SEX và những thứ khác

Chương 4: Phần 1 - Chương 04


Bạn đang đọc SEX và những thứ khác – Chương 4: Phần 1 – Chương 04

Sex và đời sống
Sex luôn là chủ đề nóng bỏng và ai cũng quan tâm bởi nó là một phần quan trọng, không thể tách rời cuộc sống. Tuy nhiên nó vẫn luôn là một điều rất đỗi riêng tư, không phải gặp ai ta cũng nói chuyện về sex, không phải lần đầu tiên gặp mặt hay quen biết xã giao ta đã nói chuyện về sex. Càng khó hơn nữa để đi sâu vào vấn đề đàn ông nghĩ gì về sex và phụ nữ nghĩ gì về sex, đặc biệt là trong xã hội Việt Nam hiện tại.
Gần đây, tôi mở một cuộc thăm dò trên mạng cho đối tượng nam nữ nằm ở độ tuổi từ hai mươi đến năm mươi. Tôi đặt những câu hỏi chung cho cả nam lẫn nữ về sex để xem sự khác nhau trong suy nghĩ của hai giới như thế nào. Kết quả vô cùng thú vị mà tôi rất muốn chia sẻ với các bạn.
Câu hỏi 1: Khi gặp người con trai/con gái bạn thích, bạn thường tưởng tượng hai người đang:
1. Làm tình.
2. Ngồi nói chuyện, uống cà phê.
3. Cãi nhau.
4. Nắm tay nhau chạy trên cánh đồng hoa.
Tôi phân loại đối tượng trả lời thuộc bốn típ người khác nhau:
Làm tình – sex: nhóm người này khi nghĩ về “người ấy” chỉ thấy cảnh hai người đang ái ân mặn nồng. Đây là nhóm có khát vọng tình dục cao.
Ngồi nói chuyện uống cà phê – Thực tế: nhóm người này khi thích ai thì rất thực tế, đi từng bước trong quan hệ, tìm hiểu bằng cách nói chuyện, gặp gỡ cà phê nhẹ nhàng.
Cãi nhau – Tiêu cực: nhóm người này mới gặp người mình thích nhưng đã tưởng tượng hai người cãi vã nhau, có xu hướng tiêu cực, bi quan trong mối quan hệ.
Nắm tay nhau chạy trên cánh đồng hoa – Lãng mạn: nhóm người lãng mạn bay bổng, luôn nhìn đời qua lăng kính màu hồng.
Đã có 45 bạn nam và 70 bạn nữ tham gia trả lời câu hỏi này. Ta hãy xem kết quả trong biểu đồ dưới đây để thấy sữ khác nhau trong suy nghĩ của đàn ông và đán bà như thế nào:

Thật thú vị là có đến 50% nam giới nghĩ đến sex đầu tiên trong khi chỉ có 24% nữ giới nghĩ đến sex. Ngược lại, phần lớn nữ giới (40%) tưởng tượng đến lãng mạn (ôm nhau thật chặt, nắm tay nhau chạy trên cánh đồng hoa, chạy xe dạo phố, ngôi nhà và những đứa trẻ…) trong khi nam giới chỉ có 11% nghĩ đến những điều lãng mạn, mà sự lãng mạn của họ cũng không bay bổng như nữ giới, thường chỉ giới hạn ở mức… chạy bộ cùng nhau.
Phụ nữ nghĩ đến vấn đề thực tế hơn nam giới, chứng tỏ họ dè dặt hơn khi bắt đầu một mối quan hệ. Họ luôn nghĩ tới buổi hẹn cà phê chuyện trò, đi du lịch ngắm cảnh cùng nhau (32%) trong khi chỉ có 21% nam giới tưởng tượng đến việc hẹn hò cà phê với người mình thích.
Có lẽ bản năng phụ nữ lãng mạn hơn nam giới rất nhiều, và khi gặp “người ấy”, họ hay tưởng tượng những điều lung linh tươi đẹp, nên số phụ nữ suy nghĩ tiêu cực rất ít, chỉ 4% trong khi có tới 18% nam giới tưởng tượng đến cảnh cãi nhau với “cô ấy” – người mà họ thích.
