Tên Tôi Là Đỏ

Chương 24


Đọc truyện Tên Tôi Là Đỏ – Chương 24

TÔI LÀ THẦN CHẾT

Tôi là Thần chết, các người thấy rõ đấy, nhưng các người không cần phải sợ, tôi chỉ là một bức minh họa mà thôi. Hãy cứ như vậy, tôi thấy được nỗi kinh hãi trong mắt các người. Dù các người biết rất rõ rằng tôi không có thực – giống như bọn trẻ đang đắm mình vào một trò chơi – các người vẫn bị chìm trong nỗi kinh hoàng, như thể các người thật sự thấy chính Thần chết vậy. Điều này làm tôi vui. Khi nhìn tôi, các người có cảm giác rằng các người sẽ làm vấy bẩn chính mình vì sợ hãi khi giây phút cuối cùng không thể tránh khỏi đó đến với các người. Đây không phải nói đùa đâu.

Khi đối mặt Thần chết, người ta mất kiểm soát những chức năng thân thể họ – nhất là những người được tiếng là dũng cảm. Vì lý do này, những chiến trường đầy xác chết mà các người vẽ hàng ngàn lần không có mùi máu, thuốc súng và áo giáp nóng hổi như ta thường nghĩ, mà chỉ có cứt và thịt thối rữa.

Tôi biết đây là lần đầu các người thấy một bức tranh vẽ Thần chết.

Cách nay một năm, một ông già cao, gầy, bí ẩn đã mời đến nhà mình một nhà tiểu họa trẻ, người sau đó sẽ minh họa tôi. Trong phòng làm việc tranh tối tranh sáng của ngôi nhà hai tầng, ông già dọn cho bậc thầy trẻ tuổi này một tách cà phê tẩm hổ phách tuyệt vời, vốn làm đầu óc chàng trẻ tuổi này sảng khoái. Kế đến, trong căn phòng tối có cửa màu xanh đó, ông già đã kích động chàng tiểu họa trẻ bằng việc khoe thứ giấy tuyệt đẹp từ Hindustan, những chiếc cọ làm bằng lông sóc, nhiều tấm vàng lá khác nhau, đủ loại bút sậy và những dao chuốt bút có cán san hô, chứng tỏ rằng ông ta có thể trả công hậu hĩ.

“Bây giờ hãy vẽ Thần chết cho ta,” ông già nói.

“Tôi không thể vẽ Thần chết nếu chưa một lần trong đời thấy được một bức tranh Thần chết,” nhà tiểu họa tài hoa, kẻ mà ngay sau đó sẽ vẽ bức tranh này, liền nói.


“Đâu phải lúc nào anh cũng phải thấy một bức minh họa về một thứ nào đó thì mới vẽ lại được,” ông già lịch thiệp và nhiệt tình kia phản đối.

“Phải, có lẽ không,” nhà tiểu họa bậc thầy nói. “Nhưng nếu muốn bức tranh đó được hoàn hảo, theo cách những bậc thầy ngày xưa đã làm, thì nó phải được vẽ hàng ngàn lần trước khi tôi thử vẽ nó. Cho dù nhà tiểu họa có tài hoa đến đâu đi nữa, thì khi lần đầu tiên vẽ một vật nào đó, anh ta sẽ thể hiện nó như một thợ học việc, mà tôi thì không bao giờ làm được như vậy. Tôi không thể dẹp tài hoa của tôi sang một bên khi minh họa Thần chết; điều này tương đương với việc tự sát.”

” Một cái chết như thế có thể khiến anh tiếp cận đề tài,” ông già châm biếm.

“Không phải kinh nghiệm về một chủ đề mới làm cho chúng tôi trở thành những bậc thầy, chuyện trải nghiệm không hề biến chúng tôi thành những bậc thầy.”

“Vậy một sự lão luyện như thế tất phải quen thuộc với Thần chết.”

Theo kiểu đó, họ bước vào một cuộc nói chuyện cao siêu đầy những ám chỉ, ẩn dụ, chơi chữ, lối nói mơ hồ và những lời bóng gió, phù hợp với những nhà tiểu họa vốn kính trọng cả những bậc thầy cũ cũng như tài năng của chính họ. Vì sự hiện hữu của tôi là đề tài của cuộc bàn cãi, nên tôi chú ý lắng nghe cuộc nói chuyện, toàn bộ câu chuyện, tôi biết sẽ làm chán tai những nhà tiểu họa lỗi lạc của chúng ta trong quán cà phê tuyệt vời này. Cho phép tôi nói rằng cuộc bàn luận đã tới đỉnh điểm khi chạm đến vấn đề sau:

“Có phải thước đo tài năng của nhà tiểu họa là khả năng vẽ mọi thứ với cùng một mức độ hoàn hảo như những bậc thầy vĩ đại hay đấy là khả năng đưa vào bức tranh một chủ đề mà không ai khác có thể thấy?” Nhà minh họa tài hoa thông minh đó hỏi, và dù bản thân anh ta biết rõ câu trả lời cho vấn đề này, nhưng anh ta vẫn rất dè dặt.


