Đọc truyện Thạch Kiếm – Chương 45: Giăng bẫy
Trăng vừa ló khỏi ngọn cây, đồ chúng Hoa Sơn đã chia thành nhiều toán trèo lên đồi Sinh Minh, nhằm hướng cổ tùng tiến tới.
Họ đi yên lặng dưới trăng, chập chờn ẩn hiện. Bóng họ lúc đổ dài, lúc
khuất lẩn vào những bụi cây mọc tràn ra cả sơn đạo, hình thù cổ quái.
Xa xa, cắt trên nền trời trong vắt, gốc tùng to lớn, tàng lá rậm rạp mọc chênh vênh bên bờ vực sâu. Bóng tùng che lấp ánh trăng khiến vực tối
om, đã sâu lại càng thăm thẳm.
Trên tàng cây, sườn núi đá dốc gần như thẳng đứng. Chỗ đó chỉ có loài
vượn ở; họa hoằn, vào những ngày hè nắng ráo mới thấy một hai gã tiều
phu mạo hiểm trèo lên kiếm củi. Sơn đạo khúc khuỷu. Mưa, tuyết từ thượng nguồn đổ xuống hàng năm cày nát mặt đường, để lại nhiều vết ngoằn ngoèo sâu hoắm lẫn với những hòn quái thạch rải rác.
Đệ tử Hoa Sơn leo dốc một cách khó nhọc. Nhìn lên, về phía gốc cổ tùng
đã có ánh lửa lập lòe, bóng nhiều người thu hình ngồi im lìm bên các
tảng đá trông như những con cua đêm rình mồi trên bãi cát.
– Anh em đến có vậy thôi à ?
– Còn một số đi sau, cùng với Cảnh Môn lão tiền bối.
– Hơi ít. Ta dự trù khoảng trăm rưởi, nhưng đây chỉ được nửa số ấy thôi chứ mấy.
Người kia quay lại lẩm nhẩm tính:
– Quả vậy ! Không ngờ anh em đến ít thế !
– Hừ ! Kể cả số người đến trễ, có lẽ cũng chỉ được tám chục.
Một đệ tử nói:
– Người đời thường phù thịnh chứ ai phù suy ? Nhiều mà không dùng được
thì thà ít mà có bản lĩnh và hết lòng với môn phái lại hơn.
– Huynh đệ nào vừa nói thật chí lý. Ta thấy anh em có mặt ở đây đều là những hảo thủ trung thành, vậy cứ chờ xem.
Tuy đã tự trấn an như vậy nhưng đa số vẫn không yên bụng. Nghĩ đến chiêu kiếm thần tốc của Thạch Đạt Lang sau sân chùa Kim Các đã đưa Điền Chính và Hạ Nguyên Cát sang bên kia thế giới chỉ trong nháy mắt, họ còn thấy
rùng mình sởn gai ốc. Ngồi sát lại bên đống lửa, một số thì thào bàn
bạc:
– Tền này quá lợi hại, không thể khinh suất. Phải dùng mưu …
– Dĩ nhiên rồi. Cho nên đệ nghĩ địa hình ở đây hiểm trở, ta phải đặt ổ phục kích và phải hành động ngay. Nếu không sợ trễ quá.
Người khác nói:
– Cái khó là không biết nó tới bằng đường nào mà phục kích. Chẳng rõ các vị huynh trưởng có cắt người đi do thám trước không ?
– Chờ được tin thì muộn. Lúc này ta cứ chia ba toán mà phục ở những chỗ
hiểm địa ở cả ba ngả đường. Nó đến bằng ngả nào cũng chết.
– Như vậy e lực lượng mình bị phân tán, số người ở mỗi nơi không đủ sức cự lại.
– Không hề gì. Mình có ưu thế bất ngờ. Vả lại khi phát giác ra nó ở chỗ
nào thì mọi người cùng đổ lại, ba mặt giáp công rồi cứ dùng cách xa luân chiến mà đánh, khoẻ mấy cũng phải nhược.
