Thâm Cung

Chương 99


Đọc truyện Thâm Cung – Chương 99


Đã lâu rồi hậu cung mới có một ngày náo nhiệt như vậy.

Liễu thục phi trong lúc kích động đã đả thương hai phi tần, còn làm một phi tần khác động thai, thực chẳng phải chuyện nhỏ.

Hoàng hậu nương nương vừa nghe tin đã vội vàng dẫn thái y chạy đến Lạc Mai cung ngay tức khắc.

Chúng phi cũng nhanh chóng tề tựu đủ mặt.

Ai cũng háo hức muốn xem Liễu thục phi hôm nay làm sao thoát nổi kiếp nạn này.

Chẳng để chúng phi phải thất vọng, hoàng đế bãi triều xong liền xuất hiện.
Khi trước hoàng đế đã nhiều lần cảnh cáo Liễu Yến Yến không được gây sự với Minh Du.

Thế mà hôm nay, nàng ta lại gây ra chuyện động trời như vậy, chẳng khác nào khi quân phạm thượng.

Hoàng đế không muốn nổi giận cũng không được.

Mà con người Liễu Yến Yến cũng thực ngu xuẩn.

Thái y đã nói Minh Du chỉ bị kinh động một chút, thai rồng vẫn còn đó.

Liễu Yến Yến chỉ cần nhỏ vài giọt nước mắt, nói mình vô tình lỡ tay rồi thành khẩn nhận lỗi là xong.

Hoàng đế cưng chiều nàng ta nhất, ắt cũng sẽ mắt nhắm mắt mở khiển trách vài câu rồi cho qua.

Ấy thế mà Liễu Yến Yến vẫn gân cổ lên cãi bướng.

Việc đã đến nước này mà nàng ta vẫn khăng khăng kêu rằng mình không hề đẩy Minh Du, là Minh Du tự té xuống đất.

Tiệp Tuyết căm tức Liễu Yến Yến đã lâu, giờ nghe nàng ta ngang nhiên chối tội tất nhiên không chịu nổi, phải xông ra đòi lại công bằng.

Trước long nhan mà để hai bên cãi nhau ầm ĩ thì còn ra thể thống gì? Rất may, ở hiện trường khi ấy còn một người nữa.
Ta đã cố ngồi yên lặng trong một góc khuất, trán sưng đau cũng chẳng dám nhờ thái y xem, thế nhưng chạy trời vẫn không khỏi nắng.
Hoàng hậu thong thả lên tiếng: “Hiền phi, muội nói xem, rốt cuộc sự việc thế nào?”
Tiệp Tuyết khẩn khoản: “Hiền phi nương nương, xin hãy nói một lời công bằng!”
Liễu Yến Yến gầm gừ: “Hiền phi, chớ nói càn.”
Một giọt mồ hôi lăn dài bên thái dương ta.

Ta lấm lét ngước nhìn hoàng đế, nhưng lại chẳng thể dò đoán được gì từ gương mặt lạnh lùng kia.

Sau một thoáng đắn đo, ta đành gật đầu xác nhận lời tố tội của Tiệp Tuyết.

Liễu Yến Yến khó dễ ta bao lâu nay, ta vì sợ làm hỏng đại sự của hoàng đế mà chẳng dám động đến nàng ta.

Nay nàng ta lại gây ra chuyện lớn nhường này, nhân chứng đầy đủ, mà vật chứng chính là dấu tay đỏ bầm trên má Tiệp Tuyết và cái trán sưng vêu của ta.

Ta có muốn giúp hoàng đế bao che nàng ta cũng chẳng đặng.
Tội của Liễu Yến Yến đã rõ.

Hoàng đế nổi trận lôi đình, mắng cho nàng ta một trận xối xả.

Liễu Yến Yến chưa từng bị hoàng đế to tiếng bao giờ, huống hồ là trước mặt toàn thể phi tần thế này.

Nàng ta vừa sợ vừa xấu hổ, cuối cùng không cãi nổi nữa, chỉ biết cúi đầu mà khóc nức nở.

Hoàng đế mắng thỏa rồi, liền đập bàn phạt Liễu Yến Yến cấm túc cho đến khi Minh Du sinh nở, hơn nữa trong thời gian cấm túc, mỗi ngày phải chép ba bản kinh cầu an cho mẹ con Minh Du.

Sấm giăng chớp giật đầy trời, thế mà luận lại chỉ có mấy chữ cấm túc, chép phạt.

