Đọc truyện Tên Tôi Là Đỏ – Chương 25
TÔI À ESTHER
Quý bà từ những vùng lân cận như Kýzýlminare và Karakedi đã đặt hàng mền bông màu tía và đỏ từ thành phố Bilejik, vì vậy từ sáng sớm tôi đã chuẩn bị chiếc túi lớn tạm bợ – một tấm vải to tôi bỏ đầy hàng và buộc lại thành một bó lớn. Tôi dẹp tấm lụa Trung Hoa xanh lá cây vừa mới đến theo đường của thương nhân Bồ Đào Nha nhưng không bán được, thay bằng miếng màu xanh da trời quyến rũ hơn. Và do tuyết rơi không ngớt trong mùa đông dằng dặc này, nên tôi cẩn thận xếp đầy những chiếc vớ sặc sỡ, những khăn choàng dày và những chiếc áo lót nặng, tất cả đều bằng len, để chúng vào giữa. Khi tôi trải tấm vải này ra, một bó hoa đầy màu sắc sẽ bừng nở khiến cho thậm chí trái tim phụ nữ thờ ơ nhất cũng đập loạn xạ. Kế đến tôi gói một số khăn tay lụa nhẹ nhàng đắt tiền, ví đựng tiền và khăn mặt thêu đặc biệt dành cho những quý bà gọi tôi đến không phải để mua sắm mà để tán chuyện. Tôi nhấc túi lên. Trời ơi, nó nặng quá, làm lưng tôi muốn gãy. Tôi đặt nó xuống, mở ra. Khi tôi nhìn vào trong, thử quyết định xem bỏ cái gì lại, thì nghe có tiếng gõ cửa. Nesim mở cửa và gọi tôi.
Đó là nàng hầu Hayriye, đỏ mặt và bối rối. Cô ta cầm lá thư trên tay.
“Shekure gửi,” cô ta nói nhỏ. Cô nô lệ này e lệ đến độ các vị sẽ nghĩ cô ta đang yêu và muốn lấy chồng.
Hết súc nghiêm túc, tôi chộp lấy lá thư. Tôi dặn cô ngốc này hãy quay về sao cho không bị ai nhìn thấy và cô ta cáo lui.
Nesim nhìn tôi dò hỏi. Tôi lấy ra cái túi lớn hơn nhưng nhẹ hơn mà tôi thường mang mỗi khi đi chuyển thư.
“Shekure, con gái Enishte Kính mến, đang yêu nồng cháy,” tôi nói. “Cô ấy mất trí rồi, cô gái tội nghiệp.”
Tôi ba hoa và bước ra ngoài, nhưng rồi bị nỗi day dứt níu lại. Nếu phải nói thật, tôi muốn được nhỏ một giọt nước mắt cho nỗi buồn của Shekure thay vì coi thường những quan hệ tình cảm lặt vặt của cô ấy. Cô ấy đẹp biết bao, cô gái có đôi mắt đen u sầu của tôi!
Tôi bước nhanh qua những ngôi nhà ọp ẹp của khu Do Thái, chúng thậm chí trông còn điêu tàn và thê thảm hơn trong cái lạnh buổi sáng. Một lát sau, khi nhìn thấy tên ăn xin mù vốn luôn ngồi ngay góc đường nhà Hasan, tôi rao to, “Quần áo đây!”
“Này mụ phù thủy béo,” gã nói. “Mụ không gào lên thì chỉ nghe tiếng chân của mụ ta cũng nhận ra như thường.”
“Lão mù vô tích sự,” tôi nói. “Đồ Tatar chết dầm! Những kẻ mù như lão là tai họa bị Allah bỏ rơi. Cầu mong Người giáng cho lão sự trừng phạt xứng đáng với lão.”
Trước đây những lời qua lại như thế không làm tôi giận dữ. Tôi không hề quan tâm đến chúng. Cha của Hasan mở cửa. Ông ta là một người Abkhazia, một quý ông cao cả và lịch thiệp.
