Đọc truyện Sống Chung Với Mẹ Chồng – Chương 8: Cú điện thoại lạ
Buổi sáng tỉnh dậy, Hy Lôi đi vệ sinh, thấy mẹ chồng từ phòng ngủ đi ra, chỉ mặc mỗi một cái áo ba lỗ ra ngoài, để hở cả vai, tóc thì rối bời, bố
chồng còn thân thiết gọi:
– Phương Xảo Trân, mặc mỗi cái áo ba lỗ ra ngoài sẽ bị cảm đấy.
Hy Lôi vội vàng cúi đầu bỏ đi. Trong bụng cười thầm, xem ra sau cơn mưa trời lại sáng rồi.
Hy Lôi mặc áo khoác vào rồi ra khỏi nhà. Làn hơi lạnh lẽo buổi đầu xuân mang theo chút hương thơm thoang thoảng, mùa xuân đã tới tự lúc nào,
những bông hoa tử ngọc lan trong tiểu khu đã nở. Hy Lôi ngân nga một bài hát, cất những bước chân nhẹ nhàng ra khỏi nhà.
Mẹ chồng đứng trên cửa sổ nhìn mãi theo cái bóng của Hy Lôi, nói với Hứa Bân lúc này cũng đã dậy:
– Chẳng phải bị mắc bệnh trầm cảm sao, sao mẹ chẳng thấy gì cả nhỉ. Vừa ra khỏi cửa đã vui thế rồi!
Hứa Bân thò đầu ra ngoài nhìn rồi cười:
– Thế thì chứng tỏ bệnh đã khỏi rồi!
Hy Lôi tới cơ quan mới phát hiện điện thoại di động đã biến mất. Cái
điện thoại đó là loại mới ra của Nokia, vừa mua được hai tháng, nếu mất
rồi thì tiếc quá. Lục khắp túi xách, túi áo, ngăn kéo cũng không tìm
thấy. Tiểu Lộc nói:
– Chắc chắn là mất khi đi xe buýt rồi. Bây giờ đi xe buýt nhiều móc túi lắm, cậu thì vô tâm, không mất một lần thì không nhớ đâu.
Hy Lôi thở dài:
– Haiz, mới mua được mấy tháng, nếu mất rồi mua cái mới, chắc chắn mẹ Hứa Bân lại nói tớ cho mà xem.
– Ai dà, không nhận ra là cậu cũng sợ mẹ chồng ra phết. Nhà họ chẳng
phải có điều kiện lắm sao, cậu đi làm thì xa, bảo họ mua cho cậu cái xe, thế thì không phải vất vả chen chúc trên xe buýt, cũng không cho bọn
móc túi cơ hội nữa.
– Nằm mơ đi! – Hy Lôi cười khổ. – Mất điện thoại thì thôi, nhưng trong đó còn lưu rất nhiều số điện thoại quan trọng!
– Đúng rồi, cậu cầm điện thoại của tớ gọi thử xem sao, xem có mở máy không, rồi thương lượng với bọn móc túi, xin lại cái sim.
Hy Lôi gọi điện thoại, lập tức thông luôn, là giọng phụ nữ, đó là tiếng của mẹ chồng:
– Ai thế?
Hy Lôi vui mừng kêu lên:
– Mẹ, điện thoại ở nhà à, con còn tưởng là mất rồi! Ở nhà thì tốt.
Bên kia điện thoại vang lên tiếng trách móc của mẹ chồng:
– Suốt ngày quên trước quên sau. Mẹ phát hiện ra ở dưới gối của con.
Tiểu Lộc đứng cạnh bật cười:
– Cậu đúng là đểnh đoảng.
Sợ toát cả mồ hôi, cũng may điện thoại không mất, mọi lo lắng đều là
thừa. Nhưng nghĩ lại những lời mẹ chồng vừa nói, trong lòng Hy Lôi lại
thấy không vui, bà nói phát hiện ra điện thoại ở dưới gối của Hy Lôi,
điều đó chứng tỏ bà lại vào phòng của cô, không những vào mà còn lật gối cô lên nữa.
