Tên Tôi Là Đỏ

Chương 32


Đọc truyện Tên Tôi Là Đỏ – Chương 32

TÔI, SHEKURE

Trước khi bọn trẻ thức, tôi viết cho Siyah một lá thư ngắn bảo anh đến ngay ngôi nhà Người Do Thái bị treo cổ, rồi ấn nó vào tay Hayriye để cô ta chạy đến chỗ Esther. Khi Hayriye cầm lá thư, cô ta nhìn vào mắt tôi với vẻ can đảm hơn thường lệ dù rất lo ngại những gì sẽ đến với chúng tôi; và tôi, kẻ không còn cha để sợ đã đáp lại cái nhìn của cô ta với một sự mạnh bạo mới mẻ. Sự trao đổi cái nhìn này sẽ quyết định chừng mực quan hệ của chúng tôi trong tương lai. Suốt hai năm qua, tôi đã ngờ rằng Hayriye có thể có con với cha tôi, và sẽ quên đi vị thế nô lệ của cô ta mà luồn lách để trở thành bà chủ của nhà này. Tôi ghé xem người cha bạc mệnh, tôn kính hôn bàn tay giờ đã cứng của ông, mà thật kỳ lạ, vẫn không mất vẻ mềm mại của nó. Tôi giấu giày, khăn xếp và áo choàng màu tía của cha tôi, sau đó giải thích với bọn trẻ khi chúng thức rằng ông ngoại chúng đã khỏe và đã đi đến quận Mustafa Pasha từ sáng sớm.

Hayriye đã trở về. Khi cô ta bày chiếc bàn thấp để dọn bữa điểm tâm và tôi đặt phần mứt cam vào giữa bàn, tôi tưởng tượng lúc này Esther đang gọi cửa nhà Siyah. Tuyết đã ngừng rơi và mặt trời bắt đầu tỏa sáng.

Trong khu vườn của Người Do Thái bị treo cổ, tôi gặp lại khung cảnh quen thuộc. Nhũ băng thòng xuống từ mái hiên và những tấm che cửa sổ đang co lại nhanh chóng, khu vườn đầy mùi ẩm mốc và cỏ mục đang hăm hở hấp thu ánh mặt trời. Tôi thấy Siyah đang đợi ngay chỗ tôi gặp anh lần đầu trong đêm rồi, chuyện ấy có vẻ như cách đây rất lâu, cứ như nhiều tuần đã trôi qua. Tôi giở tấm mạng lên và nói:

“Anh có thể vui mừng, nếu anh cảm thấy thôi thúc. Những phản đối và nghi ngờ của cha em sẽ không chen vào giữa hai ta nữa. Trong khi anh đang xoay xở đặt tay lên người em đêm hôm qua, một tên độc ác đã đột nhập vào ngôi nhà vắng người của chúng em và giết cha em.”

Thay vì tự hỏi về phản ứng của Siyah, chắc hẳn bạn đang thắc mắc tại sao tôi nói năng một cách lạnh lùng và hơi kém thành thực như thế. Chính tôi cũng hoàn toàn không biết câu trả lời. Có lẽ tôi nghĩ nếu không như thế thì tôi sẽ khóc khiến Siyah ôm lấy tôi và tôi sẽ thân mật với anh sớm hơn tôi muốn.

“Hắn đã tàn phá ngôi nhà của em từ trên xuống dưới, cho thấy rõ ràng hắn giận dữ và căm hận. Em không cho là hắn đã làm xong công việc, em cũng không nghĩ tên ác quỷ này sẽ bình tĩnh rút về một xó xỉnh nào đó lúc này. Hắn đã ăn cắp bức tranh cuối cùng. Em yêu cầu anh bảo vệ em – bảo vệ mẹ con em – và giữ cuốn sách của cha em không lọt vào tay hắn. Bây giờ hãy cho em biết, để lo an toàn cho mẹ con em, anh cần hỏa thuận và điều kiện gì? Đây là điều chúng ta phải giải quyết.”


Anh định nói, nhưng tôi bắt anh im bằng một cái nhìn – cứ như tôi đã làm việc này rất nhiều lần trước đây.