Nghe ra lời bàn hợp lý. Cả bọn im lặng không phản đối. Lại có người nói:
– Nghe đâu Ưng Đằng lão huynh cũng đã sắp đặt hai tay cung nỏ sẵn sàng và một tay dùng hỏa khí nữa.
– Vậy tốt quá. Hỏa khí ở đâu thế ?
– Hình như của một khách thương người Bồ Đào Nha tặng. Hiệu nghiệm vô cùng !
Mọi người cùng à một tiếng, tinh thần phấn chấn hẳn lên. Nhưng có kẻ bất nhẫn cho rằng làm thế không quanh minh chính đại. Đã lấy số đông áp đảo và đánh lén lại còn dùng ám khí.
Tuy nhiên chẳng ai quan tâm. Họ chia thành ba toán, phân công rồi cứ tiến hành cuộc giăng bẫy.
Bỗng nghe tiếng lào xào. Một người kêu lớn:
– Anh em ! Nó tới !
Tình thế đột nhiên căng thẳng. Bóng người nháo nhác ẩn vào các bụi rậm ! Đống lửa bị đạp tắt ngúm. Chỉ một loáng, khoảng đất trống bên gốc tùng
đã vắng hoe, bầu không khí yên lặng nặng trĩu đe dọa bao trùm khắp cây
cỏ. Dưới ánh trăng rung rung, côn trùng cũng không lên tiếng và những
cành thông ướt sương lấp lánh như những lưỡi kiếm thép.
Thời khắc trôi qua, không động tĩnh. Yên lặng nặng nề như thế chẳng biết bao lâu.
Mãi sau mới thấy hai xa phu lực lưỡng phăng phăng lên đồi, vai khiêng cái cáng lớn.
Họ đặt cáng ngay trên khoảng đất trống, vén rèm cho một ông già và một
thiếu niên bước ra. Tưởng ai, hóa ra là Hoa Sơn Cảnh Môn và người trưởng nam, Hoa Sơn Tuệ Tâm, mười ba tuổi, mới nhậm chức chưởng môn của kiếm
phái. Bọn đệ tử Hoa Sơn canh chừng dưới chân núi, trong lúc vội vã đã
hoảng báo.
– Tình hình này mà còn khệnh khạng đi cáng !
– Tân chưởng môn còn ít tuổi, đi cáng chẳng có gì quá đáng. Huynh đệ khe khắt quá !
Bấy giờ, đồ chúng Hoa Sơn mới lục tục bước ra tham kiến. Ưng Đằng và một số anh em khác có trách nhiệm cũng vừa đến. Một ngọn đèn lồng được thắp lên nhưng ánh sáng bị che bớt, chao qua chao lại, mờ đục và yếu ớt dưới ánh trăng vằng vặc.
Vừa ra khỏi cáng, Cảnh Môn đã hỏi ngay, giọng đầy vẻ quan thiết:
– Anh em đến đủ cả rồi đấy chứ ?
Một người đáp:
– Dạ đủ cả.
– Vậy Ưng hiền điệt cho bố trí đi thì vừa.
Đoạn quay sang phía thiếu niên, ông nói:
– Tuệ Tâm ! Con ra đứng dưới gốc thông kia lược trận. Cuộc chiến này rất quan hệ cho phái Hoa Sơn ta mà con là chưởng môn. Con chưa biết võ công nên các vị đây sẽ vì con mà chiến đấu. Đừng sợ gì cả …
Ông vỗ vai con trai, khuyến khích. Tuệ Tâm bậm môi khẽ gật, bước tới bên gốc cây. Tuy còn nhỏ nhưng dường như đã ý thức được tầm quan trọng của
tình thế, chàng thiếu niên đứng thẳng, yên lặng, tay nắm chặt, dáng điệu nghiêm trang và cứng nhắc như một hình nộm bằng gỗ được trưng bày trong ngày lễ của các thiếu niên kiếm sĩ.
– Chúng ta đến hơi sớm, bây giờ mới đầu giờ dần.
