Thạch Kiếm

Chương 49: Bình sữa đổ


Đọc truyện Thạch Kiếm – Chương 49: Bình sữa đổ

Sơn đạo từ đỉnh đồi Sinh Minh đến
trấn Ô Tu gập ghềnh vòng vèo như rắn lượn. Thạch Đạt Lang dẫn bò thong
thả xuống dốc. Trên lưng bò, bà Hồ Điểu nằm sấp, hai tay ôm cổ con vật
miệng rên khe khẽ.

Sợ bà lão mệt, Thạch Đạt Lang quay lại:

– Hay ta dừng chân chỉ một chút. Đường núi khó đi mà bà với con cũng chẳng có gì vội …

Bà lão lặng thinh như không nghe thấy.

Đặt được bà Hồ Điểu lên lưng bò cũng là một điều khó khăn. Bà lão nhất
định không đi và cũng nhất định không cưỡi bò. Để thuyết phục, Thạch Đạt Lang phải nói khéo, nhấn mạnh rằng chùa là nơi thanh tĩnh, phụ nữ lưu
lại không tiện, phiền đến sự thanh tu của các tăng sĩ. Bấy giờ bà mới
nghe và vì bị cái ngã đau quá, toàn thân ê ẩm nên bà đành phải cưỡi bò
vậy.

Bà Hồ Điểu tỏ vẻ khó chịu mỗi khi Thạch Đạt Lang hỏi han hay săn sóc. Sự ân cần của gã thanh niên chỉ làm tăng thêm sự nhục nhã và niềm uất hận
của bà mà bà không làm gì được. Bà yên lặng biểu lộ sự khinh bỉ.

Thạch Đạt Lang không hiểu sao mẹ người bạn cũ của mình lại có thái độ
ấy. Đã bao lần hắn bị phiền. Những mẹo vặt của bà khiến hắn suýt chết
mấy lần. Nhiều lúc mất bình tĩnh, hắn muốn giết phứt bà đi cho rồi,
nhưng nghĩ lại thì không nỡ, nhất là lúc này bà yếu trông thấy, đi không được mà cũng chẳng thốt ra tiếng.

Nhớ lại những lời nói độc địa của bà Hồ Điểu, Thạch Đạt Lang mỉm cười.
Bây giờ nằm yên như thế kia, không rủa xả được, chắc bà tức lắm.

– Đường núi khấp khểnh mà con bò lại gầy. Bà chịu khó một chút, đến trấn Ô Tu, con tìm thầy và mua thuốc trị thương cho bà.

Bà Hồ Điểu vẫn im lặng.

– Hay là bà ngồi xuống vệ đường này nghỉ, cho nó giãn gân cốt …

Rồi không đợi trả lời, Thạch Đạt Lang buộc bò vào gốc cây, đỡ bà lão
xuống. Bà dựa đầu vào thân cây, tóc xõa rũ rượi, gạt tay Thạch Đạt Lang
ra, miệng lẩm bẩm câu gì không rõ.

Buổi sáng đầu mùa hạ đẹp vô cùng. Gió ấm mơn man và ở dưới chân đồi, mặt hồ Biwa lóng lánh như tấm gương trong.

– Chắc bà khát ? Thạch Đạt Lang vừa hỏi vừa tháo đẫy. Con có mang nước và cơm nắm. Bà ăn một chút cho đỡ đói nhé ?

Bà Hồ Điểu vẫn bướng bỉnh lắc đầu.

– Từ hôm qua bà chẳng ăn uống gì. Như thế thì càng bệnh thêm thôi. Quanh đây không có thầy thuốc, chứ nếu có, con đã mời đến chữa cho bà rồi.
Hay con chia đôi phần ăn này, bà dùng với con một nửa ?

– Không đời nào !

– Bà nói gì ?

– Ta dù có chết đói, xác để cho quạ tha chứ không đời nào ăn cơm của kẻ thù !

Rồi quay đi, bà nhổ bọt.

Thạch Đạt Lang lắc đầu. Hắn không lấy thế làm giận, chỉ tội nghiệp cho bà lão.

Không ngờ sự hiểu lầm của bà sâu xa và dai dẳng đến thế. Có lẽ nếu gặp
con trai, sự tức giận ấy sẽ giảm bớt và giúp bà thông cảm với hắn hơn.
Thạch Đạt Lang nghĩ bà đã giã, cũng như mẹ mình nên hắn cố tìm lời an
ủi:

– Bà nghĩ lại đi. Bà yếu lắm, phải ăn chút gì để sống mà gặp Mãn Hà Chí
chứ. Bà có muốn gặp Mãn Hà Chí và thấy hắn thành công không ?

Bà lão trừng mắt:

– Việc gì đến mày ? Rồi mày biết, nó sẽ thành công, không cần mày nhắc.

– Con cũng nghĩ thế. Nhưng bà phải giữ gìn sức khỏe để còn nhìn thấy hắn chứ.

– Đồ giả nhân nghĩa. Đừng tưởng nói khéo thì ta quên mối thù đâu !

Thạch Đạt Lang buồn thấy bà lão cứ hiểu lầm hắn mãi. Nói với bà lão
chẳng khác gì đánh bùn sang ao. Hắn bực mình bỏ đi, để mặc bà ngồi bên
gốc cây với con bò cái.