“Cho xem nào, lần này cô đem theo thứ gì vậy?” ông nói.
“Thằng con biếng nhác của ông còn ngủ hả?”
“Sao nó ngủ được? Nó đang chờ cô đưa tin đến.”
Ngôi nhà này quá tối đến độ mỗi lần đến thăm tôi đều có cảm giác như bước vào một ngôi mộ. Shekure không bao giờ hỏi về nó, nhưng tôi luôn nhất định chê bai nơi này để cô không còn nghĩ đến chuyện trở về hầm mộ này nữa. Thật khó hình dung rằng Shekure xinh xắn đã từng là bà chủ của ngôi nhà này và cô đã sống ở đây với những đứa bé tinh nghịch của cô. Bên trong nó bốc mùi giấc ngủ và cái chết. Tôi bước vào phòng bên cạnh, bước sâu hơn vào bóng tối.
Các vị không thể thấy được bàn tay chính mình giơ trước mặt. Thậm chí tôi không có cơ hội để đưa lá thư cho Hasan. Anh ta xuất hiện từ bóng tối và giật nó khỏi tay tôi. Như mọi khi, tôi để anh ta một mình đọc thư và thỏa mãn sự tò mò. Rồi anh ta nhanh chóng ngước lên khỏi trang giấy.
“Chỉ có bây nhiêu thôi sao?” anh ta hỏi. Anh ta biết rằng chẳng có gì khác, chỉ là một bức thư ngắn ngủn,” anh ta nói rồi đọc.
Siyah Kính mến! Anh đã đến nhà chúng tôi, và lưu lại nhiều ngày ở đây. Nhưng tôi nghe nói anh chưa hề viết thậm chí một dòng nào cho cuốn sách của cha tôi. Đừng ôm ấp hy vọng nếu trước tiên không hoàn tất bản thảo đó.
Cầm lá thư trong tay, anh ta nhìn vào mắt tôi với vẻ buộc tội, như thể tất cả chuyện này là lỗi của tôi. Tôi không thích những lúc im lặng như thế trong ngôi nhà này.
“Không còn chữ nào về việc cô ta đã có chồng, về chuyện chồng cô ấy từ mặt trận về,” anh ta nói. “Tại sao vậy?”
“Làm sao tôi biết tại sao?” tôi nói. “Tôi đâu phải người viết mấy lá thư này.”
“Đôi lúc tôi cũng băn khoăn về vụ đó.” anh ta nói rồi trao bức thư lại cùng với mười lăm đồng bạc.
“Có người càng kiếm được nhiều tiền càng keo kiệt. Anh không phải loại ấy,” tôi nói.
Có một khía cạnh thông minh, thú vị như thế ở người đàn ông này nên dù anh ta có những điểm xấu và đen tối, người ta cũng có thể thấy tại sao Shekure vẫn nhận thư của anh ta.
Cuốn sách của cha Shekure là cái gì vậy?”
“Anh biết mà! Người ta nói Đức vua chi tiền cho việc này đó.”
“Những tay tiểu họa đang giết nhau vì mấy bức tranh trong cuốn sách đó, anh ta nói. “Đó có phải là vì tiền hay – cầu Thượng đế thương xót – vì cuốn sách đó báng bổ đạo giáo của chúng ta? Họ nói chỉ cần nhìn thoáng vào các trang trong đó là đủ khiến người ta bị mù rồi.”
Anh ta vừa nói thế vừa mỉm cười theo cái cách mà tôi biết không nên coi là nghiêm túc. Thậm chí dù nó là vấn đề cần suy nghĩ nghiêm túc đi nữa, thì ít nhất anh ta chẳng có gì phải coi trọng việc tôi coi trọng vấn đề này. Giống như nhiều đàn ông khác vốn tin tưởng tôi trong vai trò người đưa thư và trung gian hòa giải, Hasan cũng chửi rủa tôi thậm tệ khi tự ái của anh ta bị tổn thương. Tôi, do công việc, phải giả vờ đau khổ để làm vừa lòng anh ta. Các thiếu nữ, trái lại, thường ôm tôi mà khóc khi tình cảm của họ bị tổn thương.
