Sau Khi Mẹ Kế Tỉnh Lại

Chương 47.


Bạn đang đọc Sau Khi Mẹ Kế Tỉnh Lại – Chương 47.


—- SAU KHI MẸ KẾ TỈNH LẠI – THƯ THƯ THƯ —-


?????


CHƯƠNG 46.


Người Dịch: Lan Thảo Hương.

Sau khi Ninh Lan rời đi, Lâm Kiến Đông không để tâm nhiều, anh ngồi xuống giữ tinh thần ổn định tiếp tục làm bài thi cùng Ninh Hương. Khúc nhạc đệm ngắn này cũng không làm Ninh Hương bị phân tâm, cô vẫn tập trung hoàn thành bài thi ngữ văn, sau đó cùng Lâm Kiến Đông trao đổi. Cả hai cùng xác định chỗ sai và chỉ ra vấn đề, sau đó trao đổi và thảo luận để tìm ra nguyên nhân dẫn đến câu trả lời sai.

Thời gian cứ trôi dần đi trong không khí làm bài thi và trao đổi, còn Tiểu Yến và Thải Phượng đã đọc sách đến ngáp dài. Thấy thời gian cũng khá muộn, Lâm Kiến Đông cười nói: “Mới có mấy tiếng mà đã không chịu nổi rồi sao?”.

Thải Phượng ngáp đến chảy nước mắt: “Bình thường em quen ngủ sớm rồi, giờ đột nhiên thức đêm nên không quen”.

Thời đại này không có hoạt động gì giải trí, không có TV, không có điện thoại, việc giải trí duy nhất đó là tụ tập buôn dưa lê với hàng xóm láng giềng sau bữa cơm chiều. Nhưng buôn dưa lê cũng không ai buôn đến tận đêm khuya cả, do đó mọi người thường đi ngủ khá sớm.

Tất nhiên là họ không thức quá khuya, ngồi học đến chín rưỡi thì cả nhóm giải tán ra về. Khoảng thời gian này mỗi đêm Ninh Hương cũng đã trở lại nhà thuyền, nếu như không cảm thấy buồn ngủ thì cô sẽ ngồi xuống đọc sách thêm một lát hoặc xem lại các câu trả lời sai. Nhưng đêm nay cô hơi mệt vì làm nguyên một đề thi, do đó cô không thức khuya để đọc sách nữa. Sau khi rửa mặt và khóa chặt cửa đi lẫn cửa sổ, cô mò mẫm lên giường nằm, hít thở sâu thư giãn thần kinh, nhắm mắt chuẩn bị đi ngủ.

Trước khi ngủ, trong đầu cô còn suy nghĩ lung tung một số chuyện, tất nhiên là có nghĩ đến chuyện Ninh Lan tối nay đến xưởng thêu mượn tài liệu ôn tập. Việc cô không cho Ninh Lan mượn sách không phải sợ Ninh Lan cũng thi đậu đại học hay sao đó, mà chỉ là không muốn để nó đụng vào đồ của cô mà thôi.

Trình độ của Ninh Lan thế nào Ninh Hương biết rất rõ, kiếp trước nó cũng tham gia thi đại học vào năm nay và không ngoài ý muốn là bị trượt đại học. Tốt nghiệp trình độ văn hóa cấp ba chỉ đủ cho Ninh Lan đi dạy tiểu học thôi, chứ muốn lên cao hơn thì lại không được.

Kiếp này, Ninh Lan không có công việc trong thành phố, nó bị buộc ở nhà làm ruộng để kiếm điểm công nên chắc chắn càng muốn thi lên đại học hơn, vì đọc sách so với trồng trọt nó nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Chẳng qua, không biết liệu sự bức thiết này có thể chèo chống nổi Ninh Lan hoàn thành việc ôn tập trong vòng một tháng và thuận lợi thi đậu hay không.

Trong nhận thức của Ninh Hương, việc này đương nhiên không hề dễ dàng.

Ở kiếp trước, ngay cả Lâm Kiến Đông bắt đầu ôn tập sau khi có được tin tức cũng không thể thi đậu đại học cơ mà. Trên thực tế, nếu so sánh thì những người đi học trong thời kỳ hỗn loạn giống như bọn họ thật ra không có bao nhiêu tri thức như những lão tam giới*.

