Đọc truyện Tay Bắn Tỉa Ở Sarajevo – Chương 30: Ngắm bắn di động
Sau khi xe bọc thép bị nổ, lính đánh thuê Croatia bao vây chiếc xe để lập phòng tuyến. Baleramović xuống khỏi chiếc xe chỉ huy, vừa chỉ đạo quân lính dọn dẹp thương binh vừa điều phối lính củng cố phòng tuyến. Ông ta từng là tướng lĩnh trải qua Thế chiến II, đứng trên chiến trường vẫn có khí thế và uy nghiêm nhất định. Ông ta chỉ đạo tuần tự, đám lính đánh thuê Croatia củng cố phòng tuyến rất nhanh.
Nhưng lúc này ống ngắm của Linne cũng đã tìm thấy ông ta, trong ống kính, thượng tướng còn đang cho thương binh lên xe để rời đi, ông ta di chuyển rất nhanh giữa những chiếc xe khiến Linne không dễ dàng ngắm bắn. Tốc độ gió ban đêm ngày càng lớn hơn, ống ngắm vẫn chưa bắt được Baleramović.
Ngắm bắn mục tiêu di động đúng là thử thách khó khăn nhất với một lính bắn tỉa, nòng súng của họ cần phải điều chỉnh liên tục căn cứ vào mục tiêu, mà thiết lập của đầu ruồi cũng không cố định. Đầu và tay chân là phương án lựa chọn tối ưu nhất nhưng lại không áp dụng được với mục tiêu di động. Bởi vì khi người di chuyển, tay chân là bộ phận thay đổi vị trí nhiều nhất, cho nên đạn rất khó bắn trúng. Còn đầu, tuy là bộ phận chí mạng, nhưng trên chiến trường binh sĩ thường đề cao cảnh giác hoặc quá căng thẳng dẫn đến bị quấy nhiễu bởi nhiều yếu tố nhỏ, họ dễ dàng quay đầu, nghiêng mặt, bởi vậy cũng rất khó ngắm bắn.
Linne quyết định thay đổi cách ngắm bắn, nếu không thể chắc chắn một phát ăn ngay, vậy thì cậu cần phải khoanh vùng mục tiêu, từng bước dụ Baleramović đi vào tầm bắn của cậu, cho cậu một điểm ngắm bắn chuẩn xác nhất.
Linne quan sát xung quanh, bắn liền hai phát giết chết hai gã lính đánh thuê đứng bên phải đang chỉ huy phòng tuyến. Phòng tuyến chỉ còn lại một lính trinh sát đang bối rối, hắn ta vừa phải gọi nhân viên cứu hộ cáng thương binh đi, vừa phải lo liệu với Cầy Vằn, phân thân không đủ dùng. Baleramović theo ra, phối hợp với một đội khác để tiếp viện cho phòng tuyến, nhưng tốc độ tổn thất quân lính nhanh hơn rất nhiều, xung quanh không thể chi viện nhiều quân lính hơn được.
Thượng tướng đành phải tự thế chỗ lính bị thương, ngồi cố thủ phòng tuyến. Lính trinh sát bên cạnh bị thương bởi lựu đạn nổ, hô toáng lên: “Mẹ kiếp!” Hắn ta không lạc quan mấy về tình hình chiến đấu: “Ông không nói với bọn tôi rằng chúng còn một đội hậu phương! Hỏa lực quá mạnh!”
“Tôi cũng đâu biết!” Thượng tướng rống vào mặt hắn ta: “Đáng lẽ chúng phải đi cứu trực thăng rơi rồi chứ!”
Lính trinh sát càng muốn chửi: “Đm chính chúng ta mới phải đi cứu trực thăng rơi!”
Baleramović không còn tâm trạng nghĩ đến đám trực thăng rơi, ông ta còn định nói gì đó, đột nhiên một viên đạn từ phía sau bay tới, lính trinh sát vừa rồi còn chửi ầm lên, giờ đã bổ nhào ra phía trước, sau gáy vẽ ra một sợi dây đỏ lên không trung, máu tưới ướt lưng bộ quân phục, cả thân thể ngã vào bao cát. Thượng tướng sững sờ, tay cầm súng hơi run lên, vô thức ghìm súng hướng về phía đạn bắn.