Xách đẫy bước tới sau một tảng đá lớn, hắn giở cơm nắm ra ăn. Nắm cơm
gói trong lá khô cùng với đậu nấu đường, hắn thấy ngon miệng, nhưng cũng chỉ ăn một nửa, còn một nửa bọc lại cất vào đẫy, phòng khi nào bà Hồ
Điểu hỏi đến.

Nghe tiếng lào xào, Thạch Đạt Lang quay nhìn về phía chỗ bà Hồ Điểu. Một người đàn bà nhà quê tóc cắt ngắn, y phục tương tự như y phục các phụ
nữ trong vùng nhưng gọn ghẽ hơn, đang đứng nói chuyện với bà lão:

– Trong quán cháu có người khách trọ Ốm. Cô ấy muốn uống sữa. Lão bá cho cháu vắt sữa con bò này được không ?

– Ta không biết. Vùng ta ở không nuôi bò sữa, chẳng hiểu nó có sữa không ?

– Để cháu thử.

– Ngươi biết vắt sữa bò à ?

– Dạ biết.

Nói đoạn ngồi xuống bên con vật, rút trong bọc ra một cái bình nhỏ
thường dùng để đựng rượu, lúi húi vắt. Chẳng mấy chốc đã được lưng bình. Khi đầy, người đàn bà đứng dậy cười toét miệng:

– Cám ơn lão bá. May quá, không phải xuống núi.

Rồi lấy vải bọc miệng bình, tong tả quay gót.

– Này chị kia !

Tiếng bà Hồ Điểu gọi giật lại. Bà ngó trước trông sau không thấy ai, bèn ghé tai người đàn bà ấy nói nhỏ:

– Cho ta một hớp được không ? Một hớp thôi, ta khát quá !

Người đàn bà ngạc nhiên nhìn bà lão, lưỡng lự một lát rồi mở miếng vải, đưa bình sữa cho bà.

Bà Hồ Điểu vồ ngay lấy tu ừng ực, sữa tràn cả ra hai bên mép. Lát sau bà nhăn mặt, đưa trả:

– Sữa gì vừa nhạt vừa tanh, còn khó uống hơn thuốc. Nhưng cũng đỡ khát.

– Lão bá sao thế ? Ốm à ?

– Ừ, ốm, nhưng thường thôi. Ta cảm gió xoàng.

Bà đứng dậy, đưa mắt nhìn quanh. Không thấy ai, bà có vẻ khỏe hẳn ra. Bà hỏi:

– Này chị, đường này đi đâu thế ?

– Đến trấn Ô Tu dưới núi.

– Ta muốn đi tắt, có đường nào không ?


Người đàn bà ngạc nhiên nhưng cũng đáp:

– Có, mà lão bá định đi đâu ?

– Đâu cũng được. Ta chỉ muốn tránh mặt thằng vô lại kia thôi.

Nói đoạn hất hầm về phía Thạch Đạt Lang ngồi. Người đàn bà nhìn theo chẳng thấy ai lại càng ngạc nhiên lắm.

– Đường nào ? Chỉ ngay cho ta đi !

– Lão bá đi độ một quãng nữa thì có con suối. Rẽ trái ngược lên phía bắc rồi cứ thế mà đi thẳng, chừng đến trưa là tới Ô Tu.

– Vậy được. Trời Phật phù hộ ngươi.

Rồi hạ thấp giọng:

– Nếu gặp ai hỏi, chớ nói chỉ đường cho ta nghe !

Đoạn tay giữ áo, tay cầm gậy lẩn vào đám cỏ tranh đi mất. Người đàn bà
ngẩn ngơ chẳng hiểu ra sao, hết đứng nhìn con bò lại nhìn quãng đường bà Hồ Điểu vừa cất bước.

Tiếng cười của Thạch Đạt Lang ở phía sau làm người đàn bà giật mình.

– Bác ở gần đây phải không ? Chồng bác đốn củi hay làm rẫy ?

Nhìn chàng thanh niên cao lớn có vẻ giang hồ đãng tử đột nhiên xuất
hiện, người đàn bà hơi sợ. Nhưng dường như quen với những mẫu người như
thế qua lại vùng này nhiều lần, chị ta mạnh dạn đáp:

– Không. Chúng tôi mở quán trọ.

– Xa không ?

– Cũng gần thôi, dưới triền núi.

– Vậy hay lắm. Ta muốn nhờ một việc, đưa hộ phong thư này cho người quen, bác giúp được không ? Ta sẽ trả tiền sòng phẳng.

Người đàn bà bán quán tỏ vẻ ngần ngại.

– Ta không phải tên vô lại như bà cụ vừa rồi nói với bác đâu. Ta chỉ có ý định giúp bà cụ nhưng bây giờ bà ấy đã khỏe, đi được rồi thì càng tốt,
ta khỏi phải bận tâm nữa.

– Nhưng còn người bệnh ở quán. Làm sao mang sữa về ?

– Không khó gì. Ta sẽ mang về giúp và đợi bác ở quán.

Thấy được mối hàng lại có tiền công, người đàn bà vui vẻ nhận lời.

– Vậy khách quan định đưa thư cho ai ?

– Cho một người tên Oa Tử ngụ tại dinh tướng công Lưu Cát, khu bắc ngoại thành.