Cảnh Môn vừa nói vừa rút trong bọc ra một ống điếu và nhồi thuốc. Cảnh
Môn đã già, không biết võ công, có tật ưa hút thuốc, bấy giờ được coi là một thứ hàng xa xỉ và hiếm vì phải mua từ các tàu buôn ngoại quốc.
Nhưng vì ông đứng vào hàng thúc bá của Sĩ Khánh và Điền Chính, vả tính
ông hào sảng, rất quan tâm đến sự thịnh suy của môn phái nên ai ai cũng
kính mến, coi ông như trưởng lão của cả phái. Hễ có chuyện gì quan
trọng, trước đây, bao giờ Sĩ Khánh cũng hỏi ý kiến ông; huống chi bây
giờ, Tuệ Tâm, trưởng nam của ông lại mới được công cử làm chưởng môn,
nên ý kiến ông càng được trọng nể lắm.
– Lão phu nghĩ việc này nên hết sức cẩn thận. Bản phái chẳng may bị tên
đó làm nhục, chỉ còn hiền điệt – Cảnh Môn nhìn Ưng Đằng – là người cao
tuổi nhất, xứng đáng làm niên trưởng để hướng dẫn công cuộc phục thù.
Tuệ Tâm tuy là truyền nhân nhưng chẳng biết gì về võ công, mà lão phu
thì hồ đồ, xin hãy vì bản phái mà hết lòng cho.
Ưng Đằng cảm động quỳ xuống đáp:
– Việc là việc chung, tại hạ đâu dám xao lãng. Sao lão trượng lại nói thế ?
Cảnh Môn đỡ Ưng Đằng dậy:
– Ấy cũng là vì việc chung nên lão phu mới đề nghị nên hỏi ý kiến tất cả anh em để họ cùng góp phần vào việc diệt thù. Hiền điệt nghĩ sao ?
– Lão trượng nói rất phải.
Bèn tập hợp tất cả mọi người lại, trừ những kẻ có phận sự phải canh
phòng, để bàn luận. Chủ trương mai phục ở các nơi hiểm yếu trên cả ba nả đường đổ lên đồi Sinh Minh được tán thành. Mọi người nhất quyết phải
giết cho được Thạch Đạt Lang bằng mọi giá và bằng mọi cách.
– Nếu tất cả anh em cùng đồng lòng như vậy thì còn gì hơn nữa. Chỉ xin
thi hành cho bằng được. Lão hủ rất tiếc không trẻ lại vài chục tuổi để
tiếp sức với anh em !
Ưng Đằng bèn đem trình hai cung thủ và người sử dụng hỏa khí:
– Tại hạ cũng đã có kế hoạch. Vạn bất đắc dĩ, nếu nó quá mạnh, những huynh đệ này cũng dùng được việc.
Mọi người phấn khởi, nhất nhất tuân theo sự xếp đặt của Ưng Đằng:
Một toán xuống mai phục ở ven bờ vực, một toán ẩn trong khu rừng bách
gần ngã ba đường đi Quan Lĩnh và một toán bố trí ngay tại chỗ, lo bảo vệ hai cha con Tuệ Tâm. Cung thủ án chỗ cao nhất trên đồi và người anh em
sử dụng hỏa khí trèo lên cành thông ngồi đợi, nạp đạn sẵn và mồi lửa để
bên, nếu thấy địch chạy là bắn.
Phân công bố trí xong, mọi người tản đi không tiếng động, êm như loài thủy cầm lẩn vào đám sậy.
oo Đứng lâu nghe chừng khó chịu, Tuệ Tâm vặn mình, nhăn mặt. Chân nó đã hơi tê, sương thấm qua lần dép cỏ lạnh buốt.
– Ngứa quá !
– Tuệ Tâm ! Gì thế ?
Hoa Sơn Cảnh Môn hỏi con.
– Lá thông rơi vào cổ áo khó chịu lắm. Mà con buồn ngủ quá !
– Phải ráng. Can đảm lên, chút nữa có chuyện gì xảy ra, hãy coi cho kỹ.
Bây giờ là chưởng môn kiếm phái Hoa Sơn rồi, không được có những cử chỉ
hèn yếu.