Quay lại đến vấn đề sex, nỗi ám ảnh của 50% đàn ông được phỏng vấn ở đây. Không thể phủ nhận rằng xưa nay bản năng tình dục của giống đực là vô cùng mạnh mẽ, và tôi không ngạc nhiên khi một nữa số đàn ông tưởng tượng làm tình với người họ thích khi còn chưa bắt đầu một mối quan hệ. Tôi tin rằng điều mấu chốt ở đây là đàn ông dễ đạt được cực khoái khi làm tình trong khi phụ nữ thì rất khó, phải mất nhiều thời gian, tốn nhiều công sức và đòi hỏi cả kĩ năng làm tình của “đồng chí kia”, chưa kể thiên thời – địa lợi – nhân hòa, v.v… Nói chung là cần phải hội tụ rất nhiều yếu tố cùng lúc thì mới có thể đạt đưa một người phụ nữ lên đến đỉnh. Vậy điều này liên quan gì đến việc chỉ có 25% phụ nữ nghĩ đến sex khi gặp người họ thích? Bởi đối với phụ nữ, khi làm tình mà không đạt được cực khoái thì nó cũng “sướng” vừa vừa như là khi ôm nhau hay nắm tay nhau chạy trên cánh đồng hoa vậy thôi. Điều này cũng giải thích cho phần đông phụ nữ tưởng tượng đến những điều lãng mạn (40%).
Câu hỏi 2: Sex có nhất thiết phải gắn liền với tình cảm không?
Có 50 đàn ông và 165 phụ nữ tham gia trả lời câu hỏi này. Và đây là kết quả:
Một sự đối lập hoàn toàn giữa nam và nữ. Điều này không hề gây ngạc nhiên nhưng lại rất thú vị. Mặc dù sex là bản năng tự nhiên của con người nhưng phụ nữ bị tình cảm chi phối rất nhiều, nhất là khi trong vấn đề tình dục, 76% phụ nữ không thể làm tình với người mình không có tình cảm. Bởi nếu họ không thích thì “cửa sung sướng” khép chặt, khô như nắng hạn, khi ấy làm tình sẽ là một cực hình, đau đớn về thể xác. Bởi vậy nên điều kiện “thích” phải là điều kiện tối thiểu để phần lớn phụ nữ lên giường với đàn ông.
Trong khi đó, 68% nam giới có thể ngủ với bất kì người đàn bà nào mà không cần có tình cảm. Đối với đàn ông, sex không chỉ là bản năng mà nó còn là một nhu cầu sinh lý. Nếu không có đối tác để giải quyết nhu cầu sinh lý thì họ có thể tự xử. Vậy nên có đối tác thì tốt quá (chưa cần có tình cảm), mà có đối tác cộng thêm có tình cảm nữa thì càng tuyệt vời. Vậy nên phụ nữ cần phải hiểu đàn ông ở điểm này để rộng lượng với họ hơn khi mà họ không phải lúc nào họ cũng tìm được đối tác có tình cảm để giải quyết nhu cầu sinh lý. Nếu ta bắt gặp một người đàn ông đang hành sự với một đối tác không có tình cảm thì hãy coi như ta vào nhầm toilet nam và nói: “Xin lỗi” rồi quay ra, không đánh giá, miễn đó là một người đàn ông tự do.
Có một câu trả lời phụ nữ rất thú vị của một đấng mày râu, tôi xin trích nguyên văn: “Sex giống như hát karaoke. Ai cũng hát được hết. Nhưng có cảm xúc thì hát hết mình, không có cảm xúc thì hát qua loa cho nó xong bài ấy mà”.
