Thạch Kiếm

Chương 50: Cây liền cành


Đọc truyện Thạch Kiếm – Chương 50: Cây liền cành

Giang hớn hở bước qua cổng. Chỗ Oa
Tử và Giang ở bây giờ là một căn nhà gỗ nhỏ, khuất sau khu vườn trúc
cạnh một con suối hẹp. Căn nhà ra. đơn sơ do một cư sĩ bạn Lưu tướng
công cho mượn. Trước cổng treo tấm bảng “Sơn Nguyệt Trang”, chữ đã mờ và nền gỗ nứt nẻ. Tuy đơn sơ, nhưng bầu không khí thanh tịnh của cảnh vật
thật hợp với tâm hồn Oa Tử, người thiếu nữ đa cảm và đau yếu đang cần
tĩnh dưỡng này.

Bệnh Oa Tử thuyên giảm nhiều. Mấy hôm nay nàng đã ăn được chút ít và sắc diện hồng hào hơn. Nhưng mối u tình của nàng vẫn như một màng lưới vô
hình ngăn cách nàng với thế giới xung quanh.

Ngồi dưới hàng hiên, Oa Tử lơ đãng nhìn những đám mây trôi. Nắng chiều
đã nhạt. Vài con chim én chao đi chao lại bắt mồi nhắc nàng liên tưởng
đến quãng đời thơ ấu xưa kia trên chùa Tiểu Sơn. Lúc ấy nàng cũng ngồi
như thế này mơ mộng vẩn vơ. Bấy giờ nàng còn là một cô bé thơ ngây, chưa biết buồn phiền, lo nghĩa; nhưng bây giờ, hình bóng và tâm trạng ấy chỉ còn trong dĩ vãng. Và Oa Tử khẽ thở dài.

– Cô Oa Tử ! Em đã về !

Tiếng Giang vui vẻ gọi đột nhiên kéo nàng khỏi giấc mộng. Giang chùi chân trên bãi cỏ trước nhà rồi bước lên hiên đến gần Oa Tử.

– Cô nghĩ gì mà thừ người ra thế ?

– Không ! Nghĩ gì đâu ! Có tin gì lạ không em ?

– Có. Tin này chắc làm cô vui lòng.

– Tin gì ? Oa Tử náo nức hỏi.

– Tin sư phụ. Nghe nói ông ẩn trên núi.

– Ồ !

Oa Tử vui mừng kêu. Nàng lấy tay ôm ngực. Sự xúc động khiến mặt nàng hơi tái.

– Có người bảo hình như ông ở chùa Hồ Phong trong rừng Sinh Minh.

– Vậy cũng đỡ lo. Chắc không xảy chuyện gì nguy đến tính mệnh.

– Cô đi thăm không ? Em kiếm cái gì ăn rồi chúng ta cùng đi, kẻo ông bỏ chỗ ấy thì chẳng biết đường nào mà tìm.

– Ừ, em vào lấy cơm ăn đi, cô để phần trong hộp ấy. Cô ăn rồi.

– Vâng, cô sửa soạn là vừa, em xong ngay bây giờ.

Giang nhảy chân sáo xuống bếp. Nó ăn vội vàng rồi lên nhà, nhưng ngạc
nhiên thấy Oa Tử vẫn còn ngồi bên cạnh bàn ngoài hiên, bất động.

– Kìa ! Sao cô không sửa soạn đi ?

– Có lẽ cô không đi đâu, em ạ !

Giang sửng sốt:

– Sao vậy ? Lúc cô muốn gặp thầy em, lúc lại không, thế là thế nào ?

Oa Tử cầm tay Giang kéo xuống ghế.

– Cô nghĩ kỹ rồi. Cái đêm gặp thầy em trên núi, cô đã nói hết những điều u uẩn trong lòng. Thầy em có lý tưởng riêng và không muốn sự gì ràng
buộc. Trên đời này, có lẽ thầy em và cô chẳng bao giờ còn cơ hội gặp
nhau nữa. Cô không rõ có phải thầy em muốn ẩn giấu tung tích hay không
nhưng được biết ông đã thoát hiểm là cô yên tâm rồi.


Nếu thầy em không cho người đến tìm cô thì cô gặp ông bây giờ chỉ làm phiền ông mà thôi …

– Vậy nếu không ai đến tìm cô, cô sẽ sống thế này mãi à ?