Đám phi tần ngóng trông cả buổi, lúc này không ai là không thất vọng.
Tuồng hay còn chưa kịp diễn đã phải hạ màn, chúng phi đành chưng hửng ra về.
Khi đã về gần đến Cẩm Tước cung, Ngọc Nga mới khẽ nói với ta:
– Ban nãy nô tỳ sợ hết cả hồn, cứ lo Minh phi đã phát hiện ra điều gì… Thực là may mắn, long thai vẫn bình an vô sự.
Ta kín đáo nhìn quanh một lượt, chắc chắn không có ai mới cười đáp:
– Hoàng hậu cũng chẳng nể nang gì cả.

Nhằm đúng lúc có mặt ta mà cho người đến thêm dầu vào lửa, xem chừng vẫn chưa hết giận ta đâu.
Ngọc Nga tặc lưỡi:
– Hoàng hậu hạ thủ vô tình, nhưng nghĩ lại cũng đáng.

Quan hệ giữa Minh phi và thục phi e là hết đường cứu vãn.
Đoạn, nàng như nhớ ra điều gì, bèn níu tay ta, thấp giọng hỏi tiếp:
– Có chuyện này nô tỳ không hiểu… Thục phi thật sự dám xô ngã Minh phi sao?
Ta lắc đầu:
– Quả thực lúc đó bản cung cũng không nhìn thấy tận mắt.

Nhưng dẫu thế nào thì cũng là Liễu Yến Yến tự làm tự chịu mà thôi.
Ta biết hoàng đế nhốt Liễu Yến Yến lại là vì muốn bảo vệ nàng ta.

Nhưng như vậy đối với ta cũng là chuyện tốt.

Liễu Yến Yến không ra ngoài được, ta đỡ phải lo có kẻ chạy đi phá hỏng đại sự của mình.
Ngọc Nga rụt cổ cảm thán:
– Cũng không ngờ… Minh phi lại giỏi diễn kịch như vậy.
Ta bật cười:
– Chân nhân bất lộ tướng.


Kịch hay còn ở phía sau.
Hai người chúng ta nói chuyện bâng quơ một lúc đã về đến Cẩm Tước cung.

Từ đằng xa, ta nhận ra ngay bóng dáng quen thuộc của Bạch Diệu Hoa đang đứng đợi.

Nàng thấy ta và Ngọc Nga thả bộ trở về, liền bước nhanh ra đón:
– Tỷ tỷ không sao chứ? Ban nãy muội nghe tin liền chạy ngay đến Lạc Mai cung, nhưng hoàng hậu nói Minh phi cần tĩnh dưỡng nên chỉ những người cấp bậc cao mới được vào thăm.

Muội muốn đứng bên ngoài đợi tỷ mà cũng bị đuổi về.
Ta cười trấn an Bạch Diệu Hoa rồi khoác lấy tay nàng, cùng đi vào trong:
– Không có gì nghiêm trọng.

Chỉ là thục phi lại nổi hứng đại náo hậu cung mà thôi.
Bạch Diệu Hoa nheo mắt nhìn cái trán bị sưng vù một cục của ta, xót xa nói:
– Muội đã nghe đám nô tài kể sơ qua, nhưng không ngờ nàng ta lại dám ra tay đánh cả tỷ tỷ.

Vậy mà cũng chỉ bị cấm túc mấy tháng… Hoàng thượng quá cưng chiều nàng ta rồi!
Ta vội vàng đưa một ngón tay lên chặn ngang môi Bạch Diệu Hoa, cau mày:
– Đừng nói nữa.

Người khác nghe được không chừng lại sinh chuyện.
Bạch Diệu Hoa cắn môi, tuy còn ấm ức nhưng vẫn gật đầu.
Lại nói, vết thương của ta suy cho cùng chỉ là một vết bầm ngoài da, trông hơi khó coi một chút nhưng chẳng có gì nghiêm trọng.

Ấy vậy mà Ngọc Thủy vừa trông thấy đã hoảng hốt đẩy Tiểu Phúc Tử đi gọi Lâm Giang.

Lâm Giang vừa kê đơn xong, Ngọc Nga đã lúi húi đi sắc thuốc uống còn Bạch Diệu Hoa và Ngọc Thủy thì tranh nhau giã thảo dược đắp cho ta.

Nhìn bọn họ ai ai cũng tất bật, lòng ta bỗng ấm áp khôn tả.

