Đọc truyện Tắt đèn kể chuyện ma (Tập 1) – Chương 33- part 2
Nhưng đây chỉ là phương án cải tạo La Phong một cách cực đoan, còn có phương án vẫn lưu giữ được khá nhiều điểm của La Phong cũ, đó là chỉ cần thiết kế thêm một địa ngục vào trong ngọn núi thần quỷ trước đây, nhưng quy mô của địa ngục này lại lớn gấp nhiều lần so với “bốn địa ngục kia”. Những tài liệu ghi chép về phương án này có chương Ngọc cách, quyển Dậu dương tạp trở của Đọan Thành Thức thời Đường.
Chủ quản địa ngục vẫn là người chủ cũ của Cung La Phong: “Viêm Đế chính là Bắc thái đế quân cai quản quỷ thần trong thiên hạ.”
Địa ngục có luật pháp, được gọi là “tam nguyên phẩm thức, minh chân khoa, cửu u chương”. Sổ sinh tử của địa ngục được phân ra làm sổ “đen, xanh, trắng, đỏ”.
Hình phạt có “đường mông sơn thạch, phó thái sơn, đường dạ sơn thạch, hàn hà nguyên, tây tân thúy trí, đông hai phong đao, điện phong (còn gọi là lôi phong), tích dạ hà”[2].
[2] Những đoạn văn được trích dẫn tại đây sử dụng bản có dấu câu của những năm gần đây, có phần hơi khó hiểu. Tôi thấy rằng, nếu ngắt câu như sau sẽ dễ hiểu hơn phần nào: “Đỡ đá núi Mông, Phó Thái sơn, đỡ đá Dạ Sơn, nước Tây Tân chảy ra Đông Hải, Phong Đao, Hiện Phong, tích dạ hà”. Ở đây có thể nhầm một số chữ, nhưng vẫn có thể hiểu được, tức là bắt quỷ phạm tội phải khuân đá ở núi Mông chuyển lên đỉnh Thái Phong, gánh đá ở núi Dạ Sơn để lấp chặt nguồn nước sông, gánh nước ở hồ Tây Tân đổ ra biển Đông, cũng có nghĩa là bắt quỷ phạm tội phải làm những công việc khổ sai vô ích mà lại dày vò thể xác, để từ đó cải tạo tư tưởng của chúng. Còn về Phong đao, có lẽ là chỉ hai vị quan bên trái và bên phải Phong Đao, điện phong có thể là dùng sét trừng phạt, tích dạ hà chúng ta đã bắt gặp ở Tứ cực minh khoa kinh, tức là gánh đất ở Mông Sơn để lấp đầy sông Tích Dạ.
Nơi quản lý địa ngục gồm: “Liên Uyển, Khúc Tuyền, Thái Sát, Cửu U, Vân Dạ, Cửu Đô, Tam Linh, Vạn Lực, Tứ Cực, Cửu Khoa”. Lại nói rằng, “ba mươi sáu địa ngục”, rồi lại có hai mươi tư ngục, với các tên hiệu: Cửu Bình, Nguyên Chính, Nữ Thanh, Hà Bắc,… Con người phạm năm nghìn điều ác sẽ trở thành quỷ ngũ ngục, phạm sáu nghìn điều ác là tù nhân ngục hai mươi tám ngục, phạm hàng vạn điều ác dày xuống ngục Bệ Lệ. Như vậy, người ta nói có ba mươi sáu ngục, hai mươi tư ngục, năm ngục, hai mươi tám ngục, ngục Ty Lệ và các ngục nhỏ trong đó đều không giống nhau.