“Chị là một phụ nữ thông minh,” Hasan nói để vuốt ve tự ái của tôi. Anh ta tin rằng anh ta đã làm tôi thương tổn. “Giao lá thư này lẹ lên. Tôi tò mò muốn biết thằng ngốc đó trả lời ra sao.”
Trong một thoáng, tôi thấy muốn nói. “Siyah không ngốc đâu.” Trong những tình huống như thế, việc khích cho các tình địch ghen tuông nhau sẽ khiến cho Esther mai mối này kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng tôi sợ anh ta bất chợt nổi khùng lên.
“Anh biết tên ăn mày Tatar cuối phố chứ?” tôi hỏi. “Hắn ta rất thô bỉ.”
Để tránh tên mù đó tôi đi về đầu đường phía kia và vì thế đi ngang qua Chợ gà vào sáng sớm. Tại sao người Hồi giáo không ăn đầu với chân gà? Bởi vì chuyện đó quá kỳ cục! Bà nội tôi, cầu cho bà được yên nghỉ, thường bảo tôi rằng hồi gia đình bà mới từ Bồ Đào Nha sang đây chân gà rẻ đến độ bà đem nấu làm thức ăn.
Tại Kemeraralik, tôi thấy một phụ nữ trên lưng ngựa đi cùng những nô lệ của cô ta, ngồi thẳng lưng như một đàn ông. Cô ta kiêu ngạo hết sức, có thể là vợ của một tổng trấn hoặc con gái giàu có của ông ta. Tôi thở dài. Nếu cha Shekure không hết lòng đến đãng trí với mấy cuốn sách, nếu chồng cô ấy trở về sau chiến tranh Safavid với của cải cướp được, Shekure có lẽ sẽ sống giống người phụ nữ kiêu kỳ này. Hơn ai hết, cô ấy đáng được hưởng điều đó. Khi tôi rẽ vào con đường nhà Siyah, tim tôi đập liên hồi. Tôi có muốn Shekure lấy người đàn ông này không? Tôi vừa thành công trong việc giữ cho Shekure dính dáng với Hasan, đồng thời vừa giữ cho họ xa nhau. Nhưng còn Siyah thì sao? Anh ta có thể thực tế trong mọi khía cạnh trừ chuyện tình yêu anh ta dành cho Shekure.
“Quần áo đâyyyy”, Chẳng có thứ gì có thể thay thế niềm vui được phát thư cho những tình nhân đang bối rối vì cô đơn hay thiếu vợ vắng chồng. Cho dù họ tin chắc mình sẽ nhận được tin xấu nhất, nhưng khi sắp đọc thư, họ vẫn tràn trề hy vọng.
Bằng việc không đề cập bất cứ gì tới chuyện trở về của chồng mình, bằng việc gắn liền lời cảnh báo “Đừng ôm ấp hy vọng” của cô ấy với một điều kiện duy nhất, Shekure dĩ nhiên đã cho anh ta một lý do quá chính đáng để hy vọng nhiều hơn. Tôi theo dõi anh ta đọc thư, lòng vui như mở hội. Anh ta hạnh phúc quá đến độ quẫn trí, thậm chí sợ hãi. Khi anh ta lui vào trong để viết hồi âm, tôi, một kẻ bán rong quần áo biết suy tính, bèn mở túi “phát thư” và rút ra một chiếc ví tiền đen, chiếc tôi đang cố thuyết phục bà chủ nhà của Siyah mua.
“Cái này làm bằng nhung Ba Tư hảo hạng đó,” tôi nói.
“Con trai tôi chết trong chiến tranh ở Ba Tư”, bà ta nói. “Cô đưa thư của ai cho Siyah vậy?”
