đàn ông vừa bắt tay ra bên ngoài nói gì đó rất mau, sau đó quay trở lại chỗ tôi đang ngồi, từ từ thưởng thức chai bia nữ phục vụ vừa mới mang ra. Tiếng nhạc ồn ào khiến chúng tôi không thể nói chuyện với nhau được. Sau một hồi bị tra tấn màng nhĩ, Khôi Nguyên đã chở tôi đi ăn đêm, rồi về lại căn nhà trên đồi trà.
Bóng đêm đậm đặc đã trở lại với khu đất ma quái đó. Mặt trăng méo mó, ánh trăng nhợt nhạt như mặt xác chết. Những đám mây bay với tốc độ hối hả, lướt qua… lướt qua… Tiếng côn trùng ếch nhái im bặt. Mùi hăng của tà khí xông lên nồng nặc. Khí trời buốt như cắt da, cắt thịt. Sương đậm ngấm vào môi, tôi có cảm giác thịt chỗ miệng đang nẻ ra, và cảm giác lờm lợn trong cổ họng. Có tiếng sáo văng vẳng trong màn đên luồn sâu những lối mòn hun hút.
– Khôi Nguyên, anh nghe thấy gì không?
Tôi bấu vào cánh tay anh ấy.
– Tiếng sáo.
– Nó từ đâu vậy?
– Từ rất xa, có lẽ phía bên kia đồi có người thổi sáo vọng về đây.
– Tôi sợ quá Khôi Nguyên à!
– Bình tĩnh Ngọc Diệp. – Khôi Nguyên nắm chặt lấy tay tôi.
Cái am thờ màu đỏ gạch đứng trơ trọi. Cơn gió rít qua vuốt lên mái tóc đen huyền của tôi, tôi cảm thấy như có bàn tay vừa nghịch ngợm. Những cây trà rung lên bần bật như muốn bức gốc. “u… u… u…” tiếng gió luồn qua khe núi. Từ xa xa vẳng về tiếng chó hú. Mây đang lướt rất nhanh trên đỉnh đầu, đột nhiên đứng lại, không gian như bức quang phổ cứng đờ. Trong trí tưởng tượng của tôi, một cái bóng trắng cao quá khổ đang ngồi trên am, người con gái mang áo dài trắng, mái tóc u huyền chảy xuống, cô gái không có chân… thế rồi cô ta lướt đi trên những cây trà… Xương sống tôi lạnh buốt, tóc gáy dựng lên, da gà nổi cộm. Tôi rùng mình.
– Sao tự nhiên tay cô lạnh vậy Ngọc Diệp?
– Tôi không biết nữa Khôi Nguyên à! Tôi sợ… rất sợ.
– Đừng lo lắng Ngọc Diệp, sắp về đến nhà rồi. Có chị đây!
Giọng Khôi Nguyên bỗng thay đổi làm tôi kinh người, cái giọng trỏng trỏng đó tôi đã nghe một lần. Người đang nắm tay tôi có mái tóc dài, bàn tay con gái lạnh như băng. Người đó từ từ quay đầu lại…
– Á…!
Tôi la hét, giãy dụa. Mồ hôi ướt sũng cả người. Tôi vừa trải qua một giấc mơ. Từ chỗ quán nhạc rock trở về, tôi đã thiếp đi lúc nào chẳng biết Khôi Nguyên nằm bên cạnh tôi, anh ấy cũng giật mình tỉnh giấc. Tôi ôm lấy anh ấy, miệng nói như bấn loạn:
– Tôi đã gặp… gặp cô ấy… gặp… khủng khiếp lắm… khủng khiếp lắm Khôi Nguyên à!
– Không phải chỉ có cô đâu, tôi cũng vừa nằm mộng thấy cô ấy.
– Anh đã gặp những gì hả Khôi Nguyên?
– Tôi đang nắm tay cô lên đồi trà, khi đi qua am, tôi ngoái lại thì thấy mình đang nắm tay cô ấy.
– Trời ơi! Tôi cũng nằm mơ như vậy. – Tôi thốt lên.
– Đã 12 giờ đêm rồi. Cô hãy ngủ lại đi. Đừng có ám ảnh quá, giống như tôi vậy này.