Buổi tối khi ăn cơm, Hy Lôi nói chuyện sáng nay quên mang điện thoại mà cứ tưởng là bị mất trộm, mẹ chồng cố ý làm ra vẻ ấp úng rồi thần bí
nói:
– Buổi trưa còn có một người đàn ông gọi điện cho con!
Hứa Bân ngẩng đầu lên, nhìn Hy Lôi bằng ánh mắt nghi ngờ. Hy Lôi ngơ ngác hỏi:
– Không nói là ai hả mẹ? Có thể là độc giả.
– Nói là bạn học của con. Là đàn ông. – Mẹ chồng lại nhắc lại.
Hứa Bân lập tức mở Nhật ký cuộc gọi trong điện thoại di động của Hy Lôi ra xem, mẹ chồng cũng ghé vào chỉ trỏ:
– Chính là cái số này này, mã vùng 021.
Hứa Bân chép miệng nói:
– Ôi trời, là số của Thượng Hải. Ai nhỉ?
– Em cũng không biết. – Mặc dù trên miệng Hy Lôi nói là không biết,
nhưng trong lòng thì đang âm thầm nghĩ lại một hình ảnh mơ hồ trong ký
ức. Nếu cô đoán không nhầm thì chắc là cậu bạn đại học tên Châu Cường
gọi tới. Hai người họ từng là một đôi đẹp đôi nhất trong mắt các bạn đại học, nhưng lại chỉ dừng lại ở mức giữa tình bạn và tình yêu. Châu Cường rụt rè mãi không chịu ngỏ lời, Hy Lôi thì trù trừ cũng không dám chủ
động. Sau khi tốt nghiệp đại học, họ lặng lẽ chia tay nhau, theo đuổi
cuộc sống riêng của mình, Châu Cường thì đi Thượng Hải. Một thời gian
rất dài, hình ảnh Châu Cường hầu như đã biến mất khỏi trái tim Hy Lôi,
nếu nói rằng yêu thầm cũng là một hình thức yêu thì có thể coi Châu
Cường như mối tình đầu của cô.
Cú điện thoại bất ngờ này khiến trái tim Hy Lôi thoáng đập lỗi một nhịp.
Hứa Bân cảnh giác hỏi:
– Ai thế? – Sau đó lại quay sang hỏi mẹ mình. – Anh ta nói gì hả mẹ?
– Nói là tìm Diệp Hy Lôi, mẹ nói là nó không có nhà, thì hỏi mẹ là ai,
mẹ nói là mẹ của Hy Lôi, thế là cậu ta lập tức vui vẻ, chào mẹ bằng cô,
rồi dặn Hy Lôi về thì gọi điện lại cho cậu ta. Cuối cùng mẹ nói, mẹ là
mẹ chồng của Hy Lôi, cậu ta có vẻ không tin, rất kinh ngạc, hỏi Hy Lôi
cưới lúc nào? Sao lại cưới sớm thế? Cuối cùng mẹ cúp điện thoại đi.
Nghe lời kể của mẹ chồng, Hy Lôi hầu như có thể chắc chắn rằng đó chính là Châu Cường.
Còn Hứa Bân thì đã không kìm chế được ngọn lửa ghen tuông trong lòng, cầm điện thoại lên, chỉ vào Hy Lôi hét:
– Ai hả? Rốt cuộc là ai?
– Làm sao mà em biết được là ai?
– Gọi đi, gọi đi!
Bố chồng bình thường vốn luôn là người đứng ra dàn hòa trong mọi
chuyện, giờ cũng chẳng nói năng gì, ăn cơm xong là đi vào thư phòng.
Hy Lôi thấy lòng dạ rối bời, cuối cùng nghĩ lại, dù sao mình với Châu
Cường cũng chẳng có gì, gọi thì gọi. Cô ấn số điện thoại, Hứa Bân và mẹ
chồng chăm chú ngồi cạnh lắng nghe.