Phía sau là sân bay trống trải, Cầy Vằn thì ở phía trước, viên đạn không nên bay từ phía sau tới. Viên đạn ấy đánh vào lòng lo sợ của thượng tướng Quân đội Nhân dân Nam Tư, ông ta biết điều ấy có nghĩa là lính bắn tỉa đã ở phía sau.
Thật không may là khẩu PM-84 trên tay ông ta lúc này không có ống ngắm, có nghĩa là ông ta không thể nhìn thấy mục tiêu ngoài 300 mét. Ông ta dữ tợn chửi thề một tiếng, giống như muốn quẳng đi nỗi sợ hãi, nhưng cảm giác bị người ta kề dao vào cổ trong bóng tối thật sự không dễ chịu chút nào.
Baleramović hô lên bảo quân lính đem ống ngắm đến, nhưng xung quanh không còn ai, phòng tuyến này chỉ còn một mình ông ta. Ông ta vô thức liếm môi, muốn giảm bớt cảm giác khô cổ, đầu lưỡi lập tức nếm được vị tanh đắng của hỗn hợp thuốc súng và máu, môi ông ta như miếng thịt bò để một tuần, lưu huỳnh mang theo vị chua tan ra trên đầu lưỡi, một mùi vị buồn nôn và khó tiêu hóa hơn bất kỳ viên thuốc nào ông ta từng nếm.
Đây là mùi vị của chiến tranh, chiến tranh luôn là một thứ khiến người ta khó có thể tiêu hóa.
Baleramović nhắm mắt lại, một cảm giác bình tĩnh kỳ lạ bao trùm toàn thân, ông ta cảm nhận được “thời khắc tỉnh ngộ” của nhân loại trước lúc lâm chung — Cảm giác của một người sắp chết, tại khoảnh khắc ấy, Baleramović ý thức rõ ràng được vận số của mình đã hết, sinh mệnh đã tới điểm cuối cùng, vì vậy nỗi sợ hãi bỗng dưng bị nuốt chửng, chỉ còn lại sự im lặng lạnh lẽo và tê liệt.
Ông ta đứng im phải đến gần nửa phút, khi Baleramović mở to mắt ra, Linne vừa lúc bóp cò súng. Khoảng cách giữa họ đủ để viên đạn bay 1 giây, đầu đạn cắm vào cổ họng Baleramović, đục một lỗ máu phía trên xương quai xanh không tới 5cm.
Baleramović vẫn còn giơ súng, giữ nguyên tư thế ngắm bắn, ông ta gắng sức há miệng nhưng không một âm thanh nào phát ra, cổ họng hoàn toàn bị viên đạn kim loại bắn nát, nếu xé mở ra thì có thể nhìn thấy các sợi gân, mỡ, thịt và xương gãy hỗn loạn quấn vào nhau, cả vùng xương cổ bị dập nát, ông ta có thể nghe thấy tiếng “răng rắc” vọng ra từ xương cổ, như có một con chuột đang gặm nhấm từ trong ra ngoài.
Âm thanh này khiến thượng tướng nhớ tới lúc còn nhỏ, khi ấy vẫn còn là những năm đói khổ, ông ta sinh ra tại một nông trường hẻo lánh ở Serbia, nơi đó có rất nhiều chuột, những con chuột gầy nhom da bọc xương mang bộ lông xù dơ dáy, mắt đỏ quạch trợn lên. Baleramović hồi nhỏ cũng gầy và nhỏ bé, cũng rã rời và kiệt sức như y lũ chuột ấy. Mẹ thường chửi mấy con chuột trộm đồ ăn, cắn phá hết lương thực dự trữ cho mùa đông, bà dùng mọi cách để giết lũ chuột, nhưng lũ động vật sống dai ấy chưa bao giờ để bà yên tâm.
