Đọc truyện Tầng Đầu Địa Ngục – Chương 36
Không phải nghề tôi
Yakanov đi sau Foma Oskolupov lên cầu thang, nhưng khi tới hành lang, y tiến lên đi cạnh Oskolupov. Oskolupov không ưa phải đi cạnh Yakanov vì hắn vừa mập vừa lùn, thân thể hắn chỉ có bề ngang. Dù đội mũ, hắn cũng chỉ cao tới vai Yakanov.
Yakanov có thể chọn lúc này để báo cho Oskolupov biết về chuyện kỹ sư tù nhân Sologdin đã chế ra được mẫu hình giàn máy điện thoại bí mật. Y biết nếu ý nói ra, thái độ bất nhã và hung hăng của Oskolupov sẽ biến đi ngay. Kể từ đêm oan nghiệt cả hai cùng bị Tổng trưởng Abakumov đe dọa, Oskolupov gần như không còn nể nang gì y nữa.
Nhưng Yakanov vẫn chưa nắm được mẫu đồ hình nhưng sự can đảm cùng vẻ mặt, lời nói của Sologdin có một cái gì làm cho y tin chắc rằng Sologdin sẽ chịu chết chứ không chịu cho không sáng chế của mình. Sự tin chắc làm cho Yakanov thấy rằng y phải giữ lời hứa với Sologdin, phải làm theo những điều kiện của Sologdin. Đêm nay, y sẽ báo cáo vụ này với Sevastyanov, làm như vậy là y qua mặt Oskolupov. Oskolupov sẽ giận điên lên, chắc chắn như thế, nhưng rồi hắn cũng sẽ phải dịu ngay. Hắn sẽ xun xoe tìm cách chia phần, không ai dám gây sự với những người thành công. Chỉ cần thành công là xong hết.
Hai nữa, Yakanov đã có dịp thấy rõ Oskolupov lo âu, sợ hãi, cuống quít là chừng nào khi bị Tổng trưởng Abakumov đe dọa. Vì y quyết định để mặc cho Oskolupov sợ hãi thêm ít ngày nữa. Y thấy Sologdin đã nhận xét đúng khi nói rằng Oskolupov là hạng người thể nào cũng đòi ký tên chung với người sáng chế. Chỉ cần Oskolupov biết được rằng Sologdin đã sáng chế ra được mẫu hình giàn máy điện thoại, hắn sẽ lập tức nhốt riêng Sologdin vào một phòng, ngăn trở những người ra vô, sẽ đe dọa Sologdin, sẽ gọi điện thoại đến giục Sologdin cả ngày lẫn đêm để rồi sau cùng, hắn sẽ huênh hoang khoe rằng chính là nhờ sự đốc thúc của hắn mà công tác này thành công.
Tất cả những chuyện đó đều không phải là chuyện lạ với Yakanov – Y buồn nôn mỗi khi nghĩ đến những người thô bỉ như Oskolupov và những nghi kỵ, tranh giành, chèn ép ở trong ngành – nên y lặng yên không tiết lộ gì hết với Oskolupov. Tuy vậy, như để đền bù cho Oskolupov, khi vào văn phòng Viện trưởng, Yakanov làm một việc y chưa bao giờ làm trước mặt thuộc cấp là đứng ra đỡ cho Oskolupov cởi áo khoác ngoài.
Vẫn đội mũ, Oskolupov ngồi vào chỗ của Viện trưởng:
“Tên Gerasimovich làm gì ở đây?”
Yakanov ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh:
“Gerasimovich? Thưa để tôi coi… Hắn tới đây từ Stesnhevka từ tháng Mười. Từ ngày đó, hắn đã làm cái máy Tivi để biếu Đồng chí Stalin làm quà mừng sinh nhật”.
“Gọi hắn đến đây”.
Yakanov ra lệnh bằng điện thoại.
Stresnhevka cũng là một nhà tù đặc biệt giống như Viện Mavrino nằm trong vùng Mạc Tư Khoa. Mới đây, kỹ sư Bobyer, một tù nhân ở đó, đã thành công trong việc sáng chế một bộ phận điện tử gắn vào máy điện thoại tư nhân để nhân viên mật vụ nghe kiểm soát. Nhớ sáng chế này, kỹ sư Bobyer đã được giảm án và trả tự do ngay.
Viên sĩ quan trực mở cửa thò đầu vào:
“Thưa… tù nhân Gerasimovich xin vào”.
Yakanov gật đầu:
“Cho vào”.
Gerasimovich bước vào phòng. Anh vừa đi vừa sửa lại cặp kiếng trắng trên sống mũi, chân anh vướng vào mép thảm trải trên sàn phòng. Đứng trước hai viên chức cao cấp mập bự, hồng hào, Gerasimovich càng có vẻ gầy ốm, xanh xao.