Điện thoại đổ chuông. Thực sự là Châu Cường. Vẫn là giọng nói trầm trầm đầy sức hút ấy:
– Hy Lôi, cậu phải không?
– Là tớ, cậu là? – Hy Lôi đã nhận ra, nhưng trước mặt Hứa Bân và mẹ chồng, cô giả vờ như không biết.
– Là tớ đây, Châu Cường, cậu không nghe ra hả?
– Ồ! – Hy Lôi làm như bất ngờ. – Là cậu à? Cậu khỏe không, bạn cũ!
– Tớ khỏe, cậu thì sao?
– Tớ cũng ổn, làm việc ở một tạp chí.
Bên kia im lặng một lát, lại hỏi:
– Cậu kết hôn rồi à? Hôm nay người nhận điện thoại là ai thế? Cậu thực sự kết hôn rồi sao!
Hy Lôi làm ra vẻ thản nhiên:
– Đúng thế, người nhận điện thoại là mẹ chồng tớ!
Bên kia lại im lặng giây lát, nói:
– Chúc cậu hạnh phúc nhé!
– Cảm ơn!
Rồi cúp điện thoại.
Mặt mẹ chồng thoáng qua một nụ cười không dễ phát giác, nụ cười đắc ý như nắm được thóp của một ai đó.
Nội dung cuộc điện thoại bà nghe rõ không sót một chữ nào. Mặc dù không có gì bất thường, nhưng Hứa Bân có thể đoán chắc rằng trước đây Hy Lôi
từng có quan hệ tình cảm với người này. Trên bàn ăn, Hứa Bân cố kìm lại, không hề lên tiếng.
Lúc rửa bát, nghe thấy tiếng mẹ chồng nói nhỏ với con trai ngoài phòng khách:
– Sao con không quản lý nó, vừa nghe là đã thấy có vấn đề, nếu không
thì nghe thấy nó kết hôn rồi, việc gì phải kích động như thế. Con trai
mẹ ngốc quá, trước con, nó yêu ai chưa, có còn là gái trinh không, mẹ
nói cho con biết, con gái xinh đẹp thì thường rất tùy tiện trong chuyện
đó!
Hứa Bân suỵt một tiếng, ra hiệu bảo mẹ nói nhỏ thôi. Hai mẹ con lại thì thào cái gì đó, nhưng vì tiếng bé quá nên nghe không rõ.
2.
Buổi tối, Hứa Bân vào phòng nhưng không hề nổi giận. Hy Lôi đang nằm bò trên giường viết nhật ký. Hứa Bân cầm cái điện thoại để ở đầu giường,
nói:
– Từ ngày mai em đừng dùng điện thoại nữa.
– Sao lại thế?
– Anh sợ em bị người khác cướp mất. Anh sợ thằng nhãi đó lại gọi điện
thoại cho em, nhìn xem, vừa nãy lúc gọi điện thoại, mặt em đỏ bừng cả
lên, giống như một kẻ dâm đãng vậy.
Hy Lôi không nhịn được, nói to, ném quyển sách sang bên:
– Sao anh nói chuyện khó nghe thế! Ai dâm đãng, sao mà anh lưu manh thế!
– Nói đi, nó là ai, mối tình đầu? Người tình cũ? Anh vừa nghe đã biết quan hệ không bình thường.
– Hứa Bân, đừng như thế, cậu ấy thực sự chỉ là bạn đại học của em thôi, chẳng có gì cả.
– Em làm gì để chứng minh là hai người không có gì.
– Em nói không có là không có, phải chứng minh thế nào?
– Thế thì làm theo lời anh, từ ngày hôm nay không dùng di động nữa. Nếu mà không có gì thì chắc là không gọi điện thoại nữa đâu. Nếu mà có gì
thì chắc còn gọi cho em nữa.