Để công bằng, đàn ông cũng nên tìm hiểu thế giới nội tâm của đàn bà để tìm sự hòa hợp trên giường, mặc dù thế giới nội tâm của đàn bà tương đối phức tạp. Yêu thôi cũng chưa phải là điều kiện đủ để thỏa mãn một phụ nữ ở trên giường. Họ cần những cái vuốt ve, những cái ôm thật chặt từ đằng sau, những chi tiết rất nhỏ thôi, như một bản nhạc rất lãng mạn, một bông hoa, những ngọn nến trong phòng ngủ, v.v… tất cả đều có thể kích thích cảm hứng tình dục của người phụ nữ. Mở màn như vậy là tốt rồi, chương trình chính cũng phải hoành tráng, nhiều tiết mục mới lạ, hấp dẫn chứ không phải máy khâu năm phút là xong đâu nhé! Phụ nữ cần nhiều thời gian mới lên đến đỉnh, nó như một con sóng bắt đầu hình thành từ khơi xa, cuộn dần về đất liền và đỉnh điểm là vỗ ào vào bờ. Nếu đàn ông là những con sóng ngắn vỗ mạnh vào bờ trong vòng năm phút thì phụ nữ phải mất ba mươi phút miệt mài tạo sóng mà còn tùy vào kỹ năng người tạo sóng, có khi sóng gần về đến bờ rồi mà chẳng vỡ ra được thì cũng… đành chịu. Bởi tâm lý phụ nữ rất phức tạp, cũng có thể trong lúc đang cao trào thì nàng phát hiện trần nhà có một vết ố và đầu óc chỉ nghĩ đến việc “sáng mai gọi thợ đến sửa cái trần nhà” và thế là… bao nhiêu công tạo sóng chìm xuống đại dương hết.
Một ví dụ nữa tôi tin là rất phổ biến trong các cặp vợ chồng. Nếu vợ cả ngày đi làm, chiều tối về đi chợ, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn phục vụ chồng con thì 90% lên giường là ngủ, 10% còn lại là cực kì chiều chồng, mà một nửa trong số đó tôi e rằng sẽ ngủ trong lúc chồng muốn làm gì thì làm. Bởi vậy các ông chồng hãy giúp đỡ vợ công việc nhà, vừa được vợ yêu, mà lên giường sẽ nhận được sự nhiệt tình đền đáp, lợi cả đôi đường.
Với đối tượng nữ mà có thể tách bạch được sex với tình cảm (24%), tôi nhận thấy họ có một đặc điểm chung là cá tính mạnh, táo bạo, không bị ràng buộc bởi ý kiến dư luận, sống bản năng. Tuy nhiên, số phụ nữ cá tính như này vẫn còn là thiểu số trong xã hội Việt Nam bây giờ.
Nam giới thì khác, 32% trong số họ cho rằng sex phải luôn gắn liền với tình cảm. Đây là nhóm người có nguyên tắc lý tưởng đạo đức rất cao và phần lớn là trẻ tuổi, từ hai mươi đến ba mươi tuổi. Có thể mười đến mười lăm năm nữa họ sẽ nghĩ khác, nhưng phát hiện về nhóm tuổi trong số phần trăm nhỏ này cũng là một điều thú vị.
Phỏng vấn sâu hơn với một nam giới ở độ tuổi năm mươi, anh chia sẻ rất thành thật: “Sex không cần phải đi đôi với tình cảm. Mình đi đường vô tình gặp các em đẹp như hoa hậu, chân dài như người mẫu, hát hay như ca sĩ, hỏi mình có thích sex không? Mình trả lời chắc chắn là “có” mặc dù không có tình cảm. Nếu có tình cảm thì tình dục sẽ thăng hoa hơn.”

Như vậy quan điểm về sex nói chung giữa đàn ông và đàn bà rất khác nhau. Không những thế nó còn giao động trong cùng một giới nhưng khác nhau về lứa tuổi, môi trường văn hóa, chuẩn mực đạo đức, v.v… Vấn đề ở đây là tìm kiếm sự hòa hợp thấu hiểu nhau để sex được đặt đúng giá trị đẹp của nó, để sex luôn là sự thăng hoa tình cảm trong quan hệ nam nữ.
GVA 21/6/2012
Làm mẹ đơn thân
Hôm nay, sau khi giải quyết một số công việc hành chính, tôi định ghé vào quán cà phê quen thuộc để viết cuốn sách còn đang dở dang. Trên đường đi bộ qua cây cầu dẫn tới quán, tôi nghe ai đó gọi tên mình và nhận ra Jen – cô bạn người Mỹ đã “mất tích” gần hai năm nay. Mừng vui khôn xiết, chúng tôi đã dành cả buổi chiều để nói chuyện về những gì đả xảy ra trong hai năm qua.
Tôi gặp và quen Jen trong lớp học tiền sản cách đây bốn năm. Jen – người Mỹ gốc Philipines, lấy chồng Thụy Sĩ. Về ngoại hình, chúng tôi tương đối giống nhau vì cùng gốc châu Á, nhưng xét về tính cách thì chúng tôi khác hẳn nhau. Tôi là người rất thực tế, trong khi Jen là một nghệ sĩ rất lãng mạn, thiên về tâm linh. Tuy không bao giờ hiểu được thế giới “mơ màng” của cô ấy nhưng tôi rất quý cô ấy và chúng tôi chơi thân với nhau hơn các bạn khác trong lớp.