Sống trên đời này, đâu dễ gì tìm được người thật lòng quan tâm mình đến thế.
Nghĩ đến đây, ta chợt nhớ tới ánh mắt đau đớn của Liễu Yến Yến nhìn Minh Du ban nãy, bèn đem chuyện này hỏi Ngọc Thủy.

Nàng nhập cung từ ngày lập hậu, chuyện ở nơi này nàng đương nhiên là người hiểu rõ nhất.
Nhưng Ngọc Thủy nghe ta hỏi xong lại ngập ngừng liếc sang phía Bạch Diệu Hoa:
– Riêng việc này… có lẽ Bạch tiểu chủ biết rõ hơn nô tỳ…
Ta tò mò nhìn Bạch Diệu Hoa, liền thấy nàng thở dài ảm đạm:
– Năm xưa khi muội mới nhập cung, ở tại Sương đình cùng muội và Linh Chương còn có Liễu thục phi và một vị khác tên gọi Diệp Đào.
Khi ấy, Bạch Diệu Hoa nhờ có hoàng hậu nâng đỡ nên đã được phong tòng tam phẩm quý tần.

Liễu Yến Yến được sủng ái nên đã thăng đến nhị phẩm chiêu dung, còn Lạc Linh Chương vẫn ở ngôi tòng tứ phẩm thuận hoa.

Riêng Diệp Đào, xét cả xuất thân lẫn địa vị, chỉ đứng sau Liễu Yến Yến một chút, thời điểm đó đang giữ chức thục nghi.
Hai nhà Liễu, Diệp có qua lại từ trước khi Liễu Yến Yến và Diệp Đào nhập cung độ một, hai năm.

Bọn họ đều có xuất thân danh giá, tính nết lại có chút tương đồng nên chẳng bao lâu đã thân thiết như tỷ muội.

Tuy vậy, Bạch Diệu Hoa cũng là con dòng chính thất của thế gia Bạch thị, lại có hoàng hậu chống lưng.

Hai vị kim chi ngọc diệp kia tuy kiêu ngạo nhưng chung quy không dám đắc tội với nàng, lúc nào cũng tỏ ra thân thiện.

Có điều Diệu Hoa vốn không thích tính cách đỏng đảnh của bọn họ nên chỉ tương kính giữ lễ chứ chẳng thực lòng qua lại.

Chỉ tội Lạc Linh Chương là con quan nhỏ, tính tình lại nhút nhát, rất hay bị Liễu Yến Yến và Diệp Đào trêu chọc.

Cũng may nàng ấy vốn trầm ổn dịu dàng nên đôi bên chưa từng lời qua tiếng lại.

Bốn người ở chung một chỗ cũng tạm coi là yên ổn, nếu như hoàng đế không buột miệng khen Lạc Linh Chương trước mặt Diệp Đào.
Bạch Diệu Hoa nhấp một ngụm trà, bần thần nói tiếp:
– Có thể tỷ tỷ không tin, nhưng Liễu thục phi vốn không độc ác như bây giờ.

Năm ấy, nàng ta thỉnh thoảng vẫn trêu chọc Linh Chương nhưng chung quy chưa từng làm việc gì quá đáng.

Diệp Đào ngược lại không được tốt đẹp như vậy.

Ả đố kỵ với Linh Chương, lúc nào cũng tìm đủ mọi cách làm khó nàng ấy, khiến nàng ấy chịu không ít khổ sở.
Lạc Linh Chương thích trò khắc gỗ, lúc rảnh rỗi thường ngồi làm mấy thứ đồ chơi nho nhỏ.

Diệp Đào thấy thế bèn đòi Lạc Linh Chương khắc cho mình một bộ trâm mẫu đơn tám cái, mà còn phải làm gấp trong mấy ngày cho kịp sinh thần của ả.

Lạc Linh Chương không dám đắc tội với Diệp Đào, đành thức trắng đêm cố làm cho kịp.

Nàng bẩm sinh ốm yếu, chỉ cần ngồi lâu một chút đã thấy mệt huống hồ là lao lực nhường này.

Quả nhiên, chưa hết ngày thứ hai, Lạc Linh Chương đã ngã bệnh.

Thế nhưng nàng vẫn gắng gượng chong đèn lúc nửa đêm khắc trâm cho Diệp Đào, kết quả đang làm thì ngất xỉu.

Cung nữ hầu cận không đỡ kịp khiến nàng đập đầu vào cạnh bàn chảy máu, đến nay vẫn còn một vết sẹo lớn.