Hứa Bân nhét cái điện thoại vào cặp táp của mình, Hy Lôi xuống giường,
giằng điện thoại từ tay Hứa Bân. Hứa Bân gạt tay một cái, Hy Lôi ngã
ngồi xuống giường.
– Có tật giật mình à? Giằng cái gì? Xem ra biện pháp của mẹ anh rất tốt.
Hy Lôi sững sờ đứng im, một lúc lâu sau không nói được gì. Thì ra ban
nãy hai mẹ con họ ở ngoài kia thì thầm với nhau một hồi là để nghĩ làm
thế nào để đối phó với cô.
Hy Lôi ném mạnh cái gối vào người Hứa Bân, hét lên:
– Anh có não không hả?
Cả một đêm yên lặng.
Những giọt nước mắt lạnh lẽo chảy theo gò má rồi chảy tới tận tai. Hy
Lôi nhớ lại cái hình bóng mơ hồ trong ký ức, giây phút đó, trong đầu óc
cô, nó càng trở nên rõ ràng hơn. Châu Cường vẫn cao lớn, rụt rè như thế, thấy con gái là đỏ mặt, mỉm cười xấu hổ. Nhưng biết làm những bài thơ
tình thơ mộng:
Khi không làm thơ.
Tôi đứng dưới cửa sổ của em và hát.
Tôi nghĩ.
Em không thể nào từ chối ánh sáng
Từ cánh cửa sổ phòng em.
Xuân qua thu tới.
Cho dù em không thể đáp trả lại tôi
Nhưng ít nhất
Tôi nghĩ
Mái tóc dài mượt mà của em
Bàn tay dịu dàng của em
Luôn ở trong miệng tôi
Trở thành những lời ca tuyệt mỹ.
Hy Lôi thầm đọc lại bài thơ của Châu Cường từng được đăng trên báo
tường của trường, bài thơ này Hy Lôi vẫn nhớ như in, vì cô đã thuộc nằm
lòng. Nhưng tuổi thanh xuân lãng mạn và rụt rè ấy đã qua đi, không bao
giờ còn quay lại được nữa.
3.
Sáng sớm tỉnh dậy đi làm, Hứa Bân vẫn còn ngủ. Hy Lôi rón rén định lấy
lại di động nhưng vẫn bị Hứa Bân phát hiện ra. Hai người lại giằng nhau
một hồi, cuối cùng sức của đàn ông vẫn khỏe hơn, Hy Lôi không giằng
được, đành phải bỏ qua, giận dữ lao ra khỏi nhà.
Cả ngày cô cứ buồn rầu ủ rũ, ngồi trước máy tính, nhìn một đống bản
thảo, những chữ viết màu đen như những con giun chạy qua chạy lại trước
mắt cô. Ai có thể ngờ rằng bên ngoài cô là một nhân viên công sở năng
động, hiện đại, nhưng ở nhà lại bị chồng và mẹ chồng khống chế, bây giờ
tự do của bản thân cô cũng hầu như đã mất, ngay cả việc dùng di động
cũng trở thành một việc xa xỉ.
Cả ngày Hứa Bân cũng không hề rảnh rỗi, cứ cách vài phút lại xem điện
thoại của Hy Lôi, xem có cuộc điện thoại nào không, nhưng cả ngày nó vẫn im ỉm. Buổi trưa, anh không nhịn được nữa, gọi điện thoại tới văn phòng của Hy Lôi, Tiểu Lộc nhấc máy, cô ngạc nhiên:
– Chồng cậu này, gọi tới máy bàn, sao cậu lại quên mang di động vậy!
Hy Lôi chỉ cười cười rồi lắc đầu, nhấc máy. Cô tưởng là Hứa Bân gọi
điện tới xin lỗi cô, cô nghĩ, nếu Hứa Bân xin lỗi thì cô sẽ tha thứ cho
anh, dù sao thì anh ghen cũng chứng tỏ là anh rất yêu cô.
