Suối Nguồn (The Fountainhead)

Phần 4 - Chương 16b


Bạn đang đọc Suối Nguồn (The Fountainhead): Phần 4 – Chương 16b

Ông cảm thấy một tấm lưới sắt ở dưới bàn chân và một mùi hôi nào đó phả vào mặt – mùi của bụi bặm, của mồ hôi và quần áo bẩn. Nó còn tệ hơn cả mùi của những chuồng súc vật, bởi vì cái mùi này có vẻ bình thường, quen thuộc, như thể sự phân hủy đã được biến thành một thủ tục hàng ngày. Lưới sắt thông khí của đường tàu điện ngầm. Ông nghĩ, đây là phần dư ra của việc nhồi nhiều người vào một chỗ, của những cơ thể ép chặt vào nhau thành một khối, không có chỗ di chuyển, không có không khí để thở. Đây chính là kết quả của phép cộng mùi, mặc dù ở dưới kia, giữa những khối thịt ép chặt vào nhau, người ta vẫn có thể phân biệt mùi của những bộ quần áo mới được gột hồ, mùi của tóc mới gội, mùi của làn da trẻ trung mạnh khỏe. Đấy là bản chất của các phép cộng và của việc đi tìm mẫu số chung nhỏ nhất. Vậy thì cái gì là phần dư của việc gộp các bộ óc lại một chỗ, không có không khí, không có khoảng không, không có sự phân biệt? Tờ Ngọn cờ, ông nghĩ, và tiếp tục bước đi.
Thành phố của ta, ông nghĩ, thành phố mà ta yêu quý, thành phố mà ta nghĩ là ta cai trị.
Ông đã bỏ đi khỏi buổi họp hội đồng quản trị và ông đã nói: “Tiếp quản lấy tờ báo, Alvah, cho đến khi tôi quay lại.” Ông không dừng lại để xem Manning đang kiệt sức bên bàn biên tập tin tài chính, không gặp những người ở phòng đó, những người vẫn đang làm việc, chờ đợi và biết về mục đích của buổi họp; ông cũng không gặp Dominique. Scarret sẽ nói với họ. Ông đã đi ra khỏi tòa nhà, quay về căn hộ của ông và ngồi một mình trong cái phòng ngủ không có cửa sổ. Không có ai đến làm phiền ông.
Khi ông rời nhà thì đó cũng là lúc an toàn hơn: trời đã tối. Ông đi qua một quầy bán báo và nhìn thấy những tờ báo buổi chiều thông báo về việc giải quyết xung đột trong cuộc đình công Wynand. Công đoàn đã chấp nhận đề nghị thỏa hiệp của Scarret. Ông biết rằng Scarret sẽ xử lý được tất cả những việc còn lại. Scarret sẽ viết lại trang đầu của tờ Ngọn cờ số ra ngày mai. Scarret sẽ viết bài xã luận để đăng lên trang đầu. Ông nghĩ những cái máy in đang chạy vào ngay lúc này. Trong một giờ nữa, tờ Ngọn cờ buổi sáng sẽ có mặt trên đường phố.
Ông đi lang thang. Ông không sở hữu cái gì cả, nhưng bất cứ thứ gì trong thành phố này đều sở hữu ông. Cũng hợp lý nếu như bây giờ thành phố dẫn đường cho ông và ông bị từng góc phố ngẫu nhiên cuốn đi. Tôi đây, thưa những ông chủ, tôi đến đây để cúi đầu chào và thừa nhận các ông, tôi sẽ đi đến bất cứ nơi nào các ông muốn. Ta là một kẻ đã muốn có quyền lực.