Tôi có thể thấy rõ trên gương mặt bà ta rằng bà ta đang lên kế hoạch tác thành cô con gái gầy gò của bà, hoặc ai biết được là con gái nhà ai, cho Siyah dũng cảm.
“Chẳng ai cả,” tôi nói. “Một người bà con nghèo khổ của anh ta đang hấp hối trong nhà thương Bayrampasha và cần tiền.”
“Ô,” bà ta nói với vẻ nghi ngờ, kẻ xui xẻo đó là ai vậy?”
“Con trai bà chết trong chiến tranh thế nào vậy?” Tôi vặn lại.
Chúng tôi bắt đầu nhìn nhau với vẻ thù địch. Bà ta là một quả phụ và hoàn toàn cô độc. Cuộc sống của bà hẳn rất khó khăn. Nếu các vị tình cờ trở thành người bán quần áo kiêm người đưa tin như Esther, các vị sẽ sớm biết được rằng chỉ có của cải, quyền lực và những chuyện tình truyền thuyết mới khiến người ta tò mò. Mọi thứ khác chỉ là sự lo phiền, chia cách, ghen tỵ, cô đơn, thù địch, nước mắt, chuyện đồn đãi và cái nghèo bất tận.
Những điều như thế không bao giờ thay đổi, giống như những món đồ trang bị cho một ngôi nhà: một tấm thảm len cũ phai màu, cái muôi và cái nồi đồng nhỏ nằm trên một tấm vỉ nướng trống, cái gắp than và thùng tro cạnh bếp lò, hai cái hòm sờn cũ một lớn, một nhỏ – một cái giá treo khăn xếp của đàn ông được giữ lại để che giấu cuộc sống quả phụ hiu quạnh và một thanh gươm cổ để đuổi trộm.
Siyah vội quay trở lại với ví tiền “Chị bán quần áo,” anh ta nói, chủ yếu để cho bà chủ nhà chộn rộn nghe thấy hơn là tôi. “Cầm cái này đưa cho bệnh nhân đau khổ đó. Nếu anh ta có trả lời gì, tôi sẽ chờ. Chị có thể tìm tôi ở nhà Enishte Kính mến, tôi sẽ ở đó suốt ngày nay.”
Chẳng cần thiết phải chơi những trò này. Chẳng có lý do gì khiến một chàng trai dũng cảm như Siyah phải giấu giếm những thủ đoạn tình trường của anh ta, những dấu hiệu anh ta nhận được, những khăn tay và thư từ anh gửi nhằm theo đuổi một cô gái. Hay anh ta thực sự để mắt đến con gái bà chủ nhà? Nhiều lúc, tôi không tin tưởng Siyah chút nào và sợ rằng anh ta đang lừa dối Shekure. Thế là thế nào, dù anh ta ở cả ngày với Shekure trong cùng một ngôi nhà, sao anh ta không ra hiệu cho cô ấy được?
Khi ra ngoài, tôi mở ví ra. Bên trong có hai mươi đồng xu bạc và một lá thư. Tôi quá tò mò về lá thư đến độ tôi gần như chạy đến nhà Hasan. Đám người bán rau đã bày bắp cải, cà rốt và những thứ khác ra ngay trước cửa hàng của họ. Nhưng tôi thậm chí không còn hơi đâu mà đụng đến những củ tỏi tây no tròn đang kêu gào đòi tôi vuốt ve chúng.
Tôi rẽ vào một con đường nhỏ thì thấy gã mù Tatar lại đang ở đó để chọc tức tôi. “Khỉ gió.” tôi nhổ về phía gã, chỉ có vậy thôi. Tại sao cái lạnh nhức nhối này không làm cho mấy tên lang thang ấy chết cóng đi cho rồi?
Khi Hasan im lặng đọc thư, tôi hầu như không giữ được kiên nhẫn. Cuối cùng, không kìm được nữa, tôi buột miệng hỏi, “Sao?”