Nhưng kết quả lại khiến Hy Lôi vô cùng thất vọng, Hứa Bân nói vòng vo một lúc:
– Cái… cái người đàn ông đó hôm nay có gọi điện thoại cho em không?
Vừa nghe thấy anh nói thế, Hy Lôi đã nổi giận đùng đùng, bực mình trả lời:
– Làm sao mà tôi biết được, điện thoại ở chỗ anh còn gì.
Hứa Bân cười he he:
– Ý anh là hắn ta có gọi tới văn phòng tìm em không?
– Anh bệnh à! – Hy Lôi dập mạnh điện thoại khiến các đồng nghiệp trong phòng giật nảy mình.
Hết giờ làm, các đồng nghiệp đã lục tục ra về, Hy Lôi còn chần chừ ở
văn phòng rất lâu, chẳng muốn về nhà. Về tới nhà, nghĩ đến cái không khí bí bách ở nhà là cô đã thấy ngực mình đau nhói. Nhìn thấy sắc mặt vui
buồn bất chợt của mẹ chồng, nghe những lời cằn nhằn của bà là Hy Lôi đã
thấy đau đầu, còn Hứa Bân, trên mặt lúc nào cũng là cái vẻ vô âu vô lo
như thể thiên hạ luôn thái bình, cô cảm thấy mình giống như một thần dân thấp hèn của anh, còn anh thì không bao giờ biết được nỗi khổ của nhân
dân bách tính. Chỉ nghĩ tới những lời lẽ chuyên quyền của anh ngày hôm
qua là Hy Lôi đã chẳng muốn về nhà nữa.
Lang thang trên đường rất lâu, tìm một trạm điện thoại công cộng gọi
điện cho Mai Lạc, định hẹn bạn ra ngoài ăn cơm, nói chuyện, không ngờ
Mai Lạc đang buồn bã:
– Nàng ơi, nàng còn tâm tư dạo phố à, tớ đang buồn chết đây!
– Sao thế? Cậu vừa mới cưới, có gì mà buồn.
– Ôi trời, tớ có thai rồi, làm thế nào đây?
– Sao mà cậu bất cẩn thế, làm thế nào, không thể phá nữa được, không tốt cho sức khỏe.
– Tại gã khốn Tùng Phi, nói gì cũng không chịu dùng cái đó, giờ thì tốt rồi. Công việc thì không có khởi sắc, nhà thì vẫn chưa trả tiền xong,
lại có thêm đứa con thì tớ còn sống sao được nữa.
– Thế làm thế nào?
– Tớ đang về nhà để bàn bạc với anh ấy xem làm thế nào đây!
Một gia đình hạnh phúc thì nhà nào cũng như nhau, nhưng gia đình bất hạnh thì mỗi nhà một kiểu. Câu này thật chí lý.
Hy Lôi còn định gọi điện thoại hẹn những người bạn khác, nhưng phát
hiện ra không có di động, trong đầu cô trống không, chẳng nhớ nổi số
điện thoại của ai. Một mình cô ngơ ngác đi mãi trên phố, cô độc, buồn
bã, lạc lõng, thất vọng, cảm giác bất lực dâng lên trong tim.
Còn lúc này, Hứa Bân ở nhà cũng đã sốt ruột tới mức không ngồi im được
nữa. Hy Lôi rất ít khi về nhà không đúng giờ, cho dù không về nhà thì
cũng sẽ gọi điện thoại thông báo. Còn hôm nay, anh biết là cô giận, cố ý để anh không tìm thấy, mà anh thì lại đang cầm di động của Hy Lôi,
không có di động thì muốn biết cô đi đâu cũng khó. Đã hơn 10 giờ tối
rồi, cuối cùng không nhịn được nữa, anh ấn số điện thoại lưu trong danh
bạ của Hy Lôi, gọi cho Mai Lạc, biết là Hy Lôi không ở cùng với Mai Lạc, Hứa Bân thực sự sốt ruột.