Oa Tử gật.

– Ứ ! Không được !

Giang dậm chân phản đối.

Oa Tử phân vân chẳng biết có nên giải thích cho thằng bé hiểu rõ ý mình
không, nhưng nhìn nét mặt hờn giận của Giang và nghĩ đến lòng nhiệt
thành của nó, nàng không thể không nói. Vả nó đã lớn, có lẽ giãi bày tâm sự cho nó hiểu càng làm tăng sự cảm thông giữa hai người.

– Giang. Em đã biết đấy. Cô yêu Thạch Đạt Lang với tất cả tâm hồn. Trước đây cô tưởng mối tình không được đáp ứng, nhưng sau khi gặp lại thầy em sau gần năm năm xa cách, cô đã hiểu và tin cậy ở chàng vô cùng. Thạch
Đạt Lang với cô bây giờ như cây liền cành, dù phải xa nhau hàng vạn dặm
hay có bị chia lìa vì cái chết thì hai người cũng vẫn như một. Cho nên
cô không thấy cô độc nữa. Cô có thể cứ sống như thế này suốt đời để cầu
nguyện cho thầy em tìm được con đường muốn đi và đạt được lý tưởng thầy
em theo đuổi …

– Cô nói dối ! Thế sao cô vẫn muốn gặp ông và khi không được gặp, cô lại khóc ?

Cô có bằng lòng cuộc sống như thế này đâu ?

Oa Tử rút khăn lau nước mắt. Giang cầm tay nàng lắc mạnh:

– Đấy ! Cô lại khóc rồi !

Oa Tử ngẩng nhìn Giang, mắt đỏ hoe nhưng miệng mỉm cười:

– Cô mềm yếu quá phải không em ? Tại cô không cầm được xúc động mỗi khi nghĩ đến thầy em. Em ăn cơm rồi à ?

– Ăn rồi.

Giang đáp sẵng. Nó giận Oa Tử vì có cảm tưởng như bị lừa dối. Mấy ngày
nay, Giang đã mất nhiều công dò hỏi tin tức sư phụ, hy vọng khi tìm được chỗ ẩn của Thạch Đạt Lang, chắc thế nào Oa Tử cũng đến thăm. Ngờ đâu
nàng không cùng một ý. Giang bỏ ra suối ngồi.

Chiều xuống thong thả. Bóng núi đổ trên những khu rừng xa loang to dần
thành từng mảng màu lam sẫm. Giang lấy chân khỏa nước. Nước trong nhưng
lạnh khiến nó vội vàng rụt chân lại, xuýt xoa:

– Chà, lạnh dữ !

Ngồi một lúc, cơn giận dường đã tan, Giang đứng lên về nhà. Bỗng một gia nhân trong dinh Lưu tướng công hối hả chạy đến:

– Giang ! Có thư !

Vừa nói vừa lấy trong bọc ra một cuộn giấy nhỏ trao cho thằng bé. Trao xong, còn dặn:

– Tướng công nói cô nương phải bảo trọng sức khỏe. Nếu cần giúp đỡ gì, cứ đến dinh.

Giang gật đầu, cầm thư. Nhìn chữ đề bên ngoài, nó thốt kêu mừng rỡ:

– Ô ! Đúng chữ thầy ta đây ! Vậy là ông còn sống !

Rồi định bật niêm giở ra đọc, nhưng dừng ngay lại kịp. Thư gửi cho Oa

Tử, không phải cho nó. Hờn giận lại kéo đến, Giang xịu mặt, lững thững
đi vào. Oa Tử hỏi:

– Thư của ai đấy em ?

– Của sư phụ !

Nét mặt Oa Tử tươi hẳn lên:

– Thư gửi cho cô hả ?

– Gửi cho cô ! Nhưng ông ở đâu, cô để ý làm gì ?

Oa Tử mỉm cười thấy Giang giấu thư ra sau lưng. Nàng định giật lấy nhưng Giang né tránh, chạy vòng quanh bàn.

– Giang ! Em ác lắm nhé !

