Bạn đang đọc Sau Khi Mẹ Kế Tỉnh Lại – Chương 4.
—SAU KHI MẸ KẾ TỈNH LẠI – THƯ THƯ THƯ —
?????
CHƯƠNG 3.
Người Dịch: Lan Thảo Hương.
Ninh Hương ra ngoài dạo một vòng tìm được Ninh Ba Ninh Dương trở về, cả nhà sáu người ngồi xuống ăn cơm.
Cơm canh mộc mạc đơn giản, với hai món rau xào, thêm một ít củ cải muối và dưa muối.
Trong bữa cơm, Ninh Lan lâu lâu nhìn thoáng qua Ninh Hương, cô cảm giác lần này Ninh Hương về nhà có chút khác biệt so với trước đây. Dù vẫn là tính tình không nói nhiều nhưng chị ấy trước kia nhìn lúc nào cũng dịu dàng, còn hiện tại cô luôn cảm thấy ánh mắt chị ấy quá lạnh, cũng không thích cười nhiều.
Ninh Hương chẳng nhìn ai cả, trầm mặc cúi đầu ăn cơm và cảm nhận hương vị quê hương quen thuộc của hạt cơm trong miệng. Kiếp trước, từ sau khi cô và Giang Kiến Hải vào thành phố ở thì không còn được ăn hạt gạo từ cây lúa trồng ở thôn Thủy Điềm nữa.
Hai chị em Ninh Hương và Ninh Lan không nói chuyện, Ninh Kim Sinh, Hồ Tú Liên, Ninh Ba và Ninh Dương lại nói không ngừng miệng. Giữa người lớn tán gẫu chuyện nhà trong làng, còn tụi nhỏ thì thảo luận chuyện chơi đùa thắng thua.
Mắt thấy cơm trong bát của Ninh Hương đã ăn gần hết, Hồ Tú Liên đột nhiên chuyển câu chuyện đến trên người cô. Bà nhẹ giọng nói: “Không vui thì ở nhà hai ngày, đợi trong lòng thoải mái hơn thì để ba con chèo thuyền đưa con về. Mẹ kế đúng là không dễ làm, nhưng lòng người đều là thịt, chỉ cần con chân thành đối tốt với bọn nhỏ thì sớm muộn gì mấy đứa Giang Ngạn cũng sẽ nhận con làm mẹ”.
Ninh Hương ăn nốt miếng cơm cuối cùng trong bát, bụng cũng lửng dạ no. Cô đặt chén đũa xuống, giọng điệu không có nhiều cảm xúc, thậm chí không nhìn Hồ Tú Liên, đáp: “Con không rẻ mạt đến vậy, con sẽ không trở về”.
Lời này trực tiếp làm cho Hồ Tú Liên nghẹn lời.
Ninh Kim Sinh lườm Ninh Hương, giọng điệu đặc biệt nặng: “Vậy mày muốn đi đâu?! Mày có thể đi đâu hả?!”.
Trong lòng Ninh Hương biết, Hồ Tú Liên và Ninh Kim Sinh sẽ không đồng ý cho cô ly hôn, câu nói kia còn có một tầng ý tứ khác chính là cô không thể trở về nhà mẹ đẻ.
Phụ nữ từ lúc bắt đầu kết hôn đã không có nhà nữa, về nhà ngoại thì thành thân thích mà ở nhà chồng lại là người ngoài.
Nếu như không có cha mẹ giúp đỡ, phụ nữ ly hôn ở thời đại này cũng mang ý nghĩa không có gì cả, không có chỗ để đi.
Hiện tại Ninh Hương không sợ bản thân không có gì và không có nơi nào để đi, cô chỉ sợ số phận của chính mình bị người khác nắm, bị người ta hút khô máu cả đời nhưng lại không được nhớ đến. Sợ chính mình lại sống uổng giống như cuộc đời trước, cho nên cô nhất định phải ly hôn với Giang Kiến Hải!