Tiếng cú rúc từ xa vẳng tới. Một con chim đêm bay ngang qua, cánh đập phành phạch và bóng đổi dài trên nền cỏ ướt.
– Thân phụ ! Con sợ !
– Sợ cái gì ? Không được tỏ ra khiếp nhược !
Thình lình, tiếng quát ở phía lưng chừng đồi làm Tuệ Tâm giật bắn người. Nó chạy lại ôm chầm lấy cha. Cảnh Môn gỡ tay Tuệ Tâm ra, trừng mắt
nhìn. Một giọng nói nửa giận dữ nửa chế nhạo vọng lên:
– Ta là Giang Biên Liễu. Mắt ngươi mù hay sao mà không thấy ?
– Không biết ! Đứng lại ! Quân này đến do thám chăng ?
Tiếng cười ha hả:
– Nếu quả ta do thám thì lưỡi gươm này đưa ngươi về chín suối từ lâu rồi !
Thấy Cát Xuyên Mộc, Ưng Đằng vội chạy ra đón. Nhìn chàng thanh niên mặt đầy nộ khí, ông quát đồ đệ:
– Anh em ai về chỗ nấy, không được vô lễ !
Đoạn quay sang phía thanh niên:
– Thiếu hiệp đại xá cho. Vi bản phái phải bố trí tự vệ nên mới có chuyện này.
Không ngờ thiếu hiệp cũng lại có mặt, lão phu rất lấy làm cảm kích !
Thấy thái độ hòa nhã của Ưng Đằng, Cát Xuyên Mộc nguôi giận, tra kiếm vào vỏ, khiêm nhượng.
– Kính chào lão tiền bối, vãn sinh chỉ vì trách nhiệm mà đến chứ không có ý gì khác.
– Đa tạ thiếu hiệp.
– Đêm trước, vì đã đứng ra làm trung gian dàn xếp cuộc tranh chấp này
nên vãn sinh phải lo tròn bổn phận. Mới đây, nhờ may mắn biết được một
số chi tiết về Thạch Đạt Lang, vãn sinh muôn thông báo để quý phái rõ.
Ưng Đằng ngạc nhiên, nhưng thấy thanh niên này có ý thiên về phía mình nên hoan hỉ mời Cát Xuyên Mộc đến gần gốc tùng đàm đạo.
Xong phần giới thiệu và nghi lễ, đôi bên đề cập ngay vào việc chính. Cát Xuyên Mộc nói:
– Vãn sinh dự định sẽ thành lập một kiếm phái sau này nên phải học hỏi
và theo dõi những trận thư hùng của các hảo thủ võ lâm. Thạch Đạt Lang
tuy là tên quê mùa nhưng mới đây đã lập nhiều thành tích đáng kể …
Ưng Đằng không hiểu Cát Xuyên Mộc có ý gì, đang phân vân thì gã tiếp:
– Vãn sinh ngạc nhiên lắm, để tâm dò xét thì được biết một vài điều rất hữu ích.
Tên này sinh trưởng ở Miyamôt, con một kiếm sĩ quê mùa vùng Mimasaka.
Lúc lớn, cùng với bạn đầu quân, tham dự trận Sekigahara. Thua trận, trở
về làng, hắn làm nhiều điều phi pháp càn rỡ bị dân làng khinh ghét đuổi
đi. Là một tên vô lại, nhưng Thạch Đạt Lang có sức khoẻ hơn người, có
đôi chút võ nghệ và khi chiến đấu thì cực kỳ dũng mãnh liều lĩnh. Hắn
không có sư phụ nên kiếm pháp chẳng ra đường lối gì. Phương pháp chính
thống của quý phái không làm Thạch Đạt Lang e dè đâu, chẳng khác gì đem
lời nói ra mà lý luận với kẻ điếc. Cho nên, theo thiển ý, nếu không dùng bẫy bắt hắn như bắt một con thú dữ thì quý phái nhất định thất bại. Nói thế để quý phái liệu mà hành động !
Ưng Đằng gật đầu:
– Đa tạ thiếu hiệp. Ngu lão cũng đã nghĩ đến điều đó.