– Khôi Nguyên, hãy ôm tôi đi! Ôm thật chặt vào.
Anh ấy đã ôm lấy cơ thể tôi, như tôi yêu cầu. Tôi cảm nhận được rất tường tận hơi ấm từ cơ thể anh truyền sang tôi. Tôi nằm trong ngực ảnh mềm mại, như con chim non bé bỏng nằm lọt trong lòng mẹ. Khôi Nguyên vuốt ve mái tóc nhung mượt của tôi, môi anh ấy hôn lên trán tôi, ngực ép sát vào người tôi, chúng tôi cứ như vậy mà ngủ.
—
Sáng sớm ngày hôm sau, Khôi Khuyên đã gọi điện thoại cho anh Quốc Việt. Nhờ anh ấy liên hệ khẩn trương với bên tổng công ty điện lực , lấy cho anh ấy những hóa đơn sử dụng điện của căn nhà trên đồi trà, những hóa đơn trong khoảng thời gian từ năm 1985 cho đến nay. Khôi Nguyên lại càng nghi ngờ về mục đích ông Trịnh Vỹ mua ngọn đồi và cho xây dựng căn nhà, theo anh ấy là quá tốn kém. Chi phí bỏ ra để xây lắp những cột trụ dẫn điện lên đồi trà là không nhỏ chút nào. Nhất định phải có một mục đích rất lớn, chứ không thể đơn giản là để cách ly mụ Thùy Dung, như dự định ban đầu của ông Trịnh Vỹ, theo lời kể của bà Hiền. Đến 10 h 30 phút, có một người đến tìm chúng tôi. Đó chính là người đàn ông tối hôm qua chúng tôi gặp tại quán nhạc rock. Khôi Nguyên nhờ ông ta đến để quan sát căn nhà. Sau một hồi kiểm tra mọi ngóc ngách của căn nhà, người đàn ông đó lắc đầu nói:
– Khôi Nguyên à! Không phải đâu.
– Anh khẳng định chắc chắn sao?
– Tôi đã từng lăn lộn với nghề này bao nhiêu năm cậu cũng biết mà.
– Tôi hiểu rồi. Cám ơn anh!
Ngồi lại nói chuyện phiếm với nhau thêm một lát nữa, thì người đàn ông đó ra về. Khi ông ta đi rồi, tôi mới hỏi Khôi Nguyên:
– Người đó là ai vậy?
– Một chuyên gia trong thế giới ngầm đấy.
– Anh chơi với những người như vậy sao?
– Anh ta đã hoàn lương rồi.
– Anh mời anh ta đến xem nhà làm gì vậy?
Tiếng chuông điện thoại trong túi áo Khôi Nguyên vang lên. Khôi Nguyên nghe điện thoại.
– Alo(…) ồ!(…) Tốt lắm! (…)
Kết thúc cuộc điện thoại, tôi mới hỏi Khôi Nguyên:
– Là anh Quốc Việt phải không?
– Không, là đội thám tử nhí của tôi đấy. Bọn nhỏ báo lại, đã nghe được tin tức của Bính Lù. Bọn nhỏ đã trà trộn vào những quán cà phê đầu gấu, những sòng bạc, và những bến xe… chúng xuất hiện với thân phận là “nhân viên” bán báo, đánh giày, bán vé số… để tiếp cận mục tiêu và nghe ngóng. Cuối cùng cũng nghe được tin quan trọng, Bính Lù hiện đang trốn tại một sòng bạc, số 115 đường Đào Duy Từ. Tôi phải cùng đi với Quốc Việt đến đó một chuyến mới được.
– Cho tôi theo với.
– Không được đâu, như thế nguy hiểm lắm!
– Tôi thấy ở lại căn nhà này mới là nguy hiểm. Hãy cho tôi theo, tôi sẽ ở bên ngoài chờ các vào bắt ông ta đem ra.
– Như thế cũng được. Cô chuẩn bị đi, tôi sẽ gọi cho Quốc Việt.
