Bạn đang đọc Tay súng cuối cùng: Chương 16
Một sáng thứ Bảy tinh sương, Scott Wingo đẩy chiếc xe lăn của mình lên đoạn dốc thoai thoải và mở khóa cửa tòa nhà bốn tầng bằng gạch xây từ thế kỷ mười chín mà ông vẫn sử dụng làm văn phòng luật. Vợ chồng ông đã ly dị từ lâu, con cái đều đã trưởng thành. Wingo có một văn phòng luật bào chữa hình sự khá thành công ở Richmond, thành phố nơi ông đã sống kể từ khi sinh ra và lớn lên đến nay. Thứ bảy là khoảng thời gian ông có thể đến văn phòng mà không bị quấy rầy bởi những hồi chuông điện thoại chói tai, tiếng gõ bàn phím lách cách, những cộng sự cáu bẳn và những khách hàng khó tính. Ông đã phải chịu đựng những trò vui đó cả tuần rồi. Ông vào trong tòa nhà, tự pha ình một ấm cà phê, pha thêm một chút whiskey ngô Gentleman Jim ưa thích rồi lăn xe vào phòng làm việc.
Văn phòng Tư vấn luật Scott Wingo và Cộng Sự đã hoạt động ở Richmond được gần ba mươi năm. Trong suốt thời gian đó Wingo phát triển từ chỗ chỉ là một luật sư đơn độc làm việc trong văn phòng bé tẹo như cái kho chứa đồ, nhận bào chữa cho bất kỳ ai có đủ được số tiền mặt để trả công cho ông, thành người đứng đầu một hãng luật có sáu cộng sự, một thám tử tư chuyên điều tra sau sự vụ, và một đội ngũ nhân viên giúp việc gồm tám người. Với tư cách là cổ đông duy nhất của hãng, mỗi năm thu nhập của Wingo lên đến bảy con số trong những năm phát đạt, tệ nhất cũng ở mức giữa sáu con số. Những thân chủ của ông bao giờ cũng là dân lắm tiền nhiều của. Đã có thời gian, ông nhất định từ chối bào chữa cho những người dính án ma túy, nhưng quả thật là chính những người này mới lại có nhiều tiền nhất và Wingo đã quá chán cảnh phải nhìn những đồng đô la béo bở đó rơi vào tay những luật sư kém xa ông. Wingo tự thuyết phục mình rằng, bất kỳ ai, cho dù đã làm những việc đáng ghê tởm đến đâu chăng nữa, cũng xứng đáng có được một luật sư bào chữa năng lực nhất.
Wingo đã dày dạn những kỹ năng và kinh nghiệm của một luật sư bào chữa trước tòa, và sự xuất hiện của ông trước bồi thẩm đoàn cũng không hề mảy may suy xuyển chút nào sau khi ông phải gắn mình vào chiếc xe lăn cách đây hai năm vì bệnh đái tháo đường và suy gan, suy thận. Thậm chí ông cảm thấy chính tình trạng sức khỏe hiện nay còn giúp ông có thêm sức nặng và ảnh hưởng khi xuất hiện trước bồi thẩm đoàn. Không biết bao nhiêu luật sư trong bang cũng phải ghen tỵ với những thành công của Wingo. Nhưng ông cũng là đối tượng bị căm ghét vì nhiều người coi ông chỉ là công cụ để bọn tội phạm giàu sụ thoát khỏi những bản án thích đáng mà lẽ ra chúng đã phải lãnh nhận cho những tội ác khủng khiếp của mình.
Tất nhiên là Wingo không nghĩ vậy, nhưng cũng đã từ lâu ông không tìm cách tranh luận về chủ đề này nữa vì đó là một trong những chủ đề hiếm hoi mà ông cho rằng không đáng mất công tranh luận ệt sức.