Dậu dương tạp trở – quyển sách viết về truyện cực kỳ ma quái, kể về những sự việc nhảm nhí, vô căn cứ, còn những quyển sách quý khác cũng thường mắc những sai lầm (Tóm tắt Tứ khố toàn thư). Quyển sách tuy ra đời vào cuối đời Đường, nhưng trong chương Ngọc cách lại ghi lại những điều trong sách Đạo giáo của triều đại trước và những người cùng thời chưa từng biết tới, vì vậy, nó được liệt vào danh sách những “sách quý” còn lưu lại. Có thể suy đoán một cách bảo thủ rằng, những ghi chép của Đoạn Thành Thức về Phong Đô không thể ra đời sau thời Đường. Núi La Phong lúc này tuy vẫn giữ lại sáu thiên cung, Bắc đế thái quân, Tứ minh công, nhưng đã có sự khác biệt về tính chất, trên thực tế chúng tương đương với mười sáu địa ngục (tám địa ngục lửa, tám địa ngục băng) trong kinh Phật, chỉ là chúng đã được đổi tên và đổi cả chủ cai quản. Rõ ràng, núi La Phong đã không còn là núi Nam Phong của các đạo sĩ thời Nam Triều nữa, mà là phiên bản Đạo giáo của “địa ngục Thái Sơn” trong kinh Phật.
Chỉ có điều, “phiên bản Đạo giáo” này không những ăn bớt, mà còn làm mất đi sự thật. Đem so sánh giữa nó và địa ngục trong Phật giáo có ghi thì có thể nhận ra, các đạo sĩ chẳng qua cũng chỉ là gác thêm chiếc chòi bên dưới chiếc giường của người ta mà thôi, tuy đã cố gắng khoác lác về số lượng quỷ quan, cũng như địa ngục nhưng tinh thần không thể so sánh, cạnh tranh được với kinh Phật. Hơn nữa, nói thẳng ra, Phật giáo đã miêu tả cảnh tượng thảm khốc dưới địa ngục đến cực điểm, thực sự không giáo phái nào có thể bổ sung thêm được gì nữa.
Vận mệnh của hai thái cực tại núi La Phong không vững, cũng giống như bậc tiền bối của nó, nó không thể tồn tại lâu dài trên thế gian, quỷ thành Phong Đô không có được mô thức của La Phong, La Phong chỉ được lưu lại trong các quyển “sách quý lưu lại” mà thôi.
Nhưng núi La Phong không hoàn toàn biến mất, đến thời Bắc Tống nó lại xuất hiện lần thứ ba.
Hoàng đế Bắc Tống tôn sùng đạo giáo, từ Tống Chân Tông do “Lai Hòa Thiên Tôn” chuyển thế, đến hoàng đế đạo quân Tống Huy Tông do “Trường Sinh Đại Đế Quân” chuyển thế, tạo thành một giai đoạn đại hoàng kim của các thuật sĩ thần tinh, không thể khiến các tín đồ Đạo giáo nhòm ngó tới Diêm phủ do mười điện Diêm La chiếm cứ. Thế là vào thời Bắc Tống, Phong Đô lại trở thành sân khấu của Diêm phủ. Quyển năm, cuốn Bảo hồ thanh thoại của Văn Bảo thời Bắc Tống có câu chuyện như sau:
Năm Hàm Bình thứ ba, đời vua Tống Chân Tông, Vương Hiển trấn thủ Định Châu. Bỗng một ngày, một đạo sĩ đến tìm gặp, mũ áo rách rưới, tự xưng là “quán chủ Phong Đô”, người đó nở nụ cười đến tận mang tai, tóc tai rối bù như bờm ngựa, đạo sĩ nói với Vương Hiển rằng: “Hôm qua Thượng đế đưa đến chỗ ta hai vạn linh hồn con người, bởi hai vạn người này chết dưới tay đại nhân, vì thế ta chưa dám đưa vào sổ âm phủ, nay đến đây xin hỏi ý kiến đại nhân thế nào. Nếu quả thật ngài muốn giết họ, thì tên tuổi của ngài sẽ nổi danh thiên hạ, nhưng ta sẽ phải lấy đi năm năm tuổi của ngài, xin ngài quyết định.” Vương Hiển cho rằng vị đạo sĩ này là kẻ điên khùng, liền đuổi ông ta đi. Ngày hôm sau, quân Khiết Đan dẫn hàng vạn binh mã tấn công vùng biên giới, Vương Hiển dẫn binh xông chiến, nhưng cuối cùng bị thua thảm hại, hai vạn binh lính tử trận. Tin báo nhanh chóng truyền tới triều đình, triều đình lấy danh nghĩa sứ thần Khu Mật để triệu Vương Hiển về kinh thành nhưng Vương Hiển vừa lên đường không lâu thì chết.