Lần cuối chúng tôi gặp nhau là cách đây hai năm, khi Jen và con gái tham gia chuyến picnic với gia đình tôi. Khi đó chồng Jen không đi cùng và cô có tâm sự với tôi về trục trặc quan hệ vợ chồng. Gặp lại tôi, Jen thông báo vợ chồng cô đã ly thân được hơn một năm và đang làm thủ tục chính thức ly dị. Hai mẹ con đã dọn nhà đi nơi khác, cô phải tự lăn lộn kiếm sống để trả tiền thuê nhà và nuôi con một mình nơi đất khách quê người. Chồng cô cũng là một họa sĩ, nhưng anh ta không có nguồn thu nhập ổn định, chỉ trông chờ vào tiền trợ cấp thất nghiệp của chính phủ.
Khi hai người còn chung sống, Jen đã rất vất vả, làm đủ nghề để kiếm sống. Cô vẽ những bức tranh bằng son môi (vẽ bằng miệng), tự làm triển lãm bán tranh. Một lần tới nhà chơi, tôi thấy cô bán đồ ăn khô qua mạng để kiếm thêm.
Giờ đây, khi nghe Jen kể việc lăn lộn một mình để nuôi con, tôi có thể hình dung sự vất vả cả về vật chất lẫn tinh thần của cô. Đặt mình vào địa vị của Jen, tôi chắc sẽ không ở lại Thụy Sĩ đối diện với quá nhiều áp lực như vậy, tôi sẽ mang con về Mỹ, nơi có sự trợ giúp của gia đình và bạn bè, ít nhất là về mặt tinh thần. Tôi kinh ngạc bởi ý chí mạnh mẽ của Jen, một người tưởng chừng như rất mềm yếu.
Tôi hỏi: “Làm sao chị có thể đương đầu với mọi khó khăn như thế trong hai năm qua? Chị đã làm gì khi phải đối mặt với những hóa đơn chồng chất, tiền nhà, tiền điện, học phí nhà trẻ, tiền chợ,v.v… Thụy Sĩ là một trong những nước đắt đỏ nhất thế giới, làm thế nào chị có thể tồn tại để nuôi con?”
Jen cười phá lên và nói đúng một từ: “Magic” (phép màu).
Tôi xua đi: “Chị biết tôi là người rất thực tế, tôi không tin vào phép màu, tôi chỉ tin vào năng lực của con người, và tôi nghĩ chị thực sự mạnh mẽ”.
Jen nói: “Thực lòng đấy. Cái chính là mình phải tin vào “phép màu”, mặc dù tận cùng vấn đề nó vẫn là chính mình tạo nên “phép màu” đó. Hãy tin tôi đi, đã có lúc tôi rơi vào trạng thái tuyệt vọng, một thân một mình ôm con nơi đất khách quê người, tôi vẫn phải gồng mình lên để sống. Tuy nhiên, thay vì ngồi khóc, tôi ngồi thiền. Tôi thiền để quên hết sự đời, quên những hóa đơn chồng chất, quên những nhọc nhằn khi chăm con ốm, quên cả sự cô độc ở một xứ sở không phải quê hương mình. Tôi cứ thiền cho đến khi mọi muộn phiền tan biến hết. Tôi nhận ra rằng, khi cuộc đời mình tan tác, mình phải gom nó lại, đưa nó về một thể thống nhất, nạp cho nó một năng lượng tích cực, năng lượng này tôi có được nhờ thiền. Một khi con người mình tỏa ra một năng lượng tích cực, nó sẽ hấp dẫn mọi điều tích cực, mình suy nghĩ tích cực thì sẽ có những hành động tích cực và cứ thế nó lan tỏa ra, mở ra những cơ hội cho mình nắm bắt.”
Wow. Tôi là người không bao giờ bước chân vào thế giới phi vật chất, thế giới tâm linh, hay về năng lượng vũ trụ vạn vật, nhưng lúc này tôi như bị thôi miên và hoàn toàn tin vào những gì cô ấy nói.