Kia là một người phụ nữ đang ngồi dưới hiên trần của một ngôi nhà đá nâu cũ kỹ, đầu gối béo trắng của bà ta dạng ra; kia là một người đàn ông đang cố đẩy cái bụng mặc áo thêu kim tuyến của ông ta ra khỏi xe tắc xi đỗ trước một khách sạn lớn; kia là một anh chàng nhỏ thó đang nhấm nháp bia tại quầy tạp hóa; kia là một người đàn bà đang cúi người trên tấm thảm lem luốc ở ngưỡng cửa một căn hộ cho thuê; kia là anh chàng lái tắc xi đỗ trong góc phố; kia là một quý bà tay cầm hoa lan và say xỉn trên bàn một tiệm cà-phê mở trên vỉa hè; kia là một bà già rụng răng đang bán kẹo cao su; kia là một người đàn ông mặc áo sơ mi dài tay đang đứng dựa vào cửa một phòng chơi bi-a – tất cả bọn họ đều là chủ của ta. Là người sở hữu ta, là ông chủ của ta – ông chủ không cần đến một khuôn mặt cụ thể.
Hãy đứng ở đây, ông nghĩ, và đếm những cửa sổ có ánh đèn của thành phố đi. Nhà ngươi không thể làm được việc đó. Nhưng đằng sau mỗi khối hình chữ nhật màu vàng, cái nọ chồng lên cái kia, lên tới tận trời – ở dưới mỗi cái bóng đèn – cho tới tận chỗ kia, đấy cái đốm sáng bên kia sông mà không phải là một ngôi sao ấy – dưới mỗi cái bóng đèn là những người mà nhà ngươi sẽ không bao giờ nhìn thấy nhưng lại là chủ của ngươi. Họ ở bên những bàn ăn tối, trong những phòng khách, trên giường và trong hầm ngầm, trong phòng đọc sách và trong phòng tắm. Họ đang lướt qua trong tàu điện ngầm dưới chân ngươi. Họ đang đi lên trong những thang máy chạy thẳng đứng ở quanh ngươi. Họ đang vụt qua ngươi trong mỗi chiếc xe buýt. Họ là chủ của ngươi, Gail Wynand. Có một cái lưới – dài hơn cả những sợi cáp chạy xuyên qua những bức tường trong thành phố này gộp lại, rộng lớn hơn mạng lưới những đường ống dẫn nước, ga và chất thải – có một cái lưới nữa ẩn xung quanh ngươi; nó được quấn vào ngươi, và những mắt lưới của nó nối tới tay của tất cả mọi người trong thành phố này. Họ đã giật dây và ngươi đã cử động. Ngươi đã là kẻ cai trị con người. Ngươi đã giữ chặt cái dây xích chó đó. Nhưng sợi dây xích chó chính là một sợi thừng mà cả hai đầu đều có thòng lọng.
Những ông chủ của ta – vô danh, bất kỳ. Họ đã đem lại cho ta một ngôi nhà, một văn phòng và một cái thuyền buồm. Để đáp lại họ, để đáp lại bất cứ kẻ nào có yêu cầu, để lấy món tiền đáng giá ba xu, ta đã bán Howard Roark.
Ông đi qua một khoảng sân lát đá cẩm thạch ở ngoài trời; trông nó như một cái hang ăn sâu vào trong một tòa nhà, tràn ngập ánh đèn và phì ra những luồng hơi lạnh từ những máy điều hòa. Đó là một rạp chiếu phim và trên mái của cửa ra vào có dòng chữ bảy màu: Romeo và Juliet. Một tờ áp phích đặt ngay cạnh ô cửa kính bán vé: “Một tác phẩm kinh điển sống mãi với thời gian của Bill Shakespeare! Nhưng không hề sách vở! Chỉ là một câu chuyện tình đơn giản của con người. Một chàng trai từ Bronx gặp một cô gái đến từ Brooklyn. Như bất cứ người nào quanh ta. Giống như bạn và tôi.”[168]

Ông đi qua cửa một quán rượu. Nồng nặc mùi bia để quá ngày. Một phụ nữ đã gục xuống, ngực áp vào mặt bàn. Máy hát đang chơi một bản nhạc của Wagner – Bài ca gửi Sao Mai được chuyển thể cho nhạc swing.
Ông nhìn thấy những cái cây trong Công viên trung tâm. Ông bước đi, mắt hướng xuống. Ông đang đi qua khách sạn Aquitania.
