Song Nữ Hiệp Hồng Y

Chương 22: Yến sơn song kiệt


Đọc truyện Song Nữ Hiệp Hồng Y – Chương 22: Yến sơn song kiệt

Lúc ấy trên mặt bàn ngoài vài đĩa và bát thức ăn ra lại còn có một đống
châu báu. Thế là mặt bàn nho nhỏ ấy hình như đã để chật hết riêng chỉ có góc bàn bên đại hán mặt có sẹo là còn trống thôi.

Khách thương
béo lùn chần chờ giây lát mới để cái bàn tính lên trên thanh đơn đao của đại hán mặt có sẹo đang để ở trên mặt bàn kêu đánh “coong” một tiếng.

Lão càng hoảng sợ vội nâng cái bàn tính lên, nhưng đã muộn rồi, cái bàn
tính của y đã trót đụng chạm phải thanh đao của đại hán rồi.

Ngờ đâu khi vừa rút cái bàn tính lại, thì thanh đơn đao ở trên bàn đã gãy làm đôi.

Thanh Lam ở bên ngoài khẽ kêu “ồ” một tiếng và bụng bảo dạ rằng:

“Khéo giả bộ thực”.

Lão đại càng kinh hoảng thêm với giọng run run nói tiếp:

– Đại anh hùng biết làm sao được bây giờ, tiểu nhân đã trót va chạm gãy con đao của đại anh hùng rồi. Vậy …

Đại hán mặt có vết sẹo vừa kinh hãi vừa ngơ ngác, sắc mặt nhợt nhạt với giọng run run hỏi lại:

– Thế ra ngươi … ngươi là Thiết Đoán (bàn tính sắt) đấy à?

Lão nhị cũng vén áo cởi một cái túi đựng tiền ra, hai tay bưng cái túi đưa tới trước mặt của đại hán nọ khẽ nói:

– Đây tiểu nhân cũng có cái túi tiền bằng sắt, chẳng hay đại anh hùng có lấy không?

Phen này đến lượt đại hán mặt có sẹo run lẩy bẩy, y to lớn vạm vỡ và đang
vầy vò khôn tả bây giờ bỗng đổi hẳn sắc mặt không dám nhìn đống châu báu ở trên bàn mà hai mắt cứ nhìn thẳng, người đờ như tượng gỗ lẩm bẩm nói:

– Yến Sơn Song Kiệt … Yến Sơn Song Kiệt?

Y vừa nói tới đó đã quì ngay xuống trước mặt hai khách thương béo lùn vái lia lịa và nói tiếp:

– Tiểu nhân có mắt mà không ngươi xúc phạm tới hai vị, tiểu nhân đáng chết thực.

Hai đại hán đứng sau thấy vậy cũng vội tiến lên quì xuống vái lạy theo. Lão đại béo lùn xua tay lia lịa đáp:

– Có gì đâu, có gì đâu, đại anh hùng khách sáo quá, chúng tôi là người
buôn bán mà, người buôn bán cũng có lúc nhận xét lầm, có khi còn bị
thiệt mạng là khác. Hì … hì …

Y vẫn cười hì hì và nói toàn những lời buôn bán.

Đại hán mặt có sẹo càng nghe càng hoảng sợ đến toát mồ hôi lạnh ra, y biết
xưa nay Yến Sơn Song Kiệt vẫn có tiếng là ác độc lắm. Nếu anh em họ lấy
tính mạng của mình còn dễ hơn trở bàn tay, cho nên ba anh em chúng cứ
vái lạy hoài. Lão đại không thèm đếm xỉa tới chúng, chỉ giơ tay ra khẽ
vỗ vào bàn một cái, những hạt châu báu ở trên bàn bỗng bắn tung lên, y
ung dung giơ bàn tay trắng nõn và mũm mĩm ra khẽ vớt một cái cả đống
châu báu ấy đã lọt vào gan bàn tay của y rồi.

Rồi y lại quay đầu lại cười nịnh và hỏi:

– Có thực các người không mua mớ hàng này nữa chứ?

Nói xong, y lại vén vạt áo lên ung dung bỏ mớ châu báu ấy vào túi.