(*) Lão Tam Giới: đề cập đến ba đợt học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và trung học cơ sở của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ở các năm 1966, 1967, 1968. Trong trường hợp bình thường nó cũng bao gồm học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở 1969.

Phàm là học sinh đi học trong thời kỳ hỗn loạn đều bị ảnh hưởng bởi không khí học đường ở một mức độ nào đó, và phần lớn thời gian ở trường không phải dùng vào việc học kiến thức. Còn Lâm Kiến Đông là do chính bản thân anh ấy thích học, với lại thành tích học tập của anh ấy tương đối tốt.

Đối với học sinh tốt nghiệp cấp hai, cấp ba những năm 1966, 1967, 1968 do đều hoàn thành việc học trước năm hỗn loạn nên nền tảng học tập tương đối vững chắc, hầu hết những người ra trường đều có tri thức đàng hoàng, vững vàng. Thế nên, những học sinh trong lão tam giới có học lực khá giỏi sau hơn một tháng ôn tập nghiêm túc, việc họ có thể trúng tuyển vào một trường đại học là điều tương đối dễ dàng.

Còn với đầu óc và nền tảng học tập của Ninh Lan, muốn trong một tháng hơn ôn tập để thi vào đại học, chỉ có một chữ– Khó.


* * *

Ninh Lan tất nhiên cũng nhận ra công cuộc học tập của mình rất khó khăn nên không có giờ khắc nào cô không tự động viên bản thân. Khi cảm thấy không thể nào tập trung vào việc đọc sách, cô sẽ ngồi sao chép lại tất cả tài liệu ôn tập mà Lâm Kiến Đông cho mượn.

Thậm chí cô còn sao chép tới tận hai bản mà không sợ lãng phí thời gian, một bản cô giữ lại cho mình dùng và đưa bản còn lại cho các bạn cùng lớp, đồng thời mang tài liệu mượn được từ chỗ họ về. Rồi tình cờ, cô lấy được mấy quyển tự học đại số và hình học từ bạn cùng lớp.

Ninh Lan nhớ bìa của mấy cuốn sách cô từng nhìn thấy ở xưởng thêu giống hệt bìa của những cuốn sách mà bạn học cô cho mượn.

Lúc bạn học cô lấy ra mấy quyển sách này còn nói: “Khó khăn lắm mới cướp được đấy, phải nói là cực kỳ khó luôn. Có mấy quyển trong đó là đi mượn, nghe nói bộ tài liệu này lợi hại lắm, nhưng tớ xem qua thì thấy kiến thức của nó chuyên sâu quá, có ai trong các cậu muốn mượn về xem trước không. Tranh thủ xem nhanh nhanh còn trả lại cho người ta, rồi mấy người chúng ta lại giao lưu với nhau”.

Bởi vì muốn mấy quyển sách này mà Ninh Lan bị Ninh Hương ném sắc mặt ở xưởng thêu, nên cô cũng muốn lấy về xem thử. Không nghĩ ngợi nhiều, ngay cả do dự cũng không có, cô trực tiếp ôm lấy tập sách và nói rằng mình cầm về xem thử trước.

Người ta lập tức đưa sách cho cô để cô cầm về suy ngẫm kỹ, đợi sau khi suy nghĩ thấu đáo thì mang trả lại và nhân tiện giảng giải cho bọn họ nghe một chút.

Lúc Ninh Lan ôm mấy quyển sách về nhà đã nghĩ trong lòng, chỉ là mấy quyển tài liệu ôn tập mà thôi, đã không cho mượn lại còn ném sắc mặt cho cô nhìn. Có gì giỏi hơn người cơ chứ, chả lẽ khắp thiên hạ này chỉ có mình chị ta có, còn chỗ khác thì tìm không thấy à.

Chẳng qua, sách thì đã có, nhưng sau khi trở về nhà cô lấy sách ra lật thử hai trang nhìn xem, não cô lại bắt đầu đau như thể dây thần kinh bị gấp lại.

Kiến thức của những quyển sách này sâu hơn nhiều so với sách giáo khoa,đến những kiến thức cơ bản nhất trong sách giáo khoa cô còn không hiểu hết thì làm sao có khả năng trực tiếp xem và hiểu được những tài liệu ôn tập có độ khó lớn như vậy? Quả thật là tự làm khó chính mình.

Liên tục lật vài trang liên tiếp, Ninh Lan bị nghẹn ứ một hơi, cảm giác so với xem sách giáo khoa càng làm người ta đau đầu hơn.

