Thạch Kiếm

Chương 46: Dưới chân hội ngộ


Đọc truyện Thạch Kiếm – Chương 46: Dưới chân hội ngộ

Đợi một lúc lâu, sau khi thấy Cát
Xuyên Mộc đã đi khuất, Thạch Đạt Lang mời từ trong chỗ nấp chui ra. Hắn
rất vừa ý vì đã tìm cách tránh được Cát Xuyên Mộc, một người theo ý hắn
vừa giảo quyệt vừa tàn bạo. Thạch Đạt Lang có cảm tưởng gã thanh niên
này chỉ lợi dụng sự tranh chấp giữa hắn với phái Hoa Sơn để mưu lợi
riêng, chứ không chủ ý thực tâm dàn xếp. Con người giả nhân giả nghĩa ấy không hợp với tình tình ngay thẳng của hắn.

Có lẽ Cát Xuyên Mộc tưởng hắn phải quỳ gối xin giúp đỡ khi biết tin toàn phái Hoa Sơn hợp lực đánh hắn. Hoặc hắn sẽ phải trốn chạy không dám
đến. Nếu quả thế thì Cát Xuyên Mộc lầm lắm.

Mạng sống rất quý, mất đi không lấy lại được. Đại Quán đã nói với hắn
nhiều lần, nhưng sống hèn nhát vô ích, thì có khác gì chết. Kiếp người
hai mươi năm hay bảy mươi năm chẳng quan hệ, vì nó có nghĩa gì đâu trong cái vô tận của thời gian ? Điều quan hệ chính là lưu lại một chút gì
trong lòng người và trong lịch sử dân tộc.

Thạch Đạt Lang nghĩ thế và đã chọn kiếm đạo. Hắn muốn sống như một kiếm
sĩ và sẽ chết như một kiếm sĩ. Con đường tuy cam go nhưng thích thú vô
cùng, cho nên không có vấn đề bỏ trốn hay cầu xin giúp đỡ. Hắn đến chỗ
hạn với lòng ngay thẳng, vô úy của một kẻ cầm kiếm vững tin ở sức mình.

Điều quan tâm hiện tại của Thạch Đạt Lang là làm sao giảm bớt được nguy
cơ bị tấn công ở nhiều mặt. Nhớ lại những điều đã học trong binh pháp,
khi một nhóm nhỏ phải đương đầu với một lực lượng mạnh và đông gấp bội,
yếu tố bất ngờ là yếu tố sinh tử.

Phải đánh nhanh và mạnh vào chỗ nhược của địch rồi rút lui tức khắc trong lúc địch hoảng hốt và hàng ngũ còn rối loạn.

Như viên đại tướng duyệt lại địch tình trước khi lâm trận, hắn dàn ra
trong óc tất cả những điều đã thu thập được trong ngày hôm trước, sau
khi đi thăm địa hình các nơi lân cận.

Có ba sơn lộ dẫn đến đồi Sinh Minh. Cả ba lộ dạig tương tự nhau và đều
tụ lại dưới gốc cổ tùng trên đường đi Quan Lĩnh. Sơn lộ dễ đi nhất là
sơn lộ Cát Xuyên Mộc vừa tới.

Nhưng ngoài những sơn lộ ấy lại còn một đường mòn nữa, hiểm trở hơn, đi
vòng lên phía đỉnh núi. Đường này không dẫn tới gốc cổ tùng, theo lời
chủ quán nói, mà mất hút ở sườn núi đá ngay trên ngọn cây. Đường bỏ
hoang đã lâu ngày, nhiều đoạn đá lở ngổn ngang, có chỗ phải bám vào dây
leo đánh đu như vượn mới qua được.

Trong cuộc tranh thắng sắp tới, nếu muốn đoạt yếu tố bất ngờ, hiển nhiên phải dùng đường ấy. Không chần chừ, Thạch Đạt Lang rẽ ngay sang hướng
núi đá, nhanh như một con sóc.

Qua đồi Kagura, hắn vòng sau một ngôi cổ mộ, rồi theo hướng bắc đi thẳng mãi.

Xuyên qua khu rừng trúc xum xuê che kín cả ánh trăng, bên một làng nhỏ
sơn cước, Thạch Đạt Lang đến chân núi đá. Bên kia sườn núi là hướng đi
Quan Lĩnh. Theo lời chủ quán, vào những hôm trời quang, nếu đứng ở trên
cao, có thể nhìn thấy cây cổ tùng cành xòe ra như cái tán.