Vừa đi vừa về thì khoảng nửa đêm bác đã trở lại nhà được rồi, có gì mà ngại.

Thỏa thuận xong, Thạch Đạt Lang lấy giấy bút viết mấy câu cho người
thiếu nữ mà khi ở Khổ Độ Am không đêm nào hắn không nghĩ đến, rồi trao
cho người đàn bà. Tần ngần trông theo đến khi người ấy khuất dạng, hắn
mới cầm thừng dẫn bò đi. Lòng hắn buồn vui lẫn lộn.

“Không ngờ ta còn có cơ hội gặp lại Oa Tử. Giờ này không biết nàng đã
bình phục hẳn chưa. Nhận được thư ta, chắc thế nào nàng cũng lên đường
ngay. Giang cũng thế.

Trễ lắm là trưa mai ta đã gặp lại cả hai rồi”.

Thạch Đạt Lang háo hức như khi còn bé chờ mẹ đi chợ về, đợi ăn cái bánh bỏng mẹ hứa.

Rồi mặc cho bò nhẩn nha bước một, vừa đi vừa gặm cỏ, chàng thanh niên
thong thả theo sau. Cốt cách ngang tàng của một kiếm sĩ nhưng dáng điệu
lại thư thái nhàn du, trông hắn bây giờ không ai bảo là kẻ mười ngày
trước đó đã gây chấn động võ lâm, trên đồi Sinh Minh, ngã ba Quan Ngoại.

Mấy câu Thạch Đạt Lang viết cho Oa Tử thật giản dị:

“Cầu Hanada trước đây nàng đợi ta. Bây giờ ta đợi nàng ở cầu Kara, trấn Ô Tu. Gặp nhau, nhiều chuyện muốn nói”.

Hắn muốn viết thêm vài lời âu yếm nữa để tỏ tình ý thiết tha, nhưng lại
thôi. “Ồ, chắc Oa Tử sẽ hiểu”. Nghĩ đến “nhiều chuyện muốn nói” viết
trong thư, hắn mỉm cười.

Đến quán, Thạch Đạt Lang buộc bò vào gốc cây rồi xách bình sữa tới trước cửa quán. Cũng như đa số các quán trọ thời đó, quán này có một mái hiên rộng, ở phía trước kê vài cái bàn gỗ tạp thô sơ để lữ khách ngồi ăn
những món điểm tâm thườ ng hoặc uống trà. Nếu muốn dùng cơm thịnh soạn
hơn và có người hầu thì vào phòng trong, bên lò sưởi và đồng thời cũng
là chỗ nấu bếp. Thạch Đạt Lang đến gần bàn ngoài hiên hỏi vọng vào:

– Quán có ai không ? Ta mang sữa tới đây này !

Một người đàn bà trung niên chạy ra. Thạch Đạt Lang giao bình sữa cho mụ và nói:

– Sữa của khách.

Người đàn bà trố mắt nhìn, vẻ không hiểu. Thạch Đạt Lang giải thích rõ
đầu đuôi, bấy giờ mụ mới vỡ lẽ, bèn gọi người đàn ông đang lúi húi bên
bếp lửa ở trong nhà:

– Qúy khách ! Sữa quý khách sai đi mua đã mang về đây này !

Người đàn ông chùi tay vào vạt áo quay ra. Gã còn trẻ nhưng nét mặt gầy, buồn và có vẻ chán chường. Mí mắt hùm hụp, đỏ hoe, chẳng hiểu vì thức
khuya hay vì rượu.

Đỡ bình sữa từ tay người đàn bà, gã nhìn chàng thanh niên đứng ngoài hiên. Bỗng kinh ngạc, mồm há hốc:

– Thạch Kinh Tử !

– Ủa ! Mãn Hà Chí !

Thạch Đạt Lang cũng kêu lớn, kinh ngạc không kém. Và giơ tay ra đón bạn. Mãn Hà Chí cũng giơ tay. Bình sữa rơi vỡ toang, mảnh tung tóe trên nền
đất, sữa đổ lênh láng.

Hai người bạn ôm lấy nhau, cánh tay siết chặt. Thạch Đạt Lang vỗ nhẹ lên lưng Mãn Hà Chí:

– Đã bao lâu rồi không gặp mày ! Thật không ngờ …Có lẽ từ sau vụ Sekigahara đấy nhỉ …

– Ờ …sau trận Sekigahara …Đồi Ibuki …

Họ bỏ nhau ra mà vẫn còn nắm chặt tay nhau, trìu mến. Thạch Đạt Lang nhìn thẳng vào mặt bạn:

– Mày già hơn trước nhiều.

– Hơn sáu năm rồi còn gì …Bao nhiêu biến chuyển. Tao đã hăm bốn.

Mùi sữa thoảng bay ngòn ngọt, bao bọc lấy hai người như đưa họ lùi về dĩ vãng, lúc cả hai còn là những đứa trẻ ngây thơ bên gối mẹ trong một

làng nhỏ vùng sơn cước.