Hoàng đế nghe tin gặng hỏi nhưng Lạc Linh Chương không nói gì, chỉ tự trách mình sức khỏe không tốt.

Hoàng đế thương tình, bèn sai Tô Trường Tín đi tìm về một tên thái giám khỏe mạnh theo hầu Lạc Linh Chương.
Lạc Linh Chương đã nhẫn nhịn bao che cho Diệp Đào, thế mà ả lại không biết tốt xấu.


Diệp Đào cho rằng Lạc Linh Chương cố tình giả vờ để được hoàng đế thương xót, càng ức hiếp nàng nhiều hơn.

Liễu Yến Yến tâm cao khí ngạo nhưng bản chất không xấu.

Nàng ta thấy Diệp Đào quá quắt, không nhịn được phải lên tiếng can ngăn.
Người ngoài dù không nói thẳng, nhưng ai nhìn vào mà không hiểu Diệp gia đang cố bám vào Liễu gia hòng mưu cầu danh lợi? Chuyện hai nhà qua lại cũng là sau khi hoàng đế bắt đầu trọng dụng Liễu thái phó.

Diệp Đào từ lâu đã ganh ghét dung mạo của Liễu Yến Yến, giờ lại bị Liễu Yến Yến cản trở; bao nhiêu nỗi ấm ức, bằng mặt không bằng lòng bấy lâu nay đều không kiềm chế nổi nữa.

Thế là hai người gây gổ một trận long trời lở đất.

Nhưng Diệp Đào không phải kẻ ngốc, ả hiểu rõ gia tộc mình vẫn phải dựa dẫm nhà họ Liễu, bản thân lại chẳng được sủng bằng Liễu Yến Yến.

Đôi bên trở mặt đối đầu, chỉ có họ Diệp là thua thiệt.

Diệp Đào biết vậy bèn tìm cách làm hòa.

Tâm tư của Liễu Yến Yến đơn giản, sao nhìn thấu được lòng dạ nhỏ nhen và dã tâm của Diệp Đào.

Nàng ta lại là con một, từ nhỏ đã chẳng có tỷ muội quây quần nên vốn rất yêu quý Diệp Đào.

Thấy Diệp Đào tỏ vẻ thành tâm muốn hàn gắn, Liễu Yến Yến chẳng hề so đo chuyện cũ, lập tức vui mừng chấp nhận.

Hai người lại trở về làm một đôi tỷ muội thân thiết.
Đến một ngày mùa hạ nọ, ngoại quốc tiến cống một loại trà quý có tác dụng thanh nhiệt, dưỡng nhan.

Thứ trà này dĩ nhiên chỉ ban cho những phi tần đắc sủng nhất.

Ở Sương đình khi ấy chỉ có mỗi Liễu Yến Yến được ban trà.

Mấy ngày sau, thời tiết càng lúc càng oi bức.

Nghe thấy Diệp Đào than trời nóng mất ngủ, Liễu Yến Yến cũng chẳng tính toán gì, lập tức đem trà ra sai cung nữ pha một ấm để ở phòng khách cho mọi người cùng uống.

Khi trà pha xong, Bạch Diệu Hoa đang ở Triêu Lan cung chơi với hoàng hậu, chỉ có Diệp Đào và Lạc Linh Chương uống.
– Khi mọi việc xảy ra, muội không có mặt nên thực hư thế nào muội không dám chắc.

Chỉ biết khi muội trở về thì đã thấy thái y đứng kín Sương đình.

Cả Diệp thị lẫn Linh Chương đều trúng độc.

Mà độc ấy được tìm thấy trong ấm trà của Liễu thục phi.
Nghe đến đây, ta giật mình hỏi:
– Thục phi đầu độc họ sao?
Bạch Diệu Hoa lắc đầu:
– Lúc ấy, ai cũng cho là vậy.
Diệp Đào trúng độc nhẹ hơn Lạc Linh Chương.

Sau khi uống thuốc giải hơn canh giờ, ả tỉnh dậy rồi la ó buộc tội Liễu Yến Yến ám hại mình.

Hiềm khích giữa Diệp Đào và Liễu Yến Yến khi trước, người khác vẫn chưa quên.

Trong đám phi tần mới tuyển, chỉ có Diệp Đào là đủ thực lực cạnh tranh với Liễu Yến Yến.

Trà độc cũng là của Liễu Yến Yến.

Xét mặt nào thì Liễu Yến Yến vẫn là kẻ khả nghi nhất.

