Sơn Hà Bất Dạ Thiên

Chương 163


Bạn đang đọc Sơn Hà Bất Dạ Thiên – Chương 163


Vua Liêu băng hà, hoàng đế khẩn cấp triệu tập bề tôi thân tín vào điện Thùy Củng bàn việc nước.
Vua Liêu đã qua tuổi biết mệnh trời1, do thương tích khắp mình từ thuở trẻ chinh chiến mà những năm gần đây ông ta ốm triền miên.

Dù vậy, chuyện vua Liêu đột ngột qua đời ngay lúc này là điều không ai ngờ tới.
[1] Tức 50
Lúc Tống Liêu đang giao chiến thế này, giai đoạn nước Liêu gặp biến cố bất ngờ sau cái chết của nhà vua chính là thời cơ vàng để Đại Tống tấn công Liêu.
Triệu Phụ hỏi gấp: “Chư vị ái khanh có diệu kế nào không?”
Tả tướng Từ Bí hành lễ, nói: “Cho tới nay, Đại Tống ta chưa hề lép vế trong cuộc giao tranh giữa hai nước.

Thần cho rằng nước ta đã không còn là Đại Tống của hai mươi sáu năm về trước, chúng ta có thể đánh một trận sòng phằng với nước Liêu.

Giờ nước Liêu đang lục đục, chúng ta càng phải thừa thắng xông lên.

Nội trong một hai ngày ắt thu về ba châu.”
Chẳng phải Triệu Phụ không biết bây giờ là thời điểm cực kì thuận lợi để tiến đánh Liêu, nhưng khi suy nghĩ trong lòng ông ta được Từ Bí nói lên và khẳng định chắc nịch như vậy, hoàng đế lập tức hô liền ba tiếng “hay”, rồi hả hê cười lớn.

Ông ta đứng dậy đi đến trước mặt các thần tử, hồ hởi nói: “Đại Tống ta có tạo lập được uy thế trên đất Trung Nguyên hay không, từ rày có còn phải khiếp sợ nước Liêu hung ác hay không, đều trông cả vào trận này đấy!”
Hoàng đế xuống chiếu ngay trong đêm, huy động lực lượng toàn quốc tấn công nước Liêu đang rối ren.
Trở về từ điện Thùy Củng, Dư Triều Sinh ngồi bần thần trong phòng Thượng thư bộ Hình mãi mà không trấn tĩnh nổi.
Phải đến lúc vầng dương khuất bóng, sắc trời nhá nhem, quan sai bộ Hình khẽ chân đi vào hỏi anh ta có cần thắp đèn không, Dư Triều Sinh mới choàng tỉnh, ngẩng lên nhìn viên nha nội già mái tóc pha sương.

Hồi lâu sau, người nọ phải hỏi lại lần nữa, anh ta mới đứng phắt dậy bảo: “Không cần.”
Người nha nội già chẳng hiểu ra làm sao, chỉ thấy Thượng thư đại nhân hối hả ra khỏi nha môn bộ Hình, cứ như bị thú dữ rượt sau lưng.
Việc đánh Liêu cấp bách lắm rồi.
Dư Triều Sinh không tài nào lường trước nổi mình sẽ vấp phải cục diện này khi đưa bốn người Vương Tiêu từ U châu về.
Lúc ấy, Dư Triều Sinh đang âm thầm dò la ty Ngân dẫn U Châu, không ngờ lại phát hiện Vương Trăn đã vươn tay đến tận đại doanh Tây Bắc, mượn ty Ngân dẫn để móc nối với các tướng lĩnh U châu.

Đó quả là cơ hội trời ban.

Anh ta cố tình đợi đến sát lúc về kinh mới bắt người theo, không chừa cho Vương Tử Phong cơ hội ứng phó.

Như thế, ngay cả khi Vương Tử Phong biết tin cũng hết đường xoay chuyển tình hình.
Dư Triều Sinh cho rằng Vương Tử Phong cấu kết với bọn Lý Cảnh Đức để lũng đoạn quyền lực trong triều.

