Thạch Kiếm

Chương 38: Người mẹ


Đọc truyện Thạch Kiếm – Chương 38: Người mẹ

Oa Tử đặt giỏ khâu xuống lắng nghe. Hình như có tiếng chân người bước nhẹ ngoài vườn.

– Ai đó ?

Nàng đứng dậy đẩy cửa nghiêng đầu nhìn ra. Bên ngoài vắng lặng, chỉ thấy gió thổi xào xạc và tiếng những chiếc lá phong khô theo nhau lăn nhanh
trên sàn gỗ.

Oa Tử quay trở vào, buồn bã. Đã mấy ngày nay, nàng đợi Giang nhưng không thấy tăm hơi thằng bé, không biết chuyện gì đã xảy ra cho nó ? Bà Hồ
Điểu rời khỏi nhà trọ từ sáng sớm. Cuộc đời của bà bây giờ chỉ còn quanh quẩn ở mấy việc:

tìm Thạch Đạt Lang, gặp lại con trai và đi chùa lễ Phật.

Một mình trong phòng vắng, nỗi cô đơn và phiền muộn bao quanh, Oa Tử không còn lòng dạ nào chú tâm đến việc kim chỉ.

Làng Sơn Ninh này thuộc trấn Kiyomi thật là hẻo lánh. Khách phần đông
vãng lai chỉ vì mục đích hành hương và viếng thăm cổ tích. Con đường
băng qua làng gập ghềnh khó đi, mùa đông tuyết phủ đến mắt cá chân, mùa
xuân lầy lội. Tuy vậy cảnh Sơn Ninh quyến luyến lòng người, vì sau con
đường lầy lội ấy là những căn nhà tranh gọn ghẽ lẩn bên giậu trúc xanh
với những khóm trà đơm hoa trắng, đỏ. Cuối xuân, hoa mận hoa mơ rụng
đầy. Cảnh vật kém phần tươi đẹp nhưng mang một sắc thái riêng, gây cho
khách du một nỗi buồn man mác.

Bà Hồ Điểu không lần hành hương nào qua trấn Kiyomi mà không đến trọ Ở
quán Đại Lộc trong làng Sơn Ninh. Chủ quán biết ý khách ưa tĩnh, bao giờ cũng dành cho bà một căn thảo ốc riêng biệt phía sau vườn, bên gốc đào
cổ thụ. Bấy giờ mới chưa hết tháng giêng, hoa đào đang rộ nở, rực rỡ vô
cùng. Những cánh hoa mỏng run run trước gió, cạnh mấy cái mầm non mới
nhú ở đầu cành xanh như ngọc.

Mùa xuân trở lại, đáng lẽ phải vui tươi, nhưng sao Oa Tử cảm thấy bồn
chồn lo lắng quá. Nàng ngồi thừ người bên chiếc giỏ khâu nghĩ ngợi,
không để ý đến vợ người chủ quán từ dưới bếp gọi vọng lên. Mãi sau, nghe tiếng đập cửa, nàng mới giật mình.

– Gần ngọ rồi, cô nương muốn dùng cơm chưa để cho người mang tới ?

– Ô ! Đã đến giờ ăn rồi đấy ! Thôi ta đợi lão bá về ăn một thể.

– Lão bá dặn hôm nay về trễ. Cô nương chẳng đợi được đâu !

– Nhưng ta không đói.

– Không đói cũng phải ráng, chứ ngày một bữa thì sao đủ sống ?

– Cảm ơn bác, thật tình ta không đói mà.

Sau nhà, bác thợ gốm đã đốt lò. Khói củi thông bốc cao, cuồn cuộn đen
trong bầu trời trong vắt. Mùi nhựa thông thơm và hơi cay thoang thoảng
đưa vào tận phòng Oa Tử.

Ngoài đường, tiếng ngựa hí, tiếng chân người đi lẫn với những tiếng cười nói lao xao.

Cùng với những câu chuyện buôn bán trong vùng, chuyện thờ cúng ở đền
miếu còn cả chuyện Điền Chính, kẻ đãng tử mới trở về làm chưởng môn Hoa
Sơn phái. Oa Tử chú ý lắng tai nghe. Hôm xảy ra cuộc giao đấu ở đồng Đại Tỉnh, nàng đã cố tìm cách đến đó nhưng không được. Bà Hồ Điểu đi, giao
nàng cho vợ chồng chủ trọ canh giữ. Mỗi khi nàng cất bước ra ngoài hoặc
chỉ mở cửa nhìn ra đường cũng đã có người trông chừng để mắt dòm ngó.

“Cô nương đi đâu ? Có về ăn cơm trưa không ?” hoặc “Hôm nay trời lạnh,
cô nương phải cẩn thận đừng ra ngoài !”. Lời nói xem ra tự nhiên, nhưng
Oa Tử đã hiểu ngụ ý.

Nàng muốn viết phong thư gửi cho Giang ở lâu đài tướng công Lưu Cát
nhưng lại thôi, vì dự đoán thế nào rồi thư cũng bị chận lại, chắc gì đến tay nó được.

Dân làng Sơn Ninh thuần hậu, cả tin và bảo thủ. Họ cho lão bà Hồ Điểu
giữ con dâu ở đây tất có lý do chính đáng nên không dám trái ý bà, một
người đối với họ là tượng trưng của uy quyền đảng tộc.

Oa Tử thở dài. Nàng nghĩ đến Thạch Đạt Lang. Như con chim bị nhốt, nàng
bất lực. Sự so sánh tình trạng hiện nay với con chim bị giam giữ, nàng
thấy thật chua chát.

Oa Tử nghĩ đến thân phận mình, phải rồi, nàng còn bị giam trong cái lồng lễ giáo nữa, vì mặc dầu bị từ hôn, xã hội vẫn coi nàng là con dâu nhà
Hồ Điểu.

Oa Tử mang chiếc áo lụa của bà cụ ra khâu những đường chỉ sứt và xếp gọn lại. Có bóng người thấp thoáng ngoài song rồi tiếng nói trong trẻo của
một thiếu nữ:

– Chẳng biết phải đây không ?

Thiếu nữ trạc hai mươi, đôi mắt đẹp não nùng, đứng bên hàng giậu trúc phía vườn sau. Thấy Oa Tử, nàng hỏi vọng vào:

– Nhà này phải quán trọ không tỷ tỷ ?

Oa Tử nhìn, ngạc nhiên. Nàng đã nhận ra cô bé này trong vòng tay Thạch
Đạt Lang dưới chân cầu đường Gojo mà Giang gọi tên là A Kế Mỹ thì phải.
Kỷ niệm đau thương nổi dậy làm nghẹn lời, Oa Tử trừng trừng nhìn A Kế Mỹ không chớp. A Kế Mỹ tưởng mình lầm, xin lỗi và hỏi chữa:

– Thưa tỷ tỷ có biết quán trọ chỗ nào, chỉ em …

Nhìn cây đào nở rộ, nàng suýt soa:

– Trời ơi đẹp quá ! Tỷ tỷ ở đây thật thích.

Một nữ tỳ chạy đến:

– Cô nương tìm chỗ trọ ?

– Phải.

– Vậy mời cô nương đi lối này. Cổng vào ở phía trước.

– Quán này trông ra đường à ?

– Vâng, nhưng yên tĩnh lắm.

– Ta thích ở chỗ xa mặt đường riêng biệt, đi về không ai để ý. Căn nhà nhỏ này dễ thương quá, có cho thuê không ?