Thạch Đạt Lang ngồi nghỉ một lúc, đưa mắt định hướng rồi bắt đầu lên
núi. Qua hàng phong thưa, mặt nước một cái hồ nhỏ dưới chân phản chiếu
ánh trăng lóng lánh như gương. Càng lên cao, mặt hồ càng bị che lấp rồi
khuất hẳn sau những tàn cây. Dòng sông Kamo hiện ra, trắng như bạc, uốn
éo tự giải lụa chạy dài đến tận chân trời và mờ dần trong làn sương
trắng đục.

Thạch Đạt Lang có cảm tưởng đang nắm cả địa hình vùng phụ cận cổ thành
Kyoto trong lòng bàn tay. Nếu trăng cứ sáng như thế này, khi sang bên
kia sườn núi, hắn hy vọng có thể bao quát được hết địa thế và chú ý một
chút, biết được những chỗ nào đối phương mai phục. Tỷ như tướng Ưng Điền trong trận đánh danh tiếng Okehazama, Thạch Đạt Lang đã chọn con đường
hiểm trở đến tấn công thay vì con đường dễ đi rộng rãi.

Tiếng chân đạp lá khô và ánh lửa đuốc thấp thoáng khiến Thạch Đạt Lang
đề phòng, nhảy đến thu hình sau một gốc phong. Một người đứng tuổi, ăn
mặc ra lối gia nhân nhà quý tộc chậm chạp vạch cây đi tới, tay trái cầm
bó đuốc đã lụi, tay kia:

một con dao phát. Mắt gã đảo nhìn tứ phía, mặt nhem nhuốc khói đuốc thông, quần áo ướt nhẹp.

– Đi đâu ?

Tiếng quát của Thạch Đạt Lang làm gã gia nhân giật nẩy mình, suýt đánh
rơi cả đuốc. Thấy một thanh niên cao lớn hiện ra, lão kêu khẽ nửa vui
mừng, nửa kinh ngạc:

– Thạch …Thạch Đạt Lang ? Tráng sĩ có phải là Thạch Đạt Lang ở Miyamoto không ?

Thạch Đạt Lang trừng trừng nhìn lão, nghi ngờ. Ánh đuốc rọi vào làm mắt
hắn đỏ như hổ phách. Nhìn ánh mắt dữ tợn ấy, gã gia nhân kinh hãi quỳ
mọp xuống.

– Ngươi là ai ?

– Dạ …dạ …tiểu …tiểu …tiểu nhân …

– Đừng lắp bắp. Ngươi là ai, nói mau !

– Tiể …tiểu nhân phục vụ trong dinh tướng công Lưu Cát.

– Vậy được ! Chớ sợ ! Ta chính là Thạch Điền Đạt Lang ở Miyamoto. Đêm khuya, ngươi lên núi làm gì ?


– Vậy …vậy tráng sĩ đúng là Thạch Điền Đạt Lang !

Nói xong, vứt cả đuốc và dao, ù té chạy ngược trở lại đường cũ xuống núi, trước sự ngạc nhiên của Thạch Đạt Lang.

Tiếng chân đạp lá khô và cành gẫy xa dần. Lát sau nghe tiếng gọi:

– Cổ Lâm ! Ngươi ở đâu đó ?

– Ở đây, dưới này ! Sao ông lại trở lại ?

Không phải tiếng Cổ Lâm, một gia nhân khác của Lưu Cát, mà là tiếng thằng Giang.

– Giang đấy hả ?

– Vâng !

– Lên ngay đây, mau lên !

– Dốc lắm ! Mà nhiều gai, không đi được !

– Nhanh lên ! Ta đã tìm được Thạch Đạt Lang. Không tới mau, hắn đi mất.

Giang dìu Oa Tử trên đường núi dốc ở phía dưới, thấp hơn đến hai ba
trượng. Phải một thời gian sau, hai người mới khó nhọc leo lên được
ngang tầm đứng của lão gia nhân. Nàng thở hổn hển, gương mặt trắng bệch
như sáp. Giang đốt ngọn đuốc mới, sắc diện nàng hồng thêm đôi chút. Oa
Tử ôm ngực nói:

– Ông có chắc đã gặp Thạch Đạt Lang không ?