Cô bình tĩnh nhìn Ninh Kim Sinh: “Ba mẹ yên tâm, con sẽ không làm phiền đến hai người”.
Ninh Kim Sinh tức giận đến nghiến răng, Hồ Tú Liên sợ hai người lại cãi nhau nên vội vàng mở miệng: “A Hương, ly hôn là chuyện không tốt không nên treo ngoài miệng để nói. Chờ hết giận rồi nói sau, được không?”.
Ninh Hương hiểu rõ, mình và họ căn bản nói không thông. Bởi vì cô tùy tiện nói một câu, bọn họ sẽ có một vạn câu để nói lại cô. Đã nói không thông, cô tạm thời không muốn lãng phí nhiều miệng lưỡi với họ làm gì, đặt bát đũa xuống liền đứng dậy đi ra cửa.
Hồ Tú Liên đè lại cánh tay Ninh Kim Sinh không để cho ông quát mắng Ninh Hương nữa. Ý của bà rất rõ ràng—— Đừng để trong nhà huyên náo đến gà bay chó chạy, cứ để Ninh Hương xả hết giận ra, đợi cô phát tiết xong cảm xúc rồi lại nói sau.
Ninh Hương không quan tâm họ đang có ý đồ gì, dù sao quyết định của cô sẽ không thay đổi vì bất cứ ai hay bất cứ điều gì. Cô đi ra bờ sông tìm một chỗ không có ai, ở trên bậc thềm của bãi sông ngồi xuống để gió đêm quen thuộc trong trí nhớ thổi mát.
Ninh Hương có khuôn mặt xinh đẹp và dáng người thanh mảnh, dáng dấp của cô ở mười dặm tám hương quanh đây được xếp vào hàng đầu. Trước khi lấy chồng, bởi vì thêu thùa giỏi, cô thường nhận đồ thêu của trạm thêu ở trên công xã về nhà làm kiếm tiền nuôi gia đình. Do chưa từng ra ngoài làm việc nhà nông nên nước da của cô trắng muốt non mịn, tuy hơn nửa năm này ở nhà họ Giang bị giày vò nhưng ảnh hưởng không đáng kể.
Mười chín tuổi đang là độ tuổi như kiều như hoa, cô tết hai bím tóc lưu hành ở thời đại này, trên người khoác áo khoác ngắn màu trắng thêu hoa. Một mình ngồi ở bãi sông thất thần, trên đầu được tô điểm thêm cành dương liễu rủ xuống vẽ lên cảnh đẹp uyển ước tú mỹ Giang Nam.
Lâm Kiến Đông, đội trưởng của đội hai, ôm chậu gỗ đến bờ sông để giặt quần áo nhìn thấy Ninh Hương thất thần ngồi hóng gió. Thấy khung cảnh tựa như tranh vẽ này, anh vô thức dừng lại, đứng yên nhìn một lúc rồi cất bước đi về phía bãi sông. Anh ngồi xổm bên cạnh bãi sông cách Ninh Hương gần đó, múc nước trong sông giặt quần áo.
Thời đại này, nước sông vẫn rất sạch sẽ và cuộc sống sinh hoạt của người dân hai bên bờ không thể tách rời bãi sông. Đánh răng rửa mặt, vo gạo rửa rau, giặt quần áo đều sẽ ra bãi sông. Đương nhiên, bãi sông cũng là bến đậu của tàu thuyền.
Giặt được một lát, thấy Ninh Hương vẫn thất thần ngồi ở trên bãi sông, Lâm Kiến Đông chủ động chào hỏi trước: “Về nhà ngoại à?”.
Ninh Hương nghe có tiếng nói chuyện mới hậu tri hậu giác hoàn hồn, quay đầu thấy là Lâm Kiến Đông, đội trưởng đội sản xuất của họ, đến giặt quần áo. Thời nay, đàn ông đến bờ sông giặt quần áo là chuyện rất mới mẻ. Cô khách khí cười đáp: “Đúng vậy”.