– Dạ có, nhưng nhà đã có người thuê rồi.

– Cô nương ngồi kia đó hả. Để ta ở chung với cô được không ?

– Chắc không được đâu, vì còn bà mẹ già nữa. Bà cụ khó tính lắm. Nhưng bây giờ bà đi vắng, để khi về cô nương hỏi xem.

– Vậy cho ta mướn căn phòng ở tạm. Ngươi dẫn ta đến gặp chủ nhân.

– Vâng. Cô nương theo cháu.

Cả hai thoăn thoắt men hàng rào ra phía đường, để Oa Tử ngồi ngẩn ngơ
tiếc đã bỏ lỡ dịp tốt hỏi thiếu nữ vài câu. Nàng thẫn thờ tự trách:

“Mình thật chậm chạp. Cơ hội thế mà bỏ qua. Bận sau phải nhanh trí hơn mới được !”.

Để dẹp những ý tưởng ghen tuông nhen nhúm, Oa Tử đã nhiều lần tự nhủ
Thạch Đạt Lang chẳng phải người trăng hoa. Chàng gặp A Kế Mỹ dưới chân
cầu chưa chắc đã là vì có tình ý. Nhưng bây giờ … bây giờ … nhìn A
Kế Mỹ, những điều nàng tự nhủ hầu như sụp đổ. Cái dáng đi quyến rũ ấy,
đôi mắt buồn não nùng ấy, làm sao mà Thạch Đạt Lang có thể vô tình được ! Nàng lại khôn khéo hơn ta. Trời ơi ! Và Oa Tử đột nhiên như thấy muôn
ngàn cây kim đâm vào tim đau nhói. “Chẳng qua mình không đẹp bằng, mình
lại là đứa mồ côi, không gia đình thân thuộc, hy vọng gì Thạch Đạt Lang
để ý.

Thật là mơ ước hão huyền !”. Hơn lúc nào hết, Oa Tử mong găp Giang vì
bây giờ, nàng nghĩ, chỉ có nó là người có thể giúp nàng được mà thôi.

Hồi tưởng đến ngày còn ở chùa Tiểu Sơn và khi cứu Thạch Đạt Lang khỏi
cây đại bách trong một ngày dông bão, Oa Tử thở dài, hai hàng nước mắt
rưng rưng. Nàng kéo tay áo lên thấm:

“Mình nhiều tuổi rồi, chẳng còn vô tư như nó mà cũng không còn can đảm làm gì nữa”.

– Oa Tử ! Ngươi có trong phòng không ? Làm gì mà để tối thui không thắp đèn đóm gì cả thế này ?

Tiếng bà Hồ Điểu the thé ngoài hiên khiến Oa Tử giật mình. Hoàng hôn
xuống từ bao giờ nàng cũng chẳng hay. Nàng vội vàng đi thắp đèn, mang
lại đặt bên cạnh chỗ ngồi của bà Hồ Điểu. Bà nhìn nàng, lạnh lùng.

– Hôm nay chắc bà mệt. Bà gặp Mãn Hà Chí không ?

– Ngươi trông ta khắc biết, hỏi gì nữa.

Bà nhăn mặt kêu đau. Oa Tử vội quỳ xuống:

– Để con bóp chân cho.

– Không, chân không đau, nhưng vai thì mỏi lắm. Có lẽ tại trời ẩm, bệnh thấp nó hành. Ngươi bóp vai cho ta.

Oa Tử vòng ra sau lưng, dùng tay bóp và đấm nhè nhẹ lên vai bà lão. Bà thở ra khoan khoái, cười nói:

– Con dâu ta khéo quá !

Nhưng trong thâm tâm, bà nghĩ:

“Chẳng còn bao lâu đâu con ạ. Chờ ta tìm được thằng Mãn Hà Chí rồi mày sẽ biết”.

– Bắp thịt trên vai bà sao cứng thế ! Bà thở có thấy đau ngực không ?

– Ờ đau. Đôi khi như có cục đá đè lên. Chắc ta cũng sắp hết lộc trời rồi.

– Chỉ nói gở. Bà còn khỏe lắm, thanh niên cũng chẳng hơn đâu !

– Ở đời biết thế nào được. Như cậu Ngô đấy, hôm trước mạnh hôm sau đã ra người thiên cổ. Nên ta phải cố tìm thằng Thạch Kinh Tử trước khi ta
chết.

Thấy bà Hồ Điểu nhắc đến Thạch Đạt Lang, Oa Tử rụt rè hỏi dò:

– Con xem ra Thạch Đạt Lang cũng không phải là người xấu.

Bà Hồ Điểu khẽ nhếch mép, liếc nhìn Oa Tử:

– Hừ ! Cô thương nó hơn thằng Mãn Hà Chí phải không ?

– Không phải thế !


– Thế sao lại ruồng rẫy con ta ?

Oa Tử lặng thinh. Nàng chẳng muốn nhắc đến thư từ hôn của Mãn Hà Chí làm gì vì biết nói ra, bà Hồ Điểu cũng chẳng tin nào.

– Ta sẽ tìm thằng Mãn Hà Chí dẫn về đây rồi tùy nó và ngươi định liệu.
Về làng cáo gia tiên xong, chúng bây muốn đi đâu thì đi. Nhưng ta chắc
ngươi và nó lại đi rêu rao kể xấu ta khắp nơi chứ gì ?

– Sao bà ngờ con vậy ? Con đâu phải hạng người như thế. Khi ở làng bà đối với con thế nào con nhớ chứ !

– Cha ! Các cô thời nay ăn nói khéo quá. Ta cổ hủ thật nhưng thật thà
nghĩ sao nói vậy. Này ta bao thật, nếu ngươi lấy thằng Thạch Kinh Tử, ta sẽ không đội trời chung với ngươi, bấy giờ thì đừng trách.

Oa Tử lặng thinh.

– Sao ngươi khóc ?

– Con khóc đâu ?

– Thế nước gì rỏ vào gáy ta thế ?

– Con xin lỗi. Con không cầm được cảm xúc.

– Ừ thôi, bỏ chuyện ấy đi. Đừng nghĩ đến nữa. Bóp mạnh mạnh lên một chút, phía bả vai ấy.

Ngoài vườn, thấp thoáng ánh đèn. Oa Tử ngỡ con hầu giờ này thường mang
cơm tới, nhưng khi ánh đèn đến gần thì ra là một nhà sư. Trên lồng đèn
nhà sư cầm thấy đề chữ “Sơn Thần Miếu”.

– A di đà Phật.

Bà Hồ Điểu chạy ra.

– Xin cho bần tăng hỏi thăm, quý thí chủ phải chăng là Hồ Điểu lão bá ?

– Dạ phải, đại sư có điều chi dạy bảo ?

– Bần tăng ngụ Ở miếu Sơn thần. Chiều nay có kiếm khách đến hỏi thí chủ. Biết thí chủ thường lên lễ miếu, vị đó để lại thư này nhờ chuyển cho
thí chủ. Nhân có việc vào thành, bần tăng mang đến giao cho thí chủ đây.

Nói đoạn, móc trong bọc ra một cuộn giấy niêm kỹ đưa cho bà Hồ Điểu. Bà
cúi đầu đỡ cuộn giấy, mời nhà sư vào trong nhà dùng trà. Nhưng nhà sư
thoái thác, viện lẽ trời tối, sợ vào thành khuya quá rồi lui bước.