Rồi đem kế hoạch dự định, chỗ mai phục cùng việc dùng cung nỏ và hỏa khí sẵn sàng truy kích Thạch Đạt Lang ra sao kể cho Cát Xuyên Mộc nghe hết.
Cát Xuyên Mộc mỉm cười, nói lửng lơ:
– Cũng được ! Xem ra tên đó rơi vào ổ phục kích của quý phái thì cũng khó lòng thoát. Nhưng vẫn còn có chỗ sơ hở.
Khó chịu vì thái độ hợm hĩnh của gã thanh niên, Ưng Đằng hỏi:
– Sơ hở chỗ nào ?
– Các vị tính kế để bắt Thạch Đạt Lang, được lắm ! Nếu hắn cứ thẳng
thắn, đơn độc trèo lên núi, tất sẽ chết trong tay quý vị. Nhưng nếu hắn
không đến thì sao ? Cả kế hoạch của quý vị sẽ phải vất bỏ vì vô dụng.
– Phải chăng thiếu hiệp muốn nói tên đó chạy trốn. Nếu thế chúng ta sẽ
yết bảng khắp nơi nêu sự hèn nhát ấy ra để hạ nhục hắn. Giang hồ sẽ chê
cười hắn.
– Có thể các vị sẽ làm thế, nhưng chẳng ai cấm Thạch Đạt Lang đi rêu rao khắp nơi là Hoa Sơn đã giăng bẫy lừa hắn nên hắn không muốn làm nạn
nhân của một âm mưu bất chính. Danh dự quý phái có vãn hồi được đâu mà
công của các vị là công cốc.
Hơn nữa, Thạch Đạt Lang vẫn sống, sẽ trả thù các vị, mối lo là ở đó !
Cảnh Môn nghe ra, nhìn Ưng Đằng như ngầm hỏi cách xử trí. Vị trưởng lão
lặng thinh. Tuổi già làm óc ông đặc lại, không còn sáng kiến gì nữa.
Lát sau, gã thanh niên lại nói:
– Vãn sinh có một kế nhỏ.
Không ngăn nổi vui mừng, cả hai người kia cùng đồng thanh:
– Xin thiếu hiệp cho nghe.
Cát Xuyên Mộc bèn ghé miệng vào tai Ưng Đằng nói thầm mấy câu, xong quay ra cao giọng với một vẻ tự tin đặc biệt:
– Thế nào ? Tiến bối thấy làm như vậy có ổn chăng ?
Nét mặt rạng rỡ, Ưng Đằng gất đầu lia lịa, mỉm cười thỏa mãn:
– Thiếu hiệp giúp cho như thế thì còn gì bằng nữa !
Rồi xích lại gần Cảnh Môn, ghé tai nói nhỏ cho ông nghe cái mưu kế của Giang Biên Liễu Cát Xuyên Mộc.
oo Hôm sau, trời gần sáng, Thạch Đạt Lang tới ngôi quán nhỏ bán rượu ở
phía bắc trấn Kitano, nơi trước đây hắn gặp Giang và thu nhận Giang làm
đồ đệ. Quán tiêu điều hơn và chủ quán cũng già hơn trước nhưng vẫn còn
nhớ hắn, niềm nở mời vào, hàn huyên như vừa gặp một người thân lâu ngày
không tin tức.
Ăn xong bữa cơm và ngủ một giấc dài, Thạch Đạt Lang ra đi đến xế trưa
mới trở lại, mang về một tấm bố nhờ chủ quán thuê may cho một chiếc áo
chẽn nhiều túi, một cái khố. Vải thừa thì làm một dây lưng dài thật
chắc. Hắn cũng không quên mua tặng chủ quán một bịch khoai. Chủ quán đưa vải ra tiệm may, bảo may gấp, khi trở về lại mua một bình rượu sa-kê
rồi vào bếp lúi húi gọt khoai nấu món canh khoai hầm thịt.
Buổi chiều vắng khách, cả hai bày món ăn ra bàn, chén chú chén anh, nói chuyện mãi đến đêm mới đi nghỉ.