Jen nói tiếp: “Ví dụ, bên này là một đống hóa đơn tổng cộng ba nghìn đô la. Bên kia tôi muốn có mười nghìn đô la thì mới đủ sống dư dả cho hai mẹ con. Hiện tại tôi chỉ có hai bàn tay trắng nhưng để kiếm được số tiền mười nghìn đô la một tháng thì tôi phải bắt đầu ngay. Tôi có bằng chuyên gia tư vấn tâm lý, muốn phát huy nghề này tôi cần phải có khách hàng. Khách hàng ở đâu? Tôi lên mạng tìm những trang cộng đồng quốc tế ở Geneva, đăng ký làm thành viên, quảng cáo dịch vụ tư vấn tâm lý. Trên các trang này, họ thường xuyên tổ chức sinh hoạt cộng đồng và tôi luôn tham gia, gặp gỡ những khách hàng tiềm năng. Bằng cách đó, tôi bắt đầu có khách hàng và tiền tự nhiên đến theo. Rồi có khách hàng trong quá trình điều trị tâm sự về bệnh béo phì, tôi không chỉ tư vấn chế độ ăn kiêng mà còn nhận cung cấp thực phẩm cho họ. Cứ như vậy từ một cơ hội mở ra nhiều cơ hội khác, tôi bắt đầu bán cả thực phẩm và khi cộng đồng tổ chức hoạt động tiệc tùng, tôi nhận cung cấp thức ăn cho họ, từ việc chỉ cung cấp thực phẩm tôi chuyển sang chế biến thức ăn, tiệc nhỏ thì tôi tự làm, tiệc lớn thì tôi nhờ người phụ giúp. Con đường ban đầu tưởng như mù mịt nhưng tôi càng đi con đường càng sáng tỏ và rộng thênh thang. Đó chẳng phải là “phép màu” sao? Tất cả xuất phát từ năng lượng tích cực trong mình. Suy nghĩ tích cực, hành động tích cực thì mọi điều tích cực sẽ tới với mình.”
Như chợt nhớ ra, Jen nói: “À tối mai có một buổi công chiếu phim, tôi cung cấp đồ ăn nhẹ cho bữa tiệc cocktail của họ. Cô hãy đến tham gia cho vui.”
Tôi đi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, và đến lúc này thì tôi vô cùng khâm phục người phụ nữ trước mặt. Cô ấy mới ba mươi mốt tuổi, trẻ hơn tôi, nhưng cô ấy thật bản lĩnh và mạnh mẽ.
Trước kia, tôi không đánh giá cao những việc cô ấy làm như tô son lên môi rồi in thành những bức tranh triển lãm, hay những chiếc túi nho nhỏ đựng nấm khô cô ấy bán với giá năm đô la một túi. Nhưng bây giờ tôi tôn trọng tất thảy những việc cô ấy làm, kể cả việc cụng ly làm quen với một người lạ trong bữa tiệc.
Trước kia, tôi không tin vào sự màu nhiệm nào hết. Giờ đây tôi thực sự tin vào phép màu – phép màu đó do chính chúng ta tạo nên.
GVA 21/11/2012
Làm cha đơn thân
Tôi gặp vợ chồng Robert lần đầu tiên vào năm 2006 khi tôi sang Sri Lanka thăm Simon (chồng tôi bây giờ). Robert khi ấy có đủ mọi thứ khiến nhiều phụ nữ mơ ước và nhiều đàn ông phải ghen tị. Anh là sếp lớn của Hiệp hội Chữ thập đỏ Quốc tế tại Sri Lanka, đẹp trai, hào hoa, phong nhã, có vợ đẹp và một cậu con trai hai tuổi khôi ngô tuấn tú. Gia đình anh là một bức tranh hạnh phúc hoàn hảo mà tôi cũng thầm mơ ước.
Năm 2007, tôi cưới Simon và theo anh về Geneva (Thụy Sĩ) làm việc. Ở đây, tôi gặp lại gia đình Robert, hóa ra hai vợ chồng anh đều mang quốc tịch Thụy Sĩ. Lẽ tự nhiên, hai gia đình chúng tôi trở nên thân thiết với nhau.