“Chẳng biết thư của ai đây ?”. Bà Hồ Điểu vào phòng, cởi dây buộc và bật dấu sáp niêm. Bà ghé thư vào ánh đèn đọc. Càng đọc mặt bà càng tái
nhợt, tay cầm tờ giấy mỏng run lật bật.

– Oa Tử !

– Con đây ! Tiếng nàng đáp từ trong phòng vọng ra.

– Thôi khỏi cần pha trà. Nhà sư đi rồi !

– Con pha xong rồi đây. Nếu khách đi rồi thì bà con ta uống.

– Hừ, con này hỗn. Ta có phải là cái ống cống đâu mà ngươi muốn đổ nước gì vào thì đổ. Để trà đấy, mặc áo đi với ta.

Oa Tử ngạc nhiên:

– Đi đâu ?

– Đi giải quyết cái việc ngươi đang mong chứ đi đâu !

– À thế thư là của Mãn Hà Chí đấy hả bà ?

– Không việc gì đến ngươi !

Oa Tử tiu nghỉu. Nàng không hiểu sao bà Hồ Điểu đối với nàng hay giận dữ như thế. Nàng cho là vì tuổi già, bà dễ buồn bực.

– Để con gọi người dọn cơm.

– Vậy ngươi chưa ăn cơm à ?

– Chưa, con đợi bà về.

– Ta ăn cơm ngoài tiệm rồi. Thật con này ngu chẳng ai bằng. Vậy xuống bếp bảo họ dọn cơm mà ăn. Mà nhanh nhanh lên đấy.

Oa Tử mở cửa bước ra, bà còn gọi với:

– Đêm nay chắc lạnh. Ngươi đã khâu xong áo cho ta chưa ?

– Dạ xong cái kimono rồi.

– Ta không nói cái kimono. Ta nói cái áo khoác ngoài kia. Ta đã lấy ra
để ngươi khâu cùng một lúc với chiếc kimono mà. Lại còn đôi bít-tất nữa, giặt chưa ? Và chiếc quai dép cũng sắp đứt rồi, bảo họ đi mua cho ta
đôi khác …

Những lời sai bảo của bà Hồ Điểu đổ lên đầu Oa Tử dồn dập như mưa bấc,
đến trả lời còn không kịp, nói gì làm xong. Oa Tử vâng dạ liên hồi. Lòng sợ hãi bà Hồ Điểu bắt nguồn từ khi nàng còn ở làng khiến nàng tê dại
không còn biết phản ứng ra sao, chẳng khác gì con ếch nhỏ bị thôi miên
trước đôi mắt sắc lạnh của con rắn.

Cơm dọn ra, Oa Tử không còn muốn ăn nữa. Nàng nhịn luôn. Tàn nén hương,
bà Hồ Điểu ở trên nhà đã giục lên đường. Oa Tử mang áo khoác, gậy và dép của bà đặt trước cửa.

– Thế đèn đâu ?

– Phải mang đèn nữa ư ?

– Mô Phật ! Sao lại có người ngu đến thế ! Tối thu thế này mà ngươi để ta lần mò trên núi không đèn đóm gì hay sao ?

– Con quên mất. Để con đi lấy.

Oa Tử không dám hỏi bà Hồ Điểu đi đâu, về hướng nào, sợ lại làm bà nổi giận.

Nàng chạy đi mượn chiếc đèn lồng rồi cắm cúi đi trước, theo con đường
nhỏ dẫn đến chân núi Sơn Ninh. Cả hai lặng lẽ bước. Sương đêm lùa vào
áo. Oa Tử lạnh nhưng trong lòng nàng mừng rỡ vì sắp gặp Mãn Hà Chí.
Trước mặt bà Hồ Điểu, nàng sẽ mạnh dạn trình bày những điều u uẩn, những điều ray rứt nàng bấy lâu nay và sẽ giúp nàng giải quyết êm đẹp vấn đề
tình cảm của hai người, Mãn Hà Chí và nàng. “Xong rồi, ta sẽ đến lâu đài Lưu tướng công gặp Giang. Ta phải gặp nó mới được”.

Nghĩ đến đây Oa Tử vui hẳn lên, không thấy lạnh và cũng không còn đói nữa.

Đêm khuya trèo núi thật chẳng dễ gì, nhất là đối với một bà già và một
thiếu nữ yếu đuối như Oa Tử. Cả hai phải thận trọng từng bước để khỏi
ngã trẹo chân hay sa xuống hố.

Thỉnh thoảng tiếng cú rúc đằng xa làm đêm vắng càng thêm tịch mịch. Trời cao đen thẫm, vài ngôi sao thưa nhấp nháy.

Đi được một lúc khá lâu, bà Hồ Điểu dừng lại lắng tai nghe. Hình như có
tiếng rì rào, gió đưa vẳng tới khi xa khi gần, không phân biệt được về
hướng nào.

– Oa Tử ! Tai người còn thính, nghe phải tiếng suối không ? Về phía nào vậy ?

Oa Tử chú ý rồi lấy tay chỉ:

– Về phía này.

– Đúng rồi. Ta chắc đấy là suối sau phía miếu Sơn thần.

Quả nhiên đi một thôi nữa, tiếng suối nghe rõ mồn một. Suối không lớn
nhưng tiếng kêu rào rào của dòng nước đổ vào ghềnh đá trong đêm vắng
nghe gần như chỉ cách chỗ hai người đứng chừng vài chục trượng. Bà Hồ
Điểu và Oa Tử lại cắm cúi đi. Đến bên một cây anh đào thật lớn cành xòe
ra như tán, hoa rụng đầy đất, thấy chiếc bảng gỗ lợp mái. Oa Tử giơ đèn
soi, thấy trên bảng viết sáu chữ:

“Sơn thần miếu, anh đào thụ”. Bà Hồ Điểu giằng lấy đèn trên tay Oa Tử, kề sát bảng đọc cho rõ.

Đọc xong bà gọi, tiếng vang động cả sơn lũng:

– Mãn Hà Chí ! Mãn … Hà … Chí í í … Mẹ đây !

Bà run run chứng tỏ bị khích động đến cùng cực. Sắc mặt bà nhợt nhạt
nhưng ánh mắt long lanh. Lòng mẹ thương con toát ra trên khắp cơ thể bà, từ cánh tay gầy guộc run rẩy vịn vào tấm bảng bên gốc đào đến những lời lắp bắp bà nói, chẳng biết với Oa Tử hay với chính bà:

– Nó bảo đợi ta ở đây mà ! Mãn … Hà … Chí í …

Oa Tử gần bà Hồ Điểu đã lâu nhưng chưa bao giờ thấy bà bị khích động sâu xa đến thế.

– Oa Tử ! Chớ để đèn tắt.

Bà đưa đèn cho Oa Tử cầm, bảo nàng đi vòng quanh thân cây rồi theo bà trèo những bậc thềm đá lên miếu.

– Trong thư nó nói sẽ đợi ta cạnh gốc anh đào gần miếu Sơn thần.

– Mãn Hà Chí nói đợi bà tối nay sao ?

– Không nói tối nay mà cũng chẳng nói rõ tối nào cả. Cái thằng ! Bao giờ cũng như con nít, có lớn mà chẳng có khôn. Không hiểu tại sao nó không
đến gặp ta tại nhà trọ ?

Oa Tử kéo tay áo bà lão:

– Yên ! Con nghe hình như có người đang đi lên.