“Người Venice đánh giá tài năng của nhà tiểu họa qua khả năng phát hiện chủ đề và những kỹ thuật mới mà trước đó chưa ai sử dụng,” ông già ngạo mạn khẳng định.

“Người Venice chết theo kiểu người Venice.” nhà minh họa mà sau đó vẽ tôi nói.

“Mọi cái chết của chúng ta đều giống nhau.” ông già nói.

“Truyền thuyết và hội họa kể lại con người khác nhau như thế nào, chứ không phải cơn người giống nhau như thế nào,” nhà minh họa thông minh nói. “Nhà tiểu họa bậc thầy đạt được sự lão luyện bằng cách vẽ những truyền thuyết độc đáo như thể chúng ta đã quen thuộc với chúng.”

Theo cách đó, cuộc nói chuyện chuyển sang những khác biệt giữa cái chết của người Venice và người Ottoman, sang Thiên sứ của Thần chết và những thiên sứ khác của Allah, và chuyện tại sao không thể đánh giá họ theo tiêu chuẩn nghệ thuật của bọn ngoại giáo. Bậc thầy trẻ tuổi, người hiện đang nhìn tôi với đôi mắt đẹp trong quán cà phê thân yêu này của chúng ta, thấy bối rối trước những lời nghiêm trọng này, hai bàn tay anh ta trở nên bồn chồn, anh ta khao khát vẽ tôi, tuy anh ta chưa nghĩ ra tôi là loại thực thể nào.

Lão già ranh ma và đầy tính toán vốn muốn lôi cuốn chàng trai trẻ này đã nắm bắt được mùi hăm hở của chàng trai. Trong phòng tối lão già dán mắt mình, vốn lấp lánh trong ánh đèn dầu leo lét, vào chàng trai có bàn tay tài hoa.

“Thần chết, nhân vật được dân Venice vẽ theo hình dạng con người, với chúng ta lại là một thiên sứ giống như Azrael,” ông ta nói. “Phải, trong hình dạng con người. Giống như Gabriel, vị thiên sứ xuất hiện dưới lốt người phàm khi truyền Lời Thiêng cho đấng Tiên tri của chúng ta. Anh hiểu mà, phải không?”


Tôi nhận ra rằng chàng họa sĩ trẻ, người mà Allah đã phú cho tài năng đáng kinh ngạc, đang nóng ruột muốn vẽ tôi, bởi lão già quỷ quyệt đã thành công trong việc kích thích anh ta bằng ý tưởng quỷ quái này: Những gì chúng ta tha thiết mong muốn là vẽ một thứ gì mà chúng ta chưa biết với tất cả sự tối tăm của nó, Chứ không phải cái chúng ta đã biết với tất cả ánh sáng của nó.

“Tôi không hề quen thuộc với Thần chết chút nào.” nhà tiểu họa nói.

“Tất cả chúng ta đều biết Thần chết,” ông già nói.

“Chúng ta sợ nó, nhưng chúng ta không biết nó.”

“Vậy công việc của anh là vẽ nỗi sợ đó,” ông già nói.

Vậy là anh ta sắp tạo ra tôi. Gáy của nhà tiểu họa bậc thầy vĩ đại này ngứa ran; bắp thịt tay anh ta đang căng lên và những ngón tay anh ta thèm khát một cây bút sậy. Nhưng, bởi vì anh ta là kẻ thực tài nhất trong các bậc thầy vĩ đại đích thực, nên anh ta cố kiềm chế mình, biết rằng sự căng thẳng này sẽ làm sâu đậm hơn tình yêu nghệ thuật trong tâm hồn anh ta.

Lão già khôn ngoan này hiểu điều gì đang xảy ra, và tìm cách truyền cảm hứng cho chàng trai trong việc thể hiện tôi, mà ông ta chắc chắn sẽ được hoàn tất không lâu, ông ta bắt đầu đọc những đoạn nói về tôi từ những cuốn sách nằm trước mặt: Kitab al-Ruh 1 của El-Jevziyye, Kitab al-Qiyamah 2 Của Gazzali và sách của Suyuti.