Lâm Kiến Đông không lớn hơn Ninh Hương bao nhiêu tuổi và điều kiện gia đình cũng kém hơn nhà Ninh Hương. Nhưng anh đã từng học đến cấp ba, sau khi tốt nghiệp thì quay về quê lao động. Bởi vì làm việc chín chắn lại có văn hóa có đầu óc nên dù tuổi còn trẻ đã được đề bạt làm đội trưởng đội sản xuất.
Ninh Hương và anh cũng miễn cưỡng được coi là bạn từ nhỏ. Lúc nhỏ, cả hai thường cùng nhau bắt chuồn chuồn trên sân đập lúa ở giữa làng. Nhưng Ninh Hương học đến lớp hai thì bỏ học về nhà, còn Lâm Kiến Đông tiếp tục học lên cấp hai cấp ba, quan hệ của hai người cũng dần dần lạnh nhạt đi.
Hiện tại bất ngờ gặp mặt cũng không có lời nào để nói, bầu không khí hơi chút xấu hổ. Lâm Kiến Đông cười tìm chủ đề, mở miệng nói: “Từ ngày em lấy chồng, anh không gặp lại em nữa. Nghe người ta nói giờ em là vợ xưởng trưởng, gả tốt đấy”.
Gả tốt hay không, chỉ có người đã gả mới biết được.
Có đôi khi nhìn mặt ngoài ngăn nắp nhưng bên trong đã thối nát.
Ninh Hương không có tâm tình để ôn chuyện với Lâm Kiến Đông, cô hàn huyên với anh vài câu rồi thử thăm dò hỏi: “Đội trưởng, nếu như em trở về đội Thủy Điềm mà trong nhà không nhận em, vậy có thể làm phiền anh tìm cho em một chiếc nhà thuyền không? Không cần lớn, tiền thuê có thể rẻ một chút càng tốt”.
Ở ven sông này, thuyền so với nhà ở còn nhiều hơn. Có khá nhiều người sống trực tiếp ở trên thuyền, đặc biệt là các ngư dân sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông lớn, đời đời đều ở trên thuyền. So với tìm một căn nhà trống để ở thì tìm thuyền tương đối dễ hơn.
Ninh Hương nghĩ, nếu như cô khăng khăng muốn ly hôn với Giang Kiến Hải, nhà mẹ đẻ có lẽ sẽ không ở được lâu. Thế nên, tốt nhất cô nên tìm một chiếc thuyền nhỏ càng sớm càng tốt, để cô có chỗ che mưa che gió và không đến mức lưu lạc ở bên ngoài.
Trong thời đại tập thể này, phần lớn tài sản đều thuộc về nhà nước và tập thể, và được phân phối bởi nhà nước và tập thể. Nếu như gặp phải khó khăn, mọi người thường sẽ đi tìm tổ chức hoặc cán bộ giúp đỡ. Chỉ cần là cán bộ có trách nhiệm, họ sẽ nỗ lực hết mình để giúp đỡ đoàn viên giải quyết vấn đề.
Ban đầu, Ninh Hương dự định ngày mai lên huyện thành gửi điện tín cho Giang Kiến Hải trước, chờ gửi xong điện tín mới đi tìm đội trưởng Lâm Kiến Đông để hỏi chuyện này. Chẳng qua không nghĩ tới bọn họ sẽ gặp mặt ở đây, nên cô dứt khoát hỏi thử trước.
Lâm Kiến Đông nghe thế thì sửng sốt, anh hỏi lại cô: “Sao thế?”.
Quay về đội Thủy Điềm?
Người trong nhà không nhận cô ấy?
Ninh Hương đang định trả lời, nhưng chưa kịp nói gì thì đã nghe thấy giọng một người phụ nữ từ trên bờ: “Ôi, A Đông, đã bảo con cứ để đó mẹ giặt cho mà. Con là đàn ông, sao lại đi giặt quần áo?”.