Đây là một âm phủ kì quái, địa điểm là Đạo quán, chủ nhân là đạo sĩ. Thiên đế muốn thu thập linh hồn người dưới hạ giới với số lượng lớn như vậy, sao không tìm Diêm Vương mà lại tới tìm Vương Hiển, sau khi được ông ta chính thức ghi vào sổ Diêm Vương mới là xác nhận cuối cùng cho sự sống chết của hai vạn người. Tuy “sự thực” chứng minh rằng vị đạo sĩ kia không phải kẻ thần kinh, nhưng loại Diêm phủ không xác định hình dạng thế này vẫn khiến người ta phải nghi ngờ. Còn đối với những vị đạo sĩ kia, dù mọi người có tin hay không thì họ vẫn cứ tạo ra những thông tin về Phong Đô. Năm Tuyên Hòa thứ sáu, đời vua Tống Huy Tông, có viên quan tên Lâm Nghị, người Phúc Kiến, sống tại Tô Châu, một hôm bỗng nằm mơ thấy một viên quan mặc áo vàng, tay cầm một quyển văn thư, bên trong liệt kê họ tên của mười người, trong đó có Lâm Nghị, người đó nói: “Chiêu Công đang đợi ngài đến nhận chức sứ giả Phong Đô, xin nhận chiếu.” Việc này được ghi trong Bạc Trạch Biên của Phương Chước thời Nam Tống. Còn trong quyển chín, cuốn Di kiêm binh chí của Hồng Mại lại nói, người đó tên là Lâm Nghệ, được chiêu gọi đảm nhiêm chức “Cung sứ Phong Đô”. Còn nói thêm, Lâm Nghệ là người mộ đạo, ông hiểu rõ việc này như thế nào, bèn nói: “Đó là chức quản lý âm ti, sẽ không đến nếu không phải chức hay ho gì.” Câu chuyện này chẳng khác nào hùa theo những câu chuyện kể về những kẻ bị triệu xuống âm phủ làm Diêm Vương khác, đại để có thể xác định rằng, nếu cung Phong Đô là một Diêm phủ thì người quản lý nó chính là Cung sử Phong Đô. Nhưng cõi âm ti mới này rốt cuộc có cơ cấu như thế nào không ai được biết, hình như nó không có quan hệ gì đến núi La Phong cùng với sáu thiên cung kia. Những câu chuyện này không ảnh hưởng tới đời sống con người, về sau này cũng không thấy chúng xuất hiện nữa.
Dường như các đạo sĩ đã từ bỏ việc thử sức xây dựng núi La Phong trở thành Diêm phủ, mà trọng điểm là dồn vào các tác phẩm văn chương viết về “địa ngục Phong Đô”. Lý Xương Linh thời Nam Tống đã truyền bá cho “Thái thượng cảm ứng thiên”, bàn dến núi La Phong Bắc Đô, đại khái nó dựa trên cơ sở của các đạo sĩ Nam Triều rồi pha trộn thêm các thành phần của thế hệ Diêm La Vương. Như nói rằng, có một hang động ở ven con sông chảy qua núi La Phong tên là m Ảnh Thiên Cung, chu vi ba nghìn sáu trăm dặm với ba trăm sáu mươi ngục. Chủ hang động này là Thái m Thiên Quân, trợ giúp cho Thái m Thiên Quân bao gồm bốn người, đó là tứ đẩu quân cai quản bốn hướng đông, tây, nam, bắc. Trên những ngọn núi ngoài hang động lại có sáu hang động khác, mỗi hang động lại do một đại ma canh giữ, tức âm phủ Lạc Tào, nhiệm vụ chính là trừng phạt những kẻ có tội. Với cách phân loại như vậy, có thể thấy linh cảm của các đạo sĩ ngày một khô kiệt, cùng lắm cũng chỉ là tu sửa, chắp vá, không thể nghĩ ra được những điều mới mẻ khác nữa. Kết cấu vua quỷ của thế hệ La Phong thiếu mất đi sự ủng hộ và khẳng định của tâm lý văn hóa âm phủ đại chúng, nó chỉ là dạng hoạt động âm thầm, cho dù trong các quyển kinh của các đạo sĩ có viết ra hàng trăm lần, thì cũng chỉ như kẻ ngốc nói mơ mà thôi.