Và như thế, khi nhà tiểu họa bậc thầy với khả năng diệu kỳ đang thực hiện bức chân dung này, mà hiện các người đang nhìn ngắm một cách đầy sợ hãi, anh ta cũng lắng nghe Thiên sứ của Thần chết với hàng ngàn đôi cánh phủ khắp Trời và Đất, từ điểm xa nhất của phương Đông đến điểm xa nhất của phương Tây như thế nào. Anh ta nghe những đôi cánh này sẽ là nguồn an ủi lớn lao thế nào đối với kẻ thật sự ngoan đạo, những đối với những kẻ tội đồ và phiến loạn thì đau đớn như một cây chông nhọn xuyên qua da thịt. Vì đa số nhà tiểu họa các người đều đi về phía Địa ngục, nên anh ta mô tả tôi đầy những chông nhọn. Anh ta lắng nghe chuyện thiên sứ do Allah phái đến để lấy đi sinh mạng của các người sẽ mang theo cuốn sổ ghi tên tất cả các người và một số tên các người sẽ bị khoanh tròn bằng mực đen. Chỉ có Allah mới biết chính xác giây phút của cái chết: Khi giờ phút đó tới, một chiếc lá sẽ rơi từ cội cây bên dưới ngai vàng của Người và bất cứ ai bắt được chiếc lá này có thể biết được Thần chết đã đến lấy mạng ai. Vì tất cả lý do đó, nhà tiểu họa đã vẽ tôi như một hữu thể khủng khiếp, nhưng cũng thâm trầm, giống như một người hiểu mọi chuyện. Lão già điên đó tiếp tục đọc: Khi Thiên sứ của Thần chết, người hiện ra trong lốt người phàm, giơ bàn tay ra bắt lấy linh hồn của một kẻ đã hết thời hạn ở trần gian, một thứ ánh sáng bao trùm giống như ánh sáng mặt trời sẽ tỏa khắp, và vì thế chàng tiểu họa thông minh vẽ tôi tắm mình trong ánh sáng,vì anh ta cũng biết ánh sáng này sẽ là vô hình đối với những kẻ đang vây quanh người chết. Ông già sôi nổi này đọc trong Kitab Al-Ruh về những tên trộm mộ cổ từng tận mắt thấy, thay vì những xác người bị đâm thủng bằng chông nhọn, chỉ có những ngọn lửa và đầu lâu đầy chì nấu chảy. Vì thế, nhà minh họa diệu kỳ này, sau khi lắng nghe chăm chú những mô tả như thế, đã vẽ tôi theo một cách sẽ làm khiếp sợ bất cứ ai nhìn vào tôi.


Sau này anh ta hối tiếc về những gì mình đã làm. Không phải vì sự khủng khiếp mà anh ta đã đưa vào bức tranh, mà bởi vì anh ta dám làm một bức họa như thế. Về phần tôi, tôi cảm thấy mình giống như một người bị cha đẻ ra mình nhìn với sự phiền não và hối tiếc. Tại sao một nhà tiểu họa với đôi tay tài hoa lại hối tiếc vì đã minh họa tôi?

1. Bởi vì tôi, bức tranh Thần chết, không được vẽ với tất cả tài năng. Như các người có thể thấy, tôi không hoàn hảo như những gì do các bậc thầy Venice vĩ đại hoặc những bậc thầy Herat vẽ. Tôi cũng bối rối trước vẻ thảm hại của tôi. Bậc thầy vĩ đại này đã không vẽ được tôi theo một phong cách phù hợp với phẩm giá của Thần chết.

2. Bị lão già lừa gạt một cách khôn khéo, nhà minh họa bậc thầy vừa vẽ ra tôi này đã phát hiện rằng mình đã vô tình và bất ngờ bắt chước phương pháp và luật phối cảnh của những họa sĩ Tây vực bậc thầy. Linh hồn anh ta xáo động vì anh ta cảm thấy mình bất kính và lần đầu tiên, anh ta cảm thấy hổ thẹn với những bậc thầy xưa.

3. Anh ta hẳn đã hiểu ra rằng như một số kẻ đần độn vốn phát mệt vì tôi và cười cợt lúc này cũng đã hiểu ra: Cái chết không phải là chuyện đùa.

Nhà tiểu họa bậc thầy đã tạo ra tôi hiện lang thang bất tận trên đường phố mỗi đêm trong những cơn hối tiếc; giống như những bậc thầy Trung Hoa nào đó, anh ta tin mình đã trở thành những gì anh ta đã vẽ.

— —— —— —— ——-

1 Kitab al-Ruh:Sách về linh hồn.

2 Kitab al-Qiyamah: Sách tận thế


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.