– Chắc. Chính Thạch Đạt Lang xác nhận mà, lầm thế nào được ! Nếu cô
nương không đi nhanh, hắn rẽ sang đường khác mất thì uổng công !

– Phía nào ? Giang hỏi.

– Trên núi, cách chỗ này không xa lắm. – Lão gia nhân vừa nói vừa cầm đuốc chỉ – Còn Cổ Lâm đâu ?

– Ông ấy đi hướng khác. Hay trở về rồi cũng nên.

Dáng điệu bị khích động rõ rệt, Oa Tử lẩy bẩy vịn vào vai Giang, giục:

– Mau lên em !

Mấy bữa nay, bệnh của nàng không thuyên giảm. Lúc nào Oa Tử cũng hâm hấp sốt và không ăn uống gì. Nhưng khi nghe tin Thạch Đạt Lang sắp giao đấu với Hoa Sơn, nàng không chịu nằm yên, nhất định đòi đi gặp người yêu.
Oa Tử bắt Giang dẫn lên ngỏ lời cảm tạ và từ biệt Lưu Cát tướng công rồi lui về phòng sửa soạn hành trang. Lưu Cát ngăn thế nào cũng không được, đành phải phái gia nhân đi các ngả tìm Thạch Đạt Lang và hộ tống nàng.

Cả đêm, Oa Tử không ngủ. Mới canh ba nàng đã sẵn sàng:

tóc bới cao, áo chẽn, dép cỏ, kèm theo một chút lương khô và nước uống.
Nàng đánh thức Giang dậy, rồi cả hai cùng khập khiễng dìu nhau trên sơn
đạo đi Quan Lĩnh.

Đêm khuya, trời cao trong vắt và buốt lạnh làm run rẩy đôi vai gầy người thiếu nữ cô độc. Sức mạnh nào đã giúp Oa Tử qua được những khó khăn
trên sơn đạo ? Trong cái cơ thể nhỏ bé, đau yếu ấy, không ngờ mối tình u uẩn nhưng mãnh liệt đã trở thành sức mạnh giúp nàng không quỵ ngã ở dọc đường.

Đầu giờ dần, Oa Tử và Giang tới được chân núi.

– Cô nhắm chừng leo được không ?

Giang lo lắng hỏi.

Oa Tử không đáp, chỉ gật. Mắt nàng sáng lên vì hy vọng, nhưng môi nàng
khô và mồ hôi rỏ giọt trên da mặt tái ngắt. Người gia nhân già bảo:

– Qua khỏi chỗ này thì đường bằng phẳng dễ đi hơn. Cô nương hãy ngồi nghỉ một lát đã.

Nàng lắc đầu, chống gậy cả quyết bước tới. Giang bắc tay lên miệng làm loa, gọi lớn:

– Thạch sư phụ ! Con đây ! Thầy đợi con !

Tiếng Giang non yếu nhưng cũng vang động cả khu rừng vắng làm phấn khởi
lòng người thiếu nữ. Trèo được một quãng, Giang thấy tay Oa Tử vịn trên
vai nó càng lúc càng nặng. Quay lại nhìn, Oa Tử xem chừng không kham nổi nữa. Dưới ánh trăng, da mặt nàng nhợt nhạt. Nàng thở hổn hển:

– Gi …Giang …

Cây gậy rời khỏi tay, Oa Tử ngã chúi xuống vệ đường, mặt úp sấp. Đến khi Giang đỡ được Oa Tử dậy, một dòng máu từ khóe miệng nàng chảy ra, đen
sẫm trên khuôn mặt trắng bệch. Thằng bé lo sợ cuống quít:

– Cô Oa Tử ! Cô làm sao thế ?

Nó lấy tay quệt máu:

– Cô thổ máu rồi đây này ! Trời ơi ! Em đã bảo cô đừng đi mà ! …

– Giang …Giang …để cô nằm …

Nói xong, mắt nhắm nghiền. Giang cuống cuồng, lấy tay đập vào lưng Oa Tử.

– Cô Oa Tử ! Tỉnh dậy đi ! Tỉnh dậy đi !


Oa Tử lờ đờ mở mắt. Trên đôi môi tái nhợt, phác một nụ cười héo hắt. Giang cúi xuống gần mặt nàng:

– Cô muốn gì không ?