Có một ngày, bà quá mệt mỏi nên đã ngất trên nông trường, lũ chuột rốt cuộc cũng có cơ hội trả thù bà. Đó là mùa đông, mùa đông trên bán đảo Balkan luôn vô cùng khắc nghiệt, lúc Baleramović và huynh trưởng tìm được mẹ mình trên đất, mặt bà đã bị lũ chuột cắn mất một nửa. Baleramović nghĩ, cũng không thể trách lũ chuột ấy, chúng chỉ đói mà thôi, chúng chỉ muốn sống sót.
Tiếng pháo kích và tiếng súng như ngừng lại, ông ta trợn mắt ngã ra đất, lũ chuột gặm nhấm cổ và mặt ông ta, nhưng lúc này Baleramović đã mất đi đau đớn, chỉ còn lại cảm giác thoải mái từ đáy lòng.
– — Mẹ, mẹ nhìn xem, tất cả vẫn không thay đổi.
Ông ta buồn bã nghĩ.
Linne đang xác nhận Baleramović tử vong qua ống ngắm, thu súng lại rồi liên lạc với Reto: “Ông ta chết rồi.”
Reto đang đánh trả lần cuối với đám lính vũ trang người Serb ở cửa: “Nghe rõ.” Hắn không tắt máy truyền tin ngay: “Em ổn chứ?”
Thực ra Linne cũng đã kiệt sức, cậu bị thương nặng, nói chuyện cũng yếu ớt hơn nhiều: “Anh sẽ đưa em về nhà, phải không?”
Một giọng nói ấm áp hơi thở gia đình thì thầm vào tai cậu: “Phải. Chúng ta cùng về nhà.”
Reto tắt máy truyền tin, vẻ mặt vẫn còn lưu luyến. Valter ở bên cạnh hắn cười toe toét, cậu chàng có thể đọc được chữ “kết thúc rồi” từ vẻ mặt thượng tá, cuộc chiến này sắp kết thúc rồi.
Chàng lính cận vụ rốt cuộc cũng lấy lại sức sống, vết thương của cậu càng đã được quân y xử lý, tuy tai vẫn nghe không rõ lắm nhưng quân y nói không đáng lo, có thể khôi phục thính giác. Lúc này Valter rất có lòng tin, quyết tâm phải trụ vững đến cùng.
“Tôi đi trợ giúp cho ông Martin, xem họ cần gì không.” Cậu chàng mang đạn và trang bị còn thừa ra bên ngoài.
Đội xe Hummer của tộc Serb vẫn ở trước tòa nhà, nhưng đám dân binh ấy đã bị đánh tan tác, đạn dược của đội tiên phong gần như dùng hết, nhóm lính già lại dám lơi lỏng, liên tục nổ súng. Valter chạy đi chạy lại vận chuyển đạn dược, cáng thương binh và trợ giúp nhân viên cứu hộ, cậu chàng bận bịu không ngơi tay, tới chỗ nào cũng có thể nhìn thấy Valter.
Thực tế thì họ không tiếp tục kéo dài bao lâu, hơn nữa càng về sau thì mọi chuyện càng dễ dàng — Sức công phá của Linh Dương giải quyết giúp họ rất nhiều vấn đề, máy bay liên tục xả đạn vào địa bàn địch chiếm lĩnh, quét sạch đám lính vũ trang tư nhân với tốc độ rất nhanh, giống như đổ một trận mưa gột rửa tất cả những vết bẩn.
Linh Miêu kêu gọi đầu hàng trên không: “Sánchez Baleramović đã chết, buông vũ khí đầu hàng sẽ được tha. Sánchez Baleramović đã chết, buông vũ khí đầu hàng sẽ được tha…”
Đến 8 giờ rưỡi, lính hậu phương đã áp giải dân binh và lính đánh thuê đầu hàng tới trước cửa tòa nhà.
Valter phụ trách kiểm kê nhân số rồi báo cho Reto: “Tổng cộng có 57 người Croat và 21 người Serb đầu hàng, thượng tá. Để chúng chạy theo xe đi, ưu tiên thương binh của chúng ta lên xe, không thì tôi sợ không đủ chỗ.”