– Thạch Kinh Tử ! Giờ mày nổi tiếng lắm rồi, đâu còn là thằng Kinh Tử
ngày xưa nữa. Để tao gọi mày là Thạch Đạt Lang cũng như mọi người.
Chuyện mày một mình đánh nhau với cả phải Hoa Sơn trên đồi Sinh Minh ai
cũng biết. Lại còn những chuyện trước đây nữa, tao có nghe kể lại …

Thạch Đạt Lang ngượng, hơi đỏ mặt:

– Ồ, còn phải học nhiều. Tao ở vào thế bắt buộc phải tự vệ đấy thô i.
Trên đời này xem ra nhiều kẻ có danh mà không có thực nên kể như tao may mắn. Thôi, nói chuyện mày đi. Mày trọ Ở đây đấy à, Mãn Hà Chí ?

– Ừ, cũng đã được mươi ngày. Tao bỏ Kyoto đi Edo nhưng được nửa đường thì có trở ngại …

– À ra vậy ! Họ bảo tao trong quán này có người ốm nhờ mua sữa. Mày ốm hả ?

– Ờ …không …không …Đấy là người đi với tao.

– Cũng phiền nhỉ …Gặp mày tao mừng quá. Lần chót nhận được tin mày đến nay đã ba năm. Mày viết bức thư đưa thằng bé làm ở quán rượu chuyển,
nhớ không ? Bấy giờ tao đang trên đường đi Nara …

Mãn Hà Chí cúi đầu, hy vọng Thạch Đạt Lang quên những lời khoác lác của
gã viết trong thư hồi đó. Hắn mà nhắc lại thì thật là xấu hổ. Nhưng
trong cơn vui mừng, Thạch Đạt Lang kéo tay Mãn Hà Chí:

– Ra ngoài này nói chuyện cho tự nhiên. Ai cùng đi với mày thế ?

– Người quen. Mày để ý làm gì !

Cả hai dắt tay nhau ra khỏi quán.

– Bây giờ mày làm nghề gì sống ?

– Tao không có tài, nên kiếm chỗ quyền quý dựa dẫm cũng khó …

– Vậy có nghĩa là mày thất nghiệp ? Trước đây cũng thế, không làm gì hết à ?

– Cũng có chút đỉnh vài nghề cực nhọc. Nhưng thôi, đừng nhắc đến những chuyện ấy nữa. Tao buồn lắm.

Mắt Mãn Hà Chí mờ đi. Những hình ảnh của quá khứ tủi cực bên cạnh Ôkô
trong một căn phòng nhỏ hẹp, hôi hám, sặc mùi ẩm mốc và mùi rượu sa-kê
rẻ tiền hiện về, làm gã nghẹn họng. Tâm trạng ấy không qua được mắt
Thạch Đạt Lang. Hắn kéo Mãn Hà Chí ngồi xuống cỏ:

– Ngồi xuống đây. Kể hết chuyện mày cho tao nghe đi. Sự thể ra sao mà khốn khổ thế ?

– Cũng tại Ôkô hết. Mụ ấy mê hoặc tao …

Rồi Mãn Hà Chí kể cho Thạch Đạt Lang nghe quãng đời gã sống bên người
đàn bà sa đọa ấy. Thạch Đạt Lang ngao ngán, vừa thương hại vừa phẫn nộ
cho bạn. Tại sao Mãn Hà Chí lúc nào cũng tự coi mình kém cỏi như vậy ?
Tại sao hắn lại đổ lỗi cho người khác, dường như muốn quy hết trách
nhiệm cho họ về những ngu xuẩn, hèn yếu của mình ?

– Mãn Hà Chí ! Mày cứ nói tại Ôkô thế này, tại Ôkô thế nọ, nhưng mày có bao giờ nghĩ rằng mày đã thiếu tự chủ và dại dột không ?

Giọng hắn trở nên nghiêm khắc:

– Chỉ có mình mới có thể tạo cho mình một cuộc đời đáng sống. Ngoài mày ra, không ai làm gì cho mày được !

Mãn Hà Chí thở dài, giọng thiểu não:

– Ta cũng nhận phần nào có lỗi, nhưng định mệnh cả. Nếu không gặp Ôkô …

– Lại thế rồi ! Thời đại này mà mày còn nói thế thì đời mày vất đi,
không bao giờ thành đạt. Mày muốn đi Edo lập nghiệp thì cứ đi, nhưng đó
là chỗ bon chen danh lợi, rập khuôn theo kẻ tầm thường tất không khá.
Phải có những hành động hơn người.

– Thì lúc trước ở làng tao cũng muốn theo nghề cung kiếm …

– Ừ, đời còn dài, sự cố gắng là cần thiết. Có người nói tài năng chỉ do tập luyện.

Tao nghĩ đúng. Ngoại trừ những kẻ tài năng xuất chúng không kể, còn nếu
muốn đạt được một trình độ tài năng bình thường nào đó thì phải bền chí
tập luyện. Ở Edo, mày nên kiếm một nghề độ nhật đã và đừng quên lập chí.

Mãn Hà Chí bứt một cọng cỏ đưa lên miệng cắn. Lòng gã nặng trĩu hổ thẹn. Gã hối hận đã để trôi qua sáu năm thanh xuân quý báu.

Những chuyện Mãn Hà Chí nghe kể lại về Thạch Đạt Lang đúng hay không,
không biết nhưng trước mặt gã bây giờ là Thạch Đạt Lang bằng xương bằng
thịt, khuyên gã những lời chân thành, đôi khi nghiêm khắc, với phong
thái chững chạc, tự tin, thật khác xa với gã. Nhưng dù Thạch Đạt Lang
vẫn mày tao với gã, coi gã như bạn thân, Mãn Hà Chí thấy thái độ nghiêm
nghị ấy gần như cao ngạo. Gã đau đớn ý thức sự hèn kém của mình.