Oa Tử không nói, mắt mở trừng trừng, nụ cười như đóng băng lại trên môi. Trong cơn hôn mê, nàng tưởng trông thấy một cảnh gì tươi đẹp lắm ở xa
tít, bên kia một con sông sương khói phủ mờ mờ. Đột nhiên cảnh sông biến mất, Oa Tử giật mình vẳng nghe tiếng Giang hỏi:

– Cô uống nước nhé ?

Oa Tử khẽ chớp mắt. Giang gỡ ống tre đeo bên sườn ra, nhưng thật không
may, trông ống không còn một giọt nước. Nó để túi hành trang trên cỏ,
đặt đầu Oa Tử lên, rồi bảo:

– Cô nằm tạm đây, em đi kiếm nước.

Giang lắng tai nghe. Hình như có tiếng suối róc rách. Nó xách ông đi về
phía ấy, quả nhiên chẳng bao lâu thấy một dòng suối nhỏ lẩn trong các
bụi cây cành lá rậm rạp.

Dòng nước trong veo đổ lên những viên sỏi tròn, trắng phau, đến một chỗ
phẳng chảy tràn ra thành vũng. Mặt nước long lanh in màu nền trời xanh
bạc, trong và sáng vô cùng, đẹp hơn cả nền trời chính thức ở trên kia.

Giang để ống tre sang bên. Trước khi múc nước, nó thèm uống một vài ngụm, bèn quỳ gối trên cỏ, chống hai tay, vươn cổ dài ra.

Mặt nước xao động. Bóng những thân cây rung rinh vỡ thành những vệt
ngang trên tấm gương sáng. Bên cạnh những thân cây ấy, một hình ảnh
khiến Giang trông thấy, giật mình tưởng đó là ảo ảnh.

Vì bóng người đứng bên gốc cây chính là Thạch Đạt Lang, sư phụ nó. Giang dụi mắt ngẩng nhìn sang bên kia vũng nước. Quả nhiên thầy nó đứng đấy,
nửa thân trên bị bóng cây che khuất, nhưng cái dáng hiên ngang cao lớn,
đôi giày cỏ thầy nó đi, sợi dây da buộc bên ngoài xà cạp màu chàm, Giang không thể nào lầm được. Giang hét lên một tiếng mừng rỡ:

– Thầy !

Nước bắn tung tóe ra xung quanh. Chỉ ba bước, Giang đã nhảy sang bờ bên kia, rơi vào vòng tay mở rộng của sư phụ.

– Thầy ! Thầy đến bao giờ thế ?

Thạch Đạt Lang ghì chặt đồ đệ vào lòng:

– Khẽ chứ con ! Chỗ này nguy hiểm, chớ nên để lộ tung tích của ta.

Giang hạ thấp giọng:

– Sao thầy biết con ở đây ?

– Nghe tiếng con, ta biết. Ta đợi con mới được một lúc. Mang nước về cho Oa Tử đi.

Giang quay nhìn vũng nước:

– Nước đục mất rồi, múc sao được nữa.

Thạch Đạt Lang tháo ống tre bên hông đưa cho thằng bé:

– Con mang nước này về để nàng uống.

Giang giơ tay định cầm, nhưng vội rụt ngay lại:

– Không ! Thầy mang đến cho cô ấy !

Hai thầy trò nhìn nhau. Một lúc, Thạch Đạt Lang vỗ vai Giang, trong cái
vỗ vai ấy dường như có sự thông cảm và thân mật khác thường:

– Nào thì đi ! Chắc nàng mong chúng ta lắm.

Oa Tử nằm thiêm thiếp bên đường, tay áo kimono trắng mở rộng như cánh
con chim câu bị tên bất động nằm trên cỏ. Thạch Đạt Lang quỳ xuống,
quàng tay nâng đầu nàng lên đặt trên đùi mình rồi dịu dàng kề ống nước
đến gần đôi môi tái nhợt và mím chặt của Oa Tử. Hắn khẽ gọi, giọng run
run vì xúc động:

– Oa Tử ! Hãy tỉnh dậy ! Nước đây !