“Dưới mắt quan tòa, chồng em và gia đình anh ấy sẽ là người kế tục cha em làm giám hộ cho em. Thậm chí trước khi ông chết thì chuyện đã là vậy, vì theo quan tòa thì chồng em vẫn còn sống. Chỉ bởi Hasan cố tìm cách chiếm đoạt em trong khi vắng mặt anh trai của chú ấy, một cuộc tấn công thất bại khiến cha chồng em bối rối, nên em mới được phép về nhà cha em dù em chưa chính thức là quả phụ. Nhưng bây giờ cha em đã chết và em thậm chí không có một người anh, đương nhiên những người giám hộ hợp lý duy nhất của em là em chồng hoặc cha chồng của em. Họ đã lên kế hoạch bắt em trở về nhà họ, ép buộc cha em, và đe dọa em. Một khi nghe tin cha em chết, họ sẽ không do dự chính thức hành động. Hy vọng duy nhất của em để ngăn cản điều này là giấu cái chết của cha em. Có lẽ vô ích, vì có thể chính họ là người đứng sau tội ác này.”

Ngay lúc đó, một tia sáng mỏng manh xuyên qua những rèm cửa vỡ và chiếu xuống giữa Siyah và tôi, soi sáng lớp bụi thời gian trong căn phòng.

“Đây không phải là lý do duy nhất em giấu cái chết của cha em,” tôi nói, nhìn sâu vào mắt Siyah. Tôi hài lòng khi thấy trong đó sự chú ý hơn là tình yêu. “Em cũng sợ việc không thể chứng minh em ở đâu lúc cha em bị giết. Dù Hayriye là nô lệ và lời nói của cô ta không được coi trọng, nhưng em sợ rằng cô ta có dính vào những mưu đồ này, nếu không phải nhằm vào em thì cũng nhằm vào cuốn sách của cha em. Và chừng nào em chưa có người bảo vệ thì việc thông báo cái chết của cha em, tuy thoạt đầu sẽ làm những vấn đề trong nhà trở nên đơn giản, nhưng chỉ vì những lý do em vừa nêu mà rất có thể sẽ khiến em chịu bất hạnh khủng khiếp vì tay cô ta; chẳng hạn, chuyện gì sẽ xảy ra nếu Hayriye biết cha em không muốn em lấy anh?”

“Cha em không muốn em cưới anh à?” Siyah hỏi.

“Phải, ông không muốn, ông sợ anh sẽ đưa em rời xa ông. Vì không còn nguy cơ là anh sẽ làm một điều tệ hại như thế với ông, nên chúng ta cứ cho rằng người cha bất hạnh của em không còn phản đối nữa. Anh thì có phản đối không?”


“Hoàn toàn không, em yêu.”

“Vậy là tốt rồi. Người giám hộ của em không có quyền đòi hỏi ở anh tiền hay vàng gì cả. Xin hãy thứ lỗi cho sự khuất tất trong tình trạng hôn nhân đáng bàn cãi về phần em, nhưng thật tiếc, em có một số điều kiện tiên quyết mà em phải giải thích với anh.”

Khi tôi im lặng một lát, Siyah nói, “Phải,” theo kiểu như muốn xin lỗi về thái độ ngập ngừng của anh.

“Trước tiên,” tôi bắt đầu, “anh phải thề trước hai nhân chứng rằng nếu anh cư xử không tốt với em trong cuộc hôn nhân của chúng ta, tới một mức độ mà em cho là không thể chấp nhận được hoặc nếu anh lấy vợ lẽ, anh phải chấp thuận cho em ly dị với một khoản tiền cấp dưỡng. Thứ hai, anh phải thề trước hai nhân chứng rằng nếu vì bất cứ lý do gì mà anh vắng mặt ở nhà trong một thời gian hơn sáu tháng mà không một lần về thăm, em cũng sẽ được phép ly dị với một món tiền cấp dưỡng. Thứ ba, sau khi chúng ta cưới nhau, dĩ nhiên anh phải dọn đến ở nhà em; tuy nhiên trước khi kẻ thủ ác đã giết cha em bị bắt hoặc cho đến khi anh tìm ra hắn – em muốn tự tay tra tấn hắn biết bao! – và cho đến khi cuốn sách của Đức vua được hoàn tất nhờ tài năng và nỗ lực của anh dẫn dắt, rồi được dâng lên Ngài một cách đường hoàng, anh sẽ không ngủ chung giường với em. Thứ tư, anh sẽ yêu các con em, chúng ngủ chung giường với em, như chúng là con của chính anh.”