Ông sống trong ngôi nhà lộng lẫy ở Windsor Farms, một khu vực giàu có và sang trọng dành cho giới thượng lưu ở Richmond, đi lại bằng một chiếc Jaguar dòng sedan được thửa riêng cho phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình; thực hiện những chuyến đi nghỉ và làm việc xa xỉ ở nước ngoài bất kỳ lúc nào ông muốn; đối xử tốt với các con; hào phóng và tử tế với người vợ đã ly dị vẫn sống trong ngôi nhà trước kia của họ. Nhưng phần lớn thời gian là ông làm việc. Dù mới năm mươi chín tuổi, nhưng có thể nói Wingo đã sống lâu hơn tất cả những gì người ta dự đoán từ trước đến nay về tuổi thọ của ông. Những lời dự đoán này bắt nguồn từ tình trạng bệnh tật của ông, hoặc xuất phát từ những mối đe đoạ của những thân chủ hậm hực hoặc những người phía bên nguyên cảm thấy bản án quá bất công chủ yếu là do Wingo đã làm điều mà lâu nay ông vẫn làm tốt nhất: đó là tạo ra được mối nghi ngờ cho các thành viên đoàn bồi thẩm về lời kết tội đối với bị đơn mà ông bào chữa. Nhưng lúc này thì tự ông biết là thời gian dành cho ông đang hết dần. Ông có thể nhận thấy điều đó qua những bộ phận rệu rã trong cơ thể, cảm giác kiệt sức đến rã rời, quả tim dường như từ chối nhiệm vụ lưu thông máu. Ông hình dung ra cảnh mình sẽ làm việc cho đến tận lúc chết. Nếu được như thế thì cũng không phải là cách ra đi quá tệ.
Wingo nhấp một ngụm cà phê pha whiskey và nhấc điện thoại. Ông có sở thích là làm việc qua điện thoại, kể cả là những dịp cuối tuần, nhất là khi ông cần gọi lại cho những người mà ông không muốn nói chuyện.
Hiếm khi những người này có mặt ở văn phòng vào sáng thứ bảy, nên ông chỉ việc để lại cho họ một lời nhắn, rằng ông rất lấy làm tiếc khi không gặp họ. Ông gọi liền mười cuộc như vậy và cảm thấy sảng khoái hơn rất nhiều. Miệng ông mỗi lúc một khô, có lẽ là vì phải nói nhiều quá. Ông nhấp thêm một ngụm cà phê nữa, rồi quay sang bản hồ sơ biện hộ của một vụ án mà ông đang thụ lý. Nếu hồ sơ biện hộ này được công nhận, ông sẽ phủ nhận được những bằng chứng liên quan đến vụ việc được xem là băng nhóm trộm cắp có tổ chức này. Hầu hết người ta đều không biết rằng các vụ kiện đã ngã ngũ từ trước khi phiên tòa diễn ra. Trong vụ này, nếu bản biện hộ được công nhận sẽ không có phiên tòa nào hết vì bên công tố sẽ không còn cơ sở nào để truy tố thân chủ của ông.
Sau vài giờ làm việc và thêm một số cuộc điện thoại khác, ông tháo kính ra và ngồi dụi dụi mắt. Căn bệnh đái tháo đường khốn kiếp đang tàn phá tất cả những bộ phận trên cơ thể ông, và mới tuần trước ông được biết rằng ông còn bị bệnh tăng nhãn áp. Có lẽ Chúa đang đòi ông về, vì những công việc mà ông đã làm trên trái đất này.
Ông có cảm giác như vừa nghe thấy tiếng cửa mở ở đâu đó và nghĩ rằng có thể đó là một trong những cộng sự được trả lương cao quá mức của ông vừa lang thang đến văn phòng làm thêm một chút cuối tuần cho đỡ áy náy. Những anh chàng trẻ tuổi thời buổi này, quan điểm về đạo đức nghề nghiệp của họ hoàn toàn khác so với thế hệ của Wingo, mặc dù họ kiếm được hàng đống tiền. Trong suốt mười lăm năm đầu tiên khi khởi nghiệp phòng luật này, có cuối tuần nào ông dám nghỉ lấy dù chỉ một ngày? Bọn trẻ ranh ngày nay cứ làm quá sáu giờ một chút là lại kêu rầm lên. Mẹ kiếp, ông đến chết mất với đôi mắt đau nhức. Ông uống nốt cốc cà phê, nhưng cơn khát quay trở lại ngay lập tức và còn tồi tệ hơn. Ông kéo ngăn bàn, lấy ra chai nước để sẵn ở đó và tu ừng ực. Giờ thì đầu ông cũng giật giật, đau buốt. Lại còn cái lưng mỏi nhừ nữa chứ. Ông đặt một ngón tay lên cổ tay và nhẩm đếm. Chà, mẹ kiếp, mạch của ông cũng đập loạn lên rồi; nhưng thực ra có ngày nào mà không thế. Ông đã tiêm một liều insulin rồi và phải đến tối mới cần tiêm thêm liều thứ hai; mặc dù vậy, ông vẫn băn khoăn không biết có cần tiêm sớm thêm một chút không. Có lẽ lượng đường trong máu ông đang tụt thảm hại. Lâu nay lúc nào ông cũng phải điều chỉnh lượng insulin, vì ông không thể nào biết dùng liều lượng thế nào cho đủ. Bác sĩ đã bắt ông phải bỏ rượu, nhưng đừng hòng có chuyện đó, Wingo biết chắc. Đối với ông, whiskey là một nhu cầu không thể thiếu chứ không phải là một thói xa xỉ.