Đôi mắt Oa Tử hé mở. Nàng uống thong thả từng ngụm nhỏ. Nước mát khiến
nàng rùng mình nhưng cũng làm nàng dễ chịu hơn trước. Giang quỳ gối bên
hai người, nói:

– Cô Oa Tử ! Thầy em đấy ! Thầy em đương cho uống nước chứ không phải em đâu! Thạch Đạt Lang đấy, cô có biết không ?

Trên đôi mắt lạc thần, giờ đây đã thấy có chút sinh khí. Hai giọt lệ
long lanh trên khóe mắt chảy dài xuống đôi má gầy. Nàng khẽ gật đầu xác
nhận.

Giang mừng rỡ vô cùng:


– Thầy ! Cô Oa Tử nhớ thầy hết sức. Cô bỏ cả ăn cả ngủ, nhất định đòi đi gặp thầy, con khuyên can thế nào cũng không nổi. Thầy bảo cô ấy đi chứ
con không thể nào làm được nữa.

– Lỗi tại ta. Để ta khuyên nàng. Bây giờ con hãy đi chỗ khác chơi một lát để ta nói chuyện với Oa Tử, được không ?

– Sao vậy thầy ? Con ngồi đây không được à ?

Oa Tử đưa mắt nhìn Giang. Nhìn ánh mắt cầu khẩn ấy, lòng Giang mềm hẳn lại.

Đối với thầy, đôi khi Giang còn tỏ ra bướng bỉnh ; nhưng với Oa Tử, nó
không bao giờ từ chối nàng điều gì, ngay cả điều nó không hiểu rõ.

Giang chống tay đứng dậy:

– Vậy con ra ngoài mỏm đá đằng kia, khi nào thầy nói chuyện xong thì gọi con.

Thằng bé đi rồi, cả hai cùng cảm thấy bẽn lẽn và bối rối. Oa Tử mệt nhọc dựa lưng vào gốc cây, mắt e thẹn nhìn xuống đất. Nàng vốn nhút nhát,
cơn bệnh lại càng tăng thêm tính nhút nhát cố hữu ấy. Thấy Oa Tử không
tỏ ra thân mật, Thạch Đạt Lang ngượng, quay mặt lên nhìn trời. Hắn không biết nói gì và cũng không biết bắt đầu ra sao nữa. Từ sau cái đêm mưa
gió, Oa Tử một mình trèo lên cây đại bách ở sân chùa Tiểu Sơn giải thoát cho hắn, Thạch Đạt Lang đã lờ mờ hiểu nàng yêu hắn. Mối tình u uẩn đó
ấp ủ trong năm năm qua ngày càng bền chặt khiến hắn không thể nào không
biết và không đáp lại. Trong nhiều đêm dài trằn trọc, cô đơn ở thạch
thất cũng như ở những ven đồi hoang vắng, Thạch Đạt Lang đã phải nén
lòng mình, chôn vùi mối tình nồng nhiệt sau bộ mặt lạnh lùng.

Nhiều phen hắn tự dối lòng và tỏ ra lãnh đạm với Oa Tử. Con đường hắn đi còn dài và còn nhiều gian khổ phải khắc phục. Nhưng giờ đây, trăng tà,
trời sắp sáng. Chẳng bao lâu nữa vầng nguyệt kia sẽ không còn trên trời
cao, cũng như đời hắn chẳng biết sẽ ra sao sau khi cuộc chiến kết thúc.
Trong những giờ khắc ngắn ngủi còn lại này trên dương thế, hắn thấy có
bổn phận phải nói rõ điều ấy cho Oa Tử biết để đáp lại tấm lòng kiên
trinh chung thủy của nàng.

Nhưng Thạch Đạt Lang nghẹn lời. Muốn nói, hắn không đủ tiếng để diễn tả và chẳng biết bắt đầu thế nào cho hợp cảnh.

Oa Tử thì chỉ biết khóc. Tình yêu đốt cháy tâm can nàng. Tất cả những gì xã hội thường gọi là nhân luân, đạo đức, tôn giáo, tự ái …đối với
nàng đều vô nghĩa. Trước mãnh lực ghê gớm của mối tình nàng đối với
Thạch Đạt Lang, Oa Tử tưởng có thể bỏ hết hay chết vì nó được. Thế mà
bây giờ đây, trước mặt người nàng hằng mong nhớ đến thành bệnh hoạn, Oa
Tử bất lực chẳng nói được lời nào. Nàng để mặc nước mắt tuôn trào. Nước
mắt yêu thương, vui mừng hay phẫn hận ?