Phi tần trong cung, người mới người cũ nếu không im lặng giữ mình thì cũng nhân dịp này tát nước theo mưa mong dìm chết Liễu Yến Yến.

Thời điểm đó, người duy nhất bênh vực Liễu Yến Yến là hoàng đế.
Hoàng đế nghe Diệp Đào kể lể hồi lâu, chỉ lạnh nhạt đáp: “Trẫm tin tưởng Liễu chiêu dung.

Nàng ấy tuyệt đối sẽ không làm chuyện độc ác như vậy.”
Hắn nói rồi, lập tức sai người lục soát khắp Sương đình, quyết tra cho rõ chân tướng.

Chân tướng tra ra khiến cho không ít kẻ thất vọng.

Thuốc độc kia chẳng ngờ được tìm thấy trong phòng nghỉ của Diệp Đào.

Bấy giờ nghĩ lại mới thấy trong sự việc còn nhiều điểm đáng nghi.

Ví như cùng uống một ấm trà độc, sao Lạc Linh Chương thập tử nhất sinh còn Diệp Đào lại vẫn khỏe mạnh hoạt bát thế này? Ấm trà độc này chẳng những làm khổ Lạc Linh Chương – người mà Diệp Đào chướng mắt, mà còn giá họa được cho Liễu Yến Yến – đối thủ lớn nhất của ả.

Nếu thuận lợi, Diệp Đào còn có thể chiếm được lòng thương cảm của hoàng đế.

Tình thế xoay chuyển, Diệp Đào bị lật tẩy.

Hoàng đế nổi giận, cách chức ả, giam vào lãnh cung.

Về sau, Liễu Yến Yến lại phát hiện Diệp Đào chính là kẻ đi rêu rao chuyện nàng ta thuê người viết văn thơ rồi học thuộc để tranh sủng.


Nợ cũ nợ mới chồng chất, Liễu Yến Yến ôm hận, thường tìm đến khó dễ Diệp Đào.

Diệp Đào không chịu nổi khổ cực, chẳng bao lâu thì vong mạng.

Nhà họ Diệp được hoàng đế đền bù đôi chút, nhưng cuối cùng cũng bị họ Liễu chèn ép đến lụn bại.
Có một câu “Trẫm tin tưởng Liễu chiêu dung” của hoàng đế, từ đó trở đi, không ai dám đắc tội với Liễu Yến Yến nữa.

Liễu Yến Yến thăng tiến như diều gặp gió, chẳng mấy chốc đã được phong đến chức thục phi.
Bạch Diệu Hoa kể xong, buồn rầu tặc lưỡi:
– Chỉ tội Linh Chương vô duyên vô cớ bị cuốn vào cuộc chiến của thục phi và Diệp thị.

Năm đó, thái y cố lắm mới giữ được mạng cho Linh Chương… Tiếc rằng sức khỏe của nàng ấy càng tệ hơn xưa.

Cũng may, thục phi chẳng đến nỗi vô tình.

Muội nghĩ nàng ta cảm thấy có lỗi với Linh Chương nên sau khi được ban cung điện riêng, nàng ta đã xin hoàng thượng cho Linh Chương đến ở cùng mình.

Những kẻ dại dột kiếm chuyện khi dễ Linh Chương đều bị thục phi xử lý.
Ta nghe Bạch Diệu Hoa nói đến đây, lòng không khỏi bùi ngùi.
“Vì sao những người ta tin tưởng đều phản bội ta?”
Lời nói của Liễu Yến Yến ban nãy mơ hồ vọng lại trong đầu ta.

Nhất thời, ta ngộ ra rất nhiều chuyện.

Liễu Yến Yến từng bị tỷ muội thân thiết nhất bán đứng cho nên nữ nhân trong hậu cung, nàng ta không có thiện cảm với bất kì ai.

Mà chấp niệm sâu sắc của Liễu Yến Yến đối với hoàng đế, chắc hẳn cũng bắt nguồn từ mấy chữ “Trẫm tin tưởng Liễu chiêu dung” năm nào.

Trong lúc nàng ta bị ép vào đường cùng, chung quanh lang sói rình rập, chỉ có hoàng đế đứng về phía nàng ta, che chở nàng ta.

Vậy nên, giờ đây trong lòng nàng ta chỉ có hoàng đế là quan trọng, bất cứ kẻ nào cũng không được chạm đến.
Liễu Yến Yến nhất định đã phải cố gắng rất nhiều mới có thể tin tưởng và chấp nhận Minh Du.

