Đọc truyện Tầng Đầu Địa Ngục – Chương 35
Hai kỹ sư
Yakanov chưa từng bao giờ nói chuyện nhiều với Sologdin, cũng chưa bao giờ Sologdin được mời tới Phòng Viện trưởng. Đôi khi có việc đến Phòng Đồ hình, Đại tá Kỹ sư Yakanov chưa từng bao giờ để ý đến nhân vật không cò đáng để ý làm việc ở đó là Sologdin. Nhưng giờ đây, sau khi đã nhìn bản danh sách tên họ tù nhân để dưới mặt kiếng trên bàn, Yakanov, như một vị chủ nhân hòa nhã, lịch thiệp hết sức, ngước mắt nhìn người tù vừa bước vào phòng mình và nói lớn bằng một giọng thân mật:
“Dmitri Aleksandrovich… mời ngồi… mời ngồi… Tôi rất vui được tiếp riêng anh hôm nay…”
Hai cánh tay áp chặt hai bên mình, Sologdin đến gần bàn, anh lặng lẽ cúi đầu chào, nhưng sau đó, anh vẫn đứng thẳng, cứng ngắc.
Yakanov vẫn vui vẻ nói:
“Theo tôi được biết… anh đang dự định dành cho chúng tôi một ngạc nhiên lớn. Mới cách đây hai ngày, vào sáng thứ Bảy – đúng không nhỉ? Tôi nhìn thấy mẫu hình giàn máy Âm thính của anh trên bàn Giáo sư Chelnov. Sao anh không ngồi? Tôi có nhìn qua mẫu hình ấy và hôm nay, tôi mời anh tới đây để chúng mình thảo luận vào chi tiết…”
Vẫn không rời mắt nhìn vào mắt Yakanov – cặp mắt đầy những thiện cảm và thông cảm – Sologdin vẫn đứng thẳng và bất động, như một trận bắn lộn bằng súng đã bắt đầu và anh đang chờ địch thủ nổ súng trước. Anh nói rõ ràng:
“Thưa ông Viện trưởng, ông lầm mất rồi. Tôi cũng cố gắng làm việc hết sức tôi để góp công vào việc chế tạo giàn máy điện thoại, xong tôi bất tài, tôi không thành công. Vật mà ông nhìn thấy đó chỉ là một sản phẩm do bộ óc ngu xuẩn của tôi tạo ra, nó không có giá trị gì cả…”
Yakanov ngồi ngả lưng lên thành ghế và phản đối bằng một giọng vừa vui vừa lạc quan:
“Thôi mà bạn, bạn đừng tỏ ra khiêm tốn quá. Mặc dù tôi chỉ mới nhìn qua mẫu hình đó, tôi cũng đủ biết giá trị của nó. Hai nữa, Giáo sư Chelnov, người có thẩm quyền hơn chúng ta nhiều, đã kiểm soát nó và ca tụng nó hết lời. Tôi đã ra lệnh không cho bất cứ ai vào đây làm phiền chúng ta. Anh đi lấy mẫu hình tới đây, chúng ta cùng thảo luận vào chi tiết. Anh có muốn tôi mời cả Giáo sư Chelnov tới giúp chúng ta không?”
Yakanov là một kỹ sư, Sologdin cũng làm một kỹ sư. Giữa hai người chỉ có điều khác là lâu rồi Yakanov không phải làm việc như một kỹ sư trong khi Sologdin đã phải sống trong tù mười hai năm.
Cổ họng Sologdin như nghẹn lại làm anh khó nói:
“Thưa ông Viện trưởng, tôi xin nhắc lại là ông lầm. Mẫu hình của tôi không có gì cho ông phải để ý”.
Yakanov nhíu mày. Y bắt đầu bực tức trước vẻ ngoan cố của kẻ y cố tình lấy cảm tình:
“Được rồi. Để coi. Anh cứ về lấy nó tới đây”.
Trên cầu vai áo nền vàng viền xanh của Yakanov có ba ngôi sao lớn nằm theo hình tam giác. Trên cầu vai áo của Trung úy Kamyahan, người cố tình đánh cho Sologdin phải chết ở trại tập trung Gornaya Zakrytka năm xưa, cũng có ba ngôi sao như thế, chỉ khác là ba ngôi sao của Trung úy Kamyashan nhỏ hơn ba ngôi sao của Đại tá Yakanov.