Một đàn ngỗng bay ngang, tiếng kêu từ trên tường không vọng xuống. Đêm
sắp tàn, đàn chim xoải cách bay về rặng núi ở chân trời, tiếng kêu mỗi
lúc một xa …Thạch Đạt Lang buột miệng:

– Đàn ngỗng ấy thiên di về phương bắc.

Nói xong, thấy lời nói của mình nhạt nhẽo, hắn cúi xuống nhìn Oa Tử.
Bỗng gặp trong ánh mắt nàng một niềm thông cảm và âu yếm vô hạn. Cả hai
cùng nhớ đến những kỷ niệm xưa ở quê cũ, khi Thạch Đạt Lang với Mãn Hà
Chí còn là những thanh niên mới lớn và Oa Tử ở chùa Tiểu Sơn, mỗi khi
xuân về, thường cùng đứng nhìn theo những đàn ngỗng trời thiên di về
phương bắc.

Cả hai cùng để lòng hướng về ngôi làng cũ nghèo nàn vùng Miyamoto, có
chùa Tiểu Sơn nhỏ bé, hai bên bờ sông Yoshino cúc dại nở đầy và mỗi khi
sắp sang đông, gió bấc thổi làm rung động những cánh hoa cải vàng lấm
tấm như những cánh bướm non.

Oa Tử nói khẽ, tựa thì thầm:

– Chúng ta đã để mất nhiều thì giờ quý báu. Thật tiếc !

– Ừ, thật tiếc. Nàng có hối đã bỏ làng đi không ?

– Không. Chẳng bao giờ thiếp hối điều ấy.

– Giang nói nàng ốm nặng lắm phải không ?

– Cũng không nặng lắm. Xin chàng đừng quan tâm đến sức khỏe thiếp.

– Bây giờ nàng đỡ chưa ?

– Khá hơn trước nhiều. Phải chăng bây giờ chàng sắp giao chiến với phái Hoa Sơn?

Có gì nguy hiểm đến tính mạng không ?

– Sợ cũng có thể nguy đến tính mạng.

– Nếu chàng có mệnh hệ nào, thiếp không thể sống được !

Ánh mắt Oa Tử long lanh, cả quyết. Lòng tự tin và quyết tâm ấy khiến
Thạch Đạt Lang ngạc nhiên và thẹn với mình, vì đã lâu nay, sống chết làm hắn phân vân và hoang mang lắm. Bao nhiêu suy tư vẫn chưa mang lại cho
hắn một dứt khoát. Trên đường hành đạo, trong nhiều trường hợp, hắn
không phân định được lúc nào phải chết và lúc nào đáng chết. Trong khi
ấy, một thiếu nữ yếu đuối như Oa Tử, không được huấn luyện và không có
công phu hàm dưỡng gì đặc biệt, lại có thể sẵn sàng chấp nhận cái chết
để được toại ý, bình thản và không do dự. Thạch Đạt Lang không ngờ người thiếu nữ yếu đuối kia có sức mạnh tinh thần đáng sợ đến thế !

– Đừng nói bậy ! Vì lý do gì nàng chết ? Ta vì danh dự một kiếm sĩ mà
phải chiến đấu với phái Hoa Sơn. Ta đã chọn con đường ấy tất không thể
lui bước. Nhưng nàng ?

Nàng chết vô ích, có lợi gì cho ai và giải quyết được gì ?

Sự bất bình của Thạch Đạt Lang nổ ra đột ngột và thành thực khiến chính
hắn cũng phải kinh ngạc. Nhìn Oa Tử ôm mặt khóc, hắn hối hận đã quá lời.

– Oa Tử ! Nàng không hiểu lòng ta. Ta rất xúc động và cảm ơn nàng đã
dành cho ta một mối tình đằm thắm và sâu xa như thế. Nhưng quả tình,
nàng chết theo ta thật vô lý. Cho đến nay, dù ta đã lừa dối lòng mình
nhiều lần nhưng chưa bao giờ lừa dối nàng, cả khi nàng dắt ta chạy trốn.

Oa Tử ! Mai đây, khi trời sáng, có thể ta chỉ còn là cái xác không hồn.