Bà Hồ Điểu run rẩy:

– Con trai ta đấy ư ?

Rồi xăm xăm bước xuống. Nhưng người đi lên không phải Mãn Hà Chí. Đó là
một thanh niên cao lớn, y phục màu xanh, vai đeo trường kiếm. Gã bước
nhanh qua mặt hai người, vòng ra sau miếu, một lát lại trở lại chỗ hai
người đứng.

– Lão bá và cô nương có gặp một thiếu nữ ở trên này không ?

Bà Hồ Điểu lắc đầu. Oa Tử nhìn gương mặt thanh niên khi mờ khi tỏ dưới ánh đèn thì ngờ ngợ đã gặp ở đâu mà không nhớ.

– Thiếu nữ tại hạ đang tìm cũng trạc tuổi cô nương, nhưng thấp hơn cô
nương một chút và gương mặt tròn hơn. Nàng tên A Kế Mỹ, trước làm tại
một phòng trà ở ngoại thành. Lão bá và cô nương có thấy thiếu nữ ấy
quanh vùng này không ?


Cả bà Hồ Điểu lẫn Oa Tử đều lắc đầu.

– Quái lạ. Có người nói nàng trốn ở miếu sơn thần.

Nói đoạn, thanh niên hối hả rẽ sáng ngả khác. Bà Hồ Điểu nhìn theo lẩm bẩm:

– Lại một thằng vô tích sự ! Lưng đeo trường kiếm trông ra vẻ kiếm khách lắm nhưng đêm tối đi săn gái.

Oa Tử cúi đầu đăm chiêu. Nàng không nói gì với bà Hồ Điểu về việc người
thiếu nữ hồi chiều đến tìm chỗ trọ Ở quán Đại Lộc, nhưng nàng đoán mười
phần chắc chín chính là A Kế Mỹ. A Kế Mỹ đang tìm cách trốn chạy khỏi
tay gã này. Đột nhiên nàng sực nhớ ra. Gã thanh niên vừa rồi là người
đứng cạnh gốc liễu dưới chân cầu đường Gojo hôm Tết. Nhưng nàng không
hiểu A Kế Mỹ, gã thanh niên ấy và Thạch Đạt Lang có liên quan gì với
nhau. Nàng tự nhủ sẽ hỏi lại Giang cho rõ khi có dịp.

Đi quanh quẩn một lúc bên gốc đào, không thấy Mãn Hà Chí ló mặt, bà Hồ
Điểu thất vọng cùng Oa Tử xuống núi. Trên đường về quán trọ, cả hai lại
gặp gã thanh niên áo xanh đi lên. Gã trừng trừng nhìn bà và Oa Tử. Bà
quay mặt đi:

– Đôi mắt nó dữ quá ! Như mắt thằng Kinh Tử.

Bỗng bà linh cảm hình như có người đang theo dõi rình rập. Đôi lúc, bà nghe sột soạt, khi thì bên trái, khi bên phải.

Trong đêm tối, bóng chiếc đèn lồng Oa Tử cầm đi phía trước lung lay theo nhịp bước. Vòng ánh sáng nhỏ, vàng úa hắt lên những cành cây thấp giống như những cánh tay quỷ sứ đen đủi, khẳng khiu lúc vươn ra, khi thu lại
làm bà nổi gai ốc. Một tiếng cú rúc rất gần. Bà Hồ Điểu quay lại, bỗng
giật nẩy mình. Một bàn tay từ sau gốc cây thò ra vẫy.

– Mãn Hà Chí ! Mô Phật !

Bà vội đưa tay lên miệng cho khỏi kêu to. Con bà chắc chỉ muốn gặp riêng bà thôi nên nó đợi Oa Tử đi trước xa xa mới bắt chước tiếng cú rúc làm
hiệu. Bà vội gọi Oa Tử:

– Ngươi cứ cầm đèn đi trước đi. Đợi ta chỗ ngã ba rẽ về quán, ta có chút việc, sẽ gặp lại ngươi sau.

Đoạn chạy ngay tới gốc cây:

– Mãn Hà Chí, mày đấy ư ?

– Vâng, con đây.

Bà Hồ Điểu nắm chặt lấy tay con trai:

– Mày làm gì dưới gốc cây thế ? Mô Phật ! Sao tay con lạnh thế này con ?

Sự ân cần của bà làm Mãn Hà Chí cảm động. Hắn ghé tai mẹ thì thầm:

– Con phải trốn cái thằng mặc áo xanh vừa lên núi, mẹ trông thấy chứ ?

– Gã đeo trường kiếm trên lưng ấy hả ?

– Vâng !

– Con biết nó à ?

– Biết. Tên nó là Cát Xuyên Mộc.

– Cái gì ? Ngoại hiệu của mày là Cát Xuyên Mộc mà ?

– …

– Ở Osaka, mày đưa ta coi bản chứng thư đề tên Cát Xuyên Mộc. Mày bảo ta mày lấy ngoại hiệu là Cát Xuyên Mộc phải không ?

– À à … con bảo thế hả ?

– Còn gì nữa. Cả cậu Ngô cũng nghe thấy …

Mãn Hà Chí lấp liếm:

– Không phải. Thằng đeo kiếm trên lưng mới là Cát Xuyên Mộc. Mấy ngày
trước đây nó suýt giết chết con, bây giờ gặp nó thì khốn …

Bà Hồ Điểu ngạc nhiên đến sững sờ. Nhưng sờ má con trai, thấy nó gầy
quá. Quần áo Mãn Hà Chí ban đêm bà trông không rõ nhưng bà đoán cũng
chẳng lành lặn gì, bất giác quá thương cảm, bà ôm lấy con mà khóc. Bà
cũng không muốn hỏi thêm, chỉ nói:

– Thôi chẳng hề gì. Này Mãn Hà Chí, con có biết cậu Ngô mất rồi không ?

– Cậu Ngô ? Cậu Ngô mất rồi hả ?

– Ừ ! Ngay sau khi mày bỏ đi trên bãi biển Sumiyoshi. Cậu mất vì sao mày biết không ?

– …

– Cậu mất trên đường đi trả hận. Cậu Ngô với ta già rồi, đáng lẽ được
quyền ở nhà nghỉ ngơi, thế mà vẫn phải bôn ba. Chắc mày đã hiểu sao rồi !

– Đã ! Mẹ đã cho con biết khi ở Osaka.

– Vậy tốt ! Mày đã nhớ. Giờ ta có tin vui cho mày.

– Tin gì vậy ?

– Tin con Oa Tử.

– Người cầm đèn đi với mẹ lúc nãy là Oa Tử đấy ư ? Bây giờ lớn thế rồi đó ? Để con đi gặp nó.

Chưa dứt lời Mãn Hà Chí định vùng chạy đuổi theo. Nhưng bà Hồ Điểu đã giữ hắn lại:

– Khoan. Ta dẫn nó lên đây là để mày gặp nó. Nhưng ta muốn biết khi gặp nó mày sẽ làm gì ?

– Con sẽ bảo nó con rất tiếc đã để nó phải chờ đợi lâu và mong nó tha lỗi.

– Rồi sao nữa ?

– Con hứa sẽ không bao giờ để xảy ra chuyện như thế nữa. Mẹ ! Mẹ cũng bảo nó như thế hộ con …

– Rồi sao ?

– Rồi sao hả ? Ờ … Ờ … rồi … rồi lại vẫn như xưa. Con với nó sẽ về làng làm lễ cưới.