Thanh Lam đứng ở ngoài cửa sổ trông thấy rất rõ, trên mặt bàn đã có nhiều cái lỗ lồi lõm rồi. Chàng kinh ngạc vô cùng, mới hay vừa rồi lão đại đổ
châu báu ra bàn đã biểu diễn một pho võ công tuyệt kỹ rồi mà đại hán nọ
không hay biết gì hết, đủ thấy thủ pháp của lão đại nhanh như thế nào và lại nội công của y cũng cao siêu lắm.

Thanh Lam cứ tưởng mình
như lúc chưa đả thông Huyền Quan, nên coi ai cũng tài ba hơn mình, nhưng có biết đâu hiện giờ chàng đã được liệt vào cao thủ hạng nhất rồi, chỉ
kém có một điều là thiếu kinh nghiệm giang hồ thôi.

Đang lúc ấy chàng lại nghe thấy có tiếng cười hì rất êm tai và tiếng nói kêu như chuông bạc nói:


– Khương đại hiệp đừng có đùa giỡn chúng nữa, tôi còn có việc muốn thương lượng với hai vị đấy.

Thiếu phụ ăn mặc rất lịch sự lên tiếng nói và giọng nói của nàng nghe rất dịu tai, và hình như lời nói của nàng còn có vẻ oai nghiêm là khác.

Thanh Lam ngạc nhiên vô cùng, chàng không ngờ một thiếu phụ trông như con nhà phú quí như thế này lại là người trong giới võ lâm? Hình như lão đại
cũng có vẻ hơi ngạc nhiên, nhưng dù sao y cũng là người giàu kinh nghiệm giang hồ nên mặt y chỉ ngơ ngác một chút là hết liền, y liền cười nịnh
ngay, trong dáng điệu của y đúng là một con buôn mà người ta vẫn thường
thấy ở trong chợ.

Y lườm đại hán mặt có vết sẹo một cái rồi cười ha hả nói tiếp:

– Mời ba vị mau đứng dậy, nể mặt thiếu phu nhân này vụ buôn bán của chúng ta chỉ tới đây thôi.

Hoàng Hà Tam Khấu thóat chết như thừa lệnh thánh chỉ, vội vái thêm mấy lạy
rồi quay lại vái lạy cảm tạ thiếu phụ, xong đâu đấy mới dám lẳng lặng
đứng lên. Vì lão đại chưa bảo chúng bước, nên chúng không dám đi đâu
hết, đứng dậy xong vội lui sang góc tường, rồi buông tay xuống, đứng yên tại đó. Lão đại vẻ mặt hớn hở, làm ra bộ rất đứng đắn, tiến tới gần
chắp tay chào thiếu phụ và hỏi:

– Hiện tại có cao nhân ở đây,
anh em tại hạ thực là có mắt mà không biết có núi Thái Sơn, xin thiếu
phu nhân lượng thứ cho! Tại hạ dám táo gan xin phu nhân cho biết thỉnh
giáo ra sao?

Thiếu phụ không trả lời ngay, chỉ cười khì một
tiếng, vẻ mặt của nàng tuyệt đẹp, trông không khác gì một tiên nữ, khiến Thanh Lam đứng ở bên ngoài thấy thế cũng phải ngẩn người ra. Chàng lại
nghe thấy thiếu phụ cất giọng trong trẻo nói:

– Tương phùng hà
tương thức! Anh em Khương đại hiệp buôn bán phát phúc dù tôi có nói tên
họ ra, chưa chắc hai vị đại hiệp đã biết được tôi là ai?

Nói tới đó, nàng ngừng giây lát, rồi lại cười khì ra nói tiếp:

– Nhưng tôi có một vụ buôn này, muốn thương lượng với hai vị, không biết hai vị nghĩ sao?

Lão đại đưa mắt nhìn lão nhị một cái rồi cả hai cùng nghĩ ngợi mãi mà vẫn
không sao nghĩ ra được thiếu phụ quí phái này là ai cả, và lai lịch ra
sao? Nhưng hai anh em nghĩ đi nghĩ lại cũng không thể nghĩ ra được trong hai giới hắc bạch trên giang hồ có một người nào như thiếu phụ này.
Nhưng thấy thái độ ung dung, cử chỉ lịch sự, ăn nói rất quí phái của
thiếu phụ, lại càng khiến anh em chúng ngơ ngác không hiểu thêm và nghe
giọng nói của nàng ta thì rõ ràng nàng tới đây là muốn kiếm hai anh em
mình, nhưng anh em chúng mình không biết nàng định kiếm chúng làm chi,
có việc gì?