Mẹ anh cũng thể hiện sự bất an, dường như đang an ủi bản thân mình:
– Chắc là không có chuyện gì đâu nhỉ?
Hứa Bân đang rối như bòng bong, hét lên với mẹ:
– Tất cả cũng tại mẹ, mẹ bảo con tịch thu di động của cô ấy, bây giờ thì hay rồi, nổi giận nên bỏ nhà đi rồi!
Mẹ thấy thế lại vội vàng giải thích:
– Thì cũng là muốn tốt cho con! Con đúng là kẻ hồ đồ, nếu không quản lý nó, để mặc nó ở bên ngoài kết bạn thì mất vợ có ngày. Yên tâm đi, lớn
thế rồi không mất được đâu, bướng bỉnh một tí thôi mà. Ở đây nó cũng
chẳng có họ hàng thân thích gì, lại không ở chỗ bạn bè, không có chỗ nào đi rồi sẽ về nhà thôi.
Hứa Bân do dự một lát rồi đứng lên:
– Không được, con phải đi tìm cô ấy.
Đúng lúc này thì điện thoại di động của Hứa Bân đổ chuông, nghe điện thoại xong, mặt Hứa Bân biến sắc.
Mẹ vội vàng hỏi:
– Sao thế? Sao thế?
– Bệnh viện gọi điện đến, Hy Lôi bị tai nạn rồi.
4.
Lúc cả nhà tới bệnh viện thì Hy Lôi vừa mới tỉnh dậy khỏi cơn hôn mê,
nhìn thấy Hứa Bân, cô lại buồn bã quay đầu đi, sự im lặng đó mang theo
cả nỗi thất vọng khiến trái tim Hứa Bân đau nhói.
Bác sĩ nói, khi cô sang đường bị một chiếc xe Audi màu đen đâm trúng,
cũng may chỉ bị xây xước ở cánh tay và đầu gối, sợ quá nên ngất đi chứ
không làm sao cả. Cảnh sát giao thông tìm thấy số điện thoại nhà trong
sổ tay của Hy Lôi. Tai nạn được cho là trách nhiệm của cả hai bên nên
mỗi bên chịu trách nhiệm một nửa.
Mẹ chồng thấy thế lập tức không buông tha:
– Kẻ gây chuyện là ai? Ai đâm vào con dâu tôi, người bị thế này mà chỉ
phải chịu một nửa trách nhiệm là xong à. Cảnh sát các anh làm ăn kiểu gì thế?
Y tá nhắc nhở:
– Nơi này là bệnh viện, bệnh nhân đang nghỉ ngơi, xin giữ yên lặng! – Lúc này mẹ chồng mới chịu yên lặng lại.
Một người đàn ông mặc chiếc áo len màu vàng nhạt bước vào, khoảng 30
tuổi, nói mình là người đâm phải Hy Lôi. Mẹ chồng lập tức bước lên một
bước, lên giọng uy hiếp:
– Anh đâm con dâu tôi thành ra thế này, nói đi, làm thế nào? Người ta
đang đi trên đường mà còn bị xe anh đâm phải, sao lại nói là cùng chịu
trách nhiệm? Nhỡ sau này có di chứng gì thì làm sao?
Chàng trai cũng rất thẳng thắn, sắc mặt thể hiện sự xin lỗi:
– Tại tôi đang bận nên lái hơi nhanh. – Nói rồi anh lấy ra các hóa đơn
xét nghiệm mà mình vừa thanh toán cùng với một xấp tiền, nói, – Đây là
bồi thường của tôi, coi như là tiền điều trị và bồi dưỡng cho cô đây sau này! Nếu có vấn đề gì thì đây là danh thiếp của tôi, có thể gọi điện
tới tìm tôi! – Người đàn ông lại đưa danh thiếp của mình ra.
Hy Lôi lúc này mới quay đầu lại, từ chối:
– Không cần đâu, tôi cũng có trách nhiệm, vả lại tôi cũng chẳng làm sao, chỉ bị chút xây xát thôi.