Song tại thời điểm đó, anh ta không hề biết công việc nhóm Vương Tiêu làm cho đại doanh Tây Bắc thực chất là bí mật thâm nhập nước Liêu để thu thập tin tình báo.
Hiện giờ, bốn người Vương Tiêu bị giam giữ ở đại lao bộ Hình đã khai báo hết những việc được giao phó.
Khi tất cả những quân cờ dần dần được đặt lên bàn, rọi vào mắt Dư Triều Sinh, anh ta mới trông thấy rõ ván cờ khổng lồ này.

Từ ba năm về trước, hoàng đế phái Tô Ôn Duẫn và Đường Thận cùng đến U châu chính là để lập mưu đánh Liêu! Để cài người vào nước Liêu, bọn họ đã mượn chính ty Ngân dẫn.

Một vụ việc dính líu quá nhiều đến ty Ngân dẫn mà ngay cả hoàng đế có lẽ cũng biết rõ mười mươi dứt khoát không thể giấu Vương Tử Phong.

Song biết là một chuyện, ngấm ngầm can dự vào rất nhiều lại là chuyện khác.
Đúng là một cơ hội tuyệt hảo.
Anh ta có thể giả vờ không biết chuyện thăm dò nước Liêu để tố cáo với hoàng đế rằng Vương Tử Phong thâu tóm quyền lực, một tay che trời.
Thình lình có tiếng hô điểm canh cất lên vang lừng, vượt qua tường viện dày, truyền đến tai Dư Triều Sinh.

Dư Triều Sinh bất giác hoàn hồn.

Anh ta ngửa bàn tay, cả lòng bàn tay đẫm mồ hôi lạnh.
Đã sang canh ba, sắp đến giờ vào chầu rồi.
Dư Triều Sinh thức trắng đêm.

Cố căng đôi mắt đỏ ngầu, anh ta ngồi vào bàn, nhấc bút định viết một bản tấu đàn hặc Vương Trăn.

Nhưng rồi cây bút cũng chẳng được đặt xuống.
Hôm sau, vừa ra khỏi điện Cần Chính, Đường Thận đã đụng mặt Dư Triều Sinh.
Đường Thận ngẩn người, hành lễ trước: “Hạ quan bái kiến Hình bộ Thượng thư đại nhân.”
Dư Triều Sinh cũng hơi ngỡ ngàng, giơ tay đáp: “Không cần đa lễ.”
Đường Thận: “Trông sắc mặt đại nhân không được tốt, có phải bị ốm không thế?”
Dư Triều Sinh: “Gần đây công vụ bề bộn, cảm ơn Đường đại nhân đã quan tâm.”
Hai người hàn huyên mấy câu rồi ai đi đường nấy.
Đường Thận ngoái lại, chỉ thấy Dư Triều Sinh bước vào điện Cần Chính, đi thẳng về phía nhà Tả tướng.
Hẳn là đi gặp Từ Bí rồi.
Ánh mắt Đường Thận tối đi, cậu quay lưng rời bước.
Dư Triều Sinh đi đến phòng Tả tướng.

Từ tướng đang xem báo cáo binh tình Tây Bắc.

Thấy Dư Triều Sinh đến, ông cười bảo: “Hiến Chi đến có việc gì thế? Ngồi đi.

Hôm nay bận thật, vua Liêu vừa băng hà, chiến sự hai nước căng thẳng, tin quân toàn là tin khẩn, không đọc không được.”
Dư Triều Sinh ngồi xuống hỏi: “Tình hình chiến trường Tây Bắc thế nào rồi ạ?”
Từ Bí cười: “Đúng lúc Nhị hoàng tử Gia Luật Xá Ca dẫn quân Sói Đen tham chiến ở phủ Đại Đồng thì vua Liêu mất, con bảo còn thế nào được nữa? Y vừa phải chống giặc, vừa phải tranh giành ngôi báu với em trai.

Tuy không biết cụ thể ra sao, nhưng ta đồ rằng chẳng chóng thì chầy, nước Liêu cũng bị cuốn vào vòng nội loạn.”