Gà gáy sang canh, nghe tiếng nước dội ngoài giếng, chủ quán tỉnh giấc.
Trông ra, Thạch Đạt Lang đang đứng dưới trăng tắm nước lạnh. Tắm xong,
hắn mặc quần áo mới.
Chủ quán cũng ra, thắt hộ dây lưng và sửa soạn hành trang giúp.
– Hôm qua, đại hiệp nói chẳng ở đây lâu. Không ngờ đi sớm thế ?
Chủ quán tuổi đã cao, lại không có gia đình, thấy Thạch Đạt Lang sống
đơn độc cũng như mình thì đem lòng lân ái. Ông săn sóc chàng thanh niên, coi như người nhà, hỏi thăm cả về Giang và đoán thằng bé chắc bây giờ
lớn lắm. Đạt Lang hứa khi trở lại Kyoto sẽ tới trọ nhà ông và dẫn Giang
đến.
Thạch Đạt Lang ra đi, chủ quán tiễn chân đến tận cửa ngoài, lòng bùi
ngùi nhìn theo như vừa tiễn chân một người thân chẳng hy vọng gì tái
ngộ.
Trăng lung linh trên nền trời trong vắt. Thạch Đạt Lang cảm thấy lòng lâng lâng, mỗi bước một nhẹ nhàng, đầy hứng khởi.
Gió đêm mơn man trên mặt. Chút rượu sa-kê uống vừa phải, giấc ngủ ngắn
mà ngon, nước giếng lạnh chà xát cơ thể khiến huyết mạch chạy điều hò a, bộ quần áo mới mặc ấm áp dễ chịu, Thạch Đạt Lang không có cảm tưởng
mình là người sắp chết. Hồi tưởng hôm nào trên đỉnh Đại Bàng sơn, hắn
cũng có cảm giác như thế này. Co khác là bấy giờ cành cây nặng trĩu băng giá mà bây giờ thì nụ đã bắt đầu nở hoa.
Sau khi rời khỏi dinh tướng công Lưu Cát, Thạch Đạt Lang đến đền Kuruma
ngồi nhập định dưới gốc thông, hy vọng tìm thấy, trong sự yên tĩnh suy
tư, trạng thái chân phúc của tâm hồn. Hắn cố gắng xua đuổi những tư
tưởng bi quan về cái chết, nhưng đầu óc lộn xộn không sao thoát khỏi
những ý niệm hắc ám.
Bây giờ tắm nước lạnh xong, đột nhiên thấy dễ chịu hơn, hắn tiếc đã phí thì giờ vô ích.
Tiếng kèn thờ não nuột từ một nhà có đám tang ở đâu vọng đến. Trong đêm
tịch mịch, điệu nhạc bi ai gợi lên trong tiềm thức Thạch Đạt Lang cái
cảnh một gia đình buồn thảm ngồi canh thức xung quanh cỗ quan tài bằng
gỗ mộc. Cảnh này ở đâu ? Hắn cố nhớ mà không sao nhớ được.
Thấp thoáng sau hàng cây là sông Kamo và đằng xa, nơi chân trời, giải
Thiên Sơn ba mươi sáu ngọn đầy bí ẩn ngạo nghễ nhìn hắn. Nước sông trắng xoa như bạc, Thạch Đạt Lang men theo dòng sông, qua cầu gỗ. Chủ quán đã nói với hắn muốn đi Quan Lĩnh, từ phía bắc Kyoto phải qua cầu này vì
đây là đường gần nhất.
Sang bên kia sông, vừa được mấy bước, nghe tiếng gọi, Thạch Đạt Lang
đứng khựng, nhưng không định hướng được tiếng ấy từ đâu đến. Thêm vài
bước lại nghe tiếng gọi. Thạch Đạt Lang dừng lại lần nữa, chú mục nhìn
kỹ xung quanh. Từ xa, một dáng người cao lớn rảo bước đi tới, tay vẫy
lia lịa. Hắn không đoán được là ai mặc dầu cái dáng cao lớn ấy rất quen
thuộc, hình như hắn đã gặp vài lần.