Hứa Bân xua tay nói:
– Thôi được rồi, người không sao là tốt, anh đi đi.
Bố chồng cũng tỏ vẻ khoan dung:
– Thôi bỏ đi.
Người đàn ông vẫn kiên quyết bắt mọi người phải nhận tiền. Mẹ chồng
nhìn thấy một xấp tiền chắc phải tới 5000 tệ, bèn đưa tay ra nhận:
– Sao lại không cần, người đã bị thương như thế rồi, lại bị sợ hãi,
cũng phải bồi thường tinh thần chứ. Sau này có di chứng gì còn phải tìm
anh nữa đấy!
Người đàn ông thấy bên kia đã nhận tiền thì yên tâm hơn, chuẩn bị bỏ đi, quay sang nói với Hy Lôi:
– Tôi còn chút việc, xin phép đi trước. Nếu có vấn đề gì thì gọi điện thoại cho tôi. Hôm nay tôi thực sự xin lỗi.
Hy Lôi gật đầu, cái kiểu nhỏ mọn và tầm thường của mẹ chồng khi đòi
tiền người ta ban nãy khiến cô thấy mất hết cả thể diện, chỉ hy vọng anh ta mau bỏ đi.
Trong phòng bệnh chỉ còn lại người nhà Hứa Bân.
Hy Lôi đau lòng, vết thương trên cánh tay cũng âm ỉ đau. Cô lại quay
đầu đi, những giọt nước mắt tủi thân trào ra. Nếu không phải vì nghĩ
ngợi quá nhiều, nếu không phải vì tinh thần hoảng hốt thì làm gì đến nỗi bị xe tông!
Bố chồng lên tiếng trước:
– Về nhà thôi! Hy Lôi, có chuyện gì thì về nhà nói.
Hy Lôi nghẹn ngào:
– Bố, bố cứ về đi, mặc kệ con.
Mẹ chồng định nói gì đó, nhưng bị bố chồng đánh mắt ra hiệu nên đành nuốt xuống.
Hứa Bân nói:
– Bố mẹ, bố mẹ về trước đi, tìm thấy Hy Lôi rồi, bố mẹ cũng yên tâm. Bố mẹ về đi, con ở đây với cô ấy.
Bố mẹ chồng đi rồi, phòng bệnh chỉ còn lại Hy Lôi với Hứa Bân.
Hy Lôi vẫn quay đầu sang hướng khác, những giọt nước mắt tủi thân ầng ậng trong mắt.
Hứa Bân ngồi xuống cạnh giường, nhẹ nhàng xoa lên vết thương của Hy Lôi, xót xa hỏi:
– Còn đau không?
Câu hỏi này trong phút chốc chạm vào sợi dây thần kinh bị đè chặt tới
căng cứng của cô, cô bật khóc lớn. Hứa Bân vội vàng ôm lấy cô, rối rít
xin lỗi:
– Là anh không đúng, anh sai rồi, anh không nên nghi ngờ em, em đừng
đau lòng nữa. Hy Lôi, em đánh anh đi, em đánh anh mấy cái là sẽ thoải
mái hơn.
Hy Lôi vẫn không nói gì, chỉ khẽ đẩy anh ra.
Hứa Bân cầm điện thoại của Hy Lôi ra:
– Nhìn này, anh mang di động tới cho em này. Sau này anh sẽ không ngang ngược thế nữa, không có di động, anh không tìm được em, em không biết
đâu, vừa nãy anh lo lắm. – Thấy Hứa Bân nói rất chân thành, những giọt
nước mắt cũng sáng lấp lánh trong mắt anh, trái tim Hy Lôi lại mềm ra.
Không tha thứ cho anh thì biết làm thế nào đây!
Ngày mai mặt trời vẫn mọc, cuộc sống vẫn tiếp tục, thay đổi hay lựa chọn đều là những việc thật gian nan.