—
12 h 45’ Chúng tôi: tôi, Khôi Nguyên và anh Quốc Việt đến căn nhà số 115 đường Đào Duy Từ. Tôi ở bên ngoài quán cà phê gần đó, để đợi hai ảnh. Khôi Nguyên cùng với anh Quốc Việt vào căn nhà, – đó là một sòng bài hoạt động lén lút, – Khoảng 10 phút sau hai ảnh trở ra với kết quả không như ý muốn. Hình như, Bính Lù đã biết được chỗ lẩn trốn của mình bị phát hiện, nên đã bỏ trốn trước khi chúng tôi tìm đến. Buổi sáng ngày hôm đó, coi như công cốc. Khôi Nguyên vẫn giữa được thái độ điềm tĩnh, còn anh Quốc Việt thì điên tiết nói:
– Hừ, rõ ràng là chúng đã được báo tin. Nhưng, làm sao chúng có thể biết được nhỉ? Thật là vô lý. Trước khi đi, tớ chưa hề nói cho ai biết cả. Cái gã Bính Lù này làm tớ thấy bực mình rồi đó. Trước sau gì tớ cũng thộp được gã cho xem.
– Chỉ có một khả năng thôi. Bọn chúng luôn để mắt đến chúng ta. Khi tổ chức sòng bài, để tránh bị truy quét, chúng đã cho người cài ở những chốt canh. Khi thấy người lạ đáng khả nghi, xuất hiện trong con hẻm, những tên lính canh này sẽ cấp báo về cho bọn đầu nậu và những con bạc tìm đường tẩu thoát.
– Không ngờ kinh nghiệm đầy mình rồi mà vẫn dính.
– Thôi, cậu đừng tự trách mình nữa. Ngay cả tớ cũng quá bất cẩn còn gì. Nhiệm vụ của chúng ta bây giờ không phải là đay nghiến những sai lầm, mà là khắc phục hậu quả, chuyển hướng hành động. Cậu yên tâm, nhất định chúng ta sẽ bắt được con chuột nhắc đó.
– Ừm, nhất định rồi.
– À, về chuyện liên hệ với bên để tìm hóa đơn cho tớ, cậu giúp tớ làm khẩn trương nhé! Tớ cần gấp lắm!
– Nhưng, cậu cần những thứ hóa đơn đó để làm gì?
– Tớ sẽ nói cho cậu biết sau. Hiện tại tớ đang muốn kiểm tra, đối chiếu một số thứ.
– Được rồi. Tớ sẽ mau chóng lấy về cho cậu.
—
Sau cuộc truy bắt không thành Bính Lù, Khôi Nguyên và tôi tạm biết anh Quốc Việt. Chúng tôi đi mua hai bộ võ phục Karate-Do với cả phù hiệu đầy đủ. Khôi Nguyên chở tôi đi siêu thị mua ít đồ về dành để nấu buổi tối. Còn bữa trưa thì chúng tôi đành ăn bụi. Cả buổi chiều hôm đó Khôi Nguyên ngồi ở ghế sofa suy nghĩ không dứt. Anh ấy hết bấm chóp mũi, lại đứng lên đi qua đi lại trong phòng khách.
—
Sáng sớm hôm sau, anh Quốc Việt mang đến cho Khôi Nguyên những hóa đơn sử dụng điện. Đưa xong những hóa đơn đó thì anh Quốc Việt chào tạm biệt chúng tôi đến cơ quan. Khôi Nguyên ngồi ngay xuống ghế sofa, xem và đối chiếu những hóa đơn sử dụng điện, mà anh Quốc Việt vừa mới đưa cho ảnh. Xem được một chặp, Khôi Nguyên lắc đầu, có vẻ không vừa lòng cho lắm.
– Anh không tìm thấy gì sao?
– Mọi thứ đều bình thường, lạ thật!
– Tôi không hiểu gì cả. Anh làm tôi tò mò quá.
– Cô nhớ cái ông chủ quán nhạc rock chứ?
– Mới đây mà, làm sao tôi quên được.
– Người đó từng là “nông dân” trồng cần sa chuyên nghiệp đấy. Tôi mời đến để xem thử căn nhà này có thể được dùng để trồng cần sa không. Vì tôi thấy không gian ở phòng khách này quá lớn. Hôm qua, sau khi vô tình nhắc đến giá trị của cỏ dại, tôi đã liên tưởng đến việc: Ông Trịnh Vỹ và đám người Hoa kia đã dùng đồi trà, và cụ thể là căn nhà này để trồng cần sa.