* * *

Mỗi ngày đều vùi đầu vào học tập, chải vuốt tri thức, kiểm tra và chữa lỗi sai đề thi, thời gian hơn một tháng cứ thế trôi qua thật nhanh. Bởi vì không có tâm trí để quan tâm những việc khác, cho nên chỉ để ý mỗi mặt trời mọc hay mặt trời lặn mà thôi.

Đến tháng mười hai, hơi ẩm trong không khí bám vào da thịt và cái lạnh bắt đầu chui vào lỗ chân lông. Vào ngày thi tuyển sinh đại học, những ai tham gia thi tuyển sinh đều tập trung ở bờ sông, nghe theo chỉ huy của Lâm Kiến Đông cùng nhau chèo thuyền lên huyện để tham gia thi cử.


Tất cả mọi người chia thành đội nhỏ, ba đến năm người một thuyền, dọc đường lắc lư đi thẳng lên huyện rồi đến thẳng trường thi. Phiếu thi đã được phát từ sớm, các vật dụng cần thiết dùng để đi thi cũng được chuẩn bị trước và cất sẵn trong cặp. Đến phòng thi, mọi người tìm đến chỗ ngồi của mình, có rất nhiều người bắt đầu hà hơi, xoa tay, không biết là do hồi hộp hay do trời lạnh. Khi loa phát thanh đọc thông báo về kỷ luật phòng thi, tim ai nấy đều đập thình thịch không kiểm soát được.

Ninh Hương ngồi ở hàng ghế sau của phòng thi, nghe giọng nữ vô cảm truyền qua loa mà tim đập rất nhanh. Dù rằng bây giờ cô rất có lòng tin về trình độ học vấn của mình, nhưng cô vẫn rất lo lắng bởi cô chưa từng trải qua thi cử một cách nghiêm túc. Chỉ có ở mấy ngày nay gần đến ngày thi, Lâm Kiến Đông nghĩ biện pháp tìm thêm mấy bộ đề thi cho cô, còn mượn được một chiếc đồng hồ của bạn cùng lớp mang về. Anh cài đặt giờ và giúp cô mô phỏng cảnh đi thi mấy lần, bằng không hiện tại cô sẽ càng lo lắng hơn thế này.

Hai bàn tay cọ sát vào nhau, ngón tay và mu bàn tay đều đã đỏ ửng. Chờ đến khi giọng nữ trong loa đọc xong nội dung liên quan đến kỷ luật trong phòng thi, giám thị lập tức hủy phong bao chứa đề thi và phát đề thi cho mọi người, sau đó là đến thời gian làm bài.

Khi Ninh Hương mở bút viết tên và điền số báo danh lên giấy thi cô vẫn còn rất khẩn trương, nhưng khi bắt đầu làm bài thi thì cô cũng từ từ bước vào trạng thái. Cô tập trung hoàn toàn vào các câu hỏi và dần dần quên đi sự khẩn trương của mình.

Trong khi Ninh Hương đang tập trung cao độ, vùi đầu trả lời câu hỏi thì nhiều thí sinh khác trong phòng thi lại đang nhíu mày thở dài, có người còn thì thầm đọc đề thi ra thành tiếng như thể làm vậy mới xem như là đọc. Giám thị phải đi qua nhắc nhở mấy lần người kia mới không đọc nữa, sau đó thì cuống đến đổ mồ hôi hột.

Kỳ thi năm nay tổng cộng diễn ra trong hai ngày, ngày mười một và ngày mười hai. Sau môn thi cuối cùng vào ngày mười hai từ trong trường thi bước ra, mọi người hễ gặp được người quen đều xúm lại hỏi nhau có thi được không, nhưng hầu hết đáp án đều là lắc đầu.

Lúc Ninh Hương hỏi Tiểu Yến và Thải Phượng thi thế nào, hai cô ấy cũng là lắc đầu, nét mặt một lời khó nói hết.

Lúc hỏi đến Lâm Kiến Đông, anh không quá chán nản, chỉ nói: “Phát huy bình thường”.

Tiếp đó, anh nhìn Ninh Hương hỏi: “Còn em?”.

Ninh Hương mượn lời của anh, cũng trả lời lại: “Phát huy bình thường”.