Oa Tử đuổi theo. Hai, ba vòng thấm mệt, nàng ngồi thở dốc. Thằng bé ái ngại đến bên, chìa cuốn thư ra:

– Em xin lỗi. Thế mà cô bảo không muốn đi thăm. Không muốn đi thăm mà mới nghe nói có thư đã rối rít cả lên !

Nhưng Oa Tử không quan tâm đến lời Giang chế giễu. Nàng cầm thư chạy ngay vào phòng.

Những ngón tay run rẩy trắng bệch bật vội sáp niêm. Đèn mới khêu mà hoa
đèn đã nở, chắc có tin vui. Oa Tử đọc đi đọc lại không biết chán những
chữ thân yêu, nét mực còn đen nhánh. Trong thư, Thạch Đạt Lang hẹn rõ
nơi gặp. Hai hàng lệ chứa chan, nàng không ngờ có được cơ hội và hạnh
phúc như thế.

Bất giác liên tưởng đến câu thơ của Bạch Cư Dị tả nàng Dương Qúy Phi lúc ở âm cảnh được tin vua Đường gửi xuống:

Ngọc dung tịch mịch lệ lan can Lê hoa nhất chi xuân đới vũ Oa Tử thẹn, chùi nước mắt, tự nhủ:

“Chắc bây giờ chàng đang đợi ta. Ta phải sửa soạn hành trang ngay mới
được !”. Bèn viết vài hàng vội vã cáo biệt chủ nhân cùng Lưu tướng công
rồi xếp quần áo vào đẫy.

Ra khỏi phòng, thấy Giang vẫn còn ngồi ngoài hiên, nét mặt ủ rũ, Oa Tử gọi:

– Giang ! Em vào sắp quần áo rồi đi với cô chứ !

Thằng bé chẳng đáp mà cũng chẳng nhìn Oa Tử. Nàng đến bên đặt tay lên vai nó:

– Em vẫn giận cô đấy à ?

– Sao không giận được ? Thư sư phụ nói những gì mà cô giữ bí mật thế ?

– Ấy chết ! Cô quên ! Tại mừng quá đấy mà. Không có lý do gì mà cô lại giấu em.

Đây, Giang đọc đi !

– Không đọc nữa. Em chả muốn đọc.

– Giang ! Đọc đi ! Đây là cái thư đầu tiên thầy em gửi cho cô và hẹn gặp cô. Cô mừng quá !

Nét mặt Oa Tử rạng rỡ khiến Giang cũng vui lây. Nó quên hết những điều hờn giận trước.


Tuy trời tối nhưng cả hai đều muốn đi ngay để hôm sau đến kịp nơi hẹn.

– Hôm nay có trăng. Đi ban đêm càng mát, cô nhỉ.

oo Thạch Đạt Lang đến trấn Ô Tu lúc trời hửng sáng. Vài sợi khói xanh
nhạt mỏng manh bốc lên nhẹ nhàng từ những mái rạ. Qua bầu không khí ướt
sương, hắn đã nhìn thấy mờ mờ những con đường ngang dọc trong trấn.
Thạch Đạt Lang tự hỏi không biết Oa Tử đi đường nào tới. Thư đến tay
nàng chắc cũng phải nửa ngày. Ban đêm nàng phải nghỉ, chắc buổi sáng mới khởi hành. Với sức đi bộ của Oa Tử thì đến được chỗ hẹn ở cầu Kara buổi chiều cũng là sớm. Cho nên hắn cứ thong thả dẫn bò đi, vừa đi vừa ngắm
cảnh.

Qua một cây đền có nhiều cây anh đào cổ thụ, hoa mới nở còn động sương
mai, Thạch Đạt Lang thích thú thưởng ngoạn từng thế cành, từng bông hoa
hàm tiếu. Những cây anh đào này chắc đã được trồng từ lâu lắm nên gốc
mới vặn vẹo nghiêng ngả vì mưa gió. Có cây cong trĩu xuống như người lễ
Phật, có cây giơ cành ra tựa như chào đón khách thập phương. Mỗi cây một vẻ, cây nào cũng đẹp.

Nhưng điều Thạch Đạt Lang ưa thích nhất là sức sống mãnh liệt của chúng. Cành non vươn lên, thẳng và mạnh như những nét phát của một họa sĩ tài
hoa, lấy sinh lực luân lưu trong lòng thớ gỗ cổ thụ để nuôi dưỡng hoa
mới, truyền lại đời sau một mầm sống tốt đẹp.