Ông đến một góc phố. Ông đã chạy thoát khỏi nhiều góc phố tương tự, nhưng góc phố này đã túm được ông. Đó là một góc phố tối tăm, một đoạn vỉa hè lọt thỏm vào giữa bức tường của một gara đã đóng cửa và những cái cột của một nhà ga đường sắt trên cao. Ông nhìn thấy đuôi của một chiếc xe tải đang khuất dần phía cuối phố. Ông không nhìn thấy tên của nó, nhưng ông biết đó là xe gì. Có một quầy bán báo ở ngay dưới cầu thang sắt dẫn lên bến tàu điện. Ông chậm rãi đưa mắt. Ở đó có một chồng báo mới, mở toang trước mặt ông. Tờ Ngọn cờ ngày mai.
Ông không lại gần. Ông chỉ đứng và chờ đợi. Ông nghĩ, ta vẫn còn có vài phút để không phải biết.
Ông nhìn thấy những con người không nhân diện dừng lại quầy báo, từng người một. Họ đến mua nhiều loại báo khác nhau, nhưng họ cũng mua tờ Ngọn cờ khi họ nhìn thấy trang đầu của nó. Ông đứng sát vào tường, chờ đợi. Ông nghĩ, cũng hợp lý thôi nếu ta là người cuối cùng được biết về những gì ta đã nói.
Rồi ông không thể trì hoãn được nữa: không có khách hàng nào đến, quầy báo vắng vẻ, những tờ báo trải ra dưới ánh đèn vàng, đợi ông. Ông không nhìn thấy người bán hàng ở dưới cái mái che màu đen đằng sau bóng đèn. Đường phố vắng tanh. Một hành lang dài tạo nên bởi những cột đỡ cho đường tàu bên trên. Sàn hành lang lát đá, những bức đường nhem nhuốc, những cột sắt đứng xen kẽ. Có những cửa sổ sáng đèn, nhưng nhìn chúng như thể không có ai đang đi lại đằng sau những bức tường. Một con tàu chạy rầm rầm trên đầu ông, một chuỗi dài tiếng soang soảng chói tai truyền qua những cột kim loại xuống tới mặt đất. Như thể một khối sắt không có người lái lao đi trong đêm.
Ông đợi đến khi âm thanh tắt hẳn, rồi ông đi về phía quầy báo. “Tờ Ngọn cờ,” ông nói. Ông không nhìn thấy ai là người bán cho ông tờ báo, không biết đó là một người đàn ông hay đàn bà. Ông chỉ thấy một cánh tay sần sùi màu nâu chìa tờ báo ra phía trước.
Ông bắt đầu bỏ đi, nhưng dừng lại giữa lúc băng qua đường. Có một bức ảnh Roark ở mặt báo. Đó là một bức ảnh đẹp. Gương mặt bình thản, gò má góc cạnh, cái miệng rắn rỏi. Ông đọc bài xã luận trong khi tựa người vào một cái cột của đường tàu bên trên.

“Chúng tôi đã luôn nỗ lực một cách dũng cảm và không thiên kiến để đem sự thật đến với bạn đọc…
“… tính độ lượng và cả quy tắc nghi ngờ nhân đạo,[169] ngay cả với một người đang bị cáo buộc một tội ác tày trời…
“… nhưng sau khi cẩn thận điều tra với những chứng cớ mới, chúng tôi thấy mình có trách nhiệm phải thẳng thắn thừa nhận rằng chúng tôi có thể đã quá khoan dung…
“… Một xã hội được giác ngộ với nhận thức mới về trách nhiệm đối với những người kém may mắn…
“… Chúng tôi đồng tình với dư luận chung…
“… Quá khứ, sự nghiệp, tính cách của Howard Road dường như chứng minh cho ấn tượng chung của mọi người rằng anh ta là cá nhân đáng trách, một loại người nguy hiểm, vô nguyên tắc và chống đối xã hội…
“… Nếu bị kết tội – và điều này dường như hiển nhiên – thì Howard Road cần phải chịu khung hình phạt nặng nhất mà luật pháp có thể áp chế.”
Bài xã luận được ký tên “Gail Wynand.”