Ninh Hương quay đầu nhìn, thấy đó là mẹ ruột Trần Xuân Hoa của Lâm Kiến Đông. Bà ấy bước xuống bậc thềm đi đến bờ sông, muốn kéo ra quần áo trong tay Lâm Kiến Đông tự mình giặt, để cho anh đi lên trên ngồi hóng mát.
Lâm Kiến Đông cầm quần áo tránh đi: “Mẹ, đàn ông phụ nữ cái gì, ai nói rằng đàn ông không thể giặt quần áo? Chủ tịch Mao đã nói, xã hội mới đề xướng nam nữ bình đẳng. Mẹ về nhà nghỉ ngơi đi, chút quần áo này con tự giặt được”.
Ninh Hương nhìn hai mẹ con, trong lòng nghĩ thầm—— Thời nay, thật sự có đàn ông ở nông thôn tin vào bình đẳng nam nữ sao? Không biết, khi nó có liên quan đến lợi ích của bản thân thì còn có thể nói thế không nhỉ.
Suy nghĩ đó cũng chỉ thoáng lướt qua trong đầu cô, Ninh Hương không mấy hứng thú đến chuyện nhà người khác nên không tiếp tục suy nghĩ nhiều. Cô vẫn đang chờ câu trả lời của Lâm Kiến Đông nên vẫn ngồi trên bãi sông chưa đứng dậy rời đi.
Trần Xuân Hoa không cướp được quần áo trong tay Lâm Kiến Đông, quay đầu lại thấy Ninh Hương ngồi gần đó thế là lịch sự mỉm cười chào hỏi: “Không phải A Hương đây sao? Nay về nhà ngoại à?”.
Ninh Hương khẽ mỉm cười gật đầu với bà ấy.
Trần Xuân Hoa nhìn băng gạc trên đầu cô, lại hỏi: “Đầu cháu bị làm sao thế? Bị người đánh à?”.
Ninh Hương vẫn cười nhẹ: “Bị đứa nhỏ đẩy đụng phải góc bàn ạ”.
Trần Xuân Hoa cau mày: “Nhìn thôi đã thấy đau rồi. Cháu phải cẩn thận đấy, đầu bị đập mà không chú ý là coi chừng ra mạng người đấy”.
Ninh Hương hơi nheo mắt lại, dạ một tiếng.
Trần Xuân Hoa là người rất thích buôn chuyện, nhìn thấy người là sẽ không thể chặn được miệng, bà tiếp tục cười nói: “Số A Hương cũng tốt, có thể gả cho xưởng trưởng Giang làm vợ. Người trong đại đội chúng ta ai cũng ghen tị với nhà cháu cả đấy. Xưởng trưởng Giang nhà cháu là người tài giỏi, chắc mỗi tháng gửi về nhà nhiều tiền lắm nhỉ, có phải mỗi tháng đều có thịt ăn đúng không?”.
Ninh Hương kéo khóe miệng cười, trả lời: “Cháu không biết gửi về bao nhiêu”.
Trần Xuân Hoa hơi mở to mắt: “Sao cháu lại không biết?”.
Ninh Hương nhìn bà đáp: “Tiền và phiếu gửi về đều do mẹ chồng giữ, cháu chưa từng được thấy”.
Đương nhiên, ở nhà họ Giang cô cũng chưa từng được ăn đồ ngon. Cho dù trong nhà có mua thịt về, đều là Lý Quế Mai và ba đứa nhỏ ăn, càng không nói đến bánh ngọt hay đồ ăn vặt, cô đến cái bóng của chúng cũng chưa được thấy.