Chẳng ngờ sự việc lại đi đến nước này.
Ta nén tiếng thở dài, cố xua đi sự mềm yếu trong lòng.

Nếu hôm nay ta vì cảm thông với Liễu Yến Yến mà nương tay, ngày sau liệu ai sẽ cảm thông với ta, ai sẽ nương tay với ta?
Chuyện lần này, ta không muốn để Bạch Diệu Hoa tham dự.

Vì vậy, suy tính của ta nàng không hiểu được.

Trông thấy sắc mặt ta đột nhiên xấu đi, nàng hơi ngạc nhiên nhưng cũng không cố hỏi thêm, chỉ dặn dò ta phải nghỉ ngơi thật tốt rồi cáo từ.
Hôm ấy, hoàng đế nghỉ lại ở chỗ Minh Du.

Chuyện này không ngoài dự kiến của ta, nhưng lại khiến đám Ngọc Nga, Ngọc Thủy buồn bực.

Ngọc Thủy nói:
– Chủ nhân bị thục phi đả thương, thế mà hoàng thượng cũng không hỏi thăm một tiếng.
Nhớ lại khi ấy, hoàng đế thậm chí còn không nhìn ta lấy một cái.

Dù trong lòng cảm thấy hụt hẫng, ta vẫn tỏ vẻ thản nhiên, nhún vai:
– Chỉ bị bầm thôi, nay mai sẽ hết ngay.

Hoàng thượng còn phải lo quốc gia đại sự, sao có thể tốn thời gian cho một việc nhỏ nhặt thế này.
Lần này, Ngọc Nga không đồng tình với ta.

Từ sau khi Bạch Diệu Hoa đắc sủng trở lại, Ngọc Nga đã bắt đầu lo lắng cho ân sủng của ta.

Ta đồ rằng, hoàng đế đến nơi nào, nghỉ lại bao lâu, nàng đều bí mật ghi chép đầy đủ cả.

Nghe ta cố tình nói cho qua chuyện, nàng nhăn mặt, thấp giọng đáp:
– Cho dù hoàng thượng bận rộn thì cũng nên phái Lý công công đến thăm hỏi chủ nhân chứ.
Có một điều mà đến bây giờ một kẻ vô thần như ta cũng phải công nhận, đó là miệng của Ngọc Nga thiêng vô cùng.

Nếu không, nàng và Lý Thọ ắt phải cực kì có duyên.

Cứ mỗi lần Ngọc Nga mở miệng nhắc đến Lý Thọ là hắn lại lù lù xuất hiện.

Lúc này cũng thế, Ngọc Nga vừa trách móc xong, lập tức nghe tiếng Tiểu Phúc Tử hí hửng chạy vào thông báo:
– Lý công công đến ạ!
Lý Thọ lễ mễ bưng một chồng rương, hộp cao ngất tiến vào, chưa thấy mặt đã nghe điệu cười cầu tài đặc trưng:
– Nô tài tham kiến hiền phi nương nương!
Ta vừa ra hiệu cho Ngọc Nga và Ngọc Thủy đến đỡ Lý Thọ một tay, vừa lườm Tiểu Phúc Tử:
– Tiểu tử này, còn không giúp Lý công công mang đồ vào?! Lý công công cũng thật là… Sao lại tự làm khổ mình thế này?
Lý Thọ chất hết đống đồ đạc lỉnh kỉnh lên bàn rồi cười hì hì:
– Hoàng thượng lệnh cho nô tài tự mình đưa đồ đến, nô tài nào dám lười nhác.
Hắn dừng lại, chỉnh trang y phục cho ngay ngắn rồi trịnh trọng chỉ vào chiếc hộp nhỏ nhất:
– Đây là thuốc được Đàm đại nhân đặc chế cho hoàng thượng dùng, làm tan máu bầm rất hiệu quả.

Còn những thứ này là tặng phẩm của các châu mới dâng lên, hoàng thượng muốn nương nương dùng thử…
Cuối cùng, Lý Thọ dừng lại ở chiếc rương gỗ lớn nhất.

Hắn cẩn thận mở nắp rương, hắng giọng:
– Cái này vốn dĩ phải đưa đến cho nương nương từ lúc lập đông mới đúng.