“Anh đồng ý.”

“Tốt. Nếu tất cả những chướng ngại vẫn nằm trước mặt chúng ta biến mất nhanh như thế, chúng ta sẽ sớm cưới nhau.”


“Phải, cưới, nhưng không chung giường.”

“Bước trước tiên là cưới,” tôi nói. “Chúng ta hãy giải quyết chuyện đó trước. Tình yêu đến sau hôn nhân. Đừng quên: hôn nhân dập tắt ngọn lửa tình yêu, chẳng để lại gì ngoài một màu đen u sầu cằn cỗi. Dĩ nhiên, sau hôn nhân chính tình yêu cũng biến mất, nhưng hạnh phúc lấp đầy khoảng trống đó. Vẫn có những kẻ ngốc hấp tấp yêu trước khi cưới, quá cháy bỏng cảm xúc mà làm cạn kiệt tình cảm của họ, bởi họ tin rằng tình yêu là mục tiêu cao nhất trong cuộc sống.”

“Vậy sự thực của vấn đề là gì?”

“Sự thực là cảm giác mãn nguyện. Tình yêu và hôn nhân chỉ là phương tiện để đạt được nó: một người chồng, một ngôi nhà, con cái, một cuốn sách. Anh không thấy rằng thậm chí trong tình trạng của em, với một người chồng mất tích và một người cha vừa qua đời, em còn khá hơn anh trong cảnh cô lập đó sao? Em sẽ chết nếu thiếu các con, em dành cả ngày để cười đùa, vật lộn với chúng và yêu thương chúng. Hơn nữa, vì anh khao khát em ngay cả trong tình trạng khó xử hiện nay của em, vì anh thầm thèm muốn được qua đêm với em, thậm chí dù không ngủ cùng giường mà cùng dưới mái nhà với xác cha em và những đứa con ương bướng của em, anh buộc phải hết sức lắng nghe những gì em muốn nói.”

“Anh đang nghe đây.”

“Có nhiều cách để em đòi được ly dị. Những nhân chứng giả có thể thề rằng trước khi chồng em tham gia chiến dịch, họ đã chứng kiến anh ấy chấp nhận cho em được ly dị có điều kiện; ví dụ, anh ấy đã trịnh trọng thề rằng nếu anh ấy không về trong vòng hai năm, em sẽ được coi như tự do. Hoặc, đơn giản hơn, họ có thể thề rằng họ đã thấy xác chồng em trên chiến trường, viện dẫn những chi tiết cụ thể và đầy thuyết phục khác nhau. Nhưng xét vì xác cha em và những phản đối của nhà bên chồng em, thì dựa vào nhân chứng giả sẽ không hiệu quả, vì không một vị quan tòa thông minh hay thận trọng nào bị thuyết phục theo kiểu đó. Dù chồng em đã bỏ em mà không chu cấp và không trở về sau chiến tranh bốn năm rồi, thì ngay cả những quan tòa theo phái Hanefi của nhà em cũng không thể cho phép em ly dị. Tuy nhiên, quan tòa Uskudar do biết số phụ nữ như em gia tăng ngày một ra sao nên đồng cảm hơn và như thế – với sự chấp thuận của Đức vua và Thượng thư tôn giáo vụ – vị quan tòa này thỉnh thoảng cũng cho phép người ủy quyền theo phái Shafii của ông ta phân xử thay mình, qua đó cho phép những phụ nữ khắp nơi giống em được ly dị, được cả tiền trợ cấp. Bây giờ nếu anh có thể tìm được hai nhân chứng để làm chứng công khai cho tình trạng khó xử của em, trả công cho họ, cùng họ vượt biển Bosphorus sang bên Uskudar, dàn xếp với quan tòa, bảo đảm rằng người được ông ủy quyền sẽ thay ông phân xử để việc ly dị được chấp thuận nhờ các nhân chứng, đăng ký vụ ly dị vào sổ bộ của tòa, xin được giấy chứng nhận cho vụ phán quyết này, xin được giấy phép cho em tái giá lập tức, và nếu anh có thể hoàn tất mọi chuyện đó mà trở về bên này Bosphorus vào buổi chiều, sau đó – giả sử không gặp khó khăn gì trong việc tìm một giáo sĩ có thể làm phép cưới cho chúng ta tối nay – thì sau đó, với tư cách chồng em, anh có thể ở suốt đêm nay với em và các con em. Do đó anh cũng sẽ tránh cho chúng em một đêm không ngủ vì nghe như trong từng tiếng cọt kẹt của ngôi nhà đều có tiếng chân tên giết người tàn ác đó. Hơn nữa, anh sẽ cứu em khỏi tình trạng khốn khổ là một phụ nữ bơ vơ không ai che chở khi thông báo cái chết của cha em vào sáng mai.”