Khi ông nhìn lên, ông đã đang ở một khu phố thắp đèn sáng trưng, trên một vỉa hè gọn gàng sạch sẽ. Ông đang nhìn vào một tượng sáp được nặn rất tinh xảo, đặt trên nền sa-tanh trong cửa sổ một cửa hàng; hình sáp đó mặc một áo choàng màu cá hồi, đi một đôi xăng-đan trong; ngón tay giơ lên đeo lửng lơ một chuỗi ngọc.
Ông không biết là ông đã buông rơi tờ báo từ khi nào. Nó không còn ở trong tay ông nữa. Ông nhìn ngược lại. Không thể tìm được vì ông cũng không biết là mình đã đi qua những đường phố nào. Ông nghĩ, để làm gì chứ? Còn có những tờ báo khác tương tự như nó. Thành phố này tràn ngập những tờ báo như vậy.
“Ông là sự gặp gỡ không bao giờ có thể lặp lại trong đời tôi…”
Howard, tôi đã viết bài xã luận đó bốn mươi năm trước. Tôi đã viết nó vào cái đêm tôi mười sáu tuổi và đứng trên sân thượng của một khu chung cư.
Ông đi tiếp. Thêm một khu phố hiện ra trước mắt ông, có một đoạn đường dài đột ngột cắt ngang, trống trải và một chuỗi đèn giao thông màu xanh trải dài đến tận chân trời. Như một chuỗi tràng hạt không có điểm kết thúc. Ông nghĩ, nào, hãy đi từ hạt xanh này đến hạt xanh kia. Ông nghĩ: không phải là những từ đó; những những từ đó cứ vang lên theo mỗi bước chân ông: Tôi đã mắc tội – tôi đã mắc tội – tôi đã mắc tội lỗi lớn nhất.[170]
Ông đi qua cửa sổ một cửa hàng bán giày cũ – đi qua cửa một hội truyền giáo với một chữ thập ở trên – qua một cái áp phích quảng cáo cho ứng cử viên một cuộc bầu cử hai năm trước đây – qua một cửa hàng bán rau với những thùng rau thối ở trên vỉa hè. Đường phố thu nhỏ lại, các bức tường tiến lại gần nhau hơn. Ông có thể ngửi được mùi của con sông, và có những quầng sương mù phủ lên những ngọn đèn ít ỏi còn lại trên đường.
Ông đang ở Hells Kitchen.
Hiên của những tòa nhà xung quanh ông trông như những bức tường của một khu vườn bí mật bất ngờ hiện ra: mục ruỗng một cách công khai, mục ruỗng mà không cần giấu giếm cũng chẳng đếm xỉa đến danh dự. Ông nghe thấy những tiếng thét từ một quán rượu ở góc phố; ông không thể khẳng định đó là tiếng thét vui vẻ hay là cãi vã.
Ông đứng ở giữa một con phố. Ông từ từ nhìn xuống miệng của từng kẽ nứt tăm tối, rồi mắt ông lê dần lên những bức tường loang lổ, tới cửa sổ và tới những mái nhà.

Ta chưa bao giờ thoát ra khỏi nơi này.
Ta chưa từng thoát ra. Ta đã đầu hàng người bán hàng rau – đầu hàng những tay phù thủy trên phà – đầu hàng người chủ phòng chơi bi-a. Ngươi không phải là chủ ở đây. Ngươi không phải là chủ ở đây. Ngươi chưa bao giờ là chủ ở bất cứ đâu, Gail Wynand. Ngươi chỉ thêm bản thân ngươi vào danh sách những thứ mà họ là chủ.