“Các ông cho gọi tôi?”
Gerasimovich vừa đi gần tới gần vừa hỏi, mắt anh nhìn vào khoảng tường ở giữa Oskolupov và Yakanov.
“Ờ… ờ…” – Oskolupov đáp – “Ngồi xuống đây”.
Gerasimovich ngồi xuống. Tấm thân xương xẩu lép kẹp của anh chưa đầy một nửa lòng chiếc ghế.
“Anh… Gerasimovich… Anh là một chuyên viên nhãn quang học? Địa hạt chuyên môn của anh không phải là tai mà là mắt, phải không?”
“Thưa phải”.
Oskolupov tiếp tục hỏi. Hắn lướt đầu lưỡi trên hàm răng y như muốn chùi răng bằng lưỡi:
“Và anh là một người khá, hạnh kiểm tốt. Không ai than phiền gì anh, hả?”
Gerasimovich giữ yên lặng.
Oskolupov nheo một mắt lại để nhìn Gerasimovich:
“Anh có được biết gì về tình trạng của kỹ sư Bobyer, người cùng ở tù với anh trước đây ở Stresnhevka không?”
“Tôi có được nghe nói”.
“Nhờ sự đề bạt và bảo đảm của chúng tôi. Bobyer đã được giảm án và trả tự do ngay. Anh biết chuyện ấy chưa? Anh còn phải ở bao nhiêu năm nữa?”
“Ba năm”.
“Ba năm? Lâu dữ vậy sao?”
Oskolupov làm ra vẻ ngạc nhiên, như chuyện tù nhân còn phải ở vài ba năm nữa là chuyện hiếm có, như hắn chỉ gặp toàn những tù nhân ở tù vài ba tháng. Cách đây không lâu, hắn cũng hỏi thăm một tù nhân về hạn tù, và với mục đích làm tù nhân này đỡ buồn, Oskolupov đã nói: “Ở tù có mười năm? Ăn thua gì, người ta ở tù hai mươi nhăm năm kia…”
Và hắn hỏi tiếp:
“Bây giờ nếu có dịp có thể được ra trước bạn ấy, anh có thích không?”
Trái tim mà Gerasimovich tưởng đã chai cứng trong lồng ngực anh bỗng nhiên rung động. Câu hỏi này của Oskolupov trùng hợp một cách lạ kỳ với lời năn nỉ của Natasha, vợ anh, trong cuộc gặp ngày hôm qua.
Gerasimovich thực hiện sự tự chủ của anh, từ lâu rồi anh đã quyết định sẽ không hòa nhã, không vui vẻ với những kẻ có quyền, vành môi anh chỉ hơi nhếch trong một nụ cười ngạo mạn:
“Làm sao tôi thích cho được? Tôi không thấy có dịp nào để tôi có thể ra khỏi đây trước hạn…”
Oskolupov gật gù cái đầu vuông:
“Ha… Anh sẽ không thể ra sớm được nếu anh chỉ ngồi chế máy Tivi. Tôi dự định đưa anh trở về Stresnhevka trong ít ngày nữa và đặt anh cầm đầu một công tác. Nếu anh hoàn thành được dự án công tác ấy trong sáu tháng, anh có thể về nhà với vợ anh vào cuối mùa thu này”.
“Tôi có thể được biết việc đó là việc gì không?”
“Nhiều việc lắm. Tôi có thể cho anh biết là tất cả những dự án đó đều đích thân do đồng chí Beria đặt ra. Chẳng hạn như có việc chế tạo và đặt những máy nghe ở những hàng ghế công viên. Người ta thường quen nói chuyện tự do, bừa bãi ở ngoài công viên. Nhờ những máy nghe ấy, ta có thể nghe được tất cả mọi chuyện. Nhưng việc chế tạo máy nghe không phải là nghề của anh phải không?