Những giờ khắc này ở bên Oa Tử có thể là những giây phút cuối cùng trong đời. Ta thú thực đã yêu nàng ngay từ dạo ấy và ở trên cầu Hamada, ta bỏ đi, chẳng phải đã muốn lừa dối nàng mà vì đã tự lừa dối mình đó.

Có những đêm dài trăn trở, nghĩ đến Oa Tử, lòng đam mê và thương nhớ nổi dậy, ta đã muốn bỏ ngay tất cả, sẵn sàng đi tìm gặp nàng để cùng nhau
sống một cuộc đời bình thường trong hạnh phúc như mọi người …

Oa Tử ngước nhìn Thạch Đạt Lang, nét mặt rạng rỡ, má ửng hồng và đôi môi hé mở như uống những lời ngọt ngào của người yêu.

– Nhưng …

Thạch Đạt Lang quay mặt đi, nhìn về phía khác:

– Nhưng ta không thể. Trong thanh kiếm dựng bên, lòng ta nguội lại và mối cuồng si ấy không còn nữa.

Yên lặng một lát, Thạch Đạt Lang lại tiếp:

– Thanh gươm thức tỉnh ta mỗi khi ta bị những đam mê khác cám dỗ. Oa Tử ! Định mệnh đã an bài như thế, hay phải chính ta đã tự tạo ra điều ấy ?
Giữa tình yêu và kiếm đạo, ta phải chọn một. Nhưng chọn điều nào cũng
làm lòng ta đau xé. Như ngọn đèn trước gió lung lay, ta đã có lúc ngả về phía này, có lúc nghiêng về phía kia. Oa Tử ! Ta chẳng phải là vĩ nhân
mà cũng chẳng là anh hùng …

Thạch Đạt Lang dừng lại. Muốn nói thêm nhưng sợ lời không hết ý. Trong
giờ khắc này, dưới trăng vằng vặc, hắn quyết thổ lộ hết tâm can, vạch
trần những điều hắn mơ ước cho người hắn yêu mến.

– Oa Tử ! Đó, con người ta như thế. Khi ta nghĩ đến nàng, ta cũng nghĩ
đến thanh kiếm ta mang bên sườn, con đường phải đi. Vỏ kiếm trơn mát,
lưỡi kiếm sắc lạnh là lẽ sống của đời ta. Ta có thể chết vì danh dự của
kiếm sĩ, nhưng Oa Tử ! Oa Tử ! Ta không thể chết vì một người đàn bà, dù người đó là nàng đi nữa. Ta yêu Oa Tử, nhưng sự thật là như thế, nàng
hãy tha lỗi cho ta !

Thạch Đạt Lang cảm thấy bàn tay giá lạnh của Oa Tử bóp chặt tay mình. Lời Oa Tử dịu dàng nhưng cương quyết:

– Thiếp biết rõ điều ấy lắm, nhưng thiếp vẫn yêu chàng như thiếp đã yêu !

– Nhưng nàng không thấy là điên rồ khi phải chết vì ta sao ? Giây phút
này, ở bên Oa Tử, ta yêu nàng thành thật; nhưng khi xa nàng, ta sẽ quên
mất. Nàng đừng điên rồi mà chết theo một người như vậy. Hãy sống cuộc
đời nàng đáng được hưởng, êm đềm trong một gia đình hạnh phúc. Trời sắp
sáng rồi, ta phải đi. Oa Tử ! Hãy nhớ những lời ta vừa nói như những lời vĩnh biệt.

Thạch Đạt Lang nhẹ nhàng gỡ tay Oa Tử. Nàng cuống cuồng nắm áo Thạch Đạt Lang, nước mắt ràn rụa:

– Đạt Lang ! Hãy ngồi lại thêm chút nữa.

Oa Tử muốn nói nhiều với người yêu, dàn trải tất cả những nhớ nhung, hy
vọng cũng như đau buồn nàng đã trải qua trong suốt mấy năm, nhưng sao
nàng bối rối quá, lưỡi líu lại, cổ họng tắc nghẹn; chỉ thấy những giọt
lệ theo nhau chảy dài trên má. Mắt ngước nhìn Thạch Đạt Lang, Oa Tử quên hết, lòng tự ái, quá khư cũng như tương lại, nàng chỉ biết có hiện thân của mối tình trước mặt mà nàng phải cố giữ không để cho vuột mất.