Rút cục, lão đại cũng thông minh hơn, y liền cười tít mắt và đáp:

– Thiếu phu nhân đã coi trọng anh em ta như thế, chẳng hay thiếu phu nhân ta có việc gì, xin cứ cho anh em tại hạ hay?

Thiếu phụ tủm tỉm cười, giơ tay lên vuốt mái tóc và nói tiếp:

– Khương đại hiệp quả thật là nhanh nhẩu, đây chỉ là một vụ buôn bán với nhau thôi, chứ đại hiệp bảo tôi sai bảo thì tôi đâu dám!

Tôi
muốn hỏi hai vị câu này, vật mà hai vị mới lấy được gần đây, chẳng hay
hai vị có chịu nhường lại cho tôi không? Đáng giá bao nhiêu cứ việc nói
đi, vì đây cũng là một vụ buôn bán.

Vì nghe thấy tiếng kêu la ở
trong tửu điếm vọng ra mà Thanh Lam chạy tới, không ngờ lại gặp Hoàng Hà Tam Khấu đang ở đây cướp bóc nên chàng mới định ra tay cứu người. Sau
chàng thấy lão đại của bọn lái buôn ra tay, mới hay khỏi cần phải tới
mình ra tay, họ cũng dư sức đối phó với bọn tam khấu. Lúc này người ta
lại còn đang mua bán mặc cả, không liên can gì tới mình nữa, đáng lẽ
chàng định bỏ đi, nhưng lòng hiếu kỳ thúc đẩy, lại muốn xem kết cục của
họ ra sao.

Lão đại lại kêu mấy tiếng “ớ ớ” rồi gật đầu mấy cái và nói tiếp:


– Thiếu phu nhân sành sỏi thật! Anh em tại hạ chuyên làm nghề buôn châu
báu, đa số vương công đại thần hoặc người giàu có, hễ nhắc đến anh em
tại hạ, Khương lão đại hay Khương lão nhị, cũng đều có tín nhiệm hết, vì hàng của anh em tại hạ không có một vật nào là vật giả cả. Thiếu phu
nhân vừa nói đó chắc là ám chỉ cái vòng ngọc phải không? Không dám dấu
giếm thiếu phu nhân, vòng ấy là vật báu ở trong cung …

Thanh Lam nghe nói giật mình đến thót một cái bụng bảo dạ rằng:

“Đôi vòng ngọc nào? Vật báu ở trong cung? … Chả lẽ họ đang mặc cả với nhau đôi vòng ngọc Long Phụng của người anh họ ta chăng? Vòng của anh ấy đã
bị mất chăng? Thật là tìm đâu cũng không thấy, ngờ đâu lại tìm thấy một
cách dễ dàng như thế!”.

Chàng đang nghĩ thì đột nhiên thiếu phụ nọ lại cười khanh khách, ngắt lời lão Đại với giọng khinh khỉnh nói:

– Thôi, thôi, Khương đại hiệp đừng nói nữa! Tôi không thèm thuồng vật
báu trong cung ấy đâu! Đó là vật thế tục! Hơn nữa, chưa biết chừng thất
chủ đang đứng đợi chờ ở ngoài cửa cũng nên?

Nàng lại đưa mắt liếc ra ngoài cửa sổ, tựa như hữu ý mà lại vô ý, lườm Thanh Lam một cái.

Thanh Lam giật mình kinh hãi, bụng bảo dạ rằng:

“Rõ ràng là nàng muốn nói! Như vậy nàng đã sớm biết ta núp ở ngoài cửa
sổ này rồi. Đúng rồi, khi ta mới tới, nàng đã lườm ta một cái và mỉm
cười. Nàng khôn khéo như vậy, tất phải là một người có một tài ba rất
cao siêu chứ không phải là người tầm thường đâu! Ta lại nhận lầm một
phen nữa”.

Cũng may Yến Sơn Song Kiệt nghe thấy thiếu phụ nói đôi vòng ngọc nọ là vật thế tục, cả hai anh em đều kinh ngạc đến đờ người
ra, nên không chú ý đến những lời nói sau của nàng.

Hai người ngẩn người ra nhìn thiếu phụ kia nhất thời không biết đối phó ra sao.

Trong tửu điếm nhất thời yên lặng như tờ.

Còn Hoàng Hà Tam Khấu lại còn đờ người ra thêm.