– Ồ, liên tưởng cũng khá thú vị đấy!
– Nhưng kết quả thì không đúng như suy đoán của tôi. Cô cũng nghe thấy anh ta nói rồi đó. Và những hóa đơn này cũng vậy, tôi đã nghĩ đến chuyện trồng cần sa thì mức sử dụng điện sẽ cao một cách đáng kể. Nhưng mức điện từ nằm 1985 cho đến 1985 không cao đến mức khiến người ta phải đặt nghi vấn. Vậy thì, họ đã trồng cần sa bằng cách nào?
– Ừm. Rốt cuộc mục đích thực sự của ông Trịnh Vỹ là gì nhỉ? Tôi cảm thấy khó hiểu ở đám người Hoa kia. Tại sao họ lại ở chung với nhau, và thuê căn nhà của ông Trịnh Vỹ, hơn nữa, còn có quan hệ khá mật thiết với ông ấy theo như bà Hiền nói.
– Tất nhiên là phải có động cơ. Tôi dám khẳng định bọn họ đã làm điều gì đó mờ ám trên ngọn đồi này.
—
Buổi tối rất khuya cùng ngày, tôi và Khôi Nguyên đã quyết định sẽ đột nhập nhà mụ Thùy Dung. Lúc đầu, tôi ngăn cản việc đó, nhưng Khôi Nguyên nhất định không nghe. Chúng tôi mang theo một thang xếp và một cái thang dây. Đến nơi ở của mụ Thùy Dung là đúng 2 h đêm. Chúng tôi đến chỗ bức tường cao chót vót phía sau nhà, trên đỉnh tường cắm đầy mảnh chai. Khôi Nguyên kéo thang xếp ra, rồi buột tiếp cái thang dây lên đầu thang xếp. Tôi tò mò hỏi anh ấy:
– Tại sao phải làm vậy?
– Khi leo vào sẽ dùng thang xếp, nhưng khi leo ra thì dùng thang dây. Cô nghe tôi dặn đây, giữ chân thang cho tôi thật chặt, hãy tựa lưng vào mà giữ, nhất định không được rời ra khỏi cái thang, cho đến khi tôi ra được bên ngoài. Nếu cô không làm đúng theo những gì tôi nói thì tôi có thể sẽ bị làm mồi cho con Rott đấy! Khi đó làm ma tôi cũng không tha cho cô đâu.
– Eo ơi! Chưa vào được bên trong mà anh làm ghê quá!
– Ai chứ với người đãng trí như cô tôi nghi lắm!
– Nhưng anh nặng vậy tôi giữ đầu này có được không?
– Tôi có nặng lắm cũng không hơn cô được đâu đồ ham ăn à!
– Anh dám… – Tôi nhéo…ooo vào vai anh ấy.
Khôi Nguyên leo vào bên trong nhà mụ Thùy Dung. Tôi ngồi bên ngoài giữ riệt cái thang, trong tâm trạng bồi hồi lo lắng. Khôi Nguyên vào trông được mười lăm phút thì tôi nghe thấy tiếng cho sủa inh ỏi phát ra từ bên trong. Tôi nghe thấy tiếng bước chân chạy vội vã, kèm theo những tiếng vỡ loảng xoảng… tôi thắt tim hồi hộp. Cái thang rục rịch, phút chốc Khôi Nguyên đã leo ra được bên ngoài. Khôi Nguyên nhanh như chớp cầm lấy cái thang với một động tác nhanh gọn gấp nó lại. Anh ấy khẩn trương đưa cái thang cho tôi cầm rồi mau lẹ nổ máy chiếc cào cào.
– Nhanh lên Ngọc Diệp! – Tôi nhảy gấp lên xe, ôm theo cái thang. Chiếc cào cào vọi đi, sau lưng là tiếng chó sủa ầm ĩ.
—
Chúng tôi phải giấu chiếc cào cào vào lại lùm cây, rồi đi bộ lên nhà. Vào nhà, Khôi Nguyên đặt cái thang dựa vào bên cửa, ngã người nằm xuống ghế sofa. Tôi tò mò chạy đến hỏi anh ấy:
– Có chuyện gì đã xảy ra vậy?