Nhưng sự nỗ lực của các tín đồ Đạo giáo không phải hoàn toàn là vô ích. Thực ra, nét đột phá của họ về thế giới âm phủ chính là mượn việc thần Thái Sơn được Tống Chân Tông phong vị Thiên Tề nhân thánh đế, bắt tay với tín ngưỡng dân gian, khiến Thái Sơn Phủ Quân được “cải trang xuất hiện” (nếu nói là mượn xác hoàn hồn thì quả là không hay). Kết quả của cuộc chiến thật huy hoàng, đưa được mười điện Diêm Quân vào chiếc bọc Đông Nhạc, nhưng nói ra thì dài, chỉ có thể nói tới trong phần sau.
3
Núi La Phong dù thay đổi hình dạng nhiều lần nhưng cũng không thể cứu vãn được tình thế đang sụp đổ của mình. Lâu đài Thất Bảo tuy đã sụp đổ nhưng vẫn để lại những vết tích và câu chuyện đáng để chúng ta xem. Một trong những vết tích đó là một cái tên vô thực: “Phong Đô đại đế.”
Ngọc lịch bản sao rõ ràng viết đại đế Phong Đô quản lý mười điện Diêm La của địa ngục, làm sao có thể nói là một cái tên “vô thực” được? Ngôi miếu thần được xây dựng trên núi Sao Ly chẳng phải để thờ cúng Phong Đô đại đế sao?
Câu hỏi khá hay, đương nhiên có thể nói Phong Đô đại đế chính là Bắc Thái Đế Quân của La Phong Sơn, nhưng Phong Đô đại đế ở núi Sao Ly, dưới chân núi Thái Sơn lại là một người bơ vơ, không ai giúp đỡ, xung quanh ông không có thượng tướng, không có thái phó, cũng chẳng có Tứ minh công, quân lính trong cung La Phong không có một ai, như vậy có được tính là Bắc Thái Đế Quân không? Kỳ lạ là, cái ông ta sở hữu lại là mười điện Diêm La và bảy mươi hai ty vụ, chính là toàn bộ các cơ quan thường gặp của hành cung Đông Nhạc. Bên cạnh miếu Phong Đô lại có một ngôi đền khác, thờ Linh Phái tướng quân chủ quản sông Nại và Triệu Tương Công chủ quản Sao Ly, cả hai đều là những vị thần cõi âm trong truyền thuyết dân gian trước thời Nguyên – Minh (Xem Liêu tướng sưu thần quản lý của Nguyên Hình Bản), như vậy càng không liên quan gì tới cung La Phong. Vậy thì, vị Phong Đô đại đế này đã tách rời với thế hệ La Phong, mà hoàn toàn nhập vào thế hệ “Đông Nhạc – Diêm Vương”, nói khách sáo một chút thì đây là sự di dân cô độc, sáp nhập hộ khẩu vào Thái Sơn. Nếu nghiên cứu thực chất vấn đề, vị Phong Đô đại đế này chính là bộ mặt phụ của Đông Nhạc đại đế. Cái huyền diệu trong đó nằm ở những mẹo hiểm của người đời. Triều đình thờ Đông Nhạc đại đế trong miếu Thái Sơn, ở đó tuyệt đối không thể có chút quỷ khí nào. Nhưng việc “Thái Sơn trị quỷ” được lưu truyền từ lâu, lẽ nào nay lại cắt đứt truyền thống đó? Bách tính và những đạo sĩ lang thang không được đặt chân vào miếu Thái Sơn, họ bèn lập ra một vị thần Thái Sơn cai quản ma quỷ khác tại núi Sao Ly. Nếu vị thần đó được gọi là “Đông Nhạc đại đế” thì có lẽ họ muốn tìm ình sự mất tự do. Cũng may, “Bắc Thái Đế Quân” đang nhàn rỗi, nên muốn đưa ngài qua bên Sao Ly, đổi tên thành “Phong Đô đại đế”. Thế là vạn sự đại cát, mãi đến vài trăm năm sau (khoảng thế kỷ XX), trước khi miếu Phong Đô bị chủ nghĩa quân phiệt xóa bỏ dưới hình thức ngăn cấm mê tín rồi đốt rụi, nó vẫn là một nơi yên bình, không ngừng có khách ghé thăm.