“Dạ phải. Không phải nghề tôi…”
“Hiện có hai dự án công tác này hợp với khả năng của anh. Cả hai dự án đều quan trọng và cấp thiết. Một là việc chế tạo những máy chụp hình có thể chụp được ban đêm mà không cần ánh sáng. Người ta gọi là … cái gì nhỉ? Hồng ngoại tuyến gì đó. Nhờ máy đó, mình có thể chụp hình một người ban đêm, ở trong nhà hoặc ngoài phố, tìm ra kẻ mà người đó liên lạc, gặp gỡ và bắt luôn cả hai. Tên bị chụp hình sẽ không bao giờ có thể biết vì sao những cuộc gặp gỡ ban đêm của hắn lại bị bại lộ. Ở ngoại quốc, người ta đã bắt đầu sáng chế những máy chụp hình hồng ngoại tuyến này nhưng chưa được hoàn hảo. Mình có thể tiến nhanh hơn họ. Điều cần nhớ là những máy chụp hình kiểu này phải đơn giản, dễ sử dụng, những nhân viên điều tra không phải ai cũng là khoa học gia. Đây là việc thứ hai. Tôi tin chắc anh có thể thực hiện nó dễ dàng. Ngành an ninh của ta đang rất cần có những chiếc máy này. Đó là máy chụp hình, cũng là máy chụp hình, nhỏ thôi để có thể gắn ở những cánh cửa mà không ai biết. Mỗi lần cửa mở là một lần máy tự động chụp hình. Như vậy là khỏi cần canh gác phiền phức, chỉ cần gắn cái máy nhỏ đó, ta có thể kiểm soát được hữu hiệu những nhà khả nghi. Bao nhiêu kẻ ra vào nhà đó sẽ bị chụp hình hết. Ta nắm được luôn bằng chứng. Máy này chỉ cần chụp ban ngày. Anh khỏi lo việc chụp hình ban đêm. Chúng tôi đang cần sản xuất thật nhiều loại máy này.
Gerasimovich đã hướng khuôn mặt gầy, khô héo của anh về phía cửa sổ, anh không còn nhìn vào bộ mặt vuông của Oskolupov.
Người tù thấy hiện ra trước mắt bộ mặt nhăn nheo của vợ anh, anh nhìn thấy những giọt nước mắt khô hoen trên gò má tái nhợt. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm dài ý nghĩ sớm được trở về với cuộc sống tự do cuồn cuộn nổi lên trong tim anh.
Việc mà anh cần làm để có thể được trở về là nhận lời đề nghị đến rất đúng lúc này, anh chỉ cần làm như kỹ sư Bobyer đã làm: chế tạo một số máy làm cho một số dân ngu đần, không đề phòng bị bắt vào tù.
Làm thế, anh sẽ được ra khỏi tù nội trong năm nay, vợ anh sẽ còn sống…
Do dự, bối rối, Gerasimovich hỏi:
“Tôi có thể… ở lại đây với việc chế tạo máy Tivi?”
“Anh từ chối ư?”
Oskolupov bất mãn hỏi lại. Mặt hắn cau có. Với bộ mặt hung hãn ấy, hắn dễ biến thành giận dữ hơn là hòa nhã:
“Tại sao?”
Oskolupov gằn giọng hỏi.
Luật tù đày cho Gerasimovich biết rằng anh sẽ bị coi là lố bịch nếu anh tỏ ra thương hại những người dân ngu ngốc, khinh bạc sống lúc nhúc ở bên ngoài, cũng như khi anh từ chối giết một con heo thịt. Bọn dân ngu bên ngoài không biết hưởng tình trạng tự do của họ. Họ tự làm họ mất phẩm giá bằng những trò ganh tị, tranh giành bần tiện.
Natasha là người bạn đời của anh, nàng đã hy sinh cho anh cả tuổi xuân của nàng, nàng đang chờ đợi anh, đang mong đợi anh về với nàng. Nàng sắp chết, nàng đã sắp hết sức sống và khi nàng chết, anh cũng chết theo nàng.
“Lý do của tôi ư? Sao ông lại còn phải hỏi? Tôi không thể làm được việc đó!”
Gerasimovich trả lời thản nhiên, minh bạch.
Yakanov ngạc nhiên, nhìn ngay vào mặt người tù.
Oskolupov cố gắng dịu giọng để thuyết phục:
“Từ lâu rồi anh không được làm những việc quan trọng, nên anh sợ? Phải không? Anh nhút nhát quá đấy. Tôi biết anh thừa sức làm được việc này. Không cần anh nhận lời ngay, về suy nghĩ đi…”
Gerasimovich ngồi yên lặng, hai bàn tay gầy guộc như ôm chặt lấy hai thái dương.
Yakanov xen vào:
“Có gì mà cần anh suy nghĩ? Đó là nghề của anh mà?”
Gerasimovich có thể cứ nhận lời để rồi không làm, theo như lối phản đối tiêu cực của những tù nhân, nhưng anh đứng dậy, anh chiếu cặp mắt sáng rực nhìn khinh bỉ xuống bộ mặt vuông, phì nộn, đỏ au, ngu độn của tên đàn ông ngồi phì phị sau bàn:
“Không. Đó không phải là nghề của tôi…”
Giọng anh vút cao:
“Cho người ta vào tù không phải là nghề của tôi. Tôi không thể giăng bẫy bắt người. Họ bắt chúng tôi vào tù, vào tù đã là một điều bậy rồi…”