Mẹ tính nó có bằng lòng không ?

Bà Hồ Điểu giơ tay tát đánh bốp vào mặt Mãn Hà Chí:

– Thằng ngu độn, vô sỉ.

Mãn Hà Chí xoa má. Hắn không hiểu tại sao mẹ hắn lại đột nhiên giận dữ như thế, nhưng chưa kịp hỏi, bà Hồ Điểu đã the thé:

– Ta bảo mày xin lỗi nó bao giờ ? Sao mày lại có thể có ý tưởng đi cưới
một đứa đã ruồng bỏ mày để đi với thằng khác về làm vợ ? Sao mày ngu thế ? Ta sẽ cho mày gặp nó nhưng không phải để xin lỗi nó. Nghe chưa ?

Bà nắm vai áo Mãn Hà Chí lắc mạnh:

– Mày khóc hả ? Mày còn thương cái con bé đĩ thõa ấy đến độ khóc vì nó được hả?

Như vậy mày không phải là con ta !

Nhưng mắng Mãn Hà Chí, bà cũng không ngăn được nước mắt mình ràn rụa.
Hai mẹ con ôm nhau phục xuống gốc cây âm thầm khóc cùng với những tiếng
côn trùng than vãn xung quanh.

Lát sau, giọng bà Hồ Điểu bình tĩnh hơn:

– Này con ! Mẹ chẳng còn sống bao lâu nữa. Rồi khi mẹ nằm dưới ba tấc
đất, con có muốn nói với mẹ câu gì hay làm vui lòng mẹ cũng chẳng được.
Mãn Hà Chí, nghĩ kỹ đi con, Oa Tử chẳng phải là đứa con gái độc nhất
trên đời này …

Tiếng bà càng dịu dàng:

– Con chẳng nên quyến luyến đứa phản bội ấy làm gì. Con ưng ai, mẹ sẽ đi hỏi cho, dù phải trăm lần nghìn lần mang lễ vật đến cầu cạnh, dù phải
đi đi về về đến kiệt sức …

Nhưng Mãn Hà Chí vẫn ngồi yên lặng ủ rũ.

– Mãn Hà Chí ! Con hãy quên nó đi. Dù tình cảm con thế nào, nó cũng
không xứng đáng được chấp nhận vào dòng họ Hồ Điểu. Nếu thật con còn
thương nhớ nó thì giết ta đi cho rồi. Sau đó làm gì thì làm chứ chừng
nào mẹ còn sống …

– Mẹ im đi !

Bà Hồ Điểu sửng sốt:

– A ! Thằng này láo ! Dám lớn tiếng với ta hả ?

– Con hỏi mẹ:

mẹ lấy vợ hay con lấy vợ ?

– Thằng này điên ! Sao mày hỏi vậy ?

– Thế tại sao con không được tự chọn lấy người con ưa thích. Mẹ đòi hỏi quá đáng!

Sự bất hòa giữa hai mẹ con đã diễn ra. Lần nào cũng thế, nó bắt đầu bằng những thành kiến, những ý kiến đối kháng va chạm nhau, rồi tính bướng
bỉnh của bà Hồ Điểu, cảm tưởng uất hận vì bị chèn ép của Mãn Hà Chí thêm vào khiến hai người chỉ sau vài câu đã trở thành thù nghịch.

– Qúa đáng ? Tiếng bà Hồ Điểu rít lên the thé. Qúa đáng chỗ nào ? Mày là con ai, ở chỗ nào chui ra, thằng kia ?

– Cái đó không quan hệ. Con muốn cưới Oa Tử. Con yêu nó !

Mãn Hà Chí tự thấy mình liều hết sức. Hắn không dám nhìn mẹ, hắn ngước mắt lên trời.


– Mày nói thật không, thằng kia ?

Bà Hồ Điểu rút phắt thanh kiếm nhỏgidấu trong bọc ra, quay ngược mũi kiếm lại dí vào cổ họng. Mãn Hà Chí hét lên:

– Mẹ làm gì thế ?

– Ta không nhịn được nữa rồi. Mày có thương ta thì đâm cho ta một nhát. Ta không còn muốn sống nữa !

Mãn Hà Chí ôm chầm lấy bà:

– Mẹ ! Mẹ ! Mẹ đừng làm thế. Con là con của mẹ đây mà. Mẹ bảo gì con cũng xin nghe hết.

– Vậy mày có bỏ con Oa Tử không ? Bỏ ngay lập tức ?

– Nếu mẹ muốn thế, sao lại dẫn nó đến đây ? Con không hiểu …

– Mô Phật ! Tại vì … tại vì ta giết nó thì dễ, nhưng nó đã làm nhục
mày, ta muốn để chính tay mày trả thù. Mày phải ơn ta mới phải chứ !

Mãn Hà Chí trợn mắt, giật lùi:

– Mẹ muốn con giết Oa Tử ?

– Ừ ! Nếu mày không chịu thì nói ngay. Chịu hay không chịu ?

– Mẹ ! Mẹ !

– Vậy là mày không chịu. Cũng được. Mày không phải là con ta nữa. Nếu
mày không đủ can đảm cắt đầu con bé trơ tráo khả ố ấy thì hãy cắt đầu ta đi ! Cắt đầu ta đi !

Mãn Hà Chí đờ đẫn cả người. Con cái thường gây phiền lụy cho cha mẹ,
nhưng đây chính mẹ hắn lại đặt hắn vào một tình trạng đau thương và khó
xử nhất đời ! Sự tàn ác đến dã man của bà Hồ Điểu làm hắn rùng mình. Mãn Hà Chí thấy ớn lạnh đến xương tủy. Hắn lẩm bẩm một mình:

– Con sẽ làm ! Con sẽ làm ! Con sẽ giết nó !

Bà Hồ Điểu nắm vai hắn cười thỏa mãn. Đoạn tra kiếm vào vỏ, bà nói:

– Thế mới đáng mặt con ta, đáng mặt truyền nhân họ Hồ Điểu. Tổ tiên nhà ta sẽ hãnh diện …

Mãn Hà Chí ôm đầu, thiểu não:

– Mẹ có chắc không ?

– Con đi ngay đi. Nó đợi dưới kia … Nhanh lên.

– Hừ …

– Để ta viết sẵn phong thư. Khi chặt đầu nó xong, gửi ngay về làng. Mối
hận nhà ta thế là trả được nửa. Còn thằng Kinh tử nữa, được tin con Oa
Tử chết, thế nào nó cũng tìm đến. Thật là Trời Phật giúp ta, anh linh
cậu Ngô phù hộ … Nhanh lên con … Nhanh lên, đừng để nó chạy mất.

– Mẹ đợi ở đây hả ?

– Không, ta theo mày nhưng không để nó biết. Ta mà lộ diện nó lại khóc lóc xin xỏ và bảo ta trái lời hứa với nó, không được.

– Nó yếu đuối, không có gì tự vệ, giết nó dễ quá mà – Mãn Hà Chí vừa nói vừa thong thả đứng dậy – Mẹ cứ ngồi đây, con sẽ chặt đầu nó mang lại.

– Mày dại lắm. Phải đề phòng chứ. Nó tuy là con gái nhưng thấy dao đâm tất cũng biết phản ứng. Cứ để ta đi sau trông chừng.

Mãn Hà Chí chậm rãi xuống đồi. Bóng cây chỗ đậm chỗ nhạt, lòng hắn rối bời, chẳng biết xử trí ra sao.