Cạnh đền, trên một cái gò thấp, dựng một bia đá. Thạch Đạt Lang tò mò
đến gần xem, thấy có chữ li ti khắc trên bia. Thì ra là một bài ngụ ngôn hắn đã biết và thuộc lòng từ nhỏ. Bài ngụ ngôn kể chuyện một vị tăng
già đang đứng chiêm ngưỡng bóng đức Phật Quan Âm ánh trên mặt hồ trong
cung, bỗng thấy một phi tần hái hoa đi ngang đấy.

Phi tần đẹp tuyệt vời khiến vị tăng già không sao kềm chế được lửa dục.
Bao nhiêu đạo đức thu thập được sau gần một kiếp tu hành bỗng nhiên mất
hết. Vị tăng trở về căn nhà cỏ, đốt hương trước Phật đài cầu nguyện.
Nhưng trông đâu cũng chỉ thấy mặt mỹ nhân.

Trông song cửa tưởng lược cài, trông mây tưởng tóc …chỗ nào cũng có
bóng dáng người đẹp. Mấy ngày đêm như thế, tâm hồn hoang mang, dao động, vị tăng già buồn bã, hổ thẹn. Ông không mong gì thấy niết bàn nữa nên
nhất quyết đi tìm nàng cung phi để thổ lộ nỗi lòng, dù có chết cũng được bình yên mà chết … Đến trước hoàng cung, ông cắm gậy xuống đất đứng
chờ … suốt ngày … suốt đêm … Suốt ngày … suốt đêm …

Thạch Đạt Lang vừa dắt bò vừa lẩm nhẩm đọc bài ngụ ngôn như người đọc kệ, nhưng không sao nhớ lại được đoạn cuối ra thế nào.

– Đại hiệp ! Đại hiệp dắt bò ! Dừng lại đã !

Một tráng niên dáng nông phu chạy theo. Thạch Đạt Lang dừng lại. Gã nông phu để tay lên đầu con vật và xoa mũi nó. Dường như nhận ra người quen, con bò vẫy tai kêu “bò …ò …” ra vẻ bằng lòng lắm.

– Đại hiệp ở trên chùa Hồ Phong xuống ?

– Phải ! Sao bác biết ?

– Tôi cho sư thầy trên chùa thuê con bò này để chở đậu. Sao đại hiệp lại dẫn nó đi đâu ?

– Ồ ! Thế ra bác là chủ bò đấy ? Trên chùa nhờ tôi dẫn nó về trả bác.
Nhưng tôi muốn thuê nó ít lâu nữa để đi Edo, bác thuận không ?

– Tôi không phải chủ mà chỉ là người làm ở trại. Đại hiệp muốn thuê cứ dắt đến trại. Cũng gần đây thôi, tiện đường lắm.

Quả nhiên trại ở ngay ngã ba sông, rất tiện cho khách thương hồ đi lại.
Chỉ còn vài dặm là đến trấn Ô Tu, chỗ này có thể coi như cửa ngõ vào
trấn nên hàng quán đông đúc.

Sau khi thuê bò xong, Thạch Đạt Lang dùng điểm tâm ngay tại quán gần đấy, mua vài thức lặt vặt rồi lại thong thả giong bò đi.

Hắn nghĩ đến lúc được hội ngộ Oa Tử mà lòng xốn xang. Trước đây, tuy yêu Oa Tử thành thực, Thạch Đạt Lang vẫn sợ những ràng buộc. Nhưng bây giờ, sau khi đã gặp nàng trên núi, hắn không còn e ngại nữa.

Oa Tử thông minh, xinh đẹp, nhiệt thành và nhất là thông cảm mối ưu tư
của hắn, nên hắn tin tưởng vô cùng. Thạch Đạt Lang nguyện sẽ không từ
chối bất cứ điều gì Oa Tử muốn nhưng ngược lại, nàng phải tôn trọng nếp
sống kiếm sĩ của hắn. Dù sao chăng nữa, Thạch Đạt Lang không muốn lưỡi
kiếm sắc của mình bị nhụt.