Một năm sau, vợ chồng anh lục đục, nguyên nhân bên trong tôi không rõ nhưng chỉ biết rằng anh thường xuyên đi công tác xa nhà, mỗi chuyến đi kéo dài hằng tháng trời. Vợ anh muốn anh làm công việc văn phòng ở Geneva nhưng lòng đam mê nghề nghiệp thôi thúc anh đi vào những vùng chiến tranh nguy hiểm như Chechnya, Kosovo, Lebanon, Pakistan…
Có lẽ để “trói chân” anh, vợ anh đề nghị sinh thêm một đứa con. Nghe vậy, vợ chồng tôi đều phản đối, bởi một đứa trẻ ra đời không thể là giải pháp cứu cánh cho mối quan hệ của cha mẹ. Ngược lại, áp lực nuôi con nhỏ cộng với stress có thể khiến tình hình tệ hơn. Và thật không công bằng cho đứa trẻ sinh ra không phải là hạt giống tình yêu của cha mẹ mà chỉ là một biện pháp cữu vãn tình thế.
Tuy nhiên, anh vẫn đồng ý và tháng Tám năm 2009 họ đón đứa con trai thứ hai chào đời. Khi đứa bé mới được ba tuần tuổi, anh lại đi công tác, trở về nhà được một tháng thì xảy ra động đất ở Haiti (tháng 1 năm 2010). Anh lại lên đường đi Haiti ba tháng.
Là một người vợ có chồng làm công tác nhân đạo, tôi hoàn toàn hiểu được sự khó khăn, vất vả của vợ anh khi một mình vừa đi làm, vừa nuôi con nhỏ, không có sự trợ giúp, không có chồng cùng chia sẻ gánh nặng. Ngoài đứa bé mới sinh, cô còn cậu con trai năm tuổi phải chăm sóc.
Quan hệ vợ chồng anh càng ngày càng trở nên tồi tệ, hai người bắt đầu chiến tranh lạnh, không nói chuyện với nhau dù ở chung một nhà, nằm chung một giường.
Đỉnh điểm của cuộc chiến tranh lạnh kết thúc khi hai người cãi nhau và vợ anh ôm hai đứa con sang nhà bạn ở nhờ. Cô gọi điện báo cảnh sát rằng cô là nạn nhân của bạo lực gia đình, yêu cầu cảnh sát can thiệp và lệnh cho chồng phải ra khỏi nhà vào ngày hôm sau.
Vậy là anh chính thức bị đuổi ra khỏi nhà. Trong vòng hai mươi tư tiếng, anh mất tất cả, vợ con, gia đình, mái ấm, cùng thời gian đó anh cũng không có việc làm.

Suốt một năm trời anh ăn nhờ ở đậu, khi thì nhà bạn, khi thì nhà mẹ ở Ba Lan, lúc thì ở khách sạn.
Anh tự nhận lỗi về mình vì đã quá vô tâm với vợ nhưng tận đáy lòng anh, anh rất yêu vợ. Trong một năm trời vô gia cư đó, anh đã viết hàng trăm bức thư tình gửi vợ, nhưng không bao giờ nhận được hồi âm.
Có thể anh không phải là một người chồng tốt, nhưng tôi thấy anh là một người cha hết lòng vì con cái. Thời gian ăn nhờ ở đậu, anh nhớ con vô cùng và xin vợ cho được gặp con, chơi với chúng ở công viên. Có tuần vợ cho phép anh được gặp con một lần, có tuần thì cô từ chối. Được bốn tháng gặp con thất thường như vậy thì vợ anh đột ngột cấm không cho anh gặp con.
Bị cắt đứt sợi dây liên lạc duy nhất với gia đình, con cái, anh đã vô cùng tuyệt vọng, đôi khi anh nghĩ đến cái chết, nhưng nghĩ đến hai đứa con, anh lại gắng gượng sống để giành quyền làm cha. Anh đã phải mất một thời gian dài điều trị tâm lý khi bạn bè anh vô cùng lo sợ, sợ anh tự tử.
Sau đợt điều trị tâm lý, lấy lại tinh thần, anh nộp đơn lên tòa án đòi quyền làm cha của hai đứa con. Tuy nhiên, anh phải chứng minh với tòa là anh có đầy đủ điều kiện để nuôi con, ít nhất là phải có nhà ở, có nơi ăn chốn ngủ cho tụi trẻ, mà khi đó anh vẫn còn lang thang, nay ở nhờ nhà này, mai ở nhờ nhà khác.