– Mãn Hà Chí ! Mày phải cố gắng !

Thạch Đạt Lang vỗ vai bạn, khuyến khích, nhưng đồng thời cũng linh cảm
qua cái vỗ ấy, một tâm hồn bạc nhược, nếu không được nâng đỡ, dìu dắt
hàng ngày thì khó mà thoát khỏi những cám dỗ bên ngoài.

– Thôi, việc đã qua thì cho qua, đừng nghĩ đến nữa. Mày đã để mất sáu
năm thì coi như mày bắt đầu trễ sáu năm. Những năm ấy là một bài học quý giá. Nhưng phải bắt đầu lại …

Mãn Hà Chí cúi mặt lặng thinh. Thạch Đạt Lang đổi sang chuyện khác.

– À, tao mới gặp bà cụ.

– Mẹ tao hả. Bà đi đâu vậy ?

– Lên chùa lễ Phật.

– Ờ. Bà cụ thì không chùa nào không đến. Chẳng biết bây giờ bà có khỏe không ?

– Tao lấy làm lạ sao mày không thừa hưởng được sức mạnh và đức kiên trì
của bà cụ. Thật khó có người đàn bà nào ở tuổi bà mà được thế.

Nhìn Mãn Hà Chí, Thạch Đạt Lang không hiểu sao gã lại là con bà Hồ Điểu được.

Bỗng nảy ra ý nghĩ:

nếu Mãn Hà Chí nên người khá, có lẽ bà bớt hiểu lầm hắn.

– Này Mãn Hà Chí ! Sao mày có người mẹ như thế mà mày không làm điều gì
cho bà cụ được vui lòng. Tao không còn cha mẹ, không làm gì được, chứ
mày …Tao có cảm tưởng mày chẳng phải là đứa con hiếu thảo. Tao nghĩ
không gì sung sướng cho bằng có người để chia sẻ nỗi vui buồn. Tao chẳng phải là nhà đạo đức đi thuyết giảng những giá trị luân lý gì đâu, tao

chỉ là một lãng tử. mày không biết nỗi cô đơn đứt ruột của tao khi đứng
trước một cảnh đẹp mà không có người thân để cùng chia sẻ niềm vui
thích.

Ngừng một lát, Thạch Đạt Lang cầm tay Mãn Hà Chí:

– Mày biết những lời tao nói là thành thực, giữa một người bạn và một người bạn.

Hơn nữa lại là người cùng xóm, thân nhau từ hồi còn uống chung một bình
sữa. Mãn Hà Chí ! Chúng ta hãy lấy lại cái tinh thần của chúng ta hồi
trước khi dự trận Sekigahara.

Bây giờ chiến tranh hết rồi, nhưng sự chiến đấu để sống còn trong một
thế giới hòa bình không phải là dễ. Phải có kế hoạch, phải có tinh thần
tranh đấu. Nếu mày quyết tâm làm lại cuộc đời, tao sẽ cố hết sức giúp

Tay cầm cọng cỏ mà nước mắt chảy tràn trề, Mãn Hà Chí nghe những lời bạn nói thật chí tình, không như những lời mắng nhiếc của mẹ gã. Gã xúc
động, quệt nước mắt:

– Mày nói đúng. Cảm ơn mày đã chỉ cho tao đường ngay. Tao sẽ làm theo
lời mày bảo, trở nên người khác ngay từ bây giờ. Nếu không thành được
kiếm sĩ danh vọng thì cũng lập thân được. Đến Edo, tao sẽ tìm thầy để
học.

– Vậy tốt. Tao sẽ tìm cho mày một thầy giỏi để chỉ bảo cho mày. Có chí thì vừa làm vừa học cũng thành công.

– Nhưng Thạch Đạt Lang …

– Gì ?

– Còn một chuyện nếu không cho mày biết thì áy náy quá …

– Có gì mà áy náy. Tao hứa giúp thì giúp tận tình, đừng lo lắng về tiền bạc …

– Không ! Không phải chuyện ấy. Chuyện người đồng hành với tao kia …Người đó là một thiếu nữ.

Thạch Đạt Lang cười:

– Thì có sao !

– Nhưng người thiếu nữ này mày cũng biết.

– Ai ?

– A Kế Mỹ !

Thạch Đạt Lang bất giác “ồ” lên một tiếng. Hắn định nói:

“Thế thì tệ quá !” nhưng ngừng ngay được.

A Kế Mỹ không sa đọa như mẹ, nhưng ngụp lặn trong nếp sống phóng đãng từ nhỏ, nàng rồi cũng sẽ như mẹ nàng mà thôi. Huống chi sau khi bị thất
thân với Sĩ Khánh, nàng còn cặp kè với Cát Xuyên Mộc, giờ lại ở với Mãn
Hà Chí. Không biết sợi dây oan nghiệt nào đã buộc Mãn Hà Chí với mẹ con
Ôkô như vậy !

Thấy Thạch Đạt Lang không nói, Mãn Hà Chí tưởng hắn ghen.

– Mày giận tao đấy hả ? Tao nói thực vì chẳng muốn giấu mày điều gì.