Dư Triều Sinh cúi đầu lặng thinh, nội tâm hết sức giằng xé.
Thấy vậy, Từ Bí biết ngày học trò của mình có băn khoăn nên mới đến đây.

Ông không dồn ép, chỉ ôn tồn hỏi: “Hiến Chi, con và ta là thầy trò bao lâu rồi?”
Dư Triều Sinh: “Từ khi học trò đỗ Bảng nhãn, may mắn lọt vào mắt xanh của ân sư, đến nay đã mười tám năm rồi ạ.”
“Mỗi khi con gặp chuyện khó quyết thường khá kiệm lời.”
Dư Triều Sinh nghe ông nói mà sững sờ.
“Thấy chưa, chính là như hôm nay đấy.

Nhưng con gặp chuyện gì mới được?”
Dư Triều Sinh chần chừ chốc lát, cuối cùng anh nói: “Học trò đến đây vì một việc.

Trước khi học trò đến U châu, tiên sinh từng dặn, con là người duy nhất cứu nổi bản thân mình.

Tháng trước con dẫn những người kia về, tiên sinh cũng biết.

Nhưng tiên sinh chưa biết hết, mấy người đó là gián điệp quân sự mà Thánh thượng gài vào nước Liêu!”
Từ Bí ngưng uống trà, đặt chén xuống, thở dài: “Quả nhiên là thế! Ta đã đoán vậy từ sớm nhưng vẫn không dám chắc.

Giờ xem ra chuyện đó là thật.

Con cảm thấy việc con bắt giữ họ sẽ ảnh hưởng đến chiến cuộc giữa hai nước chứ gì?”
Dư Triều Sinh không nói gì cả.
Từ Bí: “Hồ đồ! Nếu bốn người đó quan trọng đến vậy, Lý Cảnh Đức sẽ để con bắt họ đi hay sao? Chu Thái sư sẽ cho phép hay sao? E đến đương kim Thánh thượng cũng không bằng lòng với hành động của con! Có lẽ nhưng người đó quan trọng đấy, nhưng không thể là nhân vật then chốt được.

Thiếu họ chưa chắc hỏng việc, có chăng là ảnh hưởng đôi chút thôi.”
Dư Triều Sinh: “… Học trò biết lỗi rồi.

Nhưng nếu bây giờ học trò tố cáo Vương Tử Phong thật, các đại thần trong triều sẽ dễ dàng đoán ra sắp đặt của Thánh thượng ở Tây Bắc.”
Từ Bí bỗng hiểu ra ý định của học trò mình, ông lẳng lặng nhìn Dư Triều Sinh.
“Hiến Chi à, người ta phải biết có những điều không được làm, rồi sau mới biết có những điều được làm2.”
[2] Xuất xứ từ sách Mạnh Tử.

Lý Minh Tuấn dịch.
Dư Triều Sinh đứng ngẩn ra hồi lâu.

Hôm đó, quân báo U châu vượt tám trăm dặm tức tốc gửi về Thịnh Kinh.
Cùng ngày, Thượng thư Tả bộc xạ kiêm Chỉ huy sứ ty Ngân dẫn Vương Tử Phong cầu kiến nhà vua, đòi thả bốn người bị Thượng thư bộ Hình Dư Triều Sinh giam giữ.
Hoàng đế đã nhận ra sóng ngầm sục sôi trong việc này, ông cười hỏi Vương Trăn: “Tử Phong à, bốn người này khó thay thế đến vậy ư?”
Vương Trăn kính cẩn đáp: “Muôn tâu bệ hạ, thần là Chỉ huy sứ ty ngân dẫn, bất cứ chuyện gì phát sinh trong ty thần đều nắm rõ.

Thần cho rằng bốn người này cực kì quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện giờ thì vai trò của họ càng thiết yếu.”
Hoàng đế cười nhẹ, thủng thẳng xuống chỉ yêu cầu Dư Triều Sinh điều tra rõ ràng rồi khẩn trương thả người.
Hoàng đế là vậy đấy.
Triệu Phụ biết thừa Vương Trăn nắm được hết những gì mình bố trí ở Tây Bắc, nhưng ông muốn Vương Trăn chỉ biết thôi chứ không được nhúng tay vào.