Lần này thì ông tin chắc là có tiếng mở cửa. “Xin chào,” ông gọi với ra ngoài. “Mày đấy à, Missy?” Missy, ông nghĩ, Missy là tên con chó khốn kiếp của ông, đã chết mười năm nay rồi. Vậy cái tiếng động quái quỷ đó ở đâu ra nhỉ? Ông cố gắng tập trung vào hồ sơ trước mặt, nhưng mắt ông như mờ đi, nhòe nhoẹt, và cơ thể ông bắt đầu có những hành động thật lố bịch khiến Wingo chợt cảm thấy sợ hãi. Mẹ kiếp, có khi ông bị nhồi máu cơ tim cũng nên, mặc dù ông không hề cảm thấy cơn đau nào trong ngực, không thấy cảm giác giật giật âm ỉ bên vai và cánh tay trái.
Ông ngước nhìn đồng hồ nhưng không thể xác định được là mấy giờ nữa. Được rồi, ông phải làm gì đó thôi. “Xin chào ông lại gọi với ra. “Cứu tôi với, tôi ở trong này.” Ông nghĩ ông vừa nghe thấy tiếng bước chân ai đó chạy lại, nhưng rồi chẳng nhìn thấy ai cả. Được rồi, mẹ kiếp, ông nghĩ. “Bọn chó đẻ,” ông gào lên. Ông nhấc ống nghe và cố đưa ngón tay nhấn phím số chín và nhấn phím số một hai lần. Ông chờ đợi, nhưng không có ai nghe máy. Mẹ kiếp, tôi đã phải đóng thuế, để rồi quay số 911 mà không ai nghe máy là sao. “Cứu tôi với,” ông thều thào vào máy. Và rồi ông nhận ra là đường dây không hề có tín hiệu nào. Ông dập máy và nhấc lại ống nghe lên. Vẫn không có tín hiệu. Mẹ kiếp, chó chết thật. Ông ném thẳng ống nghe xuống lăn lóc trên sàn nhà. Wingo chụp tay lên cổ áo, mỗi lúc ông lại thấy khó thở hơn. Đã mấy lần ông định kiếm một chiếc điện thoại di động, nhưng rồi lại chẳng bao giờ thực hiện. “Có ai ở ngoài đó không, mẹ kiếp?” Giờ thì ông có thể nghe thấy tiếng bước chân. Hơi thở của ông mỗi lúc một khó khăn, như thể có gì đó chẹn mất thực quản. Mồ hôi túa ra đầm đìa, ông cố rướn lên nhìn ra ngưỡng cửa. Qua ánh mắt lờ mờ ông nhìn thấy cửa đang mở ra. Người đó bước vào.
“Mẹ?” Mẹ kiếp, chắc chắn đó là mẹ ông, nhưng mà đến tháng mười một này bà ấy chết được hai mươi năm rồi cơ mà. “Mẹ ơi, cứu con với, con không thở được.”
Tất nhiên là chẳng có ma nào hết. Wingo đã bắt đầu mê sảng.
Giờ thì ông phải trườn xuống sàn nhà, ông không thể nào ngồi thẳng trên ghế được nữa. Ông bò trên sàn nhà, đến chỗ mẹ, hơi thở khò khè, hổn hển. “Mẹ,” ông khàn khàn nói với hình bóng mà ông nhìn thấy trước mặt. “Mẹ phải cứu con với, con chết mất.” Ông đến bên bà để rồi bà vụt biến mất trước mặt ông, thế đấy, đúng lúc ông cần bà nhất. Wingo gục đầu xuống sàn nhà và từ từ nhắm mắt lại.
“Có ai ngoài đó không? Cứu tôi với,” ông hắt ra lần cuối cùng.