Đột nhiên lão đại nhìn thẳng vào mặt thiếu phụ cười hi hí nói:

– Thiếu phu nhân nói như vậy, khiến anh em chúng tôi không biết nói năng ra làm sao cả?

Thiếu phụ vẫn tươi cười đáp:

– Khương lão đại và Khương lão nhị có nghe thấy trên giang hồ có câu tục ngữ này không?

Lão nhị có vẻ chịu nhịn không nổi kêu “hừ” một tiếng rồi lạnh lùng hỏi:

– Nói đi?

Thiếu phụ tủm tỉm cười đáp:

– Trước mặt người thực, không thể nào nói dối được.

Lão đại cười vẻ nhạt nhẽo, hỏi tiếp:

– Thiếu phu nhân nói như thế là nghĩa lý gì?

Thiếu phụ đưa mắt liếc y một cái rồi thủng thẳng đáp:

– Tôi muốn được kiến thức vật mà hai vị lấy được ở ngoài quan ngoại ấy.

Giọng nói của nàng nghe rất êm dịu, nhưng trái lại, Yến Sơn Song Kiệt lại cảm thấy như sét đánh ngang tai. Chúng vừa nghe thấy nàng nói như thế mặt
đã biến sắc. Lão nhị liền rút ngay cái túi tiền sắc ở ngang lưng ra, lão đại tay trái cũng cầm cái bàn tính lên và tay phải thì dùng hai ngón
tay gẩy vào cái bàn tính kêu “tách tách” mấy tiếng rồi ngửng mặt lên

trời cười ha hả. Tiếng cười của y mạnh vô cùng khiến cát bụi trên mái
cũng rớt xuống như mưa.

Thiếu phụ vẫn tình tứ hết sức, lẳng lặng liếc nhìn hai người nhưng không nói năng gì hết.

Lão Đại dứt tiếng cười, rồi đột nhiên nói:

– Khương Nhân, Khương Nghĩa này lên Bắc xuống Nam bấy nhiêu lâu nay đã
gặp gỡ không biết bao nhiêu người tai mắt giang hồ, thiếu phu nhân cứ
giấu giấu diếm diếm, không cho biết rõ lai lịch, chả lẽ anh em tại hạ
không đáng được biết đại danh của thiếu phu nhân hay sao? Phải, chuyến
này anh em tại hạ Ở Quan Đông tới, có mua được một cây nhân sâm nghìn
năm, thiếu phu nhân muốn lấy cũng không khó, huống hồ thắng nổi anh em
tại hạ …

Thiếu phụ xua tay lia lịa vội ngắt lời y khẽ cười và nói:

– Khương đại hiệp, bàn tính sắt và túi sắt tiền của Yến Sơn Song Kiệt đã lừng danh trên giang hồ bao nhiêu lâu nay ai mà chả biết. Bây giờ đại
hiệp nói như vậy chả hóa ra tôi là cường đạo đón đường cướp của thấy tài lợi nổi lòng tham hay sao? Hơn nữa hơi tí giở đao kiếm ra như vậy có
phải là tổn thương hoà khí không? Đại hiệp đừng có quên tôi lúc nào cũng chủ trương công bình giao dịch, đây là sự mua bán cơ mà chứ có phải là
cướp bóc đâu.

Nói xong nàng lại quay đầu dặn bảo thị tì đứng cạnh đó rằng:

– Châu nhi lấy một hạt châu ra đây xem có đáng giá bằng cây sâm ngàn năm của hai vị ấy không?

Tuy Thanh Lam đã nghe thấy người ta nói đến sâm ngàn năm luôn, nhưng thứ
vật báu hãn hữu có thể cải tử hoàn sinh này chàng chưa được trông thấy
bao giờ. Chàng nghe thấy thiếu phụ nói như vậy liền nghĩ thầm:

“Nàng định dùng một hạt châu đổi cây sâm ngàn năm chắc hạt này thể nào cũng quí báu lắm. Là Dạ minh châu hay Tị hỏa châu?”.

Không ngờ Yến Sơn Song Kiệt cũng chung một ý nghĩ như Thanh Lam, hai người
thấy thiếu phụ không chịu cho biết lai lịch và cứ luôn mồm nói là đã
giao dịch với mình một cách công bằng chứ không có tà ý gì cả, dù đối
phương có lòng tham đi chăng nữa, với một thiếu phụ và một nữ tì yếu ớt
như thế thì địch sao nổi bàn tính sắt với cái túi tiền sắt của anh em
mình.