Nhưng Chúc thượng cung quá bận rộn, mà hoàng thượng lại không ưng ý thủ công của nữ quan khác, thế nên tận bây giờ mới xong.
Trước mắt ta là một chiếc áo choàng màu trắng ngà viền lông cáo, được xếp ngay ngắn trong rương gỗ.

Trên thân áo gấm thêu hình hoa tử đinh hương màu tím nhạt, từng đường kim mũi chỉ đều tinh xảo sống động, không hổ danh là tác phẩm của thượng cung đại nhân Chúc Nhã.
Ta nhìn chiếc áo đến ngẩn cả người.

Nếu không có Ngọc Nga khẽ chạm vào vai ta nhắc nhở, có lẽ ta đã quên mất còn có Lý Thọ ở đây.
– Đa tạ Lý công công.

– Ta mỉm cười, bất giác nhấc chiếc áo trong rương lên ôm vào lòng.

– Phiền công công thay bản cung tạ ơn hoàng thượng.
Lý Thọ thấy ta nâng niu chiếc áo của hoàng đế ban, cười tít cả hai mắt:
– Nương nương vui là tốt rồi.


Hoàng thượng cứ lo nương nương không thích tử đinh hương.
Ta cũng cười theo Lý Thọ, thành thực đáp:
– Chỉ cần là đồ hoàng thượng ban, bản cung đều thích cả.
Chán sống rồi hay sao mà dám không thích đồ ngự ban?
Lý Thọ có vẻ hài lòng lắm.

Hắn gật gù, bước lại gần ta một chút, nói thầm:
– Còn một việc nữa… Hoàng thượng dặn nô tài nói với nương nương: thời tiết lạnh lẽo, nương nương ở trong cung là tốt nhất.

Sau này, chỗ Minh phi nương nương, người không cần qua lại nữa.
Lý Thọ không rảnh rỗi, thì thào nhắn gửi xong, hắn liền lon ton chạy đi mất.

Ta dõi theo bóng hắn mà tim như bị kẻ nào bóp chặt.
Vì sao hoàng đế lại dặn dò ta đừng tới chỗ Minh Du? Là vì chuyện không may ngày hôm nay, hay còn có nguyên do nào khác? Lẽ nào, hắn đã biết…
– Chủ nhân đừng suy nghĩ nhiều…
Hai tay ta bỗng nhẹ bẫng đi.

Ta giật mình nhìn xuống, thì ra chiếc áo đã được Ngọc Nga phủ lên người ta rồi.
Ở nơi này, người hiểu ta nhất chỉ có mình nàng.
Ngọc Nga dịu dàng chỉnh lại tà áo cho phẳng phiu, thản nhiên nói:
– Chiếc áo này thực là hợp với chủ nhân.

Hoàng thượng vẫn nghĩ đến chủ nhân, thế là tốt rồi.
Ngọc Thủy mừng rỡ tán thành:
– Hoàng thượng bận quốc gia đại sự mà vẫn có thời gian lo áo ấm cho chủ nhân, như vậy chúng ta không cần lo âu nữa.
Suy nghĩ của mình, ta chẳng biết Ngọc Thủy hiểu được đến đâu, nhưng vẫn gật đầu với nàng.

Đúng lúc ấy, Tiểu Phúc Tử cũng hào hứng reo lên:
– Nhắc đến mới nhớ, bên Thượng cung cục vẫn chưa giao đủ áo ấm cho cung nhân chỗ chúng ta.

Ngày mai nô tài lại sang đó đòi tiếp.

Hoàng thượng quan tâm chủ nhân như thế, để xem còn kẻ nào dám keo kiệt với Cẩm Tước cung nữa!
Nhìn Tiểu Phúc Tử bừng bừng khí thế, ta không nhịn nổi, phải thở dài thườn thượt.

Tên tiểu tử này rõ ràng là chẳng hiểu gì cả.
Chính vì Tiểu Phúc Tử thường không hiểu chuyện, ta chẳng yên tâm để hắn đi Thượng cung cục một mình, đành bảo Ngọc Thủy đi theo.

Trong hậu cung, Ngọc Thủy rất được người khác nể nang.

Có mặt nàng, người ở Thượng cung cục sẽ không dám kiếm chuyện với Tiểu Phúc Tử, mà Tiểu Phúc Tử cũng không dám làm càn.

Ta cứ đinh ninh như thế, cho nên chẳng nghĩ ngợi gì nữa.
Chỗ đồ dùng Lý Thọ mang đến hôm qua, Ngọc Nga bận rộn vẫn chưa có thời gian mang đi cất.