Nếu muốn Vương Trăn tham dự, ông ta đã không cắt cử Tô Ôn Duẫn và Đường Thận đi ngay từ đầu.

Sai Đường Thận làm việc này là trao cho Vương Trăn cơ hội đắc thế.

Song phái cậu đi nhưng không cho tiết lộ bất kì điều gì với Vương Trăn cũng là cách ông nghiêm khắc cảnh cáo chàng.
Tối đó khi tu tiên, Triệu Phụ thấy lòng mình thảnh thơi và đắc ý vô cùng.
Ông ta nổi hứng, nửa đêm leo lên lầu Hư Cực ngắm nhìn diện mạo Thịnh Kinh, nói với Thái giám Quý Phúc theo hầu rằng: “Trẫm ngụ ở đây, thế mà cả thiên hạ này nằm gọn trong bàn tay trẫm!”
Quý Phúc xun xoe cười: “Thần lục cửu châu, nơi đâu cũng thuộc về bệ hạ.”
Triệu Phụ gật gù: “Mọi thần dân trên đất này đều là của trẫm hết.”
Từ Bí? Vương Thuyên? Trần Lăng Hải? Cảnh Thiếu Vân?
Vương Trăn, Tô Ôn Duẫn, Dư Triều Sinh, Đường Thận…
Chẳng có ai không bị ông ta xoay như xoay dế3, ngay cả Kỷ Ông Tập – người tự cho là hiểu ông ta nhất!
Quý Phúc đương nhiên không hiểu ý hoàng đế, nhưng lão đã sống trên đời sáu chục năm có thừa.

Hồi lão còn là tiểu thái giám, công công quản sự đã nói với lão rằng khi về già, con người ta đều thích khoe khoang tự phụ.

Trên đời không có ai hoàn hảo, không ai làm người khôn mãi, không ai làm kẻ dại hoài được.

Chỉ khi chết đi người ta mới biết khờ khạo mãi mãi là khôn.
Triệu Phụ hết sức thỏa mãn khi nghĩ rằng mình đã dồn cứng Vương Trăn và Dư Triều Sinh vào thế bí.
Nếu Vương Trăn thực sự nhúng tay vào việc do thám nước Liêu, Dư Triều Sinh nhất định sẽ tố cáo chàng.

Còn nếu Vương Trăn không làm thế, chàng không đời nào tha cho Dư Triều Sinh mà sẽ mượn vụ án Hình châu để bắt chết anh ta.
Nhưng trên cõi đời này, lòng người là thứ khó đón biết nhất.
Mùng bảy tháng Tám, Dư Triều Sinh vừa vào nha môn bộ Hình thì có quan sai đưa thiếp mời tới.
Dư Triều Sinh mở ra xem rồi im lặng rất lâu.
Sau khi kết thúc ngày làm việc hôm đó, anh ta đi đến lầu Thiên Lý.

Có người đã đặt trước nhã gian trên tầng bốn, phục vụ dẫn đường cho anh ta lên.

Khi Dư Triều Sinh đẩy cửa vào, đã thấy Vương Tử Phong đứng sẵn bên cửa sổ, đang dõi mắt nhìn ra xa.
Dư Triều Sinh chắp tay hành lễ: “Hạ quan Dư Triều Sinh bái kiến Tả bộc xạ đại nhân.”
Vương Trăn quay lại, vẻ mừng rỡ ánh lên trong mắt: “Dư đại nhân.” Chàng sải bước tới, cười bảo: “Không cần đa lễ, mau ngồi xuống đi.”
Dư Triều Sinh ngồi xuống, hai người bắt đầu dùng bữa.

Lầu Thiên Lý là sản nghiệp của phủ Cảnh vương, có rất nhiều quan triều đình tụ họp ở đây nên nhã gian nào trên tầng bốn cũng thanh u yên tĩnh, có cửa riêng để ra vào, không sợ bị ai bắt gặp.
Hai người cơm nước xong thì bắt đầu tán gẫu, chủ yếu xoay quanh chuyện triều đình.