– Đồ ngốc ! Điều tao quan tâm là mày chứ không phải A Kế Mỹ. Không biết
mày tự chuốc lấy khó khăn hay tại định mệnh khắc nghiệt. Tao tưởng sống
với Ôkô, mày đã học được bài học đắt giá rồi !

Như đứa trẻ phạm lỗi bị mắng, Mãn Hà Chí lặng thinh.

– Qúy khách ! Thị nữ tìm các vị mãi không thấy.

Người hầu trong quán chạy ra, hớt hải:

– Cô nương có ở đó không ?

– Cô nương nào ? A Kế Mỹ hả ?

– Cô nương ốm nằm trong phòng. Thị nữ mang thức ăn vào không thấy ai hết.

Dường như có linh tính báo trước. Thạch Đạt Lang đoán được tự sự, nhưng hắn vẫn nói:

– Ta trở lại quán coi !

Trong phòng, chiếc chiếu vẫn còn trải ở góc. Gối xô lệch, chăn chưa gấp. Mãn Hà Chí mở ngăn kéo và cửa phòng xếp hành trang:

– Quần áo đem đi hết ! Cả tiền bạc ! Không còn đến cái lược hay cái khăn nữa !

Trời ơi !

Mãn Hà Chí mắt lạc thần, sắc mặt trắng bệch. Gã tất tả chạy ra hiên rồi lại trở vào, mở tủ tìm kiếm, bối rối:

– Nàng bỏ ta ! Sao lại bỏ ta ? Đem cả tiền bạc đi ! Làm sao bây giờ ?

Mụ người làm và chủ quán đứng trước cửa quán ngơ ngạc nhìn nhau rồi nói:

– Chắc chưa xa đâu. Khách quan đi tìm ngay còn kịp. Biết ngay mà, khi mới đến, ta đã đoán nàng giả ốm.

Mãn Hà Chí chạy ra hiên, đứng nhìn con đường ngoằn ngoèo thoai thoải dốc ở chân núi ẩn hiện giữ những bụi lau cao. Gã chẳng rõ và cũng không
đoán được A Kế Mỹ đã cao chạy xa bay rồi hay còn lẩn quất đâu đây.

Bên gốc cây, con bò nghểnh cổ kêu một tiếng “bò … O …” dài. Lá reo xào xạc.

Nắng hè bắt đầu gay gắt.

– Mãn Hà Chí ! Âu đó cũng là điều may. Hãy để nàng tìm nơi hợp ý, sống cuộc đời nàng ưa thích.

Một con bướm vàng cánh mong manh dưới nắng, theo gió thổi, chao đi chao lại rồi mất hút dưới vực sâu.

Thạch Đạt Lang nhìn bạn nói tiếp:

– Mày vừa hứa với tao làm lại cuộc đời thì đây là lúc thuận tiện nhất, còn chờ gì nữa ?

Mãn Hà Chí cắn môi để khỏi bật khóc. Gã ừ một tiếng khẽ. Tiếng ừ dường
như không thoát ra khỏi miệng và cũng dường như chẳng có một chút nhiệt
thành nào, trong khi mắt gã vẫn đăm đăm nhìn con đường trước mặt.

Thạch Đạt Lang lay vai gã:

– Nghe tao, A Kế Mỹ đi đâu cũng chẳng nên theo, vì không phải đấy là chỗ của mày. Hãy tìm gặp bà cụ thân sinh ra mày ngay. Đi bây giờ còn kịp,
đến suối rẽ lên phía bắc về trấn Ô Tu.

Rồi không đợi Mãn Hà Chí phản ứng, Thạch Đạt Lang vào phòng mang dép và hành trang ra cho bạn. Hắn rút ở bọc ra túi bạc vụn:

– Tao không có nhiều nhưng có thể chia cho mày một nửa. Nếu mày đi Edo,
tao sẽ đi với mày. Ngày mai, đến cầu Kara, tao sẽ đợi mày ở quán gần đó.

oo Mãn Hà Chí đi rồi, Thạch Đạt Lang lui vào trong nhà nằm nghỉ trên ghế dài kê gần hiên. Hắn muốn đợi thư phúc đáp của Oa Tử.

Khí hậu dễ chịu và ánh nắng đang thịnh của một ngày hè ấm áp làm Thạch
Đạt Lang lim dim mắt, thả hồn theo giấc mộng. Nhìn hai cánh bướm chập
chờn trên những cụm hoa dại ven đồi, hắn tưởng một trong hai cánh bướm
ấy là … Oa Tử.

Bỗng những tiếng cười nói xôn xao phía ngoài vọng vào làm Thạch Đạt Lang chú ý:

– Bọn ấy hữu danh vô thực.

– Ừ. Hồ Điểu trước tiếng nổi như cồn, bây giờ tệ quá. Đời nào cũng thế,
xem ra hậu duệ không bằng tổ phụ. Hoa Sơn ở đời thứ ba này không còn
được ai kính trọng nữa.

– Đúng vậy. Con cháu không đáng an táng cạnh tiền nhân.

– Sao không ? Khi chết tớ sẽ được táng gần mộ cụ tổ nội tớ ở đồi này.