Trong lúc thi, đầu óc cô luôn trống rỗng và không quá khẩn trương, tất cả câu hỏi đều được cô trả lời rất cẩn thận và cũng kiểm tra lại rất cẩn thận. Không có nhiều câu hỏi thực sự khó đến mức không thể trả lời, tóm lại là cô đã làm hết sức mình.

Hỏi nhau cũng không hỏi ra được cái gì, vì đây là kỳ thi tuyển sinh đại học đầu tiên trong ngần ấy năm, nên chẳng ai có kinh nghiệm quá khứ để mà chia sẻ lại nên chỉ có thể thi xong thì quay về nhà ngồi chờ kết quả. Kết quả như thế nào đều có khả năng hết và không ai có thể tự cho mình một cái cam đoan.

Hai ngày thi này, Ninh Hương vẫn luôn tập trung cao độ, hay có thể nói là rất căng thẳng. Hiện giờ đã thi xong, thần kinh của cô hoàn toàn thả lỏng nên giờ chỉ thấy mệt mỏi, chỉ muốn về nhà nằm nghỉ ngơi.

Nhưng khi trở lại đội Thủy Điềm, cô không lập tức trở lại nhà thuyền mà là đi thẳng đến nhà Vương Lệ Trân. Cô và Vương Lệ Trân cùng nhau nấu cơm, cô kể cho bà nghe về quá trình chuẩn bị cho kì thi hơn một tháng nay cùng với hai ngày thi vừa qua của cô.

Vương Lệ Trân vừa cười vừa nghe, nghe xong thì hỏi Ninh Hương: “Cháu có tự tin mình có thể thi đậu không?”.

Ninh Hương nhỏ giọng nói: “Thật ra, cháu có cảm giác là có”.

Vương Lệ Trân nghe thế thì càng cười lớn hơn: “Cứ nói toạc ra cũng được”.

Ninh Hương cười vui vẻ: “Lỡ mà không thi đậu thì mất mặt lắm đó bà”.


Vương Lệ Trân nghĩ thấy cũng đúng, nên nói: “Vậy chờ có kết quả rồi nói sau đi”.

Ninh Hương gật đầu với bà: “Vâng”.

Hai người vừa nấu cơm vừa nói chuyện phiếm, cơm nấu xong lại cùng nhau ngồi ăn.

Ăn được hai miếng cơm, Ninh Hương nói với Vương Lệ Trân: “Thế giới bây giờ thay đổi rồi bà ạ, đồng chí Đặng Tiểu Bình hiện ủng hộ khoa học kỹ thuật và giáo dục, ông ấy nói rằng ông ấy muốn đưa chúng ta đến một cuộc sống thịnh vượng Qua hai năm nữa, mũ trên đầu bà cũng sẽ được lấy xuống đấy ạ”.

Vương Lệ Trân tất nhiên có thể cảm giác được thế giới này đang biến hóa, lấy việc khôi phục thi tuyển sinh đại học làm ví dụ thôi, đó là một sự biến hóa đặc biệt lớn. Nhưng chiếc mũ trên đầu đã đè ép bà hơn mười năm, bà thực sự không dám hy vọng xa vời rằng sẽ có một ngày có thể lấy nó xuống.

Nhưng dù bà không dám có hy vọng xa vời thì bà vẫn không nhịn được mà nghĩ, nếu có một ngày thực sự lấy được mũ xuống, ông chồng chết tiệt kia của bà không biết liệu có thể trở về hay không. Sở dĩ bà sống một mình cô đơn lâu như vậy chỉ có một lý do, chính là muốn biết chồng của bà có còn sống hay không.

Chỉ là, bà sẽ không nói điều này với Ninh Hương, từng ấy năm tới nay, bà căn bản không dám nhắc tới người chồng ma quỷ kia nhà bà. Ngoài miệng không thể nói, chỉ có thể đặt ở trong lòng yên lặng tưởng niệm và có lý do để sống tiếp.

Bà không nhắc đến chồng mình với Ninh Hương, cũng không trả lời chủ đề có cởi được mũ hay không mà chợt nhớ ra một chuyện khác. Bà nhìn Ninh Hương rồi trực tiếp nói sang chuyện khác: “A Hương, cháu đã biết chuyện Lý Quế Mai mất chưa?”.

Nghe bà nói, bàn tay cầm đũa của Ninh Hương hơi sững lại, sau đó ngẩng đầu nhìn về phía Vương Lệ Trân.


– HẾT CHƯƠNG 46 –


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.