Hai người nghĩ như vậy chỉ ngấm ngầm thôi, chứ không nói năng gì cả.

Thiếu phụ vừa nói xong, nữ tì tên là Châu Nhi vâng lời mở cái hộp sắt chạm
hoa nho nhỏ để ở trên mặt bàn và thò tay vào lấy một hạt châu đựng ở
trong một cái túi bằng gấm, túi ấy đựng ít nhất là nửa đấu châu báu. Lấy hạt châu ra rồi Châu Nhi lại cột chặt miệng túi bỏ vào trong lòng,
không thấy y thị cử động gì cả mà đã lướt tới trước mặt Song Kiệt rồi,
con nhỏ cầm hạt châu to bằng hạt đậu xanh, trắng như sữa bằng hai ngón
tay búp măng giơ lên vừa cười vừa nói:

– Tì nữ thừa lệnh phu nhân đưa hạt châu cho hai vị xem qua, xem có đáng giá bằng cây sâm ngàn năm của hai vị không?

Thanh Lam ở bên ngoài thấy vậy ngẩn người ra nghĩ thầm:

“Hạt châu nhỏ như thế mà cũng đòi đổi lấy sâm ngàn năm của người ta. Chẳng
lẽ hạt châu đó quí giá lắm chăng? Hay là hạt châu này của nàng cũng giá
trị liên thành chăng, cái túi của nữ tì vừa lấy ra bên trong ít nhất
cũng có hai trăm hạt châu. Nếu hạt nào cũng quí giá như vậy thì có lẽ
nàng giàu nhất nước cũng nên”.

Lão đại trông thấy hạt châu ấy quả nhiên mặt biến sắc ngày, rất thận trọng giơ tay ra đỡ lấy mồm thì thất kinh la lớn:

– Băng Phách Châu.

Nói xong, y đưa cho lão nhị xem. Hai người này quả thực là những tay sành
sỏi về nhận thức các vật báu, nên y vừa trông thấy hạt châu đã biết ngay tên là Băng Phách rồi.

Thanh Lam xuất thân ở nhà thế gia nhưng
chưa hề thấy nói hạt châu gì lại tên là Băng Phách như thế. Chàng cảm
thấy phen này là rộng kiến thức rất nhiều.

Lúc ấy Yến Sơn Song
Kiệt cầm hạt châu xem lại hồi lâu, hai người liền gật đầu. Lão đại tươi
tỉnh cười nịnh vái thiếu phụ một cái và trả lời:

– Xin thứ lỗi anh em tại hạ vừa rồi thực là thất kính. Có lẽ thiếu phu nhân là …

Thiếu phụ không đợi chờ y nói dứt đã vội cười và xen lời nói:

– Hai vị quả thực là … người sành điệu, chẳng hay các vị nhận thấy hạt châu này có quí giá bằng cây sâm ngàn năm không?


Lão đại gật đầu lia lịa đáp:

– Đáng lắm, đáng lắm, phu nhân dặn bảo anh em tại hạ không dám trái lời.

Lúc ấy lão nhị đã móc túi lấy ra một cái hộp gỗ hồng hai tay run lẩy bẩy
đưa cho lão đại, lão đại lại trịnh trọng đưa cái hộp ấy cho thiếu phụ
vừa cười vừa nói:

– Xin mời phu nhân qua mắt.

– Khỏi cần phải xem nữa.

Thiếu phụ liền đưa cái hộp đó cho Châu nhi.

Lão đại vừa lui ra phía sau thì Thanh Lam đã thấy mặt của y thay đổi hẳn vừa đưa mắt ra hiệu cho lão nhị cười ha hả và nói:

– Tiểu nhân xin chào phu nhân vạn an, và anh em tiểu nhân cũng xin đi trước một bước.

Vừa nói dứt lời cả hai anh em cùng ra tay ném một lúc như một trận mưa giây thép nhằm thiếu phụ với Châu nhi hai người bắn tới, tiếng kêu veo veo
xen lẫn với tiếng kêu la thảm khốc và tiếng người té ngã hòa hợp thành
một tấm kịch rất bi đát vọng ra.

Tình thế xảy ra một cách quá đột ngột khiến Thanh Lam không ngờ nên chàng cũng phải cả kinh thất sắc.