– Nhớ đấy ! Phải cẩn thận.

Mãn Hà Chí dừng lại.

– Ngã ba đường mãi tít dưới kia. Sao mày đi chậm thế ?

– Mẹ cứ để yên, con biết rồi. Nếu mẹ muốn đi, sao không đi đi. Con người ta chứ đâu phải con chó con mèo mà giết dễ dàng. Phải tìm kế chứ.

– Được rồi ! Ừ thì mày tìm kế. Ta ngồi đợi đây vậy.

Một con chim lợn bay ngang, kêu “éc”. Vài tiếng cú rúc đằng xa. Mãn Hà Chí lặng lẽ lẩn vào bóng tối.

oo Oa Tử ngồi đợi ở ngã ba đường. Vòng ánh sáng chiếc đèn lồng để bên
soi rõ tảng đá chỗ nàng ngồi và làm đêm tối xung quanh nàng càng sâu
thẳm. Mượn cơ hội này, nàng định bỏ trốn, nhưng thấy hành động như thế
chẳng giải quyết được gì, lại uổng công chờ đợi bao nhiêu ngày nay để
gặp Mãn Hà Chí, nên thôi.

Một mình nghĩ miên man, Oa Tử nhớ đến Thạch Đạt Lang, hồi tưởng lúc còn ở trên đồi Nakayama và bên cầu Hanada. Dễ có đến bốn năm năm qua rồi,
nhưng mối tình của nàng đối với Thạch Đạt Lang không phai nhạt, có phần
còn sâu đậm hơn. Mặc dầu đôi khi Oa Tử buồn giận vì tưởng như bị ruồng
rẫy, nhưng trong thâm tâm, nàng vẫn hy vọng và tin tưởng vào lòng chung
thủy của người yêu. Sự tin tưởng ấy giúp nàng thêm can đảm, nhờ vậy lúc
này ngồi giữa rừng trong đêm tối, nàng không chút sợ hãi. Mối tình của
nàng đối với Thạch Đạt Lang chẳng khác gì những vì sao kia, mây âm u dù
có che khuất, nhưng vì sao vẫn còn đó.

– Oa Tử !

Oa Tử giật mình:

– Ai đó ?

Nàng nhớn nhác nhìn quanh. Đêm đen vẫn dày đặc. Nàng cầm đèn giơ cao,
banh mắt soi mói từng lùm cây trong bóng tối. Không thấy gì khác lạ mà
cũng không có tiếng đáp. Oa Tử tưởng mình mê và tiếng gọi vừa rồi chỉ là ảo giác. Tuy vậy nàng cũng cứ hỏi lại:

– Ai đó ?

– Mãn Hà Chí ! Hồ Điểu Mãn Hà Chí !

Oa Tử thở phào mừng rỡ:

– Mãn Hà Chí hả ? Chàng ở đâu, tối quá chẳng thấy gì hết !

– Oa Tử quên giọng nói của ta rồi sao ?

– Quả có khác. Chàng đứng đâu, sao không ra chỗ đèn sáng này ?

Tiếng thở dài rồi một bóng người từ sau gốc cây bước tới:

– Ta thẹn quá, chẳng muốn gặp. Không biết Oa Tử có tha thứ cho ta không ?

Oa Tử không đáp. Nàng trừng trừng nhìn Mãn Hà Chí:

– Chàng gầy đi nhiều nhỉ ? Chàng đã gặp bá mẫu chưa ?

– Đã. Bà đang đợi trên kia. Ta nhớ Oa Tử lắm, không ngày nào không nghĩ đến nàng.

– Bá mẫu có nói chuyện gì cho chàng biết không ?

– Có, nói cả rồi.

Oa Tử mừng thầm. Như vậy, Mãn Hà Chí đã biết ý định của nàng, khỏi phải
giải thích lôi thôi và tránh được bối rối cho cả hai người. Nàng vui vẻ:

– Thế thì hay lắm. Chúng ta quên chuyện cũ đi, chẳng qua đó chỉ là điều nhầm lẫn lúc thiếu thời …

– Oa Tử ! Sao nàng lại nói thế ?

Mãn Hà Chí ngạc nhiên lắc đầu và hơi nghi mẹ đã không kể hết cho mình nghe những điều xảy ra. Tuy vậy, hắn cứ tiếp:

– Làm sao quên được ! Hình ảnh nàng luôn luôn hiện ra trong trí óc ta. Cả khi ngủ, ta cũng chiêm bao thấy nàng !

Oa Tử cúi đầu, nhỏ nhẹ:

– Mãn Hà Chí ! Chàng với thiếp không cùng một tâm sự. Chàng nên hiểu. Hai ta cách biệt nhau xa quá.

– Ừ ! Năm năm rồi còn gì, thời gian ấy chẳng bao giờ trở lại.

– Phải rồi ! Đã năm năm. Chúng ta không còn những tình cảm như xưa nữa.

– Không ! Nàng lầm ! Chúng ta vẫn có thể tìm lại được những tình cảm như xưa chứ, nếu ta muốn. Năm năm qua, thôi coi như bỏ, bây giờ hãy bắt đầu lại …

– Không được. Sợi dây đứt nối lại vẫn còn có cái gút. Tình yêu không còn nữa, vĩnh viễn không còn. Thiếp nói đến cách biệt không phải chỉ thời
gian mà là cái hố sâu, cái vực thẳm nó ngăn cách chàng và thiếp, không
tài nào lấp được, không cầu nào bắc qua được.

– Ta hiểu nàng còn giận ta lắm. Ta có lỗi với nàng rất nhiều, nhưng tuổi thanh niên bồng bột, mấy ai không thế !

Oa Tử thở dài.

– Oa Tử ! Oa Tử ! Ta xin lỗi. Ta là nam nhi mà phải quỳ xin lỗi nàng như thế này, nàng chẳng thương ta ư ?

Nhìn con người không có khí phách quỳ bên cạnh, lòng khinh rẻ khiến Oa Tử lúng túng.

– Là nam nhi mà chàng xử sự không đáng nam nhi.

– Oa Tử ! Ở đây nói chuyện lâu không tiện. Nàng hãy theo ta, trốn bà cụ đi, chúng ta đến một nơi khác làm lại tất cả …

Nói đoạn cầm tay Oa Tử, nhưng nàng giật ra:

– Đừng chạm vào thiếp ! Thiếp thà chết …

Trước lời nói quyết liệt và nét mặt lạnh lùng của Oa Tử, Mãn Hà Chí sửng sốt, nghẹn lời. Cơn giận tràn đến.

– Nàng nhất định không đi ?

– Không !

– Không theo ta ?

– Không.

– Vậy nàng yêu thằng Kinh Tử hả ?

– Dĩ nhiên ! Mẫu thân chàng đã nói cho chàng biết rồi. Ta yêu Thạch Kinh Tử ở kiếp này và còn ở những kiếp sau nữa, mãi mãi …

Mãn Hà Chí run bần bật, mặt tái nhợt:

– Nàng sẽ hối hận vì câu nói ấy.

Một lúc sau, lấy lại được bình tĩnh, hắn tiếp:

– Có phải Thạch Kinh Tử bảo nàng nói câu ấy cho ta biết không ?

– Lầm ! Thạch Kinh Tử không bảo ta phải làm gì hết.

– Oa Tử ! Sự kiên nhẫn nào cũng có giới hạn. Nó có lòng tự ái thì ta cũng có lòng tự ái. Ta cấm nàng gặp nó.