Tình hình chiến sự Tây Bắc độ này cam go, nên trong lúc nói chuyện, Dư Triều Sinh cũng nhận ra hầu như bọn họ chỉ bàn về U châu.
Thế rồi Vương Trăn bỗng chuyển đề tài: “Dư đại nhân có biết ta đang nhìn ra đâu lúc anh mới đến không?”
Quả thật, lúc Dư Triều Sinh mới vào phòng, Vương Trăn đang tựa vào lan can nhìn xa xăm, không biết là về đâu.
Dư Triều Sinh: “Hạ quan không biết.”
Vương Trăn cười: “Anh hãy theo ta.”
Hai người đi tới bên cửa sổ, Vương Trăn đẩy cửa sổ ra, chỉ về một nơi: “Dư đại nhân thấy chỗ kia có quen không?”
Dư Triều Sinh đã ngoài bốn chục, giờ đang lúc hoàng hôn nhập nhoàng nên anh ta không nhìn rõ ngay được.

Sau một hồi nheo mắt ngắm nghía, Dư Triều Sinh mới ngộ ra: “Đó là vườn Quỳnh Lâm hả?”
Vương Trăn: “Đúng là vườn Quỳnh Lâm đấy.” Chàng ra chiều hoài niệm: “Ba năm một kì thi Đình, Thánh thượng đích thân chọn ra ba người đỗ đầu.

Sau khi giáp đệ nhất cưỡi ngựa dạo phố, tất cả Tiến sĩ sẽ tụ hội ở vườn Quỳnh Lâm đêm đó để tham dự buổi yến Quỳnh Lâm chỉ có một trong đời! Hôm nay nghĩ về chuyện xưa, thế mà cũng mười tám năm rồi đấy.”
Dư Triều Sinh cũng không kìm được, bùi ngùi theo: “Ai cũng bảo niềm vui trọng đại trong đời là lúc ghi danh bảng vàng4.”
Vương Trăn: “Ta nhớ trong buổi yến Quỳnh Lâm, Dư đại nhân cũng từng nói một câu như thế.”
Dư Triều Sinh ngẩng đầu nhìn Vương Trăn bằng ánh mắt ngờ vực.

Không hiểu sao, lúc này đầu óc anh ta tỉnh táo hết mức có thể.

Anh ta đã quên mười tám năm trước mình nói gì từ lâu, nhưng có giọng nói trong lòng mách bảo cho anh ta điều mà Vương Tử Phong sắp nói.

Câu nói ấy, chắc chắn sẽ đẩy anh ta vào thế không thể quay đầu.
Vương Trăn chân thành nhìn anh ta, mỉm cười nói bằng giọng khoan thai: “Thánh thượng hỏi tam khôi vì sao chúng ta vào kinh ứng thi, khổ công đèn sách suốt mười năm.

Lúc đó Dư đại nhân đã trả lời bệ hạ quá đỗi thành thật, khiến Tử Phong nhớ như in, ngỡ như chỉ vừa nghe ngày hôm qua.

Anh đáp rằng mình không chỉ khổ công học tập mười năm, anh đã sôi kinh nấu sử hai mươi năm ròng.

Còn câu hỏi vì sao ứng thi làm quan, Dư đại nhân nói…”
Dư Triều Sinh tiếp lời chàng: “Cốt là để tìm ra lí do vì sao phải khổ công đèn sách thôi.”
Vương Trăn cười mỉm: “Đúng thế.

Nay mười tám năm đã trôi qua, Dư đại nhân tìm ra lí do ấy chưa?”
Dư Triều Sinh thành kính nhìn Vương Tử Phong, khom người chắp tay: “Cả đời này, Hiến Chi chẳng thể sánh kịp Vương đại nhân.”
Vương Trăn bất giác xúc động theo, cũng trả lễ y hệt.

Lúc cất lời, từng chữ chàng nói đều xuất phát từ đáy lòng, chân thành tha thiết.
“Dư đại nhân cao khiết hơn người.

Hôm nay, Vương Tử Phong xin thành tâm bái phục.”.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.