Đến gần thì ra …Cát Xuyên Mộc. Thạch Đạt Lang đề phòng. Hắn không tin
chàng thanh niên này, nhưng vì y làm trung gian giữa hắn và phái Hoa
Sơn, nên không lộ ra mặt. Cát Xuyên Mộc lên tiếng:
– Nhân huynh vẫn được an khang đấy chứ ?
Vồn vã nhưng kiểu cách và thân mật quá đáng. Đáp lại, Thạch Đạt Lang chỉ giữ thái độ nghiêm cẩn, trả lời đủ lễ.
Đưa mắt về phía cầu sông Kamo và nhìn xung quanh không thấy ai, Cát Xuyên Mộc lại hỏi:
– Nhân huynh đi một mình ?
– Dĩ nhiên tại hạ đi một mình.
– Chắc huynh đài miễn chấp cho đệ việc làm đêm hôm trước. Đa tạ huynh đài đã nhận lời.
– Tại hạ phải cảm ơn các hạ mới phải chứ. Sự can thiệp của các hạ đã
tránh cho đôi bên một cuộc xô xát đẫm máu xảy ra ở một nơi chẳng mang
vinh dự gì cho võ lâm.
Thế là may lắm.
Thạch Đạt Lang cũng đáp lại bằng những lời lẽ khiêm tốn.
– Nhân huynh đến nơi hẹn ?
– Đúng thế !
– Đến một mình ?
– Dĩ nhiên. Đây là chuyện riêng của tại hạ.
– Hừ …Thạch huynh ! Nhân huynh tha lỗi, nhân huynh có hiểu lầm hay
quên những lời giao ước đệ đã nói với nhân huynh đêm hôm ấy chăng ?
– Ờ …ờ …không ! Tại hạ không quên điều gì cả …
– Đây không phải là một cuộc tỷ kiếm tay đôi, giữa hai kiếm sĩ với nhau như trường hợp Sĩ Khánh và Điền Chính …
– Tại hạ biết.
– Hoa Sơn Tuệ Tâm tuy là chưởng môn nhưng chỉ là một thiếu niên không
hiểu võ công gì. Vậy nhân huynh không phải chỉ đương đầu với y mà phải
đương đầu với những đệ tử bảo vệ y, có thể là mười, hai mươi hay hàng
trăm người và toàn là những hảo thủ cả. Qúy huynh biết thế không ?
– Biết chứ ! Tại sao các hạ hỏi điều đó ?
– Họ đang mai phục ở ba ngả đường đi Quan Lĩnh, gần gốc cổ tùng chờ nhân huynh …
– Sao các hạ biết ? Các hạ vừa ở đó đến chăng ?
Cát Xuyên Mộc ngượng, nói lảng:
– À …Không …Đệ đoán vậy và cũng đoán nhân huynh đi đường này nên chờ để lưu ý nhân huynh đấy thôi. Đệ thấy có bổn phận phải làm thế vì là
người trung gian dàn xếp …
– Cảm ơn các hạ.
– Thật nhân huynh chỉ đi có một mình hay còn người nào nữa sẽ nhập bọn ?
– Thực ra tại hạ còn một kẻ đồng hành …
– Ồ ! Ai vậy ? Ở đâu ?
– Ở ngay đây thôi !
Trước sự ngạc nhiên của Cát Xuyên Mộc, Thạch Đạt Lang chỉ bóng mình trải dài dưới ánh trăng và cười ha hả.
Cát Xuyên Mộc có vẻ thẹn và giận:
– Có gì đáng cười ? Hình như huynh đài không coi lời cảnh cáo của đệ vào đâu cả.
Nhưng Thạch Đạt Lang nghiêm mặt:
– Các hạ cho rằng tại hạ đùa chăng ? Khi Bồ tát Mạn Đà La nói rằng kẻ
nào tin có đức Toàn Năng đi bên mình thì kẻ đó có sức mạnh bằng hai
người, các hạ cũng cho rằng ngài nói đùa chăng ?