Anh quyết tâm đi tìm mua nhà, lúc này anh không còn gì để mất, không có gì để tiếc, miễn là anh giành được quyền nuôi con. Thật may mắn, bốn tháng sau anh đã tìm mua được một căn hộ hai phòng ngủ ở Pháp, ngay giáp biên giới Thụy Sĩ.
Chúng tôi rất mừng cho anh, nhất là khi anh được đón lũ trẻ về ở vào cuối tuần. Anh trang bị giường tủ cho hai con, mua đồ chơi cho chúng và dạy chúng chơi thể thao như bơi lội, đá bóng, cầu lông, leo núi, những môn thể thao mẹ chúng không bao giờ tham gia. Rồi anh nấu nướng cho con, tắm rửa vệ sinh cho con, chăm sóc các con như một người mẹ tần tảo.
Chứng kiến sự thay đổi thần kỳ như vậy, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Một người đàn ông trước kia luôn có vợ hầu hạ bếp núc, không bao giờ phải vào bếp, mà giờ đây anh biết đi chợ, nấu nướng. Khi chúng tôi đến thăm, anh còn mang bánh ngọt ra mời cùng với trà.
Con gái tôi bằng tuổi với con trai út của anh nên mỗi khi lũ trẻ qua nhà anh ở (thường là hai ngày cuối tuần) chúng tôi lại tổ chức các hoạt động dã ngoại cho bọn trẻ. Khi thì lên núi picnic, lúc thì đi bơi hay vào rừng hái nấm.
Anh kể tuổi thơ của anh ở Ba Lan, những buổi theo mẹ vào rừng hái nấm để cả nhà có được bữa ăn cải thiện. Ba Lan khi đó vẫn nằm trong khối cộng sản ở Đông u, nên người dân còn khó khăn. Năm mười tám tuổi, anh sang Liên Xô học về thể thao. Ở Leningrad, anh quen với nhiều bạn Việt Nam, nhóm học của anh có năm người thì bốn người kia đều là người Việt Nam.
Tốt nghiệp năm 1986, anh không quay về Ba Lan mà đi Thụy Sĩ. Ở Geneva, sau vài năm không tìm được việc làm, kiếm sống bằng những công việc lao động chân tay, anh quyết định học tiếp để lấy bằng cử nhân Khoa học Chính trị (1992-1995). Đó là một quyết định vô cùng đúng đắn vì nó giúp anh theo đuổi ước mơ được làm cho tổ chức nhân đạo, đi khắp thế giới giúp đỡ những nạn nhân chiến tranh. Ngay sau khi ra trường, anh được nhận vào làm việc cho Hiệp hội Chữ thập đỏ Quốc tế tại Geneva và được cử đi làm các nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo ở các nước đang có mâu thuẫn chính trị, tôn giáo. Cho đến nay, anh đã đi và làm việc ở hơn tám mươi quốc gia trên Thế giới.
Vừa kể chuyện, anh vừa chế biến món nấm chúng tôi mới thu hoạch được từ chuyến dã ngoại trong rừng. Tôi nhớ lúc ở trong rừng, anh say sưa giảng giải cho các con về các loại nấm, cách phân biệt nấm độc qua hình dáng, màu sắc. Ở người đàn ông này có một sức sống mãnh liệt mà tôi tin rằng chỉ có bản năng của một người cha mới có thể khiến anh đứng dậy và làm mọi thứ cho con, kể cả việc thay thế một người mẹ, một người thầy.
Tôi không khỏi suy nghĩ về việc vợ anh, đã cố tình chia rẽ cha con anh. Những đứa trẻ luôn cần tình yêu của cả cha mẹ, chúng cần sự dịu dàng chăm sóc của mẹ nhưng chúng cũng cần sự mạnh mẽ, phiêu lưu mạo hiểm của cha. Việc cha mẹ không sống chung với nhau không có nghĩa họ phải ghét nhau. Họ cũng không phải cố giả tạo để sống bên nhau. Cha mẹ có thể mỗi người một nhà nhưng hãy để trẻ được hưởng trọn vẹn tình yêu và sự giáo dục của cả cha lẫn mẹ. Đó mới thực sự là “tất cả vì các con và cho các con”.
GVA 26/11/2012
 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.