– Mụ ta còn thức Ngọc Diệp à.
– Còn thức ư! Mụ ta đang làm gì?
– Mụ ngồi trước sân nhà, chơi với mấy con mèo.
– Trời ơi! Mụ điên rồi.
(…)
Chúng tôi ngồi bàn về mụ Thùy Dung. “Cạch” – cánh cửa bị bung ra, gió thổi qua khe làm tấm rèm che tốc lên.
– Khi nãy cô vào quên đóng cửa rồi Ngọc Diệp.
– Tôi nhớ mình đã đóng rồi mà.
– Đi đóng lại đi!
Tôi đứng dậy đi đóng lại cánh cửa, nhưng khi tôi khép cửa lại thì có một lực đẩy về phía tôi, gió thổi vào tấm rèm che cửa đủ cho tôi nhìn thấy bên ngoài…
– Á…
Tôi chạy lại với Khôi Nguyên, ôm cứng lấy cánh tay anh ấy.
– Chuyện gì thế?
Một tiếng kêu cắt đứt không gian như cắt tờ giấy trắng. Mụ Thùy Dung lù lù đứng trước mắt chúng tôi. Mụ liếc nhìn qua bên góc cửa, nơi để cái thang xếp. Mụ mặc trên người vẫn bộ đầm đỏ máu, móng tay và móng chân mụ đã dài hơn… sơn môi và móng tay đỏ lói. Cơ thể béo núc của mụ căng ra, mái tóc uốn lọn ngắn chỉ đến dái tai đen bóng mỡ, mụ đã cắt tóc ngắn. Mụ vừa bước vào tôi đã ngửi thấy mùi tanh tưởi, da thịt tôi như đóng băng tê buốt, tôi nuốt nước miếng vì cổ họng đã cứng lại. Da của mụ trắng bủng như xác chết trôi, tôi có cảm tưởng chỉ cần mình chọt ngón tay vào đó nó sẽ lún xuống, như người ta dùng đũa chọt vào cái bánh trôi nước vậy. Hai mắt mụ trợn dọc như con búp bê, mụ nói bằng thứ thanh âm khàn đục:
– Các con vừa đến thăm mẹ, sao lại về sớm thế? – Mụ ta nhe hàm răng đen sì gớm guốc.
– Bà cũng khá thông mình đấy. – Khôi Nguyên đáp lại mụ.
– He he he he… – Điệu cười của mụ giống hệt yêu tinh, phù thủy.
– Bà đến đây có chuyện gì không? Xin lỗi vì không có trà để mời bà.
– Mẹ đến xem tụi mày sống như thế nào đấy mà. Mẹ thấy cũng đã đến lúc rồi đấy… he he he he…
– Bà biến ngay đi trước khi tôi bẻ gãy cổ bà, con mụ thối tha kia. – Khôi Nguyên nạt lớn để dọa mụ.
– He he he he…
Mụ cười một tràng dài rồi bỏ đi. Tôi vẫn còn chưa hết run sợ, ôm chặt cánh tay của Khôi Nguyên.
—
Sự cố đêm hôm đó, khiến tôi và Khôi Nguyên không thể ngủ được nữa. Tôi thì sợ chết khiếp rồi, còn Khôi Nguyên ngồi ở ghế sofa lấy quyển sổ tay ra ghi chép, khoanh vùng, rồi suy luận. Sau một hồi tập trung rất lâu, Khôi Nguyên đứng dậy nói với tôi:
– Ngọc Diệp, lấy cây đàn guitar xuống đây cho tôi nào!
Tôi ngạc nhiên, nhưng không hỏi anh ấy muốn lấy đàn để làm gì. Tôi mang cây đàn xuống cho ảnh.
– Đàn đây! – Ánh mắt tôi tò mò.
– Cô chưa bao giờ nghe tôi chơi đàn đúng không.
– Anh biết chơi đàn ư? Thật không đấy?
– Xạo với cô làm gì. Có lẽ nên dùng nó để khử cái “mùi xú uế” kia đi.
– Đúng á! Coi như trừ tà.
– Biết chơi thì còn có thể nói vậy được, chứ đánh đàn như cái ông Bính Lù đó, thì có mà gọi rắn vào nhà.