Nhân lúc đang rỗi rãi, lại không có Tiểu Phúc Tử ồn ào pha chuyện, ta bèn khoác chiếc áo thêu tử đinh hương chạy ra trước gương ngắm nghía.

Mùi tử đinh hương nhẹ nhàng, trong trẻo mà sâu lắng như tỏa ra từ trong từng thớ vải, vương vấn không thôi, khiến ta có cảm giác hoàng đế đang đứng ngay sát phía sau, giang tay ôm ta thật chặt.

Có lẽ vì ta chưa từng thực sự thích hoa cỏ nên không thể hiểu được vì sao hoàng đế lại thích tử đinh hương như vậy.

Nhưng xét ra thì con người hắn, ta cũng có hiểu được bao nhiêu?
Ta ngoảnh đầu nhìn hộp thuốc trị thương còn để trên bàn, chợt nhớ đến mấy câu chuyện phiếm của Huyên thái phi khi ta còn ở hành cung Thanh An.
Huyên thái phi từng kể rằng hoàng đế thuở nhỏ tuy ốm yếu nhưng rất nghịch ngợm, cứ đôi ngày lại phải dùng đến thuốc trị thương.

Hắn không thích đày đọa kẻ hầu người hạ như đám con nhà quyền quý khác, có điều mỗi tính ham chơi của hắn đã đủ khiến Tô Trường Tín cùng với bọn nô tài sứt đầu mẻ trán.

Nghe nói, có một hôm hắn lang thang trong cung, không biết thế nào lại bắt gặp một con chim non bị rơi từ trên tổ xuống.

Hoàng đế liền hăng hái bỏ nó vào túi áo rồi cởi giày leo tót lên cây.

Nhưng leo lên là một chuyện, leo xuống được hay không lại là chuyện khác.

Chim non được về nhà rồi, nhưng rốt cuộc hoàng đế lại không hồi cung được.

Hắn loay hoay hồi lâu không xong, đành ngồi trên chạc cây đợi Tô Trường Tín đến cứu giá.

Ngặt nỗi, cái cây kia nằm ở chỗ khuất trong Ngự hoa viên.

Hoàng đế phải đợi đến mấy canh giờ.

Tô Trường Tín chạy khắp hoàng cung rồi, tình cờ đi ngang thấy một đôi giày quen mắt nằm lăn lóc dưới đất, nhìn lên bèn bắt gặp hoàng đế đang tựa lưng vào thân cây mà ngủ ngon lành.

Tô Trường Tín thất kinh, không dám la to gọi Cẩm y vệ vì sợ làm hoàng đế giật mình rơi xuống, cũng lại chẳng dám bỏ đi kêu người.

Một mình ông khổ sở mãi mới đưa hoàng đế xuống được.

Mãi sau khi đăng cơ, hắn mới thôi không chạy chơi lung tung nữa.

Huyên thái phi vừa kể chuyện vừa cười tủm tỉm, nhưng dứt lời lại buông tiếng thở dài.

Mười một tuổi đáng lí ra vẫn còn là tuổi ăn tuổi chơi.

Mà ngai vàng kia cũng thực là đáng sợ.

Đứa trẻ thiện lương nhường ấy, mới chỉ ngồi lên ngai vàng mấy năm đã hóa thành một nam tử tăm tối, lòng dạ lạnh bạc, coi mạng người như cỏ rác.

Hoàng đế thay đổi như thế nào, Huyên thái phi không hay biết, ta lại càng chẳng thể hiểu nổi.

Mỗi lần nghĩ đến hắn, ta thấy mình như kẻ lạc lối giữa bốn bề tuyết trắng, dẫu có đi về hướng nào thì tựu chung vẫn chơ vơ chẳng tìm được lối về.
Ta chẳng biết mình đã đứng ngơ ngẩn trước gương bao lâu, mãi đến khi nghe tiếng cười nói từ đằng xa vọng đến mới giật mình sực tỉnh.

Ta lặng lẽ cởi áo khoác cất trở vào rương rồi bước ra ngoài xem kẻ nào gây chuyện ồn ào.

Hóa ra là Ngọc Thủy và Tiểu Phúc Tử đang cười rúc rích tiến vào.
Ta cau mày chưa kịp hỏi, Tiểu Phúc Tử đã vội vàng tranh chỗ nói ngay:
– Chủ nhân biết không, hôm nay hậu cung xảy ra một chuyện vô cùng thú vị!.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.