Và anh ta bắt đầu đọc to:
Shekure yêu quý nhất đời anh, em đã yêu cầu anh hoàn tất cuốn sách của cha em. Em có thể tin chắc rằng anh không có mục đích nào khác. Anh đến nhà em vì lý do ấy, chứ không phải để làm phiền em như em đã nghĩ trước đây. Anh biết rõ rằng tình yêu anh dành cho em là chuyện của riêng anh. Nhưng vì tình yêu này, anh hoàn toàn không thể cầm bút lên và viết những gì cha em – dượng yêu quý của anh – đã yêu cầu cho cuốn sách của ông.
Mỗi khi anh cảm thấy sự có mặt của em trong nhà, anh cứng người và không thể làm gì được cho cha em. Anh đã nghiền ngẫm điều này và nhận ra chỉ có một lý do: Sau mười hai năm, anh thấy mặt em chỉ một lần khi em đến bên cửa sổ. Bây giờ anh rất sợ bị mất đi hình ảnh đó. Nếu anh được thấy em một lần nữa gần hơn, anh sẽ không sợ mất em, và anh có thể dễ dàng hoàn thành cuốn sách của cha em. Hôm qua Shevket đã đưa anh đến ngôi nhà hoang của Người Do Thái bị treo cổ. Sẽ không ai thấy chúng ta ở đó. Hôm nay, bất cứ khi nào em thấy phù hợp anh sẽ đến đó chờ em. Hôm qua Shevket có nói rằng trong giấc mơ em thấy chồng em đã chết.
Hasan đọc lá thư một cách chế nhạo, ở nhiều chỗ anh ta nâng cái giọng đã cao của mình lên còn cao hơn nữa giống giọng đàn bà, và ở nhiều chỗ anh bắt chước kiểu van xin run rẩy của một kẻ si tình đã mất sạch lý trí. Anh ta chê bai việc Siyah viết mong ước “được thấy em chỉ một lần nữa” bằng tiếng Ba Tư. Anh ta nói thêm. “Ngay khi Siyah thấy rằng Shekure đã cho hắn ta ít nhiều hy vọng, hắn lật đật thương lượng. Kiểu mặc cả như thế không phải là thứ mà một người thực sự đang yêu dùng đến.”
“Anh ta thực lòng yêu Shekure,” tôi nói một cách khờ khạo.
“Nhận xét này chứng tỏ chị đứng về phe Siyah.” anh ta nói. “Nếu Shekure viết rằng cô ta mơ thấy anh tôi đã chết, điều đó có nghĩa là cô ấy chấp nhận chồng mình chết.”
“Đó chỉ là một giấc mơ,” tôi nói, giống như một con ngốc.
“Tôi biết Shevket thông minh và láu cá cỡ nào mà. Bọn tôi sống với nhau nhiều năm rồi. Không có mẹ nó cho phép hay thúc giục, không đời nào nó dám dẫn Siyah đến ngôi nhà của người Do Thái bị treo cổ. Nếu Shekure nghĩ cô ấy đã kết thúc với anh tôi và chúng tôi – thì cô ta đã sai lầm khủng khiếp! Anh tôi vẫn còn sống và sẽ trở về.”
Trước khi kịp kết luận, anh ta đi sang phòng kế bên ở đó anh ta định đốt một cây nến, nhưng chỉ làm phỏng tay. Anh ta rú lên. Liên tục liếm chỗ phỏng, sau cùng anh ta cũng đốt được cây nến và để nó cạnh cái bàn làm việc xếp lại. Anh ta lấy ra một cây bút sậy chấm vào lọ mực và bắt đầu giận dữ viết lên một tờ giấy nhỏ. Tôi cảm nhận được niềm vui sướng của anh ta khi thấy tôi đang nhìn anh ta, và để chứng tỏ rằng tôi không sợ, tôi cố mỉm cười cho anh ta thấy.
“Người Do Thái treo cổ là ai, chị phải biết chứ?” anh ta hỏi.