Khôi Nguyên ngồi bắt chéo chân, ôm cây đàn guitar rất bài bản. Ảnh bấm hợp âm rồi dùng ngón tay cái rải từ trên xuống. “Roàng…”
– Dây sai bét rồi. – Nói rồi Khôi Nguyên vặn vặn bộ khóa canh lại dây đàn.
Mọi thứ đâu vào đó, anh ấy mới quay sang nói với tôi, khi đó tôi đang ngồi bên cạnh ảnh.
– Tôi sẽ hát tặng cho cô một bài. Cái bài đó có tên là gì nhỉ? À… tôi nhớ rồi. Bài “Lâu đài tình ái”.
Tôi đang rất tò mò, muốn biết ảnh đánh đàn và hát như thế nào. Vì chưa bao giờ tôi nghe ảnh hát cả.
Những nốt nhạc đầu tiên vang lên giống như những giọt sương mai long lanh rơi xuống mặt băng trong suốt… “tinh… tinh…. tinh…” Rồi tiếp đến những nốt trầm lặng ấm áp nghe rất phê rót vào màn nhĩ. Khúc dạo đầu nhẹ nhàng từ tốn… luyến láy mới thật điệu nghệ. Những ngón tay thon dài lả lướt trên phím đàn… tư thế ngồi của người nghệ sĩ mới thật phong nhã cao quý… Rồi giọng hát trầm cất lên:
“Anh sẽ vì em làm thơ tình ái
Anh sẽ gom mây kết hình lâu đài…”
Từng lớp vỏ bọc ca từ được xướng lên chắc rõ. Từng chữ từng chữ như mật rót vào lưỡi, như cà phê sữa quyện vào quyện vào… như đường mía đang ngậm trong miệng rất lịm…
“Chuyện tình mình chưa nghe lừa dối.
Lời hẹn đầu chưa đi vào tối
Thì lâu đài mang tên tình ái
Đón hai đứa chúng ta mà thôi…”
Khôi Nguyên đàn và hát rất hay, khiến lòng tôi xao xuyến. Tôi ngất ngây trong sự lãng mạn. Vì ảnh vừa đánh đàn vừa hát, vừa gửi trao đến tôi ánh mắt tình tứ. Khôi Nguyên đã hát xong rồi mà tôi vẫn còn đê mê chưa tỉnh. Bài nhạc trong trẻo tươi sáng ấy đã thắp sáng lên tâm hồn tôi trong lúc đầy cam go và sợ hãi. Khôi Nguyên, ảnh bỏ đàn xuống ghế, ngồi lại gần bên tôi, vòng tay ôm nhẹ tôi vào lòng. Bờ môi anh ấy cứ thích lục tìm bờ môi tôi, đã ngậm được môi tôi thì anh cứ tha hồ mà khám phá. Tôi ngấm vị ngọt của tình yêu trong lưỡi. Một cảm giác sung sướng khó tả khi ảnh vuốt ve tấm lưng mềm mại của tôi, tôi cũng vòng tay ôm lấy lưng ảnh… tôi nhắm mắt hưởng thụ, ảnh hôn tôi bạo đến mức đè tôi nằm cứng trên ghế sofa. Sau màn hôn nhau, chúng tôi lên giường đánh một giấc từ 4 h sáng đến 10 h.
—
Sau khi đã ăn xong buổi điểm tâm, chúng tôi ngồi uống trà nói chuyện phiếm. Chúng tôi tạm thời lãng quên công việc điều tra. Khôi Nguyên kể cho tôi nghe những câu chuyện cười khiến tôi cười muốn vỡ cả bụng. Ảnh thì không bao giờ cười, khi ảnh kể chuyện mặt ảnh vẫn lạnh. Tôi biết đó chỉ là lớp vỏ bên ngoài của ảnh, thực sự với ảnh, giống hệt một tảng băng bên trong lỏi là một ngọn lửa cháy rừn rực. Cũng buổi sáng hôm đó, với tài năng của mình… Khôi Nguyên đã tìm ra được một mảnh ghép, một phát hiện đánh dấu cho bước ngoặc của vụ án mà chúng tôi đang theo đuổi. Mảnh ghép đó là gì?