Tiếng cười ha hả:

– Chúng mình là những thằng thợ đá thì kể làm gì ! Ấy là nói chuyện các
nhà quyền thế, có danh vọng kia. Như Hoa Sơn … như Bạch Hạc.

Bọn công nhân chất phác này, ngày nào cũng vào khoảng cuối giờ mùi,
thường kéo nhau lên quán nhấm nháp vài ly rượu trước khi tản mát về các
ngả trong xóm. Họ cười nói oang oang, bàn đủ mọi thứ chuyện. Những ngày
gần đây, chiến tích của Thạch Đạt Lang, một mình chống cự với cả phái
Hoa Sơn, là đầu đề cho bọn họ bàn tán không dứt.

Một anh thợ đá còn trẻ hoa chân múa tay, thuật lại những chiêu kiếm của
Thạch Đạt Lang cứ như thật. Y kể vanh vách danh tính các cao thủ Hoa Sơn bị người “anh hùng dân gian” (danh từ của y) giết ra sao, sự tấn công
vũ bão của người anh hùng ấy vào đám đồ chúng Hoa Sơn như vào chỗ không
người như thế nào khiến cả bọn gật gù tán thưởng. Chuyện này chắc y kể
đã nhiều lần và mỗi lần kể lại thêu dệt thêm vài chi tiết mới nên cử tọa khoái lắm, nhất là kèm theo lời tường thuật, y còn lấy cái chổi ở góc
phòng, bắt chước biểu diễn những chiêu kiếm ấy một cách sống động nữa.

Bọn thợ đá chăm chú ngồi nghe không để ý tới bốn người đàn ông vừa bước
vào quán. Họ ăn mặc ra dáng kiếm sĩ nhưng ba người khoác tăng bào đen
phái Hồ Phong, còn một người trẻ tuổi cao lớn lại trang phục diêm dúa và sặc sỡ như con nít, lưng đeo kiếm dài. Người trẻ tuổi ấy chính là Giang Biên Liễu Cát Xuyên Mộc.

Cả bốn hách dịch ngồi vào bàn ngay ngoài hiên, khinh mạn nhìn bọn thợ đá khiến bọn này nhột nhạt không dám bàn cãi gì nữa. Cát Xuyên Mộc gọi trà bánh rồi cùng các tăng sĩ châu đầu vào nhau nói nhỏ những gì không ai
nghe rõ.

Bọn thợ im lặng một lúc, sau đó lại ồn ào hơn trước. Câu chuyện vẫn
không ngoài sự tán tụng võ nghệ của Thạch Đạt Lang, người mà đối với họ
là hiện thân của lòng dũng cảm tuyệt đối.

Nhưng lời tán tụng ấy có lẽ làm rát tai các tăng sĩ Hồ Phong và Cát
Xuyên Mộc, vì thấy cả bốn ngưng nói chuyện. Cát Xuyên Mộc cau mày quay
ra lớn tiếng, gọi:

– Này chú kia !

Bọn thợ giật mình. Một người đáp:

– Đại hiệp gọi chúng tôi ?

– Ừ, cái chú trẻ tuổi ngồi ngoài đó. Có vẻ chú đã chứng kiến trận đánh ngay từ đầu.

Phải chăng chú phục Thạch Đạt Lang lắm ?

Người thợ tre gãi tai ậm ừ rồi gật:

– Giỏi chứ !

– Chú nói bậy bạ. Ta là Cát Xuyên Mộc, ngoại hiệu Giang Biên Liễu, đứng
lược trận ấy từ lúc khởi thủy không thể nhầm lẫn được. Thường thì đối
với những kẻ không hiểu võ nghệ, ta chẳng lý đến, nhưng các chú huênh
hoang tài năng tên đó quá độ, có thể làm cho những ai không được thấy
tận mắt như các vị đây, đánh giá nó sai lầm nên ta phải chỉnh.

Có tiếng lẩm bẩm. Một số lộ vẻ ngạc nhiên, nhưng không ai phản đối gì. Được đà, Cát Xuyên Mộc lại tiếp:

– Phải biết rằng tên Thạch Đạt Lang đó rất xảo quyệt. Hắn gây hấn với
Hoa Sơn, một kiếm phái nổi danh, chỉ cốt để lấy tiếng trong võ lâm. Phái Hoa Sơn ai còn lạ gì, bây giờ đang suy yếu. Phái ấy như cái cây mục,
đẩy một cái là gãy, ai cũng có thể làm được chứ Thạch Đạt Lang tài cán
gì ? Sở dĩ không ai làm vì không ai nỡ và vì lòng kính trọng Hoa Sơn Khổ Bích là người sáng lập ra môn phái ấy mà thôi.

Thạch Đạt Lang đã hèn hạ làm chuyện không đáng làm, lại còn đánh lén.
Trong những trận giao tranh với Hoa Sơn Sĩ Khánh, Hoa Sơn Điền Chính, và ngay cả vừa rồi trên đồi Sinh Minh nữa, hắn đều đánh bất ngờ. Đấy không phải là hành động đường hoàng mà là một thủ đoạn đáng khinh bỉ.