Rồi ông ngẩng đầu nhìn bao quát cả thành phố, tới hình khối của những tòa nhà chọc trời. Ông nhìn thấy một chuỗi những ánh đèn lơ lửng trong khoảng không mịt mù, một đỉnh nhọn tỏa sáng mà không neo vào bất cứ cái gì, một hình vuông nhỏ, rực sáng treo lơ lửng trên bầu trời. Ông biết chúng thuộc về những tòa nhà nổi tiếng nào, ông có thể vẽ lại hình dạng của chúng trong không khí. Ông nghĩ, các bạn chính là quan tòa và là nhân chứng của tôi. Các bạn mọc lên hiên ngang, bên trên những mái nhà xập xệ. Các bạn phóng sức mạnh của mình lên những vì sao, vượt ra ngoài sự nhu nhược, mệt mỏi, và sự tình cờ ngẫu nhiên. Những cặp mắt xa một dặm ở ngoài đại dương sẽ chẳng còn nhìn thấy các bạn và các bạn sẽ chẳng còn quan trọng, nhưng các bạn sẽ vẫn là thực tại và là thành phố này. Cũng giống như trong những thế kỷ đã qua, chỉ có vài người duy trì được sự chính trực cô độc và họ khiến chúng ta phải nhìn họ mà nói: có con người tồn tại trước chúng ta. Người ta không thể chạy thoát được các bạn; những đường phố sẽ thay đổi, nhưng người ta sẽ nhìn lên và các bạn đứng ở đó, nguyên vẹn. Các bạn đã nhìn thấy tôi đi bộ qua những khu phố đêm nay. Các bạn đã chứng kiến tất cả những bước chân và những năm tháng của tôi. Tôi đã phản bội lại các bạn. Bởi vì tôi đã được sinh ra là để trở thành một trong số các bạn.
Ông tiếp tục đi. Trời đã khuya. Những quầng sáng nằm lặng im dưới những cây đèn đường trên vỉa hè vắng lặng. Thỉnh thoảng những tiếng còi taxi vang lên như tiếng chuông cửa kêu dọc theo hành lang của một căn nhà bỏ trống. Ông nhìn thấy những tờ báo bị vứt đi, khi ông đi qua: ở trên lòng đường, trên ghế công viên, trong sọt rác bằng lưới ở góc phố. Rất nhiều trong số đó là tờ Ngọn cờ. Đã có rất nhiều tờ Ngọn cờ được bán trong đêm nay. Ông nghĩ, Alvah, chúng ta đang khôi phục lượng phát hành.
Ông dừng lại. Ông nhìn thấy một tờ báo trải rộng trên một vũng nước ở ngay trước mặt; trang đầu của nó lật lên. Đó là tờ Ngọn cờ. Ông nhìn thấy ảnh Roark ở đó. Ông nhìn thấy dấu một gót giày màu xám in trên mặt Roark.
Ông cúi người. Cơ thể ông gập xuống từ từ, với cả hai đầu gối, hai cánh tay, và ông nhặt tờ báo lên. Ông gấp trang đầu lại và nhét nó vào túi áo. Ông đi tiếp.
Một gót giày không quen, ở đâu đó trong thành phố này, với một bàn chân không quen biết mà chính ta đã giải phóng để có thể diễu hành khắp nơi.
Ta đã giải phóng tất cả bọn họ. Ta đã đẻ ra tất cả nnhững kẻ mà giờ đây hủy diệt lại ta. Có một con quái vật trên trái đất, bị giam cầm một cách an toàn bởi chính sự bất lực của nó. Nhưng ta đã cởi xích cho nó. Lẽ ra bọn họ vẫn mãi bất lực. Bọn họ không có khả năng sản xuất ra cái gì cả. Ta đã đưa cho họ vũ khí. Ta đưa cho họ sức lực, năng lượng và sức sống của ta. Ta đã tạo ra một giọng nói vĩ đại và để cho chúng đánh vần những ngôn từ được nói ra. Người đàn bà đã ném lá củ cải đường vào mặt ta – bà ta có quyền làm điều đó. Ta đã khiến cho bà ta có thể làm như vậy.
Bất cứ cái gì cũng có thể bị phản bội, bất cứ ai cũng có thể được tha thứ. Trừ những kẻ thiếu lòng dũng cảm để trở nên vĩ đại khi họ có thể trở nên vĩ đại. Alvah Scarret có thể được tha thứ. Anh ta chẳng có gì để phản bội. Mitchell Layton có thể được tha thứ. Nhưng ta thì không. Vì ta đã không được sinh ra để làm một kẻ sống thứ sinh.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.