“Chúng ta còn bao nhiêu người? Để Cầy Vằn phủ trách áp giải lính đầu hàng.” Reto gọi đội lính đặc chủng.
“Không tới 50 người.” Lính cần vụ lắc đầu thở dài, nhìn một thương binh bị nổ mất một chân đang được khiêng trên cáng: “Mẹ kiếp đúng là chết dở, tôi không dám nghĩ về việc anh ta về nhà gặp mẹ mình như thế nào.”
Bình thường thì Reto không thích người xung quanh nói tục, nhưng bây giờ hắn cũng chỉ có thể gật đầu đồng tình.
Thương vong của Cầy Vằn cũng không lạc quan, Valter và vài ông lính già đi hỗ trợ áp giải tù binh. Trước tiên phải lục soát hết vũ khí rồi trói chặt tay chúng lại, sau đó nối dây thừng buộc vào sau mấy chiếc Hummer phòng ngừa tù binh chạy trốn. Tin vui là nhân số tù binh lần này rất khả quan, tù binh càng nhiều, quyền chủ động của Reto trên bàn đàm phán với Serbia càng lớn.
Cậu lính cần vụ nhỏ vội vàng lục soát tù binh, đó là một gã dân binh Serbia, bàn tay bị chặt đứt hai ngón, máu chảy đầy lòng bàn tay đến mức ướt sũng. Valter soát được một khẩu súng máy, hai khẩu súng lục và một băng đạn, đang định kiểm tra giày thì gã người Serb bỗng đứng phắt dậy bổ nhào về hướng Valter, hô to: “Chết đi!”
Valter còn chưa kịp phản ứng thì đã bị đẩy ngã ngửa ra đất, cậu chàng thấy ông lính già bên cạnh đã thay thế vị trí của mình, bị gã người Serb kia dùng dao găm đâm vào cổ. Valter nằm trên đất, nâng súng lên bắn gã tù binh kia bảy phát liên tục, cho đến khi băng đạn hết sạch.
Xung quanh đã ngừng chiến, cho nên mấy tiếng súng này vô cùng rõ ràng. Tù binh kia bị bắn rung cả người, hai mắt đã chết mở to nhìn Valter vô cùng thù địch. Valter quăng súng, nhào lên chỗ ông lính già—
“Không, không, không…” Cậu chàng ôm ông già và gọi: “Quân y! Quân y! Có người bị thương! Nơi này cần cấp cứu!”
Quân y tới xem xét, dao găm cắm rất sâu vào cổ, rạch ra một đường rách dài sâu hoắm, động mạch chắc chắn đã vỡ, máu bắn thẳng ra ngoài. Valter ôm lấy đầu ông lính già thì bị máu bắn đầy mặt, cậu chàng suýt nữa nôn ra, quân y tiếp nhận ông lính già từ tay cậu chàng, bảo cậu chặn miệng vết thương lại—
“Chặn lại! Đè chặt xuống! Mạnh nữa—-“
Valter sợ tới mức hai tay cứng đờ, cậu chàng cảm thấy mình đang vặn gãy cổ ông lính già. Đây chính là ông già đã nhắc cậu đừng đứng gần tường, đào cậu từ đống đổ nát do RPG bắn. Sau khi lính hậu phương rời đi, ông già và Valter vẫn kiên trì phòng thủ cho tới khi Linne đến. Lần đầu Valter cùng Linne chấp hành nhiệm vụ cũng đã mượn khẩu súng của ông ấy.
“Khụ…khụ khụ,” Ông già vươn tay muốn ôm lấy cậu lính cần vụ, ông hô hấp khó khăn, dường như không khí không thể đi vào cơ thể được nữa.
Valter nâng cổ ông bằng hai tay: “Ông sẽ ổn thôi, hứa với cháu, ông nhất định sẽ ổn. Cháu thực sự…” Valter muốn cho mình một phát tát: “Cháu quá ngu ngốc! Nếu cháu lục soát giày của gã trước…” Cậu chàng lục soát vũ khí của tù binh thực ra đã làm theo trình tự, ai cũng không ngờ gã giấy dao găm trong giày.