– Quyền gì ngươi cấm ?

– Nàng là con dâu nhà Hồ Điểu. Cả làng Miyamoto, ai cũng biết.

– Thế a ? Vậy ai gửi thư từ hôn năm năm trước ?

– Ta không biết. Ta đâu có viết thư gì ! Đấy là Ôkô tự tay viết rồi gửi.

– Mãn Hà Chí ! Không ngờ ngươi vô sỉ, hèn mạt đến thế. Một trong hai lá
thư rõ ràng mang bút tích và chữ ký của ngươi, bảo ta quên ngươi đi và
hãy lấy người khác.

– Bằng chứng đâu, đưa xem …

– Vất đi rồi. Đại Quán đọc xong lấy hỉ mũi và vất thùng rác rồi !

– Vậy là vô bằng cớ ! Cả làng đều biết nàng là vị hôn thê của ta. Nàng phải là vợ ta !

– Mãn Hà Chí ! Ngươi tự hào là nam nhi mà gian dối bất nghĩa. Không người đàn bà nào muốn lấy một đứa gian dối làm chồng !


– Nàng hãy giữ mồm miệng !

Rồi nắm vạt áo Oa Tử.

– Bỏ ra !

Mãn Hà Chí rút kiếm. Khi kiếm đã rút khỏi vỏ, hắn không còn tự chủ được nữa.

Mắt lộ hung quang, Mãn Hà Chí tựa con thú dữ, vung tay chém xuống. Oa Tử vô cùng kinh hãi, giật mạnh vạt áo, lưỡi kiếm chém hụt dội vào thân cây tuột khỏi tay hắn. Cây đèn tắt ngấm. Bóng tối như tấm màn che chụp lên
mọi vật. Nhất thời không ai trông thấy gì cả, chỉ nghe tiếng Mãn Hà Chí
văng tục, cành khô gãy rào rạo và tiếng chân sột soạt.

Khi Mãn Hà Chí nhặt được kiếm lên thì Oa Tử đã biến mất.

Theo con đường đá dốc, bà Hồ Điểu lật đật chống gậy xuống núi, gặp con trai đang hớt hải trèo lên, tay còn lăm lăm cây kiếm.

– Mày chưa giết được nó à ?

– Nó chạy mất rồi.

– Thằng vô tích sự ! Đồ vô dụng !

Vừa hét bà vừa vung gậy đánh Mãn Hà Chí. Mãn Hà Chí trốn sau gốc cây.
Thấy có bóng đen thấp thoáng giữa những lùm bụi, nhanh mắt, hắn trông
thấy la lớn:

– Kìa ! Nó kia kìa ! Con đuổi theo, mẹ đón đầu nó phía này.

Bóng đen phân vân, đổi hướng. Cả hai mẹ con lại hè nhau đuổi, bỗng mất hút không thấy bóng đen đâu nữa.

Chỗ ấy cành nhỏ dày chi chít, cỏ gianh mọc cao đến gần đầu mà đất lại ẩm ướt.

Có lẽ là bờ suối vì tiếng nước đổ ào ào nghe gần lắm. Đột nhiên bà Hồ Điểu reo lên:

– Mãn Hà Chí ! Đúng nó đấy ! Cái gì trăng trắng sau mày đấy ?

Mãn Hà Chí quay lại, quả nhiên thấy có hình người nằm sóng soài bên đám sậy.

– Giết đi ! Phóng gươm ra còn đợi gì nữa, thằng vô tích sự !

Mãn Hà Chí như cái máy, nắm đốc kiếm vào hai tay đâm mạnh xuống. Phụp !

Máu phun có vòi bắn cả vào mặt.

Hắn rút kiếm đâm thêm nhát nữa.

– Này hèn ! Này bất nghĩa ! Quân yêu nữ ! Dâm phụ !

Cứ mỗi câu, Mãn Hà Chí lại đâm một nhát. Hắn say máu, phóng kiếm loạn xạ không còn biết vào những chỗ nào nữa.

Hình người nằm dưới đất chẳng phản ứng gì mà cũng chẳng kêu la. Chỉ nghe tiếng bà Hồ Điểu hô:

“Giết ! Giết !” và tiếng hắn thở hổn hển. Đến khi tay hắn tê chồn và thanh kiếm gẫy đôi, Mãn Hà Chí mới ngưng lại.

Toàn thân hắn run lẩy bẩy, mắt đổ hào quang. Mãn Hà Chí trừng trừng nhìn cái xác dưới chân. Thế là hết. Xong.

Bà Hồ Điểu cũng không một lời. Im lặng. Im lặng hoàn toàn, không cả
tiếng côn trùng khóc dưới cỏ. Đêm sâu càng thêm sâu và trên trời, sao
vẫn nhấp nháy.

Lát sau, khi bà Hồ Điểu tìm được cây nến đánh lửa châm lên, Mãn Hà Chí
mới như người tỉnh mộng. Nhìn tay và ngực áo nhớp nháp, mùi máu tanh
nồng nặc, hắn kinh sợ lạc thần:

– Trời ơi ! Oa Tử ! Oa Tử ! Ta giết nàng rồi !

Rồi vứt kiếm, bưng mặt khóc rưng rức.

Con gió thổi qua, ngọn nến tắt phụt. Bà Hồ Điểu rùng mình. Trong một
thoáng, nhìn Mãn Hà Chí ôm mặt bê bết máu đứng dưới ánh lửa giữa đêm
sâu, bà có cảm tưởng như vừa thấy quỷ hiện hình. Bất giác bà lẩm nhẩm
một câu chú, khi định thần lại mới lên giọng nói cứng:

– Cái thằng này, nhát như thỏ đế. Giết nó là tốt còn khóc nỗi gì ? Nó
phá hạnh phúc, danh dự của mày thì mày phải giết chứ ! Này, cầm lấy
gươm, cắt đầu nó đi cho ta!

Nhưng Mãn Hà Chí vẫn đứng im như phỗng. Đêm tối, có lẽ bà không nhìn
thấy những nét hằn học trên mặt con nên bà vẫn tiếp tục đay nghiến.

– Mày không xứng đáng với dòng họ. Mày không cắt đầu nó thì ta cắt !

Đoạn xăm xăm vạch cỏ cúi xuống.

– Mẹ làm gì vậy ? Mãn Hà Chí hét lớn.

– Cái gì ? Nó không đáng bị lấy đầu hay sao ? Mày còn thương nó hả ?

– Giết nó chưa đủ, bà còn định cắt đầu nó ư ? Sao tàn nhẫn dã man đến thế ?

Bà lão rít lên, sấn lại đánh Mãn Hà Chí. Hắn tránh khỏi, phẫn nộ la lớn:

– Bà nhân danh những điều đẹp tốt mà giết người, hành động như đồ mọi
rợ. Bà cắt đầu nó đi, mang về làng mà lấy tiếng. Tôi đi đây, tôi không
nghe bà nữa.

– Mô Phật ! Mãn Hà Chí ! Mày điên rồi ! Ta vì danh giá nhà mày mà trả
thù. Tao sẽ cắt đầu nó để rồi mày xem có khác gì đầu đứa khác không. Chỉ xương với da chứ có gì đâu mà sao mày mê muội đến thế ?