“Được”, Siyah nói với giọng vui vẻ và hơi trẻ con. “Được, anh đồng ý biến em thành của anh.”

Bạn còn nhớ rằng mới lúc nãy thôi tôi đã tuyên bố tôi không biết tại sao mình nói với Siyah một cách thiếu thành thực và lấn lướt như thế. Giờ thì tôi biết: Tôi dần nhận ra rằng chỉ bằng cách sử dụng một giọng điệu như thế tôi mới có thể thuyết phục Siyah – người chưa bỏ được tính ngớ ngẩn thời nhỏ của mình – tin vào khả năng của các sự kiện mà chính tôi cũng khó lòng tin nó sẽ xảy ra.


“Chúng ta có nhiều việc phải làm để chiến đấu với những kẻ thù của chúng ta, những kẻ muốn ngăn cản việc hoàn tất cuốn sách của cha em và những người muốn phản đối vụ ly dị của em và lễ cưới của chúng ta – vốn sẽ được tiến hành tối nay, cầu Thượng đế phù hộ. Nhưng em cho rằng mình không được làm anh rối trí hơn nữa, vì thậm chí anh đã rối trí hơn em nhiều rồi.”

“Em không bối rối chút nào,” Siyah nói.

“Có lẽ, nhưng bởi đây không phải là những ý tưởng của chính em, em học chúng từ cha em qua nhiều năm.” Tôi nói điều này để anh không bỏ qua những gì tôi nói, cho rằng những kế hoạch này xuất phát từ đầu óc phụ nữ của tôi.

Kế đến Siyah nói cái điều tôi vẫn nghe từ bất cứ người đàn ông nào không sợ thừa nhận rằng họ thấy tôi rất thông minh:

“Em rất đẹp.”

“Phải,” tôi nói, “được người khác khen là thông minh thì em thấy dễ chịu. Khi em còn nhỏ cha em thường làm thế.”

Tôi định nói thêm rằng khi tôi đã lớn cha tôi không khen tôi thông minh nữa, nhưng tôi đã bật khóc. Khi khóc, tôi cảm thấy như tôi đã rời bỏ chính mình mà trở thành một người khác, một người đàn bà hoàn toàn tách biệt. Giống như một độc giả nào đó bối rối vì một bức tranh buồn bã trong trang sách, tôi nhìn cuộc đời tôi từ bên ngoài và thương hại những gì tôi thấy. Có gì đó rất ngây thơ khi ta khóc vì những khó khăn của mình, cứ như chúng là của một người khác đến độ khi Siyah ôm tôi, một cảm giác hạnh phúc lan khắp hai chúng tôi. Nhưng lần này, khi chúng tôi ôm nhau, cảm giác dễ chịu này vẫn còn đó giữa chúng tôi, không thể tác động đến những kẻ thù đang vây quanh chúng tôi.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.