Giọng nói của Sologdin bắt đầu rung động:
“Mẫu hình ấy không còn nữa. Vì thấy nó không có giá trị gì… nên… tôi đã đốt nó đi rồi…”
Yakanov xanh mặt. Trong cái yên lặng khủng khiếp của căn phòng, tiếng thở của y nổi rõ. Song y cố gắng thở nhỏ hơn.
“Anh nói sao? Tự tay anh đốt?”
“Thưa không. Tôi nộp cho người phụ trách đốt. Tôi theo đúng luật”.
Sologdin nói lí nhí khó nghe. Vẻ tự tin và thản nhiên của anh đã biến mất hoàn toàn.
Yakanov choàng đứng dậy:
“May ra vẫn còn chưa bị đốt…?”
Với vẻ ngoan cố rõ rệt, Sologdin làm Yakanov tiêu tan hy vọng vừa chớm:
“Đã đốt rồi. Tôi nhìn thấy họ đốt…”
Một tay nắm vào thành ghế, một tay nắm chặt cây chặn giấy bằng đá, Yakanov nhô người qua mặt bàn. Y như có vẻ muốn bửa đôi đầu Sologdin bằng cây chặn giấy.
Đầu hơi rụt xuống hai vai, Sologdin đứng như pho tượng bận bộ y phục xanh.
Giữa hai người kỹ sư những câu hỏi thêm và những lời giải thích đều không còn cần thiết. Hai đôi mắt họ chiếu vào nhau những tia sáng điên cuồng.
“Tôi sẽ giết anh…”, đôi mắt ông Đại tá gầm lên.
“Cứ việc làm đi. Cho tôi một hạn tù nữa, đồ khốn…”, ánh mắt người kỹ sư tù nhân trả lời”.
Nhưng không ai to tiếng, họ không cả nói lớn. Bỗng dưng Yakanov buông cây chặn giấy và đưa bàn tay lên che mắt như ánh sáng làm mắt y chói và y lảo đảo đi ra đứng bên cửa sổ.
Sologdin cũng cảm thấy hai chân mềm nhũn làm anh đứng hết nổi, anh vịn tay lên thành ghế.
“Mình chỉ còn sống được có một tháng nữa thôi. Lần này, mình phải chết thật sao?”. Đứng bên cửa sổ, ông Đại tá nghĩ.
“Một hạn tù nữa? Mình phải chết, không thể sống nổi…”. Vịn tay vào thành ghế, người tù nghĩ trong ghê rợn.
Yakanov quay lại. Mắt y nhìn Sologdin với câu hỏi: “Kỹ sư. Anh có thể hủy được sáng chế của anh sao?”
Đôi mắt Sologdin trả lời: “Tôi là tù nhân. Đừng quên tôi là tù nhân”.
Họ nhìn nhau thù hận – người nọ biết rằng vì người kia mà mình phải chết – nhưng họ vẫn không sao có thể rời mắt nhìn nhau.
Hắn sắp la hét, sắp đập bàn, hắn sắp nhấc điện thoại ra lệnh cho mình vào xà lim. Sologdin nghĩ như thế và chờ đợi những việc đó xảy ra.
Nhưng Yakanov rút trong túi ra chiếc khăn tay trắng, sạch đưa lên lau mắt. Rồi một tay vịn vào thành cửa sổ, tay kia y vẫy tù nhân đến gần.
Sologdin bước ba bước tới cửa sổ.
Lưng hơi gù xuống như một ông già, Yakanov hỏi:
“Sologdin, anh từng sống ở Mạc Tư Khoa, phải không?”
Sologdin nhìn vào mặt y:
“Thưa phải”.
“Anh nhìn xuống dưới kia” – Yakanov chỉ tay qua khung cửa sổ – “Anh nhìn thấy trạm xe buýt trên đường kia không?”
Sologdin nhìn và thấy rõ trạm xe buýt.
Yakanov dịu dàng nói:
“Lên xe ở trạm ấy, chỉ mất có nửa giờ là về đến trung tâm Mạc Tư Khoa”.