Trong đôi mắt cầu khẩn van lơn ấy, có một vẻ gì khiêm nhượng và đẹp một
cách lạ kỳ khiến Thạch Đạt Lang vô cùng thương cảm. Lòng hắn mềm hẳn lại nhưng cũng làm hắn lo sợ vô cùng. Hắn có cảm tưởng lòng sùng mộ kiếm
đạo của hắn bị lung lay, như một cái cây mọc cạn sắp bị trận gió phũ
phàng thổi bật rễ.

Thạch Đạt Lang quay mặt đi tránh ánh mắt mê hồn ấy.

– Oa Tử ! Nàng có hiểu lòng ta không ?

– Thiếp hiểu chứ. Nhưng thiếp vẫn tin nếu chàng chết, thiếp sẽ không sống nổi.

Cái chết có ý nghĩa đối với chàng thế nào thì đối với thiếp, nó cũng có ý nghĩa như thế.

Nếu vì danh dự, chàng có thể bình tĩnh rời bỏ cuộc đời này thì thiếp
cũng có thể từ bỏ cuộc sống vì không muốn kéo dài đau khổ. Chuyện ấy,
thiếp phải quyết định một mình, không ai giúp được, kể cả chàng.

Giọng Oa Tử trở nên vững mạnh. Nàng thôi khóc, và với một vẻ bình tĩnh lạ lùng, nàng nói tiếp:

– Đạt Lang ! Nếu trong thâm tâm chàng đã coi thiếp là vị hôn thê thì
điều đó cũng đủ làm thiếp mãn nguyện. Chàng đã nói không muốn cho thiếp
đau khổ, vậy đừng khuyên thiếp ở lại một mình. Ngày nào chàng đi sang
bên kia thế giới mà thiếp được theo chân thì đó là ngày thiếp sung sướng vô hạn, một ngày tưng bừng của thiếp, có chim hót, có bướm bay. Đó là
ngày vu quy của thiếp vì thiếp được sum họp với chàng.

Nói một hơi, dường như mệt nhọc, Oa Tử dựa đầu lên ngực người yêu thở hổn hển, nét mặt rạng rỡ.

Trăng lụn dần. Trời chưa sáng nhưng sương đêm đã bắt đầu tan, chỉ còn quanh quất trong những bụi cây và trên mặt cỏ ẩm ướt.

Thình lình một tiếng thét kinh sợ vang lên trong sự vắng lặng của đêm
tàn. Oa Tử giật mình. Thạch Đạt Lang hối hả đứng dậy cầm tay nàng:

– Oa Tử ! Ta phải đi. Đừng phí cuộc đời vào những nỗi buồn vô ích. Ta
hiểu lòng nàng lắm, nhưng ta đã chọn đường đi. Ngày hôm nay hay mai sau, thân thể ta có thể thành cát bụi nhưng hồn ta còn mãi, trăm năm, ngàn
năm trong lòng dân tộc.

Oa Tử run run nắm tay người yêu lần chót. Nàng muốn chạy theo nhưng
không đủ sức. Gục ở bên đường, mắt hoen lệ nhìn những bước đi vội vã của Thạch Đạt Lang, Oa Tử tưởng có thể hét to đến xé lồng ngực để mong vơi
bớt nỗi bi thương, nhưng sao không một tiếng nào thoát ra khỏi cổ.

Nàng cúi đầu. Bóng nàng câm lặng tựa phiến đá.

Giang từ trên đồi cao chạy xuống, tay còn cầm chiếc mặt nạ. Sỏi đá theo
chân nó đổ rào rào. Nhìn bóng Oa Tử yên lặng bên đường, nó hét:

– Cô Oa Tử ! Cô có sao không ?

– Không. Cô không sao em ạ !

Nghe tiếng Oa Tử đáp, Giang yên lòng đến gần.

– Thầy em đâu ?

– Thầy em đi rồi. Tiếng ai vừa hét thế ?

– Em không biết. Em đang đeo cái mặt nạ này ngồi ngắm trăng thì có tiếng sột soạt đằng sau. Tưởng là chồn cáo gì đó em quay lại, bỗng nghe tiếng thét kinh hãi như tiếng người vừa gặp quỷ. Họ tưởng em là quỷ hay họ là ma hiện hồn hả cô ?


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.