Ông già bất tỉnh ngay sau đó.
Valter run rẩy, cầu xin quân y: “Cứu lấy ông ấy, cứu lấy ông ấy! Nhất định có cách cứu ông ấy mà…”
Quân y cũng dính máu đầy mặt, anh ta nâng chân ông già lên để ông giữ được hơi thở, nhưng rõ ràng là không có tác dụng: “Động mạch và khí quản đều vỡ rồi, bây giờ máu lên não không đủ nên mới ngất đi. Tôi không chắc mạch máu đã hỏng chưa nhưng ông ấy không còn thở được bao lâu nữa đâu.” Thương binh rất nhiều, thuốc cầm máu đã dùng hết, thậm chí băng gạc cũng không còn, vẻ mặt quân y đầy tuyệt vọng.
Tay Valter đã không đỡ nổi cổ của ông già nữa, chất lỏng sền sệt chảy qua kẽ tay, quần và ống tay áo đầy thấm máu, cậu chàng có thể cảm nhận được sinh mệnh của ông già cũng dần chảy xuống qua kẽ tay mình. Tới lúc quân y tìm được chút băng gạc còn sót lại, mạch trên cổ ông già đã ngừng đập.
Valter khóc thảm thiết. Cả quá trình cũng chỉ có hai đến ba phút, mọi chuyện xảy ra quá nhanh khiến người ta không kịp trở tay. Quân y còn muốn làm hồi sức tim phổi, Valter không cho, ôm chặt ông già vào lòng hô to: “Đừng động vào ông ấy!”
Quân y muốn lấy thi thể khỏi tay cậu và cho vào túi, Valter chống cự dữ dội, không ai tách cậu lính cần vụ ra khỏi thi thể ông già được. Cuối cùng quân y đành gọi Reto ra mặt. Reto đỡ Linne đang bị thương, đẩy đám đông ra thì nhìn thấy Valter đang khóc lóc vô cùng đau khổ.
Linne ngồi xổm xuống vỗ vai Valter: “Tôi rất tiếc, Valter.”
Nước mắt Valter chảy ròng ròng, giọng nói cũng run rẩy: “Nếu tôi không vô dụng đến thế… Đều là lỗi của tôi…”
“Không có nếu gì cả.” Linne ngắt lời, dứt khoát nâng mặt cậu chàng lên, ép phải nhìn thẳng vào mình: “Nhìn tôi, Valter. Đây là việc ngoài ý muốn, không ai ngờ được tù binh sẽ đánh lén, không ai biết được gã giấu dao găm trong giày. Cậu chỉ làm nhiệm vụ của mình, lục soát, thu vũ khí, cậu đã làm điều cậu nên làm…”
“Tôi lẽ ra phải làm nhiều hơn! Lẽ ra tôi…lẽ ra…” Valter nức nở.
“Cậu nghĩ cậu là ai?” Linne nghiêm khắc đến mức lạnh lùng: “Cậu không phải là đội trưởng, cũng không phải chỉ huy, cậu không có nghĩa vụ và năng lực để chịu trách nhiệm cho người khác. Người phải chịu trách nhiệm là thượng tá của các cậu, chưa tới lượt cậu lên tiếng!”
Valter nghe thế thì ngây ra, quên mất phải phản bác lại như thế nào.
Linne vỗ vai cậu chàng, chân thành nói: “Cậu nghĩ sai rồi, Valter. Vì sao lại chết? Vì sao lại là ông ấy? Vì sao không phải mình? Vì này vì nọ… Tin tôi đi, chẳng ai trên thế giới có thể trả lời được. Cũng chẳng có đáp án thực sự, trước nay chưa bao giờ có.” Cậu nhìn người lính già trong tay Valter: “Ông ấy dẫn dắt cậu đến bây giờ, việc cậu phải làm tiếp theo là mang ý chí của ông ấy để tiến lên.”