Mỉm cười, Thạch Đạt Lang nói thầm như tự nhủ:


– Không khéo thành ông sư già trong truyện ngụ ngôn mất. Bây giờ đến
lượt ta, phải giữ sao đừng để cho sóng tình dìm mình chết đuối.

Trời sáng hẳn. Cầu Kara hiện rõ ở phía chân trời. Cầu gồm hai nhịp, nối
liền với nhau bằng một đảo nhỏ. Trên đảo một cây liễu lớn mọc vượt hẳn
lên trên những tàn cây khác, từ xa trông rất rõ nên khách thập phương
dùng nó làm mốc gọi là Liễu Kiều. Lên tới giữa nhịp cầu thứ nhất, Thạch
Đạt Lang đã nghe tiếng reo vui mừng của tên học trò nhỏ:

– Kia rồi ! Sư phụ kia rồi !

Giang vừa nhẩy cẫng lên vừa chỉ trỏ cho Oa Tử trông thấy. Nàng ở quán
trà dưới gốc liễu bước ra, lấy tay che ánh nắng sớm làm chói mắt.

– Đó ! Ông đi ở trên cầu đó ! Ồ, mà sao ông lại dắt con bò ?

Giang cắm đầu chạy lên cầu đón thầy. Thạch Đạt Lang cười, phô hàm răng trắng bóng, giơ hai tay ôm chặt lấy Giang vào lòng:

– Lâu ta không gặp con. Con nhớ ta không ?

Không đáp, Giang chỉ gật. Nó thấy cay cay ở mắt. Giang cầm lấy dây dắt bò cho thầy, đi bên cạnh, liến thoắng:

– Cô Oa Tử kia kìa ! Ở trước quán. Thầy mua bò làm gì ? Để cưỡi đấy à ? Thầy đau chân hay bị thương không đi được ?

Thạch Đạt Lang mỉm cười:

– Không, ta không sao. Bò ta thuê cho Oa Tử cưỡi đi Edo.

Giang mừng rỡ:

– Vậy con cũng cưỡi.

Nói đoạn quay lại kêu “bò” nhại con vật. Con bò không biết gì cũng đáp
bằng một tiếng “bò … Ò” dài như trêu tức nó làm cả hai thầy trò cùng
cười vui vẻ.

Đến trước quán, Thạch Đạt Lang nhìn Oa Tử và Oa Tử nhìn hắn. Bốn mắt đầy tình ý yêu thương nhưng chẳng ai nói một lời. Trước mặt khách lạ, họ
sượng sùng không muốn biểu lộ cảm nghĩ.

Nhìn về phía sau, giàn hoàng đậu đã trổ hoa. Thạch Đạt Lang bảo Oa Tử:

– Hoa mới nở đẹp quá.

Rồi bước ra vườn. Oa Tử đi theo, có Giang bên cạnh liến láu kể chuyện ở
Sơn Nguyệt trang cho thầy rõ. Sự ngượng ngùng nhờ thế cũng hết và một
lát sau, người ta đã nghe tiếng cười và tiếng nói chuyện nho nhỏ giữa
hai người.

Một làn chớp bỗng lóe lên trong không khí, tiếp theo là tiếng sấm vang động làm Oa Tử giật mình, run rẩy.

Chủ quán chạy ra, tay ô tay nón vẫy gọi:

– Các vị vào thôi. Sắp bão đến nơi rồi !

Đằng xa, phía đỉnh núi, mây đen từng đám đùn lên chẳng mấy chốc đã kín
cả bầu trời. Gió thổi ào ào làm rung động các chùm hoa vàng trên giàn
hoàng đậu và những con ong vò vẽ cuối cùng cũng đã bỏ đi nơi khác từ bao giờ.

Vài giọt mưa bắt đầu rơi lộp độp.

Giang thích thú vỗ tay reo:

– Mưa ! Ồ mưa ! Thật là đúng lúc !

Đối với Giang, mưa đến thật là đúng lúc nhưng đối với Thạch Đạt Lang và
Oa Tử, cơn mưa làm cả hai bối rối. Cùng đi vào phòng cả thì có vẻ như là một đôi tình nhân hẹn hò nhau trong tiểu thuyết nên Thạch Đạt Lang nấn
ná ngoài vườn. Oa Tử bước vào hiên, tà áo vàng của nàng run rẩy không
khác gì những chùm hoa hoàng đậu.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.