Bỗng dưng, như người sắp ngã, Yakanov đặt vội cả hai tay lên vai Sologdin. Y nói vội vàng, nồng nàn, như thúc giục, như năn nỉ:
“Sologdin … Anh có thể đàng hoàng bước lên chiếc xe buýt ấy vào một buổi sáng tháng Sáu hay tháng Bảy tới. Anh không thích như vậy sao? Rồi đến tháng Tám, anh có thể được đi nghỉ phép – tới Hắc Hải. Tắm biển, anh có thể tưởng tượng được tắm biển là thế nào không? Đã bao năm rồi anh không được trầm mình dưới làn nước? Tù nhân có bao giờ được tắm ở ngoài trời đâu?”
“Có chứ” – Sologdin phản đối – “Đi chặt củi trong rừng, chúng tôi được tắm suối”.
Vẫn đặt hai tay trên vai Sologdin, y lắc đầu:
“Không phải việc tắm khốn khổ khốn nạn ấy. Tắm biển khác. Nhưng mà thôi, anh không thể hiểu được. Bởi vì anh sẽ kết liễu đời anh ở Bắc cực, nơi những con sông không bao giờ có nước chảy. Này, tôi không thể tin được rằng ở đời này lại có những người không muốn được sống sung sướng. Anh hãy nói cho tôi biết tại sao anh lại đốt mẫu hình đó?”
Trong tròng mắt đen láy của Sologdin, Yakanov nhìn rõ cái đầu tròn của y. Trong tròng mắt ấy là thế giới sâu thẳm của một cá nhân, thế giới không người nào khác có thể vào được.
“Ông nghĩ vì sao tôi lại làm thế?”
Sologdin trả lời bằng một câu hỏi khác. Giữa hàng ria và bộ râu, vành môi ướt của anh rung động như chế giễu.
Yakanov nhấc tay ra, quay lưng lại và bắt đầu bước đi:
“Tôi không thể hiểu được. Làm như vậy là anh tự tử. Làm sao tôi hiểu…”
Và sau lưng y, Yakanov nghe thấy giọng nói vững vàng, trong lanh lảnh cất lên:
“Đồng chí Đại tá… Tôi làm thế là bởi vì tôi là một gã không quan trọng, ở đây không ai biết tôi. Tôi không muốn đánh mất cơ hội tôi có thể được tự do một cách ngu xuẩn…”
Yakanov quay phắt lại.
“Nếu tôi không đốt sáng chế của tôi, nếu tôi đặt nó nguyên vẹn trước mặt ông… thì ông Trưởng phòng tôi, hoặc ông, hoặc Oskolupov, hoặc bất cứ ai… ngay sáng mai sẽ đẩy tôi lên xe bít bùng và ngồi vào bàn ung dung ký tên lên sáng chế của tôi. Chuyện ấy từng xảy ra. Và, ở những nơi tôi được đưa đến, tôi không sao có điều kiện khiếu nại, họ tịch thâu từ mẩu bút chì cùn, tôi không có nổi một mảnh giấy, làm sao tôi làm đơn? Mà có làm được đơn, họ cũng chẳng thèm gửi đi…”
Yakanov nghe Sologdin nói với một cảm giác gần như sung sướng. Y đã thầm có cảm tình với Sologdin ngay từ phút tù nhân này bước vào đây.
“Như vậy có nghĩa là anh bằng lòng tạo lại mẫu hình?”
Người hỏi câu đó không phải là ông Đại tá Viện trưởng mà là một người tuyệt vọng, mệt mỏi, không có chút quyền hành.
“Sẽ làm lại một bản mẫu giống hệt như bản tôi đã nhờ Giáo sư Chelnov kiểm soát… trong ba ngày”.
Đôi mắt Sologdin sáng rực lên:
“Và trong năm tuần lễ nữa, tôi sẽ thực hiện cho ông một mẫu hình đầy đủ chi tiết, một mẫu hình hoàn hảo về kỹ thuật chỉ còn có việc ráp lại là dùng. Được không?”
Yakanov nói như rên rỉ:
“Một tháng. Một tháng. Phải xong nó trước một tháng”.