Có tiếng người cắt ngang:

– Nhưng Thạch Đạt Lang đã đơn độc giao chiến với hàng trăm kẻ địch …

– Đúng. Mới xem thì tưởng hắn anh dũng. Nhưng không phải ! Đó chỉ là
mành lới bày ra để khoa trương thanh thế và lấy tình cảm của võ lâm. Ta
chứng kiến vụ này từ đầu. Những chiêu kiếm của hắn toàn là tránh né hoặc dùng mẹo vặt, không phải là những chiêu chính thống. Nếu nói hắn có tài thì cái tài độc nhất nằm ở đôi chân hắn.

Khi gặp dịp, hắn chạy trốn nhanh không ai bì kịp.

Nói đoạn Cát Xuyên Mộc cười ha hả, rót mọt chén trà tự thưởng câu nói
vừa rồi mà hắn cho là ý nhị. Các tăng sĩ áo đen cũng cười phụ họa, duy
bọn thợ ngồi trên ghế loay hoay tỏ vẻ khó chịu.

– Lại còn chuyện này nữa:

hắn giết Hoa Sơn Tuệ Tâm, một đứa bé mới mười ba tuổi không biết võ
công. Thật dã man, hành động tàn nhẫn ấy không xứng đáng với tư cách
người cầm kiếm, đó là hành động đáng phỉ nhổ chỉ thấy ở những tên vô lại …

Rồi lan man, Cát Xuyên Mộc kể lại những chuyện xấu xa trong thời niên
thiếu của Thạch Đạt Lang ở làng Miyamoto, những hành vi mà gã nghe thuật lại qua miệng các nhà sư áo đen phái Hồ Phong.

– Thế mà các chú phục hắn, tâng bốc hắn, coi hắn như bậc anh hùng. Ta
không có liên hệ gì với kiếm phái Hoa Sơn mà cũng không thù hằn gì Thạch Đạt Lang. Ta chỉ đứng giữa, lấy điều công bằng mà nói. Một người theo
kiếm đạo như ta chỉ biết phục vụ sự thật và lẽ phải.

Cát Xuyên Mộc ngưng lại, uống một ngụm trà rồi quay qua các tăng sĩ Hồ Phong:

– Trời đã ngả bóng. Bây giờ chúng ta chia tay ở đây để quý vị lên đường kẻo trễ.

Ba tăng sĩ áo đen đứng dậy cùng thi lễ rồi bước ra ngoài. Bọn thợ ngơ
ngác một lúc rồi như tù được thả, ùa nhau ra khỏi quán, theo sơn đạo tản mát vào các đường mòn khắp chỗ. Bóng núi ngả dần trùm lên khu rừng và
những bụi lau thưa rải rác. Một tiếng chim họa mi vang trong buổi chiều
tà, như giục kẻ tha hương mau tìm về tổ ấm.

Cát Xuyên Mộc trả tiền xong, bước ra cửa. Bỗng như sực nhớ điều gì, hắn lại quay vào hỏi chủ quán:

– À ông quán, có bấc đèn không ?

– Dạ có, treo trên vách, sát cột. Khách quan cứ tự tiện lấy.

Trong quán chưa lên đèn. Cát Xuyên Mộc quờ quạng đến gần cây cột, rứt vài sợi.

Túm bấc đèn rớt xuống đất. Gã cúi nhặt, bỗng thấy có hai bàn chân đi dép cỏ duỗi song song trên chiếc ghế dài cạnh đấy. Theo bàn chân, gã nhìn
ngược lên. Một người nằm tên ghế. Nhìn mặt người nằm, gã giật mình đánh
thót, tưởng như vừa bị gáo nước lạnh hắt vào mặt. Gã nhảy lui thủ thế.

– Kìa, bằng hữu !

Thạch Đạt Lang nhỏm ngay dậy. Đoạn cười, hàm răng trắng bóng trong cảnh
tranh tối tranh sáng của gian quán. Mắt hắn chòng chọc nhìn Cát Xuyên
Mộc.

Cát Xuyên Mộc ngượng. Gã có cảm tưởng như Thạch Đạt Lang đã nghe hết
những lời gã nói và trong cái cười ấy hàm ý chế giễu. Gã lấy lại được
bình tĩnh ngay, nhưng trong một thoáng, quả đã biểu lộ sự bẽn lẽn.

– Kìa Thạch huynh ! Nằm trong này hồi nào mà kín tiếng thế ? Gặp lại Thạch huynh, đệ rất mừng.

Nhưng vừa nói xong, gã hối ngay:

câu nói vừa sáo vừa giả dối. Gã chữa:

– Lần trước thật tiếc không được cùng đi với nhân huynh. Võ công của
huynh quả là tuyệt thế. Không ai tưởng tượng được một người chiến đấu
đơn độc mà lại có thể làm cho toàn phái Hoa Sơn phải xính vính như vậy.

Thạch Đạt Lang mỉm cười đáp lễ:

– Đa tạ quý bằng hữu đã đứng làm trọng tài phân xử. Và cũng đa tạ quý
bằng hữu về những lời phê bình võ công của tại hạ. Không mấy khi được
nghe người khác phê bình mình, nay được cái hân hạnh ấy, tại hạ thêm
sáng mắt. Tại hạ không bao giờ quên.

Lời nói rất ư lễ độ, không mang một chút thù hận, nhưng khiến Cát Xuyên Mộc rùng mình. Gã cười gượng:

– Tại hạ cũng vậy, không quên cuộc gặp gỡ hôm nay !

Nói đoạn cúi chào, bước ra cửa đi thẳng.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.