Cát Xuyên Mộc không đáp. Thạch Đạt Lang lại tiếp:
– Nhìn bên ngoài, có vẻ như Hoa Sơn phái sẽ áp đảo được tại hạ. Họ đông
người, tại hạ chỉ có một. Nhưng xin các hạ đừng lo lắng gì cho tại hạ.
Nếu biết họ dàn ra mười người, tại hạ cũng đem theo mười bằng hữu để đối địch; họ dàn ra trăm người, tại hạ cũng mang theo trăm người, thì cuộc
chiến sẽ rối loạn lắm ! Bao nhiêu người sẽ chết hoặc bị thương và vấn đề cũng chỉ giải quyết được thế thôi, nghĩa là giữa cá nhân tại hạ và Hoa
Sơn phái, một còn một mất, vậy có ích gì ?
– Nhân huynh nói cũng phải, nhưng khi chiến đấu mà đã biết trước thất bại thì e rằng …e rằng …
– Không hợp với binh sách chứ gì ? Xin đa tạ ! Tại hạ đã có chủ ý.
– Nếu nhân huynh đã nhất định như thế thì thôi. Chỉ xin lưu tâm tìm cách gì ít nhất bảo toàn được sinh mang !
– Sinh mạng con người là quý, tại hạ cũng tin như vậy. Nhưng các hạ hãy nhìn kìa:
con sông Kamo này có thể là con sông đưa đến cửu tuyền, con đường tại hạ sắp đi để tới ngã ba Quan Lĩnh có thể là con đường đầy gai góc đưa tới
địa ngục, nhưng đối với tại hạ, nó là con đường độc nhất dẫn đến một đời sống trọn vẹn.
Lui một bước, Cát Xuyên Mộc trừng trừng nhìn Thạch Đạt Lang:
– Nghe huynh đài nói, không biết huynh đài còn đủ lý trí không !
– Các hạ muốn nghĩ gì thì nghĩ. Có những người sống cũng như chết và có những người chết rồi mà còn sống !
Rồi không để Cát Xuyên Mộc nói thêm, Thạch Đạt Lang tiếp ngay:
– Đường trước mặt đi đến đâu thế, các hạ ?
– Qua làng Hananoki đến ngã ba Quan Lĩnh, dưới gốc cổ tùng, chỗ huynh đài sẽ trở thành người …thiên cổ.
Dường như không lý gì đến ẩn ý của người trước mặt, Thạch Đạt Lang vẫn hỏi tiếp:
– Xa không ?
– Chừng năm dặm nữa. Còn đủ thì giờ !
– Đa tạ. Bây giờ xin cáo biệt. Sẽ tái ngộ các hạ Ở một nơi khác.
Nói xong, quay ngoắt sang một đường mòn gần đấy, thấp hơn. Cát Xuyên Mộc gọi với:
– Thạch Đạt Lang ! Không phải ! Đường này mới đi Quan Lĩnh !
Nhưng Thạch Đạt Lang không đáp, Cát Xuyên Mộc chạy theo:
– Lầm đường rồi, quay lại đi !
Bỗng gã dừng lại vì thấy Thạch Đạt Lang ở xa xa, quay lưng lại mặt ngẩng nhìn trời. Cát Xuyên Mộc bật cười vì sự hiểu lầm của mình:
Thạch Đạt Lang đang đi tiểu.
Gã rảo bước trở về đường cũ, ngồi trên phiến đá đợi. Trông lên vầng
nguyệt sáng, gã mỉm cười tưởng tượng đến sự thích thú sắp được chứng
kiến một cuộc tranh hùng đẫm máu. Nếu gã không nhanh trí báo cho Thạch
Đạt Lang biết trước ổ phục kích thì hắn chết mau quá, còn gì là thú vị ?
Chờ mãi không thấy Thạch Đạt Lang lên, Cát Xuyên Mộc đứng dậy theo đường mòn nhìn xuống. Không có Thạch Đạt Lang. Hắn đã biết đâu mất. Chỉ còn
những bụi cây lá nghiêng ngả trước gió đêm và xa xa vẳng lại tiếng cút
kít của một cái cối xay lúa chạy bằng guồng nước.