“Bên kia những ngôi nhà này có một căn nhà màu vàng. Họ nói rằng Moshe Hamon, thầy thuốc được sủng ái của nhà vua trước đây và là người giàu có nhất, trong nhiều năm đã đưa cô hầu thiếp Do Thái của ông ta và em trai bà trốn khỏi Amasya rồi giấu ở đó. Cách nay nhiều năm, ở Amasya vào đêm trước lễ Vượt qua, khi một chàng trai Hy Lạp được cho là đã “biến mất” trong khu dân cư Do Thái, người ta cho rằng anh ta đã bị ai đó siết cổ chết để lấy máu anh ta làm ra thứ bánh mì không cần men. Khi những nhân chứng giả được đưa ra, một vụ hành hình người Do Thái bắt đầu; tuy nhiên vị thầy thuốc được sủng ái của nhà vua đã giúp người phụ nữ xinh đẹp này và em trai bà ta trốn thoát, và giấu họ với sự cho phép của nhà vua. Sau khi vua băng hà, kẻ thù của Ngài không tìm ra được người phụ nữ xinh đẹp, nhưng họ treo cổ em trai của bà, kẻ sống một mình ở đó.
“Nếu Shekure không chờ anh tôi từ mặt trận về, họ sẽ trừng phạt cô ta,” Hasan nói, trao cho tôi mấy lá thư.
Tôi không thấy sự phẫn nộ hay giận dữ trên gương mặt anh ta, chỉ có sự bất hạnh và buồn phiền thường thấy ở kẻ tương tư đó. Bất chợt tôi thấy trong mắt anh ta tình yêu đã làm anh ta già đi nhanh như thế nào. Tiền bạc anh ta kiếm được trong ngành hải quan không hề làm anh ta trẻ hơn. Sau tất cả những đe dọa và điệu bộ bực bội của anh ta, tôi tin rằng anh ta có thể lại hỏi tôi làm cách nào để giành được Shekure. Nhưng anh ta tiến quá gần đến chỗ trở nên độc ác đến độ anh ta không thể hỏi nữa. Một khi người ta chấp nhận cái ác – và bị cự tuyệt trong tình yêu là nguyên nhân chính – thì sự tàn bạo nhanh chóng theo sau. Tôi thấy sợ những ý nghĩ của mình và thanh gươm đỏ khủng khiếp mà bọn trẻ nói đến đó, vốn cắt đứt bất cứ thứ gì nó chạm vào; với tâm trạng rất muốn cáo lui, trong một lúc gần như điên cuồng, tôi loạng choạng bước ra đường.
Đó là lúc tôi hứng chịu những lời chửi rủa của gã ăn mày Tatar. Nhưng tôi lập tức lấy lại can đảm. Tôi nhẹ nhàng nhặt một cục đá nhỏ dưới đất bỏ vào khăn tay của gã và nói, “Của mi đó, tên Tatar ghẻ lở.”
Không cười, tôi nhìn tay gã mò tìm cục đá một cách đầy hy vọng mà gã nghĩ là một đồng xu. Phớt lờ những lời chửi rủa của gã tôi đi về hướng nhà của một trong những “con gái” của tôi, người mà tôi đã gả cho một anh chồng tốt.
“Đứa con gái” dễ thương của tôi đãi tôi một miếng bánh, một món đồ ăn thừa, nhưng vẫn còn giòn. Chuẩn bị cho bữa ăn chiều, con bé đang làm món thịt cừu hầm trong nước sốt đặc với trứng đánh và nêm bằng mận chua, đúng kiểu tôi thích. Để không làm con bé thất vọng, tôi ngồi chờ và ăn hai bát đầy với bánh mì giòn.
Con bé cũng làm một món tráng miệng có nho hầm. Không chút do dự, tôi đòi một ít mứt cánh hồng, trộn một muỗng đầy món mứt đó vào món tráng miệng và kết thúc bữa ăn. Sau đó, tôi lên đường đi giao những lá thư cho Shekure buồn bã của tôi.