Mỗi lần mua đồ về nhà ngoại cho Ninh Ba Ninh Dương đều là tiền túi cô tự bỏ ra, đó đều là tiền cô kiếm được nhờ thêu thùa. Nếu không phải cô tranh thủ trong thời gian rảnh làm ít thêu thùa kiếm chút tiền, vậy đúng thật là trên người không có một xu dính túi.
Trước khi kết hôn, cô chỉ tập trung làm đồ thêu kiếm tiền. Mỗi ngày tất bật từ sáng đến tối, do đó cũng ít khi động đến việc vặt trong nhà. Nhưng từ ngày lấy chồng, Lý Quế Mai vì có con trai là xưởng trưởng nên không thèm đến số tiền ít ỏi kiếm được từ việc thêu thùa của cô, vì vậy tất cả công việc trong nhà đều do một tay cô gánh vác. Mỗi ngày Ninh Hương phải giặt quần áo, nấu cơm, cọ nồi, quét rác, cho gà cho heo ăn, chẻ củi, trồng trọt rồi trông mấy đứa nhỏ. Hơn nửa năm nay gian nan vất vả không để lại nhiều dấu vết trên mặt cô, nhưng hai bàn tay đã trở nên thô ráp đi nhiều.
Trong khi đó tay của thợ thêu là cần phải nuôi, nếu như tay thô ráp sẽ khiến mặt thêu bị xước hoặc sờn chỉ, cho nên đã gần hai tháng rồi cô không chạm vào thêu thùa chỉ vì cô còn bận làm việc nhà. Lúc trước thêu thùa cũng là lén lút làm ở sau lưng Lý Quế Mai, vì cô sợ bà ấy biết cô có thời gian rảnh sẽ lại tìm việc gì đó bắt cô đi làm.
Ninh Hương chỉ nói một câu đơn giản, Trần Xuân Hoa lại nghe hiểu, bà à một tiếng dài.
Thấy có Trần Xuân Hoa ở đây, Ninh Hương biết cô và Lâm Kiến Đông e rằng không thể nói chuyện thuyền ở được nữa, mà chỉ có thể cùng Trần Xuân Hoa nói vài câu chuyện phiếm. Thế nhưng, hiện tại cô không có tâm trạng để nói chuyện phiếm cùng người khác nên đứng dậy chào hỏi rồi rời đi.
Chờ cô lên bờ và đi xa, Trần Xuân Hoa quay sang nói với Lâm Kiến Đông đang giặt quần áo: “Xem ra ở nhà chồng bị ấm ức”.
Lâm Kiến Đông nghĩ đến chuyện Ninh Hương ban nãy hỏi anh: “Chắc vậy”.
Trần Xuân Hoa nói tiếp: “Ôi dào, con bé bị chút ấm ức đó tính là gì? Vẫn còn nhiều người đang ăn không đủ no mặc không đủ ấm kia kìa. Phụ nữ đã gả đi lấy chồng, có ai không ít nhiều bị ấm ức? Con bé trước kia không được đi học, có thể gả cho Giang Kiến Hải cũng là trèo cao. Nếu không phải có mẹ già cần chăm sóc và ba đứa nhỏ vướng víu, loại gia đình như vậy cũng không đến lượt Ninh A Hương”.
Lâm Kiến Đông cúi đầu giặt quần áo, nói một câu: “A Hương rất tốt”.
Trần Xuân Hoa nói: “Tính tình đúng là rất tốt, nhưng lại không được đọc sách. Giang Kiến Hải xem mắt nhiều người như vậy cũng không coi trọng một ai, cuối cùng lại coi trọng con bé còn không phải vì dung mạo xinh đẹp, tính tình tốt hay sao? Bằng không với điều kiện vừa kém vừa nghèo của nhà con bé có thể với được người ta ư”.
Lâm Kiến Đông không nói thêm gì nữa, trầm mặc vừa giặt quần áo vừa nghe Trần Xuân Hoa kể chuyện đời này kiếp nọ của nhà người ta.
— HẾT CHƯƠNG 3 —