Lại nói về Ngọc lịch bản sao, bộ sách pha tạp nhiều loại tôn giáo này lại định coi Phật giáo là quyển “sách thiện” – anh cả. Nó xuất hiện vào khoảng giữa năm Càn Long đời Thanh, trong đó, cơ quan chỉ đạo cao nhất của mười điện Diêm La cũng chính là Phong Đô đại đế, mà Phong Đô đại đế lại đại diện cho Ngọc Hoàng thống lĩnh Diêm phủ. (Ngọc Hoàng đại đế là Thiên đế trong tín ngưỡng của người trần, cho dù có bị khỉ trèo lên cổ phóng uế bừa bãi, triều đình cũng không can thiệp. Còn ông tổ vạn tuế gia “Ngô Thiên Thượng Đế” lại không gặp được.) Trong quyển sách đó cũng không tìm thấy bóng dáng của Đông Nhạc đại đế. Phải biết rằng “Đông Nhạc – Thành Hoàng” cộng thêm mười điện Diêm La, từ đời Thanh đã được tất cả các quan phủ công nhận là một thế hệ âm phủ, miếu núi Thái Sơn tuy không thể xuất hiện ma quỷ, nhưng bao gồm tất cả các miếu Đông Nhạc (hay còn gọi là Đông Nhạc hành cung) trong cả nước cũng không phải tụ điểm xuất hiện ma quỷ. Nhưng tại sao Ngọc lịch bản sao lại đem Đông Nhạc đại đế đổi thành Phong Đô đại đế, bởi nó muốn Đông Nhạc đại đế dẫn mười điện Diêm La xuống gặp Diêm Vương (nghe nói là hóa thân của Quan Thế m Bồ Tát) để quỳ lạy làm đại lễ! Điều này cũng tương tự chứng tỏ Đông Nhạc đại đế tự tìm tới cuộc sống mất tự do, vì thế cũng chỉ có dùng thủ đoạn bịp bợm ngấm ngầm để khiến Đông Nhạc đại đế xuất đầu lộ diện dưới danh nghĩa của Phong Đô đại đế.
Ngoài cơ hội trên, Phong Đô đại đế đã không còn nhiều cơ hội xuất hiện khác. Hãy nhìn xem! Cả nước có nhiều miếu Đông Nhạc đến vậy, tuy đã có toàn bộ các cơ quan chủ đạo của âm ti, nhưng đã có nơi nào từng xuất hiện bóng dáng của Phong Đô đại đế? Chủ nhân thực sự đã xuất hiện, thì kẻ thế thân sẽ không tiện ló mặt nữa.
Vết tích thứ hai là để lại nơi âm phủ một cái tên đã được Trung Quốc hóa, “Phong Đô ngục”.