Sologdin thản nhiên gật đầu:
“Thì một tháng. Tôi sẽ làm xong cho ông trong một tháng”.
Yakanov bỗng trở thành nghi ngờ:
“Sao vừa rồi anh nói với tôi là mẫu hình ấy không giá trị gì?”
Sologdin cười thành tiếng:
“Ha… ha… Đó là cái bệnh riêng của tôi. Tôi có bệnh hay quên. Sống quá lâu trong tù, tôi thiếu sinh tố và dưỡng khí nên lâu lâu tôi quên. Song bây giờ tôi nhớ kỹ lắm rồi. Bây giờ tôi hoàn toàn đồng ý với Giáo sư Chelnov: đó là một sáng chế hoàn hảo về mọi mặt”.
Yakanov cũng mỉm cười. Y ngồi xuống ghế và thở ra một hơi dài như để đuổi hết ưu tư ra khỏi lồng ngực. Y bị hấp dẫn vì thái độ tự chủ của Sologdin, vì cách thức chỉ huy cuộc nói chuyện theo ý mình của người tù hãy còn trẻ này.
“Bạn chơi cái trò hơi liều đấy. Nếu gặp người khác, bạn có thể bị nguy…”
Không cần để ý tới lời trách của Yakanov, Sologdin ngồi xuống ghế và nhìn Yakanov với ý cười trong mắt:
“Bây giờ chúng ta làm gì?” Yakanov hỏi.
Sologdin nói như người đọc trên một tờ giấy:
“Trước hết, tôi không chịu giao thiệp với Oskolupov. Hắn là người thô tục và rất có thể, chuyên môn thích đòi đứng tên chung với người sáng chế. Tôi tin rằng ông không như hắn. Đúng không?”
Yakanov gật đầu. Sologdin nói gì y cũng thấy là đúng.
“Tôi cũng cần nhắc lại và nhấn mạnh để ông biết rằng mẫu hình của tôi đã thực sự bị đốt. Nếu ông thực lòng muốn cho việc tôi làm tiến triển mau lẹ, ông phải tìm cách nói riêng với ông Tổng trưởng Abakumov về tôi. Nếu không thể nói với ông Tổng trưởng được, ông nói với ông Phụ tá Tổng trưởng Sevastyanov. Ông ấy phải đích thân ký một Sự vụ lệnh chỉ định tôi làm Trưởng ban Chế tạo Đặc biệt cho công tác này. Đó sẽ là vật bảo đảm cho tôi và tôi sẽ hăng hái bắt tay vào việc. Tôi cần chữ ký của ông lớn bởi vì tôi cần tuyển chọn chuyên viên và làm việc theo ý tôi, lề lối làm việc của tôi sẽ khác hẳn với lề lối quen được áp dụng ở đây. Nghĩa là… tôi không chấp nhận chuyên viên làm việc đêm, làm thêm cả ngày Chủ nhật. Tôi chống lại việc biến những chuyên viên khoa học thành những hồn ma lờ đờ, ngái ngủ. Chuyên viên khoa học phải đến với công việc của mình với sự say sưa, hào hứng, sung sướng… như khi họ đi đến nơi hẹn ân ái với một người đàn bà đẹp, đa tình…”
Càng nói, Sologdin càng nói dễ dàng, trôi chảy hơn. Giờ đây anh thân mật với Yakanov như hai người từng chơi thân với nhau từ thuở nhỏ:
“Hãy để cho người ta ngủ, cho người ta nghỉ ngơi, cho người ta ăn uống đầy đủ để người ta làm việc. Đừng làm bận trí người ta với những lời vớ vẩn. Ông phải lo cho người ta những chuyện đó. ông cũng phải lo cho người ta cả chuyện ăn uống nữa. Đồng ý?”
Yakanov gật đầu.
“Như vậy là mọi việc đã được giải quyết xong? Tôi chỉ còn chờ đợi có đủ điều kiện là bắt tay vào việc?”
Yakanov lại gật đầu.
Kỹ sư Sologdin bước ra khỏi phòng. Chân anh đi những bước đi nhẹ nhàng, thơ thới nhưng vẫn vững chắc.