Mãn Hà Chí định giằng thanh kiếm trong tay mẹ, bỗng khựng lại. Thấp
thoáng đằng xa có ánh đèn giữa những lùm cây, tiếng gậy khua và tiếng
gọi nhau í ới. Hắn hoảng sợ, lau mau tay vào vạt áo rồi bỏ bà lão, vội
vã lẩn vào bóng tối.

– Mãn Hà Chí ! Mày đi đâu ?

Bà Hồ Điểu chạy theo, nhưng nghĩ sao lại quay lại. Hối hả quỳ xuống chân cái xác người bà lờ mờ thấy nằm sóng soài trong đám cỏ bị dẫm nát lẫn
với lá khô, cành gẫy. Bà lẩm bẩm:

– Oa Tử, đừng oán ta. Bây giờ ngươi đã về cõi vô minh thì ta với ngươi
không còn thù hằn nữa. Ta cầu cho vong hồn ngươi được siêu sinh tịnh độ. A di đà Phật !

Rồi tay nắm tóc, tay cầm kiếm, bà cắt ngay lấy thủ cấp người bạc mệnh.

oo Tiếng chân người mỗi lúc một gần. Lính quýnh không biết xoay sở ra
sao, bà Hồ Điểu đứng lên xách chiếc thủ cấp chạy. Nhưng đã muộn. Mới vài bước đã có kẻ trông thấy, rồi ba bốn bóng đen đuổi theo vây quanh lấy
bà kêu lớn:

– Đây rồi ! Có người trên này. Mang đèn lại đây mau !

– Cái gì thế ? Bà Hồ Điểu quát. Tránh ra ! Các ngươi làm gì vậy ?

– Ủa, ai nhưng tiếng lão bá trọ Ở quán ?

– Chính thị.

– Lão bá làm gì trên này ?

Người mang đèn tới, theo sau là một nhà sư dáng quắc thước, áo chùng màu nâu già, nón nan che kín mặt.

– A di đà Phật ! Bà Hồ Điểu ở Miyamoto đó phải không ?

– Đại sư là ai, sao biết tên ta ?

Nhưng thay vì trả lời, nhà sư lại hỏi:

– Oa Tử đâu ?

Nghe nhắc đến tên Oa Tử, bà Hồ Điểu mới sực nhớ. Trông xuống, tay bà vẫn giữ chiếc thủ cấp máu còn rỏ giọt. Chiếc thủ cấp da mặt xám ngoét, mắt
trắng dã, loang lổ những máu và đất. Mọi người giật mình kinh hãi lùi xa mấy bước.

Bà Hồ Điểu giơ cao thủ cấp lên, nhếch mép định nói câu gì, bỗng ngừng bặt trợn mắt:

– Ối ! Không phải đầu con Oa Tử.

Rồi vất thủ cấp xuống, bà trừng trừng nhìn theo run lẩy bẩy:

– Mãn Hà Chí ! Lầm rồi ! Lầm rồi ! Người này là ai thế này ?

Tiếng bà lẫn trong hơi thở khò khè như người suyễn. Bà nhìn lên. Nhà sư
đã bỏ nón ra từ bao giờ, sừng sững đứng trước mặt. Ông nghiêm khắc hỏi:

– Thí chủ nhận ra bần tăng là ai không ?

Như kẻ mất hồn, bà ú ớ:

– Đại Quán ! Sao thầy lại ở đây ?

– A di đà Phật ! Bần tăng ngẫu nhiên đi qua làng Sơn Ninh này và tình cờ cũng được biết thí chủ và Oa Tử cùng ở quán Đại Lộc. Thí chủ dẫn Oa Tử
đi đâu, phải chăng có ý định giết nàng.

– Phải.

– A di đà Phật ! Lòng từ bi của Đức Phật vô bờ, nhưng tội nghiệt này của thí chủ thật khó tha thứ. Lấy oán báo oán, oán ấy chập chồng. Thí chủ
hãy nghĩ kỹ:

giết Oa Tử có vãn hồi được danh dự của thí chủ không, hay chỉ làm cho
danh dự ấy thêm nhơ nhuốc ? Giết Oa Tử có mang lại hạnh phúc cho con thí chủ không hay chỉ làm cho nó thêm đau khổ ? Ý định sát nhân của thí chủ không phải là phương cách vẹn toàn, huống chi còn gây thêm cái chết tức tưởi cho kẻ vô tội này nữa. A di đà Phật ! Bần tăng xin Đức Phật nhiệm
mầu ban ơn soi sáng để thí chủ sơm hối ngộ.

Lời thuyết nghiêm nghị của Đại Quán thiền sư vang lên trong đêm tịch
mịch khiến mọi người im lặng cúi đầu. Nhưng chẳng lung lạc được bà Hồ
Điểu. Quan niệm về gia đình, hạnh phúc, danh dự đảng tộc là những thành
kiến thâm căn cố đế, nó đã ăn sâu vào tâm thức bà từ nhỏ, không thể nhất đán một sớm một chiều bỏ đi được. Thạch Đạt Lang và Oa Tử, hai kẻ đã
xâm phạm vào bức thành trì kiên cố ấy, đã làm nhục dòng họ bà, bà coi
như kẻ thù không đội trời chung. Nên bà phản ứng quyết liệt:

– Xì ! Thầy biết gì về gia đình với hạnh phúc ? Thầy có gia đình không ? Ở thì ở chùa, ăn cơm thí, ỉa đồng, áo quần vá táp nham tứ thời một
manh, thầy biết gì về tình mẹ con, về danh dự gia tộc mà nói ? Có bao
giờ thầy biết đến những khó khăn của người dân mang cơm cho thầy ăn đâu ! Trước khi thuyết cho người khác nghe, thầy hãy tự kiếm sống lấy cái đã. Nói thì hay lắm, nhưng vô tích sự.

Lời đối đáp của bà Hồ Điểu làm mọi người mỉm cười, kể cả Đại Quán. Tuổi
tác đã không làm bà bớt đi sự ác độc trong lời nói. Bà vẫn cay nghiệt
như xưa. Đại Quán lắc đầu bảo người trong bọn:

– Bác nào dẫn bà lão về quán. Nhớ cầm đèn theo kẻo vấp ngã.

– Cám ơn, ta không cần. Ta về một mình cũng được. Cho ta mượn cái đèn.

Một số người ở lại, bọc chiếc thủ cấp, rồi lần theo vết máu tìm đến thi thể kẻ bất hạnh.

– Quán chủ có biết người này là ai không ?

Đại Quán hỏi.

– Bây giờ còn tối không rõ được. Nhưng trông dáng dấp gầy mà cao thế này thì có lẽ là tên say rượu vẫn đến ngủ nhờ ở cổng ngoài miếu sơn thần.
Hắn tên Điểu Sơn Minh, trước sống ở chợ, ngoại thành Kyoto, ưa lừa đảo
ăn quỵt nên ai cũng ghét.

– Chúng sinh thật nhiều oan nghiệt, không hiểu vì cớ gì lại để cho bà Hồ Điểu cắt đầu như vậy. Quán chủ hãy vì bần tăng cho người khiêng giúp
lên miếu, sáng mai ta sẽ xin vị trụ trì một cái lễ và chôn cất hắn tử tế kẻo tội nghiệp.

Bỗng có tiếng kêu rối rít:

– Đại sư ! Đại sư ! Đậy lại có xác chết nữa !

Mọi người lật đật cầm đèn chạy đến.

– Ô ! Một thiếu nữ. Nàng chết rồi à ?

– Không. Chưa. Chỉ mới ngất đi thôi.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.