Xuất hiện bởi nguyên soái Phong Đô lưu truyền trong dân gian triều Nguyên. Gọi là nguyên soái, nhưng địa vị và danh hiệu thực chất của ông không hề ăn khớp với nó, bởi trên thực tế, ông chỉ là một “ngục thần”. Câu chuyện này xuất hiện trong chương Mạnh nguyên soái, quyển năm, cuốn Tuyển tập các vị thần lưu truyền trong tam giáo, nội dung câu chuyện đại khái như sau:
“Ông họ Mạnh, tên Sơn, là một viên quan ngục. Cuối đông, ông thấy nhớ gia đình, người thân của mình. Đồng cảm với hàng trăm tù nhân ở ngục, ông nói với họ rằng: “Ngày hai mươi lăm này ta cho các ngươi về nhà, ngày mồng năm đầu tháng các ngươi phải quay lại ngục.” Đám tù nhân khóc lóc cúi chào tạm biệt. Chủ phủ Tất Công biết tin dùng gậy đánh phạt ông, rồi lệnh cho quân lập tức bắt tất cả tù nhân lại. Mạnh Sơn suy nghĩ rồi nói: “Chết có gì khó, nhưng lệnh đó khó mà rút lại được.” Thấy cây thương trên nền đất, ông lao tới, dùng cây thương để tự sát. Trước kia có con thỏ trắng đã rất nhiều lần bị đâm bởi cây thương này mà vẫn không chết. Bỗng Ngọc Đế hạ chiếu phong Mạnh Sơn làm “nguyên soái Phong Đô”.
“Thả tù” đã xuất hiện nhiều trong lịch sử, bắt đầu từ sau vị Chung Ly Ý thời Đông Hán, mà đại diện nhất là Đường Thái Tông, chỉ dựa vào việc này mà đã được Ngọc Đế phong vị thì thực sự phúc đó sẽ chẳng tới lượt Mạnh tiên sinh. Đây chẳng qua là do người đời muốn viết truyện cho nguyên soái Phong Đô đã xuất hiện từ đây, để sau đó trở thành “người một nhà” mà thôi. Trên dương gian, Mạnh Sơn là quan cai ngục, sau khi lên trời ông cũng được giao chức quản ngục, bởi ông cai ngục Phong Đô, vì thế ông được gọi là nguyên soái Phong Đô.
“Ngục Phong Đô” chính là địa ngục do núi La Phong biến thành, như trên đã nói.
Thời Đường, khu địa ngục của Đạo giáo này đã bị Phật giáo lạm dụng. Trong Những chuyện tương truyền thời Đại Đường có câu chuyện cười như sau: Một người có học rất thích ăn món đầu trâu luộc nước muối. Một ngày nọ, anh ta nằm mơ thấy mình bị bắt xuống địa phủ. “Ngục Phong Đô có đầu trâu bên cạnh”, người này không hề cảm thấy sợ hãi, đưa tay lên vò vò đầu, nói: “Cái đầu trâu này có thể luộc lên ăn!” Đầu trâu là quân tốt dưới địa ngục, là một trong những nhân vật trong địa ngục của Phật giáo, nhưng giờ đây địa ngục này đã được gọi với cái tên “ngục Phong Đô” rồi. Đương nhiên đó là mánh khóe quen thuộc của tín ngưỡng dân gian, nhưng La Phong đã được địa ngục hóa, có lẽ là một cách hiểu của con người lúc bấy giờ. Đến thời Bắc Tống, trong quyển Đàm uyển của Khổng Bình Trọng có cách nói “Phong Đô tạo ngục”, cho đến thời hậu Nam Tống, cách nói “ngục Phong Đô” ngày càng được nhiều người tiếp nhận. Một vị đạo sĩ tên Lâm Linh Chân đã biên soạn một cuốn sách với tên gọi rất hoành tráng Linh bảo lĩnh giáo tế độ kim thư, đưa ngục La Phong liệt vào vị trí đầu của chín đại địa ngục, những địa ngục còn lại là Cửu U, ngục Thành Hoàng, ngục Ngũ Nhạc, ngục Tứ Độc, ngục phủ Tuyền Khúc, ngục Ly Vực.