Đang lúc ấy trong nhà đã có hai cái bóng đen phi ra và có tiếng người nói:

– Khương Nhân, Khương Nghĩa nể mặt cây sâm ngàn năm ta tha chết cho hai người một phen.

Tiếp theo đó lại có tiếng cười kêu như tiếng chuông bạc và theo tiếp hai cái bóng đen ấy càng đi càng xa. Thanh Lam thấy vậy bụng bảo dạ rằng:

“Nàng ta vẫn ở trong nhà chưa bị anh em họ Khương ám hại đấy chứ, còn tiếng
kêu thảm khốc vừa rồi có lẽ là anh em Hoàng Hà Tam Khấu cũng nên”.

Nghĩ tới đó, Thanh Lam đang định nhìn vào trong nhà xem sao, thì chàng sực
nghĩ tới đôi vòng ngọc Long Phụng vẫn còn ở trong người Song Kiệt nên
chàng không còn tâm trí gì mà xem lại tấm thảm kịch ở trong nhà nữa. Thế rồi chàng vội đuổi theo Song Kiệt ngay, muốn đuổi theo cũng đã muộn
rồi, chàng không ngờ Song Kiệt béo hơn hai con lợn sao lại đi nhanh như
thế? Nên chàng vừa bước chân đuổi theo thì hai cái bóng đen ấy đã đi ra
ngoài xa gần trăm trượng rồi và chỉ trong nháy mắt đã mất dạng rồi. Nếu
là trước kia thì chàng không trông thấy rõ hình bóng của họ là khác.
Chàng lo âu vô cùng vội đuổi theo ngay, nhưng chàng đuổi tới cạnh rừng
ngó vào trong rừng chỉ thấy cây cối lưa thưa thôi chứ không thấy hình
bóng của hai người đâu hết, chàng sực nghĩ tới bên cạnh rừng có một con
đường cái quan đi thẳng tới thành Tầm Dương nếu vòng qua rừng mà bước ra lại tới tửu điếm vừa xảy ra việc hồi nãy. Vì vừa rồi chàng đuổi theo
ông già ăn quịt chỉ xuyên qua rừng mà đi thôi, chứ không đi theo đường
cái quan, chàng lại thấy phía bên phải khu rừng này hình như lại còn có
một con đường nhỏ đi thẳng lên trên một ngọn núi nhỏ ở bên phải. Chàng
đoán chắc Song Kiệt nếu không đi theo con đường cũ quay trở về thì thế
nào cũng đi Tầm Dương hoặc lên trên núi nhỏ kia.

Chàng đang phân
vân bỗng nghĩ ra được một kế, chàng vội leo lên một cây cổ thụ nhìn về
phía xa, chàng đoán chắc lên trên đỉnh cây thế nào cũng trông thấy.

Ngờ đâu không thấy một bóng người nào hết, chàng lại nghĩ tiếp:

“Có lẽ họ đi đường nhỏ chạy lên trên núi cũng nên”.

Nghĩ đoạn, chàng liền nhảy xuống tiến thẳng về phía đường nhỏ ấy. Lúc này
Huyền Quan của chàng đã thông công lực khác thường, thân pháp của chàng
nhanh như điện, chỉ thoáng cái đã đi tới chân núi, chàng liền cười khì
và nghĩ tiếp:

“Quả nhiên ta đoán không sai họ đã đi theo con
đường này, nhưng anh em họ không bao giờ rời nhau hết, sao bây giờ mỗi
người đi mỗi ngả như thế này?”.

Nghĩ như vậy chàng lại giở hết tốc lực ra đuổi theo luôn.

Chàng đuổi như vậy được hai ba dặm và thấy càng ngày càng gần, nhưng chàng
nhận thấy người ở trên phía trước mặt không giống anh em Song Kiệt. Tuy
khinh công của người ở trước mặt này cũng cao siêu lắm nhưng còn kém anh em Song Kiệt xa. Thân hình của anh em Song Kiệt vừa béo vừa lùn trông
như một cái đầu thịt vậy, nhưng người đang chạy ở phía trước đây vừa bé
vừa nhỏ, chẳng lẽ mình đuổi theo lầm chăng? Nếu vậy Yến Sơn Song Kiệt
chạy đi đâu rồi. Chàng đang đuổi bỗng thấy người chạy ở phía trước đi
chậm lại và dáng điệu của y có vẻ lén lén lút lút hình như cũng đang
theo dõi một người nào vậy?


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.